VHNA: Thưa ông, duyên cách, hay là giới hạn địa lý của Đông Nam Á cổ đại và Đông Nam Á hiện đại có sự dịch chuyển như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Từ sau Thế chiến thứ hai, khái niệm"Đông Nam Á" mới xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới để chỉ một khu vực riêng biệt nằm ở phía đông nam của châu Á và có tầm quan trọng đặc biệtvề địa chính trị. Trước thế chiến II, phần Đông Nam Á lục địa ngày nay được gọi là Indo-China (Đông Dương), còn phần Đông Nam Á hải đảo được gọi là thế giới Mã Lai. Xa hơn về trước, người Trung Quốc gọi khu vực này là Nam Dương, người Nhật Bản gọi là Nan Yo, ngưới Ấn Độ gọi là “Suvarnabhumi” (đất vàng) hoặc “Suvanardvipa” (đảo vàng), người Ả Rập gọi là “Qumr” (nghĩa đen là mặt trăng hoặc ánh trăng, nghĩa bóng chưa rõ), là “Waq-Waq”, “Zabag” (chưa rõ nghĩa).
Ngày nay, khái niệm Đông Nam Á vừa được sử dụng để gọi một khu vực địa lý hành chính, vừa để chỉ một khu vực văn hóa-tộc người. Bởi đây là hai lĩnh vực khác nhau nên phạm vi khu vực Đông Nam Á cũng được quan niệm không hoàn toàn giống nhau.
- Về khu vực địa lý hành chính, Đông Nam Á ngày nay bao gồm 11 quốc gia: Brunây, Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malayxia, Myanma, Philíppin, Singapo, Thái Lan, Timor Leste, và Việt Nam, với dân số khoảng 600 triệu người. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967. Lúc mới đầu có 5 thành viên là: Indonesia, Thái lan, Philippine, Singapore, Malaysia. Tiếp sau, các quốc gia khác gia nhập Hiệp hội trong các thời gian khác nhau: Bruney (1984), Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997), Cambodia (1999). Tháng 11 năm 2007 các thành viên đã ký Hiến chương ASEAN, một điều luật quản lý bên trong các thành viên ASEAN và biến ASEAN thành một thực thể pháp luật quốc tế.
Mặc dù mối liên kết giữa các thành viên còn chưa thật chặt chẻ, nhưng ASEAN đang từng bước trở thành một thực thể có bản sắc riêng của mình. Hiệp hội đang tích cực hoạt động để mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN trở thành hiện thực vào cuối năm 2015
- Theovăn hóa tộc người, Đông Nam Á được quan niệm rộng hơn. Ngoài khu vực 11 nước như vừa trình bày trên đây, nó còn bao gồm cả dãi đất kéo dài từ Đài Loan, qua nam Trung Quốc (từ phía nam sông Dương Tử), vùng đông-bắc và nam Ấn Độ. Nói chung chung là toàn bộ khu vực bị chi phối bởi chế độ thời tiết khí hậu nhiệt đới, gió mùa của châu Á.
VHNA: Từ một không gian địa lý, Đông nam Á đã trở thành một không gian văn hóa. Ông có thể cho biết những đặc trưng nổi bật của văn hóa Đông nam Á?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Sinh sống trong khu vực bị chi phối bởi hệ thống khí hậu nhiệt đới, gió mùa, các cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên những nền văn hoá tộc người và địa phương đa dạng, phong phú trên cơ tầng chung của văn hoá nông nghiệp. Họ chủ yếu sống bằng lúa gạo, với 2 hình thức canh tác: ruộng nước và nương rẫy; thuần dưỡng trâu, bò làm sức kéo; các bộ công cụ lao động và các hệ thống thủy lợi, dựa theo nguyên lý tự chảy của dòng nước được xây dựng hết sức đa dạng phù hợp với các môi trường sinh thái thành ở đồng bằng, vùng thung lũng chân núi, vùng sườn dốc... Một bộ phận cư dân Đông Nam Á rất thạo các nghề trong môi trường sông nước, họ đánh bắt cá và các loài thủy hải sản khác trên sông, trên các hồ và đầm phá cũng như ở các vùng biển gần bờ. Nhiều ngành nghề thủ công như: dệt nhuộm (lụa và các loại coton, sợi bả, sợi chuối, sợi dứa…), đan lát, làm gốm, sơn mài, điêu khắc gỗ, kim hoàn... rất phát triển. Đây là khu vực đa dạng các hình thức trình diễn dân gian như rối bóng, rối nước; âm nhạc truyền thống và các loại nhạc cụ rất gần gũi với thiên nhiên. Tập quán ở nhà sàn rất phổ biến ở khắp nơi. Giá trị gia đình, tinh thần kính trọng người già được đề cao, tổ tiên được coi trọng; truyền thống cộng đồng làng/bản bền chặt. Trên nền tảng của những tín ngưỡng dân gian bản địa như vật linh giáo, các nghi lễ nông nghiệp, thờ phụng tổ tiên, shaman giáo… tiếp thu thêm Hindu giáo, Phật giáo, Islam giáo, Ki tô giáo…làm cho đời sống tâm linh khu vực hết sức đa dạng và phong phú. Việc thực hành các tín ngưỡng cùng với sự đa sắc màu của các lễ hội làm cho bức tranh văn hóa khu vực có bản sắc riêng biệt.
Quá trình tiếp nhận lâu dài ảnh hưởng văn hóa từ Ấn Độ, Trung Hoa, thế giới Ảrập và châu Âu càng làm gia tăng tính đa dạng về văn hoá và tôn giáo ở Đông Nam Á. Tuy vậy, những đặc điểm chung và sự tương đồng vẫn được tiếp nối, tạo bản sắc chung cho khu vực.
VHNA: Tại sao người ta nói văn hóa Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: “Thống nhất trong đa dạng” là khẩu hiệu quốc gia của Indonessia. Thời kỳ mới giành độc lập để xây dựng được một quốc gia thống nhất trong bối cảnh về địa lý quốc gia này có hàng ngàn hòn đảo, về mặt tộc người có hàng trăm nhóm, về tư tưởng, văn hóa thì có vô vàn sự khác biệt... Indonesia đã đưa ra khẩu hiệu “Bhinneka Tunggal Ika”. Nghĩa đen của khẩu hiệu này là: “nhiều nhưng là một”, nội hàm này cũng có thể hiểu là “thống nhất trong đa dạng”. Khi nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thường mượn ngữ nghĩa của khẩu hiệu này để mô tả hiện trạng bức tranh văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á. Để hiểu biết chi tiết về vấn đề này cần nhiều thời gian, ở đây, tôi chỉ đưa ra vài ví dụ cụ thể mà thôi.
Ví dụ các cư dân Đông Nam Á đều là cư dân nông nghiệp, lấy lúa gạo làm nguồn lương thực chính-đấy là thống nhất. Nhưng xung quanh việc canh tác cây lúa thì lại rất đa dạng: canh tác lúa khô khác với canh tác lúa nước; mà canh tác lúa nước ở vùng đồng bằng với canh tác lúa nước ở vùng thung lũng chân núi lại khác nhau: về hệ thống thủy lợi, về công cụ, về giống lúa về qui trình canh nông, về các nghi lễ liên quan v.v...
Ví dụ khác, trong truyền thống đa phần cư dân Đông Nam Á đều ở nhà sàn, đấy là thống nhất. Nhưng trong thực tế có vô vàn loại hình nhà sàn: nhà sàn ở vùng sườn dốc khác với nhà sàn ở vùng đất bằng, nhà sàn làm ở vùng khô khác với nhà sàn làm ở các vùng đầm lầy, ngập nước; nhà sàn dài khác nhà sàn ngắn, chưa nói là tập quán sống trong các loại nhà sàn khác nhau của các nhóm cư dân khác nhau là vô cùng đa dạng.
Thêm một ví dụ khác, các cư dân Đông Nam Á đều thích và tự dệt nhuộm đồ vải để mặc, đấy là thống nhất. Nhưng từ nguyên liệu (lụa và các loại vải coton, sợi gai, sợi chuối, sợi dứa...) đến các kỷ thuật dệt và tạo hoa văn (sợi dọc sợi ngang, batic, ikat…), đến các mẫu quần áo, đồ trang sức thì vô cùng phong phú, đấy là đa dạng.
Nói chung, không chỉ ở lĩnh vực văn hóa mà cả trên các lĩnh vực khác, đều có thể sử dụng khẩu hiệu “đa dạng trong thống nhất “ để mô tả. Ví dụ người ta vẫn thường nói rằng các nước Đông Nam Á mặc dù khác nhau về ý thức hệ, nhưng các quốc gia sẳn sàng bỏ qua sự khác biệt ấy để hợp thành một Hiệp hội chung, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để cùng nhau phát triển chẳng hạn... Thật là lý thú phải không ?
VHNA: Hằng số văn hóa tiêu biểu nhất của văn hóa Đông nam Á?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Nội dung này đã nói qua ở trên, ở đây chúng ta chỉ cùng nhau điểm lại một vài đặc trưng (có thể coi là hằng số) văn hóa Đông Nam Á như sau: Sống bằng lúa gạo; ở nhà sàn; nghề thủ công (dệt nhuộm, sơn mài, đan lát, gốm sứ, rèn đúc, kim hoàn...) rất phát triển; các loại hình nghệ thuật dân gian như múa mặt nạ, rối (rối bóng, rối nước, rối dây) ... rất đa dạng; tôn trọng người cao tuổi, đề cao tính cộng đồng; cùng tiếp thu các loại hình tôn giáo thế giới trên nền tảng tín ngưỡng vạn vật hữu linh, nghệ lễ nông nghiệp và tập tục thờ phụng tổ tiên...
VHNA: Đông nam Á như một gạch nối Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, với Ấn Độ dương. Văn hóa Đông nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa – văn minh lớn của nhân loại là Trung Hoa và Ấn Độ. Xin ông khái quát quá trình tác động, ảnh hưởng của hai nền văn hóa – văn minh này đối với Đông Nam Á?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Có thể nói vào thời đại Đông Sơn, là thời kì mà nền văn hoá của các tộc người ở Đông Nam Á phát triển tương đồng và rực rỡ nhất. Cho tới lúc bấy giờ trên cơ bản, văn hóa khu vực Đông Nam Á vẫn phi Hoa phi Ấn. Còn sau đó nền văn hoá của các tộc người ở khu vực này dần dần bị lu mờ bởi ảnh hưởng của hai nền văn minh lân cận: văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa. Hai nền văn minh này đã được áp đặt đối với Đông Nam Á trong hàng chục thế kỷ, đến mức người châu Âu đặt cho vùng này những cái tên như Greater India (đại Ấn), Hinteriadien (nội Ấn), hoặc Indochine (Trung-Ấn: Đông Dương). Người Hán đã thể hiện sự bành trướng của họ từ lưu vực phía nam sông Hoàng Hà cho tới tận vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ bằng những cuộc chiến tranh tàn khốc và bằng sự áp đặt chữ viết, văn hoá, thể chế chính trị xã hội và luật pháp... của họ cho những vùng mà họ chinh phục được. Với tính năng động và không gian xã hội rộng lớn của nền văn hoá Đông Sơn của người Việt mới chống lại được sự Hán hoá suốt nghìn năm Bắc thuộc của Trung Hoa.
Nếu như quá trình bành trướng của người Trung Quốc diễn ra theo lối cuốn chiếu thì quá trình Ấn hoá lại tiến hành theo một sơ đồ đa trung tâm bằng nhiều đầu cầu dẫn tới một bán đảo văn hoá. Một bên là một cuộc chinh phục bằng quân sự ồ ạt từ bắc xuống nam, bên khác là trên các bờ biển Đông Nam Á từ lục địa đến hải đảo nhiều thương điếm được thiết lập, về sau trở thành những khu thương mại của Ấn kiều phát huy ảnh hưởng của chúng vào trong đất liền theo kiểu vết dầu loang.
Sau ngàn năm Hán hoá và Ấn hoá các khu vực thuộc Đông bắc Á bị lu mờ bởi tác động của nền văn hoá Trung Hoa, còn các khu vực thuộc nam Á lại bị lu mờ bởi tác động của nền văn hoá Ấn Độ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các nền văn hoá bản địa hoàn toàn bị đồng hoá, sau ngàn năm giao lưu tiếp xúc về mặt văn hoá tộc người, khu vực Đông Nam Á vẫn được nhận diện trên ba nền tảng chính: ngôn ngữ tiền Nam đảo; văn hoá vật thể (thuộcvăn minh nông nghiệp) giống nhau; và vị thế của người phụ nữ được đề cao trong xã hội.
Về sau các nền văn hoá bản địa ở khu vực Đông Nam Á ở các mức độ khác nhau đều cùng bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá từ Ả rập và từ phương tây. Bối cảnh lịch sử như vừa trình bày đã góp phần làm cho nền văn hoá của khu vực cùng chịu chung những vận mệnh.
VHNA: Có thể nói Đông Nam Á là ngoại biên của văn hóa Ấn và văn hóa Hán được không? Vì sao?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Như đã nói ở trên, trước đây khi người châu Âu lần đầu tiên đến Đông Nam Á thì họ cảm nhận như vậy. Bởi vì họ là người “bên ngoài” (Outdider) và lúc bấy giờ họ chưa đủ cảm nhận về văn hóa bản địa. Đến ngày nay thì tôi không còn nghĩ như vậy nữa. Bởi, mọi người thử liếc nhìn xem, ngoài các ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa, khu vực Đông Nam Á còn chịu tác động mạnh từ văn hóa Ả rập, văn hóa Âu, Mỹ... và cơ bản là cả một nền tầng văn hóa bản địa, có thể coi là nền tầng văn minh nông nghiệp còn tồn tại rất mạnh mẽ- như đã đề cập ở các phần trên. Các cư dân Đông Nam Á, đã lựa chọn tiếp thu các yếu tố văn hóa được du nhập từ bên ngoài để xây dựng một nền văn hóa bản địa có bản sắc riêng của khu vực. Đây là nền tảng đang được phát huy để xây dựng Hiệp hội Đông Nam Á thành một thực thể có bản sắc văn hóa chung mà.
VHNA: Trở lại với vị trí của Việt Nam, nhiều người cho rằng cơ tầng, hay là trầm tích văn hóa Việt là thuộc về Đông Nam Á. Thế nhưng, trải qua biến thiên lịch sử, các lớp trên của tầng văn hóa Việt đã bị Hán hóa rất nhiều. Thậm chí không ít lần giới nghiên cứu, và cả giới chính khách, vẫn cho rằng Việt Nam hiện đại thuộc không gian văn hóa Khổng giáo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Nhìn từ thượng tầng kiến trúc, nhất là ở khu vực miền bắc Việt Nam mọi người đều có cảm giác như vậy. Nhưng nhìn rộng hơn và sâu hơn thì có thể nghĩ khác. Đúng là Nho giáo ảnh hưởng rất mạnh mẽ ở nước ta, nhất là miền bắc. Nhưng nền tầng tiểu nông, xóm làng Việt Nam có rất nhiều phong tục lệ làng phi Nho giáo không phải là bối cảnh xã hội tốt để Nho giáo độc hành. Nên nhớ rằng một số triều đại của Việt Nam trước đây công khai chính thống đề cao khoa cử Nho giáo nhưng thực chất là phóng khoáng Rộng Dung Nho-Đạo-Phật cùng các tín ngưỡng dân gian rất đậm đặc khác. Mà ngày nay thì cũng vậy, theo tôi, Nho giáo ở Việt nam chỉ là “tinh thần” Nho giáo ấy thôi chứ chưa phải và không phải là Nho giáo chính thống.
VHNA: Nếu vậy, Việt Nam có phải là gạch nối giữa không gian văn hóa Khổng giáo/Trung Hoa với Đông Nam Á có nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Tôi không nghỉ như vậy, bởi vị trí địa văn hóa của Việt Nam nên miền bắc Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và các nền văn hóa khác. Còn miền nam Việt Nam ảnh hưởng của Nho giáo nhạt hơn và ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đậm hơn. Nhưng nhìn chung nền tầng văn hóa Việt Nam vẫn mang tính bản địa Đông Nam Á rõ nét.
VHNA: Xét về hiện tượng, chúng tôi thấy, trong lịch sử hiện đại, từ cấu trúc địa văn hóa hình như đã ảnh hưởng đến cấu trúc địa chính trị của khu vực này. Việt Nam chịu ảnh hưởng và gắn bó nhiều hơn với văn hóa Hán nên đã có sự lựa chọn chính trị, lựa chọn con đường phát triển khác với phần còn lại của khu vực. Đó là hiện tượng, liệu nó có nguyên nhân từ trong thẳm sâu cơ tầng văn hóa không, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Có thể là như vậy, nhưng cần phải nhớ rằng việc lựa chọn con đường phát triển cho một quốc gia thường bị tác động bởi các bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đương thời. Đã có thời kỳ Việt Nam lựa chọn con đường phát triển khác phần còn lại của Đông Nam Á, nhưng việc lựa chọn ấy đâu có ngăn cản Việt Nam quay lại hội nhập khu vực Đông Nam Á, và ngày nay Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ấy thôi.
VHNA: Ta hay nói rằng văn hóa Việt Nam có phẩm chất khoan dung. Đó là do cơ tầng, cơ địa của cư dân sông nước, làm lúa nước hay là giải pháp tình thế bởi văn hóa Việt Nam chịu sự ảnh hưởng rất sâu của văn hóa Hán?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Tôi cho rằng phần khoan dung trong văn hóa Việt có căn nguyên trong văn hóa nông nghiệp, từ tàn tích dân chủ (theo cách nói của nhà dân tộc học đã quá cố: Nguyễn Đức Từ Chi) trong các cộng đồng làng xã, từ nền tầng của các xã hội coi trọng và đề cao vai trò của người phụ nữ. Những gì như vừa đề cập về cơ bản đều tồn tại trong văn hóa bản địa của toàn bộ khu vực Đông Nam Á chứ không riêng gì ở Việt Nam.
NHNA: Các quốc gia – dân tộc Đông Nam Á đều có văn hóa đa sắc tộc. Hiện nay nhiều nước Đông Nam Á đã và đang có tốc độ phát triển rất nhanh và vững chắc. Một trong những nguyên nhân là họ đã có quan điểm khoa học, khách quan và chính sách phát triển văn hóa rất thực tế, thiết thực. Xin đề nghị ông giới thiệu một số những quan điểm và chính sách văn hóa nổi bật của họ?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Đúng là hầu khắp các quốc gia Đông Nam Á đều giống Việt Nam: đa sắc tộc, đa văn hóa. Đa sắc tộc, đa văn hóa là một trong các “tài nguyên” để phát triển, nhưng từ góc nhìn quản lý điều đó cũng là một thách thức: làm thế nào để vừa duy trì được sự đa dạng ấy mà vừa quy tụ chúng thành một bản sắc chung đảm bảo ổn định cho từng quốc gia dân tộc phát triển? Đây là một vấn đề khó khăn phức tạp, và mỗi quốc gia đều có cách lựa chọn riêng. Nhưng nhìn từ góc độ quan điểm và chính sách thì hầu như các quốc gia Đông Nam Á đều ưu tiên, đều nhấn mạnh đến tính thống nhất của quốc gia dân tộc. Trước khi đi đến một vài ví dụ cụ thể chúng ta cũng nên hiểu trách nhiệm của một thể chế xã hội đối với lĩnh vực văn hóa. Theo đó, có thể quy về hai nhiệm vụ chung: một là thể chế có trách nhiệm đề ra cương lĩnh văn hóa, hai là xây dựng các cơ cấu tổ chức để quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa. Việc thực hiện cả hai nhiệm vụ lớn này giữa Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, từ góc độ nghiên cứu chúng ta có thể nhận ra một số nét khác biệt.
Về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, nhìn chung các cơ quan về văn hóa cấp quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đều tập trung đề ra các luật về văn hóa, các quy chuẩn văn hóa... và sử dụng chúng như các công cụ để quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa. Các cấp địa phương (như tỉnh, huyện đặc biệt là các cộng đồng chủ thể văn hóa) phải tuân thủ pháp luật và các văn bản có tính pháp luật để tổ chức quản lý và hoạt động văn hóa cụ thể. Các cơ quan nhà nước đầu tư và hỗ trợ một phần tài chính và các cơ sở vật chất khác và thông qua các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức hoạt động văn hóa (quan phương và phi quan phương) để hỗ trợ các cộng đồng về chuyên môn và nghiệp vụ hoạt động văn hóa. Còn ở Việt Nam thì như mọi người đều đã biết, tính hành chính còn nặng trong quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa. Các cơ quan văn hóa cấp trung ương áp đạt cách quản lý và cả chuyên môn nghiệp vụ xuống cấp dưới như tỉnh, huyện, xã và đôi lúc áp đặt xuống cả các cộng đồng chủ thể, mọi thứ đều được diễn theo kịch bản. Kết quả, cả thành tựu và hệ lụy mà hai cách quản lý khác nhau thu được thì mọi người đều có thể suy ngẩm được.
Về xây dựng cương lĩnh văn hóa. Như đã đề cập, hầu khắp các quốc gia Đông Nam Á đều ưu tiên mục tiêu thống nhất quốc gia dân tộc và nội dung của cương lĩnh được xác định rõ ràng.
Ví dụvề cương lĩnh ý thức hệ Pancasilacủa Indonesia. Cương lĩnh này được đề xuất sau khi Indonessia dành được độc lập (17/8/1945), Pancasila trở thành một thứ triết lý nhằm thống nhất quốc gia. Năm 1975, Pancasila được đưa vào nhà trường. Từ năm 1978 trở đi, Pancasila trở thành kim chỉ nam cho toàn bộ xã hội. Pancasila là một hệ thống bao gồm 5 nguyên tắc hay năm tín điều (ngũ giới).
Nguyên tắc thứ nhất, tin vào một chúa trời (Belief in One God). Nguyên tắc này không quy định phải tin vào một tôn giáo riêng biệt, cụ thể nào trong hàng trăm tôn giáo hiện hữu ở Inđônêsia, nhằm lôi kéo hoặc bao quát tất cả mọi người dân mộ đạo ở đất nước này. Như vậy cũng có nghĩa nó từ chối dành sự ưu tiên cho Hồi giáo.
Nguyên tắc thứ hai là bảo đảm sự thống nhất của Inđônêsia.
Nguyên tăc thứ ba là thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn.
Nguyên tắc thứ tư là thực hiện công bằng xã hội.
Nguyên tắc thứ năm là xây dựng một xã hội dân chủ.
Theo một số nhà nghiên cứu, thực chất Pancasila là một thuyết đa nguyên tôn giáo và đã được tất cả các nhóm tộc người hưởng ứng, tham gia, vì dưới hình thức Pacansila, tự do tôn giáo được đảm bảo, không có một tôn giáo nào, dù là Hồi giáo, có quyền và vị trí độc tôn. Có thể là chưa tối ưu, nhưng cương lĩnh Pancasilađã đảm bảo cho một nước rất đa dạng về văn hóa, tộc người, tôn giáo và có những hệ tư tưởng khác biệt như Indonesia đảm bảo sự ổn định tương đối để phát triển.
Ví dụ khác về cương lĩnh của Rukunegara của Malayssia. Malaysia cũng là một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo, bao gồm 3 nhóm người chính: người Melayu, người Hoa, người Ấn và các tộc người bản địa khác, trong đó người Melayu chiếm 50% dân số, giữ vị trí thống trị về chính trị nhưng lại yếu về kinh tế, còn người Hoa, chiếm 30% dân số, được xem như dân di cư, vị thế chính trị thấp, nhưng lại nắm kinh tế. Thuyết “ngũ giới” Rukunegara, ý thức hệ quốc gia nhằm tạo ra sự thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc của quốc gia này cũng gồm năm điểm:
- Tin ở thượng đế.
- Trung thành với quốc vương và đất nước.
- Giữ gìn hiến pháp.
- Cai trị bằng pháp luật.
- Hành vi đạo đức tốt.
Nhìn từ góc độ văn hoá, có thể thấy, tham vọng của Rukunegara là nhằm tạo ra sự dân chủ trong xã hội, sự khoan dung về tôn giáo, sự đa dạng về văn hoá tộc người nhưng vẫn khẳng định được vị thế về chính trị, văn hoá của người Meleyu.
Ví dụ cuối về cương lĩnh của Singapore. Đảo quốc này có nét đặc trưng riêng. Là một nước nhỏ, diện tích chỉ có 647km2, với khoảng 4 triệu dân, nhưng Singapore cũng là một xã hội đa nguyên về chủng tộc, đa nguyên về văn hoá, trong đó người Hoa chiếm tới 78%, người Melayu chỉ có 15 %, còn lại là một số chủng tộc khác. Xã hội Singapore tiềm ẩn xung đột giữa các nền văn hoá: văn hoá Trung Hoa, văn hoá Melayu, văn hoá phương Tây….Để đảm bảo mối quan hệ giữa các tộc người được bền vững, Singapore đưa ra một hệ giá trị chung của quốc gia, bao gồm 5 điểm:
1. Quốc gia là tối cao, xã hội là trên hết.
2. Gia đình là gốc, xã hội là căn bản.
3. Quan tâm giúp đỡ và cùng thuyền cứu giúp lẫn nhau.
4. Cầu đồng tồn dị, hiệp thương nhận thức chung.
5. Hài hoà chủng tộc, khoan dung tôn giáo.
Có thể nói, mặc dù được xếp cuối cùng, nhưng trong hệ thống giá trị này, sự hài hoà chủng tộc, khoan dung tôn giáo có một vị trí đặc biệt trong sự ổn định, thống nhất và phát triển quốc gia. Có người cho rằng, đây là giá trị quan trọng nhất của Singapore, làm cho Singapore khác với Hông Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những quốc gia, vùng lãnh thổ vốn chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hoá Hán.
Các quốc gia Đông Nam Á khác đều có cương lĩnh văn hóa tương tự như 3 ví dụ trên đây. Khác chăng chỉ là ở chổ các quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo thì họ lấy triết lý Phật giáo làm nền tàng tinh thần cho xã hội.
Trở lại với cương lĩnh văn hóa của Việt Nam, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng thế nào là tiên tiến, thế nào là bản sắc dân tộc thì chúng ta chưa xác định một cách cụ thể. Một sự khác biệt nữa là trong khi các nước Đông Nam Á coi các triết thuyết của các tôn giáo như là một nền tảng tinh thần để xây dựng cương lĩnh thì ở Việt Nam lúc thì đề cao Nho Giáo, lúc lại đề cao Phật Giáo, thậm chí có người còn muốn đặt Đạo Mẫu ở vị trí trung tâm. Nói chung là giới học giả Việt Nam chưa đi theo hướng tìm kiếm một nền tảng tinh thần chung mà các tôn giáo các dân tộc khác nhau có thể chấp nhận như cách làm của các nước Đông Nam Á.
VHNA: Việt Nam chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm gì từ thực tiễn bảo tồn và phát triển văn hóa của các quốc gia Đông nam Á?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Theo tôi chúng ta nên tìm hiểu và có thể tham khảo một số vấn đề mà các nước xung quanh đã thực hiện như sau:
-
Hoàn thiện cương lĩnh tinh thần làm nền tảng để hoạt động văn hóa
-
Xác lập được các quy chuẩn văn hóa
-
Trong thực tiển quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa nên đề cao vai trò trách nhiệm của các cộng đồng chủ thể văn hóa; giảm dần tính chất hành chính trong các hoạt động này.
VHNA:Trở lại câu chuyện địa văn hóa – chính trị, có phải từ mấy ngàn năm nay, ít nhất là từ Công nguyên trở lại đây, chúng ta luôn phải ở trong tình thế nước đôi, tự giằng xé và bị giằng xé, níu kéo giữa Hán và Đông Nam Á, trên cả hai phương diện, văn hóa lẫn chính trị? Sự giằng xé, níu kéo đó có làm hao tổn năng lượng sáng tạo, phát triển của dân tộc?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Đúng vậy, nhưng nên nhớ rằng chúng ta có quyền lựa chọn và khi được quyền lựa chọn thì chúng ta nên lựa chọn một cách thông minh nhất.
VHNA:Vậy, chúng ta nên có sự lựa chọn như thế nào để có lợi cho sự phát triển bền vững, cả về kinh tế và văn hóa?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Tôi không thể nêu cụ thể cách lựa chọn nào cả, nhưng về nguyên tắc lựa chọn, theo tôi, chúng ta có thể học tập nguyên tắc lựa chọn của Singapore, của các quốc gia Đông Nam Á khác: Lợi ích quốc gia là tối cao, lợi ích xã hội là trên hết. Cứ theo tinh thần đó tôi tin là chúng ta có thể lựa chọn được cho mình con đường phát triển bền vững.
VHNA:Vâng, xin cám ơn ông về cuộc trao đổi. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp tiếp tục câu chuyện một cách kỹ càng hơn./.
Phan Thắng thực hiện