Cảm ơn ông Dương Trung Quốc đã nói hộ lòng dân. Bấy lâu nay dân cũng tâm tư lắm. Ngồi đâu cũng thấy người ta bàn tán chuyện phong tướng, phong tá. Ngày xưa ấy à, cái thời giặc giã ấy, bộ đội nườm nượp qua làng vào Nam chiến đấu hết năm này đến năm khác, có ai thấy mặt ông tá ông tướng nào đâu.
Hồi ấy, thiếu úy đã là oai lắm rồi. Tôi có ông cậu, đi lính từ sau ngày độc lập, tham gia hết Việt Bắc đến Biên giới rồi Điện Biên Phủ. Chống Mỹ, đánh một lèo từ bắc chí nam, kết thúc chiến tranh ở Sài Gòn với cấp hàm đại úy. Ngày ấy cả họ tự hào về ông, vì gì thì gì cũng là sĩ quan cao nhất xã.
Bây giờ, cỡ đại úy như ông nhiều hơn chiến sĩ. Chẳng nói đâu xa, gần nhất với dân là công an phường. Ba mươi năm trước, Trưởng công an phường đeo lon trung úy. Bây giờ trưởng công an phường là trung tá, phó công an phường hai ba vị cũng trung tá. Tiếp dân hàng ngày (đăng kí tạm trú, tạm vắng, đóng dấu giấy tờ), toàn sĩ quan cấp úy, cấp tá. Chẳng thấy chiến sĩ đâu mà cơ quan thì biên chế chắc chưa đến một trung đội.
Hằng ngày, bật ti vi xem các chương trình quốc phòng, an ninh, tướng tá cũng xuất hiện nhiều hơn quân. Dân tâm tư không chỉ cái số lượng nhiều hay ít mà là chất lượng và đi kèm cấp hàm còn là chế độ đãi ngộ, là lương bổng.
Ngày trước, mải đánh giặc, chuyện phong cấp hàm có khi bị “quên” đi. Thế mới có chuyện chức tiểu đoàn trưởng nhưng lon vẫn là thượng sĩ. Bây giờ đến hẹn lại lên, ba bốn năm một bậc, cấp tướng thì không thời hạn. Có vị vừa mới được phong tướng năm trước, chỉ một hai năm sau đã thấy phong tiếp. Dân chẳng hiểu ông có tài thao lược hay thành tích gì đặc biệt mà cứ được thăng vù vù vậy.
Thời đánh Mỹ, cả nước có 36 vị tướng mà chỉ huy hàng mấy triệu quân đánh giặc. Dân hầu như ai cũng biết tiếng dù chưa bao giờ gặp mặt. Nhưng hữu xạ tự nhiên hương. Tên tuổi các vị gắn liền với những chiến công, những trận đánh lừng lẫy, chẳng cần báo đài tuyên truyền mà dân ai cũng có thể kể vanh vách về họ với lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Bây giờ, tướng nhiều như sao trên trời, nhưng thử hỏi có mấy vị tên tuổi đọng lại được trong lòng dân?
Người xưa nói, binh hùng tướng mạnh là muốn nhấn đến chất lượng. Quí hồ tinh bất quí hồ đa. Quân cũng thế mà tướng lại càng phải thế. Phẩm hàm phải tương xứng với tài năng.
Nói đến tài năng, lại nhớ câu chuyện cha con ông Trần Quốc Hải – những nông dân miệt vườn giúp Campuchia chế tạo thành công xe bọc thép, trong khi hàng ngàn tiến sĩ mỗi năm “đẻ” đề tài khoa học như gà đẻ trứng nhưng vẫn bất lực không làm nổi con ốc vít. Dân tâm tư, liệu có phải đây là những tiến sĩ “giấy” như Cụ Nguyễn Khuyến khi xưa từng gọi?
Tướng – ông tướng – vị tướng – những tên gọi ấy toát lên cái uy của người được mang danh đó. Uy về hình thể, và quan trọng hơn là uy về thao lược cầm quân. Đọc lại mấy câu thơ xưa của các cụ:Đồn rằng quan tướng có danh/Cưỡi ngựa một mình chẳng chịu vịn ai/Vua khen rằng ấy mới tài/Ban cho cái áo với hai đồng tiền…mà chợt nhớ đến tâm sự của Nguyễn Khuyến.
...................
Nguồn tham khảo:
- http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-tuong-Phung-Quang-Thanh-Khong-phong-Tuong-anh-em-tam-tu-post151969.gd
- http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ong-Duong-Trung-Quoc-Tai-sao-lam-luat-ma-cu-noi-chuyen-tam-tu-post152192.gd