Khách mời văn hóa

Công Phượng, VTV chuyển động 24h và dư luận

Lời tòa soạn: Hơn mười ngày nay dư luận sôi lên vì VTV chuyển động 24h với câu chuyện của cầu thủ Nguyễn Công Phượng. Rất nhiều ý kiến khác nhau, người bảo vệ Công Phượng, kẻ bênh VTV. Nhưng xem ra người chê VTV và bảo vệ Công Phượng nhiều hơn. Vấn đề không chỉ là thông tin mà VTV chuyển động 24h đưa ra nữa mà nguwoif ta đang đặt dấu chấm hỏi rằng tại sao VTV làm vậy, nguyên nhân sâu thẳm của nó là cái gì? Và tờ báo Thể thao 24h với Chuyển động 24h có quan hệ như thế nào mà kẻ tung người hứng, “song kiếm hợp bích” để quyết đánh gục “cậu bé đá bóng” Công Phượng? Họ đi tìm sự thật cho công lý hay nhân danh sự thật để bán báo, câu view. Nếu đi tìm tuổi thật vì nhu cầu minh bạch của xã hội thì tại sao không chọn các quan chức mà điều tra?

Chuyên mục Khách mời của tạp chí xin gửi tới bạn đọc ý kiến của một số nhà báo trao đổi với VHNA .

TRẦN ĐẮC TÚC: Có thể có ai đó được lời lớn trong scandan này, nhưng những nhà báo, tờ báo của các vị sẽ mất to.

Tôi không nỡ gọi tên em ra, vì hàng tháng nay, trên các trang báo lớn nhỏ, vụ em sinh năm  1993 hay 1995, con số nào đúng, đã rộ lên như một sự việc động trời. Mở báo nào cũng thấy. Bắt đầu từ một tin hộp diêm, thế rồi  Thể thao 24h, VTC, Dân trí, Báo mới, GDVN và không biết bao nhiêu trang mạng nữa được sao chép, chuyển tiếp. Những cái tít được giật to đùng. Theo họ, nếu không tìm ra được ngày sinh chính thức của em, thì nền thể thao nước nhà sẽ mắc đại nạn. Có báo gọi, đây là một nghi án, phải truy nguyên vv ..và vv. Một cơn bão dư luận dai dẳng, một đòn đánh hội đồng, có một không hai, duy nhất chỉ nhằm vào em.

Trong trận bão dư luận đó, buồn nhất phải kể đến một chương trình sinh sau đẻ muộn của VTV, đó là Chuyển động 24h . Từng xới xáo khi dư luận đã lắng xuống, khi các báo in đã thu bộn tiền, các đường truyền đã tăng người truy cập, sau khi cơ quan chức năng chủ quản là VFF về tận quê, xác nhận hồ sơ của em thì trưa ngày 16/11 Chuyển động 24h lại trưng ra các bằng chứng mới. Dẫu trước đó, người đứng đầu Tổng cục TDTT đã yêu cầu chấm dứt chuyện tranh cãi về ngày sinh của em, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Để vớt vát, tối 17/11, Chuyển động 24h, lại đề cập chuyện này. VTV quyết đúng đến cùng.

Đúng sai chuyện đó kết cục để làm gì ?

Cảnh báo ư ? Thừa rồi, mới năm trước, ông Tổng biên tập đáng kính của tờ báo Thiếu nhi đã thẳng tay tước bỏ danh hiệu của đội bóng thiếu nhi  tỉnh nọ gian lận tuổi. Bài học ấy, nếu đưa chuyện em thì chỉ là đấm vào cánh cửa đã mở toang. Rẻ tiền lắm! Sao không đưa chuyện gian lận tuổi của các quan chức hồi những năm 90, sau khi có Nghị định tuổi về hưu đã thay đổi ngày sinh? Sao không truy tìm thêm gian lận người khai man thành tích Anh hùng, nay đang rộ lên tin đồn chưa chắc đã là Đảng viên mà lại làm Bí thư Tỉnh uỷ? Hay tài sản khủng của ông quan Thanh tra ? Mà lại chỉ nhăm nhăm đánh vào em, người mà tôi và hàng triệu người yêu bóng đá Việt nam yêu quý. Em có tội gi ?

Tôi không tin khi biết tuổi thực, cho dù có là năm nào, tháng nào, ông bầu đáng kính của em và cả của tôi nữa, lại đuổi em. Cũng như không tin hàng vạn người đã hồi hộp vào sân xem em và đồng đội thi đấu, lại quay lưng lại với em, dẫu rằng trước đó họ đã không buồn đến sân khi tuyển Viêt. Nam thi đấu cúp này cúp nọ.

Nhân đây tôi muốn nói chuyện lương tâm nghề báo. Trong các phóng sự điều tra, các nhà báo có nghề, họ thường đánh nhoà khuôn mặt, dấu hình, kể cả những đối tượng thấp hèn, để mai ra, các đối tượng có thể hoàn lương. Vậy mà nỡ nào, tên em, hình em, người được hàng triệu người yêu quý cứ chường lên mặt báo ! Nhẫn tâm lắm.

 Dừng ngay thôi, các nhà báo, các ông Tổng biên tập, các ban bệ, báo nọ báo kia ơi, chiêu trò này lố lắm, mà thảm lắm. Có thể có ai đó được lời lớn trong scandan này, nhưng những nhà báo, tờ báo của các vị sẽ mất to. Đó là mất niềm tin ở báo các vị. Điều này lớn gấp triệu lần cái chuyện các vị hành trình tìm cái ngày sinh thật của em. Rồi cơ quan điều tra sẽ tìm ra sự thật.

Đừng làm khổ người nghe, người xem, đừng biến các phương tiện truyền thông thành lá cải !

                                     20h ngày 17/11/2014 sau khi xem Chuyển động 24h                                                

NGUYỄN AN THANH: Nếu chỉ lựa chọn đề tài theo kiểu “con hổ bắt con bò thì im, con mèo bắt con chuột thì làm ầm ĩ” chắc chắn Chuyển động 24h sẽ mất dần lượng người xem.

Những ngày qua, trên diễn đàn fb S+ và songlamplus.vnđang dậy sóng bởi các bài báo của Thể thao24h và Chuyển động 24h xung quanh tuổi thật của Công Phượng. Đứng về góc độ làm báo, sau khi thay măng-séc, ra bộ mới thì Thể thao24h đã thu hút được người đọc bằng thủ thuật câu view, Chuyển động 24h với tiêu chí “hướng tới vị trí dẫn đầu trong đưa tin” đã “sáng tạo” trong cách dàn dựng kịch bản với sự trợ giúp của nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã tăng raiting đáng kể.

Theo quan điểm của tôi, việc xác định Công Phượng sinh năm 1995 hay 1993 là điều nên làm nhưng cách làm và mức độ đến đâu lại phụ thuộc vào tầm nhìn của nhà báo. Điều mà dư luận thắc mắc là tại sao Công Phượng lại được Chuyển động 24h của Đài truyền hình quốc gia “ưu ái” nhiều đến thế? Rõ ràng “đề tài Công Phượng” so với các vụ việc: Thực-hư khối tài sản khổng lồ của cựu Tổng thanh tra Trần Văn Truyền hay Ai chịu trách nhiệm sau vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế bị tước danh hiệu Anh hung LLVT?... bé hơn rất nhiều nhưng lại được VTV “quần đi, đảo lại” vài kỳ. Hay cùng việc gian lận tuổi tác thì sự việc ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó Bí thư Quận ủy - Chủ Tịch UBND quận Hoàng Mai khai điều chỉnh ngày tháng năm sinh từ ngày 7/2/1954 sang ngày 7/2/1955 đúng thời điểm ông 59 tuổi, sắp về hưu theo chế độ đáng được dành thời lượng phát sóng hơn nhiều. Nếu chỉ lựa chọn đề tài theo kiểu “con hổ bắt con bò thì im, con mèo bắt con chuột thì làm ầm ĩ” chắc chắn Chuyển động 24h sẽ mất dần lượng người xem.

Thanh Tùng, Trưởng hội CĐV SLNA khu vực phía Nam lại thẳng thắn:     Chắc chắn, nếu có gian lận tuổi tác thì lỗi phải là ở người lớn, từ ông tư pháp, nhà trường, một lô-xắc-xông…chứ không phải từ cậu bé nhà quê Công Phượng. Vấn đề của truyền thông là tìm ra sự thật nhưng nếu chỉ tìm ra sự thật mà để thui chột một tài năng bóng đá trẻ thì câu chuyện lại đi theo hướng khác. Bóng đá Việt Nam, không cần scandal “Công Phượng” cũng đã nát nét rồi, chuyện chạy đua theo thành tích ảo là “lỗi hệ thống” không chỉ riêng của bóng đá. Hội CĐV SLNA ủng hộ báo chí “trả lại tuổi cho em” nhưng phải biết dừng đúng lúc, chỉ trích đúng đối tượng để những ai gian dối thì qua đây biết sợ, tài năng thì được bảo vệ, nuôi dưỡng. Hãy nhìn cách hành xử của giới truyền thông Tây ban nhà về câu chuyện trốn thuế của ngôi sao Messi để chúng ta suy ngẫm.

NGUYỄN MẠN HÀ: Phải chăng báo chí đang muốn đưa ra ánh sáng để làm trong sạch bóng đá hay là để… có vấn đề “hot” thu hút nhiều click.

Thời gian gần đây, năm sinh của cầu thủ U19 Nguyễn Công Phượng được truyền thông quan tâm một cách đặc biệt. Những người có thiện chí hẳn sẽ mừng rằng, đấy là hành trình đi tìm sự trung thực của các bản báo – một hành động rất đáng được tôn vinh. Từ báo trung ương, báo ngành, truyền hình… đều gấp rút tìm về miền sơn cước Nghệ An. Điều đó cho thấy sự khổ công của những người mang trong mình trách nhiệm đem tất cả ra ánh sáng. Tất cả sẽ có ánh sáng chiếu rọi…

Mọi sự khuất tất đều có thể “trưng” cho công chúng để công chúng kết luận về mặt đạo đức xã hội. Đó là điều rất đáng mừng. Vậy nhưng, chuyện năm sinh chưa chính xác của một người sinh ra tại miền núi lại được soi kỹ, phân tích kỹ như những bản điều tra công phu về tội trạng của những tay khét tiếng, những quan tham nhũng cỡ bự… thì thiện chí của những người làm báo đang có nhiều sự nghi ngờ (ít nhất là tôi đã nghe đây đó). Rõ ràng, những bài báo về Công Phương - cầu thủ chỉ vì lòng yêu mến mà được gọi là Messi Việt Nam - thu hút không biết bao nhiêu lượt đọc. Hết bài này đến bài khác, các thông tin về Phượng được bổ sung, đến mức “khá hoàn chỉnh”.

Một con người, một cậu bé nghèo khổ thay đổi hoàn toàn số phận nhờ năng khiếu và nghị lực vượt khó đã trở thành đề tài để nói về mặt trái, hẳn là dụng ý về đạo đức của truyền thông đã không còn được kiểm soát theo một chiều, một hướng. Người đọc hãy nhớ nhé, trước khi Phượng bị báo điều ra, xác minh, những chuyện học trò như Phượng có bạn gái (khổ thay, cậu học trò đi học mà chả có bạn nam và nữ), Phượng thủ thỉ, Phượng buồn… đều được báo ta chào mời người đọc. Nhảm nhí là không đáng bàn vì từ lâu, một số báo vẫn ưa khai thác đời tư nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí, thể thao, nhưng cái đáng bàn ở đây là hiệu ứng tác động tới người đọc. Sẽ chẳng có gì đọng lại sau những chuyện nhảm nhí, sẽ chẳng thể có tư cách thấp thoáng trong các con chữ hiện hình. Lần này, chuyện Phượng sinh năm 1993 hay 1995 đáng nói hơn hay là sự cảm thông đối với một chàng thanh niên mới lớn đã vươn lên, chưa có nhận thức đầy đủ về đời sống đáng thương hơn? Sự việc báo cần làm rõ trắng đen có còn là đạo đức xã hội hiểu theo nghĩa rộng của nó? Tôi không bao biện cho sự dối trá, bởi sự dối trá nào cũng đáng khinh bỉ, nhưng rõ ràng việc làm nhụt chí, ảnh hưởng đến toàn bộ danh dự, sự nghiệp của một con người từ khát vọng đi lên là điều mà tôi thấy buồn lòng.

Trở lại vụ việc, “Chuyển động 24h” của VTV (phát sóng trưa 16.11) cho rằng các giấy tờ mà phía HAGL cũng như VFF đưa ra để chứng minh Công Phượng sinh năm 1995 đều thiếu chứng cứ pháp lý, chẳng hạn giấy khai sinh của Công Phượng không có số, số quyển; giấy khai sinh cùng một người viết… rồi cán bộ hành chính xã cho biết, những giấy tờ ấy đã bị thất lạc từ lâu, giấy chứng sinh gia đình không còn giữ. Truyền hình cũng căn cứ vào tờ giấy khai trong bảng điều tra dân số năm 2002 do bố của Công Phượng ký để làm căn cứ khẳng định Phượng sinh năm 1993. Trước đó, phóng viên báo bóng đá đã khẳng định Phượng sinh năm 1995 khi nhóm phóng viên này đã trực tiếp làm việc với chính quyền và gia đình Phượng.

Ngành tư pháp suốt một thời gian dài thiếu sự quan tâm nên có nhiều lỗ hổng trong thực thi nhiệm vụ. Sự thiếu sót trong một tờ chứng lí, thậm chí “trật khớp” giữa các giấy tờ liên quan đến cá nhân một người là chuyện được coi như sự thường. Thậm chí, việc nhớ và khai sai năm sinh của con của ông bố nông dân cũng rất dễ xảy ra. Đó là những lí do để những người có công, gia đình thân nhân liệt sĩ gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục (do các giấy tờ khai năm sinh, thậm chí tên lót không khớp nhau). Đến nay nhiều người vẫn còn nuốt nước mắt vì oan uổng mà chưa thể chứng minh. Tôi vẫn muốn báo hãy đi về phía đó, hãy giúp họ hay hơn là đi về phía một thiếu niên nghèo khổ như Phượng những mong đổi phận bằng sự trung thực trong lao động. Cứ cho là Phượng sinh năm 1993 nhưng nếu người nhà ngày trước khai thành  năm 1995 thì sao? Ở quê tôi gọi chuyện đó là khai “trụt”. Khai “trụt” cho một người bình thường, chưa có địa vị, chưa nổi danh đấy đôi khi là để hợp pháp như để đảm bảo đi học đúng tuổi (6 tuổi học lớp 1). Ngày trước, khi đang học Tiểu học, THCS, tôi thường học với các anh chị sinh năm 1979, 1980 nhưng họ khai là 1982 bởi vì để đảm bảo độ tuổi học tiểu học. Chuyện này xảy ra rất nhiều ở khu vực nông thôn do ngành tư pháp kiểm soát chưa chặt vấn đề hộ tịch, khai sinh. Hơn nữa, nếu Phượng sinh năm 1993 nhưng con đường của Phượng có phải là vì hơn 2 tuổi mà thành ngôi sao bóng đá mà không cần nỗ lực, cố gắng bền bỉ? Nếu Phượng sinh 1993 thì liệu có cần phải quá nhiều báo xuất hiện làm ầm ĩ vậy không? Còn chuyện giấy chứng sinh, tờ khai sinh không có số…  Tôi cho đây là sự bắt bẻ thiếu lí lẽ thực tiễn của báo chí. Vì lẽ, nếu điều tra toàn bộ hộ khẩu tại quê Phượng, hay quê tôi, quê nhiều nơi nữa hẳn sẽ rất ít người có đầy đủ giấy tờ đảm bảo đúng quy định. Điều này là lỗi của ngành tư pháp trước đây.

Câu trả lời cuối cùng về năm sinh của Công Phượng vẫn chưa có. Và, tôi với tư cách người đọc báo, tôi chẳng chờ đợi gì chuyện ấy. Tôi chỉ cảm thấy buồn là báo chí đã lặn lội, đổ công sức rất nhiều để chứng mình về năm sinh một người nghèo cố vươn lên trong xã hội bằng lao động chân chính. Người đọc sẽ đặt câu hỏi, phải chăng báo đang muốn đưa ra ánh sáng để làm trong sạch bóng đá hay là để… có vấn đề “hot” thu hút nhiều click. Nếu vậy thì cơn khát thông tin của truyền thông ta, vốn dĩ đã có mầm mống bệnh từ lâu (tiêu biểu như: ngôi sao lộ hàng, mặc áo gì, ăn gì, đi với ai…) đã có thể là tạm xem là bệnh mạn tính./.

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511494

Hôm nay

2157

Hôm qua

2336

Tuần này

21868

Tháng này

218367

Tháng qua

121356

Tất cả

114511494