Đầu thế kỷ XX, song song với việc hình thành các khoa học xã hội, một số nghiên cứu liên quan đến xã hội học văn học được thực hiện bởi các chuyên gia về văn học, nói đúng hơn là các nhà văn học sử. G. Lanson là người đóngvai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Năm 1894, với công trình Lịch sử văn học Pháp, uy tín và ảnh hưởng của Lanson lan rộng khắp nước Pháp. Tiếp theo với nhiều công trình nghiên cứu được công bố đề cập đến các nhà văn Bossuet, Corneille, Voltaire, Lamartine… Lanson trở thành người sáng lập môn lịch sử văn học. Ông cho rằng văn học cần phải được nghiên cứu theo hai hướng tiếp cận có tính bổ sung: một mặt, để tìm hiểu các nguyên nhân nội tại của thế giới các nhà văn và lý giải một tác phẩm cụ thể, cần tập hợp các nguồn tài liệu và nghiên cứu các ảnh hưởng thông qua việc nghiên cứu tiểu sử và tác phẩm nhà văn; mặt khác, cần phải xem xét bối cảnh rộng hơn, có nghĩa là toàn bộ đời sống văn học vào một thời điểm lịch sử nhất định. Khác với các nhà triết học thế kỷ trước đó, ví dụ như H.Taine bàn một cách chung chung về “thiên tài”, G.Lanson có đóng góp quan trọng là ông đề nghị một phương pháp “xã hội học quy nạp” có cơ sở là nghiên cứu so sánh các hiện tượng và các loạt hiện tượng, cũng như tìm hiểu các “quy luật” chi phối các hiện tượng quan sát được. Năm 1904, theo lời mời của E. Durkheim, người sáng lập ra ngành xã hội học tại Pháp, G.Lanson đã trình bày một bài thuyết trình quan trọng có nhan đề Văn học sử và xã hội học. Ông cho rằng không thể viết lịch sử văn học mà thiếu những yếu tố của xã hội học, lịch sử văn học luôn gắn liền với lịch sử và xã hội, cho nên nhiệm vụ của lịch sử văn học là phải làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa môi trường xã hội và tác giả cùng các tác phẩm văn học.Ông đề nghị cần phải nghiên cứu ảnh hưởng của tác phẩm văn học tới độc giả với ý tưởng là tác phẩm không phản ánh xã hội mà bổ sung cho nó, có nghĩa là tác phẩm văn học thể hiện cái chưa có hoặc đã thuộc về quá khứ. Theo G.Lanson, văn học có thể thể hiện “hiện thực trong tương lai chứ không hẳn là hiện thực xã hội đương đại”. Ngoài “quy luật xuất hiện các kiệt tác” trình bày lý thuyết phương pháp nghiên cứu nguồn tài liệu và ảnh hưởng, một số quy luật do ông đưa ra như “quy luật ảnh hưởng nước ngoài”, “quy luật hình thành thể loại”, “quy luật liên hệ giữa hình thức và mục đích mỹ học” đã thực sự có tác động rất lớn trong quá trình phát triển của lịch sử văn học và nghiên cứu văn học trong thế kỷ XX, không chỉ ở Pháp, mà còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên chương trình này của G.Lanson đã không được tiếp tục phát triển, lý do chính có lẽ bởi vấn đề phân ngành các bộ môn khoa học. Các nhà nghiên cứu văn học tiếp thu ở G.Lanson ý tưởng về nghiên cứu nguồn gốc và ảnh hưởng, nhưng không dám (và chắc hẳn không có điều kiện) đi sang địa phận của các bộ môn khoa học khác (ví dụ xã hội học ở thời đó đang trong giai đoạn hình thành và củng cố nên có ý thức bảo vệ “biên giới” của mình một cách rất tích cực), trong khi đó thì các bộ môn khoa học xã hội khác cũng không đủ điều kiện để quan tâm đúng mức đến văn học và nghệ thuật như một bộ phận của đời sống xã hội. Có thể nói rằng vào giai đoạn đầu thế kỷ XX các nghiên cứu liên ngành còn chưa có điều kiện hình thành và phát triển.
Thất bại của Lanson trong việc nối quan hệ giữa văn học và xã hội học, cũng như sự thiếu quan tâm của các nhà xã hội học đối với văn học có lẽ là nguyên nhân làm cho một số nhà nghiên cứu tìm đến triết học mác xít. Thậm chí, có nhà nghiên cứu đã nói rằng cho đến giữa thế kỷ XX, xã hội học văn học thật ra là phân tích văn học theo hướng mác xít, cả trong giới hàn lâm và đặc biệt trong giới dấn thân chính trị. Triết học mác xít cho phép đưa ra các hướng nghiên cứu mới trên cơ sở các tác phẩm triết học các thế kỷ trước. Tiếp nối ý tưởng của Hegel về liên hệ giữa hình thức nghệ thuật và cấu trúc xã hội (thời Trung cổ và trường ca, thời tư sản và tiểu thuyết), trên cơ sở khả năng tái hiện thực tế các quan hệ xã hội của văn học, Marx đánh giá cao tác phẩm của các nhà văn như Balzac (mặc dù ông biết rằng Balzac bảo thủ về mặt chính trị) hoặc Eugene Sue (là đảng viên Đảng Xã hội). Đối với Marx, văn học không có mục đích miêu tả xã hội một cách đơn thuần, mà nhiệm vụ của nó là thay đổi xã hội bằng cách giúp độc giả có ý thức về quan hệ xã hội và về nhiệm vụ lịch sử của mình.
Phê bình mác xít nói chung thực sự đóng một vai trò đã được khẳng định trong bức tranh lý luận phê bình văn học trên thế giới ở thế kỷ XX với những tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực xã hội học văn học như G. Lukacs, T.W.Adorno[1] v.v...Nhưng do cuốn sách này chỉ hướng về xã hội học văn học ở Pháp nên chúng tôi xin phép chỉ nêu tên của họ ở đây để có ý tưởng về một mối quan hệ có tính hệ thống giữa các nhà xã hội học văn học Pháp và các nhà xã hội học văn học nước ngoài. Thực ra, phê bình mác xít và xã hội học văn học là những vấn đề lớn, không đơn nhất, đòi hỏi những nghiên cứu công phu, nhiều thời gian, công sức, của nhiều nhà nghiên cứu. Phê bình mác xít Pháp có chỗ đứng riêng của nó trong bức tranh chung của phê bình lý luận văn học Pháp thế kỷ XX, nhưng một khi đề cập đến xã hội học văn học ở Pháp mà không nhắc tới mảng này thì có lẽ là chưa thật hợp lý. Ít nhất, chúng ta thấy có những mối quan hệ ở các mức độ khác nhau tùy từng trường hợp khi nhắc tới những vấn đề liên quan đến văn học và xã hội. Trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến phê bình mác xít ở Pháp như một lĩnh vực có liên quan đến xã hội học văn học dù ít hay nhiều tùy cách tiếp cận của người nghiên cứu, nhưng không thể không nhắc tới.
Ở Pháp, từ những năm 1960, tác phẩm của Louis Althusser và nhóm nghiên cứu của ông ở Trường Đại học Sư Phạm Paris nổi tiếng, một Trường Lớn chuyên đào tạo nhân tài ở Pháp, đãtạo ra những dấu ấn nổi bật.Althusser chịu ảnh hưởng của tư tưởng mác xít, đồng thời của chủ nghĩa cấu trúc và của thuyết phân tâm học theo trường phái Lacan. Tư tưởng của Althusser có thể được tóm tắt trong hai ý tưởng chính. Thứ nhất, văn học là nơi thể hiện tư tưởng của con người, nhưng không phải là tư tưởng của một nhóm hay một giai cấp xã hội được hình thành ở bên ngoài và được thể hiện một cách máy móc trong văn học. Văn học là nơi thể hiện các cuộc gặp gỡ, hoặc xung đột về tư tưởng mà chính tác giả không biết và để thấy được điều đó nhà nghiên cứu phải đi tìm các “triệu chứng” như ở một con bệnh. Thứ hai, theo Althusser thì các mặt hoạt động của con người, trong đó có văn học nghệ thuật, phát triển theo nhịp độ riêng, có nghĩa là có một lịch sử riêng. Ông so sánh lịch sử của loài người như một tổng thể đường xe lửa chạy song song, “con tàu” kinh tế và “con tàu” nghệ thuật có tốc độ khác nhau và không thể so sánh chúng với nhau một cách đơn giản và máy móc. Bản thân Althusser không viết nhiều về văn học, nhưng các cộng sự của ông trong đó có Pierre Macherey trong công trình Vì một lý thuyết về sản xuất văn học đã có nhiều nghiên cứu mới mẻ.
Các tác phẩm của P. Machereychủ yếu thuộc lĩnh vực triết học, theo đúng nghĩa của phê bình mác xít, chúng ta chỉ có thể nhắc tới giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời hoạt động và nghiên cứu của ông, nhất là năm 1966 khi tác phẩm Vì một lý thuyết về sản xuất văn học[2]được công bố.Tác phẩm này có ba phần. Trong phần thứ nhất có tên là Một số khái niệm cơ bản, ông đề cập tới 18 vấn đề, ví dụ: Phê bình và phán xét; Lĩnh vực và đối tượng; Các câu hỏi và các câu trả lời; Phán xét tích cực và phán xét tiêu cực; Sáng tạo và sản xuất; Nói và không nói v.v…Phần thứ hai Vài nhà phê bình có hai mục: Lênin phê bình Tolstoi - Hình ảnh trong gương và Phân tích văn học, sự hủy diệt của các cấu trúc. Phần ba dành để nói tới Vài tác phẩm như: Jules Verne; Borgès và truyện kể hư cấu; Nông dân của Balzac, một tác phẩm đầy mâu thuẫn. Theo Macherey một tác phẩm văn học có khả năng làm biến đổi. Thay vào chỗ thể hiện một tổng thể, nó được xác định như là một địa điểm của những mâu thuẫn xung khắc về tư tưởng. Ví dụ như trong một tiểu thuyết của Balzac có tên là Nông dân có sự đối kháng giữa tư tưởng mà ông ta cần phải bảo vệ và cái tầm phê phán mà tác phẩm chống lại chính tư tưởng ấy. Hậu quả là “cái mà cần phải tìm trong các tác phẩm không phải là những dấu hiệu của mối liên kết của chúng, mà là những dấu hiệu của những mâu thuẫn được xác định một cách lịch sử”[3].
Các nhà nghiên cứu mác xít Pháp với “mỗi người một vẻ” đã góp thêm các cách tiếp cận mới của mình. R. Garaudy có phần nào giống G. Lukacs ở những hoạt động chính trị, với những cương vị cao và trong thời gian dài, đồng thời với hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học. Ông đã công bố nhiều tác phẩm đề cập đến các vấn đề khác liên quan đến chủ nghĩa Mác. Về mặt lý luận phê bình văn học, Garaudy viết không nhiều, quan trọng nhất và nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến xuất bản năm 1963[4].Cuốn sách đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử phê bình lý luận mác xít,được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi.
Trong bài viết giới thiệu chỉ vẻn vẹn vài trang, L.Aragon đã nhấn mạnh thái độ tán dương cuốn sách bằng ba lần nhắc lại ý coi tác phẩm của Garaudy là “sự kiện”. Nói về tác giả của cuốn sách, L.Aragon nhấn mạnh: “Đó không phải là một người ngồi viết một cách tình cờ bởi ông là người hiểu rõ thơ của Saint-John Perse, đã ngắm nhìn tranh của Picasso. Tất cả những cái đó đối với ông có ý nghĩa quan trọng. Cái đó liên quan với tư tưởng của ông về cái thiện cái ác, với những lý lẽ của ông về sự sống và cái chết, với những gì đã đặt ông bên cạnh những nỗi đau lớn; với những gì không phải là tưởng tượng, xúc cảm, tùy tiện, mà là ý thức trách nhiệm rõ ràng, đối với ông và đối với những người khác, mà còn là sự tin chắc rằng thiếu sót trong lĩnh vực này là sự phản ánh của những thiếu sót trong các cách cư xử khác, sự sửa chữa cách thức tiến hành, sự chứng minh của tư duy”[5]. Nhắc đến tình trạng thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực đang bị sử dụng tràn lan, thậm chí bị lạm dụng, L.Aragon khẳng định cuốn sách của Garaudy: “đã xác định vị trí (Aragon nhấn mạnh) của chủ nghĩa hiện thực, một chủ nghĩa hiện thực tuyên bố xác định lại giá trị để tiến tới việc có thể tạo ra trong tinh thần con người của những năm 60, không phải chỉ là đối với tôi, không thể chỉ đơn giản đối với tôi một sự đọc thú vị; nó đạt tới điều quan trọng, đó là chủ nghĩa hiện thực chỉ có thể sống sót khi tính đến những thay đổi mới mẻ, điều mà không phải được đưa ra một lần cho tất cả”[6]. L.Aragon hy vọng vào “một sự khởi đầu cho những tư duy tích cực nơi mà nghệ thuật góp phần vào thay đổi thế giới” và gửi gắm lòng hy vọng của mình vào cuốn sách.
Từ những năm 1970 và đặc biệt về sau đó, các sự kiện ở Đông Âu dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng đến sự phát triển của phê bình mác xít. Tuy nhiên không thể không công nhận rằng các ý tưởng do phê bình mác xít đưa ra đã có ảnh hưởng quan trọng tới xã hội học văn học tại Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.
Tiếp theo, bức tranh xã hội học văn học ở Pháp không thể bỏ qua một nhân vật có một vị trí đặc biệt, đó là J.-P.Sartre. Tên tuổi của ông lâu nay đã rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Sau những thăng trầm theo thời cuộc, cũng phải mất vài thập kỷ J.-P.Sartre và sự nghiệp sáng tạo của ông mới có một chỗ đứng hợp lý và xứng đáng trong giới nghiên cứu cũng như trong độc giả nói chung ở Việt Nam. Trong nhiều công trình nghiên cứu ở Pháp cũng như ở Việt Nam, việc xếp J.-P.Sartre ở một khung khổ nào là cả một vấn đề thú vị và hoàn toàn không đơn giản. Ông đã được giới thiệu và nghiên cứu với tư cách như một triết gia hiện sinh, nhà văn hiện sinh, nhà văn dấn thân, nhập cuộc, nhà phê bình phân tâm học hiện sinh, người “nối dài” phê bình phân tâm học, thậm chí là người mong muốn gắn nối chủ nghĩa Marx với phân tâm học v.v...Trong nhiều công trình đề cập đến xã hội học văn học, các tác giả đã dành cho Sartre một mối quan tâm khá đặc biệt[7]. Có thể ông không phải là một nhà xã hội học văn học “chính gốc”, nhưng một khi đề cập đến vấn đề văn học nhập cuộc, nghệ sĩ dấn thân, đến trách nhiệm nhà văn trong xã hội, những vấn đề có liên quan ở mức độ nào đó với xã hội học văn học, người ta không thể không nhắc tới ông.
Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy những luận điểm rõ ràng của ông khi đặt ra và giải quyết những vấn đề liên quan giữa văn học và xã hội. Xác nhận tính chất vô thần trong hệ thống tư tưởng của mình, J.-P. Sartre đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của con người trong cuộc đời. Trách nhiệm đó thể hiện ở sự tự lựa chọn của con người trong từng tình huống cụ thể. Từ khẳng định “Thuyết Hiện sinh là một lý thuyết hành động và của tinh thần dấn thân” xuất hiện những quan niệm tích cực của J.-P. Sartre liên quan đến vấn đề người viết và trách nhiệm của nhà văn đối với xã hội. Sự kiện quan trọng dẫn đến những thay đổi lớn lao trong tư duy của J.-P. Sartre là cuộc đại chiến thế giới lần II, thời Paris bị chiếm, thời kháng chiến và khi Paris được giải phóng: “Tất cả những cái đó làm tôi chuyển từ tư duy triết học theo kiểu cổ điển sang những tư tưởng mà ở đó triết học và hành động, lý thuyết và thực tiễn liên quan đến nhau: tư tưởng của Marx, của Kierkegaard, Nietzsche, từ đó người ta có thể hiểu tư tưởng của thế kỷ XX” [8].
Một trong những điểm đáng quan tâm là J.-P. Sartre thường nhấn mạnh đến yếu tố xã hội. Điều đó thể hiện trước hết qua các hoạt động chính trị, xã hội và qua sự nghiệp sáng tác của chính bản thân ông: “Tôi nghĩ rằng trong tôi đã có sự phát triển liên tục từ tác phẩm Buồn nôn đếnPhê bình lý trí biện chứng. Sự phát hiện lớn của tôi, đó là các vấn đề xã hội, trong chiến tranh, tôi đã là người lính trên chiến trận, đó thực sự là nạn nhân của một xã hội mà anh thuộc về nó, nơi ấy anh không muốn có mặt và là xã hội đem lại cho anh những luật lệ mà anh không muốn. Các vấn đề xã hội không có trong tác phẩm Buồn nôn, nhưng người ta có thể thấy thoáng qua”. J.-P. Sartre quan tâm đến việc gắn nhập con người và thời đại, thống nhất một cách hữu cơ việc nghiên cứu lịch sử và phân tích tác phẩm của nhà văn.
Không đồng tình với thái độ không cộng tác của Flaubert cũng như của Goncourt trước sự kiện Công xã Paris, thậm chí J.-P. Sartre còn cho rằng các nhà văn này phải chịu trách nhiệm trong việc Công xã bị đàn áp đẫm máu, vì họ đã không viết một dòng nào để phản đối những biện pháp dã man của chính phủ đương thời. Đồng thời ông nêu gương của những nhà văn thể hiện trách nhiệm của mình trước thời cuộc khi phê phán những việc làm bất hợp lý của các nhà cầm quyền: đó là E.Zola với bài Tôi tố cáo nổi tiếng và A.Gide với cuốn sách Từ Congo trở về. Từ đó, ông nhấn mạnh: “Mỗi người trong các tác giả này, trong một hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc đời của họ, đã thể hiện trách nhiệm nhà văn của họ (chúng tôi nhấn mạnh)”[9].
Nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề nhà văn dấn thân và văn học nhập cuộc đã được J.-P. Sartre đề cập đến trong cuốn Văn học là gì? (1948)[10]trong đó gồm bốn phần: I. Viết là gì? II. Viết để làm gì? III. Viết cho ai? IV. Tình thế nhà văn Pháp năm 1947. Điều ông muốn nhấn mạnh trong cuốn sách hơn 300 trang này (đã được đề cập đến từ bài Giới thiệu trong tạp chí Les temps modernes) là nền văn học được xác định “bởi một việc làm và bởi một hành động”. Đề cập đến vấn đề nhà văn nhập cuộc và trách nhiệm của anh ta, J.-P. Sartre cho rằng: “Nhà văn “dấn thân” biết rằng lời nói là hành động: anh ta biết rằng bóc trần tức là thay đổi và người ta chỉ có thể bóc trần khi có ý định thay đổi”[11]. Nhà văn nhập cuộc, theo ông, không thể là người theo thuyết nghệ thuật vị thuật, mà là người gắn sự nghiệp sáng tạo của mình với thời đại: “Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể kết luận rằng nhà văn đã chọn việc bóc trần thế giới và đặc biệt là bóc trần con người cho những người khác để họ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước đối tượng đã bị bóc trần ra như vậy (…). Cũng như vậy chức năng của nhà văn là làm sao để không một ai có thể không biết gì về thế giới và không ai có thể nói rằng mình là kẻ ngây thơ trong thế giới đó”[12]. Từ đó chúng ta hiểu ý của nhà văn khi ông khẳng định: “Ngay cả số phận các tác phẩm của chúng tôi cũng gắn chặt với số phận nước Pháp đang lâm nguy”.
Một vấn đề khác khiến người ta thường liên hệ nhà phê bình hiện sinh J.-P. Sartre với xã hội học văn học ở Pháp, đó là những ảnh hưởng lớn lao, những sự gặp gỡ về tinh thần giữa ông và các nhà xã hội học văn học “chính hiệu” như R.Escarpit[13]và P.Bourdieu[14], thậm chí cả các xã hội học văn học nghiên cứu theo thuyết trường của Bourdieu[15]. Có thể thấy chính mối quan tâm lớn lao đến các vấn đề của xã hội trong sự nghiệp viết lách đã khiến J.-P. Sartre vượt lên cao hơn tình thế của một nhà triết học, nhà văn, nhà phê bình Hiện sinh để đạt tới tầm của một nhà tư tưởng lớn không chỉ ở Pháp mà trên thế giới trong thế kỷ XX.
Tình hình phát triển của xã hội học văn học trong trường đại học Pháp cần phải được liên hệ với lịch sử của bộ môn xã hội học. Phải đến 1957 mới có đào tạo xã hội học ở bậc cử nhân, có nghĩa là xã hội học được thực sự công nhận như một bộ môn khoa học độc lập. Chỉ từ lúc đó các nhà xã hội học Pháp mới mở rộng nghiên cứu đến các đề tài thuộc về văn hoá và văn học. Robert Escarpit là người đầu tiên giới thiệu xã hội học văn học cho độc giả rộng rãi trong cuốn sách cùng tên Xã hội học văn học (1958) thuộc tủ sách “Que sais-je ?”. Nghiền ngẫm về hiện tượng văn học cùng các mối quan hệ của nó với xã hội, gắn nhà văn với sản phẩm sách và người đọc sách, Escarpit đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, vượt lên lịch sử văn học tồn tại hàng trăm năm với công thức con người và tác phẩm, thiếu đi những góc nhìn xã hội học cũng như mối quan tâm đến người đọc. Ông cho rằng: “Cần phải giải thiêng văn học, giải thoát nó khỏi những điều cấm kỵ về mặt xã hội, đồng thời làm lộ ra bí mật sức mạnh của chúng. Vậy có thể là người ta phải làm lại không phải là lịch sử văn học, mà là lịch sử của những con người trong xã hội tùy thuộc vào cuộc đối thoại giữa những người sáng tạo chữ nghĩa, sáng tạo ra các huyền thoại và tư tưởng với những người đương thời và thế hệ sau họ, mà giờ đây chúng ta gọi cuộc đối thoại đó là văn học”[16]. Xã hội học văn học theo Escarpit là xã hội học truyền thông quan tâm đến hiện tượng văn học như một hệ thống trao đổi giữa tác giả và độc giả, đồng thời quan tâm đến văn học như việc sản xuất các sản phẩm sách. Đối tượng của xã hội học văn học như vậy là bộ ba sản xuất – phát hành – tiêu thụ sách như một sản phẩm văn hoá. Hy vọng vào sự phát triển của một “xã hội học văn học đích thực”, có một cái nhìn toàn diện, không bị phiến diện, tôn trọng những đặc trưng của hiện tượng văn học, Escarpit đưa phương pháp nghiên cứu có tính chất định lượng, sử dụng một cách hệ thống các số liệu thống kê (số lượng sách xuất bản, nhà văn, nhà xuất bản, v.v.), gắn với một “chính sách về sách”nghiên cứu quá trình sản xuất, phát hành và tiêu thụ sách, đồng thời tìm hiểu vai trò của người đọc trong tổng thể hiện tượng văn học. Xã hội học văn học theo phương pháp của Escarpit có vẻ nghiêng nhiều hơn về phía xã hội học, nhưng đóng góp của nó rõ ràng đã bổ sung những nét mới trong việc nghiên cứu quá trình phát triển của văn học.Theo Escarpit, xã hội học văn học có xuất phát từ các quan điểm của Lukacs và được Goldmann phát triển thành một hệ thống từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai. Ông cho rằng, chính Goldmann đã đi xa hơn Lukacs bằng chủ nghĩa cấu trúc phát sinh, tránh được sự cứng nhắc của “phản ánh luận”.
Từ những luận điểm trên của Escarpit chúng ta có thể thấy mối liên hệ tất yếu của các nhà xã hội học văn học, đồng thời nhận rõ chỗ đứng riêng của từng người. Nếu như cách tiếp cận của Escarpit gắn nhiều hơn với các phương pháp nghiên cứu của xã hội học thì bức tranh phong phú của xã hội học văn học ở Pháp thế kỷ XX có thêm những sắc thái mới gắn liền với L. Goldmann, một nhà triết học, đồng thời là người có công lớn trong việc truyền bá xã hội học văn học trong giới nghiên cứu phương Tây nói tiếng Pháp. Ba tác phẩm chính của ông – Thượng Đế ẩn giấu (1956), Vì một nền xã hội học tiểu thuyết vàRacine (1970) – đã góp phần khẳng định rằng xã hội học văn học là một bộ môn có thể tồn tại và cần thiết phải tồn tại. Với tư cách là nhà triết học, Goldmann kiên trì đi theo truyền thống Hegel khi cho rằng bất kỳ tác phẩm văn học lớn nào cũng đều thể hiện một quan niệm về thế giới, nó có ý nghĩa và có những tương đương về mặt triết học. Đối với Goldmann, đặc trưng của một số tác phẩm lớn là chúng có thể thể hiện cái mà một nhóm xã hội “tư duy nhưng không biết là mình tư duy”. Các tác phẩm lớn đó mang lại một sự gắn kết đặc biệt và không thể thay thế được cho tư tưởng của nhóm xã hội đó và đó là một kiểu mẫu mà các cá nhân cụ thể có thể noi theo. Goldmann phê bình văn học sử được giảng dạy trong trường đại học và đề nghị thay phương pháp theo kiểu Lanson (“biết”) bằng một phương pháp mới trong đó việc “hiểu”là quan trọng hơn. Goldmann không quan tâm đến một khía cạnh đặc biệt của hoạt động văn học (một nội dung hoặc một đề tài cụ thể) mà ông quan tâm đến toàn bộ các tác phẩm bởi mỗi thành phần cấu thành của tác phẩm đều thể hiện một phần của thế giới quan. Như vậy Goldmann vượt qua giới hạn của phê bình mác xít chỉ quan tâm đến nội dung và giới hạn của lý thuyết phản ảnh có tính máy móc. Ông đưa ra một lý thuyết gọi là “cấu trúc phát sinh”có nhiệm vụ tìm hiểu tác phẩm văn học thông qua việc nghiên cứu các tương đồng giữa các cấu trúc mang nghĩa của tác phẩm và các cấu trúc mang nghĩa của thế giới quan của một nhóm xã hội hoặc một loạt cá nhân”[17].
Về mặt thời gian chúng ta có thể nhận thấy Goldmann và Escarpit cùng các tác phẩm của họ thể hiện chủ yếu ở nửa đầu thế kỷ XX, trong khi đó ở nửa sau thế kỷ XX xã hội học văn học ở Pháp phát triển mạnh mẽ nhờ có đóng góp của Pierre Bourdieu, người gắn vớilý thuyết trường. Cũng giống như Goldmann đề nghị một mô hình nghiên cứu tổng thể cho các khoa học nhân văn nói chung, nghiên cứu văn học, văn hóa nói riêng, Bourdieu đã đề xuất lý thuyết trường văn học dựa trên những quan niệm nhằm để nghiên cứu tất cả các cấp độ liên quan đến xã hội và văn học. Quan tâm đến các yếu tố trong hệ thống, ông đặt vấn đề nghiên cứu các tác nhân ảnh hưởng đến nhau trong một trường, các cuộc đấu tranh để chiếm vị trí trong trường... Cụ thể hơn, khi nghiên cứu trường văn học, người ta phải quan tâm đến đến các trường khác có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với nó như trường kinh tế, trường quyền lực, trường chính trị v.v...Theo cách tiếp cận này, các vấn đề nghiên cứu thuộc văn học như đề tài, nội dung, văn phong, cái viết, hư cấu, các thể loại như tiểu thuyết, thơ, kịch...đều được đặt dưới khái niệm trường. Bourdieu không hề muốn gạt tác phẩm ra mà muốn hiểu nó theo nguyên tắc của mình. Theo ông, hiểu tác phẩm là phải tính đến những điều cần thiết của văn bản, giải thích nó tại sao nó là như vậy. Với tư cách là một nhánh trong nghiên cứu văn hóa, xã hội học văn học theo phương pháp của Bourdieu lấy tác phẩm và tác giả văn học làm đối tượng nghiên cứu, không chỉ như một hiện tượng độc đáo và cá biệt, mà như một thành quả của một xã hội. Tác phẩm văn học là một “sản phẩm văn hóa” được hình thành trong một tổng thể các điều kiện rất khác nhau nhưng đều có liên quan đến nhau, và ngay cả những yếu tố tưởng như chỉ đơn thuần nghệ thuật (như một số cách tân về hình thức) thật ra cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố xã hội và kinh tế. Như vậy tác phẩm văn học dưới góc nhìn của Bourdieu là một sản phẩm xã hội cần được nghiên cứu trong hoàn cảnh lịch sử xã hội khi nó ra đời cũng như khi nó được tiếp nhận, cũng như trong mối tương quan với các tác phẩm khác cùng thời đại.
Riêng ở Pháp và các nước nói tiếng Pháp các nghiên cứu áp dụng phương pháp của Bourdieu vào văn học có số lượng không nhỏ. Có thể xếp các nghiên cứu đó theo các loại chủ đề chính như sau: hiện trạng của các trường văn học vào các thời điểm không gian, lịch sử, xã hội khác nhau; sự xuất hiện của một khái niệm; nghiên cứu trường hợp về một tác giả, một dòng văn học, một tạp chí văn học v.v...; nghiên cứu giao lưu văn hóa giữa các nền văn học khác nhau; nghiên cứu quan hệ giữa văn học và các nhà văn với các trường khác trong xã hội.
Như đã thấy, xã hội học văn học ở Pháp từ những ý tưởng có tính chất khai phá mở đầu thế kỷ XX của nhà văn học sử nổi tiếng Lanson đến những ảnh hưởng rộng rãi của phương pháp Bourdieu vào những năm cuối của thế kỷ đã trải qua cả đoạn đường dài với các mốc phát triển không thể phủ nhận. Đặc biệt, những đóng góp lớn lao của ba đại diện tiêu biểu không chỉ cho xã hội học văn học ở Pháp, mà ở những mức độ khác nhau còn là những nhân vật có ảnh hưởng ra ngoài biên giới nước Pháp như R.Escarpit, L.Goldmann, P.Bourdieu chúng tôi chỉ xin được nêu qua ở phần này cho đảm bảo tính hệ thống của vấn đề và sẽ có những phần giới thiệu, nghiên cứu kỹ hơn ở những phần tiếp theo.
* * * * *
Sang những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều nhà nghiên cứu nhất trí với ý tưởng cần nghiên cứu văn học như một tổng thể, đồng thời nghiên cứu các yếu tố cấu thành nó về mặt hình thức cũng như nội dung. Như vậy văn học và xã hội học mới có thể đối thoại một cách bình đẳng và có hiệu quả, cũng như áp dụng được các thành quả nghiên cứu của các cách tiếp cận khác và các bộ môn khoa học khác (như tâm lý học, phân tâm học, ký hiệu học, mỹ học).Trong thực tế, cho đến nay vẫn còn những ý kiến chưa ngã ngũ về số phận và sự tồn tại của xã hội học văn học, thậm chí thật bất công đôi khi nó bị xếp ở phạm vi “ngoài lề”. Như đã nói ở trên, từ thời điểm năm 1904, G.Lanson đã có bài thuyết trình Văn học sử và xã hội học với ý định xây dựng chuyên ngành xã hội học văn học. Sau đó, mặc dù có một số chương trình nghiên cứu cố gắng gắn nối mối quan hệ giữa văn học và xã hội học, nhưng xã hội học văn học với tư cách một chuyên ngành độc lập có thể chế riêng vẫn chưa thể hoàn tất. Cũng nhờ các nghiên cứu của R. Escarpit và nhóm nghiên cứu được gọi là trường phái Bordeaux mà xã hội học văn học mới được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy đại học. Tuy nhiên, trong trường đại học Pháp, xã hội học văn học chưa trở thành một bộ môn độc lập với các giảng viên chuyên môn. Các giảng viên đại học nghiên cứu về xã hội học văn học đều có chuyên môn chính thức là văn học, hoặc xã hội học. R.Escarpit nguyên là Giáo sư văn học Anh, L.Goldmann xuất thân từ triết học, P. Bourdieu là chuyên gia về xã hội học giáo dục. Thế hệ sau, ví dụ như A. Viala, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Pháp và hiện nay đang là giáo sư tại trường Tổng hợp Oxford, được giới thiệu là chuyên gia về văn học Pháp thế kỷ XVII và về lịch sử các thể chế văn học, còn G. Sapiro là chuyên gia về văn học Pháp thế kỷ XX v.v.. J.Michon, giáo sư tại trường Tổng hợp Sherbrook (Canada), có lẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi được giới thiệu một cách chính thức như giáo sư giảng dạy xã hội học văn học, nhưng thật ra chuyên môn chính của ông là lịch sử xuất bản và lịch sử sách.
Nhưng, như một nghịch lý hiển nhiên, mặc cho những ý kiến trao đổi và tranh luận về số phận và sự tồn tại của xã hội học văn học để đi đến một kết luận dứt khoát “tồn tại hay không tồn tại”, trong thực tế cách tiếp cận xã hội học văn học vẫn tiếp tục không ngừng được ứng dụng trong phê bình và nghiên cứu văn học. Để có thêm thông tin minh chứng cho kết luận này, chúng tôi xin cung cấp những tư liệu có trong tay (rất tiếc là không thể đầy đủ) về những hoạt động nghiên cứu trong thời gian ngắn ngủi là những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, hy vọng giới thiệu một góc nhìn “trên thực địa” về diện mạo bức tranh xã hội học văn học ngày nay ở Pháp.
-Năm 2000
Mở đầu thiên niên kỷ mới, hai cuốn sách của P. Zima: Vì một xã hội học của văn bản văn học và Sách giáo khoa về phê bình xã hội học được tái bản; cuốn sách có tính chất giáo trình Xã hội học văn học của tác giả P. Dirkx, Tiến sĩ văn học Pháp, Phó giáo sư Đại học Tổng hợp Rennes-I được xuất bản.
Cũng trong năm 2000, Hội thảo về mối quan hệ giữa văn học và lịch sử được tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Rennes vào tháng 5-2000. Bức tranh văn học Pháp thế kỷ XX được mở rộng thêm với nghiên cứu của I.Popa: Vượt qua sự đi đày. Mức độ trung gian và các chiến lược chuyển giao văn học của những người di cư từ Đông Âu sang Pháp, tạp chí Genèses, số 38, 3- 2000.
-Năm 2001
Nhân một năm mất của R. Escarpit, N.Robine xuất bản cuốn Tưởng nhớ Robert Escarpit: Nhà giáo, nhà văn, nhà báo, Bordeaux. Tiếp theo là sự xuất hiện của loạt sách: G. Fabre, Vì một xã hội học của quá trình văn học, Nxb Harmattan, 2001; A.Boscetti: Thơ ca ở quanh ta. Apollinaire, nhà thơ, thời đại (1898-1918), Paris, Seuil, 2001.
Ngoài ra một loạt bài báo được công bố với cách tiếp cận của xã hội học văn học: tác giả G.Sapiro:Về việc sử dụng các khái niệm “tả”/ "hữu” trong trường văn học, Tạp chíXã hội và Các quan niệm, số 11, số đặc biệt về Nghệ sĩ và chính trị, 2.2001, tr.19-53; tác giả J.Meizoz: Nhà viết tiểu thuyết Louis Aragon và các “thầy tiếng Pháp”của ông, Tạp chí Poétique, số 127, 9.2001; D. Naudier tìm hiểu đặc trưng của các nhà văn nữ trong bài: Lối viết - phụ nữ. Một cách tân thẩm mỹ có tính biểu tượng, Tạp chí Sociétés contemporaines, số 44, 2001, tr. 57-74.
-Năm 2002
Sách của F. Thumerel được xuất bản : Trường văn học Pháp thế kỷ XX, Nxb Armand Colin; một cuốn sách khác do M. Einfalt và J. Jurt (chủ biên), Văn bản và văn cảnh. Nghiên cứu trường văn học Pháp thế kỷ XIX-XX, Berlin-Paris, 2002.
Một loạt bài được đăng trongKỷ yếu nghiên cứu khoa học xã hội, Số 144, tháng 9-2002: G.Sapiro: “Nhập khẩu”văn học Do Thái ở Pháp: giữa chủ nghĩa toàn cầu và cộng đồng; P.Casanova: Dịch thuật - một sự trao đổi không bình đẳng; I.Popa: Một sự chuyển giao có tính chính trị: các kênh dịch văn học Đông Âu (1945-1989). Cũng ở kỷ yếu này (số 145, 12-2002), tác giả G. Sora có bài Một sự giao lưu không được công nhận. Dịch các tác giả Braxin ở Argentine, chỉ nghe tên bài viết ta đã thấy “có vấn đề” gây sự chú ý nơi độc giả. Tạp chíLittérature (Văn học), Paris, số 126, tháng 6.2002, có bài của J.Meizoz, Tìm hiểu về vị thế của nhà văn Jean-Jacques Rousseau.
Hội thảo về nghiên cứu văn học dưới nhan đề Nghiên cứu được Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX tổ chức tại Bordeaux.
- Năm 2003
Một loạt sách được xuất bản của các tác giả : E. Cros, Phê bình xã hội học, Nxb L’Harmattan ;tác giả G. Sora Dịch ở Braxin. Nghiên cứu nhân học về sự truyền tải tư tưởng trên thế giới, Buenos Aires, Libros del Zorzal; sách do Michel Dobry (chủ biên)Huyền thoại về sự dị ứng của người Pháp đối với chủ nghĩa phát xít, Albin Michel, Paris, 2003;J.Meizoz, Nhà triết học “vô lại” Jean-Jacques Rousseau, Lausanne, Editions Antipodes.
Các bài tạp chí của tác giả J.Meizoz: Dùng thành ngữ tục ngữ vào năm 1925: nghiên cứu xã hội học và thi pháp học về cách tân của trường phái Siêu thực, Tạp chí Poétique, số134, 4.2003; Tiểu thuyết và cái không thể được chấp nhận. Tranh luận về “Plateforme” của M. Houellebecq, Trong Tạp chí Văn học và đạo đức xã hội, Nghiên cứu văn chương, số 4, 12.2003.
- Năm 2004
Sau 50 năm xuất hiện trong bản tiếng Anh (1951) và bản tiếng Đức (1953) một cuốn sách có tính chất kinh điển của tác giả Arnold Hauser đã tái xuất hiện với bản dịch tiếng Pháp Lịch sử xã hội của nghệ thuật và văn học (2004). Cũng trong năm này tác giả J. Meizoz công bố cuốn Góc nhìn xã hội học và văn học, Genève-Paris, Slatkine Erudition; đồng thời cuốn Trao đổi về phê bình xã hội học với Claude Duchet (1995-2001) được công bố, Nxb Đại học Tổng hợp Lyon; Cuốn sách tập thể tưởng niệm Bourdieu do J. Heilbron, R. Lenoir, G. Sapiro (chủ biên), Vì một lịch sử của các khoa học xã hội. Tưởng nhớ Pierre Bourdieu, Fayard, Paris ( 397 trang).
Hội thảo Văn học và xã hội học do Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX tổ chức tại Bordeaux với sự tham gia của hai nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tổng hợp Bordeaux 3: Văn bản và văn hóa; Các vấn đề hiện đại hóa; Hội thảo Dấu ấn xã hội trong tiểu thuyết từ 1980 trong hai ngày 6 và 7 tháng 2 tại Montpellier.
- Năm 2005
Xuất hiện một loạt sách với các dạng khác nhau: sách tái bản Thể chế của văn học của J. Dubois (“đồ đệ” của Bourdieu); Sách của P.Casanova (cũng là học trò của Bourdieu) đã từng xuất bản bằng tiếng Pháp (dưới nhan đề Nước cộng hòa văn học, Paris, Seuil, 1999) được công bố qua bản dịch tiếng Anh: The World Republic of Letters, Havard University Press, 2005; sách do J.Dubois, Y.Winkin, P.Durand (chủ biên): Biểu tượng và xã hội. Tiếp nhận tác phẩm của Pierre Bourdieu trên thế giới, Presses de l'Université de Liège, 2005; ngoài ra còn có sách của tác giả E. Cros, Chủ thể văn hóa - Phê bình xã hội học và phân tâm học, Nxb L’Harmattan, Paris; Sách do E.Bouju chủ biên,Văn học nhập cuộc, in tại Nxb ĐHTH Rennes. Hai cuốn sách được in ở Montréal vào năm 2005 cũng liên quan đến xã hội học văn học như : P.Brissette, Định mệnh văn học. Từ nhà thơ bị vấy bẩn đến thiên tài bất hạnh (410 trang) và M.Segura, Diễn ngôn Pháp về châu Mỹ La Tinh,(247 trang).
-Năm 2006
Sách của E.Bouju có tên là Sự chuyển mình của lịch sử: khảo luận về tiểu thuyết châu Âu cuối thế kỷ XX in tại Nxb ĐHTH Rennes (220 trang); Sách của P. Aron, A. Viala,Xã hội học văn học, Nxb PUF; Sách của Y.Hamel Cuộc chiến của hồi ức. Đại chiến thế giới lần thứ hai và tiểu thuyết Pháp (406 trang), in tại Montréal; sách của G.Sapiro, Cuộc chiến của các nhà văn, Nxb Fayard (807 trang).
-Năm 2007
Sách của nhiều tác giả,Văn học và xã hội học, Nxb Trường Đại học Tổng hợp Bordeaux; sách của J.-M. Gouanvic, Thực tiễn xã hội của dịch thuật. Tiểu thuyết hiện thực Mỹ trong trường văn học Pháp (1920-1960), Artois Presses Université (204 trang).
Tạp chí COnTEXTES tháng 2-2007 ( Xã hội học văn học) có bài Vì một cách tiếp cận xã hội học các quan hệ giữa văn học và hệ tư tưởng của G. Sapiro, một trong những học trò của P.Bourdieu; Cũng trong số này tạp chí đã giới thiệu hồ sơ Hệ tư tưởng trong nghiên cứu xã hội học văn học (các văn bản này được tập hợp từ ngày nghiên cứu đầu tiên được tổ chức bởi nhóm COnTEXTES ngày 28-3-2006 tại ĐH Tổng hợp Liège) gồm nhiều bài quan tâm đến một vấn đề khá thú vị là những giá trị mới và những lối tiếp cận mới xung quanh một quan niệm có vẻ như đã rất cũ là “hệ tư tưởng”.
-Năm 2008
Sách do K.Attikpoé chủ biên, Dấu vết xã hội trong tiểu thuyết đương đại dành cho thanh niên, Nxb L’Harmattan; Sách của tác giả P.Popoviv, Tưởng tượng xã hội và sự điên rồ văn học, Nxb ĐH Tổng hợp Montréal.
-Năm 2009
Sách Tiểu thuyết như phòng thí nghiệm. Từ kiến thức văn học đến tưởng tượng xã hội học của hai tác giả A. Barrère và D. Martuccelli.
Các Hội thảo khoa học, vào tháng 10 về Tiểu sử nhà văn, tiếp nhận và tái tạo tại ĐH Tổng hợp Paul Verlaine, Metz và Nước Pháp - Những biến đổi của một huyền thoại văn học tại Paris, cũng vào tháng 10-2009.
-Năm 2010
Kéo dài từ 2009 đến 2010 là những buổi sinh hoạt khoa học tại trường Đại học Paris VII- Diderot (6 buổi trong năm 2009 và 2 buổi trong năm 2010) với chủ đề Balzac và con người xã hội.
Sách của tác giả B.Lahire,Franz Kafka. Những thành tố cho một lý thuyết về sáng tạo văn học, La Découverte, (636 trang).
-Năm 2011
Sách của tác giả R. Sayre, Xã hội học văn học - Lịch sử, hệ vấn đề, tổng hợp phê bình, Nxb L’Harmattan; một cuốn khác áp dụng phương pháp xã hội học văn học của P.Dirkx và P.Mougin,Claude Simon: Các tình huống.
- Năm 2012
Hội thảo về tác giả G. Sapiro ngày 13-4-2012 ở Paris về cuốn sách Trách nhiệm của nhà văn. Văn học, quyền và đạo đức ở Pháp thế kỷ XIX-XX với sự có mặt của tác giả; các cuộc Hội thảo khác: tháng 8-2012 Hội thảo ở Paris về Sự biến đổi của trường văn học (thế kỷ XVI-XXI); tháng 10-2012 Ngày nghiên cứu tại Poitier với chủ đề Việc áp dụng những công trình của P.Bourdieu trong khoa học xã hội; tháng 11- 2012 Hội thảo Quốc tế được tổ chức ở Algerie về Trường văn học và chiến lược của nhà văn; vào tháng 12 Hội thảo mang tên Nghiên cứu về thời thực dân và hậu thực dân - Giữa khách thể và chủ thể với sự cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu Pháp.
Tạp chí COnTEXTES ( Xã hội học văn học) số 10 (tháng 4-2012) với chủ đề Các cuộc tranh luận của nhà văn (Thế kỷ XIX-XX) với nhiều bài thú vị như: Những cuộc tranh luận văn học là những tích lũy về phương pháp luận; Trường văn học như trường của trận chiến (1820-1850); Tranh luận ở trường đại học và xung đột của các cá nhân; Hoàn cảnh của cuộc bút chiến hoặc tính chất bút chiến của hoàn cảnh: trường hợp của Michel Houellebecq; Cuộc tranh luận về tiểu thuyết ở trung tâm nhóm Siêu thực đầu tiên ở Pháp v.v…
-Năm 2013
Những cuộc Hội thảo đã được tổ chức trong năm 2013: tại Metz, ĐH Tổng hợp Lorrainetổ chứcNgày nghiên cứu với chủ đề Hồi ức thiêng liêng - Văn học và tác phẩm của quá khứ vào tháng 2-2013; Hội thảo tại ĐH Tổng hợp Lausanne vào tháng 6 về Vị thế của tác giả; Ngày nghiên cứu với chủ đề Tình bạn và văn học tại ĐH Tổng hợp Québec cũng vào tháng 6.
Hội thảo liên kết hai trường ĐH Tổng hợp Lorraine (Pháp) và ĐH Tổng hợp Yamaguchi (Nhật) với chủ đề Mối quan hệ giữa văn học “lớn” và văn học “nhỏ’: sự ngoài lề, sự hòa nhập và pha trộn vào tháng 10 ở Nancy (Pháp) và mùa thu 2014 tại ĐH Tổng hợp Yamaguchi (Nhật). Ngoài ra còn một cuộc Hội thảo đồng tổ chức của hai trường ĐH Tổng hợp Montpellier III và Paris I về Những bí mật thành phố thế kỷ XIX: những chuyển động, biến đổi, hòa nhập, văn học, lịch sử, truyền thông ở cả hai thành phố.
Có thể thấy rõ ràng xã hội học văn học ở Pháp những năm đầu của thế kỷ XXI vẫn tồn tại và khẳng định sức sống của mình qua sự phong phú của các hoạt động khoa học. Trước tiên là sự xuất hiện khá đều đặn của các Hội thảo khoa học thể hiện rõ những ý hướng tiếp cận xã hội học văn học của các nhà nghiên cứu. Hội thảo tổ chức trong năm 2002 là một hoạt động khoa học đáng chú ý về nghiên cứu văn học dưới nhan đề Nghiên cứu (Recherche) đã được Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX tổ chức tại Bordeaux. Các bài tham luận đã được công bố trong cuốn sách tập thể được xuất bản năm 2004 tại nhà xuất bản trường Tổng Hợp Sorbonne (Paris)[18]. Tại Hội thảo này các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến nhược điểm của các nghiên cứu văn học đương đại thường tập trung quá nhiều đến hình thức nghệ thuật của văn bản, đồng thời “Hội thảo cũng chỉ rõ nhu cầu cấp thiết cần phải đào sâu nghiên cứu quan hệ giữa nghiên cứu văn học với các khoa học nhân văn khác”[19]. “Mục đích của hội thảo là tìm hiểu trong điều kiện nào một số cách tiếp cận văn bản văn học theo hướng xã hội học có thể đưa đặc trưng nghệ thuật vào phân tích của mình và qua đó làm nó sâu sắc hơn, đồng thời tìm hiểu tại sao từ một thế kỷ nay văn học đã sử dụng các nghiên cứu xã hội học (ví dụ như Jean Paulhan, Paul Nizan, Collège de Sociologie[20], Perec, hoặc gần đây hơn là Annie Ernaux, François Bon, v.v.). Theo chúng tôi thì nghiên cứu so sánh các phương pháp luận của các ngành khoa học khác nhau có thể cho phép nghĩ đến sự sâu sắc hoặc đa dạng hơn trong nghiên cứu. Có nhiều lĩnh vực có thể là điểm gặp gỡ giữa văn học và các khoa học thuộc xã hội nhân học, đặc biệt là trong các nghiên cứu về hồi ức, về truyện kể, về các phương thức đạt được và truyền đạt kiến thức.
Ngoài ra các câu hỏi này cũng liên quan đến các vấn đề đặc biệt vào thời điểm mà các trường đại học Pháp cần phải cải tổ chương trình khóa học và tổ chức các khoa trong khuôn khổ hệ thống Cử nhân – Thạc sĩ – Tiến sĩ. Thật vậy, đó là vấn đề tương lai của văn học như một bộ môn độc lập và có khả năng tìm hiểu thế giới quanh ta, theo một phương pháp luận đặc trưng riêng, cũng như các khoa học nhân văn khác"[21].
Hội thảo Văn học và xã hội học được tổ chức năm 2004 tại Bordeaux là hội thảo khá đặc biệt với sự tham gia của hai nhóm nghiên cứu Văn bản và văn hóavà Các hình thức hiện đạicủa trường Bordeaux 3 được tổ chức vào tháng 11.2004 nhằm kỷ niệm trường phái xã hội học văn học Bordeaux do R. Escarpit sáng lập vào đầu những năm 1960, ban tổ chức là Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX. Năm 2004 cũng là năm kỷ niệm 100 năm bài thuyết trình có tính lịch sử của Gustave Lanson mang tên Văn học sử và xã hội học.
Việc hội thảo này được tổ chức tại Bordeaux cũng có ý nghĩa đặc biệt được coi như hội thảo đầu tiên mở đường cho những hội thảo trong tương lai với nhiệm vụ tìm hiểu các quan hệ có tính bổ sung, hoặc cạnh tranh, hoặc giao lưu, giữa lĩnh vực xã hội học và văn học. Hội thảo có tham vọng đặt ra vấn đềnghiên cứu liên ngành nhằm góp phần đổi mới nghiên cứu văn học tại Pháp và các nước nói tiếng Pháp. Có thể nói đây là một thách thức lớn của công việc nghiên cứu trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Hội thảo Bordeaux có tầm cỡ quốc gia và thậm chí quốc tế, ít nhất là trong phạm vi các nước nói tiếng Pháp và một số nước châu Âu, đã đặt nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ có thể nói là “sống còn” giữa văn học và xã hội học đối với nghiên cứu văn học nói chung.
Chương trình Văn học và xã hội học được đưa ra với tính cấp thiết như vậy cũng là do có một nguyên nhân bên ngoài. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của các nghiên cứu mang tên Cultural studies (nghiên cứu văn hóa) trong khối các nước nói tiếng Anh. Vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, nghiên cứu Cultural studies đã bắt đầu được phổ biến ở Pháp. Theo hướng nghiên cứu này thì văn bản văn học được coi như một loại tài liệu và tác phẩm được nghiên cứu theo cộng đồng mà tác giả được xếp vào, do đó có nguy cơ bỏ qua các vấn đề đặc trưng của văn học, cái viết. Do đó, các nhà nghiên cứu văn học khối Pháp ngữ đã đưa ra đề nghị cần phải đối thoại một cách phê phán với hướng nghiên cứu đến từ các nước Anh-Mỹ.
Cuốn sách Văn học và xã hội học là kết quả của cuộc Hội thảo trên do Philippe Baudorre, Dominique Rabaté, Dominique Viart chủ biên[22]cho thấy toàn cảnh xã hội học văn học tại Pháp và các nước khối Pháp ngữ vào đầu thế kỷ XXI. Tập thể tác giả là các nhà nghiên cứu văn học, cũng như các nhà xã hội học có uy tín nhất trong giới nghiên cứu các nước nói tiếng Pháp. Cuốn sách này có thể được coi là cuộc đối thoại giữa các nhà nghiên cứu văn học với các nhà xã hội học trên cơ sở một thực tế được giới nghiên cứu văn học cho là đáng lo ngại: đó là việc các nghiên cứu văn học thường chỉ quá quan tâm đến những quan hệ nội tại của tác phẩm mà gần như quên đi bối cảnh sáng tác và những quan hệ xã hội gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến tác phẩm văn học cũng như quá trình sáng tạo.
Công trình Văn học và xã hội học bao gồm ba phần. Phần thứ nhất đề cập đến các vấn đề phương pháp thuộc về văn học và của xã hội học để tìm hiểu những điểm giống và khác nhau. Cách tiếp cận liên ngành có mục đích để hiểu các phương pháp đặc trưng của mỗi bộ môn thông qua việc đối thoại phê bình. Phần thứ hai đề cập đến các nghiên cứu cụ thể hơn nhằm làm rõ các mối giao lưu giữa văn học và xã hội học, đặc biệt thông qua việc tìm hiểu một số nhân vật vừa thuộc về văn học vừa thuộc về xã hội học và nhân học như Caillois, Bataille, Leiris, hoặc gần hơn là Bernard Noel, cũng như các văn bản “văn học” của nhà dân tộc học Marc Augé. Cuối cùng là đối thoại về các đối tượng nghiên cứu chung như văn bản truyền miệng, vị trí của các đối tượng, các tủ sách văn học v.v...
Trong thời gian hơn mười năm bước sang thế kỷ XXI ngoài các hoạt động Hội thảo khoa học, chúng ta có thể thấy không ít công trình liên quan đến xã hội học văn học được công bố dưới dạng sách các loại, sách cá nhân, sách tập thể. Ngoài các tác phẩm có tính chất “kinh điển” được tái bản, chúng ta thấy xuất hiện các công trình mới mà về cơ bản vẫn tiếp tục các quan điểm của các nhà xã hội học văn học tiêu biểu của thế kỷ XX, theo các khuynh hướng của R.Escarpit và trung tâm Bordeaux; phê bình xã hội học theo quan điểm của Cl. Duchet. Một số quan điểm của L.Goldmann nhưquan niệm về thế giới được các nhà nghiên cứu ở các nước nói tiếng Pháp ngoài nước Pháp quan tâm và khai thác.
Có thể thấy phong phú nhất là các công trình theo lối tiếp cận từ lý thuyết trường của P. Bourdieu. Ảnh hưởng của P.Bourdieu bao trùm rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục. Trong lĩnh vực văn học, chủ yếu với tác phẩm Quy tắc của nghệ thuật .[23]Lý thuyết trường cũng như một số quan điểm khác của ông trong văn học đã được áp dụng rộng rãi trong các công trình nghiên cứu ở Pháp cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Đó có thể là những công trình mang tính tổng quát, hoặc nghiên cứu hiện trạng các trường văn học vào các thời gian, không gian, lịch sử, xã hội khác nhau,nghiên cứu sự hình thành khái niệm, sự xuất hiện của tác giả trong trường văn học hoặc rộng hơn, trong trường văn hóa của một quốc gia, hoặc của một thời đại…Từ trong thực tế có thể thấy lý thuyết trường của P.Bourdieu đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong giới nghiên cứu văn học phương Tây. Hướng nghiên cứu này có đặc điểm là tổng hợp được các cách tiếp cận và các kết quả nghiên cứu của nhiều trường phái khác nhau. Nó cho phép nghiên cứu tác phẩm từ nhiều góc độ, nhiều cấp độ phân tích và luôn được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ giữa hình thức và nội dung, giữa bối cảnh lịch sử xã hội và tài năng của nghệ sĩ, giữa các giá trị xã hội và các đặc trưng tác phẩm, cũng như giữa các nhóm văn học và các nền văn học.
Để minh chứng cho điều này, chúng tôi xin nêu ở đây một số công trình đã áp dụng thành công lý thuyếttrường của P.Bourdieu vào nghiên cứu văn học. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, Giáo sư văn học Pháp A.Boschetti đã công bố công trình Sartre và Les Temps Modernes[24] với những lời khẳng định cơ sở lý luận và phương pháp luận của cuốn sách là từ “các tác phẩm của P.Bourdieu và tất cả những gì được áp dụng từ cách tiếp cận của ông, trong đó khái niệm trường đóng vai trò trung tâm”[25]. Sang đầu thế kỷ XXI, người đọc lại có dịp tiếp xúc với hai công trình của tác giả này. Năm 2001, A.Boschetti dành một chuyên khảo công phu cho việc nghiên cứu nhà thơ G.Apollinaire[26], người đã làm tốn nhiều bút mực của giới nghiên cứu ở Pháp cũng như ở nước ngoài với vai trò của người Tiền phong cùng với những cách tân táo bạo, thậm chí là những “cuộc lật đổ”trong sáng tạo nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên tác giả đã dành 47 trang đầu tiên để đề cập về những quy tắc của trường văn học,tình hình của thơ ca đầu thế kỷ XX để từ đó xác định vị trí “thủ lĩnh”của G.Apollinaire trong trường văn học Pháp vào những năm đó. Mới đây nhất, A.Boschetti xuất hiện với vai trò chủ biên cuốn Không gian văn hóa xuyên quốc gia[27], trong đó P. Bourdieu vẫn là chỗ dựa về lý luận của các bài nghiên cứu, khái niệm trường văn hóa được sử dụng như là sự mở rộng của khái niệm trường văn học.Điều đáng chú ý đây là một cuốn sách tập thể “xuyên quốc gia” với sự tham gia của 17 tác giả đến từ các nước Italie, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Braxin, Tây Ban Nha và Mỹ, hơn nữa, đó là các nhà nghiên cứu của các chuyên ngành khác nhau: 7 người là chuyên gia văn học, 5 người là chuyên gia lịch sử hiện đại và đương đại, 3 người thuộc chuyên ngành xã hội học, 2 người là Giáo sư ngành Chính trị học. Công trình không chỉ là sự mở rộng nghiên cứu đến trường văn hóa, thể hiện xu hướng quan tâm đến những nghiên cứu văn học - văn hóa hiện nay trong giới nghiên cứu khoa học xã hội trên thế giới. Chính việc tập hợp những nghiên cứu “xuyên quốc gia” và có tính chất đa ngành hoặc liên ngành đã có thể gợi ý nào đó cho giới nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu văn học, văn hóa nói riêng ở nước ta hiện nay.
Bổ sung thêm cho những nghiên cứu theo hướng trường là cuốn sách Trường văn học Pháp thế kỷ XX - Các thành tố cho một xã hội học văn học[28] trong đó tác giả F.Thumerel đã giới thiệu về P.Bourdieu như sau: “P.Bourdieu được đánh giá cao trên trường quốc tế và xã hội học về trường, được giới thiệu trên toàn thế giới”[29]. Cho rằng với cách tiếp cận này, xã hội học văn học sẽ là “một con đường mới của phê bình và lịch sử văn học”, tác giả đã chứng minh bằng những nghiên cứu cụ thể về tác phẩm của Ernaux hay của Sartre, nghiên cứu các tạp chí với tư cách như các công cụ chiến lược, hoặc sự cạnh tranh trong một nhà xuất bản văn học... Một năm sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ về tác phẩm Buồn nôn của J.-P. Sartre, F.Thumerel đã có dịp gặp gỡ với P.Bourdieu. Kể từ đó nhà nghiên cứu đã dày công nghiên cứu các tác phẩm của P.Bourdieu và áp dụng lý thuyết của ông vào các nghiên cứu của mình.
Trong danh sách khá dài các “đồ đệ”của P.Bourdieu có lẽ không thể bỏ qua tên tuổi một tác giả đã thành danh trong làng nghiên cứu, đó là G.Sapiro, người đã tiến hành luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn khoa học trực tiếp của P.Bourdieu (bảo vệ năm 1994), chuyên gia về các nhà văn và các thể chế văn học trong “những năm đen tối”.Vào năm cuối cùng của thế kỷ XX G.Sapiro đã công bố một cuốn sách với nhan đề khá đặc biệt Cuộc chiến tranh của các nhà văn để rồi vào năm 2006 cuốn sách lại được xuất hiện[30]. Theo lối tiếp cận trường văn học cuốn sách đã nghiên cứu các nhà văn dấn thân, những nhà văn Pháp tham gia Kháng chiến và những người ở phe đối địch, thậm chí cả những người đã thuộc phe phát xít. Cuốn sách đã có những gợi ý bổ ích cho chúng ta khi đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến mối quan hệ giữa văn học và chính trị cùng những vấn đề xã hội trong thời gian chiến tranh. Cũng thuộc về đề tài này G. Sapiro đã công bố bài “Các khuôn mặt nhà văn phát xít”, trong cuốn sách Huyền thoại về sự dị ứng của người Pháp đối với chủ nghĩa phát xít doMichel Dobry chủ biên (Paris, Albin Michel, 2003).Năm 2004, cùng với J. Heilbron, R. Lenoir, G. Sapiro tham gia chủ biên một ấn phẩm quan trọng Vì một lịch sử của các khoa học xã hội. Tưởng nhớ Pierre Bourdieu. Vào ngày 13 tháng 4 năm 2003, tại Paris có cuộc Hội thảo về cuốn sách Trách nhiệm của nhà văn. Văn học, quyền và đạo đức ở Pháp thế kỷ XIX-XX với sự có mặt của tác giả G. Sapiro.
Có thể nêu ở đây một loạt các công trình nghiên cứu khác đi theo hướng tiếp cận này như: J.Dubois, Thể chế của văn học, sách tái bản năm 2005; J.Dubois, Y.Winkin, P.Durand (chủ biên): Biểu tượng và xã hội. Tiếp nhận tác phẩm của Pierre Bourdieu trên thế giới, Presses de l'Université de Liège, 2005; P.Casanova, (cũng là học trò của Bourdieu) đã xuất bản cuốn Nền cộng hòa thế giới của văn học, Paris, Seuil, 1999), sau đó công trình được công bố qua bản dịch tiếng Anh: The World Republic of Letters, Havard University Press, 2005; Sách của P. Aron, A. Viala,Xã hội học văn học, Nxb PUF, 2006 v.v…
Ngoài ra, mối liên hệ giữa văn học và xã hội học còn được các nhà nghiên cứu Pháp tiếp cận theo một góc nhìn khác. Năm 2009, hai nhà xã hội học Anne Barrère và Danilo Martuccelli đã cho ra mắt một nghiên cứu với nhan đề Tiểu thuyết như phòng thí nghiệm. Từ kiến thức văn học đến tưởng tượng xã hội học[31]. Đối với hai tác giả này thì việc tìm hiểu xã hội đương đại không thể nào bỏ qua văn học đương đại với tư cách là một nguồn tư liệu có thể được phân tích bằng phương pháp xã hội học để có thể đạt tới những kiến thức mới. Mục đích của tác phẩm là dùng chất liệu tiểu thuyết Pháp đương đại để nghiên cứu xã hội Pháp đương đại. Những nghiên cứu này rõ ràng gần với lĩnh vực xã hội học hơn là văn học, nhưng dù sao khi nói về những mối quan hệ giữa hai chuyên ngành văn học và xã hội học chúng ta cũng có thể tham khảo được nhiều điều bổ ích nhất là khi có dịp tiếp xúc với 200 tiểu thuyết của 20 nhà văn Pháp thế kỷ XX và XXI đang còn sống và đang sung sức trong sáng tác được đề cập tới trong cuốn sách.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, lần đầu tiên, một tạp chí chuyên ngành đã được thành lập, đó là tạp chí COnTEXTES (Xã hội học văn học) dưới dạng trực tuyến (http://contextes.revues.org/). Từ tháng 9/2006 tạp chí chuyên ngành đã thống nhất được đại bộ phận các nhà nghiên cứu. Trang chủ của tạp chí nói rõ rằng: “COnTEXTES, Tạpchí Xã hội học văn học, tập hợp các nhà nghiên cứu tiếp cận văn học theo hướng xã hội đối với mọi nền văn học và giai đoạn lịch sử. Tạp chí không chỉ đưa ra một số các đối tượng nghiên cứu chung, mà đặc biệt là nơi gặp gỡ của các góc nhìn đa dạng cùng có cơ sở là công nhận tính xã hội của hoạt động văn học, ngược lại với một quan niệm có tính thiêng liêng và thần thánh hóa về văn học, cũng như với một cách đọc văn bản như một sáng tạo của thiên tài”. Theo dõi hoạt động của tạp chí ở phần trên chúng ta thấy những đóng góp tích cực và hiệu quả của Tạp chí trong đời sống văn học nói chung đồng thời thể hiện rõ khả năng tập hợp các nhà nghiên cứu không chỉ trong phạm vi nước Pháp mà rộng hơn có tính chất “xuyên quốc gia” trong thời đại @ hiện nay. Tạp chí COnTEXTES (Xã hội học văn học) trong lời chúc năm mới 2013 đã đồng thời mời gọi bạn đọc tham gia (viết và đọc) cho những mục sau của tạp chí: Danh sách các luận án Tiến sĩ về xã hội học văn học và phê bình xã hội học; Điểm sách; Các bài tạp chí liên quan đến lối tiếp cận xã hội học văn học của các thời kỳ và của các nền văn học.
TrongDanh sách các luận án Tiến sĩ về xã hội học văn học và phê bình xã hội học tạp chí đã cung cấp cụ thể tên các luận án đã và đang thực hiện từ năm 2006 đến 2013 với các con số như sau: tại Bỉ Pháp ngữ:16; khu vực nói tiếng Hà Lan, Đức của Bỉ:14; Pháp: 21; Quebec: 15…Đọc tên các luận án, chúng ta thấy rõ sự phong phú trong các hướng tiếp cận nghiên cứu: Giữa hiện đại và “tiền phong”. Mạng lưới tạp chí văn học sau chiến tranh ở Bỉ (1912-1922); Thực tiễn của cái viết trong các biên kịch sân khấu đương thời; Nỗi buồn, Bạo lực, Sự quên lãng.Tiểu thuyết Pháp từ thời de Gaulle đến sự thử thách của lịch sử; Các nhà văn ở vùng ven của trường chính trị. Nghiên cứu xã hội học về sự nhập cuộc chính trị của trí thức; Proust và điện ảnh. Thời gian, hình ảnh, chuyển thể; Tiếp nhận Michel Houellebecq trong các nước nói tiếng Đức v.v…
Không thể phủ nhận những giới hạn tất yếu của mỗi một cách tiếp cận trong quá trình nghiên cứu và có một cái nhìn tỉnh táo và khách quan là việc cần làm của mỗi người theo nghiệp nghiên cứu. Chúng ta có thể học tập điều này từ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu lão thành như P.Bourdieu. Là một nhà nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với những thành tựu lớn lao và ảnh hưởng rộng khắp, thế nhưng P. Bourdieu không hề tự cho mình là một “chuyên gia” có thể trả lời và giải quyết mọi vấn đề đặt ra. Ngược lại, ông rất có ý thức về những giới hạn của nghiên cứu trong khoa học xã hội nói chung, đồng thời luôn nhắc nhở các nhà nghiên cứu phải có cái nhìn phê phán đối với chính mình nhằm đạt được kết quả và mức độ khách quan cao nhất. Ngoài những cống hiến to lớn trong nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội nói chung, bài học về sự giới hạn của nghiên cứu đặt ra từ tác giả P.Bourdieu rõ ràng đã khơi gợi cho chúng ta thật nhiều điều để suy ngẫm.
Tự xác định vừa là người nghiên cứu, người giới thiệu, đồng thời là người ham học hỏi với mong muốn có nhiều người khác cùng tìm hiểu bức tranh đa dạng, phức tạp và cũng đầy hấp dẫn từ các cuộc phiêu lưu của phê bình Pháp nói riêng, lý luận-phê bình văn học nước ngoài nói chung, chúng tôi thấy rằng việc mở nhiều ô cửa nhìn ra thế giới để xem “người ta” đã, đang và thậm chí sẽ làm những gì là việc làm cần thiết. Hy vọng chúng ta sẽ cùng khám phá với một thái độ vừa cởi mở, vừa sáng suốt tìm đến những cách tiếp cận hợp lý trong nghiên cứu.
Thế nhưng, chính ở đây chúng ta cần thể hiện bản lĩnh chọn lựa của mình. Bởi vì, thực ra, không phải cái gì cũng “hợp” với chúng ta (xác định thế nào là “hợp” và “hợp” như thế nào là vấn đề vô cùng phức tạp, đòi hỏi những nghiên cứu và trao đổi tiếp tục). Rõ ràng, các lối đi mới, các cách nhìn mới không phải tất cả đều “đúng” với mọi trường hợp. Đó là chưa kể trong quá trình hướng về cái mới, ở đâu đó, ở người nào đó, ở một trường phái nào đó, một giai đoạn nào đó đã lộ ra sự bất cập hoặc sau một thời gian thể nghiệm cái mới lại nảy sinh nhu cầu xem xét lại các quan điểm, các ý tưởng mới đó. Ở đây chúng tôi muốn nói đến tính giới hạn của vấn đề. Chúng tôi cho rằng đó là lẽ bình thường để tránh tình trạng coi một lý thuyết nào đó, một khuynh hướng nào đó là “thống soái”, là chìa khóa vạn năng, có thể mở được mọi cánh cửa, có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề.
Có thể lấy trường hợp nhà nghiên cứu Tz.Todorov làm ví dụ cho vấn đề này. Sau một thời gian nổi tiếng không chỉ ở Pháp mà trên toàn thế giới với những quan điểm gắn với phê bình cấu trúc, vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ XX Todorov đã “suy nghĩ lại” và cho rằng phương pháp phân tích cấu trúc chỉ nên coi là phương tiện, chứ không phải là mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu văn học. Theo ông, cách tiếp cận của chủ nghĩa cấu trúc đã tỏ ra bất cập khi chỉ quan tâm tới văn bản, bỏ quên đi những mối quan hệ với thế giới, với xã hội. Trong cuốn sách xuất bản vào những năm đầu của thế kỷ XXI Nhiệm vụ và niềm vui thú-Cuộc đời của người đưa đường (2002), ông đã dành một chương có tên là Phê phán chủ nghĩa cấu trúc để tỏ rõ thái độ của mình. Ông tự nhận mình chỉ là một “người ôn hòa bên lề”, không phải là một kẻ kỳ quặc, cũng không hề là người ẩn cư xa lánh cuộc đời. Ông cho rằng: “Cái gọi là cống hiến, chỉ là một phần rất nhỏ bé, vào hạnh phúc của nhân loại, bởi tất cả chúng ta là một bộ phận của nó. Nỗi bận tâm về mình sẽ không phải là ích kỷ khi người ta biết rằng mình không thể tồn tại thiếu người khác, tách chia khỏi những người khác. Và thật là cao cả khi yêu mến nhân loại, nhưng, để bắt đầu, chúng ta hãy quan tâm đến từng con người một”[32]. Mối quan tâm của ông giờ đây tỏa rộng hơn phạm vi cấu trúc của văn bản, ông hướng về nghĩa của các văn bản và những mối quan hệ thuộc về chính trị, xã hội và triết học của chúng. Có thể thấy rõ điều đó trong một tác phẩm khác xuất bản năm 2007, đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Văn chương lâm nguy[33],một cuốn sách “hoài nghi về thuyết cấu trúc” trong đó thể hiện tính chất tự phản biện và đối thoại của Tz. Todorov về chính hệ thống lý thuyết của mình. Ông cho rằng quan niệm văn chương theo kiểu hình thức không phải là khuynh hướng duy nhất thống trị văn học và phê bình báo chí ở Pháp vào đầu thế kỷ XXI này. Ống nhấn mạnh đến việc “mọi khuynh hướng tiếp cận bản văn chẳng những không chống nhau mà còn bổ sung cho nhau” (chúng tôi nhấn mạnh) và ngoài việc phân tích hình thức của tác phẩm văn học còn phải thấy tác giả của nó là người quan sát và thấu hiểu xã hội. Rõ ràng là có mối quan hệ giữa những yếu tố xã hội với những vấn đề có vẻ là thuần hình thức trong quá trình sáng tạo. Phương châm cùng chào đón các cách tiếp cận từ “con người” và “tác phẩm”, “câu chuyện” và “cấu trúc” của Tz.Todorov sau một chặng dài từ cuộc đời nghiên cứu đầy thăng trầm của ông đã thực sự gợi ý cho chúng ta nhiều điều thú vị.
[1]Xem: Trương Đăng Dung, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998.
[3]Xem: Etienne Balibar và P. Macherey. “Về văn học như hình thức của hệ tư tưởng”, Littérature, Larousse, số 13, năm 1974.
[4]R.Garaudy,Về một chú nghĩa hiện thực vô bờ bến, Nxb Plon, Paris, 1963.
[5]R.Garaudy, Sđd, trang 11.
[6]R.Garaudy, Sđd, trang 15-16.
[7]Xem: É. Ravoux-Rallo, Những phương pháp phê bình văn học,Armand Colin,1993;J.-Y. Tadié, Phê bình văn học thế kỷ XX, Les Dossiers Belfond, 1987; P. Dirkx, Xã hội học văn học, Armand Colin, 2000; R.Sayre,Xã hội học văn học – Lịch sử, hệ vấn đề, tổng hợp phê bình, L’Harmattan, 2011.
[8]Một cuộc đời cho triết học, trong Tạp chí: Le magazine littéraire.Hors-série,No7, Mars-Mai 2005, trang 59.
[9]J.-P.Sartre, Sđd, trang 13.
[10]J.-P.Sartre, Văn học là gì?(Qu’est-ce que la littérature?) ra đời năm 1947, sau đưa vào bộ sách Situation II năm 1948, bản chúng tôi có trong tay và dùng để trích dẫn là bản của Nxb Gallimard (khổ nhỏ, 374 trang), 1964.
Chúng tôi có tham khảo thêm bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc:J.-P.Sartre, Văn học là gì? Nxb Hội nhà văn, 1999.
[11]J.-P.Sartre, Sđd, trang 30.
[12]J.-P.Sartre, Sđd, trang 31.
[13]Xem R.Escarpit, Xã hội học văn học,PUF, Paris, 1958; Văn học và xã hội, Flammarion, 1970.
[14]Xem P.Bourdieu, Quy tắc của nghệ thuật, Seuil, Paris, 1992.
[15]Xem. A.Boschetti, Thơ ở quanh ta. Apollinaire, nhà thơ, thời đại (1898-1918), Paris, 2001.
[16]R.Escarpit, Xã hội học văn học,PUF, Paris, 1958, trang 127.
[17]P.Aron và A.Viala, Xã hội học văn học, Nxb PUF, Paris, 2006, trang 31.
[18]Didier Alexandre, Michel Collot, Jeanyves Guérin và Michel Murat (chủ biên), Tổng kết về nghiên cứu văn học Pháp trong các luận án tiến sĩ, Paris, Presses de la Sorbonne Nouvelle, 2004.
[19]Didier Alexandre, Michel Collot, Jeanyves Guérin và Michel Murat (chủ biên), Sđd, trang 7.
[20]Viện Xã hội học (Collège de sociologie) được thành lập, từ tháng 11.1937 đến tháng 7.1939, theo sáng kiến của Georges Bataille với mục đích nghiên cứu và truyền bá khoa học xã hội. Viện tổ chức các buổi thuyết trình và đã có vai trò trong đời sống trí thức Pháp vào giai đoạn trước Đại chiến Thế giới lần II. Viện đã có ảnh hưởng đến nhiều nhà nghiên cứu Pháp thế kỷ XX.
[21]Didier Alexandre, Michel Collot, Jeanyves Guérin và Michel Murat (chủ biên), Sđd, trang 8.
[22]Philippe Baudorre, Dominique Rabaté, Dominique Viart (chủ biên), Văn học và xã hội học, Pessac, Presses Universitaires de Bordeaux, 2007, 232 trang.
[23]P.Bourdieu, Quy tắc của nghệ thuật. Seuil, 1992, 1998 (có bổ sung và sửa chữa).
[24]A.Boschetti, Sartre và Les Temps Modernes, Nxb Minuit, 1985, 326 trang.
[25]A.Boschetti, Sđd, trang 7.
[26]A.Boschettti, Thơ ca ở khắp nơi - Apollinaire, con người – thời đại (1898-1918), Seuil, 2001, 345 trang.
[27]A.Boschettti, Không gian văn hóa xuyên quốc gia, Nouveau Monde Edition, 2010, 509 trang.
[28]F.Thumerel, Trường văn học Pháp thế kỷ XX-Các thành tố cho một xã hội học văn học,Armand Colin, 2002, 235 trang.
[29]F.Thumerel, Sđd, trang 7.
[30]G.Sapiro, Cuộc chiến tranh của các nhà văn, 2006, Fayard, 807 trang.
[31]Anne Barrère và Danilo Martuccelli, Tiểu thuyết như phòng thí nghiệm. Từ kiến thức văn học đến tưởng tượng xã hội học,Septentrion Presses Universitaires, 2009, 373 trang.
[32]Tz.Todorov,Nhiệm vụ và niềm vui thú-Cuộc đời của người đưa đường, Nxb Seuil, Paris, 2002, trang 379.
[33]Tz.Todorov, Văn chương lâm nguy, (Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính), Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học, 2010.