Tâm thức Việt Nam giống như một đứa trẻ, không thiếu điều tốt đẹp, nhưng đầy bản năng và thiếu duy lý. Chúng ta đã sa vào những cuộc tranh luận bất tận trên những khái niệm không có ranh giới hình thành dựa trên trực giác, những thói hoang dã bướng bỉnh khó thay đổi nếu không dùng tới sức mạnh của roi vọt hay gói quà Tết, những xét đoán không gắn với một hệ thống giá trị ổn định nào, không lối thoát từ nhiều thế hệ. Tranh luận bằng trực giác, bướng bỉnh hoang dã và không có giá trị ổn định chính là các phản ánh của sự ấu trĩ.
Ấu trĩ là một điều tha thứ được với một đứa trẻ, nhưng sẽ đem lại một số phận bất hạnh với một người lớn. Khi lớn lên, với những năng lực tự chủ mạnh mẽ, con người ấu trĩ sẽ đủ sức tàn phá xã hội một cách vô thức, ngu xuẩn như một con King Kong. Làm thế nào để đánh thức một con King Kong đang say máu tàn phá? Có lẽ không còn cách nào khác phải dùng sức mạnh đánh quỵ nó, để nó thấy được rằng sức mạnh của nó chỉ là một trò cười so với thế giới này. Dù sao đi nữa, những kẻ ỷ vào sức mạnh luôn khiếp sợ sức mạnh khác hơn mình. Sau đó, phải thức tỉnh con King Kong ra khỏi thế giới ảo giác của nó. Hứng khởi tinh thần của con King Kong bắt nguồn từ men say trong máu, khiến con King Kong nhìn thế giới như một kẻ nghiện ngập, vừa bướng bỉnh vừa nhát nhúa không dám trở lại với thế giới thực. Bước tiếp sau, phải áp đặt một hệ thống giá trị cho con King Kong, để nó biết hành xử phù hợp với thế giới văn minh, cho dù phải trải qua một cuộc hành xác, tẩy não khổ đau. Cuối cùng, mới có thể giải phóng các sức mạnh đặc biệt của King Kong phục vụ cho thế giới văn minh và mang đến hạnh phúc cho chính nó.
Phục Hưng là một phong trào văn hóa bắt nguồn ở Ý rồi lan rộng khắp châu Âu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Động lực của Phục Hưng có lẽ là các phát minh công nghệ làm giấy và in typo đã thay đổi đến gốc rễ ngành công nghiệp xuất bản. Nhờ đó các ý tưởng mới được giao lưu, tích lũy và lắng đọng thành nền tảng của một hệ thống giá trị mới, có sức phát triển tới tương lai, khai phá các giá trị cổ điển đồng thời cũng phá dỡ hệ thống tư biện nhiều tầng lớp của thời Trung cổ.
Một sự trùng hợp có vẻ như ngẫu nhiên là Phục Hưng bắt đầu sau khi Thành Constantinople thất thủ. Đó là một thất bại đau đớn nhưng rất cần thiết với con King Kong châu Âu, khi sức mạnh bị đè bẹp bởi một sức mạnh khác. Sự ưu việt của hệ thống phòng thủ thành Constantinople dựa trên hệ thống khoa học kinh điển của châu Âu bị đánh sập bởi những kẻ mọi rợ vốn không cần biết các nguyên lý khoa học là gì, nhưng biết sử dụng một ứng dụng tinh tế của chính tri thức khoa học Âu châu là đường khương tuyến. Sức mạnh về công nghệ, sự thiện chiến của các chiến binh thành chiến từ Ý, tinh thần Thiên chúa giáo, đã trở thành trò cười trước đạn đại bác xoay tròn theo thiết kế của một sĩ quan công binh vô danh người Hungari nào đó. Có lẽ quan trọng nhất là niềm tin trực giác, bướng bỉnh và không có một cơ sở nào là Chúa luôn ở cạnh để phù hộ cho con chiên của mình, đã tan nát. Con King Kong bị đánh quỵ trở nên khiếp sợ lần đầu tiên thấy được sức mạnh của mình chỉ là trò cười trong thế giới mới. Không biết do cơ may hay do tính ưu việt, nền châu Âu đã biết sống lại và làm bá chủ thế giới, bắt đầu từ Phục Hưng. Những nhà bác học Hy Lạp tinh hoa nhất, đã rời bỏ Constantinople quy tụ ở Ý và đem lại cho Ý những tư tưởng mới mẻ. Trên nền tảng đó đã sinh ra những nhà bách khoa khổng lồ như Leonardo da Vinci hay Michelangelo. Đã có một cuộc tranh luận giữa việc coi Phục hưng là một bước tiến về văn hóa từ thời Trung cổ hay nên coi đó là một giai đoạn buồn đau, yếm thế, hồi tưởng dĩ vãng của Âu Châu. Tuy nhiên, thất bại, buồn đau là cần thiết để tiến lên, nếu như biết giữ những giá trị thực sự và dám từ bỏ những ảo tưởng, thiết nghĩ cuộc tranh luận đó không cần thiết. Vả lại, sau Phục Hưng, sự phát triển của châu Âu không còn là một bước đi ngẫu nhiên mà đã dẫn đầu toàn thế giới cho đến tận ngày nay.
Câu hỏi đặt ra là liệu các dân tộc không có cơ may được ở trong trào lưu Phục Hưng thế kỷ 14-17, muốn tìm hạnh phúc của mình liệu có phải trải qua thời kỳ Phục Hưng của mình? Có thể lấy một ví dụ của nước Mỹ. Nước Mỹ có thời kỳ Phục Hưng của mình với danh xưng American Renaissance từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 quy tụ được đông đảo các nhà sáng chế, nhà văn, kiến trúc sư, nghệ sĩ, chính trị gia,... tại New York với tư tưởng hình thành một hệ thống giá trị của một Đế chế mới. Kết quả, nước Mỹ sau đó trở nên cường quốc số 1 thế giới cho đến tận hôm nay. Có lẽ đó không phải là một điều ngẫu nhiên
Việt Nam có cần một phong trào Phục Hưng hay không? Dù không thể đưa ra các lý lẽ để xác quyết, nhưng từ nhiều năm tôi vẫn mong đợi điều đó. Trước hết, thói mê tín, tính áp đặt niềm tin thô bạo đang lồng lên như một con ngựa hoang của người Việt chỉ có thể trấn áp bởi một phong trào Phục Hưng, cổ võ những giá trị nguyên sơ và khuyến khích suy nghĩ độc lập. Một dân tộc loay hoay tìm chỗ đặt niềm tin của mình từ nơi này qua nơi khác mà không dám đặt vào chính mình sẽ còn phải đối diện với vô số khó khăn do chính mình tạo ra cho bản thân. Ngược lại, việc đơn giản hóa và thanh lọc các niềm tin, chính là để hình thành tính cách cá nhân, bước đầu trở trở thành một con người văn minh trưởng thành.
Năm 2014 có thể coi như một bước ngoặt lớn trong tâm thức người Việt, trong một số lĩnh vực nhận thức của người Việt có bước phát triển bằng nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sẽ không thừa, nếu chúng ta cần cảnh giác về hướng đi, say sưa bẻ lái có thể làm người ta quay trở lại vị trí xuất phát nhiều lần. Có thể đường tới phồn vinh có nhiều lối, nhưng Phục Hưng có lẽ là một con đường chắc chắn nhất.
Nguồn: nguyenaiviet.blogspot.com