Khách mời văn hóa

Điều kiện tiên quyết là yêu Tổ quốc!

Phóng viên:  Thưa giáo sư, năm nay là năm thứ 40 sau ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Bốn mươi năm nhìn lại, ông có đánh giá như thế nào về tính chất và tầm vóc của cuộc chiến tranh, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước nhìn từ tiến trình lịch sử của đất nước và nhìn từ biện chứng của sự phát triển?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Khái niệm "chiến tranh" là khái niệm chung nhất. Còn nhân dân Việt Nam gọi đó là "cuộc kháng chiến".

Gọi là "cuộc kháng chiến" mà lại thêm cái "đuôi" là "chống Mỹ, cứu nước" nữa thì tính chất của nó quá rõ rồi. Đó là tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Xét theo phạm vi của văn hóa học thì đó là sự nghiệp của văn hóa.

Tầm vóc của cuộc chiến tranh này là lớn, rất lớn. Lớn đến nỗi mà nó để lại dấu ấn/di chứng vừa đậm, vừa dai dẳng cho cả hai phía và rộng ra cho nhiều quốc gia-dân tộc ở biên độ tầm thế giới. Đã 40 năm rồi, và chắc là gấp mấy lần 40 năm nữa, âm hưởng của nó vẫn còn chưa lạt.

Đối với Việt Nam, cuộc chiến tranh này dẫn đến hòa bình, thống nhất đất nước. Kết thúc cuộc chiến tranh đó, Việt Nam chuyển hẳn sang một thời kỳ mới của sự phát triển: cả nước có hòa bình và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam góp phần thúc đẩy cho sự nghiệp phi thực dân hóa của thế kỷ XX trên thế giới. Điều này có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mặc dù đấu tranh cho hòa bình lại không dùng phương pháp hòa bình. Sự thống nhất đất nước cũng vậy, phải dùng đến phương pháp của bạo lực, tốn bao nhiêu là máu xương. Cái đặc sắc, cái bi, cái hùng cũng chính là ở đó. Lịch sử thật khắc nghiệt. Lịch sử đã diễn ra như thế, cho dù ai đó ra sức phủ nhận hoặc nói trệch, nói tránh đi.

Phóng viên: Trong lịch sử có những cuộc chiến tranh, thậm chí là nội chiến, như là những cú hích thúc đẩy lịch sử phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc chiến tranh nào cũng để lại những hậu quả nặng nề. Hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam chống Mỹ là là vô cùng nặng nề, cho cả hai phía, nhất là Việt Nam.Tại thời điểm này, trong bối cảnh lịch sử này, nhìn lại hậu quả cuộc chiến tranh từ phương diện văn hóa, ông có những nhận xét gì?

Cách tư duy và quan niệm gía trị của thời chiến ảnh hưởng đến thời bình như thế nào?Nếp sống?Lối sống?Quan hệ cộng đồng?  Quản trị xã hội? Văn học nghệ thuật?...

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Trước khi trả lời vấn đề này, tôi khẳng định một điều rằng, cuộc chiến tranh trước đây 40 năm ở Việt Nam không phải là cuộc nội chiến như một số người gọi.

Chiến tranh bao giờ cũng để lại hậu quả rất nặng nề cho cả các bên tham gia. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là một biểu hiện của sức mạnh văn hóa.  Nhưng, xét về hậu quả, hiểu theo nghĩa không đẹp, hay tôi dùng khái niệm "hệ lụy", thì nó lại là chứa đựng những giá trị phi văn hóa. Giá như không có chiến tranh thì điều gì sẽ đến cho dân tộc Việt Nam chúng ta? Chắc chắn là đất nước sẽ tiến những bước rất dài trên con đường văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là số phận của dân tộc ta. Giá trị văn hóa ở đây tôi muốn nhấn mạnh là đó chính là hòa bình. Hòa bình (thực sự), hai chữ đó là hằng số, là giá trị vĩnh hằng, là giá trị thiêng liêng lắm. Nó là giá trị muôn năm cũ nhưng cũng luôn luôn mới.

Tôi là người có quãng thời gian sống trong chiến tranh, gian nhà của cha mẹ tôi đã bị đạn pháo của Mỹ tung mất mái, tôi bị mấy lần bom Mỹ nổ trên đầu, bữa ăn của cha mẹ, anh chị em tôi lúc đó thường là "khoai cõng cơm". Tôi có người anh ruột là liệt sĩ. Chính vì thế, tôi tự mình cũng cảm nhận được giá trị của nó. Có thể cảm nhận của tôi khác so với những người cùng thời, hoặc rất khác so với những thế hệ sau - những thế hệ may mắn không bị kinh qua chiến tranh. Tư duy và quan niệm giá trị của thời chiến ảnh hưởng cho thời bình hiện nay tôi thấy có hai mặt, mặt tốt và mặt tiêu cực. Tùy từng người, ở phương diện văn hóa, có người biết tận dụng cái tốt và hạn chế được cái tiêu cực trong cuộc sống, trong công việc. Điều này phản ánh ngay cả trong văn học nghệ thuật. Thái độ thưởng thức những giá trị đó của các tác phẩm viết về chiến tranh cũng nhiều chiều, thậm chí ngược nhau. Tôi cho đó mới là sự biểu hiện phong phú đúng với bản chất của văn hóa. Cái lung linh, huyền ảo, vô vàn sắc thái nhiều khi không nằm trong bản thân tác phẩm mà lại nằm ở người nhận và cảm nó. Còn "quản trị xã hội"? Đôi khi thế hệ tôi bây giờ than phiền: "Bao giờ cho đến ngày xưa". Nhưng khi kể lại một số chuyện thời chiến tranh thiếu thốn, phải xử lý khổ sở cho cái ăn, mặc, ở cho cuộc sống thường ngày cho con cháu chúng tôi nghe, thì có lúc chúng lại nhận xét rằng,  "ngày xưa" sao mà kém cỏi thế trong quản trị đời sống! Thế đấy, cảm nhận nhiều chiều, phong phú lắm.  

Phóng viên: Quan niệm gía trị của các cộng đồng, các bộ phận dân cư hiện nay rất khác nhau. Tất nhiên là mỗi sự lựa chọn đều có nguyên nhân của nó. Tiền, Quyền là hai giá trị đang lên ngôi, đang được phần lớn cộng đồng dân cư, nhất là lớp trẻ tôn sùng. Nó là Giá trị của xã hội tồn tại trong kinh tế thị trường, phần lớn mọi người giải thích theo hướng này. Giáo sư có phát hiện ra nguyên nhân nào khác không ạ?Vì sao?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Trời ơi, nói như ông thì có lẽ lớp trẻ giận đấy. TiềnQuyền (lực) là hai giá trị thực của văn hóa, có ở mọi xã hội khi xuất hiện tiền và quyền, chứ không chỉ là "giá trị của xã hội tồn tại trong kinh tế thị trường". Và chúng không có tội gì hết. Kinh tế thị trường cũng chẳng có tội gì cả. Nhiều người hay nói "mặt trái của cơ chế thị trường". Mặt trái nào? Làm gì có. Cơ chế thị trường là cơ chế thị trường thôi, mà nước ta đang theo đây. Thời nào cũng vậy, chứ không phải chỉ thời nay, người ta đều đối xử hằng ngày với tiền và quyền. Có người đối xử đúng và có người đối xử sai. Thậm chí trong cùng một người, sáng đúng chiều sai, mai lại đúng. Tôn sùng nó với nghĩa là để sống đẹp, sống tốt cho bản thân mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng mình thì có làm sao! Vậy, điều duy nhất còn lại trong vấn đề này là ở chỗ, con người có được tiền và quyền từ đâu và việc sử dụng chúng như thế nào mà thôi.

Phóng viên: Chúng tôi quan niệm đoàn kết là một giá trị, một giá trị hàng đầu của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Giá trị này đã tỏa sáng và định hướng hành động cho cả dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử dân tộc. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong tk XX đã một lần nữa chứng minh mạnh mẽ điều đó. Nhìn từ Giá trị này, giáo sư có nhận xét gì về vai trò tac động là thăng hoa giá trị này trong cuộc chiến và, mặt khác, hậu quả của cuộc chiến đối với chính bản thân Giá trị này?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Đoàn kết là giá trị văn hóa cực kỳ quý báu của bất kỳ cộng đồng nào. Trong cuộc chiến hoặc trong một số hoàn cảnh nào đó của dân tộc thì giá trị này thăng hoa và lan tỏa. Nhưng cuộc chiến lại có một mặt nữa không tích cực cho giá trị này, mà ở đây ông gọi là "hậu quả". Đó là việc chúng ta thấy ở khía cạnh hòa giải và hòa hợp dân tộc sau ngày 30-4-1975.

Cái kết cục ngày 30-4-1975 cho đến nay, thì một bên như ở nước ta hằng năm kỷ niệm một cách long trọng, thậm chí có một số năm chẵn còn míttinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa…, thường lấy ngày đó gộp liền vào ngày 1-5 làm thành chuỗi ngày nghỉ lễ. Một số người khác thì lấy đó là ngày “quốc hận”, tâm lý này có ở một số cộng đồng người gốc Việt Nam xa xứ. Ngày đó đã xác nhận một tâm lý dân tộc, như ông Võ Văn Kiệt – cố Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người có vợ và các con bị bom đạn Mỹ giết hại, có một con trai là liệt sĩ chống Mỹ – đã nói, là có hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Không ở đâu trên thế giới này như ở đất nước Việt Nam, tâm trạng giằng xé đó lại hiện diện trong nhiều gia đình, nghĩa là trong cùng một nhà mà vừa có người tham gia phía cách mạng và vừa có người tham gia phía chính quyền Sài Gòn. Tôi đã chứng kiến vào năm 1974 ở vùng “da báo” Quảng Trị sau Hiệp định Pari. Ở đó, có những cuộc chơi bóng chuyền mà người của cả hai bên đều chơi chung một trận: bên Quân Giải phóng và bên Quân đội Sài Gòn. Chơi để mà chơi, giành thắng lợi theo đúng tinh thần thể thao Ôlimpíc, không cay cú. Tôi nhìn cảnh đó thấy thật đẹp nhưng có cái cảm giác quá đau. Người cùng một làng đấy! Có khi lại còn có quan hệ họ hàng nữa. Lúc đánh bóng chuyền thì thành một khối của cuộc chơi, nhưng bên trong sâu thẳm thì là một trời một vực, là hai chiến tuyến, một mất một còn.

Nay 40 năm đã xa rồi, nhưng vết thương hòa giải hòa hợp dân tộc Việt Nam của chúng ta liệu đã chữa lành được chưa? Có lẽ phải bình tĩnh và thật sự nghiêm túc nhìn lại vấn đề này từ nhiều phía mới được. 

Phóng viên: Cách hóa giải, khắc phục hậu quả này đã được chúng ta, nhà nước và tự bản thân các nhóm, các cộng đồng dân cư thực hiện như thế nào? Kết quả đạt được như thế nào?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Cũng đã đạt được nhiều điều tốt, nhưng một số điều đang tiếp tục ở phía trước. "Bài toán" này đâu đó cũng đã được đặt ra, nhưng để giải cho được bài toán này thì không đơn giản một tý nào cả. Có lẽ đang cần thời gian dài hơn 40 năm và cái chính là mỗi người, mỗi một tổ chức, mỗi cộng đồng cần sự vượt qua những  cái gì đó, đại loại như cần vượt qua chính bản thân mình chẳng hạn thì mới mong hóa giải, khắc phục được.

Phóng viên: Cách đây 40 năm, trước và sau khi kết thúc chiến tranh, chúng ta vẫn thường nói đến và khẳng định dù muốn hay không sự khác biệt vầ văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc bởi sự khác biệt ý thức hệ. Trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc, ở hai miền đã có sự lựa chọn giá trị khác nhau thúc đẩy văn hóa của hai mền theo các vec – tơ vận động khác nhau, từ đố về tính chất, diện mạo văn hóa hai miền có những sự khác biệt. 40 năm sau giải phóng miền Nam, theo chúng tôi nghĩ, cũng là 40 năm  vận động liên tục và khó khăn của văn hóa Việt nam, trong đó có sự đấu tranh để thống nhất văn hóa. Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá như thế nào về hành trình văn hóa của đất nước chúng ta trong 40 năm qua, thưa giáo sư?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Vấn đề này rộng quá. Với sự chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta ra làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, thì tôi cho đây là một cú sốc về văn hóa. Cú sốc này thì đã được vượt qua, với cái mốc 30-4-1975. Nhưng, cú sốc này kết thúc lại là sự mở đầu cho cú sốc khác. Dễ hiểu thôi. Đó chính là sự tiếp biến muôn thuở của văn hóa.

Ông có đề cập sự thống nhất văn hóa, tôi hiểu đó là văn hóa dân tộc-quốc gia. Chứ còn nhiều phương diện của nó nữa thì biểu hiện phong phú lắm, và sự thống nhất văn hóa dân tộc-quốc gia lại nằm ở những cái đa dạng của các phương diện văn hóa khác (thống nhất trong đa dạng). Sự thống nhất về văn hóa, dù có cùng một ý thức hệ đi chăng nữa thì cũng không bao giờ có sự thống nhất tuyệt đối. Thì đó! Không thể nào và không nên thống nhất tuyệt đối văn hóa miền, vùng. Hơn 20 năm bị chia cắt làm hai miền, dù sao thì với một mức độ và quy mô nào đó cũng đã hình thành những nét văn hóa riêng của hai miền. Hãy cứ để văn hóa đi theo con đường của nó. Mọi biện pháp hành chính cực đoan về văn hóa đều vô hiệu, tệ nữa thì đó lại là một thứ xâm lăng văn hóa. Văn hóa vừa không phụ thuộc vào chính thể (hay ý thức hệ), nhưng văn hóa có một mặt nữa lại vừa đi theo dòng chảy của chính thể. Chính thể, hay ý thức hệ, tác động vào nó và cuốn nó đi. Do vậy, quản trị xã hội có vai trò quan trọng là vì thế. Quản trị văn hóa, ở đây tốt nhất là chính bản thân nó phải hóa thân trong văn hóa.

Phóng viên: Chúng ta đã nhận thức đúng và xác định đúng định hướng giá trị, đó là độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, văn minh, là  xây dựng một nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một mẫu hình nhân cách yêu nước, có tình thân ái, có đạo đức và lối sống tốt đẹp, có tri thức…Tiếp thu các yếu tố thời đại, chúng ta đã có những nhận thức lại khách quan hơn và có sự cởi mở hơn về tư duy và thực hành giao lưu, tiếp biến văn hóa. Không ai có thể phủ nhận được những nỗ lực và kết quả vận động theo định hướng giá trị này nhìn từ mọi phương diện của đời sống xã hội, từ tư tưởng, thẩm mỹ đến tình cảm, lối sống… Tuy nhiên, như trên chúng tôi đã nói, một bộ phận không nhỏ cư dân của xã hội đã bỏ qua các giá trị tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ mà lựa chọn Tiền, Quyền làm giá trị và họ đã làm cho xã hội đảo điên vì quan niệm giá trị này. Ở trên chúng ta đã bàn về vấn đề nay, ở đây chúng tôi muốn giáo sư cho biết quan điểm của mình, rằng sự lựa chọn này là do cái gì và quan trọng nhất là có đi đến hồi kết là trở thành chuẩn mực của con người và xã hội Việt nam hay không?

Tại sao ở các nước khác, chẳng hạn ở các nước phương Tây tư bản chẳng hạn, tiền và quyền lực cũng là những giá trị đượclựa chọn nhưng cuộc sống không bị đảo điên, bê tha vì nó như ở ta, và xa hơn là Trung Quốc?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Trở lại vấn đề này, chứng tỏ rằng, ông đang trăn trở nhiều. Mà trăn trở nhiều cũng đúng thôi. Có người có được tiền hoặc quyền, hoặc có cả hai, do từ những nguồn không phải là văn hóa, mà nói thẳng là từ cướp đoạt, cưỡng chiếm, trộm cắp  bằng nhiều hình thức. Có người có tiền và quyền thì sử dụng một trong hai cái đó, hoặc sử dụng cả hai, không tốt. Có người lại dùng cái này để đoạt cái kia và ngược lại, nghĩa là dùng tiền để có quyền hoặc dùng quyền để có tiền. Khi như thế thì người đó đã biến tiền và quyền thành thứ ma túy mà không biết rằng, tiền có lúc nhiều lúc ít, quyền có lúc có lúc không. Giá trị vĩnh hằng của văn hóa lại nằm ngoài tiền và quyền.

Về vấn đề này, nên trở lại quan niệm và hành động của nhà văn hóa đồng thời là nhà chính trị Hồ Chí Minh. Cụ tự coi bản thân cụ không ham công danh, phú quý chút nào cả. Cụ coi cái chức Chủ tịch nước của mình là do dân ủy thác cho, thì phải gắng sức làm, giống như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho cụ lui thì cụ vui lòng lui. Cụ bảo là cụ chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cụ còn bảo là riêng phần cụ, thì muốn làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính gì tới vòng danh lợi.

Cụ Hồ không dạy ai đâu. Cụ nói thật lòng, không lên gân lên cốt đâu. Và, cụ còn xắn tay áo lên làm, kêu gọi, tổ chức mọi người cùng làm. Hiện nay vẫn đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của cụ, nhưng xem ra nhiều người còn trí trá lắm, cứ nói như cụ để lòe thiên hạ thôi, còn bản thân mình thì lại làm khác cụ. Cho nên chỉ riêng xếp hạng tham nhũng thôi thì Việt Nam năm sau "ổn định" như năm trước! Đừng chê các nước phương Tây. Ở đó, người ta kiểm soát được ví tiền và thẻ tín dụng của từng người, kiểm soát được tài sản của quan chức, và dĩ nhiên người ta xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp bất thường. Ở đó, đã có văn hóa từ chức, giây thần kinh xấu hổ của nhiều quan chức bền lắm. Về mặt văn hóa, không có dân tộc nhỏ và dân tộc lớn như G.Đimitơrốp, người con của dân tộc Bulgaria, người anh hùng Laixích, Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản nhiệm kỳ VII đã nói. Cũng đừng coi các nước phương Tây khác ý thức hệ với mình mà phủ nhận những giá trị văn hóa khi động đến vấn đề tiền và quyền. Hiện có không ít người cứ nhân danh học cụ Hồ, nhân danh tin tưởng chủ nghĩa xã hội nhưng cứ cố tình làm hoen ố hình ảnh cụ Hồ, làm vấy bẩn chủ nghĩa xã hội.

Phóng viên: Sự lộn xộn từ định hướng giá trị đến thực hành trong thực tiễn cuộc sống hiện nay có thể khắc phục được không, khắc phục như thế nào, thưa giáo sư?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Tôi tin là khắc phụ được. Con người ta có hai điều thiêng liêng: một là niềm tin (vào cái gì đó, điều gì đó); hai là quyền sở hữu của cá nhân mình. Mất một trong hai cái đó thì coi như ngoắc ngoải, mà mất luôn cả hai thì chết lắc về mặt văn hóa.

Còn khắc phục như thế nào ư? Có lẽ ông phải hỏi trước hết những người lãnh đạo, từ lãnh đạo cấp thấp đến lãnh đạo cấp cao, những người có trách nhiệm đưa ra những chính sách quản trị xã hội và tổ chức thực hiện những chính sách đó. Tôi cho rằng, môi trường văn hóa hiện nay của nước ta đang bị ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm đến đâu thì bàn sau, nhưng chắc chắn đang bị ô nhiễm. Ô nhiễm của tự nhiên thì chúng ta có thể đo được bằng máy móc. Chẳng hạn dùng máy đo không khí, nước bụi bặm, dơ bẩn đến mức nào, v.v. Còn đo môi trường chứa đựng những giá trị tinh thần thì cũng có thể đo được bằng những chỉ số rất cụ thể. Tôi nói như vậy không ngoa đâu, không phải vì sáng sáng nơi gia đình tôi đang ở cứ phải nghe tiếng rao (bằng loa điện) bán báo toàn tin giật gân chém giết, hãm hiếp, cướp của hoặc mở mạng internet ra là thấy quá nhiều tin tiêu cực đâu.

Nên chú ý khắc phục bốn trạng thái hiện nay dễ thấy trong xã hội nước ta: (i) Nói thì nhiều nhưng làm thì ít; (ii) Nói thì hay nhưng làm thì dở; (iii) Nói mà không làm; (iv) Nói một đằng làm một nẻo. Cái mà ông nói là "sự lộn xộn từ định hướng giá trị đến thực hành trong thực tiễn cuộc sống hiện nay" chính là ở bốn trạng thái đó. Có khi về độ xa nhất thì không phải là từ Móng Cái đến mũi Cà Mau đâu, không phải là từ mặt đất lên mặt trăng đâu, mà xa ngái nhất lại là từ cái mồm đến cái tay.

Ngoài yếu tố những người lãnh đạo ra thì khắc phục bằng cách như công thức mà lâu nay chúng ta hay nói là kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Ở đây, tôi có tâm niệm rằng, vấn đề vai trò của gia đình thời hiện đại, thời kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế này quan trọng lắm. Nhiều khi bậc làm cha làm mẹ hoặc là không là những tấm gương tốt cho các con hoặc là đầu tắt mặt tối bận lo làm ăn kinh tế không quan tâm hoặc quan tâm không đầy đủ đến con cái thì nguy to. Tôi tự nhủ: ở Việt Nam, gia đình là một đơn vị văn hóa. Chưa nhiều người quan tâm đúng mức vấn đề này đâu. Cứ lo ở tận đẩu tận đâu, nhưng lại bỏ trống cái trận địa ngay ở đơn vị văn hóa rất cơ bản này. 

Phóng viên: Thưa giáo sư, có ý kiến cho rằng về văn hóa không thể có và không nên có thống nhất tuyệt đối vì nếu thế nó sẽ trở nên đơn điệu, không tạo được động lực phát triển. Điều đó có đúng không, thưa giáo sư?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Ở trên, phần nào tôi đề cập vấn đề này rồi. Ở đây, tôi nói thêm một ý thôi. Cái không thống nhất tuyệt đối về văn hóa có tạo được động lực phát triển không thì chắc ý kiến còn khác nhau. Tôi cho chí ít thì nó đa dạng, đa dạng dẫn tới phong phú. Mà văn hóa là tổ hợp từ cái đa dạng trên cái nền bản sắc, hoặc như Hồ Chí Minh không gọi bản sắc mà gọi là cái cốt. Cái cốt càng chắc bao nhiêu, những biểu hiện đa dạng, phong phú của văn hóa càng nhiều bấy nhiêu thì văn hóa càng tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ bấy nhiêu.

Phóng viên: 40 năm sau thống nhất đất nước, theo giáo sư, về phương diện văn hóa, thành tựu lớn nhất của chúng ta là gì? Và những vấn đề đang yếu kém nhất?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Nói một cách cụ thể, chi tiết thì để dịp khác. Ở đây, tôi xin nêu nhận định một cách khái quát thôi.

Thành tựu lớn nhất về văn hóa là dân tộc-quốc gia Việt Nam vẫn giữ được cốt cách/bản sắc của mình; không những giữ được mà còn tạo ra được nhiều giá trị mới do/từ quá trình vận động nội tại của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội trong lòng đất nước và do tiếp biến được những giá trị văn hóa ở bên ngoài dân tộc-quốc gia.

Yếu kém nhất là sự quản trị cho lĩnh vực văn hóa chưa thực sự hóa thân vào văn hóa.

Phóng viên: Điều kiện tiên quyết để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa theo định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện lịch sử của đất nước, xu thế và bối cảnh thời đại là gì, theo giáo sư?

Giáo sư Mạch Quang Thắng: Vấn đề này mấy năm gần đây tôi cũng đã nhiều lần nêu ra cho các sinh viên, học viên khi tôi tác nghiệp. Ý kiến phong phú lắm. Có người thử đặt mình vào vị trí của một chức vụ lãnh đạo nào đó, trong đó có người thử vai Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trả lời. Có người trong vai một công dân bình thường. Có người thử đặt vị trí "ếch ngồi đáy giếng". Tôi thích nhất ý kiến rất ngắn gọn của một sinh viên của Đại học quốc gia Hà Nội: Điều kiện tiên quyết là yêu Tổ quốc.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511424

Hôm nay

287

Hôm qua

2336

Tuần này

21798

Tháng này

218297

Tháng qua

121356

Tất cả

114511424