Dù có muốn hay không, chúng ta vẫn buộc phải thừa nhận rằng chẳng có ai mới 36 tuổi, có thể làm bộ trưởng ở Việt Nam. “Truyền thống” về cái lẽ sống lâu thành lão làng, truyền thống ưng ngồi thật lâu để chiếm chỗ vì tự biện luận rằng trứng không bao giờ khôn hơn rận đã làm cho văn minh Việt Nam xơ cứng trong vũng lầy của thiển cận và lạc hậu. Tại sao không thấy lớp trẻ đang giỏi dang hơn và họ phải được trọng dụng hơn? Phải chăng vì nghĩ rằng mình càng ngồi trên cái ghế quyền lực lâu bao nhiêu thì bổng lộc còn nhiều chừng đó, bất kể cộng đồng, dân tộc, tuổi tác, năng lực. Một trong những nỗi bất cập lớn nhất của thực trạng cán bộ của ta hiện nay là không ít người không đủ năng lực, thiển đức, kém tài lại giành được những vị trí thơm thảo để tha hồ thao túng, trục lợi cá nhân. Còn cách nghĩ và còn cơ chế tiếp tay cho thực trạng ấy, đất nước vẫn tiếp tục một bước tiến, hai bước lùi!
Còn một thực trạng nữa mà ai cũng biết, giống như “bí mật Polichinelle” là người Việt Nam học ở nước ngoài nhiều tài năng thành đạt lắm, nhưng trong nước thì hầu hết là thiếu khả năng. Chẳng hạn, 50% học sinh Việt Nam ở nước Đức được nhận vào các trường trung học hạng ưu. Nếu so với học sinh cùng trang lứa người Thổ Nhĩ Kỳ hay Italia, khả năng học giỏi của học sinh người Việt cao gấp 5 lần (Vietnamnet, 25.10.2009)(!) Đó là điều được chính những nhà giáo dục Đức thừa nhận.
Tại sao học sinh Việt Nam học xong đại học lại kém thế? Nền giáo dục mà bắt buộc người có tư cách công dân (có quyền bầu cử) phải học thể dục thì chẳng khác gì coi hiểu biết của công dân bằng không. Đó là chưa nói chuyện môn thể dục, quân sự là những môn sinh viên sợ nhất! Tại sao chúng ta không dạy cho nữ sinh cách làm vợ, cách làm mẹ, cách cắm hoa, cách nấu nướng…, mà lại bắt các cô gái ấy học suốt cả tháng trời bên phải quay rồi, bên trái quay, rồi, dậm chân tại chỗ, dậm!? Nền giáo dục mà gần 1/8 chương trình chỉ học những môn học không biết để vào đâu thì chuyện đại học quốc tế chỉ là giấc mơ hão huyền.
Bộ GD-ĐT có cảm thấy buồn không khi con nuôi, nhận tại Khánh Hoà, bỗng chốc, “tự nhiên” trở thành bộ trưởng của nước Đức lừng danh? Trí tuệ người Việt Nam không kém nhưng chất lượng tốt nghiệp đại học không cao là bởi nền giáo dục của chúng ta đang sai. Hai không rồi bốn không vẫn chỉ là những lời có cánh. Cho đến nay, đọc chép vẫn hoàn đọc chép. Nói mà không có chế tài thì nói để làm gì?
Chuyện của Roesler là một bài học lớn để tất cả những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục phải nghĩ suy. Nếu không thay đổi một cách mạnh mẽ, triệt để thì chỉ có thể đưa đến sự loay hoay vô định. Chừng nào mà những người trẻ tuổi vẫn phải “dậm chân tại chỗ, dậm”; thì chừng đó, nâng cao chất lượng là điều khó vô cùng!