Người xứ Nghệ

Hồi tưởng về cha tôi: Chí sỹ Hồ Học Lãm [ix]

CHƯƠNG IX

DIỆC LAN

Chị tôi là con gái đầu lòng, sinh năm 1920 - khi đó mẹ tôi 27 tuổi, cha tôi 36 tuổi. Tên khai sinh của chị đọc theo âm Hán - Việt là Hồ Diệc Lan. Diệc có nghĩa cũng là, có lẽ cha mẹ tôi mong con gái sẽ được như nàng Mộc Lan thời Tống, thay cha đánh giặc, trọn đường trung hiếu.

Chị tôi ra đời ở Hàng Châu, lớn lên ở Hàng Châu, từ nhỏ đã học rất giỏi, mới 16 tuổi đã tốt nghiệp Trung học. Chị là người có năng khiếu văn học và có ý chí muốn học lên đại học ngành văn chương. Nhưng do sớm tham gia hoạt động cách mạng, theo trào lưu "vô sản hóa" và "trí thức công nông hóa", và do những người cách mạng ở trong nhà tôi đã thuyết phục cha mẹ đưa chị tôi vào làm công cho một cơ sở nuôi tằm.

Vốn dĩ chị có sức khỏe rất tốt. Vì đi học và làm ở cơ sở vừa học vừa làm "Trường Tơ tằm", ăn đói, mặc rét, đêm trực trông nom tằm ăn dỗi, chị từ một thiếu nữ đầy đặn biến thành một tiểu thư gầy gò, ốm yếu. Sau khi về hẳn nhà và lấy anh Lê Tân Dân, chị uống thuốc bắc, bồi dưỡng sức khỏe, hơn nữa khi đó chị mới 17, 18 tuổi, cho nên sức khỏe phục hồi khá nhanh. Nhưng tới đầu năm 1938, chị đi Thiểm Bắc (Khu Đỏ của Đảng cộng sản Trung Quốc), cuộc sống còn gian nan hơn thời kỳ ở trường nuôi tằm. Chị tôi kể với mẹ và tôi:

"Vùng Thiểm Bắc cực lạnh, dân phải đào hang động trong núi để ở. Trường Thiêm Công cũng vậy. Vùng đó núi đất đỏ, chị và mọi người đào rất nhiều hang, người ở trong hang hè mát, đông ấm, tuyết phủ dày cũng không việc gì. Mùa đông rét quá, một tháng mới tắm một lần, nước nóng dội, gió thổi rách da. Một lần lớp con đi hành quân để rèn luyện sức chịu đựng gian khổ. Cả đi cả về ba, bốn chục cây số. Một anh trong lớp về tới đơn vị, chân cóng quá, nấu nước nóng ngâm chân. Vừa đụng chân vào chậu, anh hét lên một tiếng, ngã ngất đi. Mọi người chạy tới, thấy mười ngón chân anh rụng trong chậu, từ đó anh thành người tàn phế. Do đó, về sau đi hành quân về, chân dù cóng đến đâu, không ai dám ngâm nước nóng, chỉ lấy bàn tay xoa cho tan giá rồi ngâm nước âm ấm thôi. Đi ngoài trời rét đau hai tròng mắt, mũi tím tái không ai dám ủ khăn ấm, chỉ dám bốc tuyết xoa lên mặt và mũi. Cả tháng chỉ ăn bánh làm bằng bo bo với đậu khô om muối. Mỗi tháng được ăn thịt một lần. Cũng chẳng ai có tiền, cho dù có tiền cũng không có gì để mua... Áo quần quân dụng do quân đội cấp phát. Mùa rét ai cũng mặc quần áo bông dài, quấn xà cạp ...".

Sự gian khổ mà chị tôi kể nghe thật hãi hùng. "Chương trình học là lý luận Mác - Lê (gồm Tư bản luận, Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử v.v...). Luận văn tốt nghiệp một anh đỗ đầu, con đỗ nhì". Tôi tự hào về chị, nhưng cái giá phải trả quá đắt. Khi về tới Lão Hà Khẩu, chỗ giáp ranh giữa Khu Đỏ với Khu Trắng, chị tôi mắc bệnh lao. Khi đó chị tôi có hiện tượng húng hắng ho. Sáng ra, mặt trắng bệnh, hai giờ chiều hai má đỏ hây hây, một hai giờ đêm sốt nhẹ, đó là hiện tượng sơ nhiễm lao. Đó là xuân hè năm 1939. Vì thời kỳ đó không có thuốc đặc trị, vả lại không có tiền uống thuốc bổ, ăn uống đầy đủ, về sau phổi chị bị vi trùng lao ăn thành hang. Vì cuộc sống, chị tôi vẫn phải làm việc khuya. Đến 25 tháng 6 năm 1946, ba mẹ con về tới Hải Phòng. Sau khi về nước, bác sĩ Tôn Thất Tùng kiểm tra sức khỏe và kết luận chị tôi đã bị lao xương.

Thời kỳ ở Lão Hà Khẩu với anh Tân Dân, anh hết sức dành dụm tiền để chị tôi uống thuốc bắc và ăn uống bồi bổ sức khỏe. Sau này chị tôi tâm sự với tôi, "tuy không yêu anh ấy, nhưng chị phải công nhận anh là người chồng tốt, là một đảng viên trung kiên với Đảng; chị chỉ có tình thương đối với anh ấy thôi. Vì hai tâm hồn khác nhau quá. Anh ấy chỉ biết về quân sự, không hiểu gì về văn học nghệ thuật và không chút rung cảm gì về văn chương ... Trong 3, 4 tháng dưỡng bệnh ở với anh, chị viết một bộ tiểu thuyết 10 vạn chữ, nói về thanh niên yêu nước Trung Quốc tham gia cách mạng như thế nào, viết về những người bạn đồng học của chị. Tiếc rằng khi đi không mang theo được, chị gửi anh ấy giữ hộ. Rút cuộc, trong một trận đụng độ giữa quân của hai bên, anh rút lui bằng xe cơ giới, vứt bản thảo của chị lại, không chút thương tiếc... ". Chị nói với giọng rất đau buồn, xót xa, đó là tâm huyết của chị, là xương máu của chị những ngày tháng sống ở vùng Đỏ Thiểm Bắc Trung Quốc. Mùa hè năm 1939, chị về ở với mẹ và em, khi đó tôi 9, 10 tuổi, chị tôi 19, 20 tuổi. Hai chị em hay tâm sự với nhau. Tất nhiên, tôi nghe là chính. Chắc rằng qua đôi mắt và tinh thần chăm chú lắng nghe của tôi, chị tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm sâu sắc ở đứa em gái bé nhỏ của mình. Với lại, ngoài tôi ra, chị tôi còn biết tâm sự với ai nữa. Có những chuyện chị chỉ kể với tôi để vợi bớt những nỗi niềm trăn trở. Chị tôi là người đa sầu đa cảm. Nhưng bây giờ, khi tôi đã lớn tuổi, hồi tưởng lại, tôi mới thực sự hiểu nỗi đau khổ của chị một cách sâu sắc và cay đắng.

Thật vậy, hai chị em cách xa nhau mười tuổi, chị là tấm gương sáng của tôi, tôi yêu chị, sùng bái chị và chịu ảnh hưởng lớn ở chị như nghị lực và lòng hiếu học. các tiểu thuyết văn học Trung Quốc, Nga Xô, Pháp, tôi đều đọc theo sự hướng dẫn của chị. Bạn chị nói tôi có cặp mắt già trước tuổi. Nhưng sau này tôi bị va vấp rất nhiều về cuộc đời vì tôi sống quá vụng dại với đời, không hiểu tại sao bạn chị lại có nhận xét tôi như vậy? Có lẽ vì ở tôi, chịu ảnh hưởng của chị, sớm hình thành lý tưởng đối với cuộc sống, "lý tưởng" đó trở nên một sự mơ mộng viển vông, quá viển vông. Đó là lý do tại sao ở tôi có cái "tôi" tỏ ra rất "khôn", nhưng khi va vào thực tế, nó lại chứng tỏ tôi rất “khờ dại”.

Cuối 1941 ở Quế Lâm, khi gia đình tôi ở bên kia sông Ly giang, chị Diệc Lan tổ chức một hội kín nghiên cứu chủ nghĩa Mác do chị làm tổ trưởng. Nhiều bạn bè của chị tới tham gia. Mẹ tôi nhận định một cách tự hào: “Mỗi lần họp mẹ thấy chị con trình bày lý luận rất vững vàng”.

Sau khi cha tôi mất, mọi thu nhập chỉ trông đợi vào chị tôi. Vào lúc khó khăn ấy của kinh tế gia đình, các bạn bè, đồng nghiệp của chị tôi là các nhà báo, nhà văn Trung Quốc đã gửi tiền hỗ trợ.

Năm 1943, khi gia đình tôi di chuyển dần từ Quý Dương về Trùng Khánh, chị Diệc Lan bị lây bệnh thương hàn do chấy rận trên các chuyến xe đò, xuýt chết. Những chuyến đi này được một số bạn bè Trung quốc tận tình giúp đỡ. Trước đó, ông Chu Chí Miễn là cấp dưới của anh Thiết Hùng đã giúp mẹ tôi và tôi di chuyển từ Liễu Châu về Quý Dương. Sau đó, chị Diệc Lan nhờ bạn mình là hai anh em Lỗ Lâm đưa tôi từ Quế Dương về Trùng Khánh.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ở Trùng Khánh dấy lên phong trào học sinh, sinh viên rất sôi nổi. Chúng tôi tới biểu tình trước phủ tổng thống của Tưởng Giới Thạch, nêu cao khẩu hiệu yêu cầu Quốc Cộng hợp tác. Về nhà, trong tâm trạng bồng bột, tôi hỏi chị tôi: “Chị có phải là đảng viên cộng sảnh không?” Chị tôi cười hóm hỉnh, nhìn tôi bằng cặp mắt sáng long lanh: “Không”. Chị đã nói dối tôi theo nguyên tắc hoạt động bí mật.

Chị tôi tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Cho dù cuộc đời của chị không dài, hình bóng của chị còn đọng lại trong ký ức của các nhà cách mạng tiền bối. Chẳng hạn như trong hồi ký cách mạng “Nhật ký một chặng đường”, ông Lê Tùng Sơn có nói tới chị tôi[1].

Năm 1944 ông Lê Tùng Sơn được giao nhiệm vụ thâm nhập vào Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội. Đây là một tổ chức được Tưởng lập ra gồm các thành viên của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam phục quốc đồng minh hội, nhằm phục vụ cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Ông Sơn cho biết , một số thành viên Việt Minh có mặt tại Liễu Châu lúc đó đã được cử tới hỗ trợ cho ông. Đó là: “các anh Hoàng Điền, Trương Khê, Minh Quang, Nguyễn Thanh Đồng, Trần Lâm, anh Sinh, chị Hồ Diệc Lan, con gái ông Hồ Học Lãm.” 

Ông Sơn viết tiếp: “ Tôi giới thiệu chị Hồ Diệc Lan vào tổ tuyên truyền của Việt Cách. Một số uỷ viên không muốn, nhưng không dám phản đối. Họ xì xào rằng chị Diệc Lan là người của căn cứ Thiểm Bắc của Đảng Cộng Sản Trung quốc.

Có lần Tiêu Văn cũng nói với tôi ý đó và chất vấn tôi sao lại đưa chị Lan vào Hội Việt Cách. Tôi nói rằng cô ấy là người Việt Nam, con một nhà cách mạng, nếu đóng cửa với những người như vậy thì trái với nguyên tắc đại đoàn kết của Hội Việt Cách. Tiêu Văn nói: “Tôi sợ cô ta là người của Trung Cộng …”.

Về đời tư, từ bé tôi đã biết chị tôi yêu Trương Nộ Quân, một bạn học người Trung Quốc. Đó là mối tình đầu sâu sắc, cao đẹp của đời con gái đầy thơ mộng và ước mơ của chị tôi. Do tư tưởng phong kiến, hẹp hòi và ích kỷ, cha mẹ tôi vô tình đã sớm bóp chết mối tình đầu đẹp đẽ của chị tôi. Nhẽ ra chị tôi có thể phát triển tài năng văn học của mình, nhưng không thành, vì tư tưởng vô sản hóa, học ít thôi, làm là chính. Thời kỳ đó cần hành động cách mạng, chị tôi không thể chọn cách sống khác được. Kết cục chị tôi chết khi mới 26 tuổi đầu.

Có lẽ đó là cuộc sống! Sau khi chị tôi về nước một thời gian, gia đình anh Lê Thiết Hùng muốn anh ấy lấy vợ lẽ để sinh cháu đích tôn. Anh Hùng cũng không chịu nổi sự "góa bụa khi còn sống", cho nên anh nêu vấn đề này với chị tôi. Chị tôi không thể chấp nhận lối sống như thế, đồng thời, chị không có khả năng sinh con cho anh ấy được. Chị đồng ý với một yêu cầu: cho chị được ly dị. Nhưng, trong phẩm chất đạo đức cộng sản của anh Hùng lại pha nhuốm tư tưởng phong kiến. Vì anh ấy muốn chị tôi vẫn là vợ cả, quan hệ giữa hai người trở nên khá gay gắt.

Tôi nghĩ, anh Hùng không muốn mình trở thành người phản bội người vợ thuở hàn vi, do đó anh phải bảo vệ danh tiếng "chung thủy". Chị tôi trả lời: "Tôi không quen làm vợ cả của ai cả. Tôi là một phụ nữ độc lập...".

Vì thấy chị tôi quá ốm yếu, anh Hùng biết chị tôi "gần đất, xa trời", anh phải nhượng bộ, không đòi lấy vợ nữa, và ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Thế là xong. Trước khi đi, anh sắp xếp chỗ ăn ở chu đáo cho chị tôi. Nghĩa là anh vẫn là một người chồng có "thủy chung". Suy cho cùng, anh cũng có cái khổ, và cũng không thể sống khác được.

Anh Hùng tuy không lấy vợ lẽ ngay, nhưng việc anh đòi lấy vợ lẽ cũng coi như một cú sốc, gây tử thương cho chị tôi. Sức khỏe chị tôi ngày càng xấu đi. Thật ra, chị tôi cũng quá "lý tưởng hóa" người cộng sản. Vì vậy, chị bị dằn vặt và đau khổ một cách uổng công.

Khi ở Bạch Ngọc, Đô Lương, Nghệ An, chị nói: "Chính cuộc sống đầy cay đắng, chua xót, khiến chị càng muốn sống, nếu chị sống, chị sẽ viết văn giỏi, chị căm thù tư tưởng phong kiến chà đạp lên những người phụ nữ... Em ơi, chị không muốn chết em ạ...". Tôi thương chị, lời thổn thức của chị như con dao đâm vào trái tim tôi, nếu như có phép lạ, tôi sẵn sàng chết để chị tôi được sống. Đó là suy nghĩ hết sức chân thành của tôi đối với chị tôi. Nhưng đời làm gì có phép lạ!

Có lẽ trong 27 tuổi đời, chị tôi chỉ có từ sơ sinh đến 15, 16 tuổi là sống có hạnh phúc, đó là hạnh phúc của một thiếu nữ được ăn học, vô tư lự chưa nếm trải mặt trái cuộc đời.

Chị tôi nói: "Chị là vật hy sinh của người khác, chị không có quyền sống như một con người đáng sống".

Khi chị tôi nói những điều đó, tôi hiểu ý của chị, nhưng hiểu một cách hời hợt nông cạn vì tôi mới 16, 17 tuổi đời...

Về sau, mỗi lần hồi tưởng, lòng tôi thật đau xót, tôi chỉ có mỗi một người chị yêu quý mà tôi hằng sùng bái. Có những lúc, tôi thầm trách cha tôi và rất oán hận mẹ tôi.

 


[1] Nhật ký một chặng đường, hồi ký cách mạng của Lê Tùng Sơn, NXB Văn Học, 1978, tr. 149 -150.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441519

Hôm nay

2236

Hôm qua

2283

Tuần này

21423

Tháng này

216693

Tháng qua

112676

Tất cả

114441519