Diễn đàn

Góp bàn về xây dựng văn miếu

Văn miếu ở Việt Nam trước đây

Từ lâu, trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, văn miếu đã trở thành biểu tượng của đạo Nho, thờ đức Thánh Khổng tử và các vị tiên hiền, là nơi để các nho sĩ đến thể hiện niềm kính đạo thánh hiền, lấy cảm hứng và cầu học cách trị quốc, an dân. Văn miếu chính là một phương thức để tôn vinh Nho học.

Ở Việt Nam, Văn miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng vào 1070, thời Lý là nổi tiếng nhất, được vinh danh là trường đại học đầu tiên, nơi đào tạo các nhân tài bậc cao cho cả nước. Ở các tỉnh, các địa phương cũng có các văn miếu nhưng quy mô nhỏ hơn, ví dụ như Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Huế, Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai).v.v...

Sau khi Nho học hết thời, văn miếu vẫn lưu lại nhưng chủ yếu như là địa chỉ để vọng tưởng, chiêm ngưỡng văn hóa Nho giáo hơn là tồn tại với tư cách là một tượng đài tinh thần có tính chủ đạo trong thượng tầng kiến trúc như thuở trước.

Phục dựng văn miếu hiện nay: đâu là lí do chính đáng

Gần đây cùng với xu thế phục dựng các giá trị văn hóa cổ, văn miếu cũng được nhiều địa phương cổ súy. Trong năm nay, đáng chú ý là  việc xây dựng văn miếu Vĩnh Phúc (gần 300 tỉ VNĐ), văn miếu Hà Tĩnh (gần 100 tỉ NVĐ), được dư luận hết sức quan tâm bởi nhiều lẽ. Văn miếu thời nay thờ ai? và số tiền chi để xây dựng văn miếu như vậy có đáng không!.

Câu hỏi giành được sự quan tâm của đông đảo là đối tượng được thờ trong văn miếu thời nay là ai. Đây là điểm giống nhau trong quy hoạch xây dựng văn miếu ở cả Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh mà cho đến nay những người có trách nhiệm cũng chưa xác định được một cách rành mạch. Nếu thờ các vị đạo cao, đức trọng của đất nước và địa phương thì e là phải đặt cho nó một cái tên khác. Nếu gọi là văn miếu thì nghe ra ít nhiều còn dính dáng đến cung cách, mô hình văn miếu xưa kia.

Trong dân chúng cũng có nhiều thái độ khác nhau: người đồng tình, kẻ phản đối. Mỗi bên đều có những viện dẫn lí lẽ hợp lý của riêng mình. Và nếu nghiêng về việc coi lý do xây dựng văn miếu là thuyết phục đi chăng nữa, thì câu chuyện kinh tế bỏ ra để xây dựng văn miếu lại được coi là một nghịch lý.

Điểm mấu chốt quan trọng khiến dư luận bức xúc là số tiền xây dựng văn miếu không hề nhỏ, trong khi đời sống của người dân đang có nhiều khó khăn, thiếu thốn, bao việc cần chính quyền quan tâm săn sóc (đói, nghèo, tàn tật, trẻ mồ côi...). An dân đang là câu chuyện lớn của xã hội ta hiện nay. Trong khi còn có nhiều lớp người đang cần được Nhà nước có những chính sách cứu giúp thì việc bỏ ra những khoản tiền lớn để xây dựng các văn miếu thực sự là một việc chi tiêu không hề nhỏ!

Đành rằng, những người làm văn hóa sẽ có cái lý ở chỗ: đầu tư cho văn hóa là đầu tư không thể tính toán một sớm một chiều, cái lợi văn hóa là cái lợi chiều sâu và về lâu dài, đâu có thể so đo được! Nhưng trong khi sự lí giải về lí do xây dựng văn miếu chưa hề thuyết phục thì những băn khoăn, thắc mắc từ dân tình là điều chính quyền cần quan tâm!

Khi mà nền kinh tế đang khó khăn thì việc đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào là câu chuyện lớn và đúng ra, với các công trình sử dụng tiền thuế của dân thì luôn cần được minh bạch trước dân. Việc xây dựng các công trình văn hoá để đời lại càng hết sức thận trọng. Phải có được sự đồng thuận cao của xã hội thì mới được coi là thành công./.

         

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512803

Hôm nay

2340

Hôm qua

2400

Tuần này

2740

Tháng này

219676

Tháng qua

121356

Tất cả

114512803