Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn [tp Hồ Chí Minh]:Văn hóa Nghệ An như một vườn hoa nhiều hương sắc, khí chất cứng cỏi, lượng cả bao dong…
Tôi biết VHNA khá muộn, nhưng thật lạ, ngay từ buổi sơ giao, không hề nghĩ đây là tạp chí "địa phương" của một vùng miền! Khó giải thích lắm, vì dường như có cái gì vốn ăn sâu vào trong tâm tưởng! Không ít người dân Quảng Nam, trong đó có gia tộc tôi, xuất thân từ vùng Hoan Châu, Nghệ An kia mà! Về thăm Nghệ An đôi bận, sửng sờ khi thấy làng quê Nghệ An sao giống quê mình đến thế! Chắc phải nói ngược lại mới đúng, chứ nhỉ? Bao kỷ niệm thời thơ ấu dội về! Ông đồ Quảng chỉ yêu và ... sợ ông đồ Nghệ thôi, theo tâm tình của thế hệ cha anh. Có người nói đùa, hai Cụ Phan sở dĩ bất đồng ý kiến chỉ vì giọng Nghệ và giọng Quảng khó hiểu nhau thôi, chứ "nhất thiên minh nguyệt giao tình tại, bách lý Hồng sơn chính khí đồng" (Nguyễn Du)!
Tôi đọc say mê VHNA, như say mê một vườn hoa nhiều hương sắc. Lại mạnh dạn nữa, đúng như khí chất cứng cỏi "Hoan Diễn do tồn"...Và, đáng yêu nhất là ...lượng cả bao dong, chấp nhận đăng và chưa bao giờ từ chối những bài viết không đâu vào đâu của người bạn phương xa, một cây bút độc lập, chẳng có gì ngoài một tấm lòng!
Mừng VHNA mười tuổi xuân, kính chúc muôn vạn nữa, ngày càng xứng đáng đứng bên cạnh những Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị ... ngày xưa...
GS.TS Trần Ngọc Vương [Đại học Quốc gia Hà Nội]: Văn hóa Nghệ An là món ăn tinh thần không thể thiếu
Văn hóa Nghệ An là một tờ báo đặc biệt. Nó không chỉ là một Tạp chí hai tuần một số (báo giấy), mà còn là một tờ báo online theo đúng nghĩa, cập nhật thời sự trong nước và quốc tế. Chúng tôi thường xuyên đọc tờ báo này. Văn hóa Nghệ An là món ăn tinh thần không thể thiếu của chúng tôi. Văn hóa Nghệ An là tờ báo tràn đầy hơi thở của cuộc sống hàng ngày, hàng tuần trên nhiều phương diện, đặc biệt là trên địa hạt văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất và bao quát nhất của từ này. Sau ngày 10 và 25 hàng tháng mà chưa nhận được báo là thấy “nhớ”, và cứ băn khoăn nghĩ về VHNA.
Chúng tôi đánh gía cao Ban Biên tập báo đã phối kết hợp khá nhuẫn nhuyễn giữa một tờ báo có chức năng vốn là cơ quan truyền thông ở địa phương nhưng lại có “tầm với” toàn quốc và toàn cầu. VHNA đã biết tận dụng những nhân tố thời đại, nhất là bằng đổi mới tư duy và tận dụng công nghệ thông tin, để cống hiến cho độc giả những bài viết vừa nỏng hổi dòng chảy các sự kiện, vừa đậm tính hàn lâm trong cách phân tích và lý giải vấn đề. Hy vọng đến một ngày nào đó, VHNA sẽ trở thành Tuần báo, đáp ứng khát vọng cũng như tín nhiệm của độc giả, được cầm trên tay một ấn phẩm nặng lòng với quê hương xứ Nghệ, giầu tinh thần chiến đấu cho quốc gia-dân tộc trong một kỷ nguyên mọi biến cố trong và ngoài nước đều đang bị “phẳng hóa”, đòi hỏi phải đổi mới cách viết, cách thông tin tôn trọng phẩm giá của bạn đọc, đúng như sự thể nghiệm lâu nay của bản báo.
PGS.TS Bùi Đình Phong [Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh]: Văn hóa Nghệ An: một địa chỉ đáng tin cậy
Tôi tự cho mình là một độc giả khó tính, vì không phải tờ báo nào tôi cũng đọc. Nhưng tôi lại tự hào mình là một độc giả trung thành với Văn hóa Nghệ An. Mười năm nay không những đọc đều đặn Văn hóa Nghệ An mà tôi còn giữ lại đầy đủ toàn bộ các số báo. Khi giới thiệu Văn hóa Nghệ An với bạn bè, đồng nghiệp, tôi tâm sự: Nếu nói về một tờ báo địa phương cấp tỉnh mà có ảnh hưởng tích cực lan tỏa ra cả nước, thậm chí ra cả ngoài nước, thì duy nhất đó là tờ Văn hóa Nghệ An. Theo tôi, không quá lời nếu coi đây là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đương đại.
Sức thu hút và hấp dẫn của Văn hóa Nghệ An đối với bạn đọc trước hết vì tờ báo tuân thủ đầy đủ tôn chỉ, mục đích của luật báo chí Việt Nam. Trên cơ sở đó, tờ báo đã cung cấp cho bạn đọc một món ăn tinh thần hết sức bổ ích về nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vừa trong phạm vi của tỉnh Nghệ An vừa trên phạm vi cả nước. Thú thực, nhiều bài viết làm cho tôi “lớn lên” bởi hàm lượng khoa học, tính chiến đấu của những ngòi bút sắc, lòng trong theo lời dạy của Bác Hồ “phò chính trừ tà”. Tờ báo để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi bởi tính chuyên nghiệp của những người làm báo: tâm huyết, có nghề, có trách nhiệm, bản lĩnh. Tờ báo hai kỳ một tháng ra đều đặn với các chuyên mục chứa nội dung hấp dẫn, có giá trị cao về thông tin mới, có định hướng tư tưởng đúng đắn, rõ ràng. Với việc tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài nước có tên tuổi, trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước và dân tộc, Văn hóa Nghệ An đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc. Chúc mừng Văn hóa Nghệ An tròn 10 tuổi và chúc tờ báo tiếp tục có những bước tiến mới, vững chắc, trở thành một địa chỉ tin cậy, không thể thiếu của bạn đọc cả nước.
GS.TS Trần Đình Sử [Hà Nội]:Một tạp chí có nội dung văn hóa phong phú đa dạng, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của bạn đọc
Trong các tạp chí địa phương trong cả nước 10 năm qua, Tạp chí văn hóa nghệ An nổi lên như một tạp chí có nội dung văn hóa phong phú đa dạng, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của bạn đọc trong thời đại mới. Ngoài tin về các hoạt động văn hóa địa phương, tạp chí đã có bài đủ các loại, từ văn học nghệ thuật đến chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, lịch sử, triết học, trong nước , thế giới, các danh nhân đất nước và danh nhân quốc tế. Các bài viết giữ được độ cập nhật cao, tinh thần đổi mới, mở rộng tầm mắt cho người đọc, gây được hứng thú và trông đợi cho bạn đọc. Tạp chí đã thu hút được sự tham gia đông dảo cuả các tác giả trong nước ngoài nước, kết hợp bài viết với bài dịch, chuyện nay với chuyện xưa, hướng tới một tầm nhìn mới. Nhân kỉ niệm 10 năm xin chúc Tạp chí tiếp tục phát huy nội lực, có them nhiều cộng tác viến, không ngừng phát triển tiến tới.
PGS.TS La Khắc Hòa [Đại học Sư phạm Hà Nội]: Văn hóa Nghệ An là tờ tạp chí địa phương mang tầm vóc quốc tế và có uy tín quốc tế
Chỉ cần nhìn vào tên tuổi của đội ngũ cộng tác viên thường xuyên xuất hiện trên trang “Văn hóa Nghệ An”, ai cũng nhận ra đây là một tạp chí có uy tín. Độc giả đến với “Văn hóa Nghệ An” vì vừa tìm được ở đó không ít tri thức hàn lâm, vừa thấy nó luôn đứng ở mũi nhọn của đời sống văn hóa đương đại. Có cơ sở để nói, “Văn hóa Nghệ An” là tờ tạp chí địa phương mang tầm vóc quốc tế và có uy tín quốc tế.
ThS Hoàng Việt [Đại học Luật, tp Hồ Chí Minh]:Tôi hoan nghênh tính chiến đấu của VHNA
Tôi hoan nghênh tính chiến đấu của VHNA. Đặc biệt BBT đã rất sớm nhận ta tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý và truyền thông liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi còn nhớ cái thời viết về Biển Đông, về các vụ gây hấn của Trung Quốc đối với ngư dân ta đánh cá trên các vùng biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ít có tờ báo nào dám đăng; mà có đăng thì cũng phải viết phiếm chỉ, đó là “tàu lạ”, “giặc lạ”. Nghĩ nhiều lúc thật nghịch lý và đau xót. Vì vậy, chúng tôi khâm phục sự dũng cảm của BBT. Các anh chị đã dám chấp nhận rủi ro, mạnh dạn đặt “nỗi sợ” (nhiều khí không đáng sợ) sang một bên để phục vụ cuộc chiến không cân sức với những thế lực hiểm hóc của dân tộc, của nhân dân.
PGS.TS Đinh Trí Dũng (Đại học Vinh): Tờ tạp chí tin cậy của nhiều bạn đọc
Thế là đã mười năm tạp chí Văn hóa Nghệ An có mặt trên nhiều tủ sách, trong danh mục đặt tạp chí của các cơ quan, đoàn thể…trong và ngoài tỉnh. Và đặc biệt, tờ tạp chí đã ghi được dấu ấn trong lòng nhiều bạn đọc, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Số nào của tạp chí cũng có những bài đáng đọc, đáng suy ngẫm. Có một định nghĩa khá hay về văn hóa: “Văn hóa là những gì còn lại sau khi đã quên” thì tạp chí Văn hóa Nghệ An đúng là một tạp chí văn hóa đích thực. Trong bối cảnh báo chí bung ra nhan nhản hiện nay, có những tờ báo, tạp chí chỉ đọc để giải trí, đọc lúc ngồi chờ ở bến xe, bến tàu, đọc xong chẳng nhớ được một điều gì. Còn Văn hóa Nghệ An, tôi nghĩ nếu đọc một cách nghiêm túc thì sẽ có nhiều điều đọng lại.
Tôi đã đọc được ở tờ tạp chí không chỉ những bài viết về các tác gia văn chương như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Thiệp…mà còn rộng hơn, những vấn đề liên quan đến trường văn hóa, môi trường văn hóa đang bủa vây họ như sự chi phối của quan điểm đạo đức, thẫm mỹ nho giáo đối với văn chương; cảm quan Phật giáo, Lão Trang đối với văn học trung đại, những mặt tích cực và cả giới hạn của phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng của lý luận phê bình văn học phương Tây đối với các nhà văn Việt Nam hiện đại…Tôi cũng bắt gặp ở đây nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, văn học phương Tây và thế giới như chủ nghĩa Hiện sinh Pháp, chủ nghĩa Siêu thực Nhật Bản, phê bình Hậu thực dân, phê bình giải cấu trúc…Có thể có những vấn đề ngoài “tầm đón nhận” của một số người. Có người bảo với tôi: Tạp chí Văn hóa Nghệ An thì trước hết cứ viết cho người Nghệ An đọc đã, bàn chuyện thế giới mà làm gì. Nhưng nếu chỉ nghĩ vậy thì Nghệ An sẽ ở đâu trong xu thế hội nhập đang diễn ra chóng mặt hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Văn hóa Nghệ An trở thành mối quan tâm của nhiều học viên thạc sĩ, nhiều nghiên cứu sinh, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình và nhiều bạn đọc trong cả nước.
Văn hóa cũng không thể đứng ngoài những vấn đề nóng hổi của đời sống chính trị, xã hội của địa phương và của đất nước. Những chuyên mục như Văn hóa và đời sống, Khách mời của tạp chí, Đất và người Xứ Nghệ, Cửa sổ văn hóa…luôn hấp dẫn người đọc bởi cái nhìn thẳng, không né tránh, kể cả một số vấn đề được gọi là “nhạy cảm” như chủ quyền biển đảo, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, sự biến dạng và mặt trái của văn hóa người Việt hiện nay, sự lãng phí và hình thức của các lễ hội, nguy cơ “làm mới” trong trùng tu di tích…Tôi nghĩ những người làm tạp chí – trước hết là tổng biên tập không phải không ý thức rằng khi đưa ra bàn bạc những vấn đề này, chắc chắn sẽ có đụng chạm, sẽ có những phiền phức cho mình. Nhưng nếu báo chí và nhà báo né tránh, thì ai sẽ làm việc đó?
GS.TS. Hồ Sĩ Quý [Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam]: Nhiều bạn đọc vẫn thường hỏi Văn Hóa Nghệ An kỳ này có gì hay không?
Tôi là một trong những tác giả thỉnh thoảng cũng có bài gửi đăng ở Văn hóa Nghệ An. Tôi coi điều này là một vinh dự; vì ở ta, Văn hóa Nghệ An, kể cả báo giấy và báo Online, theo tôi, là một kênh thông tin có lượng bạn đọc đủ lớn; những vấn đề được bàn luận đủ chững chạc, cập nhật; mức độ bàn luận đủ nghiêm túc và chuyên sâu; cách thức bàn luận đủ chú ý đến lý luận và chứng cứ, kể cả những chứng cứ định lượng; và điều quan trọng nhất, thái độ bàn luận đủ khách quan, trách nhiệm - không cực đoan đồng thời cũng không ba phải; không hẹp hòi, định kiến đồng thời cũng không phá bỏ những nguyên tắc mà Văn hóa Nghệ An cho là hợp lý, kể cả trong những tranh luận và trong một vài sự cố bất khả kháng đã từng xảy ra…
Đấy là cảm nhận chung. Dĩ nhiên trên Văn hóa Nghệ An 10 năm qua cũng có những bài không được thế, và cũng nhiều điều người đọc đòi hỏi mà Văn hóa Nghệ An chưa đáp ứng được. Nhưng dòng chảy chung này là vậy. Tôi nghĩ không hề quá khi nhận định thế.
Văn hóa Nghệ Anlà cơ quan ngôn luận chuyên về văn hóa. Nhưng văn hóa ngày nay là tất cả - khía cạnh văn hóa thấm sâu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Sâu hơn thế, nói đến văn hóa là nói đến con người, nên những vấn đề mà Văn hóa Nghệ An mổ xẻ, bao quát, bàn luận… dù có phong phú đến mấy cũng chưa đi hết “đất múa võ” của chính mình. Điều này là quan trọng, nó cho phép người đọc với đa dạng các sở thích đều có thể tìm thấy ở Văn hóa Nghệ An cái mà mình quan tâm.
Chưa hết, điều tôi muốn lưu ý và nhấn mạnh nhân kỷ niệm 10 năm Văn hóa Nghệ An là, hơn tất cả những điều vừa nói, tầm bàn luận của Văn hóa Nghệ An đã vượt ra khỏi tầm của một địa phương, dù tờ Văn hóa Nghệ An là của một địa phương. Tôi biết nhiều bạn đọc ở rất xa, một số học giả cỡ thế giới, một vài chính khách đầy trọng trách, nhiều nhà hoạt động xã hội có uy tín, và nhiều bạn trẻ đầy tài ba… vẫn thường hỏi Văn hóa Nghệ An kỳ này có gì hay. Không phải tờ tạp chí nào cũng được hỏi như thế. Nên coi đây là một phần thưởng, phần thưởng rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất, tặng cho những ai đã và đang trăn trở để Văn hóa Nghệ An ngày càng hay hơn, góp phần thúc đẩy xã hội tiến về phía trước.
Nhà thơ Phương Hà [tp Hồ Chí Minh]: Với chúng tôi, Văn hóa Nghệ An là cầu nối của những người con xứ Nghệ tha hương
Những năm làm bạn với VHNA tôi luôn tìm đọc những bài viết về danh nhân xứ Nghệ, về những vùng đất, những dòng họ, những con người đã làm rạng danh quê hương Nghệ An.
Hành trang của những người con xa xứ nặng tình nặng nghĩa với quê hương là giọng nói đặc trưng, là những sản vật quý hiếm như “Nhút Thanh Chương, cà Nghi Lộc, tương Nam Đàn” mà những giai thoại những câu chuyện của người xưa đã hun đúc nên con người xứ Nghệ
Tất cả nhưng thứ đó, tôi, bạn bè tôi đã tìm trong Văn óa Nghệ An. Với tôi còn có một kỷ niệm rất đáng ghi nhớ. Đó là cách đây 5 năm, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có gửi cho VHNA bài tản văn “ Nghi Lộc - Cửa Lò, một thoáng đất và người” của tôi. Khi đó mới in xong tôi đề nghị anh Phan Văn Thắng - Tổng biên tập VHNA cho tôi đặt mua vài ba trăm cuốn để tặng bạn bè, nhưng vét mãi chỉ được 5 cuốn, đành thất hứa với bạn bè đồng hương Nghi Lộc - Cửa Lò. Trước đây, thời còn làm báo, khi có khách hàng mua báo, chúng tôi đều cố gắng đáp ứng tối đa, để quảng bá và để tăng thu nhập. Vậy tại sao VHNA không làm thế nhỉ? Chắc là VHNA giàu có rồi!!!??? Có thể đây là một góp ý. VHNA cần tiếp thị và tận dụng mọi cơ hôi để tiếp thị. Nếu làm vậy, VHNA sẽ lớn mạnh, hơn giàu có hơn.
Nguyễn Hùng Vĩ [Giảng viên Đại học Quốc gia hà Nội]: Tạp chí trả nhuận bút cho người viết rất đàng hoàng, mach lạc
Tôi viết điều này lên, mọi người có thể coi đây là chuyện tầm thường. Nhưng đây là sự thực, và qua đây, tôi tri ân tờTạp chí đang được mọi người yêu mến này.
Đó là chuyện Tạp chí TRẢ NHUẬN BÚTcho người viết rất đàng hoàng, mach lạc.
Thỉnh thoảng, tôi lại nhận được giấy báo lĩnh tiền và cứ thế ra bưu điện mà nhận. Số nhuận bút bình thường như khá nhiều tờ báo khác, tuy nhiên là rất đúng hẹn.
Đối với chúng tôi, cũng từng viết lâu năm cho các báo khác, việc phải đến tòa soạn làm thủ tụcvới tài vụ mới có được mấy đồng là một việc làm rất tủi thân. Đi nhận nhuận bút mà có cảm giác đi xin xỏ vậy.
Người làm nghề chữ nghĩa, tích lũy kiến thức một đời trong trải nghiệm và tu tập, sáng tạo được những sản phẩm tinh thần, họ cần nhất sự ghi nhận cho công sức lao động đó qua nhuận bút.
Nhiều hay ít có khi không thành vấn đề. So với một chuyến đi khảo sát hay một bữa biagiao lưu bè bạn thì nó có thể là ít, nhưng so với một tạ thóc của người nông dân một nắng hai sương nó lại là nhiều. So với người “có điều kiện” là ít, nhưng so với lương hưu trí các thầy tôi nó lại là nhiều.
Tôi sướng nhất là cầm đồng nhuận bút đưa cho vợ. Nhìn niềmvui trên gương mặt bà xã là tôi có hạnh phúc vì biết rằng, tôi đang được người gần gũi nhất tôn trọng. Giản dị thế thôi.
Đồng nhuận bút đó đến từ Tạp chí Văn hóa Nghệ An
Đồng nhuận bút có thể là khiêm tốn nhưng nó là một bài học lớn cho cả một thiết chế: Hãy tôn trọng đúng đắn kiến thức, tri thứcvà trí thức.
Một lần nữa, cám ơn Tạp chí Văn hóa Nghệ An.
Đặng Văn Dũng[Huyện ủy Thanh Chương]: Một ấn phaamrthieets thực, cần dduwwocj pohoor biến rộng rãi.
Cách đây mấy năm, vào TP. Hồ Chí Minh công tác, đến nhà anh bạn thời cùng học cấp 3, đang là sĩ quan quân đội. Biết tôi hay đọc, anh ấy ôm ra một loạt sách báo, tạp chí, bảo khi nào nghỉ ngơi, thích thì đọc. Tôi ngạc nhiên khi trong nhà anh có rất nhiều sách, trong đó có hai chồng xếp khá ngay ngắn khá nhiều tập chí Văn nghệ Quân đội và Văn hóa Nghệ An. Anh còn giải thích: Bỏ sách bút đi đánh giặc, bây giờ ở xa, đọc Văn hóa Nghệ An mới hiểu quê, nhớ quê, yêu quê ông ạ!
Tạp chí Văn hóa Nghệ An đề cập nhiều nội dung phong phú. Tôi vẫn trân quý nhất là những bài nghiên cứu, giới thiệu những sự kện lịch sử, nếp sống văn hóa, danh nhân xứ Nghệ; tạp chí không chỉ là nơi góp mặt những tác giả có uy tín của quê nhà mà còn thu hút, quy tụ được những cây bút có uy tín người Nghệ và cả những người không phải người Nghệ nhưng nghiên cứu, hiểu sâu về văn hóa Xứ Nghệ. Có nhiều bài viết của họ thực sự là những tư liệu, cẩm nang của người đọc.
Nội dung của tạp chí thật là hấp dẫn, bổ ích. Vậy mà đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân khác nhau mà ngay tại quê nhà, xem ra "diện phủ sóng" vẫn còn "khiêm tốn"? Trong khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; khi đang muốn gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể xư Nghệ, khi ta phàn nàn học sinh thuộc làu Khang Hy, Tào Tháo,... mà lại ngập ngừng không biết Nguyễn Huệ - Quang Trung có mối quan hệ với nhau là thế nào, ước gì trong mỗi cơ quan, nhà trường đều có cuốn Văn hóa Nghệ An?
TS. Đinh Hoàng Thắng [Hà Nội]: Nên tăng cường các bài viết về quan hệ quốc tế và chính trị đối ngoại.
Có 2 ý kiến góp ý cho Văn Hóa Nghệ An: Thứ nhất, trên online, nếu được BBT nên gom các bài của một tác giả lại thành một cụm đặt ở phía bên dưới cùng của mỗi bài mới để bạn đọc cũng như bản thân tác giả dễ tra cứu (Hiện nay, bản báo cũng đã có làm nhưng chưa đẩy đủ và tính hệ thống chưa cao). Tuy nhiên, cụm bài này, thông qua kỹ thuật vi tính, làm thế nào kết nối được với các tác giả khác, bài viết khác của cùng một đề tài ấy thì thật là lý tưởng.
Thứ hai,VHNA nên tăng cường thêm, cả về lượng lẫn phẩm, các bài viết về quan hệ quốc tế và chính trị đối ngoại. Đặc biệt trong thời buổi các vấn đề ngoại giao với nội trị dần dần có xu hướng hòa nhập làm một, như vấn đề Việt Nam với TPP, quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung… thì sự xuất hiện thêm các bài viết về vấn đề này đang là sự mong đợi của độc giả đối với VHNA.
Cao Xuân Thưởng: Văn hóa Nghệ An – Một tạp chí tâm huyết
Trong thời mở cửa, báo chí nhiều như sao trời. Tôi đã đọc nhiều loại và thấy cái nào cũng hay nhưng hầu hết đọc xong là quên. Riêng với tạp chí Văn Hóa Nghệ An ( VHNA) tôi có một tình cảm đặc biệt, không phải vì tôi là người Nghệ mà bởi những vấn đề mà tạp chí đặt ra rất thiết thực, sâu sắc và phong phú. Đọc xong một cuốn VHNA cứ thấy mình ngộ ra một điều gì đó và hình như mình lớn thêm một chút về nhận thức khi về con người, khi về đất nước, khi về chính trị, xã hội hay các vấn đề quốc tế …
Hiếm có một tạp chí cấp tỉnh nào mà đội ngũ cộng tác viên lại đông các nhà khoa học xã hội lừng danh như VHNA. Tôi đã vài lần trả lời phỏng vấn, viết bài và tham gia hội thảo với VHNA, và nhận thấy các vấn đề mà họ nêu ra bao giờ cũng thiết thực, câu hỏi phỏng vấn sắc sảo buộc người trả lời phải tư duy, chọn lọc kỹ lưỡng trước khi trả lời.
Nhiều bạn đọc, trí thức trong ngoài tỉnh cũng có chung nhận xét như tôi rằng : “ VHNA là một tạp chí đặc biệt xuất sắc”.
PGS.TS Biện Minh Điền: Văn hóa Nghệ An đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả khát khao tìm sự thật và tri thức
Nếu tôi không nhầm, cho đến lúc này (8.2015), tạp chíVăn hóa Nghệ An đã trọn 10 năm, và websitehttp://vanhoanghean.vn trọn 5 năm hoạt động. Đấy cũng là chặng đường đầy thử thách cho sự sống còn của loại hình tạp chí và website về văn hóa (phải bao quát, quan tâm “đủ thứ” từ “thượng vàng” đến “hạ cám”) trong bối cảnh “kinh tế thị trường”, “hội nhập”, văn hóa đọc xuống cấp, “ngành ngành” làm báo, “nhà nhà” lập website, “người người” mở facebook; quá ư là khó khăn, phức tạp, nhiễu loạn... Bấy chầy gió táp mưa sa... Nhưng, theo quan sát của tôi, cả tạp chí và website Văn hóa Nghệ An, không hề “khuyết” (độc giả), và, không hề “tàn” (sức sống). Công chúng độc giả đến với tạp chí và website Văn hóa Nghệ An thực sự ngày càng đông.
Văn hóa Nghệ Anvà vanhoanghean.vn là trường hợp trong số ít những tờ tạp chí và website nghiêm túc, cập nhật, có bài vở chất lượng hữu ích, không né tránh những vấn đề “nhạy cảm”, kịp thời và biết cách xử lý thông tin (bằng các bài viết hoặc những tư liệu đáng tin cậy). Nơi đây tập hợp được nhiều cộng tác viên đắc lực (trong đó có không ít nhà khoa học có uy tín, sắc sảo, trải nghiệm, “hiểu đời”, “hiểu người”). Văn hóa Nghệ An (tạp chí) cũng như vanhoanghean.vn (website) đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả khát khao tìm sự thật và tri thức, nhất là các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, khoa học... Làm báo trong thời buổi này, nghiêm túc, cập nhật, trung thực, không câu view, luôn luôn tôn trọng độc giả, tôn trọng cộng tác viên, được như Văn hóa Nghệ An và vanhoanghean.vn, không dễ!