Xứ Nghệ ngày nay

Diễn Phong: Phát huy dân chủ xây dựng nông thôn mới

Xã Diễn Phong vừa về đích nông thôn mới (NTM) vào tháng 10 vừa qua, và một trong những bài học kinh nghiệm được vận dụng xuyên suốt đem lại thành công trong quá trình xây dựng NTM của Diễn Phong là phát huy dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp, dân hưởng thụ.

Dân biết, dân bàn

Ngay từ khâu lập quy hoạch xây dựng NTM, dự thảo quy hoạch được Ban Chỉ đạo, Ban quản lý NTM của xã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Các nội dung của quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (các vùng trồng lúa, vùng trồng màu, hệ thống thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa…); Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới (Trụ sở làm việc của Đảng ủy, Chính quyền, các nhà trường, trạm y tế, bưu điện, các công trình văn hóa - thể thao); Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp,… đều được nhân dân đóng góp ý kiến trước khi trình cấp trên phê duyệt. Quy hoạch được huyện phê duyệt, xã công bố công khai tại nhà văn hóa xóm, trụ sở UBND xã và triển khai hội nghị phổ biến quy hoạch trong toàn dân; đồng thời tổ chức cắm mốc lộ giới các tuyến đường xã, đường thôn xóm theo quy hoạch để nhân dân được biết.

19 tiêu chí với 39 chỉ tiêu của NTM, nội dung, phương pháp, cách làm được Ban quản lý xây dựng NTM xã và Ban phát triển NTM của 7/7 xóm phân tích rõ tại các cộng đồng dân cư. Người dân biết được tiêu chí nào đạt rồi, tiêu chí nào chưa đạt cần bàn bạc đưa ra giải pháp thực hiện sao cho phù hợp. Đặc biệt, những tiêu chí khó thực hiện cần huy động sức dân lớn, như làm đường giao thông, kiên cố kênh mương thủy lợi, nâng cấp trường học, nhà văn hóa,… được đưa ra bàn bạc trong dân nhiều lần rồi phân kỳ thực hiện, không chủ quan nóng vội, thúc ép nhân dân . Lộ trình thực hiện các tiêu chí; mức tiền cần huy động; cây cối, hoa màu, tường bao của dân cần phải giải phóng; số diện tích đất cần để mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng,… nhân dân đều được bàn bạc, thống nhất.

Các nghị quyết về xây dựng NTM của Đảng ủy, HĐND, kế hoạch của UBND  xã được triển khai cho toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân học tập. Ủy ban MTTQ xã cũng triển khai nhiều cuộc họp dân chính đảng để tuyên truyền vận động nhân dân và các thành viên của các tổ chức quần chúng cùng thực hiện, hướng dẫn các xóm tổ chức họp triển khai đồng bộ đến nhân dân.

Đài truyền thanh của xã liên tục phát thông tin về xây dựng NTM trong xã, thông báo kịp thời các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Đảng uỷ, HĐND và UBND xã đến mọi người dân. Những cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nêu gương trên Đài truyền thanh để động viên khích lệ phong trào.

Dân làm, dân kiểm tra

Dân chủ được phát huy, đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục được đẩy mạnh nên người dân Diễn Phong hiểu rõ mình là chủ thể của xây dựng NTM, là người trực tiếp làm và trực tiếp hưởng lợi tạo nên sự đồng thuận, tự giác cao trong thực hiện các tiêu chí.

Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, để đường làng, ngõ xóm được rộng hơn, đẹp hơn, người dân các xóm tự giác giải phóng mặt bằng theo mốc lộ giới đã được cắm theo quy hoạch (tháo dỡ tường bao, công trình phụ, chặt cây cối,…); đóng góp công sức san nền, cử đại diện kiểm tra, giám sát chặt chẽ khi thi công. Nhà văn hóa các xóm Dương Tiên, Dương Đông, Tây Hồ, Đông Tác cần làm mới để có chỗ sinh hoạt cộng đồng khang trang hơn, dân ủng hộ liền. Những phần việc đơn giản, cả xóm cùng làm, việc nào phải thuê thợ, dân giám sát chặt chẽ. Các cháu trường mầm non, trường tiểu học cần thêm phòng học, dân không tiếc tiền, tiếc công đóng góp.

Trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo, vai trò chủ thể của người dân Diễn Phong được thể hiện sinh động nhất. Là xã thuần nông, người dân Diễn Phong đã tìm mọi cách để làm giàu trên chính thửa ruộng của mình. Người siêng năng, đất không ngưng nghỉ, gần 250 ha đất canh tác tăng hệ số sử dụng lên 2,7 lần. Mùa nối mùa, vụ nối vụ với cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý và kỹ thuật thâm canh cao: lúa + lúa + cá vụ 3, lạc + dưa hấu + ngô/rau màu, 100% diện tích canh tác đều cho thu nhập cao, trong đó 50% diện tích đất canh tác cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/năm trở lên. Các câu lạc bộ “Người nông dân sản xuất trên cánh đồng cho thu nhập cao” được thành lập trong toàn xã với mô hình trồng dưa đỏ, rau màu cao cấp trên diện tích 90ha, có năm riêng dưa hấu đã cho thu nhập 180 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, CLB nuôi ong, làm vườn của Diễn Phong cũng phát triển khá mạnh, rồi chăn nuôi bò đàn, lợn đàn, lợn nái … đem lại thu nhập khá cao cho người dân. Nhà anh Vững (xóm Dương Tiên) có trại bò lên tới 40 con; anh Sỹ (xóm Dương Đông), anh Tình (xóm Gia Nghi) chăn nuôi lợn thịt quy mô đàn 60-70 con/lứa,… là những nhân tố mới trong phát triển chăn nuôi của xã. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 ước đạt 26 triệu đồng, tăng 4,2 triệu đồng so với năm 2014. Hộ nghèo vào cuối năm 2014 chỉ còn 3,3%.

Trong xây dựng đời sống văn hóa, 7/7 xóm, 5/5 đơn vị (3 trường học, trạm y tế và trụ sở xã) của xã đạt chuẩn văn hóa từ năm 2010 là do dân xây dựng nên. Việc gìn giữ và phát huy danh hiệu này cho đến nay cũng là dân. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng: văn nghệ, thể thao, hội hè,… dân là người tham gia sáng tạo và cũng là người trực tiếp hưởng thụ. Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan làng xã, xây dựng các tổ chức chính trị xã hội vững mạnh,… dân là người quyết định.

Dân góp, dân hưởng thụ

Trước hết là góp đất. Tấc đất, tấc vàng nhưng khi xã cần có một quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, như: Khu tiểu thủ công nghiệp, Khu dịch vụ thương mại, khu bãi rác tập trung, khu vườn hoa cây cảnh, khu dân cư mới, khu chăn nuôi tập trung, khu nuôi trồng thủy sản tập trung... dân sẵn sàng dồn điền đổi thửa, đồng thời góp mỗi sào từ 35-40 m2 đất và toàn xã đã góp được 11.7 ha đất với tổng giá trị là 5 tỷ 265 triệu đồng. Đường làng, ngõ xóm ở Diễn Phong trước đây đã được bê tông hóa (từ năm 2006, Diễn Phong đã là điểm sáng của huyện về bê tông hóa đường giao thông nông thôn) nhưng bây giờ chưa đạt chuẩn NTM do mặt đường hẹp. Xã vận động hiến đất mở rộng đường, cán bộ gương mẫu làm trước, dân hưởng ứng liền. Cụ Phạm Thị Vị ở xóm Đông Tác - vợ của cán bộ tiền khởi nghĩa ủng hộ hơn 150m2, rồi bà Thanh (xóm Tây Hồ) cũng hiến trên 100 m2 và rất nhiều gia đình khác nữa.

Có đất rồi, dân lại góp tiền, góp công để thực hiện các tiêu chí của NTM. Tính đến tháng 9/2015, tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM ở Diễn Phong là 150 tỷ 379 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 104 tỷ 223 triệu đồng. Trừ nhà ở dân cư, các lĩnh vực huy động được nguồn lực của dân rất lớn như đường giao thông (5,6 tỷ đồng), nhà văn hóa xóm (trên 2,7 tỷ đồng), trường học (xấp xỉ 2,2 tỷ đồng), xây dựng nghĩa trang (gần 2 tỷ đồng),… Điểm qua một số lĩnh vực để thấy khi dân chủ được phát huy sẽ huy động được nguồn lực của dân rất lớn, từ công sức, tiền của, trí tuệ,...  cho xây dựng NTM. Các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng đã kích thích phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề dịch vụ, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển sự nghiệp giáo dục, bảo vệ cảnh quan môi trường,... Điều đó có nghĩa dân chính là chủ thể được hưởng lợi.

 Diễn Phong hôm nay thực sự đổi mới, không chỉ ở diện mạo bề ngoài với các công trình điện, đường, trường, trạm hiện đại, khang trang mà còn đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức quản trị xã hội, trong chất lượng cuộc sống của nhân dân. Và tất cả những điều đó có được từ thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528671

Hôm nay

252

Hôm qua

2275

Tuần này

2944

Tháng này

215367

Tháng qua

0

Tất cả

114528671