Đất Nghệ

Địa điểm khảo cổ học Đồng Mỏm – Một trung tâm luyện kim thời cổ

Đồng Mỏm là tên một cánh đồng rộng hàng chục ngàn mét vuông nằm cạnh và cách Mã Yên Sơn khoảng 150m về phía Tây Nam thuộc địa phận xã Nho Lâm, nay là xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Xã Diễn Thọ là trung tâm giữa một quần thể nhiều di tích lịch sử và văn hóa: đền thờ Tam Xà, đền thờ thần Thiết Sơn, đền Công thờ An Dương Vương, và nhiều truyền thuyết: sự tích Ông Đùng, sự tích bà Ý Yên; các điệu múa và bài ca đi lấy quặng, có con kênh đào từ thời nhà Lê, gọi là kênh Sắt chảy qua. Diễn Thọ có nghề khai quặng, luyện sắt, rèn đúc sắt rất lâu đời. Trong xã còn nhiều cụ già trên 100 tuổi (những năm 70 thế kỉ XX), đã từng cầm búa ở tuổi lên 3 và đã trở thành “chủ lô cục tượng” một thời. Tuy ở đây “Than quánh nặng nề” nhưng là một làng rất nhiều người giỏi chữ Hán, bởi thế mà trước đây có tên xã là làng Nho Lâm.

Ở xã Diễn Thọ có hai địa điểm khảo cổ học nổi tiếng. Địa điểm khảo cổ học Rú Ta nằm ở chân đồi Mã Yên Sơn, thuộc sơ kì thời đại đồng thau Nghệ Tĩnh. Thứ hai là địa điểm khảo cổ học Đồng Mỏm. Địa điểm này đã được tác giả bài viết này phát hiện năm 1975 và đã tiến hành ba lần khai quật: năm 1976, 1977, và 1978. Gần đây Phạm Minh Huyền, Viện Khảo cổ học lại tổ chức khai quật lần thứ tư.

Qua bốn đợt khai quật đến nay đã có thể nhìn nhận diện mạo địa điểm khảo cổ học Đồng Mỏm như thế nào?

Trước hết những vết tích của nghề đúc đồng. Trong tầng văn hóa phát hiện được hai mảnh phễu có rãnh một đầu to, một đầu nhỏ để rót đồng. Ở hai mảnh phễu đó còn dính xỉ đồng. Rõ ràng người Mỏm đã nấu chảy đồng để rót vào khuôn.

Những sản phẩm của nghề đúc đồng mà các lần khai quật đều phát hiện được là những rìu đồng có dạng lưỡi xèo cân ra hai bên, giữa rìu có một lỗ tròn để chốt cán. Trên phần giáp họng được trang trí bằng hoa văn nổi, các gạch chéo đơn giản. Những lười cày đồng, đặc trưng cho vùng sông Cả. Khác với lưỡi cày ở lưu vực sông Mã và sông Hồng, lưỡi cày Đồng Mỏm có vai ngang. Những lưỡi cày giáo hình lá mía, những dao găm cán củ hành, chậu thau đồng có vết tích những hạt gạo chấy.

Khi kĩ thuật luyện đồng đã phát triển đến mức hoàn thiện thì tất yếu người Đồng Mỏm đã phát minh ra kĩ thuật luyện sắt. Trong tầng văn hóa của hố khai quật năm 1976 đã phát hiện 6 vết tích của lò luyện sắt. Đó là các bãi đất đỏ có dạng hình tròn. Đường kính 30cm. Trên và xung quanh các bãi đất đó có những miếng đất sét trộn rơm, trấu. Bên cạnh đó có những hòn đá to bằng ấm tích nước bị nhiệt trong quá trình chịu lửa. Ở vết tích lò số 1 có một mảnh ống đưa gió bằng đất sét dày 2cm, đường kính 8cm. Trong hố lò có nhiều hòn quặng sắt hesmatít to bằng ngón chân cái và những cục xỉ sắt có hình chảy gọt nước, một số mảnh gốm. Cách lò số một 1,2 m có một hố đất đen, có lẽ là dấu chân cột dựng nhà lò hoặc lều che mưa nắng. Trên cơ sở xem xét một cách khách quan những tư liệu trên, chúng tôi cho rằng, đó là những vết tích của lò luyện sắt để lấy sắt. Đây là những lò luyện sắt phát hiện được đầu tiên ở nước ta, cơ sở cung cấp sắt thiết thực cho những người thợ rèn chế tạo các công cụ sản xuất và rèn đao kiếm.

Những sản phẩm đồ sắt ở địa điểm Đồng Mỏm có tương đối nhiều so với một số địa điểm khác nhau ở miền Bắc. Trong số đó là thuổng sắt có họng, hình dáng rất giống thuổng sắt hiện đại, dao sắt. Trong mộ số ba hố B/1978 một lưỡi kiếm sắt dài 39cm có chuỗi và lá chắn, đặt ở xương tay phải. Trong mộ MD1 ở hố A/1978 cũng phát hiện một kiếm sắt dài 46 cm có chuỗi và lá chắn, đặt bên cạnh xương hông bên trái. Kiểu mộ đặt kiếm sắt bên trái rất giống ngôi mộ số 15 ở Thiệu Dương, Thanh Hóa. Ở mộ vò năm 1976 cũng có một số đoạn sắt, có lẽ là một lưỡi kiếm bị gãy ra làm 4.Về đồ gốm có nhiều loại: Loại miệng loe, miệng khum lòng máng, loại miệng khum vào, loại miệng đứng, loại có chân choãi, đáy bằng, đáy tròn. Chủ yếu có 3 loại đặc trưng: Loại miệng loe, thân phình và đáy tròn, loại miệng loe đáy bằng, loại chân đế choãi ra khoảng 450  hình con tiện. Hoa văn tương đối ít. Những tiêu bản có hoa văn thường trang trí ở cổ bằng hình khắc chấm và đắp nổi tạo thành các băng như lạt bện. Hoa văn chủ yếu là thừng thô trang trí ở thân. Về màu sắc có hai màu chủ đạo là màu trắng xám và màu đỏ nhạt. Đồ gốm giống đồ gốm làng Vạc và địa điểm cùng thời ở sông Mã, sông Hồng. Tuy có nét chung ấy, nhưng đồ gốm Đồng Mỏm vẫn có tính cách xứ Nghệ. Loại hình chõ xôi có hai ngăn liền nhau ở Đồng Mỏm và làng Vạc là phong cách sông Cả. Ngoài dụng cụ đun nấu, đựng, đồ gốm còn có dọi xe chỉ.

Chì lưới ở Đồng Mỏm làm bằng đá - một loại đá khá nặng. Sừng hươu nai và xương cá, xương răng động vật, vỏ sò ốc.

Người Đồng Mỏm có một tập tục mai táng khá đặc trưng. Mộ và nồi là những mộ cải táng. Mộ táng chủ yếu là mộ đất. Huyệt mộ hình chữ nhật: 2x0,75m, 2,3x1m, sâu khoảng 0,30m. Tử thi thường theo hướng Bắc Nam. Những mộ chôn đôi thì xương cốt người lớn dài 1,75 (đo từ đỉnh sọ đến gót) thuộc tầm cỡ người cao to khỏe. Hai vai được kê hai hòn đá tròn. Giữa bụng đặt một hoặc hai nồi gốm. Bộ xương người bé thường đặt bên trái, tầm cỡ người thấp chừng 1m, xương chân tay nhỏ hơn. Đặc biệt, xương người bé nằm cao hơn, đầu thường chạm vào vách huyệt. Mộ được kè bằng những mảnh gốm.

Hai mộ song táng này có phong cách giống nhau, gợi cho tôi giả thiết: Bộ xương người lớn là chủ nhân chết tuổi già nên xương đặt ngay ngắn, vai có kê đá giống kiểu kê bát của người hiện đại. Còn bộ xương bé hai ống chân nằm chéo nhau, vai không kê đá, nằm trồi cao lên, đầu chạm vách huyệt, tỏ ra thân phận chủ nhân bị bức tử. Thân bị trói, trước lúc chết đã lấy hết sức bình sinh dãy dụa nên khi đầu chạm vách thì con đường sống đã kết thúc nằm trong tình trạng đó.

Phong cách táng thức như trên, phải chăng phản ánh một mặt nào đó đời sống đương thời, mà theo cách gọi của Mác là Phương thức sản xuất châu Á, nghĩa là nô lệ gia đình dưới dạng đầy tớ, con hầu. Khi chủ nhân chết, chôn theo con hầu để tiếp tục hầu hạ chủ nhân ở thế giới bên kia. Nô lệ bị dừng lại trong dạng đó và bị dập tắt bởi các cuộc xâm lược phương Bắc, để chuyển sang phương thức sản xuất phong kiến.

Như vậy, địa điểm khảo cổ học Đồng Mỏm có hai khu riêng biệt: khu cư trú hoạt động sản xuất và khu mộ táng. Đồng Mỏm là một nơi diễn ra nghề luyện kim phát đạt – đúc đồng, luyện sắt. Sự tồn tại và phát triển của nghề này là một sự tập hợp của nhiều bộ phận có tính chuyên môn hóa: thợ đắp lò, thợ khai quặng, đốt than, thổi gió vào lò, và cuối cùng là các lò rèn với những tay thợ lành nghề chốn đe búa.

Sản phẩm của họ một mặt để tự túc, một số trở thành hàng hóa. Công việc này là của vợ con hoặc lái buôn đến mua sỉ, gánh gồng đi chợ xa gần để kiếm lãi.

Một bộ phận cư dân Đồng Mỏm tiến hành nông nghiệp trồng lúa nước, đánh cá, săn bắt, hái lượm, làm đồ gốm v.v… Cuộc sống Đồng Mỏm vô cùng đa dạng, phong phú về vật chất và tinh thần.

Đồng Mỏm thuộc phạm trù nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng Việt Nam ở vào giai đoạn thế kỉ V trước và sau công nguyên. Nó hòa nhập được các yếu tố của văn minh sông Hồng, lưu vực sông Mã, những yếu tố bên ngoài để cùng với làng Vạc tạo ra phong cách con người xứ Nghệ xưa từ thượng nguồn sông Cả, Lam giang đến Đan Trường hội thủy.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511860

Hôm nay

2186

Hôm qua

2337

Tuần này

22234

Tháng này

218733

Tháng qua

121356

Tất cả

114511860