Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đã ra một Tuyên bố chung chiều 25/5, truyền đi thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng về Biển Đông. G7 tái xác nhận lại rằng, các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế hành động đơn phương gây căng thẳng, không uy hiếp, sử dụng vũ lực để thực hiện mục đích, phải giải quyết các vấn đề phân tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua các hình thức pháp lý bao gồm cả Tòa án. Đồng thời, các nước G7 đã bày tỏ quan ngại trước tình hình Biển Đông và Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 về an ninh Biển (tháng 4/2016).
Đọ sức hiếm thấy
Tuyên bố chung Ise-Shima bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 42 tại Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông bằng các biện pháp hòa bình. Đây là diễn biến có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự nhất trí cao của lãnh đạo các nước G7 trên tất cả các chủ đề đã thảo luận trong hai ngày 26-27/5. Tuyên bố Ise-Shima nói rõ, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang giảm do có nhiều rủi ro, những tranh chấp, hành vi khủng bố… đang làm phức tạp môi trường thế giới, do vậy, Hội nghị thượng đỉnh G7 có trách nhiệm đặc biệt và chủ đạo mang tính toàn cầu để đối phó với những vẫn đề đó. Liên quan tới vấn đề an ninh hàng hải, Tuyên bố chung khẳng định, các nước G7 nhất trí sẽ thực hiện các biện pháp liên quan tới trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của Luật quốc tế được phản ánh cụ thể trong Luật Biển (UNCLOS), tôn trọng tự do hàng hải, tự do không phận, giải quyết các phân tranh bằng biện pháp hòa bình.
Hai tháng hai tuyên bố liền kề từ G7. Rõ ràng, những hành động bành trướng lãnh thổ bằng các nỗ lực quân sự hóa các của Trung Quốc trên Biển Đông đã thu hút sự lên án mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo G7 trong hội nghị lần này và Hội nghị một tháng trước đây giữa các ngoại trưởng G7. Cả hai tuyên bố về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông thực sự là nỗi nhức nhối đối với Trung Quốc. Theo ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại thuộc Đại học Temple, Nhật Bản, để chuẩn bị cho G7 vừa qua, Nhật và Mỹ đã nỗ lực tìm cách thuyết phục các nước châu Âu bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc. Người ta còn nhớ chuyến công du sang một loạt nước châu Âu và châu Á của đích thân Thủ tướng Abe và Ngoại trưởng. Vì vậy, Tuyên bố chung lần này là một chiến thắng cho Tokyo và Washington. Nó khiến Bắc Kinh nhận ra rằng ngay cả các nước từng chỉ tìm cách làm ăn kinh tế ở Trung Quốc giờ đây cũng đang lo lắng trước các hành động của Bắc Kinh.
Hẳn nhiên, Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực trước Tuyên bố mạnh mẽ và nhất quán của này. Tại cuộc họp báo ngày 26/5, khi được hỏi rằng liệu hội nghị G7 có phải là nơi thích hợp để bàn chuyện Biển Đông hay không, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trả lời rằng việc này tùy thuộc vào nhóm G7. “Nhưng chúng tôi tin rằng dù chủ đề là gì, họ nên có quan điểm công bằng và vô tư, không áp dụng tiêu chuẩn kép và đặc biệt không nên có hành động khiêu khích hay làm tăng căng thẳng khu vực” - Reuters dẫn lời ngoại trưởng Vương. Tân Hoa xã của Trung Quốc trong dịp vừa qua cũng đăng bài khuyên G7 “nên lo việc của mình hơn là chỉ trỏ người khác” và cáo buộc Nhật Bản đang lợi dụng hội nghị để lôi kéo các đồng minh để cô lập Trung Quốc. Bài báo cho rằng việc thảo luận vấn đề Biển Đông vượt ngoài khả năng của G7 và phản ánh tư tưởng thời chiến tranh lạnh.
Trên thực tế, ai cũng rõ, vấn đề an ninh hàng hải (maritime security) có liên quan tới những hành động mỗi ngày một hung hãn hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. Theo tường thuật của các phóng viên tại chỗ, tại cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có các cuộc gặp tay đôi. Tổng thống Obama cho biết: Cuộc trao đổi đã có sự khởi đầu tốt đẹp và đạt được rất nhiều thành quả. Hai bên bàn cả những vấn đề liên quan tới Ukraine, nơi bắt đầu có một số tiến bộ trong các cuộc thương thuyết. Mỹ và Nhật sẽ dành thêm thời giờ để tìm cách giải quyết một số điểm nóng quốc tế quan trọng khác.
Việt Nam tại G7
Ise-Shima thuộc tỉnh Mie, cách thủ đô Tokyo (Nhật Bản) khoảng 300 km về phía tây nam. Thành phố này vốn đã là địa danh được xếp hạng, nhờ Đền Ise, một ngôi đền linh thiêng nhất của Thần đạo xứ Phù Tang. Các vị nguyên thủ của 7 nước giàu nhất thế giới cùng với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu (EU) đã tiến hành hội nghị thường niên lần thứ 42.Tổng thống Obama, Thủ tướng Abe cùng các nhà lãnh đạo khác đã lần lượt đi qua chiếc cầu dài dẫn tới ngôi đền, trước khi chụp hình chung với nhau. Sáng 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Là một trong bốn nhà lãnh đạo phát biểu đầu tiên tại phiên khai mạc, Thủ tướng hoan nghênh hội nghị đã ưu tiên những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu, đã đánh giá cao việc G7 ra Tuyên bố về Biển Đông. Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam, cùng với các nước ASEAN, hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”. Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)”.
Liên quan đến sáng kiến “Kết nối Mê Công-Nhật Bản”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở Châu Á, đồng thời hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước G7 khác, trong đó có Mỹ và nhóm Những người bạn của Hạ nguồn Mê Công (FLM) cho sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Công với sáng kiến mới về Chương trình cơ sở hạ tầng bền vững (SIP). Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam cam kết chung tay hành động thực hiện thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại COP-21 Paris vừa qua. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng”. Thủ tướng cũng bày tỏ “Việt Nam mong các nước G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mê Công tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long - hạ lưu sông Mê Công”.
*
Có lẽ chưa có thời điểm nào như tuần cuối tháng Năm vừa qua, ngoại duyên và nội lực của Việt Nam đã tạo nên cơn sốt truyền thông và làn sóng quốc tế đoàn kết ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc về các vấn đề trên Biển Đông. Chuyến thăm ba ngày tại Việt Nam của Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ và chuyến xuất ngoại lần đầu tiên của tân Thủ tướng Việt Nam sang Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 chắc chắn sẽ để lại những tác động hết sức tích cực. Ảnh hưởng lâu dài của những tác động này có thể mới chỉ mới xuất hiện trên bề nổi của những tảng băng chìm. Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp riêng Thủ tướng Nhật để trao đổi về các vấn đề quốc tế. Ông Obama đánh giá, căng thẳng, tranh chấp trên Biển Đông không do Mỹ gây ra.
Liên quan đến các mối bang giao Mỹ-Việt, ông Obama khẳng định: “ Quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam đang ngày càng phát triển, diễn ra hoàn toàn không dính dáng gì đến Trung Quốc (hoàn toàn là độc lập với Trung Quốc). Quan hệ đối tác này đặt trên cơ sở những quan tâm chung về việc mở rộng thương mại, mở rộng hợp tác về mọi mặt, đó là nỗ lực của hai bên trong thời gian 30 năm. Nếu Trung Quốc cứ coi đó kiểu như là một sự khiêu khích đối với Trung Quốc thì tôi nghĩ kiểu hành xử đó càng cho thiên hạ thấy rõ hơn về thái độ của Trung Quốc, chứ chẳng nói lên được điều gì về thái độ của chúng tôi”. Tổng thống Mỹ cũng “hoan nghênh Trung Quốc và Việt Nam đối thoại với nhau và có khả năng giải quyết những tranh chấp đó. Mỹ không đứng về phe nào trong vấn đề đòi hỏi lãnh thổ. Cho nên việc giải quyết tranh chấp là hoàn toàn là trong phạm vi quyền lực của Trung Quốc”./.