Trên đất nước chúng ta có hàng chục ngàn nghĩa trang liệt sĩ. Tỉnh Quảng Trị có lẽ là có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất, cả về số lượng và quy mô. Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa Trang Đường 9 với hàng chục ngàn ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên khiến chúng ta buốt nhói. Tuy nhiên, người ta nói rằng, ở Quảng Trị còn có hai nghĩa trang rất lớn không có mộ là sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị. Trong Thành cổ có Đài chứng tích sinh viên - Chiến sĩ ghi nhận sự hi sinh của những người lính trẻ vốn là sinh viên của các trường đại học ở miền bắc. Ở đây có cái gì đấy vừa ngạo nghễ, vừa xót xa... Mỗi đêm có khoảng 150 người lính vượt sông Thạch Hãn, hôm sau chỉ còn 5 - 10 còn sống.
Sự hi sinh của những người lính trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là rất đáng trân trọng. Biết ơn các anh hùng liệt sĩ, chúng ta không chỉ thắp hương vào ngày 27/7 mà phải làm thế nào đó để đất nước có tự do, dân chủ, công bằng, văn minh... Trên thực tế, chúng ta chưa làm được điều này, vì thế chúng ta còn mắc nợ những người đã nằm xuống. Con em chúng ta đến nghĩa trang thắp hương - chúng tỏ lòng biết ơn cha ông, nhưng chúng vẫn băn khoăn tự hỏi: Trong chiến tranh nhân dân Việt Nam anh hùng thế, thông minh thế, sáng suốt thế! Tại sao trong thời bình lại không thể hiện được những phẩm chất đó? Phải chăng lòng tham tiền bạc, địa vị đã hạ thấp nhân cách của chúng ta?
Những câu hỏi trong mắt thế hệ trẻ, những lời nhắc ở các nghĩa trang sẽ không để cho chúng ta yên, nếu chúng ta cứ để cho đất nước tiếp tục tụt hậu.