Để huy động các nguồn lực kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế xã hội, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào đầu tư Nhà nước, một vấn đề đặt ra là nhà nước cần xây dựng được một hệ thống thu thập thông tin chính xác, thường xuyên, kịp thời về hiện trạng và những đòi hỏi của khu vực kinh tế này để đưa ra các chính sách và biện pháp phù hợp nhằm xóa bỏ những rào cản đối với sự tăng trưởng của khu vực tư nhân.
Để làm được điều đó, cần hiểu rõ hơn về hoạt động của khu vực tư nhân và có những thay đổi cơ bản về mối quan hệ với khu vực này. Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung, nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp nhà nước cũng như thu thập các thông tin liên quan tới các doanh nghiệp này. Khi đó, do khu vực tư nhân còn nhỏ, chưa được thừa nhận và đóng vai trò hạn chế trong phát triển kinh tế nên có một thực tế chính quyền các cấp hầu như rất ít có thông tin gì về khu vực kinh tế này.
Sau khi Luật doanh nghiệp ra đời, cùng với đó là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra mãnh mẽ, nhà nước không trực tiếp quản lý các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi để trao đổi thông tin. Hàng năm, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có tổ chức gặp gỡ đối thoại với chủ doanh nghiệp nhưng các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ ít tham gia và có tiếng nói. Bên cạnh đó, vì một số lý do khác mà thiếu hẳn các doanh nghiệp TW và chỉ có các doanh nghiệp địa phương tới dự. Mặt khác, các doanh nghiệp tư nhân, phần lớn là nhỏ vẫn chưa tham gia hiệp hội, hoặc tham gia thì ý thức xây dựng hội chưa được thể hiện, đồng thời chính quyền cũng không có kênh trao đổi thông tin chính thức với các đơn vị này.
Vấn đề ở chỗ, đối thoại riêng lẻ với một số lượng nhỏ các doanh nghiệp tư nhân không giúp cho chính quyền có được cái nhìn toàn diện về xu hướng và đòi hỏi của khu vực tư nhân nhưng đối thoại trực tiếp cũng không phải là cách hiệu quả để thu thập thông tin mà cần khuyến khích khu vực tư nhân thiết lập các hiệp hội ngành nghề theo lĩnh vực hoạt động,
Vì vậy, cách tốt nhất là thông qua các hiệp hội như hiệp hội các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, hiệp hội các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, rồi giao tiếp với các đơn vị thành viên thông qua các hiệp hội này. Tất cả các loại hình doanh nghiệp địa phương đều được phép tham gia hiệp hội, và nhờ đó có thể giao tiếp với doanh nghiệp một cách hữu hiệu và toàn diện.
Ngoài ra, nhà nước cần xác định lại và thể chế hóa lại vai trò của mình thành người tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển kinh tế chứ không phải là người lập kế hoạch. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung, nhà nước từng đặt ra kế hoạch tăng trưởng cho khu vực nhà nước nhưng nay khi bước sang nền kinh tế thị trường, nhà nước không còn và khó có thể đặt ra kế hoạch phát triển cho khu vực tư nhân, thay vào đó nhà nước nên là người tạo điều kiện giúp đỡ khu vực tư nhân.
Việc áp đặt quan điểm nhà nước về phát triển kinh tế lên khu vực tư nhân không phải lúc nào cũng có hiệu quả, ngay cả khi quan điểm đó có vẻ hấp dẫn và khả quan. Thực tế cho thấy những sáng kiến về phát triển khu vực tư nhân mà không có sự tham gia thực sự của các bên liên quan khu vực tư nhân thì sẽ không thể tạo ra được những kết quả mong muốn. Mấu chốt là nhà nước phải công khai quan điểm, chiến lược về phát triển kinh tế khu vực tư nhân, sau đó sẽ lắng nghe phản hồi và yêu cầu của các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội. Trên cơ sở những phản hồi và yêu cầu này của khu vực tư nhân xây dựng các chính sách kinh tế để khuyến khích phát triển như thế mới phù hợp và có tính khả thi./.