Diễn đàn

Khuyến khích, hỗ trợ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Gần đây xuất hiện nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng khá sôi nổi. Đó là các đêm nhạc, các buổi giao lưu giữa các câu lạc bộ văn hóa – nghệ thuật, các buổi giới thiệu sách, gặp gỡ tác giả, trao đổi học thuật do các nhóm cộng đồng tổ chức. Các sinh hoạt này hoàn toàn phi lợi nhuận, thu hút khá đông đảo công chúng tham gia. Mọi người tham dự các sinh hoạt này là tự giác, hứng khởi; Họ chủ động tham gia và trình bày ý thích, sở nguyện và tài năng của mình. Nhiều đêm nhạc, dù là nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh9, tình ca hay ca khúc kháng chiến đã thu hút đông đảo mọi người tham gia, trình diễn và thưởng thức; Các cuộc triển lãm ảnh không ngân sách, không tài trợ, không giải thưởng nhưng mọi người vẫn hào hứng với niềm vui phô bày sáng tạo; Các buổi thuyết trình về khoa học, về sách không thù lao vẫn hấp dẫn các diễn giả, các nhà khoa học và đông đảo công chúng. Các nhóm cộng đồng này họ không chỉ gắn bó với nhau về sở thích, sở nguyện học thuật, văn hóa, văn nghệ mà từ đó họ gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống.

Trong lúc đó, có không ít các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ do các cơ quan, đoàn thể tổ chức lại chưa  hấp dẫn được công chúng. Nhiều cuộc triển lãm chỉ có người lúc khai mạc; Biểu diễn văn nghệ chỉ có các khách mời. Các hội diễn cũng chủ yếu là diễn viên các đoàn xem cho/với nhau…Nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu chỉ để đi hội diễn, “đem chuông đi đánh đất người”  nhưng lại không đến được với người dân. Các cuộc giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm không mấy hấp dẫn được công chúng vì không có cái mới, cái mà công chúng cần.

Các hiện tượng trên đang phản ánh một sự vận động mới trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đó là tự giác lựa chọn các giá trị, chủ động tiếp cận và tiếp nhận giá trị; Là tự tin trong vai trò sáng tạo, phô diễn nhu cầu, thị hiếu và năng lực sáng tạo; Là nhu cầu kết nối để hợp tác giải quyết các vẫn đề của cộng đồng. Sự vận động này đã tạo được sự đồng thuận của xã hội và góp phần làm cho đời sống tinh thần của xã hội sinh động hơn, phong phú hơn, tươi mới hơn. Đó là nền tảng khích lệ sáng tạo và làm cho cuộc sống nhân ái hơn, xã hội yên lành hơn.

Các hiện tượng trên cần được các cơ quan quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa khảo sát, nghiên cứu để hướng tới một nhận thức, đánh giá khách quan về vai trò và những tác động tích cực của các hoạt động này với đời sống văn hóa – xã hội và từ đó có chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng. Bên cạnh việc định hướng giá trị, rất cần thiết tạo điều kiện pháp lý để có môi trường thuận lợi cho việc kiến tạo các không gian hoạt động của các nhóm cộng đồng; trong một số trường hợp cụ thể, có thể hỗ trợ về nghiệp vụ và cơ sở vật chất.  Có thể hướng tới sự hợp tác giữa các cơ quan sự nghiệp văn hóa và các nhóm cộng đồng để khai thác các cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có của các cơ quan này, hạnh chế tình trạng lãng phí.các hoạt động nghiệp của các cơ quan sự nghiệp cần hướng đến cỗ vũ, hướng dẫn cho các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng là việc chúng ta nên làm, cần làm để thực hành cải cách thể chế, kiến tạo môi trường pháp lý – xã hội thuận lợi nhằm phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng sáng tạo của cộng đồng cho phát triển.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512694

Hôm nay

2231

Hôm qua

2400

Tuần này

2631

Tháng này

219567

Tháng qua

121356

Tất cả

114512694