Nhìn ra thế giới

Karimov băng hà gây quan ngại lớn nhất cho Moscow

Thay đổi Nhà cầm quyền ở Tashkent đe dọa ổn định không chỉ của Uzbekistan, mà của toàn vùng Trung Á, vốn liền kề các lò lửa ở Afganistan và ở Trung Đông, chuyên trang bình luận slon.ru của Nga viết.

Sử sách thời Liên Xô cho hay Uzbekistan là nước đã đi từ Trung Cổ lên thẳng CNXH theo khuôn mẫu xô viết. Nước Cộng hòa XHCN xô viết Uzbek thành lập năm 1924 từ các mảnh vỡ của Hãn quốc Khiva và Kokand và Tiểu vương quốc Buhara, đã trở thành ví dụ cho triệt tiêu nạn chiếm hữu nô lệ. Tashkent tự hào là thủ đô một nước Trung Á duy nhất có tuyến metro (khánh thành 1977) – như biểu tượng của việc “trả ơn” cho Uzbek – xứ sở của nguyên liệu chiến lược bông chất lượng cao, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho Liên bang. Tashkent từng cấp học bổng đại học cho không ít nhân tài của Việt Nam trong kỷ nguyên xô viết, và từ đó đến nay, trong số các nước Trung Á, duy trì quan hệ bang giao rõ rệt hơn với Hà Nội.

Mặt khác, Mafia Uzbek cũng nối tiếng từ thời xô viết cho tới nay. Người giàu thứ 34 thế giới, tỷ phú Nga Alisher Usmanov là người gốc Uzbek, cũng là một nhân vật chính trường, dù vẫn thấy thấp thoáng trong các hồ sơ xã hội đen hậu xô viết.

Viết về tổng thống Karimov hôm 31/8, tờ Thời báo Moscow đánh giá: “từ khi lên cầm quyền năm 1989, Karimov đã trị vì Uzbekistan với bàn tay sắt và hỗ trợ đảm bảo ổn định khu vực. Ông cũng ồ ạt chống lại các nỗ lực của Nga trong tạo tác các nhóm nước hậu xô viết do Moscow chi phối cả về kinh tế và an ninh”.

“Những gì Karimov đã làm, là tỏ vẻ khá thân cận với Nga đồng thời lại cố gắng củng cố quan hệ quân sự với Phương Tây – là (chiến lược) thích hợp với Uzbekistan”, Thời báo Moscow dẫn đánh giá của Erica Marat, một giáo sư tại Đại Học Quốc phòng Washington.

Tờ Người Comsomol Moskva số ra 31/8/2016– một báo được đọc nhiều nhất ở Nga cho hay: “Karimov tuyên chiến với các biểu tượng xô viết, kể cả các biểu tượng của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thậm chí thuật ngữ này (biểu tượng xô viết) hầu như bị cấm. Bản thân Karimov cho hay mình là hậu duệ về chính trị của Người chinh phạt vĩ đại Tamerlan (Timur Lenk), năm 1370 đã lập nên Triều đại Timur”. Đế quốc Hồi giáo Timur từng gồm toàn cõi Iran, Afganistan hôm nay, Trung Á ngày nay, và nhiều phần đất của Pakistan, Lưỡng Hà (gồm Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ  Nhĩ Kỳ), Tiểu Á (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) và Kavkaz. Với Karimov, thời kỳ xô viết của Uzbekistan nên đẩy càng nhanh càng tốt ra khỏi trí nhớ lịch sử.

Dích dắc lịch sử

Nhân dịp này, truyền thông Nga cũng nhớ lại năm 2002, nói với đại sứ Anh Craig Murray, Karimovlấy làm tiếc rằng Uzbekistan trong lịch sử đã bị người Nga, chứ không phải là người Anh đô hộ.

Truyền thông phương Tây cho rằng Karimov nhấn mạnh rằng Uzbekistan hụt hẫng quá xa về trình độ dân chủ so với Anh (hẳn do Sa Hoàng và các vị tương đương) chẳng qua để biện bạch cho sự vắng mặt hôm nay các nguyên tắc dân chủ căn bản trên lãnh thổ Uzbekistan.

Chuyên trang bình luận slon.ru của Nga viết: “Trên thực tế, ở Uzbekistan chưa từng có dân chủ. Hơn thế nữa, chế độ của Karimov đã thâu tóm những phương tiện hiện đại nhất tư kho vũ khí (arcenal) của triều đình Hãn quốc Bukhara và của các lãnh tụ (Uzbek) thời xô viết để chế áp bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào, và để bắt mọi lĩnh vực của đời sống dân cư phải tuân phục nhà nước, trước hết là các cơ quan an ninh.”

Truyền thông quốc tế để ý đến việc truyền thông Uzbek đã không nói rõ thực trạng Karimov cuối tháng 8 vừa qua. Các báo Nga liên tưởng năm 1953, khi có tin Stalin ốm nặng, những quan chức vóc dáng lực điền đã giằng ổng nói của phóng viên nước ngoài đang chen chúc tại Bưu điện trung tâm Moscva. Nhưng trong điều kiện hôm nay, để chặn rỉ tin, người ta phải dựng “tường lửa”.

Nhưng nguyên nhân ra đi của Tổng thống Uzbekistan còn có thể do những căn nguyên khác, khá thường trong không gian cận Nga, nhưng vẫn nhạy cảm, khiến người ta chưa vội công báo “tin dữ”. Hãng tin chính lenta.ru của Nga hôm 30/8 cho hay, theo các nguồn tin, Karimov, phấn khích với thắng lợi của đoàn vận động viên Uzbek tại Thế vận Hội Olympic, đã uống nhiều vodka và các loại rượu mạnh khác, dẫn đến một cơn chảy máu não[1].

Mấy ngày gần đây, nhiều báoở Nga cũng nhắc lại lời của Karymov rằng Trung Á nhiều thế kỷ đã gắn bó với nước Nga. “Chúng tôi đều cảm thấy sự quan tâm và những lợi ích của Nga ở Trung Á, và chúng tôi nhất trí với chúng… Cần phải nhận thấy thực tế này, nếu không thực tế sẽ đuổi kịp anh và bắt anh lãnh đủ” Karrimov nói trong cuộc gặp gần nhất với Putin tại Moscow, 26/4/2016.

Nhưng chính trong cuộc gặp này, Karrimov đã cảnh báo Moscow rằng việc huy động quân đội của khối Hợp tác Thượng Hải (Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) là không thể cho phép.  Theo Karrmov, ý nguyện kiểu “Tôi đến, tôi thấy, tôi chính phục” trong điều kiện Afganistan là tuyệt đối không khả thi.

“Sẽ là tuyệt vời nếu người thay thế Karimov năng động hơn và có ít khả năng chơi những trò chính trị sau lưng Nga”, theo Mikhail Rostovsky người viết cột trên MK số ra 31 tháng Tám. “Nhưng trong cái chợ chính trị ở Uzbek, hay nói chính xác hơn, trong hành lang của cung điện (dành cho “Sultan”) ở Tashken, các nguyện ước của Moscow không nhất thiết phải được quan tâm đến”, Rostovsky viết tiếp.

Uzbekistandi sản của Karimov

Năm 2012 Uzbekistan đã rời bỏ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, một liên minh quân sự của các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan, dù Hiệp định này từng được ký tại Tashkent năm 2002. Tashent cũng từ chối tham gia Khối Kinh tế Á – Âu (Nga, Armenia, Belarus và Kazakhstan)

Theo báo MK, Uzbek hôm nay là một hỗn hợp kỳ lạ của những tàn dư (đời sống và văn hóa) xô viết, của tư tưởng chống xô viết quyết liệt, và của lề thói trị vì chuyên chế kiểu phương Đông”.

Nhưng cách trị vì tới gần ba thập kỷ của ông, chắc vẫn làm các nhà độc tài (theo cách dùng từ của báo Nga) quan tâm. Mặt khác, sự kỳ lạ (kỳ cục – уникальный/unique) ai đó nhìn thấy trong sự tín nhiệm của dân Uzbek đối với ông hẳn còn do ông trị vì từ kỷ nguyên xô viết (Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Uzbekistan 1989). Liên Xô - một đỉnh cao muôn trượng trong mắt người dân Trung Á, hôm nay. Dù rằng các cuộc chơi “quân ta quân nó”. Và các “tường Berlin”, “tường lửa” kín đáo hơn là ở Bắc Triều tiên, chắc cũng đắc lực.

Về sự “gắn bó” (связана с Россией - chữ của Karimov), Nga và Uzbekistan còn bị ràng buộc với nhau bởi dòng lao đông nhập cư. Theo số liệu của báo Nga RBC tháng Tư vừa rồi, có 1, 75 triệu người Uzbek đang làm việc tại Nga. Tổng lượng tiền người Uzbek lao động tại Nga gửi về nhà năm 2015 lên tới khoảng 5% GDP của Uzbekistan.

Nga sẽ cố gắng củng cố vị thế kinh tế của mình tại Trung Á chống lại những tay chơi ngoại bang khác tại khu vực này, The Moscow Times viết. Trung Quốc đã hoàn tất cuộc xâm nhập (vào Trung Á) những năm vừa rồi và đang thể hiện kỹ năng nuôi cấy những ràng buộc về năng lượng và giao thông kiểu Tàu. Năm 2014, Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Uzbekistan, nhưng năm ngoái (2015), Trung Quốc đã soán ngôi vị này, theo các thống kê của RBC.

“Uzbekistan là quốc gia Trung Á mạnh nhất, có một quân đội mạnh nhất và đội ngũ an ninh mạnh nhất trong vùng. Nước này có dân số lớn nhất trong vùng, với khoảng 30 triệu người. Bất kỳ sự bất ổn nào cũng tạo nên một khoảng trống lớn trong khu vực”, Paul Stronsky, một chuyên gia về Trung Á tại Quỹ Hỗ trợ hòa bình quốc tế Carnegie, từng là cố vấn cho Chính phủ Mỹ, nói. “Do những mối quan hệ đang gặp khó khăn của nước này với hai láng giềng là Kyrgyzstan và Tajikistan. Tôi dám chắc rằng đây (chuyển giao quyền lực ở Tashkent) là mối quan ngại lớn nhất đối với Nga”, Stronski nói.

Tập đoàn Stratfor hôm 5/9 cho rằng Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev chắc sẽ là người kế tục Karymov. Truyền thông Nga cho hay Mirziyoyev là người thân cận, và từng sóng đôi cả nước đại lẫn nước kiệu (в одной упряжкe) với Tổng thống Karymov đã hai thập kỷ qua.



[1]https://lenta.ru/news/2016/08/30/fergana/

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441307

Hôm nay

224

Hôm qua

2283

Tuần này

21211

Tháng này

216481

Tháng qua

112676

Tất cả

114441307