Cây cổ thụ, cây xanh ở các di tích LS – VH, các công trình tâm linh, tín ngưỡng/tôn giáo là một câu chuyện lớn, câu chuyện dài vì nó gắn liền với chính đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, với tri thức, quan niệm về vũ trụ quan, thế giới quan, với truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân cư, các cộng đồng tín ngưỡng/tôn giáo; Nó gắn liền với truyền thống kiến trúc của các cộng đồng và lịch sử của các công trình kiến trúc. Bởi vậy, khi tôn tạo, phục dựng, sửa chữa các công trình đã có hay tạo lập mới các công trình, các nhà đầu tư, các kiến trúc sư cảnh quan, các kỹ sư cây xanh rất cần chú ý để có sự lựa chọn thích hợp, tránh tình trạng trồng ồ ạt, bất chấp quy hoạch, bất chấp loài giống, bất chấp kích cỡ như chúng ta thường thấy hiện nay.
2.
Một điều mà chúng tôi muốn phản ánh và bàn là hiện tượng cây “VIP”, chọn chỗ cho cây theo “chỗ” của người. Phần lớn các ban quản lý của các công trình này thường tùy vào chức tước, địa vị, tầm ảnh hưởng của người “cung tiến” mà lựa chọn vị trí để trồng cây của họ. Chức càng to thì ở càng gần vị trí trung tâm. Bởi thế nên có nhiều nơi, có nhiều cây to cứ phải đứng sát vào nhau, chen chúc nhau chật chội hơn khi ở rừng xanh vì ban quản lý không lường trước được sẽ có bao nhiêu ông to bà lớn sẽ ghé thăm và trồng cây lưu niệm để có quy hoạch khu vực “cây VIP” cho các VIP. Mà ông to bà lớn thì luôn luôn thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ. Qua tìm hiểu thì phần nhiều các vị đều có ý thích cây của mình được trồng ở vị trí trung tâm để mọi người đều thấy, có nghĩa là “thiện nguyện” của mình được chứng tỏ, được phô bày. Tuy nhiên, không phải vị quan chức nào cũng chọn chỗ cho cây mà có thể là do các ban quản lý hoặc quan chức bản địa cảm thấy cần phải thế, nên thế?! Thật đáng tiếc về tình trạng này. Giá như mọi người hiểu sâu sắc hơn một tý rằng cung tiến cây là tu tâm, tu đức chứ không phải là món hàng trao đổi với thần linh.…!? Lại càng không nên chọn làm nơi để PR và thu phục dương gian…!
3.
Hiện tượng đáng quan ngại nhất là việc đề danh trên các cây được trồng. Hầu hết ở các di tích LSVH, các công trình tín ngưỡng/tôn giáo phần lớn các cây được cung tiến, được trồng đều có biển đề danh người cung tiến hoặc người có công trồng lưu niệm. Thậm chí có những nơi biển đề danh to bằng bằng cả một tấm bia lớn! Trong cả nước, từ Bắc chí Nam, chúng ta có thể thấy không ít những “rừng bia” đề danh với đủ tầng – tán cao thấp của kích thước được quy định theo…chức vụ! Cách đề danh các nơi có khác nhau ít nhiều nhưng thông tin nổi bật nhất là Họ tên, Chức vụ của người trồng. Rất khó hiểu, khó chịu khi trông thấy trong khuôn viên di tích lưu niệm một danh nhân văn hóa mà có tới hàng mấy chục biển đá đề tên của một ông giám đốc doanh nghiệp hàng tỉnh gắn dưới mỗi gốc cây, trong đó có nhiều cây đã bị chết. Lạ kỳ, ông ấy còn cho khắc cả danh hiệu thi đua, và chức danh dân cử của mình. Cũng tại khuôn viên di tích này còn có cả những biển tên bằng đá đề danh của các vị là Phó chánh văn phòng, trưởng phòng huyện… Nhiều biển đề tên quan chức thì đã rõ nhưng biển đề tên của các trí thức cũng không hiếm. Chúng tôi đã thấy nhiều biển bằng đá đề danh các GS, PGS, TS bên cạnh các gốc cây được trồng ở một số đền, chùa…Chỉ một ông PGS.TS mà đã có tới gần chục tấm biển đề danh gắn dưới hàng gạch bao quanh gốc cây ở một ngôi đền!
Nếu không làm các biển ghi danh này có được không? Có ảnh hưởng gì đến tài năng, uy tín và thiện tâm của các vị ấy không?
4.
Ngày xưa, những người có công với làng, với nước đều được lưu danh. Nhưng cách lưu danh của người xưa không như bây giờ. Họ âm thầm cống hiến và dân làng âm thầm ghi công, lưu danh. Một ngôi chùa, một ngôi đình, một ngôi đền của của làng nếu có được dựng với công quả của ai đó thì dân làng cũng không quên người có công. Nhưng, như mặc định, họ chỉ lưu danh ở những dòng lạc khỏan với những con chữ nhỏ nhất, ở phần cuối cùng của tấm bia, hoặc là mặt sau của bia. Ở các làng quê, ta vẫn thường nghe nói cây bưởi ông A, cái giếng ông b, bến nước ông C…Đó là do dân gian nhớ đến công tích và cái tinh thần, tình cảm, nghĩa khí của họ mà gọi tên. Chẳng có bia đá nào cả. Bia ở trong dân, trong dòng văn hóa của làng. Lịch sử văn bia Việt Nam có lẽ là chưa bao giờ có những cái biển - bia ghi danh “lạ” và “kỳ” như thời nay. Người xưa không háo danh như người thời nay. Nguyễn Công Trứ từng nói: “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Ông đã “làm trai” với biết bao công tích của một nhà cầm quân, một tài năng kinh bang tế thế, và của một nghệ sỹ nhưng chưa bao giờ ông tự khắc bia đề danh mình. Dù vậy, Người Dân đã dành cho ông sự tôn vinh trân trọng nhất, kể cả lập đền thờ khi ông còn sống
Việc lập treo biển đềi danh đang rộ lên hiện nay nên coi là một hủ tục mới cần dẹp bỏ. Chẳng nhẽ chúng ta lại kể công với thần linh, với Phật, với Thánh, với anh hùng, danh nhân, với làng, với nước?!