Đỗ Vân Huyền – Phóng viên – Đài truyền hình Việt Nam – Hà Nội
Theo tôi, chỉ một bộ phận chứ không phải toàn bộ giới trẻ thiếu quan tâm các vấn đề chính trị. Tôi biết rất nhiều bạn cùng lứa tuổi có am hiểu sâu sắc về chính trị. Đối với bộ phận không quan tâm, tôi nghĩ, trước hết là do sở thích cá nhân. Bản thân các bạn ấy không hứng thú/không quen đọc tin tức chính trị hoặc cho rằng mình không có khả năng tiếp thu luồng thông tin đó hay chính trị là việc to tát, không liên quan đến đời sống của mình nên không cần quan tâm. Thứ hai, công việc/ngành học của các bạn không liên quan trực tiếp đến chính trị. Nguyên nhân khách quan có thể do tin tức về chính trị hiện được truyền tải hơi khô khan, thiếu hấp dẫn. Sự thiếu quan tâm chính trị, theo tôi, trước hết, mang lại thiệt thòi cho chính các bạn. Đồng thời, khi có vấn đề cần tiếng nói của giới trẻ, nếu chúng ta không nắm được tình hình thì khó thể hiện quan điểm, không thể góp ý một cách có hiệu quả và đúng đắn….Từ trước đến nay, tôi thấy chúng ta gần như mặc định rằng chính trị là điều to tát nên chỉ những người làm chính sách hay trực tiếp liên quan mới cần quan tâm. Bạn bè cùng trang lứa lại nhìn những người trẻ hay quan tâm chính trị với con mắt không bình thường. Những quan niệm đó nên thay đổi. Chúng ta nên xem việc cập nhật tình hình chính trị là thói quen hàng ngày, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Dù không hứng thú các bạn cũng nên nắm bắt những thông tin chính, có ảnh hưởng đến bản thân để có thể chủ động trước những thay đổi đang diễn ra không ngừng. Mặt khác, đơn vị cung cấp tin tức cũng nên có cách thể hiện mới để mảng thông tin được cho là khô khan này trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn.
Nguyễn Thị Huyền – Cán bộ dự án – Hà Nội
Một ngày của tôi khá bận rộn nên tôi không có thời gian đọc tin nhiều. Vì thế, tôi thường chỉ đọc những mảng mình quan tâm như: các khóa học online, cơ hội cho giới trẻ giao lưu, du học; những tips giúp ích cho cuộc sống hàng ngày,… Tôi không quan tâm lắm đến chính trị trong nước vì dân dường như không có tiếng nói và càng đọc càng bức xúc mà thôi. Đối với tình hình ngoài nước, tôi có để ý hơn vì tò mò và chúng được truyền tải hấp dẫn hơn. Vì thế, nhận định giới trẻ thờ ơ với chính chị trong nước là đúng. Tôi nghĩ, nguyên nhân có thể vì họ nghĩ chính trị là thứ không ảnh hưởng trực tiếp, tức khắc đến lợi ích bản thân nên chưa cần quan tâm vội. Trong khi đó có vô vàn thứ hấp dẫn và gắn liền với họ hơn như phim, nhạc, Facebook,…Đặc biệt, một số có tư duy rằng quan tâm cũng không thay đổi được gì, vì hệ thống nhà nước là có sắp đặt theo "mô hình" COCC. Sự thờ ơ này, theo tôi là nguy hiểm. Thờ ơ sẽ không dẫn đến thay đổi. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự chậm/không phát triển. Vì thế, tôi nghĩ, rất cần thiết có những việc làm để cho giới trẻ chúng tôi quan tâm hơn các vấn đề chính trị trong nước. Khi quan tâm,chúng ta sẽ tìm hiểu, mà tìm hiểu sẽ có cái nhìn đa chiều, biết thế nào là nên và không nên, đúng và sai. Từ đó sẽ ra được hành động vì xã hội tốt đẹp hơn.
Bùi Thị Tươi – Trung tâm tin tức VTV24 – Hà Nội
Tôi nghĩ, không hẳn là giới trẻ hiện nay thờ ơ với các vấn đề chính trị. Nhiều bạn trẻ vẫn muốn tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, những nội dung chính trị trong nước trên các phương tiện truyền thông lại được thể hiện chưa thực sự hấp dẫn, theo đúng cách khiến giới trẻ chú ý. Trong khi đó, nhiều vấn đề quốc tế có sức hút lớn hơn với họ. Ví dụ: cuộc tranh cử giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ được các bạn trẻ quan tâm hơn so với thông tin chính trị trong nước. Nếu lịch sử là quá khứ thì các vấn đề chính trị - xã hội chính là hiện tại và tương lai. Vì thế, mỗi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đều cần biết và hiểu về nơi mình đang sống. Nếu không nắm được thì không những chúng ta trở thành người kém hiểu biết mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: hành động sai trái, vi phạm pháp luật,...Để giới trẻ quan tâm hơn tình hình chính trị trong nước, tôi nghĩ, những nội dung liên quan đến chính trị trong trường học phải được cải tiến. Phải xây dựng cách tiếp cận tự nhiên, phù hợp với giới trẻ chứ không phải ép học sinh học. Thứ hai, cần tăng cường hàm lượng và chất lượng thông tin chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ ba, chúng ta nên trao cơ hội tiếp cận với các hoạt động chính trị cho các bạn trẻ nhiều hơn, để họ được tham gia tiếng nói nhiều hơn.
Nguyễn Huyền Giang – Phóng viên – Nghệ An.
Mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn sự kiện xảy ra quanh ta. Tất cả đều được cập nhật trên các phương tiện truyền thông và vì thế muốn thờ ơ hẳn cũng khó. Đối với tôi, hàng ngày tôi đọc và quan tâm nhiều vấn đề như: biển đảo; bình đẳng giới; tiền lương, thuế; văn hóa, giáo dục;…Tôi nghĩ đó đều là chính trị. Vì thế, theo tôi, đánh giá giới trẻ hiện nay thờ ơ với chính trị chưa hẳn đúng. Họ có quan tâm nhưng chưa sâu. Họ chỉ chú ý một số vấn đề nhất định, cơ bản là những việc liên quan và có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân. Bên cạnh đó, có những vấn đề họ nghe nhưng không biết phải lên tiếng như thế nào, bằng cách nào. Muốn giới trẻ hiện nay quan tâm chính trị hơn thì phải thay đổi được tư duy, ý thức chính trị của họ, để họ không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Hãy khuyến khích họ viết báo, giảng dạy, làm khoa học, tham gia các hoạt động cộng đồng, các hoạt động từ thiện… Đó là cách tạo ra sự tương tác đến cộng đồng, chính sách và đều là những hình thức tham gia đời sống chính trị.
Nghiêm Xuân Hải Đăng – Giảng viên HV Ngoại giao – Hà Nội
Dù không cập nhật hằng ngày nhưng tôi cũng quan tâm đến các vấn đề chính trị bởi nó có tác động đến các mặt khác của đời sống xã hội. Theo tôi, nhận định giới trẻ thờ ơ với chính trị không hoàn toàn chính xác. Có một sự thật là phần lớn giới trẻ dành rất nhiều thời gian cho các mạng xã hội. Nhưng với sự phát triển của mạng xã hội, các thông tin chính trị được cập nhật rất nhanh chóng trên đó. Tuy nhiên, cũng với sự phát triển chóng mặt này, nguồn thông tin chính thống gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận độc giả trẻ.Tôi mặc định rằng thông tin chính trị- xã hội là vô cùng cần thiết cho mỗi công dân sống trong xã hội bởi đó là những gì đang diễn ra xung quanh họ. Sống xa rời những thông tin này chính là cô lập bản thân. Một ví dụ đó là những thay đổi trong hệ thống pháp luật kinh doanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của từng doanh nghiệp. Việc không nhận thức và nắm được những thay đổi trong luật pháp trong thời kỳ hội nhập nhanh chóng này sẽ là thất bại lớn nhất của bất cứ doanh nhân nào, đặc biệt là các doanh nhân trẻ. Gần đây, Trung tâm tin tức 24 và Thời sự 19h đã có những bước đi để tiếp cận độc giả trẻ tốt hơn thông qua việc tham gia vào Facebook và liên tục giúp đỡ độc giả nhận diện được nguồn thông tin chính thống. Tôi nghĩ đây là một hướng phù hợp để đưa các thông tin chính trị đến được với giới trẻ.