Diễn đàn

Lệ bảo cử và lệ hồi tỵ - hay là tính liêm sỹ trong cách điều hành công vụ của người xưa

Trong thời gian qua, chúng ta nghe nói nhiều đến việc một số quan chức đua nhau cắt cử thân bằng quyến thuộc vào những cơ quan trọng yếu trong phạm vi quyền hạn của họ để dễ dàng bao che lẫn nhau, khuynh loát hệ thống công vụ tại địa phương. Có lẽ những kẻ đó chưa từng đọc sử, hoặc có đọc mà bất cần quan tâm đến tính liêm sỉ trong cách hành xử của người xưa. Chỉ cần xem lướt qua hai lệ phổ biến trong quan trường thời Lê - Nguyễn là lệ bảo cử và lệ hồi tỵ cũng đủ thấy ta đang lạc hậu như thế nào so với những người đã sống trước ta năm ba thế kỷ.

* LỆ BẢO CỬ - Bảo cử là tiến cử kẻ hiền tài ra làm việc nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, khoa cử luôn là cách thức quan trọng nhất để đánh giá tài năng của những người có học vấn trong xã hội. Việc thi cử được các triều đại từ Lý -Trần đến Lê - Nguyễn tổ chức khá chu đáo, bài thi được rọc phách để tránh trường hợp quan trường lợi dụng cho điểm tốt đối với bài làm của người thân hay học trò của mình. Người đỗ đạt cao dù là trạng nguyên hay bảng nhãn cũng phải trải qua một thời gian học hỏi kinh nghiệm tại các nha môn mới được trọng dụng, nắm những trọng trách trong guồng máy cai trị tại triều đình hay ở các địa phương.
Tuy nhiên, không phải người tài nào cũng chú tâm đến khoa cử. Có những người tài giỏi nhưng không màng đến danh lợi, không muốn “mỏi gối quì mòn sân tướng phủ” (Cao Bá Quát), chỉ thích đọc sách thánh hiền hay mở lớp dạy học tại nhà, lấy cái thú thanh cao ấy làm lẽ sống của kẻ sĩ. Cũng có những người tuy giỏi, như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, nhưng đường khoa hoạn luôn trắc trở, đi không lại trở về không. Vì thế, ngoài khoa cử, các triều đại đặt thêm lệ bảo cử, tạo điều kiện thu hút những người có tài nhưng vì nhiều lý do, không muốn hay không có cơ hội xuất đầu lộ diện.
Ngay khi vừa phục hồi nền độc lập cho xứ sở, năm 1429, vua Lê Thái tổ đã xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài “hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan…Nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu…” (Đại Việt sử ký toàn thư-tập 3-NXB Khoa học Xã hội-Hà Nội 1972-trang 72). Từ đời Hồng Đức đến thời Lê trung hưng, việc bảo cử được hoàn thiện thêm. Năm 1671, vua Lê Huyền tông định rằng các quan nhị phẩm có thể tiến cử bốn người, quan từ lục phẩm đến bát phẩm được tiến cử hai người, tên được kê khai giao cho bộ Lại xét tuyển.
Sang thời Nguyễn, dưới triều Minh Mạng, nhà vua rất chú trọng đến lệ bảo cử, đã ban hành những qui định cụ thể như: các Thượng thư (chánh nhị phẩm) được tiến cử người giữ chức Bố chánh (chánh tam phẩm); Tham tri lục bộ và Phó Đô ngự sử (cùng tòng nhị phẩm) được tiến cử người giữ chức Án sát (chánh tứ phẩm); Thị lang lục bộ (chánh tam phẩm) và ấn quan tam phẩm được tiến cử người giữ chức Tri phủ (tòng ngũ phẩm), đồng Tri phủ (chánh lục phẩm)… Nhiều quan lại thuộc diện có quyền tiến cử nhưng ngần ngại, không dám hành sử, sợ tiến cử nhầm người, sẽ bị khiển phạt. Mặt khác, tiến cử nhằm người bất tài, vô hạnh cũng sẽ bị trừng phạt. Điều này cũng đã từng xảy ra: năm 1836, khi phủ Hoài Đức khuyết chức Tri phủ, Tham tri bộ Hộ là Vũ Đức Khuê tiến cử người quen biết là Tri huyện Tô Ngọc Huyền vào chức này. Khoa đạo thấy Ngọc Huyền không phải là người trong sạch, cẩn trọng mà Đức Huyền cũng cố tiến cử, bèn hặc tấu vua. Vua Minh Mạng ban chỉ sai Đức Khuê tâu rõ lại, sau thấy tờ tấu có nhiều chỗ chống chế gượng gạo, không nhận lỗi, liền giao cho bộ Hình bàn xử. Cuối cùng Đức Khuê đang từ hàm tòng nhị phẩm, bị giáng 3 cấp xuống làm Lang trung, hàm chánh tứ phẩm.

*LỆ HỒI TỴ 
Hồi tỵ là từ Hán Việt, có nghĩa là tránh đi, được đặt ra để ngăn chặn tình trạng nhiều người trong một đại gia đình cùng làm việc trong cùng một đơn vị, cơ quan, dễ dẫn đến sự câu kết với nhau để tham ô và nhũng nhiễu dân lành. Dưới triều Nguyễn, lệ hồi tỵ được áp dụng rất chặt chẽ, cha con, anh em, họ hàng thân thích không được làm chung với nhau trong một nha môn hay một hạt, nếu triều đình không biết mối quan hệ giữa họ với nhau mà bổ về làm chung thì các đương sự phải tự khai để đổi một người đi chỗ khác. Ở mỗi khoa thi, các quan chức được cử làm khảo quan mà có anh em hay con cháu dự kỳ thi đó thì cũng phải xin hồi tỵ.
Năm 1831, vua Minh Mạng định rằng các quan chức ở ngạch thông phán (tòng lục phẩm), kinh lịch (chánh thất phẩm) ở các trấn, nếu là người ở bản hạt, phải đổi đi qua một hạt khác để tránh vì tình riêng mà sinh ra những điều tệ hại. Năm 1836, nhà vua lại định rằng những quan chức làm ở một nha môn từ 3 năm trở lên phải được đổi sang nha môn khác; các thông lại, lại mục nguyên quán ở phủ huyện nào thì không được làm việc tại phủ huyện đó. Đến triều Thiệu Trị, năm 1844, nhà vua còn đi xa hơn, định rằng những họ hàng có tang phục ba tháng trở lên, những người là bố vợ, anh em ruột của vợ, chồng chị, chồng em của vợ đều phải hồi tỵ, không được làm chung với nhau tại một nha môn. Triều Đồng Khánh, năm 1887, triều đình định rằng các quan lại làm cùng một tỉnh hay một nha môn, những người có nguyên quán cùng một huyện mà lại có giao tình thân thiết thì được cho hồi tỵ. Trong cùng một bộ hay một tỉnh, nếu trong bốn ấn quan (quan lại có sử dụng ấn tín, từ chánh ngũ phẩm trở lên), có đến ba người xuất thân cùng một hạt thì những người này cũng phải hồi tỵ. Trong trường hợp có người cùng làm ở chung làng với mẹ hay vợ thì phải trình báo quan trên và đợi chỉ nhà vua định đoạt. Trường hợp cụ Phan Thanh Giản là một tiêu biểu cho tinh thần “bất vị thân”, khi cụ giữ chức Kinh lược sứ, hàm Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, các con trai cụ là Phan Liêm và Phan Tôn, dù tuổi đời đã trên dưới 30, vẫn không có một địa vị nào đáng kể trong xã hội.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, tuy việc bổ nhiệm các viên chức chỉ huy hành chánh địa phương như Quận trưởng, Phó Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng không có những qui định chặt chẽ về lệ hồi tỵ, song việc bổ nhiệm các viên chức này được cân nhắc kỹ, trong đó quan hệ giữa nhiệm sở và sinh quán rất được chú ý. Riêng ngành tư pháp thời đó thì lệ hồi tỵ khá cụ thể và rõ ràng, viên chánh án một tỉnh thụ lý một vụ án mà nguyên cáo hay bị cáo, nguyên đơn hay bị đơn có quan hệ huyết thống hoặc mối thâm giao với mình, viên chức này sẽ xin hồi tỵ, cơ quan tư pháp trung ương sẽ cử một chánh án khác ở tỉnh gần đó sang xét xử nội vụ. 
Tóm lại, vào thời nào hay ở đâu cũng vậy, những kẻ chỉ biết lạm dụng chức quyền, trọng dụng bọn dốt nát và xu nịnh, quay lưng ngoảnh mặt lại với người tài, sẽ mang trọng tội với Lịch sử.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512644

Hôm nay

2181

Hôm qua

2400

Tuần này

2581

Tháng này

219517

Tháng qua

121356

Tất cả

114512644