Không những không thèm lẩn tránh vì đã cố ý phóng hỏa ngôi đền linh thiêng, Herostratos còn rất tự hào nhận trách nhiệm với hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử trong lịch sử. Vì vậy, những nhà chức trách ở Ephesus đã không chỉ xử tử hình Herostratos mà còn biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Đương nhiên biện pháp này cũng không thể ngăn cản Herostratos đi vào lịch sử như hắn mong muốn, vì sau đó nhà sử học cổ đại Theopompus đã ghi lại sự kiện này và tên của Herostratus đi vào lịch sử như ‘kẻ ‘đốt đền’’ nổi tiếng nhất thời cổ đại.
Đó là câu chuyện ở Châu Âu thời trung cổ. Còn ngược lại, ở Việt Nam chúng ta ngày nay – cũng có lắm kẻ ‘đốt đền’. Nếu câu truyện trên ở Châu Âu, kẻ ‘đốt đền’ chỉ là một cậu thanh niên vô danh tiểu tốt, vì muốn nổi tiếng nên đã... ‘đốt đền’. Thì ngược lại, ở Việt Nam những kẻ ‘đốt đền’ lại là những vị chức sắc làm đến chức Thượng thư hoặc những vị quan hàng Tỉnh...!?
‘Ngôi đền’ mà tác giả của những dòng viết này muốn nói - ấy là ngôi đền của đạo lý, ngôi đền của liêm sỉ, ngôi đền của lương tâm, ngôi đền của lý tưởng, của niềm tin...
Tất cả những ước vọng trên đều bị những kẻ ‘đốt đền’ thiêu thành tro bụi. Những cái tên như: Bùi Tiến Dũng (PMU18), Dương Chí Dũng (Vinashin), Hà Văn Thắm (Osean Bank), Trịnh Xuân Thanh (Dầu Khí và Hậu Giang) và cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Tất nhiên danh sách này còn dài hơn rất nhiều những gì mà chúng ta đã biết.
Mới đây nhất, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cảnh cáo [về tư cách đảng viên].
Nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Vũ Mão chưa hài lòng về quyết định này và cho rằng ‘không thể hạ cánh an toàn’ với những trường hợp như thế này được.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (nguyên Phó chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam) khảng khái cho rằng: “hình thức cảnh cáo đối với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chưa đảm bảo tính răn đe... Nhà chức trách phải khởi tố điều tra mới có cơ sở pháp luật, còn dừng ở những vấn đề chung thì tôi không hài lòng...”.
Bộ Công thương có thể nói rằng là một Bộ to và quan trọng nhất nước.
Tiền thân của Bộ Công thương trước đây gồm rất nhiều Bộ. Riêng chữ ‘Công’ đã gồm Bộ công nghiệp nặng, Bộ công nghiệp nhẹ, Bộ năng lượng, Bộ lương thực thực phẩm... Còn chữ ‘Thương’ thì gồm Bộ ngoại thương, Bộ nội thương... Như vậy, qua nhiều thời kỳ khác nhau cái Bộ to nhất mà ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng đã từng... gần chục Bộ gộp lại. Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế đất nước kiệt quệ hiện nay có một phần quan trọng bởi hậu quả của của các chính sách do Bộ Công thương để lại mà vị Bộ trưởng là Vũ Huy Hoàng.
Doanh nghiệp Nhà nước chậm cổ phần hoá cũng do hành vi tự tung tự tác của ông cựu Bộ trưởng. Bổ nhiệm và sử dụng cán bộ theo kiểu ‘phe nhóm’ và ‘người nhà, cận huyết’ cũng là điển hình ở cái Bộ này...
Sản phẩm tiêu biểu về nhân sự của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là Trịnh Xuân Thanh. Dư luận rất phẫn nộ vì sau khi Trịnh Xuân Thanh đào tẩu, thách thức pháp luật, thách thức thể chế chính trị và thách thức công lý...
Nếu Trịnh Xuân Thanh đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Và bị cơ quan cảnh sát điều tra phát lệnh truy nã – thì Vũ Huy Hoàng - tại sao không?!