Đợt mưa lũ này, trước dư luận bức xúc của nhân dân, Đoàn công tác Bộ Công thương đã vào tận nơi, xem xét, kiểm tra và khẳng định: Thủy điện Hố Hô có nhiều sai sót. Tại hiện trường, ngày 18-10, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định các quy trình xả lũ của hồ chứa đã không được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm ngặt theo các quy trình hồ chứa.
Như vậy là đã rõ, Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô chưa tuân thủ các nội dung về vận hành, công tác phòng, chống lụt bão vùng hạ du, việc phối hợp với chính quyền địa phương, dẫn đến gia tăng thêm mức độ ngập lụt trên địa bàn. Rồi đây, những người có liên quan có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, quy trách nhiệm. Nhưng, còn những thiệt hại lớn của người dân chịu ảnh hưởng, thì sao?
Chúng tôi nghe được ý kiến của người dân Hương Khê nói với nhau một cách dân dã: Công ty xây đập thủy điện, sản xuất điện, bán điện thu tiền. Nhưng đến khi mưa bão, xả lũ sai quy trình, quy định, làm dân thiệt hại, thì không thấy nói gì? Như vậy là không công bằng! Cần phải có quy chế, quy định, chính sách quy định về việc này. Tức là với mỗi mét khối nước xả ra từ con đập thủy điện, Công ty đều phải có trách nhiệm. Nếu từng mét khối nước đó gây thiệt hại cho dân, cho Nhà nước, Công ty phải bồi thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Thiết nghĩ, điều người dân Hương Khê nói không phải là không có lý. Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta đang xây dựng, mọi người, mọi thành phần đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Không ai được xâm phạm quyền lợi hợp pháp của ai. Người nào, tổ chức, đơn vị nào làm sai đều phải được xử lý, phải bồi thường. Trường hợp nghiêm trọng, cần phải truy tố trước pháp luật.
Trong câu chuyện Thủy điện Hố Hô xả lũ trong mùa mưa lũ này, còn một câu hỏi nữa: Có phải thực sự những người điều hành, vận hành nhà máy thủy điện không lường trước hậu quả, rằng họ hoàn toàn bất ngờ và buộc phải xả lũ khẩn cấp với lưu lượng rất lớn như vậy? Và hậu quả xảy ra là không thể tránh khỏi?
Còn nhớ mùa lũ tháng 10-2010, cũng tại đập thủy điện Hố Hô, tình thế nghiêm trọng nước lũ tràn về dâng cao quá tràn qua mặt đập, trong khi các cửa thoát không nâng lên được do mất điện. Nguy cơ vỡ đập! Một phương án được đưa ra là sử dụng lực lượng công binh dùng thuốc nổ phá cửa thoát cho nước lũ tràn qua. Một cuộc họp giữa Bộ tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan, đơn vị được tiến hành vào lúc 2 giờ sáng tại Ban CHQS huyện Hương Khê để quyết định việc này. Nhiều ý kiến khác nhau nêu lên, đa phần đề nghị dùng thuốc nổ ngay lập tức. Cuối cùng, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4 nêu câu hỏi: Nếu dùng thuốc nổ, có bảo đảm an toàn cho con đập không bị vỡ, bảo đảm an toàn tính mạng của hàng chục ngàn người dân phía hạ du không? Không ai trả lời được câu hỏi hóc búa đó. Sau cùng, phương án xử trí được lựa chọn là dàn quân trên mặt đập dọn sạch mặt đập cho nước lũ tràn qua; đưa máy phát điện đến để cấp điện kéo nâng các cánh cửa thoát; di dời dân khẩn cấp vùng hạ du…
Một trong những phương châm khiến cho sự cố ấy được xử trí thành công, là những người quyết định đã lấy lợi ích của nhân dân làm chính. Một khi đứng từ phía người dân, lợi ích của dân để xử trí tình huống thiên tai, mưa lũ, bao giờ chúng ta cũng sẽ tìm ra được phương án sáng suốt, khoa học và nhân văn nhất.
Người dân Hương Khê bây giờ, dù nước đã rút, nhưng vẫn ngập chìm trong bùn đất, rác rưởi và nhà cửa tan hoang. Họ nói với nhau rằng: “Giá như các chú thủy điện chịu khó nghiên cứu, nắm chắc tình hình thời tiết, chủ động xả bớt nước trước khi mưa lũ về, đừng cố tích nước phát điện thì bầy tui bớt khổ nhiều lắm!”. Xin gửi lời tâm sự thật lòng ấy đến những người có trách nhiệm, đến các nhà máy thủy điện không chỉ ở Hương Khê, Hà Tĩnh mà cho tất cả những đập, hồ thủy điện, thủy lợi trên mọi miền nước ta.
Xả lũ là một quy trình khoa học, cần phải tuân theo một kịch bản mà trong đó, lợi ích người dân luôn phải được đặt làm trọng tâm!