Diễn đàn

Karaoke Ví Giặm? Sao không!

 

Trong các loại hình giải trí hiện nay, hát Karaoke ngày càng thu hút được đông đảo người dân tham gia. Các quán Karaoke phát triển không chỉ ở các khu vực thành thị mà còn về tậncác vùng thôn quê.Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở Hà Nội có 731 cơ sở, thành phố Hồ Chí Minh có 493 cơ sở và thành phố Vinh có khoảng 32 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực Karaoke. Những con số đó ít nhiều phản ánh thực tế Karaoke đã và đang trở thành một nhu cầu giải trí rất lớn của người dân. Ở Vinh có những ngày karaoke “cháy” phòng.

Trên cơ sở hoạt động mang tính phổ thông, đại chúng của Karaoke hay chăng chúng ta nên nghĩ đến việc phổ cập, quảng bá và gìn giữ các làn điệu dân ca nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng thông qua loại hình hoạt động văn hóa này. Bởi  Karaoke là loại hình dành cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng trong tất cả các cuộc vui và bất kể đó là cơ sở bình dân hay sang trọng đều có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng.

Từ Karaoke, làm sao để người dân yêu thích hát dân ca như nó đã từng tồn tại trong lịch sử một cách tự thân chứ không phải trông chờ, phụ thuộc vào sự tác động của chính sách, đó là vấn đề mà chúng tôi quan tâm. 

Sau khi  được Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (trực thuộc UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ngày 27.11.2014, tại Paris  - Cộng hòa Pháp), việc bảo tồn và phát huy giá trị của Ví, Giặmđược Nghệ An, Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Các giải pháp, như: dạy hát dân ca trên sóng truyền hình, đưa dân ca vào giảng dạy trong các trường phổ thông; sân khấu hoá không gian diễn xướng; tổ chức các kỳ liên hoan dân ca Ví Giặm từ cơ sở đến huyện, tỉnh; thành lập các câu lạc bộ dân ca, khuyến khích đặt lời mới cho các làn điệu dân ca… phần nào đó mang lại hiệu ứng truyền thông tích cực cho Ví Giặm nhưng tính hiệu quả trong bảo tồn chưa cao. Cụ thể, thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt trong việc gìn giữ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chưamặn mà với Ví, Giặm; người già - lực lượng hiện đang lưu giữ các làn điệu dân ca ngày càng ít đi trong khi chưa thể truyền thụ hết kỹ năng diễn xướng, làn điệu cho những người có tâm huyết. Nói cách khác, các làn điệu dân ca Ví Giặm vẫn chưa trở thành một nhu cầu tự thân trong đời sống lao động, sinh hoạt đời thường của người dân Nghệ Tĩnh hiện nay.

Việc thành lập các Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở địa phương cũng chưa phải là nơi hội tụ của những người cùng yêu thích dân ca mà mới chỉ là theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Thành viên câu lạc bộ hầu hết là những người lớn tuổi (từ 50 trở lên), thế hệ trẻ tham gia rất ít hoặc không có. Nhiều nơi không tìm ra hạt nhân hát dân ca vẫn phải khiên cưỡng thành lập câu lạc bộ do là một trong những tiêu chí để xét điểm thi đua về văn hoá cho cơ sở nên việc giữ gìn dân ca nhiều khi chỉ mang tính hình thức, tình trạng câu lạc bộ ít hoặc hầu như không sinh hoạt là khá nhiều.

Dân ca Ví Giặm xét về bản chất nó là nhu cầu giải trí, như bất kỳ các loại hình nghệ thuật khác nên đương nhiên phải xuất phát từ sự yêu thích của con người. Bản thân dân ca ra đời từ trong lao động sản xuất, gắn với là tiếng lòng của nhân dân. Vì thế, bảo tồn dân ca Ví, Giặm cần tuân thủ nguyên tắc là trả về đúng chủ thể của nó là người dân lao động.

Cuộc sống ngày nay,không gian lao động, nhịp điệu lao động cũng khác xưa; vì thế, chúng ta cũng đang khuyến khích đặt lời ca mới trên nền giai điệu cũ, kể cả sáng tạo thêm các làn điệu mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Đây sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa để Ví Giặm phát huy được các giá trị văn hóa của nó. Tuy nhiên số lời mới được đặt không nhiều và quan trọng hơn nội dung lời mới cho các tiết mục dân ca chủ yếu chỉ xuất hiện trong các hội diễn, tuyên truyền đường lối, chính sách, các sự kiện chính trị… chứ chưa thật sự gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân lao động nên để yêu thích, ghi nhớ và diễn xướng trong đời sống hàng ngày gần như không có. Trong khi đó, có một thực tếlànhiều lời mới được nhân dân đặt ra, nội dungphản ánhhiện thựccuộc sống, ca từ bám sát ngôn ngữ đương đại  thì lại chưa được chấp nhận và chuyền tải một cách chính thống trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những ca từ ấy chỉ được cất trong các cuộc vui của những bạn hữu thân tình, nhỏ lẻ. Vì thế, trong các kỳ Liên hoan dân ca Ví, Giặm được tổ chức trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh số tiết mục biểu diễn khá đơn điệu và trùng lặp như: “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm”, “Ví phường cấy”, “ví phường vải”, “Giận mà thương”, “Thử lòng chung thủy”… 

Nên chăng, quan niệm về sáng tác dân gian cũng nên linh hoạt. Bởi thời đại mà ý thức cái tôi phát triển, thời đại thông tin bùng nổ của công nghệ số thì các sáng tác sẽ luôn thuộc về cá nhân, ghi nhận dấu ấn cá nhân là lẽ đương nhiên. Suy cho cùng, dân ca xét về bản chất nó cũng là sáng tác cá nhân, qua thời gian, qua truyền miệng và lâu dần người ta quên đi chủ thể sáng tác. Ví, Giặm đã vượt qua sự khắc nghiệt, thẩm định của thời gian mà tồn tại, phát triển cho đến ngày nay đã chứng minh rõ nét sức sống của nó.

Trước những lo lắng về nguy cơ thất truyền của dân ca nói chung, Ví Giặm nói riêng, ngoài việc động viên và có hình thức khuyến khích đặt lời mới cho làn điệu thì việc chuyển tải nó đến từng người dân thông qua các hoạt động văn hóa để tự mỗi người dân cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái nhuần nhĩ mà đi đến yêu thích, say mê hát dân ca như một nhu cầu tự thân là việc nên làm. Và, Karaoke - loại hình giải trí mang tính công nghệ, đại chúng là điều đáng quan tâm trong quá trình bảo tồn, phát triển dân ca. Thực tế, số các bài dân ca Ví Giặm được xử lý kỹ thuật đưa vào các băng đĩa hát karaoke là rất ít. Thế nên cần có sự bắt tay giữa các bên: người sáng tác lời mới - các nhà nghiên cứu, bảo tồn dân ca - doanh nghiệp kinh doanh văn hóa nghệ thuật - nhà quản lý và cơ sở Karaoke để đưa các bài dân ca Ví Giặm (cả lời cũ và mới) vào các băng đĩa, đầu kỹ thuật số để chuyển tải, tiếp cận gần hơn đến công chúng. Và quan trọng, vẫn là ca từ xây dựng trên mọi làn điệu Ví, Giặm phù hợp với cuộc sống hiện đại để dễ dàng thẩm thấu vào tâm lý mỗi người dân trong cuộc sống ngày nay.

Karaoke Ví Giặm? Sao không!

Việc này chắc là không quá khó. Phải chăng nên thực hành, ít nhất là thử nghiệm.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512547

Hôm nay

284

Hôm qua

2400

Tuần này

2484

Tháng này

219420

Tháng qua

121356

Tất cả

114512547