Diễn đàn

Không được bạo lực với trẻ em

Vừa qua, một sự kiện chấn động trong giới nghệ sĩ Hollywood khi cặp uyên ương Brad Pitt và Angelina Jolie từng được xem là biểu tượng của sự hạnh phúc trong hôn nhân lại tan vỡ khi cả hai chuẩn bị ra tòa ly dị. Trong đó có một điều đáng chú ý là FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ) đã vào cuộc khi có người tố cáo tài tử Brad Pitt đã lớn tiếng và bạo hành với cậu cả. Điều đó cho thấy, ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Mỹ, nhà nước cực kỳ quan tâm đến trẻ con và có rất nhiều điều luật bảo vệ trẻ em nghiêm ngặt.

Trông người mà ngẫm đến ta. Ở ta, Hiến pháp, luật pháp luôn bảo vệ trẻ em, nhưng ở một số nơi, trẻ con, cụ thể là học sinh vẫn bị bạo hành.

Còn nhớ năm 2007, nữ sinh H.T.N.T (trường tiểu học An Hiệp 2, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bị nghi lấy trộm 47.800 đồng tiền quỹ lớp nên hiệu trưởng đã yêu cầu thầy tổng phụ trách chở em và bạn H.A.T (cùng giữ quỹ lớp) đem giao cho công an xã lấy lời khai. Chính vì điều này đã khiến em H.T.N.T hoảng loạn, tinh thần bất ổn phải đưa lên Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) chữa trị. Tuy nhiên, điều đáng nói là trưởng công an và phó công an xã An Hiệp là Lê Văn Thanh và Võ Thanh Phương chỉ bị kỷ luật hành chính. Ông Đặng Đình Quốc, trưởng công an huyện ChâuThành còn cho là phù hợp vì hai cán bộ này chỉ làm sai quy trình và không gây hậu quả nghiêm trọng, không cần thiết phải xử lý hình sự (?!).

Cũng trong năm 2007, một học sinh lớp 7 trường THCS Hòa Bình (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là H.T.B.T đã bị cô chủ nhiệm xét cặp và gọi lên bục giảng quay mặt xuống lớp, rồi dùng tay khám xét toàn thân em, trước mặt hơn 30 học sinh. Khi thấy tiền rơi dưới chân em, cô Lê Ngọc Kim Trân đã quy tội em lấy tiền rồi yêu cầu H.T.B.T đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc trừ sâu nhưng may mắn thoát nạn. Được biết cô Trân không chỉ phạt em H.T.B.T lên bục lục lọi mà còn áp dụng nhục hình này với cả 17 nữ sinh khác của lớp.

Ngày 2/4/2015, lực lượng thi hành án hình sự công an TP Buôn Ma Thuột đã vào tận trường học bắt học sinh Đ.Q.T (SN 1995) khi đang học vì em đã gây tai nạn giao thông và bị TAND kết tội trước đó. Lực lượng này cho đến 2 xe ô tô vào trường, trong đó có một xe đặc chủng chuyên chở tội phạm. Tuy nhiên, nhà trường không được thông báo trước điều này, lãnh đạo nhà trường đã mời đưa xe đặc chủng ra ngoài. Trong một vụ án điều tra mất trộm tiền, ngày 19/3/2015, công an xã Thạnh Phú (Cà Mau) đã đến trường THCS Trần Quốc Toản để triệu tập 6 em học sinh lớp 7 về trụ sở công an xã. Hành động này của công an bị nhà trường phản đối, công an lấy lý do rằng các phụ huynh học sinh đã đồng ý cho triệu tập (thực tế các phụ huynh không biết sự việc này) để đưa các em này về trụ sở.

Đầu năm 2016, em N.T.T học sinh lớp 9 trường THCS Tịnh Bắc (xã Tịnh Bắc, huyện Tịnh Sơn, Quảng Ngãi) bị công an vào tận lớp học giải về trụ sở đến nỗi phải viết thư tuyệt mệnh, uống thuốc diệt cỏ kết liễu đời mình. May mắn thay em được cứu sống. 

Gần đây nhất, giữa tháng 9/2016, em N.Đ.T (lớp 4) bị công an xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến trường đón em về trụ sở công an để hỏi cung. Cớ sự là do trước đó, cô giáo Nguyễn Thị Minh H. dạy lớp 3 mất điện thoại cũ hiệu Asus. Cô đã nhờ thầy Đào Xuân Quý - Tổng phụ trách đội nhà trường - lên loa thông báo có học sinh nhặt được điện thoại cho cô xin lại nhưng thầy bận việc nên không thông báo được. Nghe lời học sinh lớp mình mách bảo rằng N.Đ.T đã lấy điện thoại nên thầy Quý ép em viết tường trình nhận là thủ phạm. Sau khi rời trụ sở công an, em N.Đ.T bầm tím khắp người.

Nhiều phụ huynh trong đó có tôi tự đặt câu hỏi: "Còn bao nhiêu học sinh bị rơi vào trường hợp như thế?". Chuyện nhà trường mời công an can thiệp, xử lý học sinh về vấn đề mất trộm tài sản (chưa có bằng chứng) đã cho thấy thiếu đạo đức và nghiệp vụ sư phạm, bế tắc trong sự giáo dục. Lẽ ra nhà trường nên tự xử lý việc này, mời phụ huynh của học sinh bị nghi là ăn trộm đến làm việc và giải quyết trong ôn hòa, nhẹ nhàng để em đó (nếu đúng là thủ phạm) sẽ từ bỏ thói xấu đó và trở lại là một người tốt khi thầy cô và ba mẹ nhỏ nhẹ khuyên bảo, giải thích cặn kẽ rằng ăn cắp là xấu. Ở tuổi nhi đồng, thiếu niên, trẻ hay bồng bột, thiếu suy nghĩ nên đôi khi làm những điều dại dột. Khi đã được lắng nghe những lời hay ý đẹp, trẻ sẽ thông suốt và từ từ ngộ ra, không tái phạm ở tương lai. Chứ hà cớ gì phải làm to chuyện khiến sự nông nổi chất chồng, nhiều trẻ không chịu được uất ức, nhục nhã đã dẫn đến kết cục bi thảm.

Nói về công an. Nếu được nhà trường mời can thiệp vụ mất trộm cũng nên xem xét tình hình và tế nhị để trẻ không cảm thấy mặc cảm, xấu hổ với mọi người xung quanh, nhất là với bạn bè. Đặc biệt do chưa đủ tuổi thành niên, trẻ cần phải có người giám hộ đi cùng, theo đúng quy định của pháp luật. Nghi vấn thì chưa phải là tội phạm, nên việc làm to chuyện, bức cung, khảo cung là điều không thể chấp nhận được.

                Từ những câu chuyện vừa nêu trên, thiết nghĩ cần phải xử lý nghiêm minh, thậm chí là xử lý hình sự đối với những cá nhân bạo hành, xâm phạm thân thể trẻ em, gián tiếp dẫn đến những sự việc đau lòng. Đừng ngụy biện, bao che, vô trách nhiệm, chỉ làm cho những câu chuyện như thế không có hồi kết. Trẻ em cần được chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình bảo vệ tuyệt đối. Chỉ có như thế trẻ em mới lớn lên trong sự yêu thương, đoàn kết, chia sẻ, từ tâm và có ích cho xã hội.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512549

Hôm nay

286

Hôm qua

2400

Tuần này

2486

Tháng này

219422

Tháng qua

121356

Tất cả

114512549