Diễn đàn

Người Trẻ nói về Thiện Nguyện

Thời gian qua, các hoạt động thiện nguyện hướng về miền Trung diễn ra trên khắp cả nước với nhiều hình thức khác nhau, trong đó nổi lên là các cá nhân, nhóm.... Hoạt động này cũng đưa đến nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn là hết sức ngợi ca, ủng hộ nhưng cũng có một bộ phận xem đó là cách đánh bóng tên tuổi hoặc vì các mục đích khác. Điều này một lần nữa lại dấy lên câu chuyện xung quanh vấn đề thiện nguyện, về mục đích thực chất và hiệu quả của các hoạt động này. Thiết nghĩ, dù với động cơ nào đi chăng nữa, quan trọng chúng ta hãy nhìn vào những gì họ có thể làm được cho những người dân đang gặp khó khăn. Cuộc sống hiện nay có nhiều điều đáng để chúng ta lên án như tham nhũng, hối lộ, bòn rút ngân sách, ức hiếp nhân dân,…hơn là cứ chăm chăm soi vào động cơ thực sự của việc làm thiện nguyện. Có thể thấy những gì mà các cá nhân làm được thông qua kêu gọi trên mạng xã hội, chủ yếu qua Facebook là vượt ngoài sức tưởng tượng. Điều đó đang phản ánh sự chuyển động mạnh mẽ trong xã hội về mặt tư duy, nhận thức. Có lẽ không cần ai phải đứng ra chỉ đâu là tổ chức, cá nhân đáng tin để quyên góp ủng hộ; người dân đủ khôn ngoan để lựa chọn và nhận thức được bản thân cũng như người khác đang làm gì. Còn đối với người trẻ, họ nhận thức về câu chuyện này như thế nào? Diễn đàn trẻ VHNA đã trao đổi vấn đề này với những bạn trẻ tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các ý kiến và xin tiếp tục phản hồi về email: trangdoanphan1412@gmail.comhoặc Facebook: Diễn Đàn Trẻ - TC Văn hóa Nghệ An.

 Phan Tiến Dũng – Trưởng nhóm clb thiện nguyện Kết nối – Nghệ An

Thiện nguyện, theo tôi, là một hành động hết sức có ý nghĩa song nó chỉ giải quyết vấn đề trong một thời gian ngắn. Hiện nay, tôi nghĩ việc làm thiện nguyện ít nhiều đang bị lạm dụng nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể phủ nhận còn nhiều cá nhân, tổ chức vẫn hoạt động lặng lẽ, đầy tính nhân văn, giúp đỡ cho bao nhiêu hoàn cảnh khốn khó. Tôi đồng ý với ý kiến thiện nguyện không đúng cách sẽ là một sai lầm. Từ thiện chỉ đóng vai trò là bước đệm, cái cốt yếu vẫn là sự tự vươn lên của họ. Vì thế, tôi nghĩ, thay vì hỗ trợ quần áo cũ, tiền, thực phẩm, chúng ta nên tập trung đầu tư những thứ khác như lắp điện, xây trường học, thư viện…Đặc biệt để hoạt động thiện nguyện thực sự hiệu quả, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung ở mấy điểm sau. Trước hết, một tổ chức từ thiện phải được tổ chức như mô hình một doanh nghiệp, có người đứng chủ, ban tài chính, hậu cần để giám sát và minh bạch thu chi; Thứ hai, phải khảo sát một cách tỉ mỉ các điểm, ưu tiên giúp đỡ những nơi khó khăn hơn trước; Thứ ba, luôn nhớ, mang cho họ cần câu chứ không phải con cá; hạn chế làm thiện nguyện bằng tiền mặt (trừ trường hợp phải đi bệnh viện chữa trị, phẩu thuật) và chú ý giúp đỡ cả về mặt tinh thần; Thứ tư, để duy trì hoạt động lâu dài, tổ chức thiện nguyện phải có bàn bạc thống nhất trước khi hành động, tránh xung đột nội bộ.

Nguyễn Linh – Điều phối viên  công ty Vinh Guru – Nghệ An

   Bản thân tôi, tôi không quan tâm việc có hay không các động cơ khác hay tâm lý chạy theo đám đông trong thiện nguyện vì điều đó không quá quan trọng Tôi nghĩ cái quan trọng là kết quả việc làm họ mang lại: người dân có ăn, có mặc, có chi phí bắt đầu lại từ đầu sau những ngày lũ lụt và đôi khi đó còn là sự an ủi lúc cần. Còn việc hiện nay, người ta ghi ngờ lòng tốt trong các hoạt động thiện nguyện (nếu có) chắc do bản chất của sự vị kỷ. Hoặc cũng có thể do những trường hợp cá biệt họ biết, chứng kiến, trải qua dẫn đến tự đánh giá một cách chủ quan. Tôi không đồng ý với việc cho rằng “thiện nguyện không đúng cách sẽ là một sai lầm; nó thể tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ vào cứu trợ của bà con”.Tiêu chí đánh giá thiện nguyện đúng cách và không đúng cách thật là quan điểm chủ quan. Mặt khác, chả ai muốn nằm ở hoàn cảnh cần cứu trợ để rồi dẫn đến trông chờ, ỷ lại như thế cả. Để hoạt động thiện nguyện có hiệu quả, tôi nghĩ, các tổ chức thiện nguyện cần minh bạch về việc tiếp nhận và chuyển quyên góp huy động được; luôn đặt hiệu quả và tính thiết thực của mỗi chương trình lên hàng đầu. Với các cá thể tham gia thiện nguyện thì cần làm việc thiện tâm, đúng khả năng của mình.

Nguyễn Trọng Sách – Phóng viên – Nghệ An

Việc các văn nghệ sỹ tham gia kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung vừa qua đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần không nhỏ để toàn dân tham gia thiện nguyện. Có thông tin trái chiều cho rằng " nhiều cá nhân tổ chức dùng thiện nguyện để đánh bóng bản thân - đánh bóng thương hiệu". Việc này là có, nhưng tôi cho là chấp nhận được và dùng từ "đánh bóng" thì hơi nặng nề. Họ dùng thiện nguyện để làm truyền thông không có gì sai, đôi bên đều cần. Ngoài ra việc truyền thông thiện nguyện còn giúp truyền tải thông tin nhằm hỗ trợ các tổ chức đi sau làm tốt hơn, đến đúng nơi cần đến. Tâm lý chạy theo đám đông, hay lợi dụng từ thiện để trục lợi ...là có nhưng số đó rất ít và dù có hay không thì việc những việc làm thiện nguyện vẫn nên được nhân rộng. Đây là tinh thần tương thân tương ái của dân tộc và nó chỉ có thể mang đến những điều tốt đẹp mà thôi. Năm nay, các đoàn xe ngùn ngụt kéo về các địa phương tạo nên một cảnh tượng mà tôi ví vui giống như "festival thiện nguyện” đã cho thấy sức mạnh của truyền thông. Truyền thông nói chung và mạng xã hội nói riêng đã góp phần kết nối các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với bà con vùng lũ. Đặc biệt, tư duy của người tham gia thiện nguyện cũng đã thay đổi nhiều.  Để các hoạt động thiện nguyện hiệu quả hơn thì các cá nhân - tổ chức nên tăng cường sự kêt nối, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, với các nhóm thiện nguyện địa phương, biết chọn phần việc đúng với năng lực của mình và biết nắm bắt chọn lọc thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng để tránh việc tập trung vào một chỗ, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Đình Nguyên – Phóng Viên – Nghệ An

Nhiều người hay nhầm tưởng “thiện nguyện” và “tình nguyện” giống nhau nhưng thực chất đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bản chất cốt lõi của “thiện nguyện” chính là “cho đi” hay đơn giản hơn, đây là việc chúng ta mang những giá trị vật chất và tinh thần đến với các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Theo tôi nghĩ dù bằng động cơ này hay động cơ khác thì việc làm “thiện nguyện” đều xuất phát từ cái “tâm” của mỗi con người. Có tâm lý nghi ngờ lòng tốt của các hoạt động thiện nguyện bởi lẽ nhiều người chưa thực sự mở lòng, chưa nhìn nhận một cách khách quan về các hoạt động gọi là “thiện nguyện”. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, “thiện nguyện” là tốt nhưng chúng ta nên“cho đi” như thế nào để không bị người đời chê trách, lên án. Tôi nghĩ khi đã đến với cộng đồng - dù ít hay nhiều, hãy luôn tận tâm và tận lực, hãy "cho" thật sự - không toan tính. Có 1 câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Thiện nguyện không thể thay đổi được xã hội, muốn xã hội thay đổi - trước tiên, hãy thay đổi bản thân”. Để hoạt động thiện nguyện thực sự có hiệu quả hãy lên kế hoạch và hãy dùng chính cái “tâm” của mình hướng đến những hoàn cảnh đang thực sự khó khăn. Mỗi người hãy có cái nhìn khách quan hơn, nhìn nhận bản chất vấn đề rồi đánh giá bởi những cái nhìn sai lệch sẽ khiến người đi làm thiện nguyện gặp phải tâm lý nặng nề và họ chỉ làm được 1 lần và không có lần thứ hai..

 

Nguyễn Hoàng Long – Designer – Hà Nội

Thời gian qua, đồng bào miền Trung phải gánh chịu liên tiếp các trận lũ lụt. Rất nhiều cá nhân, tổ chức đã kêu gọi giúp đỡ. Mọi người đều có lòng hướng về và sẻ chia. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cũng nhiều người theo phong trào. Cá nhân tôi có tổ chức một nhóm thiện nguyện nhưng lần này chúng tôi chưa về miền Trung bởi tôi nghĩ mình chỉ là nhóm nhỏ, đi vào trong đó xa, chi phí đi lại cao hơn tiền quà nên có vào cũng không đáng bao nhiêu. Nhóm của tôi chủ yêu đến miền núi, mang quần áo ấm, đồ dùng học tập cho trẻ em các trường; phát gạo cho bà con. Hàng năm, chúng tôi tìm kiếm thông tin, báo điểm nào cần là đi chứ không cần chờ dịp nào cả. Tôi nghĩ, hoạt động thiện nguyện là rất tốt nhưng hiện nay, trong đó cũng có nhiều mục đích và động cơ khác nhau. Có người xuất phát từ tình thương, có người để PR hình ảnh cá nhân và chạy theo đám đông cũng có. Điều đó dẫn đến hiện tượng nhiều nhóm không nghiên cứu kĩ điểm đến, không quan tâm dân ở đó thiếu gì cần gì, chỉ bắt đứng nhận quà chụp ảnh , mang tính chất phô trương…Còn thiện nguyện muốn hiệu quả thì phải bỏ thời gian kiểm tra thông tin, và nếu có thể, đến tận nơi khảo sát tình hình. Vì tôi thấy có trường hợp, gửi ảnh thì nhà cửa cũ nát, không có bàn ghế nhưng đến nơi lại khá khang trang. Nói tóm lại, tôi nghĩ, hiệu quả hay không, quan trọng là ở cái tâm của người làm thiện nguyện.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512549

Hôm nay

286

Hôm qua

2400

Tuần này

2486

Tháng này

219422

Tháng qua

121356

Tất cả

114512549