Năm 2002 trong đợt làm việc với Giáo sư Trần Trí Dõi- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng Giáo sư M. Ferlus- Trường Cao học về các Khoa học xã hội Paris- Pháp, Giáo sư M. Ferlus đã giới thiệu một văn bản bằng chữ Thái do ông sưu tầm được và mang từ Paris sang. Văn bản này là bản photocopy bằng khổ giấy A4 có tất cả 47 trang bao gồm cả bìa, ngoài bìa có ghi 14 chữ Hán; các trang được ghi bằng chữ Thái (hệ chữ lai- tay) viết dọc từ trên xuống dưới, từ phải qua trái; mỗi trang bao gồm 6 dòng và đại đa số các từ đều có chú thích kèm bằng chữ Hán. Xin được giới thiệu một phần nội dung văn bản có liên quan đến lịch sử huyện Quỳ Hợp. Nguyên văn bản phiên âm ra tiếng Thái như sau:
"Nguyên Nghìa Đàn viện- Mí cau xồng: Xấn Hảm xồng, Phạc Lố xồng, Hà Thưu xồng, Nghìa Hưng xồng, Nhiêu Hạc xồng, Lâm La xồng, Đàn Lâm xồng, Thạch Khê xồng, Cừ Lâm xồng. Ý viện Nghìa tò hặn xồng, tè cồ lại cừ nọp xê cồ mạy lỉm mứa pủa. Ý viện Thi, viện Quể xỏng viện hặn cau xồng, tè cồ lại mèn nọp xê què mứa pủa. Ý tè Hàm Nghi pủa, Phù Qùy mắc áu xấc Xa má pha chụt dẩn xỏng viện, dẩn mắc khồ họt xỏng pỉ, ý pủa Hàm Nghi xẻ nược nỉ. Triều đình tăng lập áu pủa Đồng Khảnh hưn tì vì thiển hạ. (...)
Nguyên pủa Thành Thải thập cừu niên, nhá nược Phù Qùy ết ọc xỏng hạt, nghến còn hặn xảm viện: viện Thi, viện Quể, viện Nghìa. Xảm viện hặn thuộc hau Phù Qùy, chớ nị biệt ọc viện Nghìa cò mí ổng viện nừng hạc ết việc xẻo Tình, còn hặn viện Nghìa mí cau xồng: Nghìa Hưng xồng nừng, Lâm La xồng xỏng, Hà Thiu xồng xảm, Thạch Khê xồng xì, Nhiếu Hạc xồng ha, Cừ Lâm xồng hốc, Đàn Lâm xồng chết, Phác Lô xồng pẹt, Xấn Hảm xồng cau.
Nguyên chớ nị nhá nược trích áu Xấn Hảm, Phạc Lô xỏng xồng hặn nhập hau mứa phù Qúy Chủ. Chớ nị viện Nghìa nhắng chết xồng, Phú Qủy xíp một xồng".
Ông Vi Ngọc Chân đã dịch nghĩa đoạn văn bản này như sau:
"Huyện Nghĩa Đàn- gồm 9 tổng: tổng Xân Ham, tổng Phạc Lồ, tổng Hà Thưu, tổng Nghĩa Hưng, tổng Nhiêu Hạp, tổng Lâm La, tổng Đàn Lâm, tổng Thạch Khê, tổng Cựu Lâm. Nguyên Nghĩa Đàn chừng ấy tổng từ tổ tiên đến nay luôn nạp thuế gỗ lim lên vua. Nguyên huyện Thúy Hà và huyện Quế Phong, hai huyện ấy gồm 9 tổng, từ tổ tiên đến nay luôn nạp thuế quế lên vua. Nguyên năm vua Hàm Nghi (1884) phủ Qùy Châu bị giặc Xá đốt phá, dân 2 huyện ở đâu dân cũng chạy loạn hết, dân chạy loạn vất vả đến 2 năm. Nguyên vua Hàm Nghi cũng bỏ chạy vì mất nước. Triều đình mới cử vua Đồng Khánh lên trị vì thiên hạ. (...)
Nguyên vua Thành Thái năm thứ 19, nhà nước cho Phủ Qùy chia thành 2 hạt. Trước đây được chia làm 3 huyện: huyện Thúy, huyện Quế, huyện Nghĩa- ba huyện ấy thuộc Phủ Qùy. Bây giờ huyện Nghĩa Đàn có tri huyện riêng trực thuộc tỉnh. Huyện Nghĩa Đàn trước đây có 9 tổng là: tổng Nghĩa Hưng, tổng Lâm La, tổng Hà Thưu, tổng Thạch Khê, tổng Nhiêu Hạc, tổng Cửu Lâm, tổng Đàn Lâm, tổng Phạc Lồ, tổng Xân Ham. Bây giờ cắt 2 tổng là tổng Xân Ham và tổng Phạc Lồ nhập vào phủ Qùy Châu. Thế là huyện Nghĩa Đàn còn lại 7 tổng, phủ Qùy Châu có 11 tổng".
Địa bàn huyện Quỳ Hợp trước đây gọi là tổng Xân Ham (cũng còn được gọi là Thuận Hàm), từ năm Thành Thái thứ 19 được chuyển từ huyện Nghĩa Đàn sang nhập vào phủ Quỳ Châu, lúc đó phủ Quỳ Châu có tất cả là 11 tổng. Theo cuốn "Lịch sử huyện Quỳ Hợp" (sơ thảo)- Nhà xuất bản Nghệ An 2004, tên gọi phủ Quỳ Châu, huyện Nghĩa Đàn tồn tại mãi đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau đó, chính phủ ta bỏ cấp phủ và tổng, phủ Quỳ Châu được dổi thành huyện Quỳ Châu (cũ), bao gồm Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày nay; còn huyện Nghĩa Đàn bao gồm cả Tân Kỳ hiện nay. Đến ngày 19/ 4/ 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 52- CP, phê chuẩn việc chia lại địa giới các huyện Quỳ Châu, Anh Sơn, Nghĩa Đàn thành 7 huyện mới. Tên gọi huyện Quỳ Hợp được khai sinh từ đó...
So sánh với các tỉnh ở vùng Tây Bắc Việt Nam, Nghệ An (và Quỳ Hợp) cũng có diện mạo "chẳng thua kém ai" trong việc bảo tồn tri thức bản địa cho đồng bào dân tộc. Về lễ hội truyền thống; về ngành nghề thủ công, thổ cẩm; về ca vũ dân gian; chữ viết; phong tục tập quán; ẩm thực v.v... tất cả đều có nét đặc sắc riêng không lẫn với đặc trưng của các vùng đồng bào dân tộc khác. Dễ nhận ra rằng, trong 3 Lễ hội- gồm Lễ hội Đền Chín Gian ở Quế Phong, Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu và Lễ hội Mường Ham ở Quỳ Hợp- mỗi lễ hội đều có lịch sử tâm linh riêng biệt chứ không rơi vào tình trạng "na ná như nhau" của một số lễ hội mà báo chí có phản ánh. Ở Quỳ Hợp, Lễ hội Văn hoá truyền thống Mường Ham (Châu Cường) là một trong hàng trăm Lễ hội được tổ chức vào dịp Mừng Đảng- Mừng Xuân trên đất nước ta. Lễ hội Mường Ham được khai mạc ngay từ mồng sáu Tết, có tục "khai bút đầu xuân" thông qua cuộc thi viết chữ Thái được xem là "độc nhất vô nhị" trong các lễ hội vào dịp đón năm mới. Quỳ Hợp không chỉ có Đền Ham, đã có thông tin về việc khôi phục Đền Choọng ở xã Châu Lý. Nói đến lễ hội không thể không nhắc đến phát triển du lịch. Sau khi Đền Choọng được phục dựng lại thì diện mạo du lịch ở Quỳ Hợp sẽ khởi sắc hơn với các điểm đến như Đền Ham, Đền Choọng, thác Bản Bìa, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống... Du khách đến với Quỳ Hợp sẽ có cả các du khách quốc tế. Nếu không kịp thời nghĩ đến các tình thái gặp gỡ và đón tiếp du khách ngay từ bây giờ thì sẽ không tránh khỏi bị động, lúng túng. Ở Lễ hội Hang Bua đã từng có những du khách nước ngoài đến tham dự, còn ở Lễ hội Mường Ham năm nay mới có hai du khách nước ngoài đến tham dự để tìm hiểu về văn hoá Thái, đó là anh Masashi và chị Hiroco đều là người Nhật Bản. Lễ hội Mường Ham năm 2009 này cũng có điều bất cập là du khách không được lên tham quan động Nang Ni vì lý do an toàn và điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo. Thế nhưng ít người biết rằng có một số bài viết giới thiệu về động Nang Ni đã được đến dăm bảy trang web về du lịch Việt Nam tải lên mạng internet, có nghĩa là du khách mọi nơi đã được biết về động Nang Ni ở Quỳ Hợp...
Về kiến trúc, các ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái bắt đầu được quan tâm bảo tồn, kể cả làm mới theo phong cách hiện đại hơn- trước mắt là với những người có điều kiện về kinh tế. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một câu hỏi, rằng có rất nhiều dân tộc có nhà sàn truyền thống, vậy đặc điểm dễ phân biệt nhất ở ngôi nhà sàn của người Thái là gì? Trả lời: Đó là ở biểu tượng "khau cút"- một biểu tượng trang trí trên nóc phía đầu hồi của ngôi nhà sàn. "Khảu cút tem lái bủa, Xỉnh dúa tem lái èn" (Xống chụ xon xao). Tuy nhiên, người Thái Nghệ An lại không dùng biểu tượng "khau cút" truyền thống của vùng Tây Bắc; họ thích sử dụng biểu tượng cái đầu voi cùng với cái vòi dài được đan bằng nứa, có thể cắm thêm hai cành cây đẽo làm cái ngà voi. Trong một cuộc Hội thảo khu vực của Mạng lưới "Tri thức và Con người Bản địa" (IKAP- Indigenous Knowledge and People) được tổ chưc ở Chiang Mai (Thái Lan) gần đây, nhiều người nước ngoài rất ấn tượng với biểu tượng trang trí "đầu voi" của người Thái Nghệ An (thông qua bức ảnh chụp nhà lán hội trại của xóm Đồng Tiến được dựng tại Lễ hội Mường Ham 2009). Theo họ cho biết thì biểu tượng "khau cút" không chỉ có ở vùng Tây Bắc Việt Nam mà ở Thái Lan cũng có rất nhiều, kể cả nơi trung tâm như thủ đô Băng Cốc. Còn biểu tượng "đầu voi" thì chỉ mới thấy ở nhà sàn của người Thái Nghệ An...
Về thổ cẩm, người dân tộc Karen ở vùng biên giới Thái Lan- Mianma có những sản phẩm rất hài hoà và đẹp mắt, thế nhưng họ vẫn phải trầm trồ trước các mẫu thêu của các bà các cô ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông... Nói chung, trang phục váy áo của phụ nữ Thái Nghệ An mang dáng dấp của Lào nhiều hơn, nó cũng khác xa với trang phục của phụ nữ Thái Tây Bắc. Ở thành phố Hồ Chí Minh đã có người làm ra cả một trang web về thổ cẩm Thái. Nếu như có một trang web riêng về thổ cẩm Thái Nghệ An thì việc xuất khẩu sản phẩm thổ cẩm Thái Nghệ An ra thị trường nước ngoài không phải là chuyện xa vời nữa.
Về chữ viết cổ, chữ Thái hệ lai- tay của người Thái Quỳ Hợp- Quỳ Châu của tỉnh Nghệ An cũng "chẳng giống ai". Được biết, ở Việt Nam có đến 8 hệ chữ Thái khác nhau. Nói chung, chữ Thái ở Việt Nam, cùng với cả chữ Thái Lan, chữ Lào... đều có những nét tương đồng khá lớn và đều được viết theo hàng ngang- chỉ có duy nhất chữ Thái cổ ở Nghệ An là viết theo hàng dọc, viết từ trên xuống dưới, đọc từ phải sang trái... Ông Thawi Sawanyangkoon, một giáo sư hiện ở Bang Cốc, đã nghiên cứu lâu năm về các tự dạng chữ Thái, hiện đang tiến hành thiết kế font chữ Thái Quỳ Châu. Ông đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng một số huân chương ghi nhận công lao đóng góp trong việc nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam tại Thái Lan. Dù tuổi đã cao, ông cho biết thời gian sắp tới sẽ sang Quỳ Châu để nghiên cứu cặn kẽ hơn về chữ Thái cổ Quỳ Châu...
Về bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, ở Quỳ Hợp nay đang chú trọng thêm sự kết hợp của các yếu tố hiện đại để hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm. Từ năm 2007, UBND một số xã như Châu Cường, Châu Quang đã liên kết với Trường Trung cấp nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An để đào tạo nghề đan lát sản phẩm mây xâu cho nhân dân. Được biết, mục tiêu đào tạo, các loại hình đào tạo của nhà trường rất rộng và đa dạng, liên quan đến các ngành nghề truyền thống ở cả miền xuôi lẫn miền ngược. Đây là lần đầu tiên nhà trường liên kết đào tạo nghề cho bà con dân tộc ở Quỳ Hợp nên việc lựa chọn ngành nghề chế biến mây tre đan lát là phù hợp với truyền thống của bà con. Ở thời điểm này, Đề án xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi Quỳ Hợp đang được tiếp tục, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã ra các Nghị Quyết số: 06/ 2001/ NQ-TU và Nghị Quyết số: 07/ 2001/ NQ-TU về Tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu Phát triển thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề. Như vậy là nhu cầu gắn kết ngành nghề truyền thống của bà con dân tộc với tiềm năng thiên nhiên sẵn có để tạo ra sự phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo đã tìm được cách thức đáp ứng trong một phạm vi cần thiết. Công việc trước mắt phải làm vẫn là việc cần nhanh chóng tìm ra tiếng nói của các nhân tố tích cực trong hoà nhập và phát triển ngành nghề để phá bỏ sức ỳ, tâm lý ỷ lại vào sự nâng đỡ của nhà nước trong một bộ phận nhỏ bà con dân tộc thiểu số.
Sự trường tồn của tri thức bản địa nói chung và chữ viết nói riêng trong cộng đồng các dân tộc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc những tri thức này có tồn tại và phát triển trong cộng đồng hay không. Để cho những tri thức này, đặc biệt là tiếng nói và chữ viết quay trở về với những người đã, đang và sẽ sở hữu nó- cần thiết phải có sự hợp lực của các nhà khoa học, dân tộc học, nghệ nhân, những người trẻ tuổi và đặc biệt là những bậc cao niên đang nắm giữ kho báu của các dân tộc. Hơn nữa, những mong muốn và sự tham gia của chính cộng đồng các dân tộc vào các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của tri thức bản địa. Người viết bài này không có ý định và cũng không thể "lấn sân" của các nhà quản lý văn hoá, mà chỉ muốn nêu lên một số cảm nhận về con người và một phần lịch sử huyện Quỳ Hợp và có liên quan đến cả một vài huyện lân cận thông qua góc độ tiếp cận với các giá trị của tri thức bản địa, vốn đang nhận được nhiều mối quan tâm ở cả tầm mức khu vực và quốc tế. Rất mong được bạn đọc gần xa cùng quan tâm và góp ý thêm./.