Những góc nhìn Văn hoá
Kiểu con người đa diện, tự vấn lương tâm nhằm hoàn thiện nhân cách trong truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trước 1945
Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 nên dù ông tham gia viết văn khá sớm, trình làng truyện ngắn đầu tay Bóng tối và ánh sáng được báo Thế Giới trao giải nhất năm 17 tuổi (1938), song tên ông bị chìm lẫn trong giai đoạn văn học 1930 - 1945 có sự phát triển bùng nổ ở Việt Nam. Tiếc thay, khi mà công trình khảo cứu lớn mang tính tổng kết như Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan đã hoàn thành năm 1941 thì truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân mới xuất hiện thường xuyên trên Tiểu thuyết thứ Bảy nên tên ông ít người biết. Sau này, số lượng tác phẩm của ông trong giai đoạn trước 1945 phần lớn bị mất mát, các bài nghiên cứu về ông thường chỉ đề cập hai truyện ngắn là Ngày giỗ cha và Ngày cuối năm trên đảo được in trong bộTổng tập văn học Việt Nam, tập 30B. Trong quá trình sưu tầm, khi Trần Hữu Tá đọc hai truyện ngắn trên đã nhận định: “Mới đọc đã quí văn tài của ông: nội dung truyện đậm tính nhân văn, bút pháp già dặn, văn phong chững chạc”(1). Còn Phong Lê cho rằng: “Có thể xếp Nguyễn Văn Xuân vào đội ngũ những tên tuổi kết thúc mùa gặt ngoạn mục 1930 - 1945 trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”(2). Khi viết lời giới thiệu cho bộ Nguyễn Văn Xuân toàn tập, Lại Nguyên Ân đã gọi là “tác gia Nguyễn Văn Xuân”.
Do hoàn cảnh chiến tranh và gia cảnh khó khăn, nhà văn ít có điều kiện lưu giữ đầy đủ tác phẩm của chính mình. Theo lời kể lúc sinh thời, khoảng 1938 - 1939, ông cộng tác với báo Bạn Dân và Thế Giới ở Hà Nội, sau báo Thế Giới chuyển thành tạp chí Mới tại Sài Gòn ông vẫn tiếp tục cộng tác. Năm 1940, ông thường xuyên viết cho tạp chí Văn Lang tại Sài Gòn cùng với nhiều cây viết nổi tiếng như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Phan Văn Hùm… Từ khoảng 1941 đến 1945, ông cộng tác thường xuyên với Tạp chí Tiểu thuyết thứ Bảy. Dựa trên những dữ liệu đó, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức kiếm tìm từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện số tác phẩm trước 1945 của Nguyễn Văn Xuân tôi đã sưu tầm được là hơn 20 truyện ngắn.
Dù xuất hiện muộn trên văn đàn giai đoạn 1930 - 1945 song Nguyễn Văn Xuân vẫn có cách khai thác và tiếp cận các vấn đề khá độc đáo, mới mẻ. Ở bài viết này, xin đề cập tới nhóm truyện ngắn của ông về kiểu con người đa diện, tự vấn lương tâm nhằm hoàn thiện nhân cách đã để lại ấn tượng trong tôi như: Bức thư nặc danh, Lá bạc thau, Tuổi già hạt lệ như sương, Cái quần, Người đàn bà Tàu, Kinh nghiệm… Nhóm truyện ngắn này mang đậm dấu ấn tự thuật. Nhà văn thường kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm buồn hay lỗi lầm của nhân vật tôi hoặc các nhân vật Thuyên, Tự, Tuân, Nhân… xưng tôi. Qua đó, các nhân vật là những người dám nhìn thẳng vào lương tâm mình, luôn suy tư, trăn trở, tự vấn, tự đấu tranh để thức tỉnh lương tri, hoàn thiện nhân cách. Sự tự ý thức, tự đấu tranh chống lại sự tha hóa của bản ngã như là một nhu cầu tự thân của các nhân vật.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007)
Truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trước 1945 có thể xếp vào xu hướng hiện thực, điều này cũng được nhà văn tự bộc bạch: “Thời còn trẻ, do đọc văn học trong nước và nước ngoài, nhất là của các nhà văn học phái tự nhiên, văn học hiện thực, nên khi cầm bút, không tự hỏi, không do dự”(3). Nhưng truyện của ông rất khác Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… bởi góc nhìn của nhà văn về hiện thực. Ông không khái thác những mâu thuẫn xã hội lớn lao, không đi sâu vào khám phá sự tha hóa của con người vì miếng ăn, vì tiền bạc, cũng không thể hiện sự bế tắc, bất lực hay xa rời thực tế. Điều nhà văn quan tâm thường là những khía cạnh nhỏ trong cuộc sống, những kỷ niệm đời tư, thường nhật nhưng được nhìn nhận ở những chiều cạnh rất tinh tế để trở thành nguyên cớ cho những cuộc đấu tranh nội tâm, những nỗi dằn vặt, trăn trở ám ảnh bản thân. Và tất yếu nhằm mục đích tự vấn để hoàn thiện nhân cách, khắc phục lỗi lầm. Riêng nhóm các tác phẩm này có nhiều nét gần gũi nhưng cũng không giống Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh…
Điều khá đặc biệt trong tác phẩm của ông là ngay từ giai đoạn này, thế giới nhân vật thường ít có sự phân biệt rõ ràng tốt - xấu, thiện - ác. Mà trong mỗi con người luôn bao chứa những phẩm chất trái chiều, lẫn lộn, tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi thời điểm mà khía cạnh nào được bộ lộ ra. Như nhân vật Thuyên trong truyện ngắn Bức thư nặc danh(4)là một con người có vẻ ngoài hiền lành, nhưng khi bị người trong mộng không đáp lại tấm chân tình thì cho là mình bị lừa dối, bị phụ bạc. Khi ấy con người độc ác xuất hiện, đã tìm cách trả thù tàn nhẫn. Vì vậy, “từ đấy trở đi, tôi ngơm ngớp nghĩ đến con người thực của tôi. Bề ngoài thì tôi hiền lành thực, hiền lành như một cái mai rùa. Nhưng đó chỉ là xã giao, cái lẽ ở đời và vì cuộc đời êm đềm như nước mùa xuân. Nhưng nếu mặt nước đó bỗng có sự thay đổi, trí não và tâm hồn tôi có giữ được thăng bằng không? Và con người nào, con người của sự bình lặng giả dối hay của sự độc ác tàn nhẫn thực lòng kia, mới chính là con người của tôi?” (Bức thư nặc danh).
Cuộc đời vốn dĩ phức tạp, nhiều khi một hành động giả dối lại đem lại sự xúc động mãnh liệt, niềm tin yêu và hạnh phúc lớn lao trong đời một con người. Cho nên trong cùng một hành động, cùng một hậu quả nhưng để phán xét tốt hay xấu, cao thượng hay thấp hèn là không đơn giản. Đó là câu chuyện của Tuân trong Lá bạc thau(5). Tuân vốn học cùng lớp, ở cùng xóm nhưng không hề quan tâm tới Diễn, bởi Diễn đã yếu ớt về thể chất, lại thiếu sắc đẹp. Nên nhiều lúc Tuân nghĩ nếu ai đó mà ghép đôi mình với Diễn là mất thể diện của chàng. Cuộc đời Diễn càng buồn thảm hơn khi mẹ chết, bố lấy vợ hai. Khi đã ở độ tuổi thanh niên, một hôm Tuân đến bệnh viện, ngẫu nhiên gặp lại Diễn đang nằm viện. Diễn bị bệnh thiếu máu và ho, thấy trời đã se lạnh mà Diễn chỉ mặc cái áo mỏng manh nên Tuân thương cảm, lấy cái khăn của mình đưa cho Diễn quàng cho ấm, và hứa hẹn hôm khác sẽ lên thăm. Khoảng vài tháng sau, Tuân lên bệnh viện thăm Diễn và cảm thấy “sự sống đã lìa xa mặt nàng”. Tuân động lòng thương xót “muốn được nâng đỡ, an ủi” đối với con người khổ sở, tội nghiệp đó, nhất là khi thấy Diễn khóc lóc và có ý không muốn sống nữa. Vậy nên Tuân diễn một vở kịch gian dối, nói rằng đã yêu Diễn từ lâu mà không dám nói. Tuân đã kể lại một số kỷ niệm từ hồi đi học và nắm chặt lấy tay nàng. Hạnh phúc bất ngờ này khiến Diễn vô cùng sung sướng, nhưng lại làm cho nàng ho rũ rượi đến ngất lịm. Tuân nhìn Diễn và “chợt hiểu nàng vừa chịu một sự sung sướng quá sức: tiếng sét của hạnh phúc đã hại nàng. Chao ôi! Đáng thương cho cái ngực chỉ còn da bọc lấy xương đang mong mỏi lấy sự yên ổn thì bị tôi vô tâm mang đến cho một nhát búa. Tôi có ngờ đâu… (…) Chưa bao giờ tôi thấy tôi thương Diễn bằng bây giờ, tôi vuốt luôn luôn ngực cho nàng và ôm sát đầu nàng vào lòng để che chở”. Sau hạnh phúc trọng đại đó một ngày thì Diễn chết.
Vậy Tuân là người hại nàng hay ân nhân đem lại hạnh phúc cuối cùng cho cuộc đời khổ đau của Diễn? Nguyễn Văn Xuân đã liên hệ với cái lá bạc thau có hai mặt rất khác nhau để so sánh với sự việc, rằng: “Đôi khi tôi bỗng nghĩ rằng chính tôi đã giết nàng; một vết thương trong tim lại hé mở ra làm tôi đau xót, mỗi lúc nhìn thấy nàng trong ảnh. Nhưng có những buổi chiều đầy hương vị tha thứ như buổi chiều nay tôi lại thấy tôi đã làm một điều hay. Vì tôi đã làm cho người con gái kia, Diễn đau khổ và suốt đời chưa hề có được một tình thương nhỏ mọn kia, đã chết với nụ cười, tuy khô héo, nhưng dịu dàng nhất, êm đềm nhất mà dù là thiếu nữ nào, ở hạng nào cũng chỉ mong được có thế mà thôi”(Lá bạc thau). Đây là cách nhìn nhận về con người rất thành thực và đậm chất nhân văn.
Dù cuộc đời là phức tạp và đa diện như vậy, nhưng Nguyễn Văn Xuân không thể hiện thái độ triết chung hay hư vô, mà các nhân vật của ông luôn tự nhìn lại mình, luôn tự vấn lương tâm nhằm hoàn thiện nhân cách. Các nhân vật quan niệm: “Tôi tin rằng trong mỗi người chúng ta còn một giác quan khác, một giác quan không hiểu ở đâu, nhưng mỗi khi ta cần đến, nó lại khẽ mở hé ra một cánh cửa nho nhỏ của vườn dĩ vãng. Nó làm ta say sưa sống lại dĩ vãng một cách hồi hộp, bâng khuâng”(Tuổi già hạt lệ như sương(6)). Khu “vườn dĩ vãng” với đầy những kỷ niệm tốt - xấu, vui - buồn lẫn lộn ấy sẽ giúp ta thanh lọc tâm hồn, loại bỏ những chiếc lá hỏng, cành sâu, sẽ tiếp sức cho “những đợt lá non tình cảm lung lay xao xuyến”. Những giờ phút ấy sẽ có “những vị quan tòa rất tốt, đầy lòng nhân đạo, những vị quan tòa mà khi ta còn đang vật lộn với cuộc đời, ta có thể khinh bỉ, xem thường” (Người đàn bà Tàu(7)). Những “vị quan tòa” trong mỗi người ấy khiến cho các nhân vật suy nghĩ, day dứt, hối hận “mãi về những điều ác mà tôi đã làm”. Tất nhiên, những “tội ác” của các nhân vật phần lớn không do cố ý và mà chỉ là “những việc nho nhỏ, giậy gậy của người què, hay lừa một lão mù cho lão xuống sông tắm chơi, chúng ta xem còn hơn là sự giết người. (…) Tôi làm hầu hết là để khoe cái tài và cốt thõa mãn tính hiếu kỳ, lòng tự ái” (Cái quần(8)).
Kỷ niệm buồn về người cha bị bệnh lao, mất khi nhân vật tôi sáu tuổi, để lại gia cảnh mẹ góa, con côi vô cùng đáng thương (Tuổi già hạt lệ như sương). Hoàn cảnh ấy, có người bà họ cao tuổi ở gần nhà rất xót thương, thường đến khóc lóc chia buồn. Lũ trẻ cháu bà không cảm nhận được tình yêu thương bao la của bà mà lại muốn tìm cách trêu đùa để thấy bà đau khổ và khóc lóc nhiều hơn làm trò vui. Lũ trẻ (có cả nhân vật tôi) đóng nhiều vở kịch để cố tạo nên câu chuyện lâm ly bi đát, rằng “mẹ tôi” đã “có ông Tây đen đem chiếc tầu bay đến đón bà ấy đi qua Ấn Độ rồi”, để mấy đứa trẻ bơ vơ. Điều đó thật sự khiến bà khổ đau, khóc lóc nhiều hơn. Rồi một thời gian sau, người bà ở độ tuổi gần đất xa trời cũng không còn ở trên cõi đời để khóc nữa. Nhân vật tôi nhiều lúc nghĩ về lỗi lầm, về trò đùa dại ấy mà “buồn rười rượi tố cáo cái tội tôi, tôi thấy một nỗi ghê sợ mênh mông đến giày xéo cõi lòng thơ dại”. Khi lớn lên, nhân vật tôi càng thấm thía hơn, cảm động hơn bởi “tôi rất buồn mà nhận thấy từ lâu nay những tâm hồn cao quý ấy mất đi lần lần”. Vì vậy, sự hối hận càng dâng lên trong lòng và “Tôi rất muốn trừng phạt cái thằng bé con của tôi ngày xưa”.
Nhân vật tôi trong truyện ngắn Người đàn bà Tàu cũng tự phán xét mình về những hành động, những lỗi lầm đã vấp phải. Nhiều khi vì cuộc sống xô bồ hối thúc ta mà ta không kịp nghĩ về nó, nhưng có những thời điểm ta tĩnh tâm lại, thấy bản thân đang dần bị tha hóa, biến chất. Nhân vật tôi hồi tưởng lại cảnh tượng một lần đi xe đạp vô ý va chạm làm người đàn bà Tàu đang gánh cơm bị ngã, đổ ra đường phố ở Sài Gòn. Người đàn bà ấy thật khổ sở, vất vả, đáng thương hại. Ấy vậy nhưng: “Trong giây phút ấy, tôi thấy mình cần phải tự vệ hơn là đi thương xót viễn vông”. Dù biết lỗi ấy do mình gây nên, là sai nhưng lại “tìm cách đổ lỗi cho nó hết cả” để tránh phiền phức. Cái mệnh đề “Phải đổ lỗi cả về phần họ” mà cậu bạn ở Sài Gòn khuyên bảo được nhân vật ghi nhớ. Vì vậy, tôi đã lớn tiếng la mắng và lao đi vùn vụt để trốn tránh trách nhiệm. Khi hồi tưởng lại, nhân vật tôi tự cảm thấy mình “như một tội nhân đang hối hận, tôi nhìn tôi rồi lại nhìn qua cửa sổ, ngạc nhiên tự hỏi: - Tôi, có phải tôi, người thanh niên rất sáng suốt bây giờ, tôi đã xử sự như thế được?” (Người đàn bà Tàu).
Cũng có khi chỉ do thói háo thắng, muốn thể hiện để đám trẻ trâu trong xóm phục tài năng và được gọi “bằng anh cho xứng với cái tài” mà nhân vật tôi đã lấy trộm cái quần của vợ chồng hàng xóm (Cái quần). Việc lấy trộm cũng chỉ là đem ra cho mấy đứa trẻ trâu vứt đi nhằm trả thù vì người chồng ấy đã la mắng chúng (do chúng để trâu ăn lúa). Nghe ra thì không phải tội ác gì lớn lắm, nhưng khốn nạn thay, đó là cái quần duy nhất của đôi vợ chồng nghèo khổ và bất hạnh. Họ vốn nghèo rớt mùng tơi, có hai cái quần thì đã bị bọn trẻ trâu trả thù lấy đi một cái khi đang tắm sông. Từ hôm mất cái quần thứ nhất, hai vợ chồng phải luân phiên nhau mặc một chiếc quần. Ai đi ra ngoài thì mặc, ai ở nhà thì quấn chiếu. Ấy vậy mà vì muốn thể hiện tài năng, buổi tối ấy, nhân vật tôi nỡ lấy nốt cái quần duy nhất của vợ chồng ấy đang được phơi trong đêm. Sự việc càng thêm chua xót bởi cả vùng quê đang bị hạn hán, không ai thuê mướn, họ chẳng có việc để làm, chẳng còn đồng nào để tiêu, chẳng còn chút gạo nào để nấu. Câu chuyện chỉ được kể đến đoạn nhân vật tôi lấy xong cái quần chạy ra bờ sông để khoe chiến lợi phẩm. Nhưng nó sẽ làm người đọc băn khoăn, buồn lòng tưởng tượng về tình cảnh bi đát của cặp vợ chồng bất hạnh kia khi mất nốt cái quần duy nhất còn trong nhà.
Nguyễn Văn Xuân có cái nhìn về con người trong truyện ngắn rất thành thật. Đây là quan niệm về con người thống nhất trong toàn bộ các sáng tác của ông suốt gần 70 năm cầm bút (tôi sẽ triển khai ở một phạm vi khác). Con người trong tác phẩm của ông dù vẫn theo dòng chủ lưu là có đạo đức, vì gia đình, quê hương, đất nước nhưng bên cạnh đó luôn tồn tại song song những khía cạnh phi đạo đức, xấu xa, tội lỗi. Nói chung, theo nhà văn, cuộc đời vốn dĩ phức tạp, khó có một giới tuyến rõ ràng về thiện - ác, song điều quan trọng là mỗi người cần có những khoảng lặng để suy ngẫm, phải lắng nghe tiếng nói từ trái tim, từ lương tâm nhằm hoàn thiện nhân cách. Và đương nhiên, mỗi người có nhân cách tốt thì sẽ tác động đến người khác, và có như vậy mới mong xã hội tốt ngày một đẹp hơn. Đó là cách nhìn con người rất thật, rất người, mà văn học thời kỳ Đổi mới được các nhà văn khai thác sâu sắc với cách gọi là con người đa diện, lưỡng diện, phức hợp thiện ác…. Tất nhiên, Nguyễn Văn Xuân chưa đi sâu phân tích nội tâm như những tác phẩm sau này của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… thời Đổi mới, nhưng đó là một quan niệm về con người đa chiều, thấm đẫm nhân tính. Đó là một cách nhìn như con người vốn như thế, như cuộc sống vốn phức tạp, nhiều mâu thuẫn, khác cách nhìn giản đơn, phiến diện. Đó cũng chính là cốt cách của một trí thức chân chính, thành thật với lương tâm, góp phần xây dựng nhân cách con người giữa cuộc sống còn nhiều bề bộn của cố nhà văn xứ Quảng. Đó cũng là một dấu ấn độc đáo, một đóng góp của Nguyễn Văn Xuân vào vụ mùa bội thu của văn học Việt Nam 1930 - 1945.
Tài liệu tham khảo:
(1). Trần Hữu Tá (2015), Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng, /chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nguyen-van-xuan-nguoi-khoi-day-hon-xu-quang
(2). Phong Lê (2019), “Bất ngờ - một sự nghiệp viết xứng danh nhà văn – học giả Nguyễn Văn Xuân”, Nguyễn Văn Xuân toàn tập, Nxb Hội Nhà văn, tr.9.
(3). Nguyễn Văn Xuân (2000), “Tại sao tôi cầm bút”, Tạp chí Khoa học và Phát triển, số 6/2000
(4). Nguyễn Văn Xuân (1943), “Bức thư nặc danh”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 472, ngày 31/7/1943.
(5). Nguyễn Văn Xuân (1943), “Lá bạc thau”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 463, ngày 29/5/1943.
(6). Nguyễn Văn Xuân (1943), “Tuổi già hạt lệ như sương”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 453, ngày 20/3/1943.
(7). Nguyễn Văn Xuân (1941), “Người đàn bà Tàu”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 380, ngày 27/9/1941.
(8). Nguyễn Văn Xuân (1943), “Cái quần”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 457, ngày 17/4/1943.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513376
2162
2315
21313
220249
121356
114513376