Diễn đàn

Làm gì để chống loạn họp

Có một con số rất quan trọng mà các cơ quan, kể cả cơ quan thống kê nhà nước vẫn chưa và rất khó để có kết quả khách quan, đó là thời gian và tiền của dành cho hội họp nói chung và các loại hội nghị tổng kết nói riêng.

Loạn họp là một hình thức lãng phí vô cùng lớn. Tốn thời gian. Tốn tiền bạc.

Ở hầu hết các cơ quan, từ to đến nhỏ, từ lâu nay, đều “lạm phát” họp. Không đáng họp cũng họp. Chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn Email nhưng các sếp vẫn thích họp, vẫn triệu tập họp bằng được. Đáng họp ít người thì triệu tập đông người. Nhiều người được triệu tập dự hội chẳng hiểu mình đang họp và phải tiếp thu những gì vì chẳng có gì liên quan đến cơ quan và cá nhân mình. Đáng họp ngắn thì lại họp dài. Đáng tổ chức gần thì đưa đi xa. Bây giờ, ở nhiều cơ quan, đoàn thể đã có trang bị họp trực tuyến rồi nhưng vẫn nhiều nơi, nhiều lúc rồng rắn kéo nhau đi hết trong Nam ngoài Bắc để họp. Thậm chí có cơ quan còn đưa một lúc mấy trăm người ra nước ngoài họp tổng kết cuối năm. Nội dung họp chỉ cần một ngày, thậm chí một buổi thì kéo dài đến mấy ngày để “vui chơi nhảy múa”. Đó là chưa nói đến các thủ tục, lễ tiết hội họp vô cùng nhiêu khê. Riêng màn giới thiệu đại biểu, khách mời đã rất rình rang. Mặc cho nhà nước đã có quy định rõ ràng về việc này nhưng ở nhiều cuộc họp, tất cả các đại biểu, từ một vị nhân viên của cấp trên về dự họp cũng được “Trân trọng kính thưa…”.  Ở các hội nghị, họp hành có tính chất tổng kết một tý thì riêng màn văn nghệ chào mừng cũng đã tốn nhiều thời gian, tiền catse… Đó là chưa tính xem nó có phù hợp hay không, có thực sự tôn trọng các nghệ sỹ hay không? Nghệ sỹ họ phải có không gian nghệ thuật sang trọng để thể hiện tài năng, cảm xúc, để cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng nghệ thuật chứ không thể bạ đâu cũng là nhà hát!

Vì sao vấn nạn hội họp đã được nhà nước có văn bản chấn chỉnh, dư luận phê phán nhiều nhưng rồi đâu lại vào đó, như đá ném ao bèo? Nó là di căn của căn bệnh sính thành tích, sĩ diện hão, phô trương quyền lực, phô trương hình thức.

Để chống được vấn nạn này là điều vô cùng khó vì nó như đã là một thuộc tính xấu lan nhiễm trầm trọng vào các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đoàn thể. Nhưng dẫu sao, muốn tiến tới tiến bộ và văn minh thì cũng phải cắt bỏ để chữa trị cho bằng được.

Để dẹp bỏ được tình trạng này, theo thiển nghĩ của chúng tôi, phải đi từ gốc. Đó là ngăn chặn không để cho các căn bệnh đã nói ở trên có cơ hội bùng lên bằng các chế tài, bằng pháp luật. Đó là:

1.       Nghiên cứu để sửa đổi Luật thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn; Khen ít thưởng cao; Không đưa ra quá nhiều hình thức và danh hiệu thi đua; Đảm bảo thi đua khen thưởng phải khách quan, chính xác, trung thực; Thủ tục bình xét thi đua khen thưởng nghiêm túc nhưng không gây phiền phức, nhiêu khê.

2.       Đưa ra hạn mức kinh phí rất chặt chẽ cho việc hội họp. Xử lý nghiêm khắc các tình trạng chi sai vì/cho hội họp. Ai chủ trương chi sai thì người đó phải bù trả lại cho ngân sách nhà nước.

3.       Chính phủ cần có văn bản quy định cụ thể hơn về việc tổ chức hội họp từ nội dung, quy mô, đối tượng đến chi tiêu…đối với các cơ quan, đoàn thể có sử dụng ngân sách nhà nước.

4.       Và, trong lúc chưa có chế tài cụ thể, cần cho phép người được triệu tập có thể vắng mặt những cuộc họp không liên quan đến cơ quan, đoàn thể và cá nhân mình.

Cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm là chủ trương lớn mà chúng ta hô hào từ lâu nhưng làm chưa được bao nhiêu. Hãy chọn một việc dễ làm nhất để thực hiện. Đó là sửa lại việc họp hành trong mỗi cơ quan, đoàn thể sao cho thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và văn minh.

Thiết nghĩ đó là việc không khó. Cái chính là người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể có dám vượt qua những thói thường lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ cách làm của chúng ta!

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512549

Hôm nay

286

Hôm qua

2400

Tuần này

2486

Tháng này

219422

Tháng qua

121356

Tất cả

114512549