“Trong buổi tân cựu giao thời, ông Đặng Nguyên Cẩn cũng như ông Trần Quý Cáp, chính là người gieo mầm tân học trong nước….
Học thuyết Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu bấy giờ lan rộng ở xứ ta một phần lớn là nhờ sức tuyên truyền của ông”-
Thi Bằng
Đặng Nguyên Cẩntức Đặng Thai Nhẫn, thường gọi là Đốc Nhẫn,sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại một làng quê heo hút xưa có tên là Điền Lao, tức là làng chuyên cày trại và nuôi bò, về sau có người đỗ đạt ra làm quan mới được đổi thành làng Lương Điền thuộc tổng Bích Triều, nay thuộc xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An.Người có công đột phá đó là cử nhân Đặng Thai Giai, thân sinh Đặng Nguyên Cẩn.
Năm 1888, Đặng Thai Nhẫn đỗ thi hương trường Nghệ. Năm 29 tuổi, ông lấy tên Đặng Nguyên Cẩn, hiệu Thai Sơn, đi thi hội, đỗ phó bảng (1895).
Dân làng Lương Điền xưa nổi tiếng giàu truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Các cụ già thường nhắc nhở con cháu: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh còn chống giặc. Cả Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn không đầu hàng”. Làng từng được các cụ cần vương chọn làm nơi hội quân làm lễ tế cờ và là vùng hoạt động mạnh của nghĩa quân Phan Đình Phùng do tướng Cao Thắng trực tiếp chỉ huy.
Cả gia đình Đặng Nguyên Cẩn, từ cha chú đến các em ông đều dấn thân vào con đường chống Pháp cứu nước. Tinh thần chống Pháp của họ Đặng làng Lương Điền đã đi vào ca dao địa phương:
Khi nào hết cỏ Tam Thai
Thì đây họ Đặng hết người chống Tây.
Thân sinh Đặng Nguyên Cẩn là cụ Đặng Thai Giai (còn có tên là Đặng Thai Hài hay Đặng Thai Nham) đỗ cử nhân khóa Mậu Dần (1878), được bổ làm huấn đạo ở tỉnh Quảng Trị rồi thăng tri huyện huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, từ đó dân làng tôn kính gọi cụ là cụ huyện Đặng.Nhưng khi tổng đốc Thanh Hóa Trương Như Cương cùng hai viên bố chánh và án sát tỉnh Thanh đầu hàng giặc Pháp, mở cửa thành cho chúng vào chiếm đóng thì cụ treo ấn từ quan để phản đối.
Tại quê nhà, cụ gom tiền lập ba trại cày: trại Trảng Trùa và trại Đá Bía ở làng Lương Điền[1], và trại Phượng Hoàng ở làng Thu Thành2, để sản xuất lương thực cung cấp cho nghĩa quân Phan Đình Phùng do tướng Cao Thắng trực tiếp chỉ huy, đang hoạt động trong vùng.
Chính quyền thực dân Pháp thừa biết cụ mở trại sản xuất lương thực nuôi nghĩa quân nhưng không có cơ sở pháp lý buộc tội cụ. Cuối cùng chúng trắng trợn khám xét nhà và nhân phát hiện thấy một số bản đồ các nước, các tỉnh và tiền Đông Dương trong nhà cụ, chúng lấy cớ đó phạt tù cụ 3 năm giam ở Vinh. Lúc ra tù, mặc dù cụ đã cao tuổi, vẫn bị chúng quản thúc ở Vinh, không cho về quê. Đến lúc thấy cụ quá ốm yếu chúng mới chovề. Về nhà chưa được 10 ngày thì cụ qua đời.
Thân mẫu là cụ Đinh Thị Hoan, con gái một gia đình quyền quý thuộc dòng họ Đinh Nho nổi tiếng ở huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, là chị ruột quan nghè ngự sử Đinh Nho Điền, người đã tuẫn tiết khi kinh thành Huế thất thủ rơi vào tay giặc Pháp. Cụ Hoan là một phụ nữ hay chữ, thông minh, bản lĩnh và giàu lòng yêu nước. Đặc biệt, cụ nổi tiếng có tài đối đáp sắc sảo với bọn quan lại, cả ta lẫn Tây, khi chúng hoạch sách, hù dọa hòng lung lạc tinh thần của đối phương.
Khi Tú Hứa, con trai cụ, xin mẹ bí mật xuất dương hoạt động cứu nước, cứu dân, cụ dịu dàng bảo con trai:
“Ừ, con đi đi. Khi nào lấy lại được nước thì về với mẹ.”
Sau khi Tú Hứa đi rồi, một hôm viên án sát tỉnh Nghệ, nguyên là bạn học của Đặng Nguyên Cẩn, con trai cụ, đến dụ dỗ. Hắn nói: “Thưa cụ, cháu tưởng ông Tú nhà ta cũng hiểu rằng trong tình cảnh hiện nay, chữ trung thì xa mà chữ hiếu lại gần, cụ nên góp ý với ông Tú như thế nào?”
Cụ nhẹ nhàng đáp:
“Ông lớn nói thế là đúng sách thánh hiền rồi. Nhưng anh Tú nhà này trước ngày ra đi có nói với mẹ rằng: ‘Ngày xưa nói đến chữ trung là trung với vua. Ngày nay người ta chỉ biết trung với Tây, mà không hề nghĩ tới nước. Con xin mẹ cho phép con cố gắng đền ơn nước và lấy chữ trung thay chữ hiếu’”
Thế là viên án sát chào thua, cúi đầu xin phép cụ ra về.
Lại một hôm, Gạc Ne, quan Một, đồn trưởng đồn Nhím (ở gần làng Lương Điền), là lính lê dương, người Đức quốc tịch Pháp (dân địa phương gọi hắn là Một Ne), vào nhà gặp cụ bà huyện Đặng. Hắn vờ làm ơn báo tin rằng: “Ông Tú ở bên Xiêm túng thiếu, phải về nước kiếm tiền bất hợp pháp (ý nói: ăn cướp – NV), bị bao vây và bị lính bắn trọng thương, hiện đang bị giam giữ bên Hà Tĩnh.” Rồi hắn gợi ý nếu cụ muốn đi thăm con trai hắn sẽ giúp phương tiện đưa cụ đi. Cụ bình thản trả lời hắn:
“Khi anh Tú nhà này ra đi có hẹn với mẹ rằng ‘rồi đây nước nhà trở về với dân thì con mới về. Bằng không dù có chết ở bên đó con cũng vui. Nếu không mang được nước về cho dân thì con không bao giờ về’. Thế mà bây giờ ông đồn bảo rằng nó đi ăn cướp để kiếm tiền thì dù nó có bị bắn sắp chết, tôi cũng không thăm.”
Nghe đến đây, tên đồn trưởng Một Ne chỉ nhún vai, nhếch mép gượng cười, khẽ cúi đầu chào, lùi bước, rồi quay phắt nhảy phốc lên ngựa, phi một mạch về đồn. Có lẽ hắn không khỏi cảm thấy bẽ mặt.
Đặng Nguyên Cẩn có hai người em trai thì cả hai đều dấn thân vào con đường chống Pháp cứu nước. Người em trai thứ nhất là tú tài đầu xứ Đặng Thúc Hứa (còn có tên là Đặng Ngọ Sinh) xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) tập hợp Việt kiều làm cơ sở, mở trại cày, sản xuất lương thực để nuôi dưỡng, đào tạo cán bộ cách mạng. Người em thứ hai tên là Đặng Quý Hối (thường gọi là Nho Ba), là yếu nhân của phong trào Duy Tân – Đông Du của huyện Thanh Chương, từng bị đòi hỏi, bắt bớ và không ít lần bị giam cầm. Đặng Quý Hối có ba người con là Đặng Thai Đậu, Đặng Thị Quỳnh và Đặng Thị Hợp đã bí mật đi xuyên rừng Trường Sơn lên Lào, sang Xiêm (Thái Lan) cùng “làm cách mệnh”với bác ruột của mình là cụ Đặng Thúc Hứa.
Chú ruột Đặng Nguyên Cẩn là cụ Đặng Văn từng hoạt động đắc lực trong phong trào Cần Vương ở Nghệ Tĩnh. Cụ là liên lạc giữa chiến khu Vũ Quang (Hương Khê, Hà Tĩnh) với các căn cứ chống Pháp khác ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Có lần cụ được yết kiến vua Hàm Nghi và được nhà vua ban tặng một đồng tiền Hàm Nghi thông bảo (có ý nghĩa như một kỷ niệm chương ngày nay).
Em con chú của Đặng Nguyên Cẩn là bà Đặng Thị Ửu (tức Đặng Quỳnh Anh), con gái cụ Đặng Văn, cũng xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) “làm cách mệnh” cùng người anh con bác là cụ Đặng Thúc Hứa.
Cậu ruột (em trai mẹ) Đặng Nguyên Cẩn là quan nghè ngự sử, người đã tuẫn tiết khi kinh thành Huế thất thủ rơi vào tay giặc Pháp.
Con trai Đặng Nguyên Cẩn là giáo sư Đặng Thai Mai, tiếp tục truyền thống yêu nước của cha ông, từng có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đặng Nguyên Cẩn là nhà khoa bảng uyên bác nổi tiếng “hay chữ”. Thơ ông vừa tinh tế vừa hùng hồn. Đến như các bậc Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng cũng thán phục, ca ngợi. Trong tác phẩm “Thi tù tùng thoại” của mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng viết:
“Cụ Đặng là một nhà học rộng, sĩ phu Nghệ Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu, là một người bạn già thân thiết của cụ Sào Nam. Vóc người cụ nhỏ bé, mặt mũi đen sạm, ngoài văn học ra không biết một thứ gì. Tướng cụ xấu, nếu như không quen biết mà gặp cụ lần đầu tất cho là người chữ “nhất” là một cũng không biết, mà ai dè trong bụng như kho sách, khí át nghìn quân; cái ngòi bút cổ kim không ai sánh, cùng cái tướng quê đen sạm kia, hiệp thành cái lạ mà người đời hiếm có.”[2]
Sinh thời Đặng Nguyên Cẩn có sáng tác một số thơ văn. Một số bài đã được giới thiệu trong “Thi tù tùng thoại” của cụ Huỳnh Thúc Kháng và trong hợp tuyển thơ văn yêu nước đầu thế kỷ 20, như “Cảm tác”,“Khấp Ngư hải Đặng Thái Thân”,
“Cổ động Tân Học”,“Điếu Phạm Văn Ngôn”,“Tiễn Phan Sào Nam nam du”,“Đặng Lam Thành sơn hoài cổ phú”…
Đặng Nguyên Cẩn đặc biệt mê sách, không những mê đọc, mê nghiên cứu mà còn mê sưu tập. Suốt thời gian làm việc ở Quốc sử quán tại Huế, làm giáo thụ phủ Hưng Nguyên (Nghệ An) hay đốc học Hà Tĩnh rồi đốc học Bình Thuận, đi đâu ông cũng tìm mua sách và báo chí. Kết quả là ông đã xây dựng được một thư viện gia đình đồ sộ, được ông đặt tên là “Tam thai sơn phòng tàng thư”. Theo giáo sư Đặng Thai Mai, con trai ông,“Tam thai sơn phòng tàng thư” với ba, bốn nghìn ấn phẩm và một số không ít cáctài liệu chép tay là một thư viện gia đìnhthuộc loại lớn nhất nhì trong số thư viện gia đình ít ỏi của tỉnh Nghệ thời đó. Tiếc rằng cái thư viện quý giá này đã bị một viên sĩ quan Pháp thiêu trụi khi hắn kéo quân về làng Lương Điền, đóng quân ngay trong nhà cụ huyện Đặng để đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931.
Đặng Nguyên Cẩn vừa là bạn đồng niên, vừa là bạn đồng môn củanhà yêu nước tiêu biểuPhan Bội Châu. Hai người cùng sinh năm 1867[3], và cùng là học trò của thám hoa Nguyễn Đức Đạt, người làng Hoành Sơn(xưa gọi là Nam Hoa Thượng), tổng Nam Kim huyện Thanh Chương, nay thuộc xã Khánh Sơn huyện Nam Đàn. Hai người là bạn tâm giao, tri kỷ, nhưng con đường khoa hoạn của Phan Bội Châu có vẻ lận đận. Năm 1888, Đặng Nguyên Cẩn đỗ cử nhân trường Nghệ. Năm 1895, ông đi thi hội đỗ phó bảng, được bổ nhiệm làm trước tác Quốc sử quán ở Huế. Trong khi đó Phan Bội Châu thì vì mẹ chết sớm, phải ở nhà dạy học, phụng dưỡng cha già. Năm 1897, ông đi thi hương nhưng không may sơ ý mang sách vào trường thi, bị phạt suốt đời không được dự thi. May nhờ bạn bè vận động, ông mới được dự thi hương khoa Canh Tý (1900) trường Nghệ.Và kỳ diệu thay, ông đỗ giải nguyên với bài thi đạt điểm 20 ưu và bình lớn (loại xuất sắc– NV), trong khi bài của á nguyên Trần Đình Tuấn chỉ đạt 4 ưu và bình lớn. Do sự cách biệt quá lớn giữa bài của giải nguyên và bài của á nguyên, chủ khảo Khiếu Năng Tình cho niêm yết thành hai bảng. Một bảng dành riêng cho Phan Bội Châu. Còn lại 29 người, kể cả á nguyên, cho niêm yết chung vào một bảng.
Bái phục tài năng của Phan Bội Châu, tổng đốc An Tịnh (Nghệ Tĩnh) Đào Tấn tặng ông câu đối:
Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu
Độc danh nhất bảng thế gian vô
Nghĩa là:
Hai năm ba lần đỗ đầu (giải nguyên, hội nguyên, đình nguyên – NV) thế gian đã có
Còn yết riêng một mình một bảng thế gian chưa có ai được vinh dự đó.
Tình bạn của hai người gắn bó keo sơn. Hễ vì một lý do nào đó phải xa nhau thì họ nhớ nhau da diết đển mức mất ăn mất ngủ, trằn trọc thâu đêm, nghe như có phần ủy mị. Ta hãy nghe Đặng Nguyên Cẩn tâm sự khi tiễn Phan Bội Châu lên đường vào nam qua bài thơ chữ Hán (phiên âm) sau đây:
“Bắc Châu vị dĩ phục Nam Châu
Hồ Hải hào tâm bất chẳng thâu
Tự tiếu thử sinh do bạch diện
Khả vô kỳ khí ngạo thương châu;
Thai dương thái dược tầm cao sĩ
Trường lũy quan bi điếu Cổ Hầu
Độc hữu Tam Thai nhà tán hữu
Tương tư tịch tịch ý giang lâu.”
Bài thơ được cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch ra quốc ngữ như sau:
“Vừa ra Bắc đó lại vào Nam
Hồ Hải lòng hăng bước chửa nhàm
Tự nghĩ thân này còn mặt trắng
Há không khí lạ ngạo đời phàm;
Cổ Hầu lũy nọ tìm bia đá
Cao sĩ làng kia hái thuốc thơm
Còn lại Tam Thai người bạn cũ
Giang lầu ngồi tựa ngóng thâu đêm.”
Đặng Nguyên Cẩn và Phan Bội Châu còn là bạn đồng tâm cùng chí lớn.
Chính nhờ Đặng Nguyên Cẩn hồi còn là trước tác Quốc sử quán ở Huế giới thiệu mà hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền đã cho Phan Bội Châu mượn cuốn tân thư “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch và một số tân thư khác, giúp ông mở rộng tầm hiểu biết từ khi ông còn là một nho sĩ trẻ chưa có danh vọng khoa bảng gì. Phan Bội Châu viết:
“Tôi xem những sách ấy, tư tưởng thế giới của tôi bắt đầu nảy mầm và mới hiểu sơ qua về tình hình cạnh tranh trên thế giới và thảm trạng mất nước, nòi giống diệt vong”[4].
Đầu năm 1905, trước khi bí mật xuất dương sang Nhật tìm đường cứu nước, Phan Bội Châu từng ghé thăm Đặng Nguyên Cẩn tại nhà riêng ở Vinh (Nghệ An). Trước lúc chia tay, Đặng Nguyên Cẩn đã nói với Phan Bội Châu những lời tâm huyết như vừa thúc giục vừa hứa hẹn: “Ông phải đi ngay, còn việc cần kíp ở trong nước là mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài thì Ngô Đức Kế và tôi xin đảm nhận”4.
Rồi một dịp khác, khi Phan Bội Châu từ Nhật bí mật về nước, đêm đến, hai người đã chèo thuyền ra giữa sông Lam đàm đạo. Phan Bội Châu cho Đặng Nguyên Cẩn xem lá thư viết tay của Lương Khải Siêu hứa bí mật tổ chức viện trợ cho Việt Nam. Nhân dịp này, Đặng Nguyên Cẩn đã đề xuất ý tưởng vận động thành lập các phường hội như Hội cày, Hội học, Hội buôn, Hội công để tập hợp quần chúng, góp phần chấn hưng đất nước (theo Nguyễn Văn Hoàn, nđd).
Thực tế là về sau, năm 1907, Đặng Nguyên Cẩn đã cùng Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá mở Triêu dương thương điếm ở Vinh (Nghệ An), buôn bán hàng nội hóa và tân thư của Đông kinh nghĩa thục, nhằm cổ súy duy tân – tân học, chấn hung thương nghiệp đồng thời gây quỹ cho hội Duy Tân do Phan Bội Châu sáng lập.
Sở mật thám của toàn quyền Đông Dương thừa biết Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế mở thương điếm là nhằm gây quỹ cho hội Duy Tân của Phan Bội Châu nên Triêu dương thương điếm chỉ hoạt động được nửa năm thì bị chính quyền thực dân Pháp bắt đóng cửa. Và cùng năm đó, Đặng Nguyên Cẩn bị chuyển vào cực nam Trung Kỳ làm đốc học tỉnh Bình Thuận.
Đặng Nguyên Cẩn là nhà khoa bảng sớm[5] có tư tưởng Duy Tân, là người gieo mầm tân học ở nước ta.
Saukhi đỗ phó bảng, nhờ nổi tiếng “hay chữ”, ông được bổ làm trước tác Quốc sử quán ở Huế. Trong thời gian làm việc ở kinh đô, ông có dịp làm quen với nhiều chí sĩ duy tân trong nam ngoài bắc như Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trình, Đào Nguyên Phổ.
Thư phòng chật hẹp của ông ở nội đô trở thành nơi gặp gỡ của các bạn bè cùng chí hướng, đàm đạo văn chương, thơ phú, thế sự trong và ngoài nước.
Cũng trong thời gian làm việc ở kinh đô, ông có điều kiện nghiên cứu các tân thư tân văn Trung Quốc được các thương gia Hoa kiều thời đó bí mật đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu Hải Phòng, Hội An. Qua nguồn tân thư này, Đặng Nguyên Cẩn cũng như các nho sĩ trẻ Việt Nam thời đó bắt đầu mở rộng tầm hiểu biết về những gì đang xảy ra trên thế giới, đặc biệt là công cuộc Duy Tân ở Nhật Bản, thông tin Nhật Bản đánh thắng nước Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật 1905. Lần đầu tiên người da vàng đánh thắng người da trắng. Tin này khích lệ mạnh mẽ các nho sĩ trẻ Việt Nam yêu nước. Học thuyết Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu[6] nhờ vậy được phổ biến rộng rãi ở nước ta thời đó. Phong trào duy tân – tân học đầu thế kỷ 20 diễn ra như một trào lưu ái quốc ở nước ta là một phong trào sôi nổi, mạnh mẽ. Nó thể hiện khát khao của giới nho sĩ trẻ nước ta đòi hỏi phải duy tân nhằm chấn hưng đất nước
Để truyền bá rộng rãi tư tưởng duy tân và vận động giới trẻ học tân học, con đường tốt nhất là thông quahoạt động giáo dục– Đặng Nguyên Cẩn nghĩ vậy. Bởi thế, sau một thời gian làm việc ở Quốc sử quán tại Huế, ông lấy lý do cha mẹ già yếu cần được phụng dưỡng để xin về dạy học ở gần nhà, có điều kiện chăm sóc.
Lúc đầu ông về làm giáo thụ phủ Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), sau thăng lên đốc học tỉnh Hà Tĩnh.
Chính nhờ tác động trực tiếp của ông mà họ Đặng làng Lương Điền đã đi tiên phong trong việc mở trường tân học để dạy cho con em trong gia đình, dòng tộc và con em của những gia đình tình nghi, bị liệt vào hàng cừu gia tử đệ. Theo Hồi ký Đặng Thai Mai (NXB Văn nghệ TPHCM), trường dạy đủ các môn: chữ Hán, quốc ngữ, văn học, sử học, toán, cách trí (khoa học), v.v. thậm chí còn dạy cả môn thể dục, là môn mà theo hồi ký Đặng Thai Mai, hồi đó ngay ở các tỉnh thành nhiều nơi chưa dạy. Điều thú vị là đến giờ thể dục, thầy giáo cầm sách Tàu hô dõng dạc các thuật ngữ bằng chữ Hán (có lẽ để cho trang nghiêm) như: Lập chính! (Đứng nghiêm); Cấp bộ tẩu! (Chạy); Song thủ tề cử thức! (Đưa hai tay lên ngang bằng); Song thủ bình khuyên thức! (Đưa hai tay quay vòng ngang) v.v. do đó gây tò mò cho dân chúng và bị chính quyền địa phương nghi làtrường dạy võ Nhật Bản. Cuối cùng khi về quê ăn Tết, các thầy bị tỉnh “đòi” lên, hiểu thị, rồi ra lệnh cấm không được lên Thanh Chương dạy học nữa! Trường phải đóng cửa.
Suốt trong thời gian làm giáo thụ ở phủ Hưng Nguyên (Nghệ An) rồi đến đốc học Hà Tĩnh, đi đâu ông cũng đưa cái mới dạy cho học trò, ra sức truyền bá tư tưởng duy tân, cổ súy cho nền tân học, khêu gợi lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước cho giới trí thức trẻ. Có lẽ đấy là lí dovì sao ông bị đẩy vào tận cực nam Trung Kỳ xa tít làm đốc học tỉnh Bình Thuận.
Trong thời gian làm đốc học tỉnh Bình Thuận, ông đã cùng một số nhân sĩ yêu nước như Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất, Nguyễn Trọng Lỗi thành lập trường Dục Anh ở Phan Thiết do ông làm hiệu trưởng. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tức chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) trước khi xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, từng dạy học ở trường này.
Năm 1908, trong khi Đặng Nguyên Cẩn đang làm đốc học Bình Thuận, thì khắp Trung Kỳ, nhất là ở hai vùng Nam Ngãi và Nghệ Tĩnh nổ ra phong trào xin sưu đòi giảm thuế. Bọn khâm sứ Pháp hoảng sợ. Nhân dịp này chúng quyết ratay trừng trị các nhà khoa bảng tiến bộ, buộc tội họ xúi giục nông dân nổi loạn âm mưu chống lại nhà nước bảo hộ. Sự thật là chúng sợ phong trào Duy Tân sẽ khơi gợi lòng tự tôn dân tộc, tinh thần ái quốc và sẽ dẫn tới việc đấu tranh chống lại chế độ thực dân. Do đó các yếu nhân của phong trào Duy Tân bị chúng đàn áp, bắt bớ, tù đày, cấm hoạt động. Đốc học Trần Quý Cáp bị chém ngang lưng. Đốc học Đặng Nguyên Cẩn bị cách chức, giải về Hà Tĩnh giam, chờ xét xử.
Tòa án Nam triều do Cao Ngọc Lễ[7], án sát Hà Tĩnh, chủ trì theo lệnh của tên khâm sứ Pháp Doucet, kết án tử hình hai ông cầm đầu phong trào chống thuế ở Hà Tĩnh là Nguyễn Hoàng Chi và Trịnh Khắc Lộc, và phạt tù khổ sai chung thân, đảy Côn Đảo tất cả bị cáo là các nhà khoa bảng gồm Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, khép họ vào tội xúi giục nông dân nổi loạn, âm mưuchống lại nhà nước bảo hộ.
Riêng đối với Đặng Nguyên Cẩn, Cao Ngọc Lễ còn dở trò truy vấn vặn vẹo.
“Cái tên Triều Dương thương điếm phải chăng có ý chầu Nhật, chống chính phủ bảo hộ?”– Cao Ngọc Lễ hỏi.
Nhưng Đặng Nguyên Cẩn bằng lời lẽ sắc bén đã cho hắn một cái tát văn chương chữ nghĩa. Ông nói:
“Triêu Dương chứ không phải Triều Dương. Triêu Dương là đặt theo chữ Triêu Dương Minh Phượng, nghĩa là con chim phượng hoàng cất tiếng hót lúc rạng đông, hàm ý một thời đại mới huy hoàng”.
Hắn lại hỏi: “Truyền bá tân học, đề xướng duy tân nhằm mục đích gì?”
Đặng Nguyên Cẩn đĩnh đạc đáp:
“Truyền bá tân học là muốn cho dân ta cũng sẽ được văn minh như người Âu”.
Lại thêm một cái tát nữa vào mặt tên tay sai của thực dân Pháp.
Lúc mới ra đảo, không riêng gì Đặng Nguyên Cẩn mà các nhà khoa bảng khác đều bị bọn tù phạm đủ loại ở đây coi khinh, thậm chí ức hiếp, bắt nạt. Nhưng rồi hình như những người này cũng nhận ra rằng các tù quan là những người hay chữ, hiền lành nên họ dần dần tỏ ra có phần kính nể, và thái độ cư xử của họ cũng có phần tử tế hơn.
“Một hôm một nữ tù ngó bộ còn trẻ, trông cũng xinh xinh, lân la làm quen với các tù quan rồi bất chợt hỏi: ‘Trong các ông ai hay chữ nhất?’. Mọi người cười rộ lên rồi chỉ vào ông Thai Sơn. Cô liền đưa tặng ông mấy miếng trầu và một gói thuốc, với mấy lời hỏi han dịu dàng và một nụ cười trìu mến…trước khi mỗi người một ngả. Rồi ra những dịp may mắn ngắn ngủi ấy chỉ tổ làm cho thực tế phũ phàng thêm cay đắng. Nhưng dẫu sao đấy cũng là một kỷ niệm êm đềm đầy tình người” (Hồi ký Đặng Thai Mai – sđd, tr.43-44). Vả lại các cụ tuy trong ngục tù lầm than nhưng vẫn khẳng khái, giữ trọn tiết tháo nhà nho.
Đặng, Huỳnh, Ngô ba bốn bác hàn huyên
Khi chén rượu,khi câu thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khẳng khái
Phan Bội Châu
Đặng Nguyên Cẩn giao lưu rộng rãi với nhiều nhà khoa bảng yêu nước, các chí sĩ duy tân trong nam ngoài bắc. Nhưng trong số các bạn bè đồng chí hướng, ngoài Phan Bội Châu ông có hai người bạn chí thân là hai bạn tù Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng. Cả ba người cùng bị án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo, cùng bị đày ra đảo trên một chuyến tàu vào tháng 9/1908,rồi ra tù cùng một ngày và trở về đất liền trên cùng một chuyến tàu vào tháng 1/1921.
Ra tù, Đặng Nguyên Cẩn về sống với mẹ già được hai năm thìnăm 1923 qua đời ở tuổi 56, để lại biết bao tình thương nơi người thân, bạn bè đồng chí.
Đặng Nguyên Cẩnlà con người tài hoa, được nhiều người mến mộ. Giới sĩ phu Nghệ Tĩnh xem ông như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu. Thế nhưng dường như cái thuyết “tài mệnh tương đố” đã vận vào con người nổi tiếng “hay chữ này”. Hồi nhỏ, Đặng Thai Mai, con trai ông, từng một đôi lần nghe ông Nho Ba, chú ruột cậu, nhận xét rằng: “Cái số của thầy cháu cung thê thiếp nhoọc[8] thật đấy”. Quả vậy, ôngđã phải qua 5 đời vợ mới có được hai mặt con. Bà vợ đầu chết sớm, chưa kịp sinh con. Bà vợ thứ hai bỏ đi lúc gia đình gặp hoạn nạn khi Tây lấy tỉnh Nghệ. Bà thứ babỏ đi với lí do tính tình không hợp. Bà thứ tư cưới sau khi đỗ phó bảng, sinh được một con gái, bị bệnh hiểm nghèo chết cả mẹ lẫn con. Đến năm 36 tuổi, ông mới cưới bà vợ thứ năm, trong khi làm giáo thụ ở phủ Hưng tỉnh Nghệ, sinh được một trai một gái đặt tên là Đặng Thai Mai và Đặng Thị Mỹ. Nhưng rồi vì tham gia hội Duy Tân, cổ súy tân học, ủng hộ phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, Đặng Nguyên Cẩn bị chính quyền thực dân Pháp và Nam triều bắt, kết án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo. Tuyệt vọng trong cảnh ngộ ngặt nghèo: chồng bị tù suốt đời, buồn cho số phận nghiệt ngã, vợ ông đành “trả” con trai cho ông bà nội nuôi dưỡng rồicùng đứa con gái bé bỏng mới lên ba ở lại luôn bên ngoại, không một ngày về quê chồng thăm đứa con trai đầu lòng tội nghiệp mà mình đã đứt ruột đẻ ra. Nghe nói về sau bà cải giá và bé Mỹ, con gái bà, cũng không sống cùng với mẹ mà được bà con bên ngoại ở huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh đùm bọc cưu mang.
Đặng Nguyên Cẩn là nhà khoa bảng hăng hái truyền bá tư tưởng duy tân cổ súy cho nền tân học, góp phần to lớn vào phong trào truyền bá tư tưởng duy tân – tân học ở nước ta như một trào lưu ái quốc đầu thế kỷ 20, được giới sĩ phu tôn kính và ngưỡng mộ. Trong tác phẩm “Thơ văn và các chí sĩ Việt Nam”, NXB Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng in năm 1939, tác giả Thi Bằng viết:
“Trong buổi tân cựu giao thời, ông Đặng Nguyên Cẩn cũng như ông Trần Quý Cáp, chính là người đã gieo mầm tân học trong nước. Giữa lúc các chí sĩ khác, kẻ lên núi, kẻ xuất dương, ông lần lượt làm giáo thụ phủ Hưng Nguyên (Nghệ An) rồi nhậm chức Đốc học Hà Tĩnh, Đốc học Bình Thuận. Đi đến đâu ông cũng đem tư tưởng mới ra dạy cho học trò. Học thuyết Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu bấy giờ lan rộng ở xứ ta, một phần lớn là nhờ sức tuyên truyền của ông. Ông đã rèn luyện nhiều học trò xuất sắc như Ngư Hải Đặng Thái Thân, Tùng Nham Phạm Văn Ngôn.”[9]
Để tôn vinh ông như một chí sĩ duy tân, người gieo mầm nền tân học nước nhà, cả hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như thành phố Buôn Mê Thuật và thành phố Vinh quê ông, đều có đường phố mang tên Đặng Nguyên Cẩn.
NCL
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Họ Đặng ở Lương Điền, tác giả TS. Nguyễn Hồng Lam, NXB Văn hóa Dân tộc – 2005.
2. Hồi ký Đặng Thai Mai, NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh – 2001
3. Kỷ yếu Thanh Chương: Đất và Người – 2005
4. Thanh Chương: Xưa và Nay, NXB Khoa học Xã hội – 2010
5. Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, NXB Chính trị quốc gia – 2005
[1]Hai làng Lương Điền và Thu Thành xưa thuộc xã Vấn Điền tổng Bích Triều huyện Thanh Chương.Cụ huyện Đặng do đó là dân bản quán nên có quyền khai hoang lập ấp ở cả hai làng. Hiện dưới chân núi phía đông Động Tam Thai (xưa thuộc xã Vấn Điền), có một trọt ruộng gọi là trọt Cụ Huyện. Đó là ruộng do cụ huyện Đặng khai phá từ thời cụ mở trại Phượng Hoàng ở vùng này. Nay làng Lương Điền thuộc xã Thanh Xuân, làng Thu Thành thuộc xã Thanh Lâm huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An.
[2]Trích theo Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 – 1975), trang 37, NXB Chính trị quốc gia – 2005
[3]Có tài liệu nói Đặng Nguyên Cẩn sinh năm 1866, hơn Phan Bội Châu 1 tuổi.
[4]Trích theo tác giả Nguyễn Văn Hoàn, Thanh Chương Xưa và Nay - 2010, tr.250-251
[5]Nói “sớm” là “sớm” so với cái mốc thời gian 1919 khi nước ta bãi bỏ hệ thống Hán học cổ hủ, chứ so với các nước Nhật Bản, Cao Li, Trung Quốc thì nước ta bỏ hệ thống Hán học quá muộn. Nhật Bản bỏ năm 1868 (trước ta hơn nửa thế kỷ), Cao Li bỏ năm 1894 (trước ta trên 25 năm), Trung Quốc bỏ năm 1900 (trước ta gần 20 năm).
[6]Sau chiến tranh Trung – Nhật, ở Trung Quốc xuất hiện một trào lưu cải cách tư sản mạnh mẽ. Trào lưu này có hai nhánh: nhánh “Cương học hội” do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đứng đầu, chủ trương cải cách, duy tân (đổi mới) chế độ phong kiến Mãn Thanh, tiến tới chính thể Dân chủ tư sản. Nhánh “Hưng trung hội” do Tôn Trung Sơn đứng đầu, chủ trương tập hợp các trí thức Tây học, đánh đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh, lập chính quyền Tư sản Cộng hòa dân quốc.
[7]Cao Ngọc Lễ nguyên là học trò củanhà văn thân yêu nước nổi tiếng Tổng Duy Tân ở Thanh Hóa, nhưng hắn đã cam tâm làm tẩu cẩu cho chính quyền thực dân, lập mưu bắt sống thầy học nộp cho giặc Pháp và cụ Duy Tân bị xử tử. Riêng với Đặng Nguyên Cẩn, hắn là chỗ quen biết từ hồi làm việc ở Huế và có lần nghe tin Đặng Nguyên Cẩn được cử đi chấm thi hương ở Thanh Hóa, hắn đã “hạ cố” đến nhà thăm Đặng Nguyên Cẩn, để lo lót cho con trai hắn đỗthi hương, nhưng chuyện không thành vì Đặng Nguyên Cẩn từ chối nhận “quà biếu”.
[8]nhoọc: tiếng địa phương, có nghĩa là vất vả
[9] Trích theo GS. Nguyễn Văn Hoài, tác giả bài “Về văn hóa dòng họ Đặng ở Lương Điền”, kỷ yếu “Thanh Chương Đất và Người – 2005”, trang 335