Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, có vai trò quan trọng. Thanh niên là tương lai của đất nước. Nhận thức của thanh niên về Đảng có một vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu và kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng (1930-2017), Diễn Đàn Trẻ - Tạp chí Văn hóa Nghệ An xin chia sẻ suy nghĩ của một số bạn trẻ trong nước về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của quý vị đọc giả. Mọi ý kiến xin gửi về E-mail: trangdoanphan1412@gmail.comhoặc Facebook: Diễn Đàn Trẻ - Tạp chí Văn hóa Nghệ An.
Hồ Thành Tâm
Giảng viên, ĐHKHXH&NV Hà Nội
Nghị quyết 4 đã chỉ ra được những nguyên nhân của sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ Đảng viên hiện nay. Hy vọng Đảng sẽ có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục, xóa bỏ tình trạng đó. Nhiều năm trở lại đây, vì nhiều lý do, mà một bộ phận giới trẻ sa đà vào lối sống ích kỷ, cá nhân, quá chú trọng đến cái tôi mà quên đi cộng đồng, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Đó là vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất khiến đạo đức, lối sống ở giới trẻ hiện nay bị suy thoái. Những người trẻ tuổi cần phải tự nhìn nhận lại bản thân, lối sống và tư tưởng của mình và về vai trò của họ đối với đất nước, dân tộc. Thanh niên là một bộ phận rất quan trọng trong một chỉnh thể xã hội Việt Nam, nếu như họ không thực hiện, phát huy tốt vai trò của mình thì sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền đến các tầng lớp khác. Nếu cứ mãi chìm đắm trong lối sống vị thân, vị lợi thì sớm muộn họ sẽ đánh mất đi vai trò là động lực, mà ngược lại, sẽ trở thành trở lực của của xã hội. Tôi hy vọng rằng những nghị quyết, giải pháp mà Đảng đưa ra thực sự đi sâu vào cuộc sống, thực tiễn xã hội. Đảng viên phải là những người đi tiên phong, gương mẫu chấp hành những các nội dung nghị quyết. Đảng sẽ thực sự nghiêm khắc kỷ luật những đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, gây tổn hại cho lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, làm mất uy tín của Đảng.
Lương Thị Vân
Sinh viên, Nghệ An
Xã hội đang diễn biến rất phức tạp. Đảng có nghị quyết về chống suy thoái, tha hóa đạo đức các đảng viên. Nhưng sự suy thoái, tha hóa đạo đức lối sống thì cần cả xã hội cùng chống, mọi con người đều phải chống. Thanh niên lại càng phải quan tâm hơn đến vấn đề này. Hiện nay, gần như tôi thấy thanh niên sống ít có lý tưởng, ít có hoài bão. Mà những người có lý tưởng, hoài bão tốt đẹp quá lại bị những người khác cười nhạo, xem như “trên trời rơi xuống”. Phần lớn lại sống chạy theo vật chất, theo đồng tiền, bán mọi thứ có thể để lấy tiền. Rồi cắm đầu vào để hưởng thụ mà quên mất muốn hưởng thụ thì trước hết phải lao động. Tương lai của đất nước mà chỉ có hưởng thụ thì ai sẽ lao động, ai sẽ xây dựng đất nước? Hơn ai hết, tuổi trẻ cần sống có hoãi bão, yêu con người và sống cho người khác nhiều hơn. Năm mới tôi mong rằng Đảng không chỉ nói hay mà làm cũng tốt, nói là làm, hành động thật sự nghiêm túc. Và hy vọng nhiều hơn nữa về sự thay đổi của mọi người, sống trách nhiệm và nhiều lòng yêu thương hơn, để cuộc sống nhẹ nhàng, yên tâm hơn.
Đặng Ngọc Hà
Cán bộ nghiên cứu, ĐHQGHN Hà Nội
Những nhận định mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đưa ra rất sát với tình hình thực tế đất nước hiện nay. Nó cũng cho thấy tính cấp bách trong việc tăng cường chỉnh đốn Đảng. Trong 30 năm Đổi mới vừa qua, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, với vai trò là người lãnh đạo thì sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, trong nội bộ Đảng trở thành trở ngại to lớn cho sự phát triển của đất nước. Trước tình hình mới của thế giới, những vấn đề đang đặt ra với đất nước, mong muốn, hi vọng thì rất nhiều, nhưng tôi chỉ muốn bày tỏ suy nghĩ về hai vấn đề. Thứ nhất, đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền. Vị hoàng đế anh minh Lê Thánh Tông đã từng nói: “Nếu ai dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”, giá trị của tình yêu nước cũng chính là việc giữ vẹn toàn bờ cõi, sự vẹn toàn của non sông, cương vực đều là mong mỏi của toàn dân tộc. Mong muốn Đảng, Nhà nước cần có chính sách toàn diện để bảo vệ chủ quyền như việc khuyến khích các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu về lịch sử chủ quyền, khuyến khích các luận văn, luận án tìm hiểu về cương vực đất nước; đến việc chăm lo hơn nữa cho đồng bào sống ở khắp miền biên cương từ châu thổ, núi cao đến hải đảo, hỗ trợ hơn nữa cho những ngư dân vẫn đêm ngày bám biển giữ trọn biên cương. Về ngoại giao, cũng mong muốn Đảng, Nhà nước có các biện pháp mạnh mẽ hơn, thật quyết đoán, “dĩ bất biến ứng vạn biến” để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Thứ hai, Đảng phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa đề bài trừ tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong suốt lịch sử 87 năm của mình, Đảng đã quá thấu hiểu câu nói của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi “người chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, và phải càng thấu hiểu hơn “lật thuyền mới biết dân như nước”. Tham nhũng, lợi ích nhóm đã trở thành quốc nạn của đất nước, đã bao nhiêu năm qua nhân dân đấu tranh cho độc lập, hòa bình, thống nhất, nhưng giờ đây quốc nạn này lại làm họ mất niềm tin vào chính sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, để củng cố niềm tin của toàn dân tộc, để “giữ thuyền”, không còn cách nào khác, mong Đảng sáng suốt, tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để chặn đứng và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đặng Thị Hiến
Giáo viên, TP Cao Bằng
Là người vùng cao, tôi ít quan tâm sâu đến những nghị quyết hay đường lối của Đảng nên không dám nhận định gì nhiều về Nghị quyết các bạn đang nói đến. Và nhiều năm qua, những gì tôi nghe là những thứ lý thuyết, nghe rất lý tưởng nhưng ít khi được thực hiện nghiêm túc và cũng ít người dân quan tâm lắm. Còn những cái tôi thấy thì lại khác. Thanh niên vùng cao hiện nay không có việc làm rất nhiều, một bộ phận đi làm cửu vạn, một bộ phận còn chẳng có việc gì làm. Tệ nạn xã hội tăng cao, số người nghiện ma túy nhiều hơn. Nghe đâu tăng tuổi nghỉ hưu lên nữa thì thanh niên thất nghiệp sẽ tăng lên cùng. Đó cũng là thêm một nỗi lo. Kinh tế xã hội cũng nhiều bất cập, nhà nước cho nướ ngoài đầu tư ở vùng cao nhưng người dân được hưởng ít mà chịu thiệt thì nhiều. Chính sách hỗ trợ, ủng hộ người nghèo, vũng lũ thì nhiều nhưng đến được với người dân thì chẳng bao nhiêu, lại dễ gây mất đoàn kết cộng đồng. Năm mới, mong rằng những gì mà Đảng nói trong nghị quyết đều được Đảng hành động đúng như vậy, làm việc nghiêm túc để dân đỡ khổ. Và thêm mong muốn nữa là cải cách chế độ lương bổng cho nghề giáo để có nhiều giáo viên gắn bó với nghề, với vùng cao hơn.
Lê Thị Hằng
Công chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội
Theo tôi thấy, Nghị quyết 4 đã đánh giá tình hình và nguyên nhân; nhận diện 27 biểu hiện trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống, 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Xác định mục tiêu kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; đề ra 4 nhóm giải pháp chính trong đó có nhiều giải pháp cụ thể. Tuổi trẻ cần tiếp lửa tinh thần của Nghị quyết, mỗi cá nhân tích cực rèn luyện bản thân, xây dựng cho mình có bản lĩnh chính trị tốt, phong cách, đạo đức cách mạng để đáp ứng yêu cầu trong trong tình hình mới. Để đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, bản thân mỗi chúng ta nên tham gia các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện, các hoạt động xã hội, làm những công việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu thương con người, biết chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh. Tôi cũng mong rằng Đảng sẽ thực sự kiên quyết, kiên trì và nghiêm túc trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ. Mong muốn sự thống nhất tư tưởng, lời nói và trách nhiệm trong hành động của mỗi đảng viên. Chỉ có như vậy mới củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và đảng viên, làm cơ sở cho đất nước phát triển mạnh mẽ trên con đường hội nhập.