Người xứ Nghệ

Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (1824-1874)

Nguyễn Hữu Lập tự là Thiếu Tô, hiệu Nọa Phu, quê xã Trung Cần, nay là đội 10 xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ông đỗ Giải nguyên khoa thi năm Canh Tuất triều Tự Đức (1850). Đến năm Nhâm Tuất (1862) ông thi Hội, thi Đình và đỗ đình nguyên Hoàng giáp. Thân Phụ ông là Cử Nhân Nguyễn Trọng Dực (1799-1858), hiệu Tô Lâm, từng giữ chức Giám sát ngự sử, nhưng đã cáo quan về nhà dạy học và làm thuốc. Chú ruột ông là Thám hoa Nguyễn Văn Giao (1812-1865), hiệu Quất Lâm, là một nho sĩ nổi tiếng văn chương đương thời, hiện còn một số tác phẩm để lại.

Ngay khi chưa thi đỗ đại khoa, ông Quất Lâm đã có công dạy dỗ, kèm cặp người cháu ruột của mình, nên khi mới 17 tuổi, Nọa Phu đã dự khoa thi Hương. Đến khoa thi Hội, thi Đình, bài văn sách của Nọa Phu được đánh giá xuất sắc và được xếp thứ nhất. Bài thi Đình của ông  Nguyễn Hữu Lập hiện còn giữ được. Đề bài do vua Tự Đức ra bằng chữ Hán. Dịch như sau  (2) :

 “ Chế sách nói rằng : Hỡi ôi, ta là kẻ thơ ấu, tạm giữ ngôi lớn, không tài không đức, không kinh không thành, mịt mờ về lí giữ yên phòng hoạn, khi động khi tĩnh, có nhiều diều sai lầm, để đến nỗi trên được trời trách phạt, dưới chuốc lấy oán thù, tai dị hằng thấy, tội lỗi rất nhiều. Nam Kì thì giặc Tây lấn cướp, Bắc Kì thì bọn phỉ lăng loàn. Đánh dẹp chưa ngơi, khuya sớm không yên. Tuy rằng, trong triều còn có người lão thành, mà sức chẳng theo lòng, ngoài quận có quan lại giỏi, mà chưa thật xứng đáng, làm cho quân mệt, của thiếu, năm tháng chồng thêm. Trong không thể sửa sang, ngoài không thể đánh dẹp, chỉ có lo lắng làm cho già nua. Đã bao lần hạ chiếu cầu hiền, mở rộng đường nói năng, khốn nổi tài thực chưa thấy, chước hay chưa nghe, như qua sông to ai là chèo lái ?. Vỗ đùi than thở, chốc lát khôn quên. Vả chăng đời nào chẳng sinh người tài, trong ấp mười nhà ắt có người trung tín. Cho nên trẫm mời rộng các vị sĩ phu, khiêm tốn nghe lời kì dị. Trẫm nghĩ rằng, vua tôi các đời trước, cùng nhau lo việc trị nước, những người thánh quân hôn chủ chẳng còn phải bàn làm gì, còn nữa không ai không muốn  làm cho hết đạo, để lại tiếng tốt cho ngàn đời sau. Nhưng xét ra, mọi việc dùng người, hành chính, trị bình,, lí tài thêm bớt có khác nhau, sai đúng cũng hằng thấy. Có người im lặng mà trị yên, có người chế tác mà suy đốn. có người không học mà hưng thịnh, có người ưa đạo Nho mà suy vi, cvos người nghiêm minh mà cực thịnh, có người khoan hậu mà suy dần, có người trước sáng mà sau mờ, có người đầu nên mà cuối hỏng, có người hiếu danh mà được tiếng tốt, có người mến xưa mà lỗi lầm, có người công khác mà việc giống nhau, có người công giống nhau mà việc lại khác, có người dò biết răn đe  dấu xe đổ mà rốt cục ít nên, có người hành vi bất cận nhân tình mà mịt mờ nẩy loạn, cùng với ba chước ngự nhưng chẳng qua là “ Giữ, đánh, hòa”, ba phương pháp ấy mà thôi.. Nhưng có lúc lợi cho chổ này mà không lợi cho chổ khác, có việc hợp với đời xưa mà không hợp với đời nay. Thế thì cái cơ trị loạn đều do con người làm nên, mà xét trong kinh sử lại có nhiều chổ khác nhau giống nhau. Nắm lấy cả hai mà dùng cho thích trung, thì hoặc lấy hoặc bỏ phải như thế nào ?. Trị cơ, phòng hoạn nên theo đàng nào ?.Trẫm nay công việc bề bộn, chuyện cũ không nhớ, còn thì giờ đâu dẫn dụng điển cố cho nhiều, bàn cãi cho thêm nhọc ?.Phương chi, hiện nay sự thể đáng lo, so với trước kia càng gấp bội. Cho nên, trẫm mong được nghe lời phải ngay, may ra giải thoát được ca nguy hiểm !.

Các ngươi nghe nhiều, nhớ lắm, có lòng giúp vua yên dân, ban đầu mới ra làm quan vốn chẳng có gì phải kiêng cữ. Vậy hãy vì trẫm mà trình bày hết cái lẽ trị loạn qua các triều đại, cái lí do vì sao chính sự khi sai khi đúng và các điều quan yếu hiện nay về các mặt : tiêu tai, dẹp loạn, trị bình,, lí tài, chọn tướng,tiến hiền, yên dân, chống giặc. .,cốt làm sao cho sát với sự cơ, có thể bổ ích cho thực dụng, để rồi, trên nhờ mệnh trời dài lâu, dưới thỏa tâm tình quần chúng, nước nhà được trị yên dài lâu, trẫm thực rất lấy làm trông mong vậy !. Người nào có khả năng chỉ rõ lỗi lầm cuả trẫm, nói cho thẳng thắn, câu cho hết lời, trẫm đều cho phép!         (1).

Trong bài làm Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập đã vận dụng kiến thức sách vở, đối chiếu với thực tế nước ta thời bấy giờ để giải đáp những vấn đề mà vua Tự Đức đã nêu trong đề thi. Bài văn sách của ông Nguyễn viết bằng chữ Hán, dài gần 3000 chữ, có một số kiến giải khá sắc sảo, độc đáo, nên được xếp loại ưu. Về quan điểm đối với thực dân Pháp xâm lược, ông Nguyễn viết : “. . .Nước ta với giặc Tây vốn chẳng hiềm khích gì, thế mà ba, bốn năm lại đây nó xâm lược ven biển của ta, bắt đầu sinh sự ở Quảng Nam, tiếp đó cướp phá ở Gia Định. . . Lấy lí mà nói nó cong ta thẳng.... Giặc Tây giảo trá khó lường. Ở Quảng Nam trước đây ban đầu giảng hòa với chúng, liền có việc đánh vào Nại Hiên. Ở Gia Định trước đây ban đầu thương  thuyết với chúng, liền có việc đánh vào Mai Sơn, đó đều là kinh nghiệm đã qua, rất rõ rệt vậy. Thế thì hòa ước vừa đây cũng không thể được lâu.” Rồi ông nhận xét “. . .Mọi rợ không có tình, chó dê không có tín, vương giả đời trước vốn để chúng ra ngoài.” Và ông nêu lên ý kiến : “Cho nên mưu chước chống chúng bất tất phải hòa, mà nhất thiết phải giữ. Chưa nói đánh mà trước đã nói giữ. Đó là lấy đánh để mà giữ, lấy giữ để mà đánh. Kế hay tự nhiên ở trong đó !.”. Ông lập luận thêm : “ Thần nghĩ rằng, việc hòa hảo rốt cục không thể tin cậy và tất nhiên lại phải đánh nhau. Có điều đánh chưa lợi thì phải giữ để cầm cự. Sự tình như thế mà mình không nghiên cứu trước, không vận dụng có thứ tự thì sợ rằng không phải là chước vạn toàn.”. Để giải quyết vấn đề lấy quân đâu để đánh, lấy tiền đâu để dùng mà vua Tự Đức nêu ra trong đề thi. Ông Nguyễn cho rằng : “ Quân lính Bắc Kì phần nhiều yếu đuối, rụt rè. Quân lính Nam Kì thì việc phòng ngự đang cần kíp. Nước nhà chỉ trông cậy vào quân kinh kì và Nghệ Thanh mà thôi. Không điều động thì không biết nhờ vào lực lượng nào, mà điều động hết thì lại sợ các xứ đó trở thành trống rỗng.”. Ông nêu hướng giải quyết “ . . . Cấp lương hậu cho người lính, tha lao dịch cho gia đình họ, khiến họ  không phải lo đến việc nhà, quyết chí lập nên công trạng. . .Thông báo cho các quan viên người địa phương, hoặc các viên Cử nhân, Tú tài ở quê quán lo chiêu tập và huấn luyện các dũng sĩ ở làng để làm dân binh. Các nha môn tỉnh, phủ, châu, huyện thì chiêu tập dân phu ở bản thổ để làm thổ binh. Rồi nơi nào tự dạy dỗ lấy dân quân nơi ấy, nếu quả là người cường kiện, có võ nghệ thì ngõ hầu có thể dùng được.”.

Về tiền bạc, ông Nguyễn đề xuất :“ Cục Thông bản ( đúc tiền) của triều ta chỉ đặt tại Hà Nội. Nay nên đặt thêm một cục nữa ở tại kinh thành. Lấy số súng hỏng đem đúc tiền đồng và đặt thêm loại tiền giấy để tiện việc buôn bán, ngõ hầu tiền tệ có thể dồi dào vậy. Gần đây vì có giặc biển nên việc chuyển vận bằng đường biển chưa thể thông suốt được ngay. Nên lập lại chế độ chuyển vận bằng đường bộ và đường sông, tuy phí tổn nhiều hơn, nhưng hoặc giao cho quân lính chuyển vận, hoặc thuê người chuyển vận, đều có phương pháp thì vấn đề dành dụm lương hướng cũng đủ chi dụng vậy.”.

Về việc đánh dẹp bọn giặc cỏ quấy rối ở Bắc Ninh, giặc phỉ cướp phá vùng Hải An ( Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương- Nv chú), trong bài thi ông Nguyễn đề xuất biện pháp : “ Giặc phỉ ở Hải An là do viên quan giữ đất làm sai cơ mưu để đến nỗi lan rộng. Giặc cỏ ở Bắc Ninh là do viên quan coi đê chọc tức cho nó làm phản. Kế hoạch hiện nay không gì bằng sai một viên quan lớn, giỏi dang, công minh ra làm kinh lược để vỗ về chúng thì có thể không cần đánh mà chúng cũng tự tan. Còn giặc phỉ ngoài biển chẳng qua là bọn ô hợp, thần cho rằng đối với chúng nên dùng mưu ly gián. . .như Tào tháo lừa li gián Hàn Toái, Mã Siêu xưa, hoặc dùng kề Khổng Minh đút lót cho rợ Khương để chúng mắc mưu. Thế thì khu vực Đồ Sơn chắc rằng bọn phỉ ấy không giữ lâu được.”.

Tuy vua Tự Đức tâm đắc với luận thuyết trong bài thi của Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập, mới lấy ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Song trong thực tế nhà vua sợ không thắng được giặc Pháp nên thiên về thuyết chủ hòa, không theo thuyết chủ chiến của ông. Còn cách dẹp bọn giặc, phỉ nói trên cũng thế. Chỉ hai năm sau (1864). nhà vua đã làm khác, cử mấy vị đại khoa người Nghệ An, Hà Tĩnh, đang giữ chức tại triều cầm quân tiểu phạt bọn giặc ở Hải An, khiến triều đình bị tổn thất nặng nề. Giặc đã phục kích khiến Tiến sĩ Trương Quốc Dụng (1797-1864 ), nguyên Thượng thư bộ Hình, người huyện Thạch Hà tử trận. Tiến sĩ Văn Đức Giai (1807-1864), nguyên giữ chức Chưởng ấn, người Quỳnh Lưu tử tiết, Giải nguyên Đặng Văn Khải (1812-1864), nguyên Lang trung bộ Hộ, người Thạch Hà bị giặc sát hại. . .

Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập còn là một nho sĩ có tài văn chương. Trong dịp được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, ông đã sáng tác tập thơ “ Đi Sứ”. Một số  cảnh đẹp đi qua, ông đã có bài văn, thơ mô tả, ngôn từ khoáng đạt, điêu luyện và đặc biệt thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, tiến bộ. Chẳng hạn bài “ Đăng Hoàng Hạc lâu kí” ( Bài kí lên chơi lầu Hoàng Hạc) (2) Mở đầu ông viết :“  Hoàng Hạc là một danh thắng bậc nhất của Vũ Xương ( Trung Quốc).Lầu dựng trên mỏm núi Hoàng Hạc ở phía tây thành Vũ Xương. Chuyện kể rằng : ngày xưa thường có tiên cưỡi hạc về nghỉ ở đây, nên núi đặt tên là Hoàng Hạc, lầu dựng trên núi cũng gọi là lầu Hoàng Hạc. Lầu có từ thời Đường, nhưng cũng chưa hẳn thế. Qua bao nhiêu thăng trầm dâu biển, còn nhiều vấn đề chưa được khảo chứng.”.Có những đoạn tả cảnh đứng nhin từ lầu Hoàng Hạc thật là sinh động : “ Còn thành Hán Dương dựa lưng vào vách núi, áp mặt bờ sông, khi mùa hạ về cũng là thời kì nước sông dâng cao, gió thổi ào ào từ phia đông trút vào giữa hai hẻm núi, đưa nước Trường Giang tràn đi. . .mặt sông rộng, nước Hán Thủy đổ về chảy ầm ầm dưới chân một vách núi dựng đứng cao đến mấy ngàn thước. Cảnh tượng mung lung, rất khó nhìn cho tường tận. Nhưng chỉ cách sông khoảng bảy chục dặm thì lại khác. Ở đây cảnh vật đắm chìm trong không gian mờ mờ ảo ảo, mọi thứ như đang trong bồng bềnh vô định. Ước gì được đến ngay mà xem, mà tắm mình trong đó thì tuyệt biết bao !”.  Tài năng văn chương của ông Nguyễn không phải chỉ là lời văn , ngôn từ, trí tưởng tượng phong phú, mà còn thể hiện những quan điểm nhận thức đúng đắn, tiến bộ . Chắng hạn sau khi điểm lại lịch sử lầu Hoàng Hạc, các nhân vật có liên quan, ông Nguyễn  hạ bút : “. .. Cổ vãng kim lai, chuyện cũ dồn đẩy, tâm tưởng phủ bụi trần ai. Song tất cả cũng như một giấc mơ nửa hư nửa thực. Từ thực tế của núi sông bao thủa, nếu ta chịu suy ngẫm xa hơn, rộng hơn, thì cái mà người xưa bận tâm nhiều nhất vẫn là thành quách nhân dân. Còn chuyện thần tiên hư ảo, thú vịnh gió ngâm trăng chẳng qua chỉ là cảm xúc giây lát. Mấy  chữ “ Biến bất biến”(3) mà Tô Đông Pha nói tới, đáng cho chúng ta một cách nhìn thế giới, một vũ trụ quan đúng đắn nhất !”.

Vua Tự Đức, một người rất tự phụ có tài văn chương, cũng phải chấp nhận để Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập “ nhuận sắc” nhiều bài thơ của mình và duyệt các tờ trình của sứ giả  nước ta đi sứ Yên Kinh về dâng lên nhà vua. Thám hoa Đặng Văn Kiều (1824-1881), một người được giới sĩ phu đương thời ca ngợi là cây “ Đại bút, hùng văn” cũng phải thừa nhận “ Nọa Phu là bạn học với tôi, sinh trước tôi vài tháng, nhưng tài năng văn chương thì hơn tôi nhiều.”? (4).

Về tư cách, Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập là người cần mẫn vì việc nước, gần gủi thương yêu dân, trung thực, biết đánh giá đúng đắn kẻ thực tài và có nhận xét khách quan về người khác. Sau khi thi đỗ đại khoa, có thời gian Nọa Phu được bổ dụng giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường. Ông “ gần gủi dân, xem việc dân như việc nhà, dân đói như mình đói, tự mình chăm lo cho dân. Trong một năm ông xét xử 9 vụ án tồn lại, khiến cho địa phương khởi sắc.” ( văn bia).  

Năm Ất Sửu, triều Tự Đức (1865) ông được cử làm độc quyển khoa thi Nhã sĩ ( như khoa thi Hội, thi Đình) và giữ chức Tham biện các vụ. Cũng trong thời gian này triều đình đề cử nhân vật Lê Văn Luyện làm quản đạo Hà Tĩnh. Ông tâu vua không nên, mà để ông Trần Văn Điển giữ chức này, vì ông Điển được dân ca ngợi. Nhà vua đã bốn lần hỏi đi hỏi lại các triều thần, nhưng mọi người đều nhất trí ông Luyện. Sau khi được bổ dụng, quả nhiên ông Luyện mắc ngay một số khuyết điểm nghiêm trọng. Vì vậy vua Tự Đức đã khen Nọa Phu có lời nói thẳng, vô tư, chân thật và thưởng cho ông một đồng tiền vàng, bốn đồng tiền bạc, đồng thời xử phạt những người đã đề cử.(5)

Qua bài thi Đình (1862), đến nội dung các sáng tác văn thơ và việc thực hiện những nhiệm vụ được triều đình nhà Nguyễn giao cho tới khi qua đời (1874), Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập đã thế hiện một quan điểm đúng đắn, tiến bộ, chẳng những đối với giai đoạn đương thời của nước ta, mà còn phù hợp với mọi thời đại. Đó là khi bọn thực dân Pháp đã đem quân đến nhất quyết thôn tính nước ta, thì trong ba kế sách “ hòa, giữ và đánh” phải chon kế sách “giữ và đánh”?.Song tùy tình hình cụ thể, tương quan lực lượng để biết khi nào cần đánh, khi nào cần giữ, chứ không thể “ hòa”. Bởi qua mấy lần hòa giải trước đó, kẻ địch luôn luôn giả dối, bội phản. Nhưng vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn bấy giờ rất e sợ lực lượng bọn xâm lược Pháp, đặc biệt chúng có tàu chiến, vũ khí hiện đại, nên muốn ngã theo xu hướng chủ hòa. Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập đã chỉ ra sức mạnh vô địch của ta là có nhân dân và chính nghĩa. Ông đề xuất triều đình phải biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, vì lợi ích của dân. Quan chức thì “Thị dân sự như gia sự, dân cơ như ngã cơ.” ( xem việc của dân như việc nhà mình, dân đói như mình đói). Cất nhắc đề bạt quan lại cũng cần nghe ý kiến của dân. Lực lượng chiến đấu thì võ trang nhân dân, ngoài lính chính qui, cần xây dựng lực lượng dân binh, thổ binh ở tất cả các địa phương miền xuôi lẫn miền núi. Kẻ địch “ cong” ( phi nghĩa) nhưng ta “ thẳng” ( chính nghĩa) nên tất thắng!.

Khoảng chục năm sau bài thi Đình mà Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập trình bày những ý kiến trên, vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn đã chủ hòa với bọn xâm lược Pháp, khiến nhân dân bất bình, nhiều sĩ phu yêu nước đã nổi dậy chống đối cả triều đình lẫn Pháp, điển hình như các cuộc nổi dậy của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ An chẳng hạn. Nếu biết nghe theo kế sách của Nguyễn Hoàng giáp thì sự thể nước ta cuối thế kỉ XIX có thể đổi khác.

Với những tài năng đạo đức thể hiện trên lời nói và việc làm, Nọa Phu Nguyễn Xuân Lập xứng đáng được xã hội khâm phục, kính trọng, và tỉnh Nghệ An nên lấy tên ông đặt cho đường phố, trường học, để tỏ lòng ngưỡng mộ về tài đức của một nhân vật lịch sử xứ Nghệ. 

---------------------------------------

(1)    Do các GS. Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đức Vân dịch. Nguyên cố Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Dũng cung cấp .

(2)    Trích trong tập “ Phạm Ngư Đường Bắc sà nhật kí” của Phạm Hi Lượng (1834-1884) Trần Minh Châu dịch. Ông Lượng là Phó sứ trong đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc năm 1870, mà Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập làm Chánh sứ. Tư liệu do ông Nguyễn Danh Toàn họ Nguyễn Hữu Nam Trung cung cấp.

(3)    Năm 1946, trước khi sang Pháp đàm phàn Hồ chủ tịch đã giao việc nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và dặn : “ Dĩ bất biến ứng vạn biến” cũng thể hiện tinh thần của phạm trù triết học “Biến bất biến” nói trên.

(4)    Theo văn bia “ Đình nguyên Hoàng giáp Binh bộ hữu Tham tri sung Cơ mật viện đại thần

 Nguyễn Thiếu Tô hành trạng”, do Nghiêu Đình Đặng Tùng Niên ( tức Thám Hoa Đặng Văn Kiều (1824-1881) soạn năm 1880, do chúng tôi dập, phiên âm, dịch.

(5)    Quốc sử quán triều Nguyễn- Đại Nam thực lục Tập 7-Nxb Giáo dục  - Tr.925.

 

                             

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511972

Hôm nay

2298

Hôm qua

2337

Tuần này

22346

Tháng này

218845

Tháng qua

121356

Tất cả

114511972