Cuộc sống quanh ta

Sứ mệnh văn nghệ - sứ mệnh công dân

Nhà văn là kẻ tỏ thái độ, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngay cả khi nhà văn từ chối tỏ thái độ - bắt chước lối nói của J.P. Sartre -  họ cũng đã chọn lựa thái độ không tỏ thái độ. Và rồi, xã hội tỏ thái độ lại với họ, có khi gay gắt dễ gây tổn thương tâm hồn nhạy cảm của họ.

Nhà văn biết học chấp nhận điều đó.

Thế giới là vậy, nhà văn Việt Nam hôm nay còn hơn thế. Họ mang cùng lúc hai sứ mệnh: văn nghệ và công dân. “Xuống tàu” (chữ của Albert Camus), tôi cũng phải vào cuộc.

Tôi muốn bắt đầu từ câu chuyện đất Ghur Chăm Bà-ni.

Tháng 7-2013, sau khi đi thăm tất cả Ghur Chăm Bà-ni ở Ninh Thuận và Bình Thuận, được bà con phản ánh thực trạng bi đát của nó, tôi mở cuộc thảo luận trên web cá nhân, trả lời phỏng vấn BBC, RFA… để cuối cùng, ở hội thảo “Báo chí & Vấn đề chủ quyền biển đảo”, ở tham luận đầu tiên của hội thảo, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:

Ghur Bini là chứng tích văn hóa biển Chăm, nêu vấn đề Ghur Bini không gì hơn là giúp Chính phủ giải quyết vụ việc. Tại sao gọi là giúp? – Bởi, không chính quyền nào chấp nhận vài cá nhân tham lam xâm hại đất tập thể (Ghur của người Chăm Bà-ni) cả. Nếu không ngăn ngừa trước, chắc chắn sẽ xảy ra sự cố. Sự cố dẫn đến thiệt hại: Mất đoàn kết cộng đồng cư dân và dân tộc, mất nhiều tiền để giải quyết hậu quả, và có khi cả mất sinh mạng. Nhà văn thấy trước, lo trước và cảnh báo trước, là vậy”.

Tôi lên tiếng, nhiều trí thức Chăm cả trong lẫn ngoài nước đồng tình, bà con ủng hộ, cuối cùng, chính quyền đã giải quyết theo chiều hướng tích cực nhất.

Đứng trước vấn đề xã hội đặt ra, văn nghệ sĩ cần trách nhiệm và có tiếng nói, là vậy.

 

1. Giáp mặt hiện thực xã hội

Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa lần thứ nhất năm 2007, trong khi một nhà văn chính thống im ắng, thì ở vài trang mạng ngoài nước, xuất hiện vài trăm bài thơ cấp tập xuất hiện, phản ánh hiện thực nóng bỏng này. Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa lần thứ hai, tôi có tiểu luận, ghi nhận và phân tích hai cảm thức sáng tác khác nhau của hai bộ phận nhà văn về một sự kiện nóng nhất của đất nước(1). Là điều chưa một nhà phê bình nào làm, không lạ sao!

 

Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua, tôi có bài nghiên cứu dài: “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an”(2). Bài viết phân tích để cho cộng đồng Chăm biết, cho thế giới thấy, và nhất là cho bộ phận lập dự án hiểu được ba điều cốt tủy: Thứ nhất, người Chăm là cư dân có mặt ở đất này từ hơn 2.000 năm trước; thứ hai, có đến nửa số dân Chăm trên đất nước hình chữ S này đang sống ở Ninh Thuận, cuối cùng, hơn 100 điểm văn hóa - tín ngưỡng đang được thờ phụng nằm trong vùng ảnh hưởng.

 

Mới nhất, Dự án hạ tầng Khu công nghiệp & Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná, Ninh Thuận. Tác hại to lớn và lâu dài của sự cố Formosa Hà Tĩnh với đời sống ngư dân 4 tỉnh miền Trung cùng môi sinh và môi trường biển thì ai cũng biết rồi, thế mà sau thời điểm nóng bỏng ấy chưa lâu, Dự án Thép Cà Ná lại lòi ra. Một nhà văn trách nhiệm cộng đồng, tôi nghĩ không thể im lặng, ở đây không còn là thơ nữa, mà là nói.

Tôi đã phân tích sự việc:

“Suốt dòng lịch sử, và cả hôm nay, Ninh Thuận thực sự cần 3 thứ: Nước, Văn hóa Chăm & Du lịch Bán Sa mạc. Cần, lo cho nó, và được nó trả lại cả vốn lẫn lãi. Triển khai các Dự án khủng [2 Nhà máy Điện hạt nhân, Dự án Nhà máy thép…], Ninh Thuận sẽ mất tất cả. Chỉ còn lại là SA MẠC: Sa mạc người, sa mạc văn hóa, sa mạc môi trường. Không biết các cơ quan chức năng có lắng nghe ý kiến kia không, dẫu sao điều cần là: nhà văn, trí thức phải lên tiếng”(3).

 

2. Giáp mặt hiện thực văn học nghệ thuật

Công trình khoa học: Văn hoá Sa Huỳnh với Đông Nam Á” (nhóm tác giả: Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê Sơn, Nguyễn Văn Thanh, Lê Quốc Ân, Nguyễn Quốc Chiến thực hiện, NXB Hồng Đức in năm 2015), sai bậy. Làm gì? Trí thức khoa bảng Quảng Đại Tuyên (Isvan Campa) đã có bài phản biện trên Blog của mình, chỉ ra: [1] về khoa học: đầy sai lầm; [2] về quan hệ dân tộc: dễ gây ngộ nhận, mất đoàn kết; từ đó [3] độc giả phổ thông tiếp nhận tri thức sai lạc và nguy hiểm.

Làm gì tiếp theo? Có thể theo trình tự: Gửi bài phản hồi đến Nhà xuất bản, từ đó hai bên có thể làm việc với nhau với tư cách nhà khoa học. Nếu các ý kiến nêu ra không thể phản bác, nhà xuất bản và tác giả cần công khai nhận sai lầm, xin lỗi độc giả, và thu hồi tác phẩm.

 

Phim Tiếng trống Paranưng dựng với ý định tốt. Rủi thay phim quay xong, các diễn viên tự đưa các ảnh nóng lên báo. Và sự cố xảy ra: cộng đồng mạng Chăm phản đối quyết liệt. Thi sĩ Kiều Maily còn đưa đơn lên tận Cục Điện ảnh. Thế là Tiếng trống Paranưngchẳng những không được tham dự Liên hoan phim năm ấy, mà còn cho nhập kho.

Lỗi cả hai bên: nóng vội và háo thắng! Lần nữa, nhà văn vào cuộc(4). Nguyên văn:

“Phim Tiếng trống Paranưngchưa được duyệt, nó còn chưa chiếu ở Liên hoan phim.

Phản biện là cần, nhưng có nên nóng vội và quyết liệt thế không?Giả dụ phim có nhiều cảnh nóng, sai, tệ… mà đạo diễn không chịu cắt bỏ, thì nó sẽ bị cho nhập kho. Thế là hết chuyện! Và ta không cần to chuyện. Các bạn tin tôi đi, gì chớ, cơ quan kiểm duyệt nhạy cảm với vấn đề liên quan tới dân tộc mươi lần hơn tôi và các bạn cộng lại.

Tại sao không đặt ngược vấn đề: Nếu phim làm hay, đẹp mà chỉ có vài hạt sạn; và rồi khi mấy hạt sạn này được biên tập cắt bỏ, sau đó phim trình làng, đó không là điều tốt cho Chăm sao? Khi đó làm sao ta có thể rút lại lời lẽ đã vội vã ném ra trước đó? Nhìn xa hơn một xíu: Nếu ta nặng lời không phải lúc, trong khi cộng đồng Chăm chưa có khả năng làm phim nhựa về mình, hỏi còn ai có hứng thú làm phim về Chăm?”

Có vậy, chuyện mới yên.

 

Chuyện sai quấy trong giới văn học không thể không nói lên. Như từ sự thiếu hiểu biết về dân tộc và văn hóa dân tộc, nhà thơ Đỗ Hoàng đã nhận định đầy thành kiến và sai lệch:

Dân tộc [Chăm] chưa quá một phường trung bình của một thành phố loại 2 (trên dưới 100 000 người [sic]). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực nhu yếu phẩm kể cả bút giấy sách vở để con em đi học (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)(5).

Có ai thấy “quanh năm suốt tháng Nhà nước trợ cấp lương thực” cho bà con Chăm không? Đỗ Hoàng chưa thuộc bài về địa lí-dân cư Việt Nam cứ tưởng Chăm đang sống “miền núi” nên thành ra thế! Mà miền núi thì có sao? Nó liên quan gì giữa “thơ vô lối” với miền núi? Đỗ Hoàng nhà thơ mà có tâm phân biệt đối xử thế, nếu bà con dân tộc miền núi hỏi vặn lại, ông trả lời thế nào đây?

 

3. Thay lời kết

Phản biện là cần. Điều quan trọng là phản biện thế nào? Vấn đề xảy ra…

Ai nói? Nhà văn, nhà báo, trí thức, vân vân.Nói ở đâu? Trên diễn đàn, phản ánh thẳng đến người/ cơ quan trách nhiệm làm sai: Đài, báo, nhà xuất bản, cá nhân. Cạnh đó mạng xã hội được coi là phương tiện lợi hại nhất ở thế giới hiện tại.

Cuối cùng, Nói bằng hình thức nào? Bằng sáng tạo văn học nghệ thuật, bằng thuyết trình, trả lời phỏng vấn, hoặc cũng có thể bằng một bài nghiên cứu chuyên sâu. Và Nói thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đã nhiều lần nêu nguyên tắc: Không chống đối quá khích, không dân tộc cực đoan, phản biện đầy lí lẽ và chứng cứ thuyết phục. Chỉ thái độ đó mới có thể mở cơ hội đối thoại.

Và chỉ như thế, các bên mới có thể “nghe ra nhau”.

 

Bởi tất cả đã xuống tàu, con tàu thời đại nhà văn đang sống. Không thể chọn lựa, dù họ biết trên con tàu đó có cả những kẻ sẵn sàng quăng ném họ xuống biển đen.

Không ít nhà văn vào cuộc với hi vọng nỗi đau nhân quần sẽ được xoa dịu, cuộc thế sẽ theo hướng nhân bản hơn. Thế rồi, ở đó, vài kẻ trong số họ chìm nghỉm vào thời cuộc. Cũng có người từ kẻ chịu đựng lịch sử họ trở lại đóng vai kẻ làm lịch sử. Họ quên mất tư thế nhà văn của mình. Sự cám dỗ của quyền lực đã từng xô đẩy bao nhiêu tên tuổi rơi vào vực thẳm của tha hóa.

Giữa dòng hỗn độn ấy, số ít vẫn đứng vững. Nhập cuộc, nhưng họ không bị lôi cuốn vào trò chơi quyền lực. Thức nhận định phận nhà văn, họ học chấp nhận cư trú trên đường văn nhiều bấp bênh bất trắc, chịu sự co kéo giằng xé giữa miếng bánh của quyền lực và sự cô đơn bần hàn của sáng tạo. Họ không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không sợ hãi cô lập. Họ hiểu cách sâu thẳm rằng sinh phận của mình là trở về với trang viết, cô đơn trước trang viết, một cô đơn toàn phần. Nỗi cô đơn không ai có thể lấy đi của họ. Là giấc mộng của họ. Họ yêu nó như là quê hương mình, ngôi nhà vĩnh cửu mà định mệnh đã dành cho họ.

 

TFN, 2-10-2016

________

 

Chú thích

(1)“Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa”, BBC, ngày 9-7-2011

(2)Inrasara, “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an”, Inrasara.com, ngày 24-3-2012

(3)Inrasara, “Ninh Thuận thực sự cần gì?”, Inrasara.com, 7-9-2016

(4)"Tiếng trống Paranưng không xuyên tạc văn hóa Chăm", báoLao động, ngày 25-9-2013

(5)dohoang.vnweblogs.com, 22-12-2014

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442918

Hôm nay

2114

Hôm qua

2318

Tuần này

2731

Tháng này

218092

Tháng qua

112676

Tất cả

114442918