Nguyễn Thị Huyền – Nhân viên thiết kế đồ hoạ – Hà Nội
Thực ra, cũng khó mà diễn tả cho gãy gọn thế nào là sống ảo. Là sống ảo tưởng,sống với một thế giới do mình tự tưởng tượng, tự vẽ ra; là sống ảo trong một thế giới thật hay là sống thật trong một thế giới vô hình? Không biết tôi có cực đoan quá không khi nghĩ phải trên 90% giới trẻ hiện nay phạm phải điều ấy. Hoặc có thể bởi cái định nghĩa của tôi quá mông lung chăng? Nhưng tôi nghĩ, cũng chả cần quá nặng nề vấn đề này. Liệu nó đã ảnh hưởng đến giới trẻ tới mức đáng báo động, đáng lên án chưa? Thiết nghĩ, nếu các bạn trẻ vẫn làm việc tốt, vẫn tạo ra giá trị cho xã hội nhưng sau những giây phút căng thẳng, mỏi mệt, họ cần một góc “ảo” cho mình để giải trí thì cũng chẳng sao. Lắm khi cái thế giới tưởng tượng ấy lại là cảm hứng cho họ thực hiện nhiều ý tưởng hay ho trong thực tại. Thế nên, thú thực, tôikhông quan tâm lắm đến khái niệm này. Nhiều khi, chúng ta cứ hay đặt nặng quá mọi vấn đề mà tôi nghĩ, cuộc sống thì cần đơn giản. Hãy cứ đơn giản hoá và xem mọi thứ nhẹ nhàng thôi.
Nguyễn Đặng Duy Anh – Chủ nhiệm Trung tâm hoạt động vì LGBT tại Nghệ - Tĩnh, Hà Tĩnh
Theo tôi, đa số giới trẻ bây giờ theo đuổi giá trị xa rời thực tế. Các bạn thường đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của những người có địa vị, có nhan sắc hoặc có nhiều tiền và bắt chước sống phong cách như thế dù rằng thực tế không có được. Công nghệ cho phép các bạn chỉnh sửa/mượn hình ảnh hay nhịn ăn cả tháng để đi chơi một nơi đắt đỏ chỉ với mục đích chụp hình khoe thiên hạ. Cũng có nhiều người sống ảo để che dấu xu hướng tính dục, sở thích hoặc những rào cản mà bản thân không vượt qua được. Tóm lại, có thể chia tất cả các biểu hiện đó thành 2 nhóm với 2 dạng sống ảo. Một là trốn chạy thực tại và chỉ sống với thế giới trên mạng. Hai là luôn nghĩ/tự cho mình những giá trị mà bản thân không có hay vượt xa khả năng của mình. Nguyên nhân, tôi nghĩ, một phần do tác động của công nghệ và một phần bởi họ cảm thấy điều đó mang lại niềm vui, khiến tâm trạng tốt hơn khi mà xã hội có quá nhiều vấn đề bất cập. Một khi xã hội đang cổ suý cho những giá trị không thực, cho những thứ hào nhoáng và hình thức thì sống ảo, theo tôi, là điều chẳng có gì khó hiểu. Chính vì thế, để giới trẻ nhận ra được những giá trị cần theo đuổi, bớt ảo tưởng về thực tại, trước hết cần có sự chuyển biến về nhận thức, về thước đó giá trị trong xã hội.
Ngô Minh Nguyệt – Sinh viên – Hà Tĩnh
Đối với tôi, sống ảo là việc sống xa rời thực tế, chỉ biết tạo niềm vui cho mình bằng những lượt tương tác trên mạng xã hội. Tôi không nghĩ là tất cả giới trẻ nhưng một bộ bộ phận không nhỏ giới trẻ đã và đang chạy theo điều đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước tiên, đó là tác dụng ngược của mạng xã hội. Thứ hai, có thể xét rõ hơn trên góc độ tâm lý. Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân hay muốn bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế. Nói cách khác, họ muốn được yêu thương, ngưỡng mộ, được ghi nhân. Thông qua việc đăng những ảnh, họ cho rằng sẽ khiến họ trở nên hấp dẫn hơn, và theo kịp thời đại. Suy cho cùng, sống “ảo” là hệ quả của việc sống thiếu bản lĩnh. Tôi nghĩ, chúng ta không nên đổ lỗi rằng mạng xã hội đã tạo nên một thế hệ chỉ biết sống ảo hiện nay bởi ảo hay thực là do chính các bạn quyết đinh. Đừng để những giá trị ảo hoàn toàn thay thế và làm chủ cuộc sống thật của bạn. Hãy mạnh dạn, tự tin đối diện với thực tại, với khó khăn và làm những việc có ích cho bản thân, gia đình, xã hội.
Nguyễn Văn Hải – Kiểm toán viên – Hà Nội
Tôi nghĩ, biểu hiện của sống ảo rất phong phú, chứ không chỉ ở việc câu like trên mạng xã hội bằng những hình ảnh, dòng trạng thái. Nhiều người không sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn ảo tưởng về cuộc sống thực, chạy theo những giá trị, lý tưởng xa vời. Có lẽ không phải đến nay mới có hiện tượng sống ảo, mà nó đã manh nha khi ý thức con người bị tác động vì sự hám lợi, tư tưởng hưởng thụ. Tôi cũng hay sử dụng mạng xã hội như facebook hay skype và thấy đó là phương tiện kết nối với mọi người xung quanh. Tôi không nghĩ rằng mình là người sống ảo. Trên tiến trình phát triển của thế giới đương đại trong đó có sự bùng nổ của mạng xã hội thì sự cập nhật của giới trẻ, tôi cho là đúng đắn. Lợi ích nó mang lại không hề nhỏ. Việc một bộ phận giới trẻ rơi vào tình trạng sống ảo hiện nay, theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về chính cá nhân mỗi người. Sau nữa và sâu xa hơn là ở vai trò của gia đình, xã hội. Nếu như chúng ta yêu thương nhau hơn, sống tình nghĩa hơn, nói chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn và tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp với những giá trị thực chất thì chắc chắn sẽ chẳng còn ai phải tìm đến cái ảo làm gì.
Hoàng Diệp – SV ĐH Y Dược Huế - TP. Huế
Phải thú thực rằng tôi cũng có những khi sống ảo, theo cái cách mà các bạn trẻ vẫn thường gọi. Tôi cũng có khi chụp ảnh “tự sướng”, đăng trạng thái lên Facebook với mong muốn những người mình quan tâm có thể thấy mình ra sao, để mọi người biết sự tồn tại của mình. Thế nhưng rồi tôi nhận ra, chúng ta nhận lại chẳng có gì ngoài mấy lượt thích, bình luận cả. Chỉ những bạn thân mới thực sự quan tâm vấn đề bạn đang gặp phải. Từ câu chuyện của mình, tôi thấy, có lẽ sống ảo cũng là một tấm gương phản ánh mong muốn, khao khát của con người. Sự phát triển của công nghệ giúp người ta tạo cho mình một cuộc sống khác với thực tế. Ở đó họ được nói điều không thể nói, được thoả mãn tán thưởng, chỉ thấy những thứ tốt đẹp hay được thoải mái tán dóc với một người nào đó xa lạ mà lắm khi ngoài đời họ không làm được. Tôi nghĩ sẽ chẳng có gì là quá, và nhiều khi cụm từ “sống ảo” cũng chỉ để vui đùa, giải trí trên mạng thôi. Sẽ có lúc người ta nhận ra như tôi hoặc cảm thấy chán và từ bỏ. Nhưng mọi chuyện sẽ rất khác khi hiện tượng ảo này xảy ra trong đời sống thực; khi chúng ta bỏ bê những giá trị đúng nghĩa xung quanh và chăm chăm chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài. Muốn điều này không xảy ra, chẳng có cách nào khác là phải tập trung giáo dục, định hướng cho những người trẻ để họ nhận thức được đâu là điều nên làm.