Diễn đàn

Gắp lửa hôm nay bỏ vào tay truyền thống

Sau bài viết phê phán GSTS Trần Ngọc Thêm về ý kiến ông kết tội triết lý giáo  dục của tổ tiên, tôi đã tìm đọc thêm một số bài viết của ông về văn hóa, giáo dục và kinh hoàng khi thấy luồng ý kiến đầy rẫy những sai lầm ngộ nhận của vị Giáo sư này lại có thể tồn tại như những chân lý khoa học thời thượng, được xã hội tâm đắc và không hề gặp một sự phản biện nào từ giới nghiên cứu khoa học chuyên ngành.

 Chưa hiểu triết lý giáo dục là gì

Trong bài “Đừng bắt triết lý giáo dục phải ôm tất cả”(1), GS.TSTrần Ngọc Thêm viết:“Mục tiêu có thể diễn giải dài dòng chứ triết lý phải rất ngắn gọn. Mục tiêu của giáo dục bao giờ cũng phải là đào tạo con người phát triển toàn diện với đủ các yêu cầu cần thiết về phẩm chất và năng lực. Còn triết lý giáo dục do phải ngắn gọn nên đừng bắt nó phải ôm tất cả. Nó không nhất thiết phải bao quát hết mục tiêu của cả một giai đoạn dài mà có thể chỉ tập trung vào một vài mục tiêu cần nhấn mạnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của giai đoạn đang xét”.

Triết lý giáo dục là nguyên tắc nền tảng, là định hướng duy nhất cho một nền giáo dục nhất định, nó phải bao hàm mọi mục tiêu giáo dục trong nền giáo dục đó. Không thể có chuyện triết lý giáo dục không bao quát hết mọi mục tiêu của các giai đoạn mà nó ngự trị. Chính vì không hiểu thế nào là triết lý giáo dục nên Trần Ngọc Thêm lúng túng và lẫn lộn triết lý giáo dục của thời xưa và triết lý giáo dục của hôm nay.

Thực tế là, nền giáo dục thời nay đã chia tay với triết lý giáo dục “Con ngoan trò giỏi” từ lâu rồi, nhưng chưa minh định được triết lý giáo dục mới thay thế. Vậy mà, Trần Ngọc Thêm lại quy trách nhiệm cho triết lý giáo dục truyền thống đã làm hỏng nền giáo dục:“Nhưng nghịch lý là ở chỗ con người là sản phẩm của giáo dục; chính giáo dục đã góp phần quan trọng tạo nên con người hiện nay với 30 tật xấu này; (…)Giáo dục hỏng như vậy chính là do triết lý giáo dục sai lầm. Cho nên, cải cách giáo dục cần phải bắt đầu từ việc thay đổi triết lý giáo dục”.(2).

Trong nhận định trên có ba ngộ nhận. Thứ nhất, ngộ nhận rằng triết lý giáo dục truyền thống của VN (“Con ngoan, trò giỏi”) đã gây ra các căn bệnh xã hội; thứ hai, ngộ nhận rằng triết lý giáo dục truyền thống vẫn đang ngự trị trong nền giáo dục hôm nay với những cải cách lai căng hổ lốn về sách giáo khoa, chữ viết và các chương trình tích hợp cơ giới làm trẻ em chán học các môn văn, sử; thứ ba, ngộ nhận rằng triết lý giáo dục “Con ngoan trò giỏi” đã đẻ ra những cải cách giáo dục kinh dị theo hướng huấn luyện những kỹ năng làm lãnh đạo (Chủ tịch lớp), làm siêu nhân (đi trên thủy tinh), làm người lớn sớm (sờ vùng kín của bạn).

Hạ tầm khái niệm, xuyên tạc nội dung, tinh thần triết lý của tổ tiên

Luôn nhân danh văn hóa học, nhưng GS.TS Trần Ngọc Thêm lại dựa theo các Từ điển tiếng Việt phổ thông để diễn giải khái niệm “Ngoan” trong triết lý giáo dục “Con ngoan trò giỏi”: “trong tiếng Việt có hai cách hiểu về “ngoan”. Cách hiểu thứ nhất được ghi nhận trong mọi từ điển chính là “dễ bảo, biết nghe lời” (…)Trái nghĩa với ngoan (khó bảo, bướng bỉnh) là “hư”.(3)

Việc lấy cách giải thích ngữ nghĩa của Từ điển tiếng Việt làm nội hàm của khái niệm trong tư tưởng triết lý chứng tỏ GS.TS Trần Ngọc Thêm chưa phân biệt được khái niệm và từ ngữ đời thường. Nếu theo cách tiếp cận của ông, khái niệm “hiền” (người hiền”, “thánh hiền”, “hiền nhân”, “hiền tài”) trong tư tưởng của người xưa sẽ bị định nghĩa là “người hiền lành, bậc thánh hiền lành, tài năng hiền lành, dễ chấp nhận, dễ bảo, trái ngược với ác” chăng?

GS.TS Trần Ngọc Thêm đã dẫn ra câu ca dao “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” để kết tội tổ tiên là không cho phản biện. Thực tế là GS.TS Trần Ngọc Thêm đã không phân biệt được “Cãi” với “Phản biện”. Cãi trong tâm thức dân gian là thái độ phủ định hỗn láo, không phải lúc nào cũng lý lẽ, còn “phản biện” theo cách hiểu hôm nay là đưa ra ý kiến khác, có thể là đối nghịch nhưng với thái độ tôn trọng. Nếu đưa ra ý kiến khác mang tính phản biện mà không thể hiện  thái độ hỗn láo trái với tinh thần chính danh định phận của Nho giáo thì người xưa đâu có hạn chế. Khi Vua Trần tỏ ý muốn hàng quân Nguyên để chờ khi đủ lực sẽ đánh lại quân xâm lược, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã bác bỏ ý Vua: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã!”. Đây không phải một lời “Cãi” theo nghĩa bất trung, khi quân, hỗn láo, mà là một lời phản biện đầy tôn kính từ trái tim của một bầy tôi trung nghĩa.

Trong di huấn của Hồ Chí Minh không thiếu những quan niệm khuyến khích độc lập suy nghĩ, đề cao tự do tư  tưởng: “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”(4),“được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy"(5) và "Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện"(6).Rõ ràng, quan điểm của GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng triết lý giáo dục của người xưa là hạn chế phản biện, chỉ dậy trẻ ngoan ngoãn vâng lời là quan điểm hết sức sai lầm, cảm tính, hoàn toàn trái ngược với thực tế, thậm chí là vu cáo cho tiền nhân.

Không chỉ xuyên tạc tư tưởng giáo dục của cha ông, GS.TS Trần Ngọc Thêm  còn tỏ ra bất cập, không hiểu đúng tinh thần và giá trị văn hóa Việt. Chế độ khoa cử chọn hiền tài để làm quan đã đem lại cho xã hội Việt Nam thời phong kiến những vị quan tài ba nhân đức, quyết liệt khôn khéo với giặc, gần dân, trọng dân và thương dân. Vậy mà GS.TS Trần Ngọc Thêm quy kết truyền thống “học để làm quan” của dân tộc đã ảnh hưởng xấu đến tận hôm nay: “Ngày xưa thì học để làm quan, ngày nay thì để lấy bằng. Học vì sĩ diện, giấu dốt, sợ người ta nói nói đến điểm yếu của mình”(7). Sao lại có thể có những quy kết hàm hồ, đánh đồng những ông quan tài đức vẹn toàn, những Lưỡng quốc Trạng nguyên được dân tin yêu, quý trọng và kẻ thù cũng phài kính phục với lũ quan chức vô học mua bằng cấp, mua  chức tước, dân cũng coi thường, căm ghét và kẻ thù cũng khinh bỉ hôm nay?

Đổ trách nhiệm cho tổ tiên về những tệ nạn và suy thoái hiện thời

Xã hội Việt Nam hôm nay đã và đang bị hủy hoại nhiều giá trị văn hóa nhân văn đích thực. Công việc của nhà nghiên cứu chân chính là tìm lại ánh sáng (có thực) từ quá khứ, phát triển triết lý giáo dục của tổ tiên để sửa chữa hiện tại, xây dựng tương lai.Thế nhưng, do không hiểu lịch sử Việt Nam và thiếu căn bản văn hóa học nên GS.TS Trần Ngọc Thêm đã khẳng định cái hư hỏng hôm nay và quy cho nó là bản chất của văn hóa Việt, đổ hết lỗi cho tổ tiên về những suy thoái, kém cỏi và xuống cấp của nền văn hóa giáo dục hiện thời.

Lẽ ra, nếu có một nhãn quan khoa học chính trực thì phải thấy con người hôm nay với thể chế và văn hóa hiện hành phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết tật và suy thoái về giá trị văn hóa nhân văn cũng như về chất lượng con người. Nhưng ông Trần Ngọc Thêm lại biện hộ cho thời đại của mình một cách tinh vi, coi trách nhiệm của con người hôm nay chỉ là điều kiện bên ngoài làm  tăng thêm cái xấu có gốc từ truyền thống. Đó là một cách nhìn thiển cận mang màu sắc duy tâm chủ quan,vi phạm chuẩn tắc tối thiểu của phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và văn hóa học, giáo dục học nói riêng.

Dù là ai đi chăng nữa thì cũng có lúc sai lầm do chưa được trang bị đủ kiến văn và các công cụ cần thiết để tiếp cận và thấu hiểu các giá trị văn hóa truyền của dân tộc. Nhưng  đáng ngạc nhiên và đáng sợ là giới văn hóa chính thống chưa thấy ai lên tiếng! Cả xã hội bị ám thị, không nhận ra những sai lầm khổng lổ của ông Trần Ngọc Thêm, hay giới trí thức Việt Nam hôm nay đã liệt kháng về văn hóa?

______________________                                         Hà nội, 10-2-2017

(1)    http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/dung-bat-triet-ly-giao-duc-phai-om-tat-ca-phan-3-348493.html

(2)    http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-566901.bld

(3)    http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nguoi-hieu-hoc-thuc-su-di-hoc-nham-de-khai-tri-dat-thuc-348488.html

(4)    http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/589/itemid/12736/default.aspx

(5)    http://itf.dthu.edu.vn/view.aspx?id_p=23&parent=48&url=items.aspx

(6)    http://hochiminh.vn/news/Pages/news.aspx?CateID=28&ItemID=1463

(7)    http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-su-tran-ngoc-them-benh-ua-thanh-tich-va-benh-gia-doi-trong-giao-duc-rat-nang-20161213071952913.htm

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512454

Hôm nay

2391

Hôm qua

2389

Tuần này

2391

Tháng này

219327

Tháng qua

121356

Tất cả

114512454