Khách mời văn hóa

Bàn tròn về Triết lý giáo dục

Lời Tòa Soạn:  Từ nhiều năm nay Giáo dục là lĩnh vực mà dư luận quan tâm và có thể nói là bàn bạc, kêu ca nhiều nhất. Đương nhiên, vì đây là lĩnh vực có mối liên hệ  với tất cả các thành viên xã hội, trực tiếp hoặc gián tiếp, hiện tại hay trong quá khứ và tương lai. Xã hội bàn nhiều chuyện, trong đó có vấn đề về triết lý giáo dục. Nhưng xem ra chưa có sự đồng thuận, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Bởi vậy, VHNA xin phép được trở lại câu chuyện này.

Phan Văn Thắng:Thưa các quý vị. Như chúng ta biết, khi bàn về nền giáo dục nước nhà hiện nay, người ta thường nói về triết lý giáo dục, cho rằng triết lý giáo dục, có hoặc chưa có, đều là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng khủng hoảng giáo dục hiện nay. Để trao đổi về triết lý giáo dục Việt nam, điều đầu tiên mà chúng tôi muốn được các vị trao đổi là khái niệm về Triết lý giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Trước hết phải làm rõ triết lý là gì. Theo tôi, đó là lĩnh vực sinh hoạt của trí tuệ, tư duy về hiện hữu, cùng đích, tổng hợp những giá trị đạo đức, vai trò của con người trong thế gian và vũ trụ.

Và, triết lý giáo dục là mục đích, hướng đi trong sinh hoạt đào tạo tri thức, tư duy và chuyên môn của dân chúng.

Triết lý giáo dục là nền tảng cho toàn bộ sinh hoạt giáo dục từ đầu tới cuối, từ hướng đào tạo thầy đến sự chọn lựa nội dung giáo trình, phương pháp giảng dạy, chương trÌnh học vấn nhất là kết quả đầu ra…

Phó Giáo sư Phan Huy Dũng:Khái niệm triết lý giáo dục được nhắc tới thường xuyên trong khoảng hơn chục năm lại nay thể hiện ít nhất mấy điều: 1. Nhu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo” đã trở nên bức thiết; 2. Người ta dần nhận ra: việc thiếu một triết lý giáo dục rõ ràng (và sáng suốt) là nguyên nhân chính khiến những lần cải cách giáo dục từng thực hiện rơi vào tình trạng chắp vá, nửa vời; 3. Những quan điểm chỉ đạo xuất phát từ các Nghị quyết của Đảng chưa đủ bẻ dòng hoạt động của giáo dục đào tạo để tạo nên một cuộc chấn hưng giáo dục thực sự... Như vậy, việc nêu vấn đề triết lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay không phải chuyện vu khoát của những người thích đại ngôn mà thiếu thực tế.

Tôi không rõ thuật ngữ triết lý giáo dục có phải được dịch từ thuật ngữ Philosophy of  Education trong tiếng Anh hay không, nhưng rõ ràng nội dung của nó – theo văn cảnh sử dụng – có khác với nội dung của Philosophy of  Education vốn phải được hiểu chính xác là triết học giáo dục. Như vậy, bất kể nguồn gốc thuật ngữ triết lý giáo dục đến từ đâu, hiện tại, khó có thể đồng nhất triết lý giáo dục với triết học giáo dục. Ở ta đang thiếu cả triết học giáo dục lẫn triết lý giáo dục mang tính chính danh. Triết học giáo dục cần được hiểu là một bộ môn nghiên cứu hoạt động giáo dục từ góc độ triết học, còn triết lý giáo dục có thể được được tạm hiểu là những mệnh đề tổng quát mang tính triết học về giáo dục, gần gũi với những cái gọi là phương châm giáo dục, nguyên tắc giáo dục, tất nhiên, đây là những mệnh đề được nảy sinh từ một nghiên cứu triết học cơ bản, thấu đáo về giáo dục. Không có triết học giáo dục thì cũng không có triết lý giáo dục, bởi triết lý giáo dục không phải là những phát ngôn cảm tính hay mang nặng tính chính trị về giáo dục.

TS Phạm Thị Ly:Theo tôi, Triết lý giáo dục có thể được diễn đạt dưới hình thức một tuyên ngôn, hay một khẩu hiệu ngắn gọn, ví dụ như “nhân bản, dân tộc, khai phóng”.Tuy nhiên cái tuyên ngôn đó có được thể hiện trong thực tế hay không thì lại là vấn đề khác.

Tôi vẫn nghĩ rằng, có những triết lý ngầm ẩn trong cách chúng ta thiết kế hệ thống giáo dục và xây dựng chính sách, dù những nguyên tắc đó có được phát biểu ra thành lời hay là không. Những nguyên tắc chi phối cách chúng ta quản trị hệ thống, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập, tuyển chọn và đãi ngộgiới quản lý hay giảng viên, v.v có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với những tuyên ngôn có thể rất hay, rất đúng, nhưng không có mối liên hệ nào với thực tế đang diễn ra ở các trường.

Phan Văn Thắng:Các quý có thể cho biết những triết lý giáo dục nổi bật trên thế giới?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng:  Theo tôi biết thìkhông có nhiều. Chỉ có triết lý giáo dục đang phổ biến ở hầu hết các nước phát triển, phát xuất từ những đề xuất trong thời kỳ Phục hưng trội nổi nhất là của ERAMUS, COMENUS, LOCKE, ROUSSEAU..đưa giáo dục vươn lên thoát khỏi sự kèm kẹp của nhà thờ và phong kiến, lấy con người làm cứu cánh, mới là đáng kể.

Phó Giáo sư Phan Huy Dũng:Có nhiều trường phái triết học nên cũng có nhiều triết học giáo dục khác nhau; theo đó, cũng có nhiều triết lý giáo dục khác nhau từng tồn tại trong lịch sử. Nếu không áp đặt cứng nhắc những tiêu chuẩn hiện đại đối với sự ra đời/ tồn tại của một khoa học, có thể nói rằng nền tảng của các triết học giáo dục, triết lý giáo dục đã được “đặt” từ thời cổ đại, chứ không đợi đến giữa thế kỷ XX mới được xây dựng. Dĩ nhiên, theo sự phát triển của nhận thức, tư duy, của đời sống xã hội, ở từng thời đại khác nhau, con người đều phải không ngừng suy tư, cải tạo lại các triết học giáo dục, triết lý giáo dục đã có. Ở thời đại mà người ta đang hướng tới những giá trị toàn cầu, giá trị nhân loại phổ quát hiện nay, các triết học giáo dục, triết lý giáo dục đang có cuộc giao thoa để tìm kiếm tiếng nói chung. Ở Việt Nam, việc dịch thuật, phổ biến các tư tưởng triết học giáo dục, triết lý giáo dục của những nước có nền giáo dục phát triển (và tạo được những hình mẫu đáng noi theo) trong thời gian qua phản ánh xu thế tích cực đó. Hoàn toàn có thể nhận ra sự tiếp thu đáng kể các triết lý giáo dục tiên tiến trong Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI (dĩ nhiên là tiếp thu “có chọn lọc”!). Dù sao, đây cũng là một “cách đi” khá khôn ngoan, trước tình trạng chúng ta từng “bỏ quên” việc nghiên cứu về triết học giáo dục trong một thời gian dài. Rõ ràng, ta đang ở bước đầu của việc xây dựng bộ môn triết học giáo dục, thông qua việc vay mượn và “nối kết”, “lắp ghép” những tư tưởng giáo dục tiến bộ từ các trường phái, các hệ thống triết học giáo dục khác nhau trên thế giới.

Phan văn Thắng:Hiện nay, Việt Nam có Triết Lý Giáo Dục không? Nếu có, nội dung, bản chất và hiệu ứng văn hoá xã hội của nó là gì?"

Tiến sỹ Phạm Thị Ly:Nhiều người nói Việt Nam hiện nay không có triết lý giáo dục. Tôi không tán thành nhận định ấy.

Socrates nói: “Triết lý bắt đầu bằng sự suy tư”. Khi chúng ta tự hỏi, mục đích của giáo dục là gì? Nền giáo dục này mong muốn tạo ra những con người như thế nào và để làm gì? Bản chất của giáo dục và của kiến thức là gì và bằng cách nào chúng ta đạt được mục đích tạo ra hình ảnh được mong đợi với tư cách là kết quả của giáo dục, đó là lúc chúng ta đang nghĩ về triết lý giáo dục.

Vậy thì, triết lý giáo dục hiện đang tồn tại trong nhà trường Việt Nam là gì?Nếu chọn một cụm từ vắn tắt để diễn tả, có lẽ có thể dùng ba chữ “hồng và chuyên”.Cụm từ này có thời rất phổ biến, hiện nay không mấy ai nhắc đến nữa, nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế dưới vô vàn hình thức.

“Hồng và chuyên” nói lên mong muốn của hệ thống giáo dục hiện tại, là tạo ra những người có khả năng chuyên môn trong một lĩnh vực nghề nghiệp, đồng thời là những người kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, xã hội xã hội chủ nghĩa là thứ ta chưa có, và đến cuối thế kỷ này cũng không biết có hay chưa, cho nên việc kiên định với một hình ảnh chưa ai biết rõ trong tương lai đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tế hiện tại.

 

Bản chất của việc học tập và nghiên cứu chính là một quá trình khám phá không có điểm dừng. Tất cả mọi phát minh, sáng kiến, khám phá, v.v. đều nảy sinh trên cơ sở nghi vấn những gì đã có và đang có, kể cả việc lý giải những hiện tượng tự nhiên, lẫn thẩm quyền hay chuẩn mực.Việc buộc phải chấp nhậnmột chân lý bất kể nội dung chân lý ấy là gì đã triệt tiêu động lực khám phá, vốn là bản chất cốt lõi của việc học.

Vì thế, tư duy phản biện, vốn đã không phải là điểm mạnh của truyền thống văn hóa châu Á, lại càng trở nên thứ yếu trong mục tiêu giáo dục của chúng ta. Và vì được huấn luyện để chấp nhận một chân lý có sẵn, học sinh của chúng ta được mong đợi trở thành con ngoan (cha mẹ bảo gì nghe đó), trò giỏi (lặp lại đúng những gì được thầy cô truyền đạt), lúc nhỏ được cha mẹ, thầy cô nghĩ thay, lớn lên đi làm được cấp trên nghĩ thay, bước ra xã hội có chính quyền nghĩ thay, họ không được đào tạo cách suy nghĩ, không thấy cần phải suy nghĩ, và cuối cùng là không còn khả năng suy nghĩ.

Hệ quả của điều này là, học sinh của chúng ta bị đào tạo theo lối rập khuôn như sản xuất một con ốc trong cỗ máy. Thầy cô giáo không có không gian để suy nghĩ và sáng tạo trong cách dạy.Có rất ít cơ chế giúp cá nhân hóa quá trình học tập, và giúp khám phá tiềm năng khác nhau của từng em.Kết quả là nhiều em vào đại học vẫn không biết mình là ai, sống để làm gì, có những khả năng và mơ ước gì, có thể làm được điều gì. Vì không có ý thức rõ rệt về giá trị của bản thân và về mục đích sống, họ rất dễ rơi vào chỗ học hành theo lối được chăng hay chớ, cốt để lấy tấm bằng kiếm việc nuôi thân. Ítai dám nghĩ khác, nói khác, làm khác, trong lúc chính những thứ đó là nguồn gốc tạo ra thay đổi và tiến bộ.

 Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng:Tôi cũng nghĩ là Việt nam chúng ta đang có triết lý giáo dục, nền giáo dục của chúng ta đang có triết lý. Đó làtriết lý giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Có triết lý nhưng có sự nhầm lẫn giữa tuyên truyền và giáo dục, coi thường quan điểm đa chiều,tự do trong nội dung tri thức, cần thiết cho việc đào tạo nhân cách…

Phó Giáo sư Phan Huy Dũng:Hiện nay, Việt Nam có triết lý giáo dục không? Nếu nói không, hóa ra giáo dục Việt Nam lâu nay phát triển thiếu định hướng? – Đây là điều các nhà lãnh đạo đất nước cũng như lãnh đạo ngành giáo dục không thể chấp nhận và không ít giáo viên thấy khó xác quyết. Nếu nói có, vậy thì nó là cái gì? Câu hỏi thứ phát này quả thật không dễ trả lời. Bảo rằng nó là Nghị quyết 29, chẳng qua đó chỉ là cách trả lời chống chế, thêm nữa, được đưa ra trên cơ sở người nói chưa hiểu đúng về khái niệm triết lý giáo dục. Nghị quyết có thể chứa đựng/ đề cập/ chạm đến triết lý giáo dục, nhưng không thể đánh đồng nghị quyết với triết lý giáo dục được. Cũng nhiều ý kiến dẫn ra một loạt phương châm, khẩu hiệu như Tiên học lễ, hậu học văn; Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội; Học để làm việc, làm người làm cán bộ. Học để phục sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại… để cho rằng triết lý giáo dục đã có. Thực ra, từng phương châm/ khẩu hiệu nói trên chưa có được tầm bao quát rộng để trở thành triết lý giáo dục (ở đây chưa nói đến chuyện phù hợp hay chưa phù hợp với giáo dục hiện nay), mà việc cộng ghép chúng với nhau thì lại càng không được, bởi mỗi phương châm/ khẩu hiệu như thế được đề xuất từ những góc độ rất khác nhau và đôi khi mang nặng tính thực dụng. Vì những lẽ trên, có thể nghiêm túc nói rằng triết lý giáo dục quả thật là cái chúng ta đang thiếu. Xin nói thêm: để trả lời trực diện cho câu hỏi triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là gì, ta không thể thực hành một cuộc tra cứu, trích dẫn lòng thòng. Triết lý đó phải là cái sáng rõ, được phát biểu trong một hình thức cô đọng, khái quát, đủ sức hướng đạo cả một nền giáo dục và thống nhất mọi hoạt động giáo dục cụ thể.

PGS Chu Hảo: Theo tôi, lại khác với quan điểm của Tiến sỹ Phạm Thị Ly. Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, từ xưa đến nay những vấn đề lý luận nền tảng của giáo dục chưa bao giờ được chúng ta đặt ra và nghiên cứu một cách bài bản và cẩn trọng. Phần nhiều làm theo kinh nghiệm và duy ý chí. Thay vì phải cung cấp các kiến thức cơ bản và phổ quát của triết học, trong các nhà trường của chúng ta chỉ dạy chính trị. Có lẽ cũng vì vậy mà triết lý giáo dục cũng được thay bằng các khẩu hiệu chính trị.

Mặc cho các lời hay ý đẹp về quan điểm (hay triết lý) giáo dục từng được nói lên trong nhiều văn kiện, nhưng trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không nhằm đào tạo ra những con người được phát triển toàn diện với đầy đủ phẩm giá: có nhân cách, và có khả năng tư duy phê phán độc lập, sáng tạo. Nền giáo dục này đang thực hành kiểu nhồi nhét kiến thức như "chất vào kho"; và khuyến khích sự thụ động, khuôn sáo và tinh thần khoa cử. Điều này trái hẳn với triết lý Giáo dục nhân văn và sáng tạo của nền văn minh hiện đại.

Nền giáo dục quốc dân của chúng ta vẫn đang cần có một cuộc cải cách triệt để mang tính cách mạng. Các phong trào mà Bộ Giáo dục phát động gần đây tuy có làm cho bộ mặt của nền giáo dục có vẻ khởi sắc hơn, nhưng đó chỉ là bề nổi. Ở bề sâu, nhìn từ tổng thể, cái bất cập tồn tại hàng chục năm nay vẫn còn nguyên đó:

1. Hệ thống GDQD của chúng ta không đồng bộ, không liên thông, mất cân đối trầm trọng.

2. Nội dung giáo dục (chương trình, sách giáo khoa) của chúng ta bất cập về mặt khoa học, rất nặng nề về thời lượng và nhiều nội dung không thiết thực.

3. Phương pháp dạy và học ở các cấp đều lạc hậu, cơ sở vật chất và kỹ thuật quá thiếu thốn.

4. Công tác quản lý giáo dục yếu kém thể hiện ở ba mặt: Tài chính công được sử dụng kém hiệu quả và không minh bạch; Thiếu vắng hẳn đội ngũ chuyên gia về páht triển chương trình giáo dục; Không coi trọng hệ thống đo lường, trắc nghiệm để đánh giá giáo dục một cách khách quan và thường xuyên.

5. Chưa đủ hệ thống pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn chưa có văn bản luật pháp điều chỉnh hoạt động của các trường tư bất vụ lợi, là loại trường tư cần được khuyến khích, trong khi đó đã có quy định cụ thể cho các trường tư (cổ phần) vì lợi nhuận, là loại trường chưa hẳn đã nên được khuyến khích thành lập tràn lan dưới danh nghĩa “xã hội hóa”

Có điều hết sức lạ lùng là mặc cho dư luận xã hội có vẻ như ngày càng bức xúc, nhưng mọi việc vẫn đâu ở đấy làm mọi người đâm nản. Nhiều người cho rằng có lẽ phải làm lại từ đầu, từ khâu thay đổi tư duy về giáo dục của toàn xã hội và của những người hoạch định chính sách giáo dục. Nhưng thay đổi tư duy trên cơ sở triết lý giáo dục nào? Có lẽ những bất cập mà chúng ta đã liệt kê có cội nguồn sâu sắc từ chỗ bấy lâu nay nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã không được xây dựng và phát triển trên cơ sở một nền tảng lý luận vững chắc, mà trên cơ sở kinh nghiệm chắp vá và duy ý chí. Nền tảng lý luận mà chúng ta cần phải dựa trên một triết lý giáo dục hiện đại phản ánh đầy đủ mục tiêu và các nguyên lý căn bản của giáo dục.

Phó Giáo sư Phan Huy Dũng:Triết lý giáo dục đóng vai trò trực tiếp tác động vào hoạt động giáo dục, từ chi phối việc xác định mục tiêu giáo dục tới “chỉ đạo” việc thiết kế nội dung, chương trình giáo dục và định hướng toàn bộ tiến trình cải cách giáo dục với các bước đi cụ thể của nó. Nếu hiểu như thế, cần thấy rằng việc xác định triết lý giáo dục là việc phải được nghĩ tới, được thảo luận trước tiên, khi chúng ta muốn thực hiện một cuộc cải cách giáo dục thực sự. Nhưng có một vấn đề nảy sinh: triết lý giáo dục mà chúng ta muốn đề xướng đó nảy sinh trên nền tảng triết học giáo dục nào? Phải chăng phải bắt tay xây dựng triết học giáo dục trước đã rồi mới tính chuyện đề xuất triết lý giáo dục? Theo logic thì đúng như thế, nhưng đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống buộc ta không thể chần chừ thêm nữa. Từ điểm này nhìn lại, có thể thấy một khoảng trống lớn trong việc nghiên cứu về triết học giáo dục, mà kiểu miêu tả lịch sử giáo dục theo hình thức giản lược, kiểu trình bày các nguyên tắc giáo dục mang tính phổ quát do bộ môn Giáo dục học đảm nhiệm (trong chương trình giáo dục, đào tạo ở các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm) không thể bù lấp được. Có vẻ như nền giáo dục của chúng ta đã ủy thác công việc hệ trọng này cho các ban soạn thảo Nghị quyết của Đảng ở các nhiệm kỳ khác nhau!

Phan Văn Thắng:Đúng là như tôi đã nói, đây là câu chuyện rất khó đạt được đồng thuận, thống nhất. Giữa các vị đã và đang có quan điểm khác nhau.

Thưa các vị, vậy  trong lịch sử giáo dục Việt Nam đã từng có triết lý giáo dục chưa?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Thời Phong kiến Nho giáo ngự trị nội dung hạn hẹp nhưng có ưu điểm là chọn lựa nhân tài qua thi cử khá nghiêm túc, không phân biệt giai cấp thành phần. Thời Pháp thuộc là áp dụng nền giáo dục của mẩu quốc qua thuộc địa Đông Dương. Có ưu điểm là tính đa chiều của nội dung tri thức, tính nghiêm túc của thành phần giáo chức. Điểm đáng chú ý là năm 1945 GS Hoàng Xuân Hãn đã Việt hóa chương trình giáo dục, sau này áp dụng cho miền Nam với tinh thần của giáo dục tiên tiến Âu-Mỹ.

Phan Văn Thắng: Hình như đó là đặc điểm của các nền giáo dục của các thời kỳ lịch sử khác nhau chứ không phải là triết lý giáo dục.

Thưa tiến sỹ Phạm Thị Ly, ở trên bà có nói triết lý của giáo dục Việt nam hiện tại là Hồng và Chuyên. Vậy, theo bà, và các quý vị,triết lý đó có phù hợp với văn hoá Việt Nam, triết lý giáo dục truyền thống của Việt Nam cũng như điều kiện, định hướng và nhu cầu phát triển nền giáo dục nước nhà trong bối cảnh giáo dục thế giới hiện nay, và tương lai?

TS Phạm Thị Ly:Triết lý trên đây sở dĩ bám rễ dễ dàng trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, là vì nó khá gần với ngàn năm văn hóa Khổng Mạnh trên đất nước ta, trong đó mọi bài giảng thường bắt đầu bằng “Tử viết…”, tức lời dạy của thánh nhân, một chân lý bất khả tư nghị. Nền văn hóa này đề cao sự phục tòng, đè nén bản sắc cá nhân, thích hợp để duy trì sự ổn định của các cấu trúc xã hội cũng như địa vị thống trị của giai cấp cầm quyền.

Tuy nhiên, triết lý giáo dục này chủ yếu sản sinh ra những người vâng lời, thiếu khả năng thích ứng với bối cảnh thường xuyên thay đổi.Mà bối cảnh hiện nay thì thay đổi càng lúc càng nhanh, với tốc độ chóng mặt chưa từng có trước đây.Smartphone, mạng xã hội mới chỉ có mặt chưa đầy một thập niên, nhưng đã làm thay đổi cuộc sống và cách giao tiếp, cách làm việc của chúng ta như thế nào, mọi người đều đã thấy.Vì vậy, triết lý này cần được thay đổi.

PGS Chu Hảo:  Chúng ta đề ra nhiều khẩu hiệu, mà nhầm lẫn là triết lý giáo dục, nhưng trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta vẫn không tạo được niềm hạnh phúc khi tới trường. Ngày nay đi học là một gánh nặng, nhất là ở cấp học phổ thông.Đối với rất nhiều em tới trường là một nỗi nhọc nhằn, khổ sở; tuổi thơ của các em đang bị "đánh cắp" bởi một chương trình giảng dạy nặng nề, nhàm chán và không thiết thực.Điều này trái hẳn với triết lý Hạnh phúc giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo dựng được sự Công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em ở tuổi nhà trẻ và mẫu giáo.Hàng năm nước ta có khoảng 8 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; trong số đó chỉ có khoảng hơn 3 triệu em được đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Ngay cả các em được đến lớp ấy cũng chưa chắc gì được nuôi dạy một cách chu đáo như chúng ta được chứng kiến những hình ảnh bạo hành trẻ ở nhiều nhà trẻ, trường mầm non. Vậy mà lứa tuổi cần được hưởng sự công bằng về cơ hội học tập nhất lại là lứa tuổi từ dưới 1 đến 5.Đặc biệt là khuynh hướng thương mại hoá giáo dục đang là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với xã hội.Điều này trái hẳn với triết lý Công bằng giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễnnền giáo dục của chúng ta áp dụng một hệ thống quản lý tập trung quá mức, Nhà nước ôm vào mình những chức năng không cần có, làm mất quyền chủ động, linh hoạt của các cấp cơ sở.Quyền tự quản không được thực thi, đặc biệt là ở các trường Đại học. Ngay trong nhà trường sự mất dân chủ giữa người dạy và người học đã trở thành thâm căn cố đế. Điều này trái hẳn với triết lý Dân chủ giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Từ những nhận xét trên đây chúng ta có thể thấy rằng một cuộc cải cách toàn diệnvà triệt để hệ thống giáo dục của nước ta là một yêu cầu cấp bách, không thể nấn ná được nữa, không thể tiếp tục tiến hành những Đề án Đổi mới chắp vá và thiếu hiệu quả như ba mươi năm vừa qua được nữa. Một giải pháp tổng thể và đồng bộ nhằm chấn hưng (hay là làm lại?) nền giáo dục nước nhà không thể được đề xuất trong một thời gian ngắn (dưới 6 tháng), và chỉ bởi các chuyên gia trong nội bộ ngành giáo dục hoặc một nhóm chuyên gia độc lập nào. Phải coi đây là một Công trình lớn của quốc gia, phải được chuẩn bị chu đáo một vài năm, với sự tham dự của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dưới sự lãnh đạo của một Tổng công trình sư tài giỏi, công tâm và chuyên trách (chứ không kiêm nhiệm, làm "tay trái" như lâu nay vẫn thường xảy ra). Trước hết cần phải có một triết lý giáo dục căn bản cho nền giáo dục nước nhà.

Phan Văn Thắng:Những yêu cầu đặt ra cho một triết lý giáo dục mới tương thích với trình độ khoa học giáo dục của nhân loại và hài hoà tích cực trong văn hoá Việt Nam theo định hướng phát triển và hội nhập?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Đổi mới triệt để giáo dục. Trở về với tính nhăn văn. Lấy con người làm cứu cánh theo hướng thịnh hành hiện nay của đa số 95% các nước trên hành tinh, đặc biệt các nước phát triển.

TS Phạm Thị Ly:Triết lý giáo dục mới cần phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, nghĩa là có tính tới những yếu tố thực tế như trình độ phát triển về chính trị và kinh tế, cũng như gốc rễ văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, vì thế giới đã trở thành một ngôi làng toàn cầu, triết lý đó phải hướng tới việc đào tạo ra những con người có thể thích ứng với ngôi làng toàn cầu này.

PGS Phan Huy Dũng: Rất gần đây, có bài trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn ý kiến khẳng định rằng chúng ta đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông, đó là thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ. Theo tôi, đây là một nỗ lực xác định triết lý giáo dục rất đáng hoan nghênh, dù chẳng qua nó cũng chỉ là sự thâu tóm, đúc rút (và phát biểu lại, theo một cấu trúc ngôn ngữ khác) những điều mà từ lâu nhân loại đã biết, khẳng định và thực hành. Như vậy, vấn đề không hẳn là phải đưa ra một triết lý giáo dục hoàn toàn mới, vượt lên trên những triết lý giáo dục đã có, mà điều quan trọng, cái chúng ta xem là triết lý giáo dục đó có phù hợp với thực trạng đất nước, thực trạng giáo dục hiện nay và có “thuận” với xu thế phát triển chung của nhân loại hay không? Không nên “tự ái” nếu phải dùng lại/ nêu lại/ tán đồng những triết lý giáo dục từng được nêu lên trước đây, xuất phát từ bất kỳ nền giáo dục nào, nếu thấy nó vẫn đảm bảo tính thời sự và khoa học. Tuy nhiên, tôi không hiểu có phải do dân chủ là từ “nhạy cảm” hay không mà người xướng xuất triết lý giáo dục (phổ thông) nói trên phải đưa thêm vào cụm từ đảm bảo tính… ở đằng trước. Rõ ràng, kiểu diễn đạt này đã làm cho cái được gọi là triết lý giáo dục (phổ thông) kia đã hiện diện một cách khá rụt rè, thiếu tự tin. Vả lại, theo cách nói đầy cân nhắc trong bài báo, đây chỉ mới là triết lý giáo dục phổ thông thôi, không phải là triết lý giáo dục nói chung. Ở đây xuất hiện một vấn đề: triết lý của một bộ phận hoạt động lại được đề xuất trước khi triết lý của toàn bộ hệ thống hoạt động được xác định? Không thể nói khác: chúng ta vẫn đang còn loanh quanh, lúng túng, bị động trên vấn đề rất hệ trọng này!          

Phan Văn Thắng:Chúng ta có thể đề xuất một triết lý giáo dục phù hợp nhất cho Việt Nam hôm nay?

GS Nguyễn Đăng Hưng:Theo giáo dục Âu-Mỹ áp dụng thành công tại châu Á gần đây tại Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan. Đơn giản và ít tốn kém nhất là dùng chương trình Hoàng Xuân Hãn làm cơ sở, kiện toàn và hiện đại hoá cho ngày nay.

Phan Văn Thắng:Giáo sư giải mã triết lý đó từ cả góc độ hàn lâm và thực tiễn như thế nào?

GS Nguyễn Đăng Hưng:Lấy người đi học, học sinh, sinh viên làm chủ thể. Tạo điều kiện để người dân có thể hấp thụ một chương trình giáo dục nhân văn, đa chiều, các tri thức đề cao tính dân chủ tự do, không kỳ thị chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, chính kiến.

TS Phạm Thị Ly:Trở lại với vấn đề triết lý nào cho giáo dục Việt Nam, tôi cho rằng kinh tế tri thức khiến năng lực tư duy trở thành vấn đề sống còn, và thời đại thừa thãi thông tin đòi hỏi chúng ta phải biết chọn lọc, đánh giá, và sử dụng thông tin. Kinh tế tri thức cũng khiến cho khoa học trở thành liên ngành, xuyên ngành nhiều hơn.Trong mọi lĩnh vực của đời sống, cần hơn bao giờ hết khả năng làm việc cùng nhau. Mà khả năng làm việc cùng nhau đòi hỏi người ta phải dựa trên những nền tảng giá trị vững chắc, cũng như phải có sự trưởng thành về nhận thức và cảm xúc

Vì vậy, giáo dục ngày nay phải chú trọng huấn luyện năng lực tư duy độc lập, phát triển tiềm năng của từng cá nhân, và xây dựng những giá trị nhân bản, trong đó có ý thức công dân. Tất cả những điều này đều quan trọng, nhưng nếu có điều gì cần nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh lòng biết ơn, sự khoan dung và tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Bởi vì đó là những thứ chúng ta đang rất thiếu.

PGS Chu Hảo: Để bàn về một triết lý giáo dục cho Việt Nam, tôi muốn đi xa hơn một tý khi đề cập đến vấn đề này ở bình diện phổ quát toàn thế giới. Như chúng ta biết,loài người vẫn đang trên một hành trình bất tận để hiểu được “Ta là ai?Từ đâu tới?Đi về đâu? Và tại sao?”.Trên hành trình gian khổ ấy vấn đề giáo dục nổi lên như một phạm trù cốt lõi của sự tiến bộ xã hội. Ngay từ thế kỷ 4 trước công nguyên Plato là người đầu tiên chủ tâm giảng giải cho nhân loại biết thế nào giáo dục: Một xã hội ổn định khi mỗi cá nhân làm công việc phù hợp với những năng khiếu tự nhiên theo cách anh ta có ích cho những người khác (hay đóng góp cho cái toàn thể mà anh ta thuộc về); và nhiệm vụ của nền giáo dục là phát triển những năng khiếu tự nhiên này và huấn luyện chúng dần dần cho mục đích xã hội. Triết lý cao sang này, tiếc thay lại là điều không tưởng vì nó dựa trên giả thiết rằng đã có một tổ chức xã hội công bằng - dân chủ lý tưởng (cái chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử loài người).Ở đó chỉ thấy vai trò của các giai tầng xã hội mà không thấy có các cá nhân tự do. Tuy nhiên triết lý của Plato vẫn là ngọn hải đăng giáo dục cho mọi tổ chức xã hội cho đến tận thế kỷ 18 với quan niệm cho rằng: Sứ mạng của giáo dục là chuẩn bị cho người học gia nhập vào một xã hội nhất định nào đó để phục vụ cho xã hội ấy[1].

Đến giữa thế kỷ 18 J.J Rouseau đã đưa ra ý tưởng mới mang tính cách mạng: Con người sinh ra là thiện, mọi xã hội đều có xu hướng làm hỏng cái thiện có sẵn ấy trong con người; và vì vậy sứ mạng chủ yếu của giáo dục là làm cho cái bản tính tốt đẹp tự nhiên của con người được duy trì và phát triển, chứ không phải là đào tạo con người theo lợi ích của xã hội (đã bị chính con người làm cho tha hóa); và rằng con người chỉ có một nghề duy nhất là “Làm người”. Triết lý “vị cá nhân” mang tính “phòng vệ (negative)” này, tiếc thay cũng gặp phải một trở ngại lớn: “Môi trường tự nhiên” cần thiết cho đứa trẻ đi học có thể phát huy được cái “thiện” của mình chỉ sản phẩm thuần túy tư duy của Rouseau mà thôi[2]

Muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ 18 E.Kant lại có một cách nhìn nhận khác hẳn: Nhân loại bắt đầu lịch sử của mình trong tình trạng bị tự nhiên khống chế - chứ không phải với tư cách con người là một sinh vật có lý trí, trong khi đó tự nhiên chỉ cung cấp bản năng và lòng ham muốn. Vì vậy theo Kant: “Con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục” hay “Con người là những gì được giáo dục tạo nên”. Và như vậy lúc đầu triết lý giáo dục của thế kỷ 18 mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa Rouseau, nhưng sau đó Kant và những người khác (Fiche, Hegel...) đã bổ sung thêm yếu tố “nhân loại” thông qua vai trò điều hành và giám sát của xã hội - nhà nước để dung hòa hai mục tiêu cơ bản của giáo dục: hoàn thiện con người vì bản thân con người và cung cấp kỹ năng để phục vụ xã hội - nhà nước[3].

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cùng với sự xuất hiện trào lưu thực dụng luận (Pragmatism) trào lưu tân giáo dục đã ra đời ở Mỹ mà người khởi xướng là John Dewey. Theo ông “Triết lý giáo dục là lý luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm”[4]. Bởi vậy triết lý giáo dục nào cũng phải chứa đựng những điều cốt lõi sau đây: mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì? Và để đạt mục tiêu ấy cần phải hành động theo phương châm nào? Và bằng phương pháp nào? Ở thời đại của Dewey, cứu cánh của giáo dục có lẽ không khác mấy so với một thế kỷ trước: Hoàn thiện con người và phục vụ xã hội. Nhưng màu sắc “thực dụng vị kỷ” đã bắt đầu nhuốm vào giáo dục như một xu thế. Đến nỗi Einstein người cùng thời với Dewey đã phải cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở  thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời.Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng”[5].

Thế nhưng các nguyên lý cơ bản về phương châm, phương pháp giáo dục của Dewey mới thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng mới trong giáo dục.Tư tưởng “Tân giáo dục” của Dewey phủ nhận hoàn toàn nền giáo dục truyền thống đã từng được áp dụng từ thời Plato cho đến thời điểm đó. Bắt nguồn sâu xa từ các thuyết nhị nguyên (chia cắt các cặp phạm trù tưởng như đối lập như con người - tự nhiên, tư duy - hành động, lý thuyết - thực nghiệm, học - hành.v.v...). Nền giáo dục truyền thống đã tách biệt một cách phản dân chủ giữa nhà trường và xã hội, giáo dục và cuộc sống, thày giáo và học trò. Dewey chủ trương: Giáo dục không chỉ như là quá trình truyền đạt mà chính là bản thân cuộc sống; nhà trường không tách rời khỏi xã hội; và học trò là trung tâm của quá trình giáo dục. Ngày nay những nguyên lý giáo dục này vẫn là ngọn đuốc soi đường cho giáo dục ở các xã hội dân chủ.

Từ cuối thế kỷ 20 đã xuất hiện hai khuynh hướng mới trong giáo dục đáng được quan tâm. Đó là khuynh hướng “Tân tự do” và khuynh hướng “Tân phòng vệ”. Hai khuynh hướng này đối chọi nhau về mặt triết lý. Khuynh hướng “Tân tự do” coi giáo dục chủ yếu là hàng hóa, đầu tư cho việc học tập là đầu tư cho “vốn con người” cực kỳ vị kỷ vì nó được coi là của cải tư, mang đến lợi tức cho người có cái vốn đó[6]. Khuynh hướng “Tân phòng vệ” coi giáo dục chủ yếu là công ích, nhằm đào tạo những con người của và vì xã hội - nhân loại, trùng hợp với quan điểm của Rouseau về một nền giáo dục “phòng vệ”. Nhưng “Tân phòng vệ” không đặt nhà trường “bên ngoài” xã hội như Rouseau, mà ngay trong xã hội phức hợp, đa dạng và bất định và coi mục đích cuối cùng của giáo dục hiện đại là[7]:

1. Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt; đào tạo những con người có đủ năng lực tổ chức và liên kết các trí thức để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và cho toàn xã hội chứ không phải nhồi nhét kiến thức theo kiểu chất vào kho.

2. Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mọi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người. Dạy cho thế hệ trẻ cách sống, chuẩn bị cho họ biết cách đối mặt với những khó khăn và những vấn đề chung của cả loài người.

3. Thực tập tư cách công dân của đất nước và của toàn thế giới; có năng lực đối thoại, khoan dung trong thế giới phức hợp và đa dạng.

Phải chăng chúng ta cần tham khảo và nghiên cứu, chọn lọc và tiếp nhận những vấn đề cơ bản này của giáo dục thế giới.Chúng không nên và không thể một mình đi một đường được.

Phan Văn Thắng: Thưa PGS, vậy ông có đề xuất một triết lý cho giáo dục Việt Nam?

PGS Chu Hảo: Theo tôi,nếu dám (và nên) bỏ qua những định kiến không còn hợp thời thì nên dùng lại triết lý giáo dục đã từng có ở nước ta là : Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng.

Tôi tin rằng triết lý ấy sẽ trường tồn cùng các thế hệ người Việt Nam.

Tôi mong được sự tán thành các anh chị trong bàn tròn này.

Phan Văn Thắng: Các quý vị có đề xuất một triết lý khác cho giáo dục Việt Nam không ạ?

Giáo sư  Nguyễn Đăng Hưng: Tôi đề nghị Việt Nam nên thay đổi triết lý, hay là nhận thức về phát triển nền giáo dục của mình, từ hơn 70 năm nay, đó là triết lý hồng đi trước chuyên đi sau như TS Phạm Thị Ly đã nhắc! Việt Nam nên khiêm tốn trở lại với nền giáo dục nhân văn lấy con người làm cứu cánh, tôn trọng mục đích chân thiện mỹ trong tri thức, tôn trọng những giá trị căn bản trong giáo dục: tự do học thuật, công bằng trong lựa chọn các phương tiện, dân chủ trong việc đề đạt người thầy và cách ban phát bổng lộc. Việt Nam cần trở về với truyên thống đạo lý làm người, quan niệm thực học “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, tính trung thực trong mọi lĩnh vực khoa học… Để phát triển bền vững nền giáo dục nước nhà, chúng ta cần bỏ qua những nhận thức, hoặc là triết lý lỗi thời để  hướng tới và thực hành với triết lý giáo dục chân chính, hiện đại và phổ quát!

Phan Văn Thắng: Chúng ta đã trao đổi khá nhiều xung quanh triết lý giáo dục  và triết lý cho giáo dục Việt Nam. Từ quan sát và nghiên cứu của mình, các quý vị có thể cho biết khoảng cách giữa triết lý và hành động, triết lý và thực tiễn vẫn động của nền giáo dục có quá xa không? Với Việt Nam, làm cách gì để triết lý giáo dục trở thành hiện thực sinh động, đem lại những kết quả, hiệu quả thiết thực với nền giáo dục và với xã hội?

Tiến sỹ Phạm Thị Ly: Tôi là một người lạc quan, và triết lý sống của tôi là “tin ở hoa hồng” (cười). Anh thấy đấy, chỉ riêng cái việc chúng ta ngồi ở đây để thảo luận về triết lý giáo dục và tìm kiếm những gì tốt hơn cho tương lai cũng đã là một việc đáng phấn khích, cho dù từ cái chúng ta nghĩ, đến cái chúng ta nói và làm, và kết quả thực tế ngoài xã hội, khoảng cách có xa vời vợi chăng nữa thì bản thân cái việc “hoa hồng” vẫn còn đó cũng nói lên một điều gì có ý nghĩa. Tôi tin chắc không chỉ những người trong bàn tròn này thao thức về những vấn đề nêu trên, mà rất nhiều người cũng đang nghĩ tương tự. Đã và đang có rất nhiều người nhận ra những khiếm khuyết của nền giáo dục hiện tại, cũng như những vấn đề nảy sinh do thiếu vắng một triết lý giáo dục thích hợp với bối cảnh và thời đại. Đã và đang có nhiều người làm những việc trong tầm tay họ để thức tỉnh những người có trách nhiệm với số phận của thế hệ trẻ và tương lai của giáo dục. Nhưng nỗ lực cá nhân thì tác động cũng hạn chế.Triết lý nói có hay cỡ nào, mà chính sách không đi cùng với nó, thì cũng vô ích. Vì thế, tất cả cuối cùng vẫn nằm ở năng lực xây dựng chính sách.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng:  Trong giáo dục quảng cách gữa lý thuyết và hành động sẽ không xa nếu có chính sách nhất quán và sự chọn lựa toàn diện và dứt khoát.Chỉ cần chọn lựa một công trình sư tài ba và bản lĩnh, giao cho công trình sư này toàn quyền đứng ra tổ chức cải tổ, chọn lựa chính sách và nhân sự thực hiện theo triết lý giáo dục chân chính, thì hiện thực sinh động của việc đổi thay, hiệu quả thiết thực sẽ thấy ngay trong khoản thời gian vài học kỳ (từ 5 đến 10 năm).

Ngay từ ngày khởi xướng, sự chọn lựa công trình sư ta sẽ thấy ngay thực chất của quyết tâm thay đổi.

PGS Phan Huy Dũng: Để giáo dục Việt Nam hiên nay đạt được bước phát triển mới theo hướng hội nhập quốc tế, việc đề xuất một triết lý giáo dục đủ tầm bao quát, theo các ý kiến đã trao đổi,rõ ràng là vấn đề có tính tiên quyết. Tuy nhiên, cái gọi là đề xuất này không đồng nghĩa với việc “nghĩ ra” một cái gì khác thường, chưa ai nói hoặc chưa ai phát biểu như thế cả (sự thực, đây là việc bất khả, vì như trên đã nói, ở ta lâu nay vẫn đang thiếu một sự nghiên cứu nghiêm túc, chuyên nghiệp về giáo dục ở tầm triết học). Rất có thể, nội dung chính củacông việc này là cân nhắc, tham khảo, vận dụng lại những triết lý giáo dục đã có và đang phát huy tác dụng tích cực ở những nền giáo dục tiên tiến, miễn sao, cuối cùng, triết lý giáo dục được lựa chọn/ tán đồng cho thấy cái đích vươn tới của xã hội ta cùng với đòi hỏi của nó về một mẫu người phù hợp– phù hợp hiểu theo nghĩa là biết tham gia kiến tạo xã hội mơ ước,biết vận hành nó một cách có hiệu quả, trên cơ sở giải phóng triệt để năng lượng sáng tạo của cá nhân và theo đuổi tinh thần tận hiến. Hiện nay, thật ngây thơ khi tin rằng đề xuất về triết lý giáo dục của một cá nhân hoạt động độc lập, riêng lẻ nào đó lại được lựa chọn, do vậy, vấn đề phải được giải quyết bởi một tập thể các nhà khoa học có uy tín và được xã hội ủy thác làm công việc hệ trọng này (theo tôi quan sát, hình như chúng ta mới chỉ có những hội đồng các nhà giáo dục thực hiện một số công việc cụ thể như xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn sách giáo khoa… - những công việc dĩ nhiên là hết sức quan trọng, nhưng dù sao, chúng chỉ có thể đạt kết quả tốt nếu có được định hướng sáng rõ ở tầm vĩ mô).

Có triết lý giáo dục phù hợp và sáng suốt chưa phải là tất cả. Việc diễn giải nó nhất thiết cũng phải được thực hiện một cách công phu, tạo cơ sở cho việc xác định mục tiêu giáo dục ở nhiều cấp độ sẽ được tiến hành sau đó, đảm bảo cho mọi mục tiêu đều phục tùng sự thống nhất chỉnh thể của hoạt động giáo dục trong một quốc gia. Như vậy, sự diễn giải này sẽ đòi hỏi/ khiến chúng ta, dần từng bước, thực sựđi sâu nghiên cứu, xây dựng những nền tảng của bộ môn triết học giáo dục – việc lẽ ra phải làm trước nhất, như ở trên đã nói. Có thể nói đây là một quy trình ngược, nhưng điều may mắn là chúng ta có thể tiếp thu được nhiều tư tưởng giáo dục hiện đại của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay để “quy trình ngược” này chỉ “ngược” trong một giai đoạn ngắn, do những ràng buộc khó gỡ của lịch sử.Trên thực tế, nhiều trường đại học và thậm chí là trung học phổ thông cũng tuyên bố “triết lý giáo dục” của mình. Điều nàycho thấy: vấn đề triết lý giáo dục quả là vấn đề nóng, và mỗi trường đang cố vượt thoát những rào cản để đưa hoạt động đào tạo, giáo dục, giảng dạy của mình đi đúng đường ray của thế giới văn minh, hiện đại. Tất nhiên, như ta đã từng kiểm chứng, việc “nhanh chân chạy trước” vấp phải không ít khó khăn, biểu hiện đầu tiên và dễ thấy nhất là không ít“triết lý giáo dục” được tuyên bố thực chất chỉ là mục tiêu đào tạo, mà việc thực hiện chúng không dễ dàng chút nào vì những vấn đề thuộc về sự trục trặc ở hệ thống lớn.Chuyện mạnh ai “triết lý” nấy sẽ khiến cho vấn đề triết lý giáo dục vốn rất nghiêm túc sẽ không còn được nghiêm túc nữa!

Phan Thắng: Trân trọng cảm ơn các quý vị đã tham gia cuộc trao đổi. Tôi nghĩ  là câu chuyện của chúng ta vẫn chưa kết thúc vì vấn đề vẫn còn tồn tại và không dễ gì kết thúc. Hy vọng chúng ta lại tiếp tục câu chuyện về vấn đề này vào một dịp khác.

 



[1] Jonh Dewey, Dân chủ và giáo dục, NXB Tri thức 2008, trang 114 - 117

[2] J.J. Rouseau, Emile hay là về giáo dục, NXB Tri thức 2008, xem lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn

[3] Jonh Dewey, sđd, trang 118 - 126

[4] Jonh Dewey, sđd, trang 390

[5] A. Einstein, Thế giới như  tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48

[6] Cao Huy Thuần, Tạp chí thời đại mới số 14, www.tapchithoidaimoi.org

[7] Edgar Morin, Liên kết Tri thúc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511986

Hôm nay

2312

Hôm qua

2337

Tuần này

22360

Tháng này

218859

Tháng qua

121356

Tất cả

114511986