Nhìn ra thế giới

Tấn công Syria: Câu chuyện của lý trí và cảm xúc?

Chắc hẳn không ai không đau lòng và căm phẫn khi nhìn hình ảnh những đứa trẻ vô tội thoi thóp trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib của Syria.Nhưng tức giận đến cỡ nào thì có lẽ ta vẫn không khỏi bất ngờ trước hành động của Hoa Kỳ vào ngày 7/4 vừa qua. 59 tên lửa Tomahawk đã được phóng vào căn cứ không quân Al-Shayrat của Syria như một hành động đáp trả. Hành động ấy không chỉ dấy lên những luồng ý kiến trái chiều mà còn khiến ta một lần nữa phải tự hỏi: Donald Trump thực sự là ai?

Đằng sau cảm xúc

Sau vụ phóng tên lửa vào Syria, ông Donald Trump đã đăng trạng thái trên Facebook với một dòng chữ rất lớn rằng: “Enough is Enough”. Câu nói đó ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi không phải bởi đó là câu tôi cũng hay dùng mà bởi tính cảm xúc của nó. Điều gì khiến vị Tổng thống này thốt lên là quá đủ rồi, là cái gì cũng có giới hạn của nó? Tất nhiên nhiều người sẽ nói câu trả lời hết sức đơn giản: Đó là hành động tấn công bằng vũ khí hóa học của Syria. Hành động ấy là tội ác, là vi phạm những cam kết quốc tế. Năm 2013, Tổng thống Obama cũng đã cảnh cáo Syria đã vượt “lằn ranh đỏ” khi tấn công bằng vũ khí hóa học.

Ông Trump cũng lý giải rằng sau khi xem đoạn ghi hình những đứa trẻ trong vụ tấn công đó, ông cảm thấy thật kinh khủng.Đó là điều không thể chấp nhận được.Nó tác động rất mạnh đến ông và dẫn đến những thay đổi.Ông nhận thấy mình phải có trách nhiệm trong việc này để rồi nhanh chóng đi đến quyết định cho Syria và chính quyền Bashar al-Assad một bài học mà chưa có sự đồng ý của Quốc hội.

Tuy nhiên, liệu có thực sự vị Tổng thống này xúc động mạnh mẽ đến vậy?Liệu đây có phải chỉ là một hành động cảm tính, đúng phong cách làm việc ngẫu hứng và thiếu kinh nghiệm chính trị của ông Trump? Có lẽ là không!

Bà H. Clinton dù ủng hộ quyết định này nhưng vẫn cho rằng cảm xúc của ông là giả tạo. Một người hôm nay bị xúc động mạnh mẽ trước cái chết của những đứa trẻ Syria dẫn đến quyết định điều quân lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình ấy cũng là người cách đây không lâu đã đóng sầm cánh cửa trước những ngươi tị nạn, trong đó có rất nhiều trẻ em đến từ Syria đang tìm cách thoát khỏi mảnh đất quê hương đầy chết chóc. Cũng chính ông đã một mực phản đối Tổng thống Obama can thiệp vào Syria năm 2013 trong một tình huống tương tự. Suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông đã kêu gọi sự ủng hộ bằng cái gọi là “Nước Mỹ trên hết”, là đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng việc giải quyết công ăn việc làm trong nước, giảm bớt can thiệp và giải quyết các vấn đề bên ngoài. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ông là chống lực lượng khủng bố IS và đã chuẩn bị tinh thần “sống chung” với Assad.

Vậy mà một phút xúc động có thể khiến ông thay đổi gần như 180 độ?Không, đằng sau cảm xúc và hành động ấy là rất nhiều thông điệp đã được gửi đi. Trước hết, về mặt quân sự, đây là một phản ứng có cân nhắc và đã được tính toán, đo lường. Dù Nga cho rằng hiệu quả của loạt tên lửa này thấp, chỉ 23/59 quả đánh đúng mục tiêu nhưng Mỹ đã chứng tỏ sức mạnh bằng thực tế phá hủy nghiêm trọng máy bay và cơ sở hạ tầng của Syria ở Al Shayrat. Hành động này tất nhiên chưa dẫn đến sự thay đổi tương quan lực lượng tại Syria nhưng nó chứng tỏ sức mạnh quân sự của Mỹ và sẽ giúp ông Trump thuận lợi hơn khi quyết định tăng ngân sách quốc phòng trong tương lai . Về mặt chiến lược, vụ phóng tên lửa này diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, đã cho thấy Trump có nhiều tính toán cho hành động của mình..

Thứ nhất, về tình hình trong nước, ông Trump đang phải đối mặt với những chỉ trích và bê bối như:  việc Nga can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống, nghi ngờ ông và đội ngũ của mình có thong đồng với Moscow, vấn đề về sắc lệnh nhập cư hay Obamacare,…Hành động này sẽ hướng sự tập trung của dư luận sang một hướng mới.

Hơn nữa, hiện nay Trump đang nhận được tỷ lệ ủng hộ rất thấp (chỉ 35%) và hành động này là để ông chứng tỏ với dân thái độ cứng rắn, nói là làm của mình, khác xa người tiền nhiệm. Ngoại trưởng Rex W. Tillerson cũng phát biểu rằng: ông xem đó không phải là một phản ứng cảm tính mà ông Trump đã nhìn lại quyết định của ông Obama trước đây để đi đến quyết định nước Mỹ không thể thêm một lần nhắm mắt làm ngơ nữa.

Thứ hai, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nội dung cốt lõi là bàn về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên thì động thái này đã gửi đến Bắc Kinh một thông điệp có tính dằn mặt rằng:Mỹ không ngại hành động đơn phương nếu Bắc Kinh không biết cách dạy dỗ Triều Tiên. Hành động của Mỹ không chỉ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến Syria mà còn trên cả thế giới. Nó cảnh báo những lãnh đạo như Assad rằng: hành động sử dụng vũ khí giết người hàng loạt không thể không dẫn đến sự trừng phạt.

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là tính toán về sức mạnh, vị trí của Mỹ tại Trung Đông. Phải chăng ông Trump đang lo ngại sự thắng thế hoàn toàn của chính quyền Assad? Hành động này có phải để ra sức ngăn cản điều đó thành hiện thực?

Những nguy cơ đòi hòi sự lý trí của chính quyền Trump trong tương lai

Hành động đầy bất ngờ này của ông Trump nhận được những phản ứng khác nhau trên thế giới. Bên cạnh nhiều quốc gia lên tiếng hết sức ủng hộ như: Anh, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada thì cũng có những quốc gia tỏ ra trung lập hoặc không rõ ràng, đặc biệt là Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ kêu gọi các bên kiềm chế, ủng hộ tiến trình chính trị giải quyết vấn đề Syria. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Tillerson thì sau bữa tối, ông Trump đã nói với ông Tập về ý định phóng tên lửa vào Syria để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học và ông Tập đã nói với Tổng thống rằng ông ấy hiểu đáp trả quân sự là cần thiết khi người ta đang giết trẻ em. Ông Tillerson cho  rằng phản ứng của ông Tập lúc đó có vẻ ủng hộ hơn là phản ứng chính thức của chính quyền.

Chính quyền ông Al – Assad, Iran và Nga phản đối mạnh mẽ hành động này. Chính quyền ông Bashar al-Assad đã cho rằng hành động của Mỹ là một hành vi ngu xuẩn và thiếu trách nhiệm. Trong khi đó Nga phủ nhận đứng sau vụ tấn công hóa học và ông Putin cho rằng hành động này của Mỹ đã giáng một đòn vào mối quan hệ Nga – Mỹ còn thủ tướng Mevedev cho rằng nó đã phá hủy hoàn toàn mối quan hệ này.Đáp trả hành động, Nga đã cho tàu khu trục vào Địa Trung Hải và cho biết sẽ tang cường phòng thủ tại Syria đồng thời sẽ cho đóng đường dây nóng được thiết lập để trao đổi thông tin với Mỹ, tránh các vụ đụng độ trên không, đảm bảo an toàn bay tại Syria. Ông Vladimir Safronkov, phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng hành động của Mỹ "vi phạm trắng trợn luật quốc tế và hành động gây hấn" với những hậu quả cho an ninh khu vực và quốc tế có thể "cực kỳ nghiêm trọng",

Như vậy có thể thấy trước mắt những nguy cơ mà Trump và chính quyền của ông phải đối mặt.Thứ nhất, Nga và Mỹ đang đứng trên hai đầu chiến tuyến tại Syria và điều này có thể gây ra sự tổn hại trong quan hệ Nga – Mỹ. Thứ hai, khi đánh vào chính quyền Assad, ông Trump đã phá vỡ mục tiêu chính mà ông đã đặt ra là đánh bại nhà nước Hồi giáo. Nếu Syria sụp đổ thì nó sẽ là thiên đường đối với lực lượng khủng bố Hồi giáo vì khi có khoảng trống quyền lực nào được tạo ra trong khu vực thì lực lượng Hồi giáo cực đoan sẽ tận dụng nó.Thứ ba, rõ ràng ông Trump chưa có một chính sách nào rõ ràng có thể giúp mang lại hòa bình cho Syria, chưa trả lời được câu hỏi liệu ông có thể giải quyết những khủng hoảng trong tương lai. Dù hành động này chưa thể nói rằng Washington bắt đầu can thiệp vào cuộc nội chiến nhưng nó có thể dẫn điến việc Mỹ sẽ dính líu vấn đề này trong tương lai. Điều này không phù hợp với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” mà ông đã đưa ra lấy lòng cử tri.Thứ tư, ông Trump đã quyết định mà không có sự thông qua của Quốc hội và ông sẽ phải đối mặt với câu hỏi: Liệu hành động này là hợp pháp hay không? Ông cũng không đưa ra được những tiêu chí cho việc can thiệp nhân đạo. Hơn nữa, cách sử dụng quân đội như này về lâu về dài có thể khiến người dân quay lung lại với ông.

Có thể nói những diễn biến thời gian tới cũng khó đoán không khác gì cảm xúc, hành động của vị tổng thống độc đáo Donald Trump. Tuy nhiên, có một điều ta có thể chắc chắn rằng cuộc tấn công này sẽ định hình cho cuộc chạm trán đầu tiên vào tuần tới giữa Ngoại trưởng Rex W. Tillerson và Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga và nó cũng hé mở những thay đổi sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Nó cũng một lần nữa khẳng định, ông Trump không phải là một người chỉ biết hành động cảm tính và thiếu kinh nghiệm chính trị như chúng ta nghĩ. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512077

Hôm nay

214

Hôm qua

2389

Tuần này

214

Tháng này

218950

Tháng qua

121356

Tất cả

114512077