Nhìn ra thế giới

Toàn văn bài diễn thuyết của Tổng thống Donald Trump tại Saudi Arabia

LTS: Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Saudi Arabia, được ví như động thái điều chỉnh thái độ chống Hồi giáo đáng kể nhất kể từ khi ông bắt đầu tranh cử, với giọng điệu mới hòa dịu hơn rất nhiều. Báo chí Mỹ đánh giá ông Trump đã phát biểu đúng cách, đúng thời gian và đúng địa điểm, với bài diễn văn lay động thế giới Hồi giáo.

Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả toàn văn bài phát biểu đặc biệt này.

Xin cảm ơn Quốc vương Salman vì những lời của Ngài, và cám ơn Vương quốc Saudi Arabia tráng lệ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hôm nay.

Tôi lấy làm vinh dự nhận được sự đón tiếp chu đáo từ các vị chủ nhà. Tôi vẫn luôn được nghe kể về sự huy hoàng của đất nước và lòng tốt của người dân các bạn, nhưng không lời nào có thể diễn tả được hết sự hùng vĩ của mảnh đất này, cũng như lòng hiếu khách tuyệt vời mà các bạn đã dành cho chúng tôi suốt từ đầu chuyến thăm.

Các bạn đã tiếp đón tôi tại dinh thự đáng quý của Quốc vương Abdulaziz, người sáng lập Vương quốc đã thống nhất dân tộc vĩ đại này. Hai nhà lãnh đạo đáng mến của hai nước, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Quốc vương Abdulaziz, đã từng làm việc cùng nhau để gây dựng nên mối quan hệ đối tác lâu bền giữa hai nước chúng ta.

Cha của Ngài, thưa Quốc vương Salman, hẳn sẽ rất tự hào khi thấy Ngài đang tiếp nối di sản của ông – và cũng như việc cha Ngài đã mở ra chương đầu trong mối quan hệ đối tác này, ngày hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu một chương mới, mang lại lợi ích bền vững cho nhân dân hai nước.

Tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc và chân thành tới từng vị lãnh đạo nhà nước đã đến đây ngày hôm nay. Sự hiện diện của các bạn là niềm vinh hạnh của tôi, và tôi xin gửi lời hỏi thăm hỏi nồng ấm nhất tới đất nước các bạn. Tôi tin rằng thời gian chúng ta làm việc cùng nhau sẽ đem lại nhiều phước lành cho người dân ở cả nước tôi và nước các bạn.

Tôi có mặt tại đây với tư cách là đại biểu của Nhân dân Hoa Kỳ, nhằm gửi một thông điệp về tình hữu nghị và hi vọng. Đây chính là lý do trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, tôi đã chọn điểm đến là trung tâm của thế giới Hồi Giáo, tới quốc gia là nơi tọa lạc của hai thánh địa linh thiêng nhất Đạo Hồi.

Trong bài diễn văn nhậm chức trước người dân Mỹ, tôi đã cam kết tăng cường những mối quan hệ hữu nghị lâu đời nhất của Mỹ, cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác mới nhằm theo đuổi mục tiêu hòa bình. Tôi cũng đã hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách áp đặt lối sống của mình cho người khác, mà sẽ mở rộng đôi tay với tinh thần hợp tác và tin cậy.

Tầm nhìn của chúng ta là một tầm nhìn hòa bình, an ninh, và thịnh vượng – trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Mục tiêu của chúng ta là một liên minh các quốc gia cùng chung mục đích dập tắt chủ nghĩa cực đoan, tạo dựng cho con em chúng ta một tương lai đầy hi vọng để làm rạng danh Chúa.

Do vậy, cuộc hội ngộ mang tính lịch sử và chưa có tiền lệ của các nhà lãnh đạo – độc nhất kể từ khi khái niệm quốc gia được áp dụng - chính là biểu tượng cho thế giới thấy quyết tâm chung và sự tôn trọng lẫn nhau của chúng ta.

Thưa các nhà lãnh đạo và nhân dân của tất cả các nước tập hợp tại đây ngày hôm nay, tôi muốn các bạn biết rằng, Hoa Kỳ rất mong mỏi được xây dựng những mối quan hệ hữu nghị, an ninh, văn hóa và thương mại chặt chẽ hơn.

Đối với người dân Mỹ, đây đang là một thời điểm đầy hứng khởi.

Tinh thần lạc quan đang dậy sóng trên khắp đất nước: chỉ sau vài tháng, gần một triệu việc làm mới đã được tạo ra, tạo giá trị tương đương 3.000 tỉ USD, nhiều gánh nặng đè lên vai ngành công nghiệp Mỹ đã được gỡ bỏ, và những khoản đầu tư kỷ lục vào quân sự đã được tiến hành để bảo vệ sự an nguy cho người dân Mỹ cũng như nâng cao an ninh cho các đồng minh và bạn bè tuyệt vời của nước Mỹ- nhiều trong số đó đang có mặt tại đây ngày hôm nay.

Và giờ đây, còn có thông tin đáng mừng hơn mà tối rất hân hạnh được chia sẻ với các quý vị. Cuộc gặp của tôi với Quốc vương Salman, Hoàng thái tử, và Phó Hoàng thái tử, đã diễn ra nồng ấm, tràn ngập thiện chí và hợp tác sâu rộng.

 

Ngày hôm qua, chúng tôi đã ký kết các hiệp định mang tính lịch sử với Saudi Arabia, qua đó gần 400 tỉ USD sẽ được đầu tư vào hai nước và tạo ra hàng nghìn việc làm tại Mỹ và Saudi Arabia.

Hiệp định lịch sử này bao gồm một đơn hàng quốc phòng trị giá 110 tỉ USD từ phía Saudi Arabia – và chúng tôi đảm bảo sẽ hỗ trợ những đối tác Saudi Arabia đạt được các thỏa thuận tốt với các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ. Hiệp định này sẽ giúp quân đội Saudi Arabia tăng cường vai trò của mình trong các hoạt động an ninh.

Chúng tôi cũng đã bắt đầu thảo luận với nhiều quốc gia có mặt ngày hôm nay về việc tăng cường quan hệ với những đối tác có sẵn, đồng thời xây dựng các mối quan hệ mới, nhằm thúc đẩy an ninh ổn định trên khu vực Trung Đông và xa hơn nữa.

Hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục làm nên lịch sử qua việc khai trương Trung tâm Toàn cầu về Đấu tranh chống Chủ nghĩa Cực đoan– tọa lạc ngay tại đây, tại trung tâm của Thế giới Hồi giáo.

Trung tâm mang tính đột phá này thể hiện tuyên bố rõ ràng rằng các nước Hồi giáo cần phải đi đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn Quốc vương Salman vì sự lãnh đạo cương quyết này.

Tôi đã có vinh dự được đón tiếp một số những nhà lãnh đạo ngồi đây tại Nhà Trắng, và tôi mong sẽ được làm việc với tất cả các vị.

Nước Mỹ là một nước có chủ quyền, và ưu tiên lớn nhất của chúng tôi luôn là sự an toàn và an sinh của công dân Mỹ.

Chúng tôi không ở đây để thuyết giảng, để bảo người khác phải sống như thế nào, làm gì, là ai, hay thờ phụng gì. Thay vào đó, chúng tôi tới đây để đề xướng hợp tác – dựa trên những giá trị và lợi ích chung – để mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.

Tại hội nghị này, chúng ta sẽ thảo luận những lợi ích chung. Nhưng trên hết, chúng ta cần đoàn kết trong việc theo đuổi một mục tiêu tối cao hơn cả. Mục tiêu đó là đối mặt với thử thách của lịch sử - đánh bại chủ nghĩa cực đoạn và dập tắt các thế lực khủng bố.

Các cô bé cậu bé Hồi giáo cần được lớn lên mà không có nỗi sợ, chúng phải được bảo vệ an toàn trước bạo lực và không biết tới sự thù hằn.

Các thanh niên nam nữ Hồi giáo cần có cơ hội xây dựng một kỷ nguyên thịnh vượng cho bản thân và cộng đồng.

Cùng với sự giúp đỡ của Chúa, hội nghị này sẽ đánh dấu khởi đầu của ngày tàn đối với những kẻ thực hành khủng bố và truyền bá tín điều tàn bạo. Cùng với đó, chúng tôi cầu mong cuộc họp đặc biệt này sẽ được nhớ tới như một khởi đầu của nền hòa bình trên khu vực Trung Đông – và có thể, trên toàn thế giới.

Nhưng tương lai này chỉ có thể đạt được khi chủ nghĩa khủng bố và hệ tư tưởng dẫn dắt khủng bố bị đánh bại.

Rất ít quốc gia có thể thoát khỏi tầm với bạo lực của khủng bố.

 

 

 

Nước Mỹ đã nhiều lần phải gánh chịu các cuộc tấn công man rợ - từ sự kiện hung ác ngày 11/9, thảm họa đánh bom tại Boston, cho tới vụ khủng bố khủng khiếp tại San Bernardino và Orlando.

Các nước châu Âu cũng đã phải chịu đựng những nỗi kinh hoàng khôn tả. Các quốc gia Châu Phi, thậm chí Nam Mỹ, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Úc đều cũng từng là nạn nhân.

Tuy vậy, nếu xét về số lượng, thương vong nhiều nhất chính là những người dân vô tội của các quốc gia Arab, Hồi giáo và Trung Đông. Họ phải gánh chịu mũi dùi của sự giết chóc và hậu quả nặng nhất của sự tàn phá trong làn sóng bạo lực cuồng tín này.

Một số thống kê cho thấy hơn 95% nạn nhân khủng bố chính là người Hồi giáo.

Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo và an ninh trong khu vực và còn lan rộng ra khắp hành tinh. Đây là một bi kịch với quy mô lớn chưa từng có. Không một từ gì về những đau khổ và sự độc ác có thể diễn tả hết được mức độ của bi kịch này.

Thống kê thiệt hại thật sự mà ISIS, Al Qaeda, Hezbollah, Hamas, và nhiều tổ chức khác đã gây ra cần phải được tính toán không chỉ dựa trên con số thương vong, mà còn phải tính bằng các thế hệ của những giấc mơ bị tan biến.

 

Khu vực Trung Đông là nơi giàu vẻ đẹp tự nhiên, có nhiều nền văn hóa sinh động, và số lượng lớn các báu vật lịch sử. Khu vực cần từng bước trở thành một trong những trung tâm toàn cầu về thương mại và cơ hội.

Đây không đáng trở thành khu vực mà những người tị nạn phải chạy trốn, mà thay vào đó phải là nơi những người dân khắp nơi kéo tới.

Saudi Arabia là quê hương của hai thánh địa linh thiêng nhất thuộc một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới. Hằng năm, hàng triệu người Hồi giáo từ trên khắp thế giới đến Saudi Arabia để tham gia vào lễ hành hương Hajj. Ngoài các kỳ quan cổ đại, nước này còn có các kỳ quan hiện đại, bao gồm những thành tựu cao vời vợi trong kiến trúc.

Ai Cập từng là trung tâm thịnh vượng của học vấn với những thành tựu đi trước phần còn lại của thế giới hàng nghìn năm. Những kỳ quan của Giza, Luxor và Alexandria là di tích hào hùng của di sản cổ đại này.

Trên toàn thế giới, người ta ước mơ được đi qua những tàn tích của thành cổ Petra ở Jordan. Iraq là cái nôi của nền văn minh và là một vùng đất của nhiều vẻ đẹp tự nhiên. Và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã đạt đến đỉnh cao đáng kinh ngạc với thủy tinh và thép, biến đất và nước thành những tác phẩm nghệ thuật ngoạn mục.

Toàn bộ khu vực là trung tâm của các tuyến đường vận tải chính gồm Kênh đào Suez, Biển Đỏ và Eo biển Hormuz.

Tiềm năng của khu vực chưa bao giờ lớn hơn lúc này. 65% dân số đang ở độ tuổi dưới 30, và giống như bao nam nữ thanh niên khác, họ đang tìm kiếm tương lai tuyệt vời để kiến thiết, các dự án quốc gia lớn để tham gia, và một nơi để gia đình họ có thể gọi là nhà.

Nhưng tiềm năng chưa được khai thác và nguồn lạc quan dồi dào này đang bị ngăn chặn bởi sự đổ máu và khủng bố. Chúng ta không thể chung sống với thứ bạo lực này.

Chúng ta không thể chấp nhận, không thể cho phép, không thể bào chữa, và không thể phớt lờ những gì đang diễn ra.

Khi một kẻ khủng bố sát hại một người vô tội, và dùng danh nghĩa Chúa một cách sai trái, đó là một sự xúc phạm đối với bất kì ai theo đạo trên thế giới này.

Những kẻ khủng bố, chúng đâu có tôn thờ Chúa, chúng tôn thờ cái chết.

Nếu chúng ta không hành động chống lại những hình thức khủng bố có tổ chức, thì chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra. Mối họa khủng bố đối với nhân loại sẽ tiếp tục lan rộng. Những xã hội vốn đang bình an sẽ chìm trong ngọn lửa bạo lực. Và tương lai của của nhiều thế hệ, đáng buồn thay, sẽ lãng phí vô ích.

Nếu chúng ta không đồng lòng lên án những hành vi giết chóc ấy—thì chúng ta sẽ không chỉ bị chính người dân của chúng ta đánh giá, không chỉ bị lịch sử đánh giá, mà sẽ còn bị Chúa trừng phạt.

Đây không phải một cuộc chiến giữa những tôn giáo khác nhau, giữa những nhánh giáo phái khác nhau, hay giữa những nền văn minh khác nhau.

Mà đây là một cuộc chiến giữa một bên là những tên tội phạm man rợ, những kẻ luôn tìm cách tước đoạt mạng sống của con người, và bên kia là những người tốt thuộc mọi tôn giáo trên thế giới này, những người muốn bảo vệ mạng sống của con người.

Đây là một trận chiến giữa Thiện và Ác.

Khi chúng ta chứng kiến những cảnh tượng hủy diệt mà bọn khủng bố gây ra, trong mắt chúng ta, những người bị giết hại không phải người Do Thái hay Cơ đốc, người theo dòng Shia hay Sunni. Khi chúng ta chứng kiến máu phủ đầy lên những vùng đất cổ, chúng ta đâu có thấy được tôn giáo, giáo phái, hay bộ tộc của các nạn nhân – tất cả những gì chúng ta thấy là cái chết của những người con của Chúa, và là sự xúc phạm đối với thánh thần.

Nhưng chúng ta chỉ có thể vượt qua cái Ác nếu phe Thiện đoàn kết và mạnh mẽ – và nếu tất cả mọi người trong khán phòng hôm nay làm tròn bổn phận của mình.

 

Khủng bố đã lan tràn trên khắp thế giới. Nhưng con đường đi đến hòa bình sẽ bắt đầu ngay tại đây, ngay trên mảnh đất cổ kính, thiêng liêng này.

Nước Mỹ đã sẵn sàng đồng hành cùng các bạn – cùng theo đuổi những lợi ích chung và vì mục tiêu đảm bảo an ninh cho tất cả.

Nhưng các nước Trung Đông không thể cứ ngồi đợi nước Mỹ tiêu diệt kẻ thù giúp cho mình được. Các nước Trung Đông sẽ phải tự quyết định tương lai của mình, vì vận mệnh đất nước và tương lai của lũ trẻ.

Đó là sự lựa chọn giữa hai tương lai – và là lựa chọn nước Mỹ KHÔNG THỂ làm hộ các bạn.

Một tương lai tươi sáng hơn sẽ chỉ khả thi nếu các nước Trung Đông có thể đánh đuổi những kẻ khủng bố và các phần tử cực đoan.

Đánh. Đuổi. Chúng.

ĐÁNH ĐUỔI CHÚNG ra khỏi các nhà thờ. ĐÁNH ĐUỔI CHÚNG ra khỏi cộng đồng. ĐÁNH ĐUỔI CHÚNG ra khỏi mảnh đất thiêng liêng của các bạn, và ĐÁNH ĐUỔI CHÚNG RA KHỎI TRÁI ĐẤT NÀY.

 

Về phần mình, nước Mỹ cam kết sẽ điều chỉnh chiến lược để đối mặt với những mối đe dọa ngày càng gia tăng.

Chúng tôi sẽ loại bỏ những chiến lược không hiệu quả– và sẽ áp dụng những cách tiếp cận mới dựa trên kinh nghiệm thu được và đánh giá tình hình. Chúng tôi đang theo đuổi mô hình Chủ nghĩa Hiện thực Nguyên tắc (Principled Realism), dựa trên những giá trị chung và lợi ích chung.

Những đối tác của Mỹ sẽ không bao giờ phải hoài nghi về sự hỗ trợ từ phía chúng tôi, và những kẻ thù của Mỹ sẽ thấy rõ chúng tôi quyết tâm đến mức nào.

Chúng tôi sẽ hợp tác với mục tiêu cải thiện an ninh thông qua sự ổn định thay vì gây xáo trộn. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế thay vì bó buộc vào một hệ tư tưởng. Chúng tôi sẽ tiếp thu những bài học kinh nghiệm thay vì suy nghĩ cứng nhắc. Và, ở bất kì nơi nào có thể, chúng tôi sẽ hướng đến những cải cách lâu dài thay vì bất ngờ can thiệp.

Chúng tôi sẽ không tìm kiếm sự hoàn hảo nữa, mà chúng tôi phải tìm những đối tác – và bắt tay với tất cả những ai có chung mục đích.

Trên tất cả, nước Mỹ muốn hòa bình chứ không muốn chiến tranh.

Các quốc gia Hồi giáo cũng phải sẵn sàng làm tròn bổn phận của mình nếu chúng ta muốn đánh bại khủng bố và tiêu diệt hoàn toàn tư tưởng bệnh hoạn của chúng.

Nhiệm vụ đầu tiên trong nỗ lực chung này là các bạn phải ngăn chặn tất cả những tay súng của phe Ác, không cho chúng đặt chân lên lãnh thổ các bạn. Mỗi quốc gia trong khu vực phải có trách nhiệm đảm bảo rằng không một kẻ khủng bố nào có thể tìm được chỗ trú chân trên lãnh thổ của mình.

Rất nhiều quốc gia đã và đang có những đóng góp đáng kể cho an ninh khu vực: Các phi công Jordan là những đối tác quan trọng trong chiến dịch không kích chống IS tại Syria và Iraq; Saudi Arabia và một liên minh khu vực đã có những bước đi mạnh mẽ chống lại các phần tử Houthi ở Yemen; Quân đội Lebanon đang săn đuổi những kẻ tuyển mộ của IS tìm cách trà trộn vào lãnh thổ nước này.

Tại Mosul, quân đội Mỹ đang trợ giúp người Kurd, người theo dòng Sunni và Shia cùng chiến đấu giành lại mảnh đất quê hương. Qatar, nơi Mỹ đặt bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), là một đối tác chiến lược quan trọng. Hợp tác lâu năm của Mỹ với Kuwait và Bahrain tiếp tục đóng góp vào nỗ lực cải thiện an ninh khu vực.

Và những người lính Afghanistan quả cảm đang phải chịu những hi sinh to lớn trong cuộc chiến chống lại Taliban và những kẻ thù khác, trong cuộc chiến vì vận mệnh đất nước.

Bên cạnh việc ngăn chặn các tổ chức khủng bố kiểm soát lãnh thổ và khu dân cư, chúng ta cũng phải ngăn chặn nguồn tài chính của chúng. Chúng ta phải cắt bỏ những kênh đang giúp IS bán dầu mỏ, trả lương cho các tay súng, và chiêu mộ thêm viện binh qua biên giới.

Tôi xin tự hào tuyên bố rằng các nước có mặt tại đây hôm nay sẽ kí một hiệp định ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố, với tên gọi Trung tâm tìm kiếm Mục tiêu Tài chính Khủng bố – do Mỹ và Saudi Arabia đồng chủ tịch, với sự tham gia của tất cả các thành viên trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Đây cũng là một bước tiến lịch sử nữa, trong một ngày mà lâu sau này vẫn sẽ được nhớ tới.

Tôi cũng hoan nghênh các thành viên GCC đã ngăn chặn những kẻ tài trợ khủng bố lợi dụng nước họ làm căn cứ tài chính cho khủng bố, cũng như đã cho Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố vào năm ngoái. Saudi Arabia trong tuần này cũng đã cùng chúng tôi áp đặt lệnh trừng phạt đối với một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Hezbollah.

Nhưng đương nhiên rồi, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Chúng ta sẽ phải trung thực đối mặt với vấn nạn Hồi giáo cực đoan, cũng như những tổ chức khủng bố lấy cảm hứng từ tư tưởng này. Chúng ta sẽ phải đồng lòng chống lại những kẻ gây ra cái chết của những người Hồi giáo vô tội, chống lại áp bức phụ nữ, chống lại áp bức người Do Thái và giết hại người Cơ đốc.

Những lãnh đạo tôn giáo phải xác định rõ điều này với người dân: sự man rợ sẽ chẳng đem lại vinh quang gì hết – tôn thờ cái Ác cũng chẳng mang về danh dự gì cả. Nếu người nào chọn con đường khủng bố, cuộc đời người đó sẽ trống rỗng, sẽ ngắn ngủi, và LINH HỒN NGƯỜI ĐÓ SẼ PHẢI CHỊU TỘI.

Những lãnh đạo chính trị cũng phải có các phát biểu khẳng định tinh thần này: chẳng có anh hùng nào lại đi giết hại người vô tội cả, anh hùng chỉ cứu người thôi. Rất nhiều quốc gia có mặt tại đây hôm nay đã có những bước tiến quan trọng trong việc nêu cao thông điệp này.

Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia là một tuyên bố quan trọng và đáng khích lệ, với nội dung thể hiện sự cảm thông, tôn trọng, đề cao phụ nữ, và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã và đang tham gia vào trận chiến của trái tim và tâm hồn – và mới đây đã cùng với Mỹ khánh thành một trung tâm chống lại các tư tưởng thù ghét trên mạng internet. Cả Bahrain cũng đang nỗ lực ngăn chặn các phần tử cực đoan tuyển mộ.

Tôi cũng hoan nghênh vai trò của Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon trong việc tiếp nhận người nhập cư. Sự gia tăng của người di cư và người tị nạn từ Trung Đông đang làm cạn kiệt nguồn nhân lực cần thiết để xây dựng các xã hội và nền kinh tế ổn định.

Vậy nên thay vì tước bỏ tiềm năng con người của khu vực này, các nước Trung Đông cần trao hi vọng cho giới trẻ về một tương lai tươi sáng hơn trên quê hương họ nói riêng, và cả khu vực nói chung.

Điều đó đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân theo đuổi những hoài bão và giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn – dù đó là phụ nữ, trẻ em, hay bất kể tôn giáo nào. Nhiều học giả Arab và Hồi giáo đã có những phân tích rất mạch lạc rằng bảo vệ quyền bình đẳng sẽ góp phần cải thiện cộng đồng Arab và Hồi giáo.

Toàn văn bài diễn thuyết lay động thế giới Hồi giáo của Trump tại Saudi Arabia - Ảnh 11.

Trong nhiều thế kỉ, Trung Đông đã là mái nhà chung của người Cơ đốc, người Hồi giáo, và người Do Thái. Chúng ta một lần nữa cần phải học cách cảm thông và tôn trọng lẫn nhau—để khu vực này trở thành nơi mà tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tôn giáo, hay sắc tộc, đều có thể tận hưởng một cuộc sống đường hoàng và tràn trề hi vọng.

Trên tinh thần ấy, sau chuyến thăm Riyadh, tôi sẽ tới Jerusalem và Bethlehem, và sau đó là Tòa thánh Vatican — tới thăm những thánh địa thiêng liêng nhất của 3 tôn giáo Abraham.

Nếu cả 3 tôn giáo này có thể hợp tác cùng nhau, thì hòa bình trên thế giới này là điều hoàn toàn có thể — trong đó bao gồm cả hòa bình giữa người Israel và Palestine. Tôi sẽ hội đàm cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng như Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Không cho sở hữu lãnh thổ, cắt hết nguồn tài chính, cũng như dập tắt sức hấp dẫn giả tạo trong tư tưởng của các phần tử cực đoan, đây sẽ là nền tảng cho việc đánh bại khủng bố.

Nói về việc loại bỏ mối đe dọa khủng bố, chúng ta không thể không nhắc đến một quốc gia đã và đang hỗ trợ cho các phần tử khủng bố trên cả 3 phương diện — lãnh thổ, tài chính, và địa vị xã hội cần thiết để tuyển mộ binh sĩ. Đó là một chính quyền đã gây ra rất nhiều sự bất ổn trong khu vực. Đương nhiên, tôi đang nói đến Iran.

Từ Lebanon đến Iraq rồi cả Yemen, Iran tài trợ, trang bị vũ khí, và huấn luyện các phần tử khủng bố, phiến quân, và các tổ chức cực đoan, tàn phá và gây bạo loạn trên khắp Trung Đông. Trong nhiều thập kỉ qua, Iran đã và đang làm trầm trọng thêm các tranh chấp giáo phái cũng như vấn nạn khủng bố.

Đây là một chính phủ thề công khai sẽ đưa Israel, Mỹ, và nhiều nước khác mà lãnh đạo đại diện đang có mặt tại đây hôm nay, đến cảnh diệt vong.

Syria là một trong những nơi chịu ảnh hưởng bi thảm nhất từ những can thiệp của Iran.

Được Tehran hậu thuẫn, Assad đã vi phạm những tội ác không thể diễn tả thành lời, và Mỹ đã có biện pháp cứng rắn để đáp trả việc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học – với việc phóng 59 tên lửa Tomahawk nhắm vào căn cứ không quân Syria, nơi bắt nguồn vụ tấn công tàn sát nói trên.

Những quốc gia có trách nhiệm cần hợp tác cùng nhau để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Syria, tiêu diệt IS, và mang lại sự ổn định cho khu vực.

Những nạn nhân phải chịu khổ lâu nhất từ những gì chính quyền Iran đang làm chính là người dân Iran. Đây là một quốc gia giàu lịch sử và văn hóa, nhưng người dân đã và đang phải chịu khổ bởi quyết tâm theo đuổi giao tranh và khủng bố một cách thiếu suy nghĩ của lãnh đạo Iran.

Chừng nào chính quyền Iran sẵn sàng trở thành một đối tác vì hòa bình, tất cả các quốc gia có lương tâm khác cần phải cùng nhau cô lập Iran, không cho nước này tài trợ khủng bố, và cầu nguyện rằng rồi một ngày kia, người dân Iran cũng sẽ được lãnh đạo bởi một chính phủ ngay thẳng - điều mà họ xứng đáng được hưởng.

Những quyết định của chúng ta sẽ tác động tới rất nhiều người.

Quốc vương Salman, xin cám ơn Ngài đã tạo ra khoảnh khắc tuyệt vời sẽ đi vào lịch sử này, và cám ơn những đầu tư to lớn của Ngài vào nước Mỹ, vào nền công nghiệp và công ăn việc làm tại đây. Tôi cũng xin cám ơn Ngài đã đầu tư vào tương lai khu vực.

Mảnh đất Trung Đông màu mỡ sở hữu mọi điều kiện cần để đi tới thành công – với bề dày lịch sử và văn hóa, với những con người trẻ tuổi năng động, cùng tinh thần khởi nghiệp. Nhưng tương lai này chỉ có thể được mở ra nếu người dân Trung Đông thoát khỏi tư tưởng cực đoan, khủng bố và bạo lực.

Chúng ta, những người có mặt trong khán phòng này đều là lãnh đạo. Người dân tìm đến chúng ta để có câu trả lời, họ chờ đợi chúng ta hành động. Và khi chúng ta nhìn vào gương mặt họ, đằng sau mỗi cặp mắt ấy là một tâm hồn khao khát công lý.

Hôm nay, hàng tỉ cặp mắt đang đổ về phía chúng ta, chờ đợi chúng ta đưa ra câu trả lời cho câu hỏi lớn của thời đại.

Liệu chúng ta có thờ ơ trước sự hiện diện của cái Ác? Liệu chúng ta có bảo vệ được người dân trước tư tưởng bạo lực? Liệu chúng ta có để nọc độc của khủng bố lan rộng ra khắp xã hội? Liệu chúng ta có để nó phá hủy những thánh địa linh thiêng nhất trên hành tinh này?

Nếu chúng ta không đối mặt với khủng bố, chúng ta đều hiểu tương lai sẽ ra sao—lại thêm khổ đau, lại thêm tuyệt vọng.

Nhưng nếu chúng ta hành động—nếu chúng ta rời khỏi khán phòng tuyệt đẹp này với tinh thần đoàn kết và quyết tâm làm những gì cần thiết để tiêu diệt mối hiểm họa khủng bố đang đe dọa nhân loại—thì người dân sẽ được tận hưởng một tương lai tươi đẹp, không có bất kì giới hạn nào.

Nơi sản sinh ra nền văn minh của nhân loại đang đón chờ một thời đại phục hưng.

Hãy nghĩ đến viễn cảnh tương lai, với những phát kiến vĩ đại về khoa học, nghệ thuật, y học, và thương mại để tạo cảm hứng cho nhân loại, với những thành phố tuyệt đẹp được dựng xây trên tàn tích của những thị trấn đã bị tàn phá khi xưa, những công ăn việc làm và những ngành công nghiệp sẽ giúp ích cho hàng triệu người.

Cha mẹ không còn phải lo lắng cho tương lai con cái, không còn cảnh các gia đình phải khóc thương người thân, và những con chiên ngoan đạo của mọi tôn giáo có thể cầu nguyện mà không phải lo sợ.

Đó là những phước lành mà hòa bình và thịnh vượng mang lại. Đó là những nguyện vọng cháy bỏng trong trái tim mỗi con người chính trực. Đó là những mong muốn hợp lẽ của những người dân yêu mến của chúng ta.

Tôi muốn tất cả chúng ta ở đây có thể cùng tôi hợp tác, cùng CHIẾN ĐẤU bên nhau—bởi MỘT KHI ĐÃ ĐỒNG LÒNG, CHÚNG TA SẼ KHÔNG THẤT BẠI.

Xin cám ơn các vị. Chúa phù hộ các vị. Chúa phù hộ đất nước các vị. Và Chúa phù hộ nước Mỹ.

theo Trí Thức trẻ

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434909

Hôm nay

2180

Hôm qua

2349

Tuần này

21559

Tháng này

211957

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434909