Diễn đàn

Đoàn kết và Dân chủ, thông điệp gửi về quê của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi 25 thư và điện cho các tập thể và cá nhân ở Nghệ An. Trong đó có hai bức thư đầu tiên và cuối cùng là gửi cho tập thể Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Thời điểm ra đời và nội dung hai bức thư này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc không phải hoàn toàn ngẫu nhiên. Bức thư đầu sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập đúng 15 ngày – ngày 17.9.1945, và, bức thư cuối, ngày 21/7.1969, khi sức khỏe đã rất sút kém, phải rời khỏi nhà sàn để chữa bệnh.

Ra đời cách nhau 24 năm, ở hai bối cảnh khác nhau của đất nước, và quê hương, và của riêng Người, có những sắc thái tình cảm và nội dung trao đổi, căn dặn khác nhau nhưng có một tinh thần, một quan điểm nhất quán và nổi bật thể hiện sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh. Đó là Đoàn kết và Dân chủ.

Đoàn kết là nền tảng để thực hành dân chủ. Đoàn kết là để thống nhất ý chí, để xây dựng lực lượng, để kiến tạo sức mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Cách mạng Tháng tám thành công “Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc”. Và Người khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Bức thư “gửi các đồng chí bản tỉnh” chỉ có 779 từ mà có đến 03 lần nhắc đến đoàn kết cũng đã đủ để hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng vấn đề này đến mức nào.

Dân chủ là điều kiện tiên quyết để xây dựng khối đoàn kết. Trong thư gửi “Cùng các đồng chí bản tỉnh”, sau khi khẳng định phải “Củng cố sự đoàn kết toàn dân”, Người nhấn mạnh, để đoàn kết thì phải “Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện”, đó là “khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, “lạm dụng hình phạt”, “bắt bớ lung tung”, “tịch thu vô lý”, “hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là hành động độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”, “làm cho dân kinh khủng”, “nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lướn thì làm cho nền đoàn kết lay động”. Và Người kêu gọi: “Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay, Chúng ta không sợ có khuyết điểm, Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi, Chúng ta phải lấy lòng “chí công vô tư”.

Nếu trong thư đề ngày 17.9.1945, mặc dù nội dung toát lên tinh thần kêu gọi hành động dân chủ để kiến tạo khối đại đoàn kết nhưng không đề cập trực diện khái niệm dân chủ thì trong thư đề ngày 21.7.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minhđãdành hẳn một nội dung lớn để nói về Dân chủ. Người nói: Phải “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa. Trong hợp tác xã nông nghiệp, mọi việc sản xuất, phân phối, quản lý kinh tế, bầu cử các cơ quan phụ trách đều phải để cho nhân dân bàn bạc kỹ và tự mình quyết định một cách thật sự dân chủ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn”. Cũng trong thư này, Người còn căn dặn: “Hết sức chăm lo đời sống nhân dân, “phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khoẻ và giải trí của nhân dân. Đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sĩ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong”.

Lo cho dân, thực hành dân chủ với dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc. Đó là tư tưởng và là di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ, cho toàn thể cán bộ, đảng viên của quê hương Nghệ An.

Thực hiện tư tưởng và di nguyện của Người, hơn 70 năm qua, Đảng bộ Nghệ An đã nỗ lực thực hành dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội để xây dựng đoàn kết trong Đảng, trong toàn xã hội để có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Tuy nhiên, trong sự vận động phát triển hiện nay, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã sa sút về lý tưởng, ý chí chính trị, về phẩm chất đạo đức, lối sống, làm cho các tổ chức của Đảng cũng như trong xã hội, đã và đang có những biểu hiện tiêu cực về thực hành dân chủ, và tinh thần đoàn kết cũng có biểu hiện lung lay. Đó là một trong những trở ngại lớn nhất đối với đất nước ta hiện nay. Đảng ta đã nhận rõ nguy cơ đó, đã và đang nỗ lực khắc phục, nhưng kết quả chưa được như ý muốn, vẫn cần phải bền bỉ và mạnh mẽ hơn nữa.

Người đã đi xa. Thế sự đã đổi thay. Nhưng thư thì còn đó. Tình nghĩa và tinh thần – tư tưởng của Người vẫn còn đó, trọn vẹn và tỏa sáng. Nếu chúng ta thực tâm và quyết tâm làm theo tư tưởng, những huấn thị - căn dặn của Người trong hai bức thư (đầu – cuối) này, chắc tỉnh nhà sẽ chuyển biến tích cực, “mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất”.

Đoàn kết và Dân chủ là thông điệp lớn của Người đã dành gửi về quê.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512421

Hôm nay

2358

Hôm qua

2389

Tuần này

2358

Tháng này

219294

Tháng qua

121356

Tất cả

114512421