Diễn đàn

Báo chí trong mắt độc giả trẻ

Hướng tới ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Diễn đàn trẻ sẽ trao đổi về xu hướng đọc báo của người trẻ hiện nay và những đánh giá của họ về báo chí trong nước.Nếu như số cùng kỳ năm ngoái chúng tôi để những nhà báo, phóng viên trẻ lên tiếng thì năm nay chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói từ các độc giả trẻ tuổi. Những ý kiến của họ dù không thể phản ánh hết nhưng phần nào đó sẽ giúp ta hình dung được nhu cầu, mối quan tâm và xu hướng đọc của giới trẻ cũng như cái nhìn của độc giả đối với thực trạng báo chí và người làm báo. Đó thực sự là những điều mà người cầm bút cần lắng nghe.Nghe, thấu hiểu độc giả để hoàn thiện mình hơn, để xác định rõ điều mình cần/nên làm, để xứng đáng với niềm tin của bạn đọc. Các ý kiến đóng góp, trao đổi xin tiếp tục gửi về Email: trangdoanphan1412@gmail.comhoặc FB: Diễn Đàn Trẻ - Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Cũng nhân dịp này, BBT Diễn đàn trẻ xin gửi lời chúc mừng đến tất cả các nhà báo, phóng viên, những người đã, đang và sẽ công tác trong ngành báo chí. Chúc cho các nhà báo, phóng viên sẽ ngày càng có nhiều bài báo hay, có giá trị gửi tới độc giả. Trân trọng!

Nguyễn Thùy Chi – Thẩm phán – Hà Nội

Tôi đọc báo hàng ngày nhưng chỉ đọc báo điện tử.Thỉnh thoảng tôi có mua tạp chí thời trang để giải trí vì tính chất công việc của tôi vốn đã có quá nhiều kiến thức và quan hệ pháp luật phải quan tâm. Khi đọc báo, tôi thường chú trọng đến các tin mới trong ngày để cập nhật tình hình.Qua theo dõi tôi thấy báo chí hiện nay phản ánh tương đối khách quan, nhanh nhạy, đa dạng. Tuy nhiên có lẽ chức năng giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí không được nhiều so với chức năng giải trí, quảng cáo.Các báo điện tử thi nhau đưa các tin hot, chuyện sao để câu view thanh thiếu niên.Điều này phản ánh báo chí chưa khai thác hết được nguyện vọng tâm tư của giới trẻ.Vô tình nó tạo thành một thói quen đọc tin không tốt cho các em.Chính bởi những bài viết như thế mà tôi đang dần mất “cảm tình” với những người làm báo.Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận trong số đó vẫn còn những cây bút mạnh mẽ, có đạo đức nghề nghiệp.Họ không nhiều nhưng giúp tôi giữ niềm tin như tôi đang tin vào những thẩm phán có tâm hiện nay vậy.Vì thế, tôi mong báo chí, đặc biệt báo mạng chú tâm đến nội dung các bài viết hơn. Trong mỗi vụ việc, sự kiện, báo chí cần xác định đúng bản chất, phản ánh trung thực, tránh thông tin 1 chiều gây ảnh hưởng không chỉ tới nhận thức của độc giả mà còn tới đối tượng được phản ánh trong bài viết.

Nguyễn Dạ Ly – Người sáng lập NYDO Việt Nam – Nghệ An

Quả thực rất khó để nhận xét chung chung về việc đưa tin, phản ánh của báo chí Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ, cuối cùng thì chúng ta vẫn phải cần nhiều nỗ lực hơn, về cả nội dung và hình thức. Các nhà sản xuất tin cần suy tính nhiều hơn tới việc làm sao để trình bày tin bài một cách sáng tạo, thu hút người đọc. Còn về nội dung, chúng ta có nhiều thách thức.Tin vịt (fake news) là một thách thức.Tin vịt không phải giờ mới có, nhưng mạng xã hội đang đẩy nó đến cao trào.Báo động về tin vịt đã réo dồn dập và báo chí cần phải dè chừng nó.Đầu tiên là không bị mắc lừa bởi tin vịt. Sau đó là phải tạo niềm tin cho người đọc: đâu mới là sự thật, ai là “kẻ đáng tội” và chúng ta nên làm gì tiếp theo … Tự do báo chí cũng là thách thức của không riêng báo chí Việt Nam. Ở nước ta, ngày càng đang có nhiều nỗ lực, từ nhiều phía, để báo chí  “thực hiện đúng chức năng của báo chí”. Tôi nghĩ những nhà báo ‘tử tế’ sẽ trăn trở nhiều về vấn đề này, sẽ luôn đặt câu hỏi: làm sao để báo chí thực sự đứng về nhân dân.Một thách thức khác nữa của báo chí hiện nay là mạng xã hội.Mạng xã hội chiếm ưu thế vì khả năng mở rộng không gian của nó.Nhờ có facebook mà chúng ta có một “loại” nhà báo mới – nhà báo công dân. Có rất nhiều tranh luận nảy ra, nhưng dù thế nào đi nữa, tôi nghĩ rằng báo chí chính thống chạy theo và chạy đua với truyền thông xã hội chắc chắn là sai lầm ; bài trừ mạng xã hội cũng là sai lầm. Xu hướng nên hướng đến là hợp tác, ví như gần đây là hình thức “contributed content” – đóng góp nội dung: các trang báo cho phép Facebook chia sẻ nội dung của họ trên một nền tảng thứ 3 ( không phải website của báo, có gắn kết với facebook chứ không phải là facebook ). Như vậy, báo chí là nguồn tin, Facebook đóng góp vai trò để tin tức đó được tiếp cận nhiều hơn.  Chính vì thế, nếu nói về một sự thay đổi, tôi  mong báo chí sẽ theo đuổi tính đa dạng nhiều hơn. Đa dạng trong hình thức, trong quan điểm. Báo chí cần lắng nghe nhiều nhóm công chúng hơn; đặc biệt là những nhóm thiểu số , nhóm yếu thế. Thanh niêndù không được  xem là nhóm yếu thế nhưng lại là nhóm đối đượng dễ hoang mang nhất (Không được bảo vệ tường tận như trẻ em, người cao tuổi, nhưng lại chưa đủ vững vàng như những người lớn) nên họ rất cần được lắng nghe, thấu hiểu. Một sự đa dạng nữa tôi muốn nhấn mạnh là đa dạng về nhân lực trong các tòa soạn.Một tòa báo chính thống của Việt Nam, có bao nhiêu nhà báo là người dân tộc thiểu số? Có bao nhiêu người xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo ?Bao nhiêu tôn giáo khác nhau? Có bao nhà báo là người khuyết tật ?Tôi nghĩ, sự đa dạng đó sẽ giúp báo chí lắng nghe được tiếng nói của nhiều nhóm đối tượng và thúc đẩy sự thấu hiểu.

Phan Bích Dung – Nhân viên văn phòng – Hà Nội

Tôi không mua báo giấy vì bất tiện và tốn tiền nữa.Bạn cứ thử tính đọc báo hàng ngày mà bỏ tiền mua thì cũng tốn một khoản kha khá đấy.Trong khi đó với một chiếc điện thoại, có sẵn kết nối mạng, bạn có thể truy cập vào bất cứ thông tin nào, ở đâu.Về nội dung, tôi thấy báo chí hiện nay đưa tin mang tính chộp giật, và theo “phong trào”. Nghĩa là việc gì đang hot thì khắp nơi sẽ khai thác bằng hết mọi ngóc ngách liên quan đến nó.Sau một thời gian lắng rồi lại thôi.Nhiều mảng tin giải trí, câu khách đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh, bộ mặt của báo chí.Chính vì thế mà tôi rất mong các trang báo điện tử giảm bớt những bài viết về ngôi sao, về các scandal, cướp, giết đi.Đọc rất mệt và không có giá trị nhân văn nào.

Trần Ngọc Lê – Nhân viên ngân hàng – Hà Tĩnh

Đọc báo đã trở thành thói quen hàng ngày của tôi nhưng tôi chẳng bao giờ mua các loại báo giấy, tạp chí cả. Qua theo dõi, tôi thấy các trang báo hiện nay thông tin đa dạng, nhanh nhạy, liên tục được cập nhật nhưng dường như vì thế mà phần nào, nhiều trang đã quên đi chức năng thực sự của báo chí. Nhiều trường hợp báo chí đưa thông tin sai lệch, làm quá sự việc, gây hoang mang đối với độc giả.  Tôi thấy người ta thường chê trách giới trẻ chỉ quan tâm đến mảng tin ít nội dung kiến thức mà không đặt lại câu hỏi: trách nhiệm của người làm tin? Lỗi thực sự là ở đâu? Thực sự bộ mặt chung của giới trẻ có đáng buồn như báo chí phản ánh hay không? Vì thế, nếu được nhắn gửi một điều gì đó cho những người làm báo thì tôi sẽ mong họ tôn trọng sự thật, khách quan và đừng vì lợi nhuận mà quên đi nhiệm vụ, chức năng của báo chí.Bất kể ngành nghề gì cũng cần làm một cách có trách nhiệm và đạo đức, người làm báo lại càng cần điều đó vì họ và những bài viết của họ có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Nguyễn Phương Anh – Nhân viên Tầm nhìn số - Hà Nội

Như rất nhiều người trẻ khác, tôi chủ yếu đọc tin tức trên các trang báo điện tử.Thỉnh thoảng, nếu có thời gian tôi sẽ mua báo in.Ngoài ra, hiện nay có một trang có thể nhanh chóng cập nhật tin tức, đủ mọi hình thức là Facebook.Trong nhiều vụ việc, mạng xã hội còn tỏ ra có ưu thế và đi trước báo chí.Giới trẻ hiện nay tiếp cận với thông tin qua kênh này rất nhiều.Nó sinh động, nhiều chiều, nhanh nhạy nhưng cũng có điều đáng ngại là thông tin trên mạng xã hội là loại thông tin chưa được kiểm chứng.Trong khi đó, nhiều trang báo thì vẫn đưa quan điểm một chiều hoặc mập mờ, rất dễ gây hoang mang cho người đọc.Tất cả những xu hướng đó tôi nghĩ sẽ có tác động không nhỏ tới suy nghĩ người trẻ.Phải thừa nhận rằng, không ít người trẻ đang bị định hướng sai lệch bởi các nguồn thông tin họ đọc được. Chính vì thế tôi mong muốn báo chí thời gian tới sẽ có những thay đổi trong nội dung và hình thức để chứng minh được sức mạnh, chức năng, trách nhiệm của mình. Giới trẻ sẽ không bao giờ thờ ơ với các mảng tin chính trị, thời sự nếu các bài viết thực sự hấp dẫn, có giá trị.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512429

Hôm nay

2366

Hôm qua

2389

Tuần này

2366

Tháng này

219302

Tháng qua

121356

Tất cả

114512429