Nhìn ra thế giới

Thi ca và vương giả Nhật Bản; Vai trò của hai thiên hoàng Saga và Go-Shirakawa

Nhật Bản có hai nguồn thơ chính là Hán thi và Hòa Ca. Hán thi được gọi là Thi và thơ quốc âm thì gọi là Ca hay Cú. Trong lịch sử thi ca Nhật Bản, các vị hoàng đế thường đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt Saga đối với Hán thi và Go-Ishikawa đối với Imayô, một thể loại dân ca diễn đạt bằng quốc âm.

Sơ lược về Hán thi Nhật Bản cổ đại:

Nhật Bản đã tiếp thu một cách gián tiếp nguồn thơ chữ Hán từ khi nhận sự truyền bá của văn minh Trung Quốc, có lẽ từ thế kỷ thứ 5, tương ứng với thời Quy khứ lai từ của Đào Uyên Minh. Vào các thế kỷ 7, 8, 9...thương nhân, tăng lữhai bên qua lại đã đem về nhiều tin tức và sách vở. Nhờ thế, Nhật Bản tiếp nhận được ảnh hưởng của đại lục trên nhiều phương diện từ tư tưởng học thuật, kỹ thuật đến văn chương, trong đó có thi ca. Tuy có một độ lệch chậm đi khoảng 50 năm do thời gian cần thiết để phổ cập và tiêu hoá nhưng ảnh hưởng đó khá đều đặn.  

Người Nhật Bản ngày nay dù không nói được tiếng Trung, vẫn có thể ngâm ngợi thơ chữ Hán dù họ không thể đọc thẳng như người Việt chúng ta thành:

Xuân miên bất giác hiểu (Mạnh Hạo Nhiên)

Viễn thướng hàn sơn thạch kính tà (Đỗ Mục)

Nhất bôi nhất bôi phục nhất bôi (Lý Bạch)

mà phải đảo ngược một số vị trí và chuyển một số âm như sau:

Shunminakatsuki wo oboezu

Tôku kanzan noboreba sekkei naname nari

Ippaiippai mata ippai

Trong câu đầu chỉ có shunmin (xuân miên) là đọc theo âm Hán. Câu thứ hai thì có kanzan寒山(hàn sơn) và sekkei 石径(thạch kính) và câu thứ 3 có ippai 一杯(nhất bôi) lập lại 3 lần. Còn lại là những phần phải đọc theo âm Nhật, ví dụ thay vì kyô 暁(hiểu) phải đọc là akatsuki, fukaku不覚(bất giác), phải đọc ngược (giác bất) thành oboezu, còn sha 斜(tà) phải đọc naname. Thêm vào đó cần có những trợ từ thuần Nhật như (như woを) hoặc ngữ vĩ (như ebaえば), danh động từ (như nariなり), nếu không người nghe sẽ không hiểu chúng ta muốn nói gì.

Điều đó sở dĩ đã xảy ra chỉ vì hệ thống ngôn ngữ của Nhật là đa âm, cách đọc âm Hán của họ không chỉ có một mà theo hai lối âm (on.yomi音読み) và huấn (kun.yomi訓読み). Hơn nữa, tiếng Nhật có dấu nhấn nhưng không theo luật bằng trắc, thơ của họ không vần, động từ lại đặt ở cuối câu nên gây ra nhiều phiền phức. Thế nhưng tấm lòng yêu mến Hán thi của họ thì không thua kém gì ba nước đồng văn Trung, Hàn và Việt.

Những thi tập chữ Hán đầu tiên:

Hán thi đã thấm đẫm trong văn học và văn hoá Nhật Bản. Những áng văn cổ điển như Man.yôshuu và Genji Monogatari đều vận dụng Hán thi.Những bài yết, bài kệ của Phật giáo, Thiền gia, sân khấu Nô, thư đạo, ngâm vịnh, đâu đâu mà chẳng phảng phất không khí Hán thi. Có điều đáng tiếc là giáo dục Nhật Bản hậu chiến không còn đặt nặng vai trò của Hán văn nên sinh viên học sinh hết biết thưởng thức Hán thi hay chỉ có kiến thức sơ thiển về nó. Sự mai một của kho tàng văn hoá mà tổ tiên người Nhật đã gìn giữ lâu đời thật là điều đáng tiếc tuy rằng nó có những lý do lịch sử.

Tập Hán thi đầu tiên có tên là Kaifuusô (Hoài Phong Tảo (751) dưới thời Nara (710-784). Qua đến thời Heian (794-1192), sự sáng tác Hán thi bắt đầu hưng thịnh. Theo sử chép, 794 là năm triều đình Nhật Bản định rằng Heiankyô sẽ là kinh đô mới. Thời Heian như thế đã bắt đầu với sự cáo chung của thế kỷ thứ 8. Hai mươi năm sau, chúng ta đã thấy thi tập Hán thi tên Ryôunshuu (Lăng Vân Tập, 814) được biên soạn. Tiếp theo, thi tập thứ hai là Bunka shuureishuu (Văn Hoa Tú Lệ Tập, 818), thi tập thứ ba là Keikokushuu (Kinh Quốc Tập, 827) lần lượt ra đời. Điều đó cho ta thấy là chẳng bao lâu sau khi bước vào thời Heian, Hán thi đã đạt đến một đỉnh cao chưa từng có.

Một điều quan trọng cần nêu ra ở đây là 3 thi tập chữ Hán bắt đầu với Lăng Vân Tập đều là thi tập được soạn ra theo mệnh lệnh của thiên hoàng (chokusen勅撰). Điều đó chứng tỏ Hán thi đã có một địa vị xã hội đáng kể nhờ giá trị văn học của nó. Sự công nhận giá trị văn học của Hán thi như thế đã có trước thơ Waka (Hòa ca, thơ quốc âm Nhật Bản) vì Kokin wakashuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) tập thơ đầu tiên được soạn theo ý chỉ của thiên hoàng chỉ ra đời vào năm 905 nghĩa là sau đó hơn một thế kỷ.

Cũng cần nhắc thêm rằng văn học thời Heian đã bắt đầu với Hán thi bởi vì những tác phẩm bằng văn chương quốc âm kana tiêu biểu của thời kỳ này như thi tập Kokin Wakashuu nói trên, truyện kể Taketori Monogatari (Truyện lão già đốn trúc) và truyện thơ Ise Monogatari (Truyện vùng Ise) đều chỉ ra đời cách cỡ 50 hoặc 100 năm sau.

Nói về thi nhân thời cổ đại và chỉ kể về những người nổi tiếng thì chúng ta thấy trước tiên có tước vương Nagaya Ô (Trường Ốc Vương). Gần đây, sau khi các nhà khảo cổ tìm được nhiều mộc giản trong các di tích ở Nara thì sự hiện hữu của nhân vật này đã được minh định. Ngoài ông ra, còn có những nhà thơ đã có mặt trong thi tập thơ quốc âm Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập) là các ông Ômoto no Tabito (Đại Bạn, Lữ Nhân) và Ôtsu no Miko (Hoàng tử Đại Tân).

Sang đến thời Heian, nhân vật đáng đề cập đến đầu tiên là Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân). Ngày nay, ông được xem như vị thần học vấn, thí sinh trước khi đến trường thi hay khấn nguyện xin ông phù hộ, thế nhưng vào thời Heian, ông được chú ý đến với tư cách là một tác giả Hán thi lỗi lạc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên đọc một ít thơ của Kôbô Daishi Kuukai (Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải) cũng như tể tướng Fujiwara no Michinaga (Đằng Nguyên Đạo Trường), nhà chính trị quyền thế bậc nhất đương thời. Mặt khác, không nên bỏ qua một số tác giả không được biết tới nhiều như Fujiwara no Tametoki (Đằng Nguyên, Vi Thì), ông là cha đẻ của nữ sĩ tài danh Murasaki Shikibu, người viết Genji Monogatari (Truyện Genji). Như vậy, người viết tiểu thuyết kana hay nhất cũng là con gái một tác giả Hán thi.

Hán thi có thể đã bắt đầu thành hình từng bước một dưới hai triều Asuka và Nara (cũng là tên hai vùng đất người Nhật đặt kinh đô). Thời đại Asuka được ước đoán bắt đầu từ năm 592 cho đến 710 và thời Nara là từ 710 đến 794. Nói gọn đi, việc chọn Asuka làm kinh đô xảy ra vào thế kỷ thứ 7 và việc chọn Nara làm kinh đô xảy ra vào thế kỷ thứ 8.

Hán thi cổ đại cho đến thời Nara được sưu tập lại trong thi tập Kaifuusô (Hoài Phong Tảo, 751). Khi viết lịch sử văn học cổ đại, khi nói đến Hán thi, người ta bắt buộc phải đề cập tới nó trước tiên.Theo lời tựa của thi tập, việc làm thơ chữ Hán đã bắt đầu trong triều đình Ômi của Thiên hoàng Tenji (Thiên Trí) vào hậu bán thế kỷ thứ 7, kinh đô còn nằm ở Ôtsu tỉnh Shiga. Lúc đó là một thời thịnh trị nên thiên hoàng thường mời những nhân vật am tường văn học đến dự những buổi yến tiệc có mục đích văn nghệ trong cung (ji.en, thị yến). Vào  dịp ấy, nhà vua và quần thần trao đổi thơ phú với nhau. Những tác phẩm được làm ra trong giai đoạn này chẳng may đã thất lạc sau cuộc đảo chánh có tên là Jinshin no ran (Loạn năm Nhâm Thân, 672) do chính Tenmu (Thiên Vũ), em trai Tenji tạo ra để tranh ngôi của cháu.

Như vậy, Hán thi cổ đại của Nhật Bản từ thời Tenji trở đi chỉ nằm trong mỗi thi tập Kaifuusô. Lời tựa được ghi là viết ra vào tháng 11 năm thứ 3 niên hiệu Tenpyô Shôhô (Thiên Bình Thắng Bảo, 751) nên ta biết rõ ràng ngày tháng nó ra đời. Tuy nhiên, không ai rõ tên tuổi người biên tập mà chỉ phỏng đoán gần xa.Tập thơ ghi lại 120 bài của 64 nhà thơ, trình bày theo thứ tự thời gian. Qua đó, nếu đọc từ trước đến sau thì sẽ có một khái niệm về sự phát triển của Hán thi Nhật Bản buổi đầu.

Kaifuusô (Hoài Phong Tảo, 751) 懐風藻

Hoài Phong Tảođược suy định do Ômi no Mifune (Đạm Hải Tam Thuyền, 722-785) soạn ra[1], biên tập xong vào năm Thái Bình Thắng Bảo thứ 3 (751) đời nữ Thiên hoàng (thứ 46) Kôken (Hiếu Khiêm, trị vì 749-758). Trong số những nhà thơ này có Thiên Hoàng (thứ 42) Mommu (Văn Vũ, trị vì 697-707) vói 3 bài ngự chế, các công khanh Fujiwara no Fuhito (Đằng Nguyên, Bất Tỉ Đẳng, 658?-720) và ba người con của ông là Umagai (Vũ Hợp, ?- 737), Fusasaki (Phòng Tiền, 681-737, Maro (Ma Lữ, ?-737).

Sở dĩ tuyển tập mang tên Hoài Phong Tảo là vì trong bài tựa, soạn giả có viết:

“Ta, một chức quan nhỏ, thời giờ nhàn rỗi, nhân lòng tưởng nhớ cái phong nhã của người đời xưa, những lo nó bị thất lạc tiêu hao, mới thu thập 120 bài thơ từ triều Ômi cho đến triều Nara thành ra một tập. Tác giả tất cả là 64 người, tên tuổi, chức tước đều viết ra cả trên đầu bài. Mục đích chân thực của ta là để không quên di phong của tiên hiền, cho mên mới đặt tựa đề là hoài phong”.

Ngoài ra như chúng ta đều biết, “tảo” có nghĩa là rong như rong biển (hải tảo) nhưng trong văn chương cũng dùng để chỉ những gì đẹp đẽ (văn tảo, từ tảo, lệ tảo, phẩm tảo, tảo sức, tảo giám ...). Trong lời tựa soạn giả cho biết có 120 bài nhưng trong bản còn được bảo tồn thì ở quyển cuối, 5 bài của Shaku Dôyuu (Thích Đạo Dung, một tăng lữ), đã khuyết mất 4. Thay vào đó là 3 bài thơ khác của một tác giả sống vào thời kỳ rất xa về sau, hiện chưa rõ là ai. Thành thử con số bài thơ của thi tập là bao nhiêu (116, 117, 119 hay 120 bài) thì quan điểm của các nhà nghiên cứu vẫn chưa được đồng nhất.

Nói về nội dung thì thơ Hoài Phong Tảo hầu hết làm theo thể ngũ ngôn (109 bài) nhưng độ dài khác nhau: 18 bài tứ cú, 72 bài bát cú, 6 bài thập cú, 10 bài thập nhị cú, 2 bài thập lục cú và 1 bài thập bát cú. Ngoài ra là 7 bài theo thể thất ngôn : 4 bài tứ cú,1 bài bát cú, 1 bài thập nhị cú và 1 bài thập bát cú. Tổng cộng là 116 bài (phù hợp với bản Hoài Phong Tảo do Eguchi Takao dịch chú mà chúng tôi dùng).

Nói chung thì từ khi ra đời vào năm 751, thi tập này không tránh khỏi có sự tu chính, thêm bớt của người đời sau. Tính ra, đã có năm lần như vậy vào các năm 1041, 1341, 1648, 1705, 1793.

Thơ Hoài Phong Tảo phần lớn là thơ ngũ ngôn là loại thơ có ngay trước khi loại thơ cận thể ra đời vào cuối thời Lục Triều. Họ mô phỏng hoặc chịu ảnh hưởng thơ Trung Quốc chép trong Ngọc Đài Tân Vịnh, Nghệ Văn Loại Tụ cũng như các tác giả Sơ Đường như Vương Bột, Lạc Tân Vương. Sự mô phỏng cũng chỉ hời hợt bên ngoài (biểu bì) chứ chưa hoàn toàn thẩm thấu hay tiêu hoá. Việc họ hay làm theo lối ngũ ngôn bát cú chứng tỏ trình độ làm thơ chữ Hán lúc ấy hãy còn nằm ở mức độ trung bình.Tuy nhiên nó cũng bày tỏ được niềm vui thỏa của người trí thức đương thời khi tiếp xúc với một nền văn hoá ngoại lai, phần lớn do sách vở các tàu buôn đem qua.

Các tác giả thì công khanh, quan lại, tăng lữ là chính vì người bình dân thời đó không mấy ai có khả năng thông hiểu Hán tự. Cũng vậy, những nhà thơ xuất thân thành phần quí tộc nhập cư chiếm đa số. Về thể loại thì thấy có nhiều thơ thị yến, ứng chiếu, thất tịch…cũng giống như các đề tài của tạp ca (zôka) trong Man.yôshuu. Nhiều thi nhân Man.yôshuu đồng thời có mặt trong Kaifuusô.

Về lý do tại sao quí tộc nhập cư chiếm đa số thì đã được giải thích phần nào qua đoạn sau đây trong lời tựa Kaifuusô :

“Khi (vị nhân hoàng[2]đời thứ nhất là) Thiên hoàng Jinmu đóng đô ở Kashihara (trong xứ Yamato) thì tạo hoá chỉ mới sinh thành ra vạn vật chứ xã hội, văn hoá, chế độ vẫn chưa có gì. Kịp khi (người vợ nhân hoàng đời thứ 14 Chuuai là) Hoàng hậu Jinguu chinh phạt Triều Tiên, rồi Thiên hoàng Ôjin (nhân hoàng đời thứ 15) tức vị, người Kudara (Bách Tế) đem lễ vật đến triều cống, sách vở kinh điển được đem ra trình bày ở cung Karu no Sakanoue. (Vào đời nhân hoàng thứ 30 là Bidatsu), người Triều Tiên cũng đến dâng biểu gọi là ô sách vì văn tự của họ viết bằng lông chim (lông quạ) và gọi là ô văn. Đời Thiên hoàng Ôjin, ngươi Wani (Vương Nhân, người mang Luận Ngữ và Thiên Tự Văn đến Nhật) dạy cho tầng lớp trí thức ở vùng Karushima (nay thuộc Nara) ngay ở kinh đô. Đến khi Shini (Vương Thìn Nhĩ, người đọc nổi tờ biểu của sứ giả Triều Tiên) đến dạy học ở vùng Osada vào đời Thiên hoàng Bidatsu thì sự hiểu biết về văn tự mới rộng rãi. Kết quả là học vấn của Khổng Tử (gọi là học phong Tề Lỗ, Tứ Thủy) từ đó dần dần lan ra khắp xã hội”.

Đoạn văn nói trên chứng tỏ rằng vào thời này, văn hóa đại lục đã truyền vào đất Nhật, qua ngõ Triều Tiên là chính, và tư tưởng danh phận, lễ nghĩa của Khổng giáo sau đó được quảng bá để trở thành cơ sở cho giới cai trị Nhật Bản. Các quí tộc nhập tịch hay “qui hóa” (kika) là người hoặc trốn tránh loạn lạc hay muốn đi tìm một cuộc sống mới, đã lìa bỏ quê hương để chọn Nhật Bản như nơi mà mình có thể sống yên lành và phát triển sở trường.

Thơ trên chiếu tiệc hay du ngoạn :

Trong các buổi yến tiệc do thiên hoàng chủ tọa, chư vương và đại thần trao đổi những bài thơ nên thi ca thường có tính tập đoàn. Loại thơ này thường có chủ đề mang tính cách cửa công như thị yến, du lạp (săn bắn), tùng giá du yến (yến ẩm), tả cảnhcung điện, viên đình hoặc thơ ứng chiếu (làm theo lời yêu cầu của nhà vua). Lời lẽ thường theo đúng nghi thức, khuôn sáo, nặng về lý trí hơn tình cảm.

Sau đây là bài thơ mở đầu của thi tập. Đó là bài thơ chúc hạ của Hoàng tử Ôtomo (Đại Hữu, 648-672) nhan đề “Thị yến” ca tụng ân đức vua cha, Thiên Hoàng Tenji (Thiên Trí), người đã thống nhất đất nước, làm cho Nhật Bản trở thành một thứ Tiểu Trung Hoa. Bài này thường được xem như bài Hán Thi tối cổ của người Nhật:

Thị yến (Bài số 1)

Hoàng minh quang nhật nguyệt,

Đế đức tái thiên địa.

Tam tài[3]tịnh thái xương,

Vạn quốc biểu thần nghĩa.

Hầu tiệc nhà vua

(Vua sáng như nhật nguyệt,Lòng nhân dày đất trời.Trên dưới thảy yên ổn,Vạn nước xin làm tôi.)

Hoàng tử Ôtomo là con trai Thiên hoàng Tenji. Năm 671, vừa mới 20 tuổi, ông đã trở thành Thái chính đại thần hay Thủ tướng của triều đình Ômi bên bờ hồ Biwa mà cha ông khai sáng. Sau khi Tenji mất, ông được truyền ngôi nhưng vì bị người chú đồng thời là cha vợ của mình là Hoàng tử Ôama (sau là Thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ) cướp chánh quyền qua cuộc biến loạn năm Jinshin (Nhâm Thân) nên phải tự sát. Nihon Shoki (720) nghĩa là quyển sử chính thức của thời đại kế tiếp (Nara) không nói đến việc tấn phong thái tử và việc ông đăng quang nhưng gần nghìn năm sau, cuốn Đại Nhật Bản Sử (1657-1906) thời Edo đã lập lại tước vị, mệnh danh ông là Ôtomo Tennô (Thiên hoàng Đại Hữu). Đến đời Meiji, nhà nước duy tân chính thức gọi ông là Kôbun Tennô (Thiên hoàng Hoằng Văn), đặt ông vào hàng thứ 39 trong thế phổ. 

Bên cạnh Hoàng tử Ôtomo, còn có Hoàng tử Ôtsu (Đại Tân, 663-686), con Thiên Hoàng Tenmu (Thiên Vũ) mà bài thơ viết lúc lâm chung được đời sau truyền tụng. Ông là người thông minh tuấn tú, văn võ toàn tài. Tính tình lại cởi mở, thoát ra ngoài khuôn sáo, thường giao du với mọi người, không phân giai cấp. Điều đó đã được chứng tỏ qua bài “Du lạp” dưới đây. Du lạp tuy có nghĩa là đi săn bắn nhưng tác giả chỉ đề cập đến buổi yến tiệc trong triều sau buổi đi săn, và qua đó, ông đã nói lên chí khí, hoài bão:

Du lạp (Bài số 5)

Triêu trạch tam năng sĩ,

Mộ khai vạn kỵ diên

Khiết luyến câu hác hĩ,[4]

Khuynh tiên cộng đào nhiên.

Nguyệt cung huy cốc lý,

Vân sinh trướng lĩnh tiền.

Hi quang dĩ ẩn sơn,

Tráng sĩ thả lưu liên.[5]

Cuộc đi săn

(Sáng chọn người tài giỏi,Chiều mở tiệc vui vầy.Vật săn chia thịt quí,Nghiêng hũ, rượu cùng say.Cung giương lửa sáng trũng,Cờ xí núi giăng mây.Mặt trời dù khuất bóng,Tráng sĩ chửa về ngay.)

Ngoài thơ vương hầu là thơ đình thần. Sau đây là một bài ngũ ngôn cổ thi với chủ đề tùng giá ứng chiếu (thơ làm ra trong lúc đi du ngoạn, thị sát dân tình với thiên hoàng và viết theo lời yêu cầu của bậc quân chủ) do Iyobe no Kumagai sáng tác:

Iyobe no Kumakai (Y Dữ Bộ, Mã Dưỡng, năm sinh năm mất không rõ) làm chức học sĩ ở phủ hoàng thái tử, là một trong những đình thần đã được Thiên hoàng Mommu trao trách nhiệm soạn bộ luật lệ năm Taihô, vốn là một bộ luật quan trọng của nhà nước Nhật Bản cổ đại nhưng nay đã thất truyền. Năm 701, nhờ công lớn ấy, ông được phong thưởng. Sau đó, năm 703, chắc là lúc ông đã mất, cả con cái cũng được hưởng lộc điền.

Tùng giá ứng chiếu (Bài 20)

Đế Nghiêu hiệp nhân trí,

Tiên tất ngoạn sơn xuyên[6].

Điệp lĩnh diễu bất cực,

Kinh ba đoạn phục liên.

Vũ tình vân quyển lã,

Vụ tận phong thư liên,[7]

Vũ đình lạc hạ cẩn,

Ca lâm kinh thu thiền.[8]

Tiên tra phiếm vinh quang,

Phượng sinh đới tường yên.

Khởi độc Dao Trì thượng,

Phương xướng Bạch Vân Thiên[9].

Theo hầu xa giá, phục mệnh làm thơ.

(Như Đế Nghiêu nhân trí,Xa giá dạo non sông.Đỉnh cao giăng chẳng dứt,Sóng cả trải vô cùng.Mưa ngớt, màn mây vén,Mù tạnh, núi xanh trong.Sân múa, hoa hè rụng,Ca rừng, ve lặng không.Thuyền ngự trôi theo nắng,Sênh phách khói thơm nồng.Dao Trì đâu dễ sánh,Hát khúc Bạch Vân chung.)

Nhà thơ Ôtomo no Tabito (665-731) là con trai quan Dainagon là Yasumaro và bố của nhà biên tập Manyôshuu (Vạn Diệp Tập) là Ôtomo no Yakamochi. Sau khi làm trưởng quan ở súy phủ Dazai, về kinh giữ chức Dainagon như cha. Mất lúc 67 tuổi.Tuy chỉ có một bài được loại thị yến được chọn vào Hoài Phong Tảo nhưng trong Vạn Diệp Tập ông có 1 trường ca 70 đoản ca.

Xuân nhật thị yến (Bài 44)

Khoan chính tình ký viễn,

Địch cổ[10] đạo duy tân.

Mục mục tứ môn khách,

Tế tế tam đức nhân[11].

Mai tuyết loạn tàn ngạn,

Yên hà tiếp tảo xuân.

Cộng du thánh chúa trạch,

Đồng giá kích nhưỡng nhân[12].

Ngày xuân hầu tiệc vua.

(Vua thi hành nhân chính,Phục cổ mà mới thay.Bốn phương bao khách đến,Toàn đức độ khôn tày.Mai, tuyết tàn trên bến.Xuân về rạng khói mây.Được theo hầu thánh chúa,Chung cảnh thái bình nầy.)

Câu “Mai tuyết loạn tàn ngạn” lấy ý từ bài đoản ca của chính tác giả Ôtomo no Tabito thấy trong Man.yôshuu (bài 849 quyển 5) hàm ý lúc đông qua xuân sang, có hoa mai bắt đầu điểm lấm tấm trong tuyết chưa tan hết, một phong cảnh đầy thi vị vì chồi mai tượng trưng cho niềm hy vọng mới nhóm lên sau những ngày đông âm u lạnh giá.

Thơ ngoại giao với sứ thần đại lục:

Tước vương Nagaya(Nagaya-Ô, Trường ốc vương 675-729) còn gọi là Trường vương, một tác giả nổi tiếng, người chịu chung số phận hẩm hiu tương tự Hoàng tử Ôtsu, là một nhân vật đặc biệt vì ông đã dùng phủ đệ của mình làm một hội trường văn học, kiểu “salon littéraire” ở Âu Châu, với sự tham gia của cả người nước ngoài như sứ thần đến từ Shiragi (Tân La), một vùng thuộc phía Đông Nam Hàn Quốc bây giờ.

Ông dòng dõi cao sang, con trai Hoàng tử Takechi, cháu nội Thiên hoàng Tenmu. Từng đứng đầu triều, lần lượt giữ chức Hữu đại thần rồi Tả đại thần, chánh nhị phẩm. Tuy nhiên quyền cao chức trọng, giao du rộng rãi lại là mối họa cho ông. Vì bị các địch thủ chính trị cáo buộc có âm mưu khuynh đảo triều đình, ông được tứ tử nghĩa là bị bức phải tự sát. Lúc đó Nagaya-Ô mới khoảng 41 tuổi.Ông có 3 bài Hán thi trong Hoài Phong Tảo và 5 bài đoản ca trong Vạn Diệp Tập.

Sau đây là bài thơ ngũ ngôn luật thi ông làm lúc tiếp sứ trong ngôi dinh thự đẹp đẽ của mình ở vùng Saho vào tiết thu năm 723, có xướng họa thơ phú, để tiễn họ về nước:

Ư bảo trạch yến Tân La khách (Bài 68)

Cao mân [13]khai viễn chiếu,

Dao lãnh ái phù yên.

Hữu ái kim lan thưởng,

Vô bì[14]phong nguyệt diên.

Quế sơn dư cảnh hạ,

Cúc phố lạc hà tiên.

Mạc vị thương ba cách,

Trường vi tráng tứ biên

Trong dinh tiếp khách nước Shiragi.

(Trời xanh rộng bao la,Đỉnh núi khói sương nhòa.Chiếu tiệc, vui quên mệt,Trăng gió, bạn cùng ta. Núi quế ngày còn đọng,Bờ cúc ráng chiều sa.Đừng bảo sóng ngăn cách,Khi lòng một điệu hòa.)

Một bài thơ khác do Abe no Hironiwa(659-732) làm ra trong một bữa tiệc mà ông là khách được mời. Hironiwa là con trai Miroshi. Ông làm quan khanh trong cung nội, sau lên đến chức tham nghị, tùng tam phẩm. Để lại 2 bài Hán thi trong Hoài Phong Tảo và 4 bài đoản ca trong Vạn Diệp Tập.

Thu nhật ư Trường Vương trạch yến Tân La khách (Bài 71).

Sơn dũ[15] lâm u cốc

Tùng lâm đối vãn lưu.

Yến đình chiêu viễn sứ,

Ly tịch khai văn du.

Thiền tức lương phong mộ,

Nhạn phi minh nguyệt thu.

Khuynh tư phù cúc tửu,

Nguyện ủy chuyển bồng[16] ưu.

Ngày thu đãi tiệc khách Shiragi ở nhà tước vương Nagaya.

(Song cửa nhìn vực thẳm, Ngàn thông bên nước mau. Vườn mở tiệc tiếp sứ,Đưa tiễn mượn đôi câu. Tiếng ve chiều gió mát,Bóng nhạn vút trăng thu.Xin nghiêng vò rượu cúc,Xóa dịu nỗi xa nhau.)

Vị trí Tân La (Shiragi, màu vàng) trên bán đảo Hàn vào thế kỷ thứ 7

Trong bữa tiệc tiễn đưa các sứ giả Tân La từ phương xa đã vượt biển đến Nara, những người tham dự đều có làm thơ. Hãy còn giữ lại được thơ làm trong dịp này của Yamada Mikata, Sena no Yukifumi, Tori no Minori, Shinotsuke no Mushimaro, Kudara no Yamatomaro, Yoshida no Yoroshi, Fujiwara no Fusasaki. Ngoài ra bài thơ của Shimotsuke no Mushimaro đã được ghép vào bài tựa đặt trước chùm thơ này trong thi tập.Tất cả đều nói lên sự tiếc nuối phải xa những người bạn họ vừa mới quen chẳng được bao lâu.

Biểu lộ tình cảm và hoài bão cá nhân:

Hoàng tử Ôtomo(Đại Hữu) sau là Thiên hoàng Kôbun (Hoằng Văn, xem tiểu truyện đã nói ở trên) là nhà thơ có vị trí đứng đầu trong Hoài Phong Tảo, lại là nhân vật lịch sử đầu tiên được coi như là thi nhân Hán thi của Nhật Bản.Thơ hoàng tử được giữ lại có hai bài, tượng trưng cho hai loại hình. Ngoài “Thị yến” có màu sắc tập đoàn và thù tạc đã trình bày, là bài thơ nhan đề “Thuật hoài”. Loại thơ thuật hoài là văn chương tác giả dùng để bày tỏ tâm tình và chí hướng nên có tính cách cá nhân hơn.

Thuật Hoài (Bài 2)

Đạo đức thừa thiên huấn,

Diêm mai[17]ký chân tể[18].

Tu vô giám phủ[19]thuật,

An năng lâm tứ hải.

Bày tỏ nỗi lòng,

(Đạo đức, dựa cao vời,Phò vua, thuận đạo trời.Chăn dân thẹn tài mọn,Bốn biển sao cứu đời?)

Thiên hoàng Mommu (Văn Vũ, 683-707) cũng có một bài thơ “Thuật hoài” khác.Trong Hoài Phong Tảo, ông được tuyển 3 bài. Hai bài kia vịnh trăng và vịnh tuyết.

Thuật Hoài (Bài 16)

Niên duy túc tải miện,

Trí bất cảm thùy thường[20].

Trẫm thường nhật dạ niệm,

Hà dĩ chuyết tâm khuông.

Do bất sư vãng cổ,

Hà cứu nguyên thủ vọng.

Nhiên vô tam tuyệt[21] vụ,

Thả dục lâm đoản chương.

Bày tỏ nỗi lòng,

(Tuổi đủ cài vương miện,Trí rủ áo chưa tường.Trẫm ngày đêm đau đáu,Sửa lòng lệch cho vuông.Bởi chẳng học người xưa,Sao tròn được đạo vua.Kinh sử không chăm đọc,Tâm trí để vào thơ!)

Nhà vua dòng dõi trực hệ của Thiên hoàng Tenmu. Vì cha là Hoàng tử Kusakabe mất sớm, được bà nội là Thiên hoàng Jitô (vợ chính của Tenmu) đưa lên ngôi khi mới 15 tuổi.Ông là người đã ra lệnh soạn bộ Luật Taihôđể cải tổ chính quyền và cho gửi sứ sang nhà Đường trở lại. Mất năm vừa 25 tuổi.

Cũng như bài “Thuật hoài” do Hoàng tử Ôtomo, bài thơ của Mommu nói lên sự phản tỉnh và lòng khiêm cung của tác giả.

Trong vụ tranh chấp ngai vàng, Hoàng tử Ôtsu (Đại Tân, tiểu truyện xem ở trên) bị bà dì ruột (em gái của bà mẹ đã mất sớm) là Nữ Thiên hoàng Jitô và con bà này, cũng là anh em khác mẹ với ông, Hoàng Thái tử Kusakabe, buộc tội tử hình vì bảo ông có ý làm phản. Ông chết năm 24 tuổi. Trước giờ hành hình, để nói lên tâm sự mình, ông đã ngâm bài thơ giã biệt cõi đời (từ thế thi) như sau:

Lâm chung (Bài 7)

Kim ô lâm tây xá,

Cổ thanh thôi đoản mệnh.

Tuyền lộ vô tân chủ,

Thử tịch ly gia hướng.

Thơ lúc lâm hình

(Trống giục thu đời ngắn,Bóng ác ngã sang đoài.Suối vàng không quán trọ,Đêm biết ngủ nhà ai?)

Có vài bài tương tự như bài nầy trong thơ Trung Quốc[22]. Thơ hơi có vần điệu trúc trắc nên chưa chắc là một bài thơ với xuất xứ đáng tin cậy. Điều chúng ta có thể cảm được ở đây là nó đề cập đến số phận hẩm hiu của hoàng tử Ôtsu.

Nhân đây cũng xin giới thiệu vài bài có tính cách cá nhân khác. Một là bài thơ than cảnh sinh bất phùng thời do Fujiwara Umakai (Đằng Nguyên, Vũ Hợp,  ? -  737) viết:

Bi bất ngộ (Bài số 91)

Hiền giả thê niên mộ,

Minh quân ký nhật tân.

Chu chiêm tái dật lão,

Ân mộng đắc y nhân.

Bác cử phi đồng dực,

Tương vong bất dị lân.

Nam quan lao Sở tấu,

Bắc tiết quyện Hồ trần.

Học loại Đông Phương Sóc,

Niên dư Chu Mại Thần.

Nhị mao tuy dĩ phú,

Vạn quyển đồ nhiên bần.

Buồn vì chẳng gặp thời.

(Người hiền năm tháng tận,Buồn vua chẳng gọi mời.Cụ Lã nhờ gieo quẻ,Anh Phó mộng phùng thời.Cũng là chim là cá,Số phận khéo đôi nơi. Chung Nghi uổng tiếng nhạc,Tô Vũ cờ tả tơi.Học rộng như Phương Sóc,Nhưng Mại Thần già rồi.Đầu đầy hai thứ tóc,Lắm chữ chỉ nghèo thôi.)

Bài thơ tuy cô đọng nhưng nặng hình thức. Tác giả đã sử dụng hầu hết những điển cố danh tiếng của Trung Hoa về những người chậm chạp trên đường công danh, từ tích Chu Văn Vương giủ quẻ đón Khương Tử Nha về làm tướng, Cao Tông nhà Ân vì nằm mộng nên đi tìm Phó Duyệt…rồi bước qua chuyện người tù nước Sở là Chung Nghi, sứ nhà Hán gửi sang Hung Nô là Tô Vũ, những danh thần nhà Hán như Đông Phương Sóc, Chu Mại Thần…

Umakai vốn là con trai thứ ba của Hữu đại thần quyền thế Fuhito và cháu nội của đại thần công huân Kamatari, ông tổ sáng nghiệp dòng họ Fujiwara. Từng được gửi đi sứ sang nhà Đường. Khi về nước, ông làm quan trấn thủ vùng Hitachi rồi quan khanh trong bộ Lễ. Sau lại được cử làm Tây Hải Tiết Độ Sứ kiêm chức súy ở phủ Dazai dưới Kyuushuu. Một người con đường danh vọng sáng sủa như ông không thể nào có những tư tưởng bi phẫn đến vậy. Phải chăng ông làm bài thơ này để nói thay cho một người bạn thâm giao là Yamato Hangan (Quan án Yamato), kẻ có năng lực và chậm công danh nhưng vẫn biết giữ tiết tháo. Hangan là bậc thứ ba trong hàng quan lại địa phương. Xin đọc bài thơ về con người ấy như sau đây:

Tại Thường Lục tặng Nụy Phán Quan lưu tại kinh (Bài 89)

Tự ngã nhược quán tùng vương sự,

Phong trần tuế nguyệt bất tằng hưu.

Khiên duy [23]độc tọa biên đình tịch,

Huyền tháp[24] trường bi dao lạc thu.

Cầm sắt chi giao viễn tương trở,

Chi lan chi khế tiếp vô du[25].

Vô du bất kiến Lý tương Quách[26],

Hữu biệt hà phùng Quỳ dữ Do[27].

 

Trì tâm trướng vọng bạch vân thiên,

Ký ngữ bồi hồi minh nguyệt tiền.

Nhật hạ hoàng đô quân bão ngọc[28],

Vân đoan biên quốc ngã điêu huyền[29].

Thanh huyền nhập hóa kinh tam tuế,

Mỹ ngọc thao quang độ kỷ niên.

Tri kỷ nan phùng phỉ kim nhĩ,

Vong ngôn [30]can ngộ tùng lai nhiên.

Vi kỳ bất phạ phong sương xúc,

Do tự nham tâm tùng bá kiên.[31]

Từ Hitachi, gửi tặng Quan án Yamato (Nụy) còn ở lại kinh đô.

(Từ thuở thành nhân, việc nước nhà,Bao năm bận bịu, một đời ta. Vén màn cô độc chiều biên cảnh,Treo ghế ngày thu nhớ bạn xa.Cầm sắt tình thân đành cách trở,Chi lan giao ước để phôi pha.Không gặp, còn chi lòng Lý Quách,Biền biệt, Quỳ Do nào thế a!)

(Nhớ ông, mây trắng ngắm lưng trời.Tấc dạ bồi hồi, trăng sáng soi.Kinh khuyết xin ai gìn giữ ngọc,Chòm mây biên tái tớ lo đời.Dạy dân tôi bận ba năm trọn,Phong kín tài năng bác một thời. Xưa nay trần thế bao tri kỷ,Tương đắc trên đời dễ mấy người.Nên chi chớ ngại trời sương gió,Tùng bách tâm bền đá núi thôi.)

Về tựa đề của bài thơ, chúng ta biết Thường Lục là âm Hán chỉ vùng Hitachi, phía ông Bắc thành phố Tôkyô, thời Edo là phiên Mitô. Năm 719, Umakai được bổ làm trấn thủ vùng ấy, lúc đó hãy còn là nơi biên cảnh, tiếp giáp với đất đai người Emishi (Ezo). Bạn của ông, quan án Yamato tên thật là Yamato no Koazumahito (sau đổi thành Yamato no Nagaoka) làm một chức quan nhỏ, lúc đó ở kinh đô Nara, chắc đang dự phần vào việc soạn bộ Luật Taihô. Hai ông Umakai và Koamuzahito đã quen biết nhau từ trẻ và cùng có dịp đi sứ sang nhà Đường. Chuyến đi năm 716, Umakai giữ vai phó sứ trong khi Koazumahito chỉ là một người tháp tùng bình thường. Thế nhưng ông Koazumahito dường như rất gần gũi với anh em nhà Fujiwara và được biết là một người văn nhã.

Bài thơ này có đặc điểm là dài (18 câu) và làm theo thể thất ngôn, trong khi những bài khác của Hoài Phong Tảo thường ngắn và làm theo thể ngũ ngôn. Nó bàn đến chuyện riêng tư giữa 2 người bạn chứ không phải một sáng tác có tính tập đoàn như thơ yến tiệc hay tiếp sứ cho phép nhiều người viết chung về một đề tài.

Tiếp đến là bài thơ cá nhân than thở cảnh lẻ loi nơi đất khách của Isonokami Ason Otomaro (Thạch Thượng Triều Thần Ất Ma Lữ, ? -750):

Thu dạ khuê tình (Bài số 114)

Tha hương tần dạ mộng,

Đàm dữ lệ nhân đồng.

Tẩm lý hoan như thực,

Kinh tiền hận khấp không.

Không tư hướng quế ảnh,

Độc tọa thính tùng phong.

Sơn xuyên hiểm dị lộ,

Triển chuyển ức khuê phòng.

Đêm thu nhớ vợ.

(Xa nhà bao đêm mộng,Người đẹp tỉ tê cùng.Giường chiếu vui như thực,Chợt tỉnh, lệ đoanh tròng.Thờ thẩn nhìn trăng sángCô đơn hóng gió tùng.Xa khơi đường cách trở,Trằn trọc nhớ khuê phòng.)

Otomaro sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất vào năm 750. Là con trai thứ ba của Tả Đại Thần Ishinokami Maro, thành viên một gia đình quí tộc nổi tiếng, riêng ông có thời làm quan trấn thủ vùng Tanba. Sau vì liên lụy trong một vụ án, bị đày đi Tosa trên đảo Shikoku rồi được tha về, lại giữ nhiều chức quan trọng trên chính trường, lên đến bậc tùng tam phẩm.

Giới tăng lữ cũng để lại thơ có tính cá nhân trong Kaifuusô. Có thể đơn cử một người là Shaku Benshô(Thích Biện Chính). Tục danh ông là Hata, năm sinh và mất không ai rõ. Tính hài hước lại ăn nói giỏi. Xuất gia từ trẻ, thông hiểu Phật pháp. Dưới đời Thiên Hoàng Mommu, có dịp sang nhà Đường du học. Nghe nói ông đánh cờ vây rất cao và được Đường Huyền Tông có tình tri ngộ. Ông mất ở Trung Nguyên.Sau đây là bài thơ ông làm nơi đất khách khi hướng về quê cũ:

Tại Đường ức bản hương (Bài 27)

Nhật biên chiêm Nhật Bản,

Vân lý vọng vân đoan.

Viễn du lao viễn quốc,

Trường hận khổ Trường An.

Sống bên nhà Đường nhớ quê cũ

(Ngắm mặt trời mọc cao,Ven mây nhớ dạt dào. Lao đao đời viễn xứ,Trường An khổ xiết bao.)

Đây là một bài tứ tuyệt khó dịch vì cô đọng và có nhiều chỗ dùng điệp ngữ, tuy tài hoa nhưng cũng biểu lộ sự khinh bạc.

Đường thi và thi ca Nhật Bản thời Heian:

Nhà Đường (618-907) bên Trung Quốc đã có gần 300 năm lịch sử thi ca xán lạn. Giai đoạn Thịnh Đường ở vào thời điểm tương xứng với triều đại Nara (710-784). Lúc bấy giờ, giao lưu giữa hai nước đã đạt đến đỉnh cao. Ngay cả trong Toàn Đường Thi, tập thơ vĩ đại soạn theo sắc chiếu của hoàng đế Khang Hi nhà Thanh qui tụ 49.000 bài thơ của hơn 2.200 người[32], có thấy tên hai nhà thơ Nhật là sư Triều Hành tức Abe no Nakamaro (A Bồi Trọng Ma Lữ) và tước vương Nagaya - Ô (Trường Ốc Vương). Abe ở Trường An có kết bạn với Lý Bạch, Vương Duy… khi về nước bị bão dạt xuống Giao Châu , trở thành quan Thứ Sử. Lý Bạch ngỡ bạn chết nên làm một bài thơ ai điếu[33]. Sau Abe về lại Trung Quốc và chết bên ấy. Còn Nagaya-Ô là cháu thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ), và như ta biết, mắc tội mưu phản phải tự tử, hiện nay di tích phủ đệ cũ vẫn còn.Có thuyết cho rằng thi phẩm Hoài Phong Tảo nói trên là do ông (hay nhóm văn nhân chơi với ông) soạn.

Ảnh hưởng của thơ Đường nói riêng và thơ Trung Quốc nói chung đến thơ Nhật Bản như thế nào? Ta có thể khẳng định rằng vào buổi đầu, thơ Waka cung đình Nhật Bản phần lớn là những bài thiếu tính sáng tạo vì chỉ là thơ dịch từ thơ Trung Quốc.

Một bài thơ vịnh trăng nổi tiếng của Ôe no Chisato (Đại Giang, Thiên Lý) trong Kokinshuu (Cổ kim tập) phần Thu Thượng và được chọn lọc như một trong 100 bài của tuyển tập thơ Waka nổi tiếng Hyakuni Isshu (Bách nhân nhất thủ ) “Trăm nhà trăm bài” là bài Tsuki mireba (câu đầu của bài thơ dùng thay đề vì thơ waka không có đề):

Nhìn trăng nghìn mối vương buồn,

Dầu thu nào viếng một hồn ta thôi.

Các nhà chú giải thời Edo đều nhất trí cho rằng Ôe no Chisato đã mượn hai câu cuối trong bài đầu của ba bài Yến Tử Lâu do Bạch Cư Dị sáng tác. Ông Bạch ngày còn trẻ đến Từ Châu (nay thuộc Giang Tô) được Tiết Độ Sứ Trương Am đón tiếp nồng hậu. Sau Am chết, nàng Miến Miến, thiếp yêu của Trương, chịu vò võ trong lầu Yến Tử, giữ tiết không lấy ai nữa. Ông Bạch nhân đó cảm động làm bài tuyệt cú:

Mãn song minh nguyệt mãn liêm sương,

Bị lãnh đăng tàn phất ngọa sàng.

Yến Tử Lâu trung sương nguyệt dạ,

Thu lai chỉ vị nhất nhân trường.

(Song đầy trăng sáng rèm nhòa sương,Chăn lạnh đèn lu, giũ chiếu giường.Lầu Yến đêm sương thu chỉ đến,Cho dài thương tiếc một người vương.)

Người con gái mất người yêu, một mình cô đơn trên lầu. Chỉ có trăng sáng tràn vào cửa sổ, sương sa đầy rèm, áo lạnh đèn tàn. “Vì thương mỗi một mình nàng, đêm thu như dài ra vô tận” (Thu lai chỉ vị nhất nhân trường). Trong trường hợp này, tuy có cóp nhặt nhưng Ôe no Chisato đã khéo léo sửa thành cái ý “Dù cho mùa thu buồn chẳng phải của riêng ta”.

Cuối thế kỷ thứ 9 thì loại Waka sáng tác với đề tài từ một câu thơ cũ gốc chữ Hán hay từ một câu trong ba tập thơ của ba đời (tam đại tập[34]) để ra đề gọi là Kudai waka (cú đề hòa ca) rất thịnh hành. Bài Mitsuki no tsugomori (tối cuối tháng ba, bẻ hoa tử đằng[35]trong mưa) của vương tử Ariwara no Narihira (Tại Nguyên, Nghiệp Bình, 825-880), một trong Lục Ca Tiên và là người đứng vào hàng chú của Chisato, thoát dịch như sau:

Dầm mưa hái nhánh tử đằng,

Những lo xuân hết, khôn ngăn tháng ngày.

Tuy không nhắc đến câu xuất đề, người ta nghĩ ngay tới hai câu cuối trong bài thất tuyệt cũng của Bạch Cư Dị nhan đề “Đề Từ Ân Tự”:

Từ Ân xuân sắc kim triêu tận,

Tận nhật bồi hồi ỷ tự môn.

Trù trướng xuân qui, lưu bất đắc,

Tử đằng hoa hạ tiệm hoàng hôn.

(Sáng nay xuân sắc Từ Ân hết,Dựa cửa chùa, trọn ngày bâng khuâng.Buồn nỗi xuân qua khôn níu lại, Tử đằng bên dưới bóng chiều dâng.)

Hai thí dụ vừa đưa ra lấy từ Kokin-shuu là một tập thơ waka viết bằngquốc âmchứ ở những tập thơ khác như Ryôun-shuu hay Keikoku-shuu là những thi tập chữ Hán thì ảnh hưởng của thơ Đường còn rõ nét hơn nữa.

Dầu sao, sinh hoạt ngôn ngữ của trí thức Nhật Bản thời đó có tính cách nhị trùng : họ vừa biết làm thơ quốc âm kana vừa biết làm thơ thuần túy Hán văn.Trong thi tập chữ Hán đầu tiên Hoài Phong Tảo có 64 nhà thơ thì một số đã có bài trong Vạn Diệp Tập là tập thơ quốc âm, ví dụ hoàng tử Ôtsu, tước vương Nagaya, các ông Ôtomo no Tabito, Fujiwara no Umakai, Kasuga no Kurabito-ono... Họ đều là những nhà thơ trứ danh.

Nhưng « cú đề waka » còn có thể hiểu trường hợp thơ xuất đề không phải câu thơ Hán mà là một câu thơ của Vạn Diệp Tập (hay một trong tam đại tập), được chọn làm cơ sở để soạn một bài thơ chữ Hán.

Theo Murakami Tetsumi, sách Shinsen Man.yô-shuu (Tân soạn Vạn Diệp Tập) (vốn có nguồn gốc không rõ ràng, được in ra vào năm 1694 nhưng có ghi lời tựa viết năm 893 và 913 cho hai quyển thượng và hạ) mà một bản còn giữ lại ở Đại Học Kyôto, có chép câu thơ xuất đề là bài thơ thu[36]Okuyama ni nổi tiếng của Sarumarudayu (Viên Hoàn Đại Phu) :

Núi sâu rẽ lối lá phong,

Tiếng nai kêu để chạnh lòng sầu thu.

Bài thơ chữ Hán“ làm ra từ câu xuất đề bằngkanachép trong sách đó như sau[37] :

Thu sơn tịch tịch diệp linh linh,

Mi lộc minh âm số xứ linh.

Thắng địa tầm lai du yến xứ,

Vô bằng vô tửu ý do linh.

Nếu “Tân soạn Vạn diệp tập” là một tập thơ đích thực và đã ra đời trước thế kỷ thứ 10 thì nó đã chứng minh có một sự đồng đẳng giữa văn học chữ Hán và văn học kana vào thời Heian khi ảnh hưởng của Trung Quốc nhạt đi vì nhà Đường đã suy vi và Nhật Bản đang trên đà mở mang. Chuyến đi sứ năm 894 mà học giả Sugawara no Michizane được chọn làm chánh sứ đã bị đình chỉ (vì lý do nhà nước thay đổi chính sách) và từ đó triều đình Heian không gửi sứ bộ sang nhà Đường nữa.Dù muốn dù không, nhìn chung thì hướng đi của văn học Nhật Bản thời Heian có thể tóm tắt trong mấy chữ Nhật Bản hóa văn hóa đại lục”.

Địa vị cung đình của thơ chữ Hán:

Thơ chữ Hán trở thành khuôn mẫu dùng nơi triều đình vì trí thức quí tộc thời đó nếu không có Hán học thì không thể nào lập thân.Thơ văn chữ Hán cũng hàm chứa và bộc lộ cái hoài bảo kinh bang tế thế, xây dựng xã hội lý tưởng bằng thiện chính của đạo Nho. Người viết văn học sử thường gọi thời nầy là thời “Đường phong âu ca” hay “Văn chương kinh quốc”. Nhưng nếu Đường phong được trọng vọng (âu ca) và đưa lên hàng đầu thì thơ quốc phong Wakacó bị đẩy lùi vào bóng tối cũng là lẽ đương nhiên.

Thời Heian (Bình An) là giai đoạn người Nhật chọn Heiankyô (Bình An Kinh) làm quốc đô. Nay Heiankyô nằm giữa lòng thành phố Kyôto. Giai đoạn đó bắt đầu từ năm 794 (Enryaku 13) dưới thời Thiên hoàng Kammu (Hoàn Vũ). Từ lúc thời Heian bắt đầu cho đến khi Lăng Vân Tập, tập thơ chữ Hán soạn theo sắc chiếu trước tiên ra đời (814 hay Kônin 5), chỉ có 20 năm mà thôi.

Vai trò của ba tuyển tập soạn theo sắc chiếu:

Sau Kaifuusô (Hoài Phong Tảo), từ cuối thời Nara cho đến đầu thời Heian, Hán thi hưng thịnh trở lại sau một giai đọan khá lặng lẽ. Vào tiền bán thế kỷ thứ 9, dưới đời hai Thiên hoàng thứ 52 Saga (Tha Nga, trị vì 809-823) và thiên hoàng thứ 53 Junna (Thuần Hòa, trị vì 823-833), có 3 tập thơ chữ Hán soạn theo sắc chiếu là Ryôun-shuu (Lăng Vân Tập, 814), Bunka Shuurei-shuu (Văn Hoa Tú Lệ Tập, 818) và Keikoku-shuu (Kinh Quốc Tập, 827) Thi nhân Hán thi tiêu biểu của giai đọan này ngoài các vị thiên hoàng và những nhà đại quí tộc như Fujiwara no Fuyutsugu (Đằng Nguyên, Đông Tự , 775-826), còn có các quan bậc trung hay thấp như Kose no Shikihito (Cự Thế, Thức Nhân (không rõ năm sinh năm mất), Ono no Minemori (Tiểu Dã Lĩnh Thủ, 777-830) hay Kuwahara no Haraaka (Tang Nguyên, Phúc Xích, 789-825) vv …Điều đó chứng tỏ bên cạnh giới quí tộc đã có một tầng lớp trí thức quan lại ra đời. Lúc đó lại thêm những nhà thơ sứ thần từ đại lục ví dụ như sứ nước Bột Hải[38] đã đến triều đình Nara cũng như bóng dáng những nhà thơ phụ nữ đầu tiên.

Ba nhân vật được nhắc tới như ba cây bút sáng giá nhất dười thời Heian (Bình An tam bút = Heian sanpitsu) đã đóng góp rất nhiều cho sự hưng thịnh của thơ chữ Hán là Thiên hoàng Saga (Tha Nga Đế, 786-842), khai tổ phái Chân Ngôn là cao tăng Kuukai (Không Hải, 774-835) và nhà quí tộc Tachibana no Hayanari (Quất, Dật Thế, ? -842). Ngoài ra còn những bầy tôi, tác giả thơ trong ba thi tuyển Hán thi soạn theo chiếu chỉ (Lăng Vân, Văn Hoa Tú Lệ, Kinh Quốc) tụ họp thành tập đoàn văn học cung đình mà trung tâm là thiên hoàng Tuy nhiên, thơ của họ chỉ là mô phỏng “Đường phong” tức thơ Trung Quốc đời Đường, cho dù khi họ muốn nói về nước mình.

Đường phong (phong cách nhà Đường) đạt đến đỉnh cao nhất có lẽ là lúc các chiếu chỉ trong khoảng năm Kônin (Hoằng Nhân) và Tenchô (Thiên Trường) (810-834) lần lượt ra lệnh tom góp thơ chữ Hán thành ba thi (văn) tập mà ta đã biết. Về mặt hình thức, khi đọc các tập thơ chữ Hán của Nhật Bản, ta cũng chứng kiến việc nó đã bước theo cùng một hướng với sự thay đổi trong thi ca Trung Quốc nghĩa là từ năm chữ (Hậu Hán cho đến Lục Triều) qua bảy chữ (Hậu Hán Mạt cho đến Thịnh Đường). NếuHoài Phong Tảolấy thơ năm chữ làm trung tâm thì những tập về sau nhiều thơ bảy chữ hơn.

Ryôunshuu (Lăng Vân Tập, 814) 凌雲集

Còn gọi là Ryôun-shinshuu hay Lăng Vân tân tập. Gồm 1 quyển. Đây là một tập thơ sắc soạn vào thời Heian, nghĩa là có “đơn đặt hàng” của nhà nước.Thiên hoàng Saga (Tha Nga, 786-842, trị vì 809-823) đã hạ chiếu cho các ông Ono no Minemori (Tiểu Dã Lĩnh Thủ, 777-830) và Sugawara no Kiyokimi (Quản Nguyên Thanh Công, 770-842) soạn ra. Tập thơ thu thập tác phẩm 23 nhân vật từ năm 782 đến 814, tất cả 91 bài. Trong đó Thiên hoàng Saga có 22 bài, chiếm nhiều nhất. Sau đó là thơ Ono no Minemori và Kaya no Toyotoshi (Hạ Dương, Phong Niên, 751-815) mỗi người 13 bài. Nội dung có các mục du lãm, yến tiệc, tiễn biệt, tặng đáp, vịnh sử, thuật hoài, lệ tình, nhạc phủ, phạn môn, ai thương, tạp vịnh vv…phạm vi khá rộng rãi. Về hình thức thì vẫn là thơ ngũ ngôn, thất ngôn. Ở đây ta còn thấy bóng dáng một số chữ Hán trong tiếng thông dụng đời Đường. Trước tiên xin giới thiệu thơ của Thiên hoàng Saga.

Thiên hoàng Saga, một ông vua thi sĩ:

 

Thiên hoàng Saga (786-842)

Ông là con trai Thiên hoàng Kanmu và bà Fujiwara Otomuro, dòng dõi quí tộc Fujiwara. Năm 809 (Wadô 4), được người anh là Thiên hoàng Heizei (Bình Thành, 774-824) nhường ngôi cho. Đã bắt tay vào việc cải cách hệ thống hành chánh và luật lệ làm cho chính trị được ổn định. Về mặt văn hóa, ông chủ trương tiếp thu văn hóa đại lục mà các tập Hán thi soạn theo sắc chiếu là một ví dụ cụ thể. Từ năm 823 (Kônin 14) dù đã nhường ngôi cho em trai là Thiên hoàng Junna (Thuần Hòa) nhưng đến đời Thiên hoàng Ninmyô (Nhân Minh, con trai Saga) và cho mãi tận cuộc loạn năm Jôwa 9 (842), ông vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá và chính trị. Và như đã nói, thư pháp của ông rất có tiếng. Ngoài ra, khi các nhà biên soạn không quyết, ý kiến của ông trong việc chọn thơ để đem vào tuyển tập là quyết định cuối cùng.

Thơ ông dàn trải khắp 3 tập. Trong Lăng Vân Tập này, đáng liệt vào loại thơ hay thì có bài sau đây:

Xuân Nhật Du Lạp Nhật Mộ Túc Giang Đầu Đình Tử[39]

Tam xuân xuất lạp trùng thành ngoại,

Tứ vọng giang sơn thế chuyển hùng.

Trục thố mã đề thừa lạc nhật,

Truy cầm ưng cách[40] phất khinh phong.

Chinh thuyền mộ nhập liên thiên thủy,

Minh nguyệt cô huyền dục hiểu không.

Bất học Hạ vương[41] hoang thử sự,

Vị tư Chu bốc ngộ phi hùng[42].

Mùa xuân đi săn, ngũ đỗ ở tiểu đình trên sông.

(Mùa xuân săn bắn ở ngoài cung, Hùng bấy non sông bốn mặt trông.Dồn thỏ, nắng gieo bên bước ngựa,Đuổi chim, ưng phất gió trên không.Thuyền mau, chiều xuống trời liền nước,Trăng lẻ treo cao đêm sáng trưng.Nào học mê chơi như Hạ Kiệt,Gieo quẻ Văn Vương ý những mong.

Bài thơ này rõ ràng có phong vị thơThiên hoàng Saga. Chính ra, khi nói đến các thiên hoàng thời Heian, người ta chỉ tưởng tượng ra những quí nhân áo xống lụng thụng vây quanh bởi cung tần mỹ nữ. Nhưng Saga là một thiên hoàng buổi đầu triều đại, cho nên nơi ông, ta còn thấy cảnh phóng ngựa băng đồng, phóng chim ưng đuổi theo con mồi, rất ư hùng tráng. Theo quyển Ruiji Kokushi (Loại tự Quốc Sử) bài thơ này đã được làm ra khoảng năm Kônin thứ 4 hay 5 khi nhà vua đi săn ở một chỗ như cánh đồng Katano (gần Ôsaka bây giờ) hay nơi gần nhà trạm Yamasaki (thuộc Kyôto) và lúc đó có ngủ qua đêm ở ly cung, một cái đình trên sông. Ly cung ấy tên là Hà Dương ly cung vì trong sự tưởng tượng của người Nhật, Yamasaki mang hình ảnh của Hà Dương thuộc tỉnh Hà Nam bên Trung Quốc. Thiên hoàng ngày đó mỗi năm thường đi săn nhiều lần và thú săn bắn, đối với ông là hành động sống thực chứ không phải trong tưởng tượng. Học giả Hayashi Ôhô (Lâm La Phong, 1618-1680) cho rằng bài thơ trên là một tác phẩm tiêu biểu của thi phong Thiên hoàng Saga. Các bậc quân chủ thường yêu thơ nhưng ít có bậc đế vương nào làm thơ hay như ông.

Thiên hoàng Saga còn vịnh cảnh một buổi sang mùa xuân trên sông Yodo gần Kyôto nhìn từ ly cung Yamasaki:

Giang đầu xuân hiểu (Bài 23)

Giang đầu đình tử nhân sự khuê,

Ỷ chẩm duy văn cổ thú kê.

Vân khí thấp y tri cận tụ,

Tuyền thanh kinh chẩm giác lân khê.

Thiên biên cô nguyệt thừa lưu tật

Sơn lý cơ viên đáo hiểu đề,

Vật hậu tuy ngôn dương hòa vị,

Đinh châu xuân thảo dục thê thê.

Sáng mùa xuân trên sông.

(Gác sông nằm, kệ chuyện người ta,Tựa gối, thành hoang mỗi tiếng gà. Áo ẩm mới hay gần bóng núi,Nước reo nên biết suối không xa.Trăng lẻ bên trời theo lũ xiết,Vượn đói rừng sâu hú sáng ra.Vẫn biết khí trời chưa ấm áp,Trên sông bờ cỏ những xanh là.)

Kaya no Toyotoshi (Hạ Dương Phong Niên, 751-815), bầy tôi của ông, thì có bài ngũ ngôn thương tiếc một người bạn, Chinh di phó tướng quân Ono no Nagami (Tiểu , Vĩnh Kiến), tử trận khi cầm quân đi đánh dẹp người Ebisu (Hà Di)[43] trên miền đông bắc.Cũng như các nhà thơ đương thời, tác giả đã dụng điển Hoàng Thạch Công (tam lược), Mã Viện (mã cách), Vương Trọng Tuyên (hoàn sĩ) chẳng khác gì một áng thơ Trung Quốc.

Thương Dã tướng quân (Bài 42)

Hà Di xưng loạn cửu,

Trạch tướng thuộc ngô hiền.

Khuất chỉ trì tam lược,

Dương mi xuất nhị quyền.

Hề đầu huân vị triển,

Mã cách chí phương tuyên.

Hoàn sĩ hà nan ngộ,

Đồ bi hung vấn truyền.

Thương tiếc tướng quân Ono no Nagami.

(Hà Di giặc dai dẳng,Vua chọn bậc anh tài.Thao lược không người kịp,Quyền mưu hỏi mấy ai.Lũ chuột đầu chưa nạp,Da ngựa bọc thân trai.Công danh đành chẳng toại.Tin dữ buồn hôm mai.)

Tiếp đến, đây là một bài thơ của chính Ono no Nagami(Tiểu Dã, Vĩnh Kiến) và cũng trích từ Ryôunshuu, đặc biệt có phong vị của thơ điền viên Trung Quốc:

Điền Gia

Kết am cư tam kính,

Quán viên dưỡng nhất sinh.

Tao khang ninh mãn phúc

Tuyền thạch đãn hoan tình.

Thủy lý tùng đê ảnh,

Phong tiền trúc động thanh.

Liêu du thái bình thuế,

Độc thủ tiểu sơn đình.

Nhà ngoài đồng quê

(Cất am ba lối nhỏ,Tưới rau sống một đờiTấm cám thường đủ bữa, Đá suối sướng lưng rồi.Đáy nước tùng soi bóng,Trong gió trúc khua vui.Xa cảnh đời trị loạn,Chòi núi một ta ngơi.)

Bunka Shuureishuu (Văn Hoa Tú Lệ Tập, 818) 文華秀麗集

Đây là tập thơ sắc soạn thứ hai của thời Heian sau Lăng Vân Tập. Có 3 quyển. Fujiwara no Fuyutsugu (Đằng Nguyên, Đông Tự) đã nhận lệnh của Thiên hoàng Saga để cùng với Nakao-Ô (Trọng Hùng Vương), Sugawara no Kiyokimi (Quản Nguyên, Thanh Công), Isayama Fumitsugu (Dũng Sơn, Văn Kế) và Shigeno Sadanushi (Từ Dã, Trinh Chủ) soạn ra vào năm 818. Gồm 143 bài thơ của 28 người. Nội dung viết về du lãm, yến tiệc, tiễn biệt, tặng đáp, thuật hoài, lệ tình, phạn môn, nhạc phủ, vịnh sử, ai thương, tạp vịnh…cũng như tác phẩm đi trước nó.Trong tập, thơ Thiên hoàng Saga có đến 34 bài, cũng lại là nhiều hơn cả, sau mới đến Kose no Kishihito (Cự Thế Thức Nhân) 20 bài và Nakao-Ô 14 bài.

Sau đây xin tuyển dịch một số. Bài đầu nói lên tâm sự mình trước cảnh vãn thu của bà Hime Ôtomo Uji (Cơ, Đại Bạn Thị). Chỉ biết tác giả là một tiểu thư (hime) thuộc gia đình quí tộc Ôtomo (Đại Bạn) chứ không có tên con gái trong bút danh như thông lệ thời ấy. Bà thường xướng họa với các thi nhân đương thời và cũng có thể là một nữ quan trong cung. Bài thứ hai họa thơ ngự chế của Thiên hoàng Saga do Kuwahara Haraaka (Tang Nguyên Phúc Xích, 789-825), một văn chương bác sĩ, làm quan ngũ phẩm, viết:

Vãn thu thuật hoài (Bài 75)

Tiết hậu tiêu điều tuế tương lan,

Khuê môn tĩnh nhàn thu nhật hàn.

Vân thiên viễn nhạn thanh nghi thính,

Diêm thụ vãn thiền dẫn dục đàn.

Cúc đàm đới lộ dư hoa lãnh,

Hà phố hàm sương cựu trản tàn.

Tịch tịch độc thương tứ vận thúc,

Phân phân lạc diệp bất thăng khan.

Tâm sự cuối thu.

(Tiêu sơ cảnh vật báo năm tàn,Phòng vắng ngày thu đón lạnh sang.Bên trời tiếng nhạn còn nghe rõ,Dưới mái hơi ve hết rộn ràng.Đầm cúc móc rơi hoa sót lạnh,Bến sen sương giáng úa đài vàng.Hận mỗi bốn mùa đi quá gấp,Vèo đưa chiếc lá ngắm sao đang!)

Phụng họa thính đảo y (Bài 62)

Song song thu nhạn sổ bàn tường,

Khuê thiếp đương kinh biên dĩ sương.

Hà xứ đảo y tiêu đạt đán,

Không lâu nguyệt hạ vạn gia trường.

Ám trung bất biện chữ đê cử,

Chẩm thượng duy văn thanh ức dương.

Thú dạ cung chung sạ tương họa,

Ưng thông Trường Tín phục Chiêu Dương. 

Phụng họa thơ thiên hoàng: Đêm nghe đập áo.

(Khuê phòng ngắm nhạn từng đôi sang,Thiếp biết biên cương trời đà sương.Đập áo, ai người đêm thức sang,Lầu không, trăng dõi, mọi nhà đang.Tối trời nào biết chày cao thấp,Trên gối riêng hay tiếng nhịp nhàngCung cấm chuông tuần dường họa vận,Suốt từ Trường Tín đến Chiêu Dương.)

Nhật Bản chia sẻ với Trung Quốc cảnh mùa thu hàn đới và nỗi niềm cô phụ mong chồng đi chinh thú trong một quốc gia lắm chiến tranh. Những Trường Tín, Chiêu Dương trong Đường thi cũng đã đi vào thơ Nhật như một sự hoán chuyển kỹ thuật(transfer of technology).

Sau đây là một bài thơ mà tác giả là Thiên hoàng Saga, cũng chép trong Văn Hoa Tú Lệ Tập, nhan đề Hà Dương Hoa:

Tam xuân nhị nguyệt Hà Dương huyện,

Hà Dương tùng lai phú ư hoa,

Hoa lạc năng hồng phục năng bạch,

Sơn băng tần hạ vạn điều tà.

(trong Hà Dương thập vịnh,)

Hoa huyện Hà Dương

(Tháng hai xuân đã đến Hà Dương,Huyện tiếng từ xưa lắm sắc hương.Bao cơn giông núi xô cành ngã,Vạn cánh hoa rơi trắng lẫn hường.)

Trong bài này, Thiên hoàng Saga lại so sánh vùng Yamasaki gần Kyôto nơi ông có ly cung với huyện Hà Dương, lại ví dòng sông Yodo chảy qua Kyôto và Ôsaka với Hoàng Hà. Huyện Hà Dương là nơi Phan Nhạc, thi nhân đời Tấn, từng làm huyện lệnh và cho trồng nhiều đào. Trong bài nầy, hồng là đào và bạch là lý.

Trong bài Giang Biên Thảo cùng chủ đề Hà Dương thập cảnh, Thiên hoàng Saga đã tả mùa xuân bên bờ sông Yodogawa ở Ôsaka với tình ý của cổ nhân Trung Quốc:

Xuân nhật giang biên hà sở hảo,

Thanh thanh duy kiến vương tôn thảo.

Phong quang tựu noãn phương khí tân,

Như thử niên niên quan giả lão.

Cỏ bên sông

(Sông xuân, bờ cỏ đẹp là bao, Xanh biếc, vương tôn ý thuở nào. Ấm áp, hương nồng, khoe sắc mới, Năm năm hỏi khách vội già sao!)

Dĩ nhiên, nhà thơ vương giả này đã mượn tích “vương tôn thảo” trong Sở Từ (Phương thảo thanh hề thê thê, Vương tôn du hề bất qui) và thơ Lưu Hy Di trong Đại Bạch Đầu Ngâm (Niên niên tuế tuế hoa tương tự, Tuế tuế niên niên nhân bất đồng).

Keikoku-shuu (Kinh Quốc Tập, 827) 経国集

Là tập thơ sắc soạn thứ ba của thời Heian do lệnh của Thiên hoàng Junna (Thuần Hòa, 786-840, trị vì 823-833). Gồm 20 quyển nhưng chỉ còn giữ được có 6. Các ông Yoshimine no Yasuyo (Lương Lĩnh An Thế, 785-830) và Shigeno Sadanushi (Từ Dã Trinh Chủ), Minamibuchi Hirosada (Nam Uyên Hoằng Trinh), Yasuno Fumitsugu, Abe Yoshihito đã soạn chung với lời tựa của Sadanushi.Thơ được chọn là những bài được làm ra trong khoảng năm 707 đến 827. Tất cả 178 người và 917 bài (còn giữ được 211). Phải kể thêm là nội dung còn có 17 bài phú, 51 bài tựa, văn nghị luận đối sách 38 biên. Tên tác phẩm lấy từ câu nói của Ngụy Văn Đế Tào Phi (Văn chương kinh quốc chi đại nghiệp) chứng tỏ tham vọng của người cai trị dùng văn chương để trị nước. Quyển 10 thơ Phạn môn cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo. Tuy nhiên, ít có sự độc sáng vì mô phỏng Văn Tuyển, Sơ Đường thi… hơi nhiều.

Trong tập này, thơ đế vương của Thiên hoàng Saga có những bài như Tái Hạ Khúc (quyển 10):

Bách chiến công đa khổ biên trần,

Sa trường vạn lý bất kiến xuân.

Hán gia thiên tử ân nan báo,

Vị tận Hung Nô khởi cố thân.

Hát dưới ải

(Biên cảnh sa trường khổ chiến tranh. Cát vàng vạn dặm thấy đâu xuân. Ân tình vua Hán làm sao báo. Chưa diệtrợ Hồ, há tiếc thân.)

Trong bài này, thiên hoàng đã chuyển hình ảnh Trung Quốc của vùng Thiên Sơn trong thơ biến tái của Lạc Tân Vương, Lý Bạch vào bối cảnh đất Nhật, có lẽ là vùng Mutsu (Lục Áo, đông bắc Nhật Bản) nơi quân nhà vua đang chống nhau với các bộ lạc người Emishi.

Sau đây là một bài Thiên hoàng Sagahọa thơ của đình thần và với một đề tài có tính hoài niệm.

Họa Đằng Thị Hùng cựu cung Mỹ nhân nhập đạo từ (quyển 10)

Độn thế minh hoàng [44]xuất đế kỳ,

Di cư cựu ấp[45] khiển tuế thì.

Hốt tùng thử địa thăng vân[46] hậu,

Duy hữu không cư luyến sủng ky.

Phỏng đạo sơ đình la ỷ diễm,

Thế đầu tân tác tỳ khưu ni.

Kiều tâm [47]dục thức quai hoa phược[48],

Nhược thể na kham trước thảo y[49].

Sơn điện phong thanh thu Phạn[50] lãnh,

Khê song nguyệt sắc hiểu thiền bi.

Phần hương trì tụng hàn lâm tịch,

Tọa hướng thương thiên oán biệt ly.

Họa bài thơ của Tô Yoshio viết về người nữ quan cũ đi tu (quyển 10)

(Lánh đời vua sáng bỏ kinh đô,Ấp cũ dời qua sống hững hờ.Từ thuở hạc vàng mây khuất nẽo,Nhà hoang ái thiếp bóng hình trơ.Cắt bỏ lụa là tìm lẽ đạo,Một mình xuống tóc kiếp ni cô.Ái tình dẫu biết là giây buộc,Thân yếu làm sao mặc vải thô.Chùa núi gió lồng kinh tiếng lạnh,Song khe trăng sớm sắc buồn xo. Tiếng tụng, khói trầm, rừng vắng vẻ,Cao xanh ngửa mặt oán đơn cô.)

Mỹ nhân trong bài thơ không có nghĩa là...người đẹp. Nó chỉ hàm ý chức Mỹ nhân của một nữ quan. Quan chế hậu cung Nhật Bản được viết theo Tômei (Đường danh) tức quan chế của người Trung Quốc thời đó.

Để hiểu thêm về bài thơ (làm ra năm 824), phải ngược dòng thời gian 14 năm trước (810) khi xảy ra cuộc chính biến gọi là Kusuko no hen. Thực ra từ năm 809, Thiên hoàng Heizei – có lẽ vì chịu áp lực - lấy cớ bệnh hoạn nhường ngôi cho hoàng thái đệ (Saga) và trở thành Thái thượng hoàng, dời nhà về Heijôkyô (Nara). Nhưng sau có lẽ vì ái phi Fujiwara Kusuko (Đằng Nguyên Dược Tử) và một số đình thần ức lòng, đứng về phe bà, xui giục, ông lại muốn can dự vào chính trị và có lần ra lệnh cho Thiên hoàng Saga phải dời đô từ Heiankyô về Heijôkyô. Saga đã xử lý thành công, dẹp được chính biến bằng cách cho quân cản bước đạo quân của Heizei mộ từ miền Đông, bắn chết được kẻ chủ mưu là Nakanari, anh của Kusuko, và truất hết chức tước của bà. Kusuko tự sát. Cha của Tô Yoshio là là Manatsu vì theo cánh Heizei cũng bị tả thiên.

Thái thượng hoàng Heizei sau khi nhường ngôi đã xuất gia và sống suốt 14 năm ở cố đô Heijôkyô. Bài thơ vịnh cuộc sống của người nữ quan sau khi ông mất và việc nàng tìm về cửa Phật. Giọng điệu của bài thơ này thật khó hiểu cho chúng ta vì giữa hai anh em Heizei và Saga thực sự đã có một cuộc tranh phong và nỗi bất hạnh của Heizei cũng như những người theo ông đã đến từ bàn tay Saga, ông vua tuy tài hoa những cũng rất sắc sảo trong chính trị.

Một bài thơ khác của Thiên hoàng Saga, có tính cách tự vịnh. Không biết ông làm ra lúc ở ngôi hay sau khi thoái vị:

Lão Ông Ngâm (quyển 11)

Thế hữu bất ky[51] nhất lão ông,

Sinh lai vô ý tiễn vương công.

Nhân gian vong khước bần dữ tiện,

Túy ngọa phương lâm[52] hoa liễu phong.

Khúc ngâm một người già.

Đời có ông già chẳng buộc ràng,

Sinh ra nào ước kiếp vua quan.

Kệ thây cơ cực hay giàu có,

Say ngủ rừng hương gió liễu sang.

Tiếp theo đây xin giới thiệu một bài thơ làm trong lúc đang đi thi Monjôshô (Văn chương sinh) mà tác giả làOno no Suetsugu (Tiểu Dã, Mạt Tự). Về ông, chỉ biết vào năm 839 là một chức quan quyền trấn thủ xứ Aki, tùng ngũ phẩm.

Phụng thí phú đắc Vương Chiêu Quân (lục vận vi hạn):

Nhất triêu từ sủng trường sa mạch,

Vạn lý sầu văn hành lộ nan.

Hán địa du du tùy khứ tận,

Yên Sơn thiều đệ do vị đàn.

Thanh trùng mấn ảnh phong xuy phá,

Hoàng nguyệt nhan trang tuyết điểm tàn.

Xuất tái địch thanh trường ám tuyệt,

Tiêu hồng la tụ lệ vô can.

Cao nham viên khiếu trùng yên khổ,

Dao lãnh hồng phi Lũng Thủy hàn.

Liệu thức yêu vi tổn tích nhật,

Hà lao mỗi hướng kính trung khan.

Bài thơ đi thi viết thay lời Vương Chiêu Quân (hạn chế trong vòng 6 vần):

(Một sáng rời cung vào xứ cát,Gian nan nghìn dặm biết đường xa.Đất Hán qua rồi, khôn ngoái lại,Non Yên lăng lắc, chửa thành nhà. Gió bấc rối bời làn tóc biếc,Tuyết hàn điểm lấm cả gương nga. Tiếng địch xuất quan lòng tựa cắt,Hồng phai tay áo lệ chan hòa.Đỉnh mù vượn núi kêu thêm khổ,Núi thẳm hồng bay lạnh Lũng xa.Nếu biết lưng ong hao khác trước,Hơi đâu soi kính tựa ngày qua.)

Với bài thơ trên, ta thấy người Nhật lúc đó mô phỏng nội dung và hình thức thơ Trung Quốc ngay cả trong thi cử.Yên Sơn, Lũng Thủy, hành lộ nan,viên khiếu, hồng bi…đều là những ước lệ thi ca được người đương thời tận dụng.

Trước đó, trong Văn Hoa Tú Lệ Tập, Thiên hoàng Saga từng viết về đề tài này. Như chúng ta đã biết, Chiêu Quân Vương Tường là một mỹ nhân trong cung Hán Nguyên Đế, bị bắt gả cho Ô Hàn Nha thiền vu để giữ hòa bình nơi biên cảnh. Bà đã sống và chết ở vùng mạc bắc, không hề thấy lại cố hương. Câu chuyện của bà đã trở thành đề tài của biết bao nhiêu nhà thơ.

Vương Chiêu Quân

Nhược tuế từ Hán khuyết,

Hàm sầu nhập Hồ quan.

Thiên nhai thiên vạn lý,

Nhất khứ cánh vô hoàn.

Sa mạc hoại thiền mấn,

Phong sương tàn ngọc nhan.

Duy dư Trường An nguyệt,

Chiếu tống kỷ trùng san.

Vương Chiêu Quân

(Ngây thơ giã cung Hán / Ngậm hờn vào Hồ quan / Trời xa nghìn vạn dặm / Một biệt chẳng sinh hoàn / Biển cát tóc xanh bạc / Gió sương mặt ngọc tàn / Mỗi vầng trăng quê cũ / Vượt núi tiễn chân nàng /)

Dưới thời của Thiên hoàng Saga, Nhật Bản cũng có nhiều cơ hội tống nghinh sứ thần các nước như các thời trước. Ngoài Bách Tế (Kudara) và Tân La (Shiragi) trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản còn có mối giao tình thân thiết với Bột Hải (Bokkai), một quốc ra ra đời vào năm 698 và chiếm giữ một vùng từ phía bắc bán đảo Triều Tiên chạy qua một phần đông bắc Trung Quốc và vùng duyên hải phía đông nước Nga.Nước Bột Hải ngày nay đã bị diệt vong nhưng vào lúc đó, giao lưu văn hoá và thương mại của họ và Nhật Bản rất đáng kể. Bài thơ dưới đây của một sứ thần tên Yô Taishi (Dương Thái Sư) đánh dấu quan hệ ngoại giao giữa hai nước, được đăng trong quyển thứ 13 của Kinh Quốc Tập:

Bột Hải Quốc, quốc gia huyễn tưởng, một thời hùng cứ vùng Bắc Á

Phụng họa Kỷ Triều Thần Công vịnh tuyết thi.

Tạc dạ long vân thượng,

Kim triêu hạc tuyết tân.

Quái khan hoa phát thụ,

Bất thính điểu kinh xuân.

Hồi ảnh nghi thần nữ,

Cao ca tự Dĩnh nhân.

U Lan[53]nan khả kế,

Cánh dục hiệu nhi tần.[54]

Phụng họa thơ Vịnh Tuyết của ngài Ki Ason

(Đêm trước mây rồng cuộn,Sáng ra tuyết trắng ngần.Cứ ngỡ chồi hoa nở,Nào nghe chim báo xuân! Hình như thần nữ múa,Tiếng tựa khúc Dĩnh nhân.U Lan khó nối tiếp,Bắt chước cũng khôn cân.)

Nhan đề ý nói đây là thơ họa lại bài Vịnh Tuyết của Ki Ason (một vị quan lớn trong triều đình Nhật Bản do Yô Taishi (Dương Thái Sư), phó sứ trong phái đoàn nước Bokkai lúc đó đến kinh đô.Việc sứ thần họ Dương đến Nhật năm 759 là một sự thực đã được ghi lại trong Shoku Nihonki (Tục Nhật Bản Kỷ). Ông đã được người cầm quyền ở Nhật lúc bấy giờ là Hữu đại thần Omi no Oshikatsu nghênh tiếp.

Cảnh thần nữ múa là ví tuyết bay phấp phới giống như thần nữ trong Lạc Thần Phú (có chép trong Văn Tuyển) và hai chữ “bạch tuyết” cũng gợi cho tác giả nhớ đến điệu hát cao sang (cao ca) Dương Xuân Bạch Tuyết của người đất Dĩnh (nước Sở), vốn khác điệu Hạ Lý Ba Nhân phàm tục.

Lời thơ còn cho thấy là tác giả có vay mượn chữ trong bài Vịnh Tuyết của Lạc Tân Vương (650-684?) đời Sơ Đường. Sở dĩ việc đó xảy ra vì Ki Ason phía Nhật cũng sử dụng các sách Văn Tuyển, Trang Tử và thơ họ Lạc như tư liệu sáng tác. Điều đó cho thấy Tân La, Nhật Bản và Bột Hải đều am tường cổ điển Trung Quốc và dùng nó như phương tiện để hiểu nhau..

Về chủ đề thì như trong trường hợp của Văn Hoa Tú Lệ Tập, có 11 loại: du lãm, yến tiệc, tiễn biệt, tặng đáp, vịnh sử, thuật hoài, lệ tình, nhạc phủ, Phạn môn, ai thương, tạp vịnh. Lăng Vân Tập còn có đến 23 loại (thêm du tiên, quân nhung, giao miếu, vãn ca vv…), phần nhiều dựa vào lối sắp xếp của Văn Tuyển đời nhà Lương. Tuy nhiên, trong khi Hoài Phong Tảo, vốn là tuyển tập riêng tư, có mục đích “duyệt cổ nhân chi di tích, tưởng phong nguyệt chi cựu du” (xem lại sự tích người xưa, nhớ đến bạn bè cũ thời vui cùng trăng gió) thì những tập soạn theo sắc chiếu đến sau thường nói đến “văn chương giả, kinh quốc chi đại nghiệp, bất hủ chi thịnh sự” (văn chương là việc to tát trị dân giúp nước, còn lưu lại muôn đời)

Thơ của ba tập nầy chịu ảnh hưởng phong cách hoa lệ của thơ Trung Đường. Ví dụ như bài tạp ngôn Ngư Ca “Khúc Hát Ông Câu” theo thể trường đoản cú của Thiên hoàng Saga, chép trongLăng Vân Tập:

Giang thủy độ đầu liễu loạn ti,

Ngư ông thuyền thượng yên cảnh trì.

Thừa xuân hứng,

Vô yếm thì.

Cầu ngư bất đắc đới phong xuy.

(Bến nước đầu sông liễu rối tơ,Ngư ông say cảnh khói hoa mờ.Hứng xuân dào dạt, Lòng không chán.Cá dù không cắn, gió theo đưa)

Nó cũng diễm lệ như tác phẩm của nhà thơ Trung Đường Trương Chí Hòa trong bài Ngư Phụ Ca(Toàn Đường Thi, quyển 11):

Tây Tái Sơn tiền bạch lộ phi,

Đào hoa lưu thủy quyết ngư phì

Thanh nhược lạp,

Lục thoa y,

Tà phong tế vũ bất tu quy.

(Trước núi Tây Sơn trắng bóng cò,Hoa đào nước chảy béo con rô. Áo tơi nón lá,Xanh biêng biếc.Gió nhẹ mưa thưa, chẵng chịu về.)

Quân thần xướng họa:

Thường thì thơ đế vương được gọi là “ngự chế”, thơ đình thần họa lại là “ứng chế”, nói chung việc trao đổi một chiều này gọi là “quân xướng thần họa”. Thế nhưng dưới triềuThiên hoàng Saga, cảnh trao đổi hai chiềucũng không thiếu nên có gọi một cách đơn thuần là “quân thần xướng họa” thì vẫn không sai.

Sau đây là bài ngũ ngôn luật thi “Trường Môn Oán”, một ngự chế của Thiên hoàng Saga và bài ứng chế “Phụng Họa Trường Môn Oán” của Kose no Shikihito, người tuy không rõ lai lịch nhưng có đến 20 bài trong Văn Hoa Tú Lệ Tập. Con số thơ được tuyển của ông chỉ đứng sau nhà vua.

Trong bài này, Thiên hoàngSaga chỉ trung thực sử dụng đề tài của nhạc phủ đời Hán nói về việc Trần Hoàng Hậu bị Hán Vũ Đế thất sủng:

Trường Môn Oán

Nhật mộ thâm cung lý,

Trùng môn bế bất khai.

Thu phong kinh quế điện,

Hiểu nguyệt chiếu lan đài.

Đối kính dung hoa cải,

Điệu cầm oán khúc thôi,

Quân ân nan tái vọng,

Mại đắc Trường Khanh tài.

Nỗi hận cung Trường Môn

(Cung sâu vừa tối đến, Cửa dày đãkín then. Gió thu kinh điện quế, Trăng sáng dọi đài lan. Soi kính, hoa tiều tụy, So giây, điệu oán hờn. Quân vương nào đoái đến. Đành cậy phú văn nhân)

Phụng họa Trường Môn Oán

Nhật tịch quân môn bế,

Cô tư bất tạm an.

Trần sinh thu trướng mãn,

Nguyệt hướng dạ sàng hàn.

Tinh oán giếp[55] nan tễ

Vân sầu mấn dục tàn.

Duy dư cựu thì thưởng,

Do nhập mộng trung khan.

Phụng họa “Nỗi hận cung Trường Môn”

(Chiều xuống, cung son đóng. Mình thiếp buồn khôn ngăn. Bụi giăng đầy màn chiếu, Trăng lạnh chỗ giường nằm. Lòng hận, biếng trang điểm. Tóc mây để úa tàn. Duy ơn xưa tình cũ, Vào giữa mộng chưa tan).

Ngoài đình thần, Thiên hoàng Saga còn giao lưu với các tăng nhân, đặc biệt là Hoằng Pháp đại sư Không Hải (774-835). Vị cao tăngphái Chân Ngôn này là bậc tu hành lỗi lạc, từng du học bên nhà Đường (804-806), một con người đa tài đa nghệ, thơ hay chữ đẹp, tương truyền phát minh cả văn tự kana. Riêng về văn chương, ông đã để lại “Hoằng Pháp đại sư toàn tập”, “Tam Giáo Chỉ Qui”, “Tính Linh Tập”, “Thập Chú Tâm Luận” và công trình nghiên cứu tu từ pháp nhan đề “Văn kính bí phủ luận”. Sau đây là bài thơ nói lên tình thân ái và lòng kính trọng của thiên hoàng đối với ông:

Dữ Hải công ẩm trà, tống qui sơn

Đạo tục tương phân kinh sổ niên,

Kim thu ngộ ngôn[56] diệc lương duyên.

Hương trà chước bãi nhật vân mộ,

Kê thủ thương ly vọng vân yên.

Uống trà với ngài Không Hải, tiễn về núi.

(Đạo tục hai đường rẽ bấy lâu,Chút duyênnay được chuyện trò nhau. Hương trà còn ngát chiều đà xuống, Tiễn khách ven mây, trẫm cúi đầu.)

Lần đó, đại sư Không Hải đã đi từ ngôi chùa ông trụ trì trên Takaôzan (Cao Hùng Sơn), vượt núi băng rừng đến bái yết thiên hoàng ở ly cung của ông ở Sagano bên bờ đầm Ôzawa. Ngày nay ly cung đó đã trở thành ngôi chùa đẹp Daikakuji (Đại Đức Tự).

Nhìn chung, công lao của Thiên hoàng Saga về lãnh vực văn chương thực to tát. Nhờ có ông mà Hán thi đã đặt nền móng bền vững trên đất Nhật. Ông và đình thần qua những hoạt động văn bút kiểu“quân thần xướng họa” đã tạo nên một phong cách nhân văn trong triều đình. Văn chương không còn là chuyện thuần túy giải khuây nhưng trở thành một yếu tố quan trọng cả trong việc trị nước (khái niệm “văn chương kinh quốc”) Người ta cảm thấy có một bầu không khí bình đẳng giữa những người tham dự vào cuộc chơi,bởi không có sự tị hiềm, kỳ thị vì chức phận cao thấp giữa họ. Có thể so sánh triều đình của Thiên hoàng Saga ở Nhật Bản vớitriều đình của Đường Thái Tông bên Trung Quốc trước đó và triều đình của Lê Thánh Tông ở Việt Nam về sau, nghĩa là các chính quyền đã phát động thành công những trào lưu văn hóa.

Thiên Hoàng Go-Shirakawa

Ba trăm năm sau Thiên hoàng Saga, một vị hoàng đế khác cũng đã đóng một vai trò tích cực và độc đáo trong lịch sử thi ca Nhật Bản dù không thực sự là một nhà thơ. Tuy vậy, phải nói người ấy có một hồn thơ rộng bao la, đã mở cánh của cung đình xưa nay khép kín để đón nhận dòng thơ bôn phóng và lãng mạn trong dân chúng.

Là thiên hoàng thứ 77 trong hệ phổ, Thiên hoàng Go-Shirakawa(Hậu Bạch Hà) sinh năm 1127 và mất năm 1192, trị vì từ 1155 đến 1158 trước khi trở thành Thái thượng hoàng rồi Pháp hoàng (hoàng đế đi tu). Tên ông là Masahito (Nhã Nhân), con trai thứ tư của Thiên hoàng Toba có với Hoàng hậu Taikenmon.in Shôko (một công nương xuất thân đại tộc Fujiwara). Khi ông lên ngôi, xảy ra biến loạn tranh chấp ngai vàng (loạn Hôgen, 1156) nhưng phe ông thắng lợi. Ba năm sau, ông nhường ngôi cho hoàng tử Morihito (tức Thiên hoàng Nijô)rồi trở thành Thái thượng hoàng mà vẫn duy trì quyền lãnh đạo. Sau khi xảy ra cuộc biến loạn năm Heiji (1159), tập đoàn Taira suy vong, họ Minamoto, kẻ chiến thắng, đã thành lập Mạc phủ Kamakura. Tuy nước Nhật từ đó được cai trị bởi giới vũ sĩ nhưng Thiên hoàng Go-Shirakawa đã khôn khéo hợp sức cùng đình thần của mình cố giữ lấy một phần quyền hành. Ông còn sưu tập thi ca dân gian mà mình yêu chuộng để đến năm 1169 soạn ra được Ryôjin Hishô (Lương Trần Bí Sao) và Ryôjin Hishô Kudenshuu (Lương Trần Bí Sao Khẩu Truyền Tập), tức là một tuyển tập ca từ dân gian và một tập dạy bí quyếtdiễn xuất âm nhạc.Thế rồi,từ giã chính trường, ông xuống tóc qui y, xây dựng chùa chiền, thần xã vàvãng cảnh...rồi qua đời ở tuổi 65.

Thiên hoàng Go-Shirakawa (1127-1192)

Như đã trình bày, ngoài Hán thi, Nhật Bản hãy còn có những loại thơ viết bằng quốc âm tức chữ kana, biểu âm chứ không biểu ý. Loại thơ quốc âm được biết đến nhiều nhất là Waka (Hòa ca), sau đó mới đến các biến thể của nó như Renga (Liên ca), Tanka (Đoản ca) và Haiku (Bài cú).

Bên cạnh Waka cung đình chỉ để đọc hay ngâm suông, còn có thể Rôei (lãng vịnh), Kayô (ca dao nhưng có thể hiểu là dao ca) là các thể loại thơ được hát lên và để múa với sự hỗ trợ của các nhạc cụ. Kayô có tính chất dân dã, khác với Waka cung đình. Nó bao gồm những thể loại như Imayô (kim dạng), Hayauta (tảo ca) còn gọi là Enkyoku (yến khúc), Kouta (tiểu ca), Kagura (thần nhạc), Saibara (thôi mã nhạc), Fuzoku (phong tục)…Nói chung, chúng là những Utaimono (thơ để hát). Nếu giới quí tộc yêu thích Rôei vì tính cách bác học của nó thì người bình dân lại chuộng những hình thức dân dã nói trên.

Ryôjin Hishô (Lương Trần Bí Sao, 1169):

Dưới đây, xin được trình bàymột chút về nội dung tuyển tập Imayô nhan đề Ryôjin Hishô (Lương Trần Bí Sao) của vị vương giả yêu mến thi ca bình dân, Thiên hoàng Go-Shirakawa.

Sách gồm 20 quyển nhưng ngày nay chỉ còn giữ lại được khoảng 1/10 nghĩa là khoảng 560 bài. Đó là một tác phẩm sưu tập các Imayô (Kim dạng = thơ ca đời mới bây giờ) ý nói những ca khúc lưu hành trong dân gian vào thời Heian hậu kỳ (thế kỷ 11-12). Sở dĩ nó có thể ra đời vì đương thời Thiên hoàng Go Shirakawa vốn đặc biệtcó sự ham mê mãnh liệt đối với loại thơ ca này đã ra lệnh thu thập chúng. Ngày nay ca tậpnày được xem như một tài sản tinh thần quí giá của người Nhật.

Shirabyôshi

Thêm một yếu tố khác có tính văn học sử là, đến thời Heian trung kỳ, các loại Waka hay Rôei trở nên quen thuộc không còn rung động được lòng người nên trong dân gian đã nẩy sinh ra nhu cầu đi tìm một loại thi ca mới lạ, mới từ hình thức đến nội dung. Hình thức mới là hình thức ca vũ. Nó sẽ mở màn cho thời đại của Nô và Kabuki đến sau. Những nghệ sĩ đường phố như các cô con gái đẹp ăn mặc kiểu đàn ông gọi là shirabyôshi (bạch phách tử白拍子), những cô gái làng chơi gọi là yuujo (du nữ遊女), những thầy tăng làm trò, nông dân hay phường cờ bạc là những người sẽ cáng đáng việc phát triển loại ca vũ này chứ không phải quí tộc và quan lại. Thế nhưng với tài ca múa, bọn họ đã du nhập thể loại văn nghệ tiêu khiển này ngay cả vào trong cung cấm và làm cho những người lãnh đạo như Thái chính đại thần Taira no Kiyomori hay Thiên hoàng Go-Shirakawaphải say mê.

Riêng Go Shirakawa là một ông vua rất lạ. Ông ham chơi đến độ suýt từ chối cả ngai thiên hoàng khi cha ông là Thiên hoàng Toba muốn nhường ngôi. Người ta còn kể lại rằng, lúc đó ông yêu thích các cô gái làng chơi và bọn con hát hơn cả chính sự và trong đời đã có ba lần tắt tiếng vì mãi mê tập hát Imayô. (Thực ra, ông là một nhà chính trị tài ba, nhiều mưu lược, đã tranh đấu không ngừng để giữ gìn vương quyền trong một thời chiến loạn, sau khi nhường ngôi, vẫn giám sát hành vi chính trị của 5 thiên hoàng kế nghiệp mình là Nijô, Rokujô, Takakura, Antoku và Go-Toba).

Tương truyền ngày ông con bé, mẹ ông tuy xuất thân quí tộc nhưng rất yêu thích ca nhạc, nuôi cả du nữ trong cung. Ông đã thừa hưởng dòng máu văn nghệ của mẹ và gần gũi với hạng người sống dưới đáy xã hội. Ông từng khẩn khoản mời một thày hát Imayô đang sống cuộc đời phiêu bạt và nghèo khó là Kugutsu Otomae vào cung để kết tình sư đệ.Chính ông là người vào năm 1183 đã ra lệnh cho thi hào Fujiwara no Shunzei thu thập thơ Waka để soạn tập Senzai Wakashuu (Thiên Tải Hòa Ca Tập, 1187). Ông từngcho định cư những nghệ sĩ hát rong và giúp phương tiện để họ có thể hành nghề. Go Shirakawa còn là người sùng đạo Phật và yêu chuộng mỹ thuật Phật giáo. Do đó, ông đã đốc thúc xây dựng và trùng tu nhiều đền chùa miếu mạo, quan trọng nhất là ba đại (Thần) xã ở vùng núi non Kumano (tỉnh Wakayama và Mie ngày nay) cũng nhưSanjuusangendô (Tam Thập Tam Gian Đường), nơi yên vịcác tượng Thiên Thể Thiên Thủ Quan Âm, một quốc bảo ngày nay du khách vẫn còn có thể chiêm ngưỡngngay giữa lòng thành phố Kyôto.

Go-Shirakawađã tự tay tuyển lựa và biên tập Ryôjin Hishô. Đề tài của sách dựa lên truyền thuyết Ngu Công và Hàn Ngalà haingười đời xưa có tiếng hát hay “đến nỗi làm bụi trên rường nhà (lương trần) cũng phải bốc lên, qua hết ba ngày màvẫn chưa tan”. Tập hợp với Ryôjin Hishô Kudenshuu (Lương Trần Bí Sao Khẩu Truyền Tập) là một tập sách lý thuyết về ca từ và thanh nhạc để thành ra hai mươi quyển, Ryôshin Hishô đã được Go Shirakawa san định xong vào năm ông 42 tuổi (1169) với dụng ý để lại cho hậu thế tất cả di sản của loại Imayô hiện có. Người ta xem nó có giá trị văn học lớn về mặt thi ca chẳng khác nào Konjaku Monogatari (Kim Tích Vật Ngữ), một tác phẩm đồng niên đại (cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12) đối với văn chương thuyết pháp và răn đời. Yoshida Kenkô (1283?-1352) trong tập tùy bút Tsurezuregusa (Đồ Nhiên Thảo) cũng từng cho biết ông đã xúc động khi nghe ca từ của Ryôjin Hishô.

Sau đó, không thấy ai nói đến Ryôjin Hishô nữa. Nó bỗng nhiên biến mất khỏi dòng lịch sử trong vòng 5 thế kỷ. Đến đời Edo (1603-1868), dường như chỉ có phần lý thuyết tức là Ryôjin Hishô Kudenshuu là còn được bảo tồn nhưng chỉ là phong thanh. Ngẫu nhiên, khi đang điều tra tông tích tác phẩm, Tiến sĩ Wada Hidematsu (1865-1937) đã tìm được quyển thứ 2 trong 20 quyển nói trên ở một tiệm bán sách cũ phố Shitaya (khu Taitô, Tôkyô) và nhân đó, đem lại cho học giới một niềm vui khôn tả.Tiếp đến, nhà nghiên cứu Sasaki Nobutsuna (1872-1963) tìm ra thêm quyển 1 cũng như phần 1 của bộ sách lý luận. Tuy nhiên những gì phát hiện được thật không đáng kể so với lượng đồ sộ của nguyên tác. Ryôshin Hishô thực sự đã trở thành cuốn “bí sao”, một quyển sách ảo, bị thời gian chôn vùi.

Quyển 1 của Ryôjin Hishô có những bài theo điệu Nagauta (Trương ca) có tính chúc tụng, Koryuu (Cổ Liễu) và Imayô (Kim Dạng) nhưng quyển 2 thì chỉ có các Imayô, khi thì có tính Phật giáo (Pháp văn ca, Hômon-uta) sử dụng điển tích nhà Phật, thì khi có tính Thần đạo (Thần ca, Kami-uta) ca tụng thần đức. Thần ca lại có hình thức 4 câu (tứ cú) hay 2 câu (nhị cú). Tuy hình thức là thế nhưng thực ra nội dung của Imayô rất phong phú chứ không chỉ nói đến chuyện tôn giáo.

Thực vậy, trong các trang còn tìm thấy được, nhà nghiên cứu đã tìm lại được những bức tranh xã hội thật sống động cũng như tâm tư con người bình dân Nhật Bản thời ấy. Xin phép dịch một số bài tiêu biểu:

Xưa Phật cũng là người / Chúng sinh sẽthành Phật / Bản lai có Phật tính / Mà chẳng biết cho cùng / Thân ra ngoài Phật đạo / Hỏi có đáng buồn không?

                        (Bài Hotoke mo mukashi ningen da)

Đó là bài mà nàng Giô, một con hát shirabyôshi đã trình diễn cho quan Thái chính đại thần Taira no Kiyomori nghe (xin xem Truyện Heike), nói lên được tinh thần bình đẳng giữa con người với con người trước mặt Đức Phật, nghĩa là không có sự phân biệt sang hèn.

Con gái mắc ngũ chướng / Nhơ nhuốc, không thể vào / Cõi Tịnh Độ thanh cao / Nhưng nàng Long Nữ kia / Như sen nở trong bùn / Tội thâm vẫn thành Phật.

    (Bài Nyoonin itsutsu sawari ari)

Bài hát trên bày tỏ niềm hy vọng của những cô gái làng chơi trước khả năng thành Phật. Vì có lời cho rằng đàn bà không thể nào thành Phật nên tác giả bài hát đã dựa trên tích Long Nữ - con gái Long Vương - và ác nữ Đề Bà vẫn có thể thành Phật (như truyện được kể ở hai phẩm trong kinh Pháp Hoa) để phản biện.

Cái anh chàng đáng ghét / Bỏ em lại một mình / Muốn anh thành con quỉ / Đầu mọc ba cái sừng / Làm cho thiên hạ khiếp / Muốn anh thành chim ruộng / Chịu sương tuyết tơi bời / Chân cẳng phải lạnh cóng / Để mà anh nhớ đời / Muốn anh thành bèo ao / Thân vật vờ trôi nổi / Phải loạng choạng lao đao.

(Bài Ware wo tanomete kinu otoko)

Không cần phải nói, khẩu điệu của nàng con gái trong bài nói trên như muốn trù ẻo anh con trai, người đã làm cho cô thất vọng. Lời lẽ không che đậy sự bất mãn mà lại hết sức tự nhiên.

Theo học giả Nhật Bản Izumi Aki trong Nihon no Koten Meichô (Nhật Bản Cổ Điển Danh Trứ, tr. 212) thì trước đó khoảng 100 năm, có một bài Imayô mang tên Ike no Ukigusa (Bèo ao, Cỏ nổi trên ao) đã được nhắc đến trong tập nhật ký của bà Murasaki Shikibu (Murasaki Shikkibu Nikki, 1008) khi kể lại những khúc hát được trình diễn một cuộc yến ẩm lúc Hoàng hậu Shôshi (Chương Tử) về nhà thăm bố mẹ tức gia đình quyền thần Fujiwara no Michinaga. Bà Izumi tự hỏi có phải chăng đó là chính bài hát trên hay tiền thân của nó.

Đương thì thân con gái / Là mười bốn, mười lăm / Cũng như tuổi mười sáu / Cùng lắm độ hăm hai / Cho tới hai mươi tư / Nhỡ mà để quá lứa / Đến băm tư, băm lăm / Thì khác chi lá vàng / Phai màu rồi tan tác.

(Bài Onna mo sakari na no wa)

Bài nói trên than vãn cho số phận của người con gái lớn lên trong một xã hội trọng nam khinh nữ cũng như nuối tiếc cho thời xuân sắc sớm qua mau.

Cảnh khiến lòng lắng dịu / Là sương xuân, vườn hoa / Là vầng trăng về khuya / Là đồng lúa mùa thu / Là con đường tình yêu/ Không phân chia trên dưới / Là dòng nước tuôn ra / Từ giữa hai ghềnh đá.

(Bài Kokoro sumu mono wa )

Bài thơ trên không những nói đến tình yêu thiên nhiên mà còn bày tỏ tâm hồn tự do, không câu thúc vì vấn đề giai cấp trong tình yêu của người dân quê bình thường.

Nón gấm anh thích đội / Em để rơi xuống sông/ Làm rơi mất xuống sông / Dòng sông Kamo đó / Kiếm đủ cách để tìm / Muốn tìm sao cho được / Những tưởng sắp tìm ra / Nhưng ngày rạng ra rồi / Trời đã sáng mất rồi / Sau đêm thu nhiều gió.

(Bài Kimi ga aiseshi ayaigasa)

Chúng ta để ý trong Imayô những câu 5 câu 7 thường hay lập lại như luyến láy giống hát ví, hát dặm Nghệ Tĩnh. Nón gấm tạm dịch chữ ayaigasa tức cái nón rộng vành, ở giữa có chóp, đan bằng cói và bọc gấm lụa, người samurai hay đội lúc trình diễn thuật bắn cung trên lưng ngựa.

Anh bạc tình quá nhé / Nếu em vâng mẹ cha / Mà dứt tình đoạn nghĩa / Không chung sống với anh / Thì ghét em cũng đáng / Nhưng chính vì cha mẹ / Muốn phá vỡ duyên mình / Em đã thưa họ rằng / Dẫu có chặt có vằm / Em quyết theo anh đó.

(Bài Wanushi wa nasake na ya)

Bài ca này cho thấy thái độ chủ động của người con gái bình dân. Trong lãnh vực ái tình, họ tỏ ra ngang tay với anh con trai và còn dám khiêu chiến với cả bố mẹ mình. Không thể nào thơ waka cung đình có thể đem đến cho chúng ta một sự thú vị như thế.

Lâu ngày tôi không gặp / Thằng con chắc hai mươi / Nghe thiên hạ đồn rằng / Nó lang thang gá bạc / Khắp nơi nghề cờ bạc / Tuy con thân du đãng / Mẹ lẽ nào không thương / Chắp tay lạy mười phương / Cho con tôi thắng bạc.

(Bài Wa ga ko ga hatachi ni narinuramu)

Người mẹ trong bài hát trên đã đến đền Sumiyoshi, đền Nishinomiya… cầu thần phù hộ cho con bà thắng bạc. Thật là một chuyện trái với đạo đức và khá hi hữu. Tuy nhiên ở thời buổi ấy, nó  lại là chuyện thường tình bởi vì do làm không đủ ăn, trai tráng đã bỏ làng nước ra đi tìm mọi cách sinh sống, kể cả chuyện bất lương. Người mẹ không theo thói đời thường mà dạy dỗ răn đe con. Ngược lại, bà tỏ ra thông cảm với nỗi cơ cực của nó trong một thời đại mà các nhà tôn giáo buổi ấy gọi là mappô (mạt pháp).

Chợt thấy cô gái đẹp / Mình muốn thành dây sắn / Từ rễ, cành vươn cao / Để ôm trọn lấy nàng / Dù có phải bị cắt / Vẫn không chịu chia lìa / Thân tôi là thế đó /

      (Bài Bijo uchi mireba)

Tình yêu và dục vọng của người đàn ông trong bài hát này về sau đã được dùng như ý chính trong vở tuồng Nô nhan đề Teika. Tác giả vở tuồng đã kể rằng vì yêu công chúa Shikushi (cũng là một nữ thi sĩtiếng tăm) mà thi hào Teika (Fujiwara no Sadaie) khi chết đi, bị lửa dục thiêu đốt, đã biến thành dây sắn để cành lá bao trùm lên mộ bà. Sắn là chữ để tạm dịch katakazuru, một loại cây bò lan.

Không những ra công sưu tập Imayô mà thôi, Thiên hoàng Go-Shirakawa -lúc ấy đã đi tu nên gọi là Pháp hoàng -còn tổ chức những đại hội trình diễn gọi là Imayô-awase. Sách chép là vào năm 1174, từ ngày 1 đến 15 tháng tư, ông đã tập họp 30 công khanh ở Hôjuuji (Pháp Trú Tự) -ngự sở của ông lúc bấy giờ - để họ có thể so tài thắng phụ.

Nhà nghiên cứu Ueki Tomoko cho biết ảnh hưởng của Ryôjin Hishô (Lương Trần Bí Sao) rất lớn và lâu dài. Nó không chỉ là đề tài nghiên cứu của người đời sau. Trong hoạt động sáng tác của mình, nhiều văn nhân thi sĩ trứ danh Nhật Bản đã tiếp nhận hồn thơ mộc mạc dân tộc bằng cách trích dẫn hay lấy cảm hứng từ nó. Bài quốc ca Nhật Bản ngày nay có nội dung tương tự với bài Nagauta để chúc tụng, được chép ở ngay đầu sách. Ngay từ xưa, trong các tác phẩm văn du hành (kikô bungaku, michiyukibun), các tác giả đã chịu ảnh hưởng bút pháp thích nêu ra một cách liên tục các địa danh của Lương Trần Bí Sao. Những văn nhân và thi nhânnổi tiếng như Saitô Mokichi, Kitahara Hakushuu, Akutagawa Ryuunosuke, Kikuchi Kan, Kawabata Yasunari, Mishima Yukio và Hanada Kiyoteru đều chịu ảnh hưởng của nó. Vài nhà văn của thế kỷ 21 ví dụ Tsushima Yuuko (trong một tác phẩm năm 2004) Ogiwara Noriko (2005) và Itô Hiromi (2007) cũng có lần trích dẫn nó trong tiểu thuyết và kịch bản họ viết.

Kết từ

Hai vị vương giả Nhật Bản, Thiên hoàng Saga và Go-Shirakawa, mỗi người một cách đã có những đóng góp lớn lao vào thi ca và nói chung là văn hóa Nhật Bản. Saga khai phá và xây đắp Hán thi Nhật Bản, Go-Shirakawa thu thập và gìn giữvốn liếng văn nghệ dân gian của quê hương. Giữa một thời đại đầy biến loạn (Saga đã trải quacuộc chính biến do Kutsuko chủ xướng, Go-Shirakawa với hai vụ đảo chánh năm Hôgen và Heiji gây ra bởi những tập đoàn quân nhân), hai vị hoàng đế đó vừa vỗ an thiên hạ mà vẫn còn có đầu óc nghĩ đến văn chương thi phú, chứng tỏhọ đã có một sức mạnh tinh thần hết sức đáng nễ.

NNT

Cập nhật 8/5/2017

Thư mục tham khảo

1)    Ban biên tập Jiyuu kokuminsha, Nihon no koten meichô sôkaisetsu (Nhật Bản cổ điển danh trứ tổng giải thuyết), Jiyuu kokuminsha xuất bản, Tokyo.

2)    Eguchi Toshio, 2000, Kaifuusô (Hoài Phong Tảo), Tủ sách Kôdansha Gakujutsu Bunko, Kôdansha xuất bản, Tokyo.

3)    Gôtô Akio, 2011, Hanshi wo yomu (Đọc Hán thi), NHK Radio Text, NHK xuất bản, Tokyo.

4)    Kojima, Noriyuki biên, 1987, Ôchô Kanshisen (Thi tuyển Hán thi thời vương triều), Iwanami bunko xuất bản, Tokyo.

5)    Murata Shinnosuke, 2006, Kanshi no kokoro (Hồn của Hán thi), Kôdansha xuất bản, Tokyo.

6)    Ueki Tomoko biên, 2009, Ryôjin Hishô (Lương Trần Bí Sao) do Thái thượng hoàng Go Shirakawa sưu tập, Kadokawa Bunko, Kadokawa xuất bản, Tokyo.

 

 



[1]Tuy vậy cũng có các thuyết khác như thuyết Kuzui no Hironari, thuyết Sono no kami no Yakatsugu.

[2]Nhân hoàng (Ninnô) là những nhà cai trị Nhật Bản đầu tiên, để phân biệt với những nhà lãnh đạo hoàn toàn có tính thần thoại trị vì trong giai đoạn gọi là thần đại (jindai, kamiyo) nghĩa là thời gian bắt đầu từ hồi tạo thiên lập địa cho đến đời Thiên hoàng Jimmu.

[3]Tam tài là thiên, địa, nhân.

[4]Luyến tức là thịt cấm, món ăn quí, xuất phát từ tích Tạ Côn được vua nhà Tấn chọn làm rễ nhưng có người khuyên không nên đụng tới “miếng thịt cấm” đó. Hác là rộng rãi, ý nói chia cho tất cả.

[5]Lưu liên là thái độ bịn rịn, không muốn rời chân.

[6]Chữ sách Luận Ngữ: Trí giả nhạo (lạc) sơn, nhân giả nhạo (lạc) thủy. Người nhân trí thích tiếp xúc sơn thủy. Thời này, Nghiêu Thuấn, Mục Thiên Tử còn được xem như mẫu mực tuyệt đối.

[7]Ngọn núi lộ rõ dáng xinh đẹp, thon thả như những búp sen.

[8]Điệu múa và tiếng tung hô của đoàn tùy tùng làm kinh động hoa lá và vạn vật.

[9]Tích Mục Thiên Tử đến chơi với Tây Vương Mẫu ở Dao Trì trên thiên đình. Điệu hát Bạch Vân Thiên là lời cầu chúc cho ngày tái ngộ.

[10]Thực hành

[11]Nhân trí dũng

[12]Kích nhưỡng (Gõ lên mặt đất), tích ông lão đời vua Nghiêu gõ đất và hát, ý nói cả người thường dân cũng ca tụng cảnh thái bình.

[13]Cao mân là trời thu cao.

[14]Không biết mệt.

[15]Dũ: cửa sổ có chấn song.

[16]Trôi nổi như cánh cỏ bồng không biết về đâu.

[17]Diêm mai là muối và mơ chua, ý nói công việc của tể tướng điều hành việc nước như thể thêm bớt gia vị khi nấu canh.

[18]Người chủ tể thực sự của vạn vật tức ông trời.

[19]Giám quốc phủ quân, coi sóc hành chính và vỗ về binh sĩ, hai việc hoàng thái tử phải đảm nhận khi vua vắng mặt.

[20]Theo Chu Dịch, các thánh đế cổ đại như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn khoanh tay rủ áo mà bốn phương yên lặng (củng thủ thùy thường), ý nói khi nhà quân chủ có đức độ thì không làm gì thiên hạ cũng thái bình.

[21]Đọc đi đọc lại cho nhuần. Tam tuyệt = Tích Khổng Tử đọc Chu Dịch 3 lần đến nỗi trúc giản đóng thành tập bị long ra cả.

[22]Theo Eguchi Takao trong bản Kaifuusô do ông chú thích (Kôdansha xuất bản, Tôkyô, 2000) thì một bài vốn của người tên Giang Vi dưới triều Hậu Chu đời Ngũ Đại, có tên là Lâm Hình Thi : Nha cổ xâm nhân cấp, Tây khuynh nhật dục tà. Hoàng tuyền vô khách điếm, Kim dạ túc thùy gia. Đại ý cũng giống như thơ của hoàng tử Ôtsu nhưng xưa hơn.

[23]Khiên: vén, duy = màn xe. Tích Giả Tông đời Hậu Hán mỗi lần tuần du nơi phó nhậm đều bắt vén màn xe của mình để có thể xem xét cặn kẽ cuộc sốngcủa người dân. Ý nói ông là một nhà cai trị biết lo lắng đến dân tình.

[24]Huyền = treo, tháp = ghế dài, giường. Tích Trần Phồn treo ghế dài hay giường lên cao không dùng cho ai khác khi bạn là Từ Trĩ không đến chơi. Ý nói đãi ngộ đặc biệt.

[25]Vô du, vô do = không lý do.

[26]Lý Ưng và Quách Thái đời Hậu Hán có một tình bạn đẹp đẽ, ai cũng ngưỡng mộ.

[27]Tải Quỳ và Vương Tử Do đời Tấn. Sách Thế Thuyết Tân Ngữ chép chuyện Do đến chơi nhà Quỳ nhưng tới trước cửa thì cạn hứng bèn không vào mà trở về nhà. Ý nói trân trọng tình bạn.

[28]Bão ngọc là giữ gìn tài năng và tiết tháo hơn người của mình. Tích Biện Hòa nước Sở dù trải bao dè bĩu và hoạn nạn vẫn khư khư giữ lấy viên ngọc mình tìm ra được dẫu người ta bảo nó chỉ là hòn đá tầm thường, vì ông biết giá trị đích thực của nó (theo Hàn Phi Tử).

[29]Điêu huyền: điều chỉnh, so dây đàn. Tích học trò Khổng Tử là Tử Du, khi là quan cai trị địa phương, biết dạy lễ nhạc cho dân làm cuộc sống của họ thanh bình hạnh phúc (Luận Ngữ, thiên Dương Hóa)

[30]Vong ngôn = không cần đến lời nói mà đã hiểu nhau, ý nói rất mực gần gũi.

[31]Tùng bá là loại cây xanh tốt, dù gặp tiết trời giá lạnh lá vẫn không úa vàng (theo Luận Ngữ, thiên Tử Hãn)

[32]Thời Edo, người Nhật Ichikawa Kansai (Thị Hà, Khoan Trai) đã soạn “Toàn Đường thi dật” để bổ túc chỗ thiếu sót của “Toàn Đường thi” và được đem in lại ở Trung Quốc.

[33]“Nhật Bản Triều khanh từ đế đô, Chinh phàm nhất phiến nhiễu bồng hồ. Minh nguyệt bất qui trầm bích hải. Bạch vân sầu sát mãn Thương Ngô” Bạn Triều nước Nhật giã kinh đô , Một lá thuyền rong mấy biển hồ, Trăng sáng không về, chìm bể biểc, Một màu mây trắng giãiThương Ngô (Lý Bạch, Khốc Triều khanh Hành)

[34]Tam đại tập (ba tập thơ ba đời) là Kokin-shuu (Cổ kim tập), Gôsen-shuu (Hậu tuyển tập) và Shuui-shuu (Thập di tập).

[35]Tử đằng (shitô) , tên Hán văn của hoa fuji (Japanese wisteria), một loại hoa leo màu tím nhạt, trong waka tượng trưng cho mùa xuân.

[36]Có liên quan đến cuộc tranh luận chung quanh bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư.

[37]Xin chú ý 3 chữ “linh” viết bằng 3 chữ Hán khác nhau.

[38]Quốc gia vùng Mãn Châu, bao trùm cả miền bắc bán đảo Triều Tiên, hưng thịnh vào đầu thế kỷ thứ 8, đã gửi sứ tiết giao dịch 35 lần với Nhật Bản giữa khoảng năm 712 cho đến 926 là lúc bị diệt vong.

[39]Ngôi nhà nhỏ để qua đêm bên bờ sông Yodo.

[40]Ưng cách: cánh chim ưng.

[41]Vua cuối nhà Hạ tên là Kiệt.

[42]Vua nhà Chu là Văn vương gieo quẻ tìm được hiền thần Lữ Thượng (không phải rồng, không phải hổ, không phải gấu). Hùng là gấu.

[43]Ebishi, Emishi và Ezo đều là danh từ chỉ người địa phươngsống trên miền Đông Bắc và Bắc Hải Đạo trước khi người Nhật đến khai khẩn. Cách gọi thay đổi tùy theo khu vực và thời đại.

[44]Ám chỉ Thiên hoàng Heizei (774-824).

[45]Cựu ấp ý nói kinh đô cũ là Heijôkyô ở Nara. Đế kỳ chỉ Heiankyô ở Kyôto.

[46]Thăng vân = bay lên mây, ý nói vua chết.

[47]Kiều tâm = lòng người đẹp

[48]Giây ràng buộc hoa lệ (hoa phược) nhưng lệch lạc, phiền toái (quai).

[49]Áo vải thô của ni cô

[50]Tiếng đọc kinh viết bằng chữ Phạn.

[51]Bất ky = không có gì ràng buộc được.

[52]Phương lâm = rừng thơm, rừng mùa xuân.

[53]Theo Văn Tuyển, có khúc U Lan (lan trong hang tối, ám chỉ người quân tử thanh cao) hay ngang tầm cỡ với Dương Xuân Bạch Tuyết.

[54]Chữ sách Trang Tử, ý nói bắt chước mà không đạt. Có những người con gái muốn chau mày để được đẹp như nàng Tây Thi nước Việt khi đau bụng nhưng càng nhăn mày thì càng xấu xí.

[55]Giếp (Yếp theo Thiều Chữu) là cách làm má lúm đồng tiền giả bằng cách bôi phẩm hay dán giấy của đàn bà thời xưa.

[56]Ngộ = tiếng đọc sách. Ngộ ngôn: gặp nhau nói chuyện sách vở

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511979

Hôm nay

2305

Hôm qua

2337

Tuần này

22353

Tháng này

218852

Tháng qua

121356

Tất cả

114511979