Để kỷ niệm lần thứ 90 Ngày thành lập Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ngày 29/7/2017, Trung Quốc đã tổ chức cuộc Duyệt binh qui mô lớn tại căn cứ Huấn luyện quân đội Tru - Jư – Hơ thuộc Khu Nội Mông Cổ.
Để kỷ niệm lần thứ 90 Ngày thành lập Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ngày 29/7/2017, Trung Quốc đã tổ chức cuộc Duyệt binh qui mô lớn tại căn cứ Huấn luyện quân đội Tru - Jư – Hơ thuộc Khu Nội Mông Cổ.
Tru-Jư-Hơ là âm đọc tiếng Mông Cổ, có nghĩa là Trái tim, thuộc thành phố Ulanpo, chiếm diện tích 1.066 km2, trước đây là cơ sở huấn luyện bộ đội xe tăng của Quân khu Bắc Kinh, lúc đó không công khai ra ngoài mà chỉ gọi là “Bãi huấn luyện x Hoa Bắc”. Hiện nay là căn cứ Huấn luyện quân sự Lục, Không quân tiên tiến nhất của Quân giải phóng, lớn nhất châu Á. Theo lịch sử ghi chép Thành Cát Tư Hãn dưới triều Nguyên và Đại đế Khang Hy dưới triều Thanh đã từng duyệt binh xuất chinh tại nơi đây.
Đây là lần thứ hai duyệt binh dã ngoại, (Lần thứ nhất, Đặng Tiểu Bình tổ chức vào năm 1981) là lần đầu tổ chức duyệt binh vào dịp lễ ngày 1/8 kể từ năm 1949 đến nay và là lần duyệt binh thứ ba trong nhiệm kỳ đầu của Tập.
Lần duyệt binh này với qui mô 12.000 sĩ quan và binh lính, gồm 3 quân Hải Lục Không, quân chủng Tên lửa, quân đội Chi viện chiến lược. Trong Hải quân lục chiến cũng xuất hiện nữ chiến binh. Đội hình, đi đầu là 1 xe hộ kỳ (gồm đảng kỳ, quốc kỳ và quân kỳ), tiếp đến là 27 vuông quân mặt đất, 9 vuông đội nhân viên, trên 600 cộ xe và trang bị tên lửa, trên 100 máy bay chiến đấu các loại, máy bay tiêm kích-20 thế hệ 5 lần đầu tham gia diễn tập, còn có tiêm kích -15, tiêm kích -16, tiêm kích -10 nạp dầu trên không, vuông đội máy bay không người lái, tên lửa Mũi tên đỏ-10 chống tăng, v.v… Lần duyệt binh này không bố trí đội hình đi hất chân cao mà chạy bộ, không có đội quân nhạc, không có đông đảo dân chúng đón chào, vẫy tay tung hô, không có quan chức quốc tế tham dự. Còn phía quan chức cấp cao lần này cũng không có ai tham dự (6 ủy viên thường vụ, các nguyên lão đều không dự). Tổng chỉ huy cuộc duyệt binh do Thượng tướng Hàn Vệ Quốc, Tư lệnh chiến khu Trung bộ điều hành (vừa được phong Thượng tướng cùng với 4 tướng quân khác hôm 28/7/2017).
Cuộc duyệt binh lần này được gọi là cuộc duyệt binh sa trường, một kiểu bố trí “dã chiến hóa”, “thực chiến hóa”, trước duyệt binh sau diễn tập đối kháng của quân xanh quân đỏ với trang bị vũ khí hiện đại, với ý tựa như đang duyệt binh tại sa trường đang chiến đấu thật. Tập Cận Bình với bộ quân phục dã chiến ngụy trang màu loang lổ, một mình đứng trên xe mui trần tiến hành duyệt binh 3 quân. Mở đầu cuộc duyệt binh đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Đông phong 31 AG” bay xa, thể hiện tiếp nhận sự duyệt kiểm của “Thống soái tối cao”.
Trong quá trình duyệt kiểm đội hình duyệt binh, toàn đội hình hô vang “chúc Chủ tịch khỏe !” sau khi Tập Cận Bình hô “Chào các đồng chí khỏe !”. Còn Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy TW lần đầu trong phát biểu của mình gọi Tập Cận Bình là “Lãnh tụ”, là “Thống soái”. Tập đứng trên xe duyệt binh mui trần phát biểu với quan binh : “Thiên hạ không phải đã là thái bình, hòa bình cần bảo vệ. Ngày nay, so với bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử, chúng ta càng tiến gần tới mục tiêu phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, so với bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử, càng đòi hỏi xây dựng một đội quân nhân dân lớn mạnh. Chúng ta cần đi sâu quán triệt tư tưởng cường quân của đảng, kiên định không chuyển lay đi theo con đường cường quân đặc sắc Trung Quốc. Hỡi các tướng sĩ toàn quân ! Các đồng chí cần kiên định không chuyển lay kiên trì nguyên tắc và chế độ căn bản của đảng lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, vĩnh viễn nghe lời đảng, đi theo đảng, đảng chỉ về hướng nào, thì đánh tới nơi đó…” Tập nhấn mạnh : “nhiệm vụ quân đội từ lúc đầu là đánh thắng một cuộc chiến tranh cục bộ cường độ cao đổi thành “sẵn sàng đánh trận lớn”. “Quân giải phóng cần kiên trì tiêu chuẩn duy nhất là sức chiến đấu, tập trung sẵn sàng đánh trận. Cần có lòng tin, có năng lực đánh bại mọi kẻ thù đến xâm phạm, bảo vệ lợi ích chủ quyền, an toàn và phát triển quốc gia, thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”.
Tiếp sau cuộc duyệt binh ở Nội Mông Cổ, ngày 1/8/2917, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tập Cận Bình còn nhấn mạnh : “Chúng ta tuyệt đối không cho phép bất cứ người nào, bất cử tổ chức nào, bất cứ chính đảng nào, bất cứ lúc nào, bất cứ hình thức nào, đưa bất cứ phần lãnh thổ Trung Quốc nào tách rời khỏi Trung Quốc”. “Cần xây dựng một thế hệ mới quân nhân cách mạng ‘dám chiến đấu, dám thắng lợi, không sợ khổ, không sợ chết, có tính máu của quân đội nhân dân, có hồn phách, có bản sự, có tính máu, có phẩm đức’, thực sự là đội quân bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ”. Trong phát biểu ý kiến, Tập còn trích dẫn lời Mao Trạch Đông “nguyên tắc của chúng ta là đảng chỉ huy súng, quyết không cho phép súng chỉ huy đảng”, Tập nhiều lần nhấn mạnh “quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội”.
Như vậy Tập đã phá thông lệ truyền thống về tổ chức duyệt binh hàng năm cả về thời gian (không vào dịp Lễ quốc Khánh), về địa điểm (không ở Quảng trường Thiên An môn), về hình thức (không phô trương về hình thức mà mang tính diễn tập quân sự), về đội hình duyệt binh (không có dân sự, thuần túy lực lượng 3 quân và các trang bị quân sự hiện đại), về thành phần lãnh đạo duyệt kiểm duyệt binh (chỉ một mình Tập Cận Bình độc diễn với những lời lẽ đầy thách thức) đã đặt ra những câu hỏi mà các nhà theo dõi tình hình Trung Quốc đã có những phân tích với những góc độ khác nhau.
Tập phá lệ như vậy là với nhiều dụng ý.
Ngay từ khi Tập lên nắm quyền, thế và lực của Tập rất mỏng yếu, mọi hệ thống công cụ quyền lực, từ hệ thống lực lượng vũ trang, hệ thống thông tin tuyên truyền, hệ thống an ninh quốc gia, hệ thống lập pháp, tư pháp, hành pháp, hệ thống kinh tế, hệ thống quyết sách từ tầng cao đến tầng thấp, v.v… coi như vẫn trong tay hệ thống phái Giang Trạch Dân. Tập không thể loại bỏ ngay, nhưng cũng không thể sử dụng hệ thống này, nên Tập một mặt lập ra trên chục Tiểu tổ lãnh đạo do Tập làm Tổ trưởng để thực hiện sự lãnh đạo của mình, mặt khác bắt tay ngay vào cuộc chiến giành quyền nắm hệ thống lực lượng vũ trang, đúng theo lý thuyết của Mao “súng đẻ ra chính quyền”, hoặc như Tập nói “quân đội là cơ bản của ổn định quốc gia”. Khi đã nắm chắc được hệ thống “cây súng” thì việc giải quyết các vấn đề trong các hệ thống khác không là vấn đề lớn. Qua mỗi chặng Tập đều bằng những hình thức khác nhau, nhất là hình thức duyệt binh để thể hiện là mình đã nắm được quyền lực lực lượng vũ trang. Như cuộc duyệt binh ngày 03/9/2015, chủ yếu là phô ra với thế giới là, tuy mới lên nắm quyền nhưng Tập đã nắm được lực lượng vũ trang. Cuộc duyệt binh mini ở Hồng Kông ngày 30/6/2017, khi Tập dự lễ kỷ niệm 20 năm Hồng Kông về lại Trung Quốc, chủ yếu để thể hiện vai trò của Tập đã nâng lên vị trí mới được hàng quân duyệt binh hô là “Chủ tịch khỏe !”, chứ không còn là “Thủ trưởng khỏe !” được hô trong cuộc duyệt binh 03/9/2015, đồng thời cũng cảnh cáo với các thế lực bất đồng khác ở Hồng Kông trước sức mạnh của quân đội Đại lục.
Lần duyệt binh này với chủ định sâu xa hơn, nhiều tầng hàm ý hơn, có tính quyết định hơn. Đó là, trong bối cảnh đối nội, Đại hội 19 cận kề, cuộc chiến quyền lực ở tầng cao, giữa các tập đoàn lợi ích, các bang phái là những thách thức lớn đối với vị trí của Tập; về đối ngoại, quan hệ Trung Mỹ, Trung EU, Trung Nga, Trung Nhật, Trung Asean, nhất là Trung Ấn đang nóng bỏng, vấn đề Triều Tiên, biển Đông Bắc, Vấn đề Đài Loan, Biển Đông đều là những vấn đề bức xúc đến môi trường ổn định trước Đại hội 19.
Lần duyệt binh này, từ việc chọn địa điểm, thời gian, các quân bình chủng, trang bị, sắp xếp đội hình, thành phần tham dự, cho đến trang phục của Tập, đều nhằm toát lên vai trò, uy lực của Tập sau khi đã được gắn “hạt nhân Tập” và tiếp theo là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, “chủ nghĩa Tập Cận Bình” …, Tập đang trở thành một “lãnh tụ tối cao”, một “Thống soái tối cao” thống lĩnh toàn bộ 3 quân được trang bị hiện đại, chứ không phải như năm 2015, càng không phải như thời Giang, Hồ, thậm chí thời Đặng, cộng với những lời lẽ đầy thách thức, nhất là “6 bất kỳ” mà Tập đưa ra, nhiều nhà phân tích cho rằng : nay Tập tự cho rằng toàn bộ sức mạnh “cây súng” đã nắm gọn trong tay ta, cần được thể hiện trước mọi thách thức trong ngoài, coi đây là một đột phá của mô thức duyệt binh – là một cuộc “động viên chiến tranh”, một cuộc “tuyên thề động viên chiến tranh”, “một cuộc tuyên bố “tuyên chiến thư” của Tập. Tập cũng muốn có một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ như “Đảo Trân Bảo” mà Mao phát động năm 1969 trong thời kỳ cách mạng văn hóa, hoặc ít ra một cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động để một mặt giải thoát các mâu thuẩn trong đảng trong nước, mặt khác đem lại thắng lợi quân sự để khẳng định vị trí , oai phong thống lĩnh 3 quân của mình trên thực tế.
Vậy “tuyên chiến” với ai ?
Có số ý kiến cho rằng, về đối ngoại là thách thức với Mỹ, qua việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Đông phong 31 AG” với tầm bắn 11.000km, là cảnh cáo Thái Anh Văn, chớ có mơ Đài Loan độc lập, thậm chí ẩn chứa ý đồ dùng vũ lực thống nhất Đài Loan trong nhiệm kỳ của Tập, là cảnh báo các nước có tranh chấp biển Đông, các nước dọc tuyến “một vành đai một con đường” và trước mắt là với Ấn Độ đang nóng lên vùng biên giới Ấn Trung. (Có tin, lúc đầu ý định của Tập là muốn tạo dựng xung đột biên giới với Myanma để đánh thì dễ hơn, nhưng tình huống xẩy ra ở Butan, Ấn Độ là ngoài ý định của Tập, với Ấn Độ nếu Tập ra tay đánh là bị thất bại và sa lầy luôn, và hiện chưa đánh nhưng đã và đang sa lầy.)
Tuy đó cũng là đối tượng chủ yếu của “tuyên chiến”, nhưng đối tượng đó chưa có uy hiếp gì trực tiếp đến vị trí của Tập ngay trước mắt, mà là các thế lực bên trong Trung Quốc mới là đối tượng chủ yếu trực tiếp trước mắt.
Trước hết là các thế lực ở tầng cao quyết sách. Trong ba tháng qua, việc chọn lựa các đại biểu dự Đại hội 19, cơ bản đã làm xong, rất chặt chẽ, không xẩy ra vấn đề gì. Hai tháng nay, nhất là một tháng nay, vấn đề những ai vào Cục chính trị, nhất là vào Thường vụ Cục chính trị, rồi vấn đề có hay không có người kế nhiệm thế hệ 6, và có thì đó là ai ? Đây là cuộc chiến nhân sự nóng bỏng trong hơn tháng qua của các phe phái, thế lực, nhất là sự kiện đại tỷ phú Quách Văn Quí chạy sang Mỹ, mấy tháng qua đã lần lượt công khai trên mạng tình hình nội bộ và nhân vật cấp cao của Trung nam hải, mà tập trung và đánh phá liên minh Tập Cận Bình-Vương Kỳ Sơn. Hoặc không ít các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành, bộ ngành chưa phải thực sự bày tỏ thái độ với Tập. Ngay sau vụ Tập bắt và trị Tôn Chính Tài, Bí Thư Trùng Khánh, là nhân vật sẽ là người kế nhiệm thế hệ 6 sắp tới, một đợt bày tỏ thái độ trung thành với Tập dồn dập thể hiện ngay sau đó. Hoặc lực lượng “Thái tử đảng thế hệ II” vừa qua cũng có những biểu hiện không thật đồng tình với Tập, cũng đã bị Tập ra tay xử lý, thì nay cũng đã thể hiện ủng hộ Tập. Còn các nguyên lão, kể cả các nguyên lão ủng hộ Tập, như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, trước đây đều thể hiễn rõ ý kiến của mình, thì nay cũng đứng ra một bên, Như Hội nghị Bắc Đới Hà vừa rồi, tuy Tập có gặp “tranh thủ” ý kiến của từng nguyên lão, nhưng thực chất là “thông báo” ý kiến của Tập với các vị mà thôi. Vai trò các nguyên lão coi như đã bị Tập vô hiệu hóa, rõ nhất là trong lễ duyệt binh vừa rồi, không có một ai dự. Như vậy là ở tầng cao quyết sách này, hiện nay không có thế lực nào dám gây chuyện, dám thách thức vị trí, vai trò Tập.
Thứ đến là tàn dư của Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng… trong quân đội. Hệ thống bộ máy trong toàn quân hiện nay đều do Giang Trạch Dân dựng lên trong hơn 20 năm với chính sách lấy tham nhũng để xây dựng quân đội. Tập lên nắm quyền tiến hành chống tham nhũng trong quân đội, và thực hiện cải cách hệ thống quân đội, cắt bỏ các bộ phận không liên quan chức năng nhiệm vụ chiến đấu của quân đội, cắt giảm quân số, v.v… đã đụng đến quyền lợi chính trị, kinh tế, v.v… của hàng chục vạn sĩ quan các cấp trong toàn quân. Chính đây là lực lượng tiềm năng chống lại Tập. Trong quá trình cải cách và chống tham nhũng, lực lượng “quân nhà Tập” để thay thế vào các vị trí quan trọng lại không thế đáp ứng được tất cả, mặc dầu trong mấy năm qua Tập đã thăng chức, phong quân hàm cho gần 140 tướng lĩnh, ngay như trước khi tổ chức duyệt binh 2 ngày đã vội phong quân hàm thượng tướng cho trên chục tướng lĩnh mặc dầu chưa đủ theo năm tháng qui định. Cho nên lần duyệt binh này cũng là đưa ra thông điệp răn đe những thế lực nào trong quân đội muốn thách thức Tập Cận Bình.
Thứ ba, là lực lượng an ninh quốc gia, lực lượng tình báo đơn tuyến nằm khắp trong nội bộ, trong nước và ở các nước trên thế giới. Đây là đối thủ, Tập không thể nắm được toàn bộ, còn là quá trình dài.
Thứ tư là các tập đoàn lợi ích, các bang phái, các vùng nóng. Như địa điểm duyệt binh đưa lên tận Nội Mông Cổ, cách Bắc Kinh trên dưới 500 km, cũng là có ý răn đe các thế lực chống đối ở miền biên giới Tân Thanh Tạng.
Từ hình thức và nội dung cuộc duyệt binh và ngày lễ 1/8 đặt ra một số vấn đề mà Tập bày ra, rõ nhất là mối quan hệ đảng, quân đội, nhà nước, lãnh tụ. Trong những lời phát biểu của Tập lần này đều thể hiện rõ ràng dứt khoát :
- Quân đội là của ai ? “quân đội là của đảng, là đội quân bảo vệ đảng”, không có một câu, lời nào nói là “của nhà nước”, vì với lý thuyết “súng đẻ ra chính quyền”, chứ không phải chính quyền đẻ ra súng. Lại càng không có câu nào, lời nào nói “quân đội là của nhân dân” một cách mạnh mẽ, mà chỉ lướt qua cho có, vì quân đội không phải do dân đẻ ra, mà do đảng đẻ ra.
- Nhiệm vụ của quân đội là gì ? “bảo vệ, củng cố vững chắc vai trò, địa vị lãnh đạo của đảng”, “bảo vệ chủ quyền, an toàn và lợi ích phát triển quốc gia”, chứ không có câu nào, lời nào nói “bảo vệ tính mạng và lợi ích của nhân dân.”
- Ai chỉ huy quân đội ? Quân đội phục tùng sự chỉ huy của ai ? “Đảng chỉ huy súng, không phải súng chỉ huy đảng, quyền lãnh đạo của đảng đối với quân đội là tuyệt đối”, “Quân đội vĩnh viễn nghe lời đảng, đi theo đảng, đảng chỉ theo hướng nào, thì đánh tới nơi hướng đó”.
- Đảng chỉ huy quân đội, vậy ai chỉ huy đảng ? Lãnh tụ, Chủ tịch là người chỉ huy đảng, đang hình thành và bộc lộ dần hiện tượng này. Trong quân đội đang triển khai thực hiện “3 cái nhất thiết” và “3 cái phàm là” : “Mọi việc trọng đại nhất thiết do Chủ tịch Tập quyết đinh, mọi công việc nhất thiết chịu trách nhiệm đối với Chủ tịch Tập, mọi hành động nhất thiết nghe theo chỉ huy của Chủ tịch Tập và phàm là cái mà Chủ tịch đề xuất kiên quyết hưởng ứng, phàm là cái Chủ tịch quyết định kiên quyết chấp hành, phàm là cái Chủ tịch cấm kiên quyết không làm.”
- Hình ảnh thể hiện rõ quan hệ đảng, nhà nước, quân đội trong cuộc duyệt binh này là : đảng kỳ đi trước với ý đảng dẫn đường, quốc kỳ bước theo ở giữa với ý là nhà nước của đảng, quân kỳ đi sau chốt hậu với lý lẽ, quân đội đi sau cùng hộ vệ.
Từ những ý kiến của Tập, nhiều nhà phân tích của Trung Quốc và nước ngoài đều liên tưởng nhớ lại thực tế vụ thảm sát kinh hoàng hàng vạn sinh viên học sinh trước Thiên An Môn ngày 4/6/1989, là quân đội tuân theo lệnh của Đặng Tiểu Bình đã quay nòng súng hướng về nơi đảng chỉ là nhân dân, là học sinh sinh viên để không chút run tay xả đạn. Liệu rồi đây, dưới sự chỉ hướng của đảng Tập ai dám đảm bảo không lặp lại cảnh tượng này ?
Qua sự kiện, quân đội làm đường dọc tuyến “một vành đai, một con đường” ở vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Butan - Trung Quốc, dẫn đến đối đầu quân sự đang nóng lên, với quan điểm quân đội có nhiệm vụ bảo đảm an toàn, “lợi ích phát triển” quốc gia, liệu để thực hiện chiến lược “một vành đai một con đường” sẽ phát sinh tiếp bao nhiêu cuộc kiểu đối đầu quân sự này ?
Trung Quốc đầu tư ra ngoài ngày càng nhiều, với cớ là để bảo vệ “lợi ích phát triển” (một phạm trù mơ hồ, co giãn hơn cả khái niệm “lợi ích cốt lõi”) của các cơ sở kinh tế Trung Quốc ở nước ngoài này, liệu Trung Quốc có cài cắm quân đội trá hình ở trong các cở sở này ở nước ngoài không ?
Thực tế là Tập đã đưa ra “đảng quân luận” (thuyết quân của đảng) phủ định triệt để tư tưởng “quốc gia hóa quân đội” của các nhà lãnh đạo Trung Cộng trước đây, của Hiến pháp Trung Quốc qui định và của xu thế thời đại, với lý lẽ, Quân giải phóng là do đảng sáng lập ra và xây dựng, nếu sau khi “quốc gia hóa quân đội”, quân đội sẽ không nghe theo sự chỉ huy của đảng, đảng sẽ trở thành “con hổ không nanh không vuốt”. Rõ ràng là đúng với lôgích : “nhà nước này do súng đẻ ra, là một nhà nước chuyên trị, không phải là nhà nước pháp trị do dân bầu cử theo luật pháp để đẻ ra, mà đảng lại đẻ ra súng, do vậy chỗ dựa của đảng, của nhà nước này là súng, là lực lượng vũ trang, mới có nanh có vuốt mới thực hiện được chuyên chế. Sức mạnh của đảng, của nhà nước này là ở cây súng, chứ không phải là ở nhân dân. Nhân dân chỉ là công cụ của đảng, của nhà nước, tùy theo mục đích, tình huống cụ thể, dân trở thành đối tượng trấn áp của cây súng do đảng chỉ hướng, nhà nước thực hiện.”
Ngày 24/4/1945, trong Báo cáo chính trị Đại hội VII Trung Cộng, Mao Trạch Đông đã nói : “Quân đội là của quốc gia, là hết sức đúng, trên thế giới không có một quân đội nào là không thuộc của quốc gia”. Ngày 10/10/1945, hai đảng Quốc Cộng cùng ký “hiệp định song thập” “nhất trí cho rằng, … quốc gia hóa quân đội, dân chủ hóa chính trị và các đảng phái bình đẳng hợp pháp, là con đương phải có để đạt được hòa bình xây dựng đất nước”. Tào Tư Nguyên, một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, đã nghiên cứu Hiến pháp của 110 nước trên thế giới phát hiện “có 84 nước qui định quân đội thuộc chính phủ, có những nước dù không qui định trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế quân đội là thuộc chính phủ. Quốc gia hóa quân đội là xu thế thời đại nay.” Hoặc như Trần Khuê Đức, một nhà bình luận Trung Quốc đặt vấn đề, cứ nhìn toàn cầu, sang thế kỷ 21 này, không có bất kỳ quốc gia nào, chính đảng nào, tổ chức chính trị nào công khai phản đối chủ trương “quốc gia hóa quân đội”, ngoại trừ các nước Cộng sản. Mà ngay như Bắc Hàn hung hăng nhất cũng không hề tuyên truyền thuyết “đảng quân luận” do đảng Lao động lũng đoạn quân quyền. Hoặc như trong Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa do đảng Cộng sản Trung Quốc chủ bút cũng ghi rõ : “mọi cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, các chính đảng và đoàn thể xã hội, các tổ chức xí nghiệp sự nghiệp đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật, đều phải truy cứu”, “lực lượng vũ trang của nước Cộng hoàn nhân dân Trung hoa là thuộc về nhân dân”. Như vậy cho dù Trung Cộng có phản đối “quốc gia hóa quân đội” đi nữa cũng không thể, không dám giấy trắng mực đen ghi vào Hiến pháp, lại càng chưa hề có một nhà lãnh đạo cấp cao nào của Trung Cộng mạnh mồm nói toạc ra như Tập Cận Bình hiện nay.
Vấn đề đảng kỳ xuất hiện và dẫn đầu trong cuộc duyệt binh lần này là lần đầu tiên, cũng gây nhiều phản cảm, cho là đã vi phạm Luật Quốc kỳ của nhà nước Trung Quốc. Điều 15 của Luật Quốc kỳ nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa có hiệu lực từ ngày 01/10/1990 qui định : “Khi tiến hành sắp hàng giương Quốc kỳ và các lá cờ khác, Quốc kỳ phải đi trước các lá cờ khác”. Nhưng trong lễ duyệt binh này không thực hiện theo qui định này.
(Ở Trung Quốc, trong thực tế có rất nhiều chuyện không thực hiện theo qui định của Hiến pháp, luật pháp, khi người dân, cán bộ cấp dưới thắc mắc, đều được lãnh đạo trả lời là :Những điều đó ghi trong Hiến pháp, luật pháp là để nước ngoài xem, chứ đâu phải để trói chân tay chúng ta lại !)
Cuộc duyệt bình này tuy không có đông đảo người dân trực tiếp tham dự tại hiện trường, nhưng qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình trực tiếp, mọi người dân Trung Quốc đều được theo dõi toàn cảnh quá trình duyệt binh, nhất là hình ảnh các vũ khí hiện đại, toàn bộ hình ảnh và phát biểu của Thống soái tối cao Tập, nhất là đoạn Tập nói những lời cứng rắn “6 bất kỳ” về chủ quyền đất nước, đã kích dậy mạnh mẽ tinh thần chủ nghĩa dân tộc của người dân Trung Quốc, cũng là một trong mục đích lớn của cuộc duyệt bình mà Tập mong đợi.
Tất cả những hình ảnh, những lời lẽ của Tập trong cuộc duyệt binh này, thực chất là một “vở diễn sắp đặt” (tựa như kiểu “nghệ thuật họa hình sắp đặt” nóng lên hơn chục năm trước của các nghệ nhân sắp đặt). Đạo diễn vở diễn “đại duyệt binh” là Trần Khải Ca và tác giả lời thoại là Vương Lô Ninh (là người đã từng biên tập tư tưởng “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và quan điểm “Phát triển có khoa học” của Hồ Cẩm Đào và nay là trong bộ phận biên tập “tư tưởng Tập Cận Bình”) đã bộc lộnội tình chuẩn bị cho vở diễn “đại duyệt binh” này:
Việc duyệt binh đối với nhiều binh sĩ mà nói là cuộc thao diễn lặp đi lặp lại, đầu óc luôn hỗn độn, không thật hiểu rõ có ý nghĩa gì trong đó, nhưng đối với ngưỡi lãnh đạo duyệt kiểm duyệt binh mà nói lại là uy phong lẫm liệt, ý nghĩa trọng đại. Họ vừa duyệt kiểm vừa nghe tiếng hô vang “Chủ tịch khỏe” của hàng ngàn thậm chí của hàng vạn binh sĩ, sự phấn chấn trong lòng họ thực khó tả nổi, so với uống bao viên kích thích phấn chấn nào cũng không thể có được. Tập thích “đại duyệt binh” không phải không có nguyên nhân. Đương nhiên là đại duyệt binh ngoài để người lãnh đạo hưng phấn một lúc ra, còn có các mục tiêu chính trị quan trọng khác, bao gồm cường hóa quyền uy cá nhân của hạt nhân lãnh đạo, uy hiếp kẻ địch khác trong đảng, bao gồm củng cố sự thống trị của chính phủ và đảng cầm quyền, thị uy kẻ địch trong ngoài nước; càng bao gồm thể hiện quân lực và quốc lực.
Như Tập ở đây cho thấy, Đại hội 19 sắp tiến hành, đấu tranh quyền lực nội bộ Trung Cộng càng nóng lên, Tôn Chính Tài, Bí thư Trùng Khánh đang có hy vọng là người kế nhiệm thế hệ 6, đột nhiên bị đánh ngã, ngay sau đó người đứng đầu các tỉnh thành bộ ngành lần lượt bày tỏ sự ủng hộ Tập, cho thấy sự hung hãn mãnh liệt của cuộc đấu tranh, càng cho thấy quyết tâm của Tập tập trung đại quyền lực vào một tay mình, gạt bỏ mọi uy hiếp. Trong thời khắc cao trào giành vị trí, chốt vị trí Đại hội 19, Tập làm một cuộc “đại duyệt binh”, tự mình khoác lên chiến bào và còn phát ra những lời đanh thép về đảng chỉ huy quân đội, quân đội vĩnh viễn nghe lời đảng, đi theo đảng, đánh tới nơi đảng chỉ, v.v…để tất cả mọi người, bao gồm cả thế lực chưa qui phục trong đảng biết quân quyền đã nắm trong tay ta, cảm thấy một khí thế “ai dám đối đầu”. Điều này giúp rất lớn cho Tập khẳng định hơn nữa vị trí và quyền lực của Tập tại Đại hội 19 nâng lên một bước, các thế lực, kể cả các nguyên lão cần nhận rõ điều này. Ngoài tăng quyền uy cá nhân Tập ra, “đại duyệt binh” còn là một thủ đoạn của Trung Cộng thị uy với trong ngoài nước. Vụ “lục tứ” 1989 tàn bạo trước Thiên an môn, coi sinh mệnh con người như rác. Quân giải phóng ngày nay được trang bị hiện đại hơn, hỏa lực càng mạnh liệt hơn, lực sát thương đối với trấn áp dân chúng càng dã man hơn, càng có sức uy hiếp, răn đe mạnh hơn. Tập Cận Bình và Trung Cộng liên tiếp tổ chức các cuộc duyệt binh lớn nhỏ đều là từ những tính toán này không chỉ cho trong nước mà cả đối với bên ngoài, nhất là đối với các nước xung quanh, các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ lãnh không, lãnh hải.
Còn về lời thoại vở diễn, Vương Lô Ninh trí nang hạt nhân của Tập dẫn đầu đoàn đội soạn cảo ngự dụng (những thứ dùng cho nhà vua) Trung Nam hải cùng đáp chuyên cơ với Tập nhảy xuống căn cứ huấn luyện Tru-Jư-Hơ. Họ miệt mài đêm như ngày cho đến phút chót trước khi duyệt binh, cuối cùng nộp được bản lời thoại của “Tuyên chiến thư”, Tập hết sức mãn ý và đọc lên “vừa có thần vừa có khí hùng hồn mà thoái mái ”. “Phát biểu quan trọng sau duyệt binh của Tập đúng là ‘quan trọng’, bởi vì thời tiết ở Tru-Jư-Hơ nóng bức, lời thoại phải ngắn gọn súc tích nhắm trúng điểm độc”. “Điều này ‘đã làm khó’ Vương Lô Ninh phải dẫn kinh trích điển, học quán Trung Tây và hùng văn thuật sự. Nhưng đoàn đội soạn cảo ngự dụng đã trụ được sức ép, dưới sự chỉ đạo và gợi ý nhiều lần của Vương Lô Ninh, cuối cùng đã ‘chà bật ra được đóa hoa lửa’.” Như trong “Tuyên chiến thư”, mở đầu, Tập cao giọng “Thiên hạ chưa phải đã là thái bình, hòa bình cần bảo vệ. Ngày nay, so với bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử….Quân đội anh hùng của chúng ta có lòng tin, có năng lực đánh bại tất cả mọi kẻ địch đến xâm phạm ! …” Có phóng viên nói rằng “Nếu nói Tập Cận Bình lấy tư cách Chủ tịch Quân ủy TW tuyên đọc “Tuyên chiến thư” thực chiến tại Tru-Jư-Hơ, vậy tại Hội nghị Bắc Đới Hà và tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng, Tập Cận Bình đồng thời với tư cách Tổng Bí thư Trung Cộng và Chủ tịch quốc gia, nhấn mạnh ‘tư tưởng quân sự’ của mình.” Vương Lô Ninh “cây bút của Tập” lại vội vàng phản hồi Trung Nam Hải cùng đoàn đội để kịp “nhuận sắc” và “vi điệu” lần cuối làm nổi bật trọng điểm của cái gọi là “tư tưởng cường quân”, “đường lối quân sự đặc sắc Trung Quốc” và “mục tiêu cường quân trong tình hình mới” của đảng trong bài nói của Tập tại buổi lễ 1/8.
Tất cả tình tiết “sắp đặt” vở diễn làm sao nổi bất được uy quyền của Tập ngang hàng với Mao, vượt xa Giang, Hồ và cả Đặng. Đó là mục tiêu thành công phải đạt của vở diễn. Lô Phong, phóng viên báo Bình quả (Aplle) và một số nhà bình luận khác như Chương Lập Phàm cho rằng : con hổ phết bằng giấy lại muốn oai phong đứng ngang hàng, thậm chí vượt trên cả con hổ thật ! Mao Trạch Đông là “Tổng thiết kế sư xuyên qua giai đoạn song trùng cách mạng và xây dựng”; Đặng Tiểu Bình là “Tổng thiết kế sư của giai đoạn con đường hiện đại hóa Trung Quốc đi vào cải cách mở cửa”; Tập muốn là trở thành “Tông thiết kế sư mới đi sâu cải cách toàn diện”, muốn vượt Giang, Hồ, đứng ngang Mao trên Đặng. Nhưng ngược lại quyền uy của Tập trong đảng chính quân làm sao sánh nổi với trình độ Mao Đặng. Chẳng qua là quyền uy của Tập là bằng cách tuyên truyền để cường hóa, chứ đâu phải từ thực tiễn hoạt động mà có. Mao Đặng đều là nhân vật trải qua không biết bao nhiêu lần cọ xát đào thải trong đấu tranh chính trị, quân sự để tồn tại trong những năm tháng chiến tranh và hòa bình xây dựng. Thể chế đào thải ngược của Trung Cộng, đã không thể tái xuất hiện cường nhân như Mao Đặng. 5 năm qua, Tập đánh mọi bang phái, toàn bộ thể chế không phối hợp, chỉ là phục tùng bề mặt, kháng cự mềm luôn xuất hiện vấn đề khó. Hiện nay khó đưa ra kết luận cho rằng Tập đã đạt cao độ quyền uy của Mao Đặng, cho dù Tập đã nắm quân đội then chốt, có cảm giác an toàn, cộng thêm có sự kết hợp giữa đảng Tập với kiểm tra kỷ luật của Vương, có thể dùng danh nghĩa chống tham nhũng để đánh đối thủ. Tập có được quyền uy, có được vị trí lãnh tụ tối cao như Mao Đặng hay không, còn phải tiếp tục quan sát, còn nhiều biến số.
Những tuyên truyền vừa qua đã đẩy Tập lên tối cao, thậm chí lên độ cao quái đản, phải chăng là một đòn “bôi đen cao cấp”, để sau đó mọi người ly tâm ly đức đối với Tập. Đây cũng là một thử thách lớn đối với Tập có tỉnh táo hay say sưa trước sùng bái quyền lực sùng bái cá nhân. /.
(Tổng hợp từ các trang mạng chính thống và không chính thống ở TQ.)
Hà Nội, ngày18/8/2017.
2299
2337
22347
218846
121356
114511973