Nhìn ra thế giới

Tập Cận Bình tạo thanh, tạo thế, tạo thần trước Đại hội XIX

Ngày khai mạc Đại hội 19 đảng CSTQ đang đến gần, hoạt động tạo thần Tập Cận Bình càng sôi động. Hoạt động tạo thanh thế uy thần cho Tập, không phải gần đây mới nổi lên, mà đã được bắt đầu ngay khi Tập vừa lên nắm quyền. Có thể nói, 5 năm nhiệm kỳ đầu là 5 năm tạo thần, tạo chúa Tập Cận Bình, chỉ có điều gần đây coi như là giai đoạn chạy nước rút, nên mạnh bạo hơn, sôi động hơn mà thôi.

Những năm đầu tiến hành chống tham nhũng quyết liệt, trước hết nhằm vào tầng cao quyền lực quân đội, cũng là nhằm tạo thế, tạo uy (gồm uy tín trước nhân dân và uy lực, uy hiếp trước thế lực chống lại), cũng là tạo chỗ đứng ban đầu, tạo tiền đề cho  bước tiếp theo là giành được vị trí “hạt nhân” tại Hội nghị TW 6. Đây là một bước hết sức quan trọng có thể nói là then chốt cho các bước tiếp theo. Lúc đó có số nhà phân tích cho rằng, Tập đã nắm vị trí quyền lực tối cao rồi, cần gì đến “hạt nhân”, “hạt nhân” chỉ là “hư vị” đối với Tập mà thôi. Nhưng, thực tế từ đó đến nay, không phải vậy, không phải “hư vị” mà là “thực vị” là “then chốt vị”. Then chốt ở chỗ, đã đưa vị trí Tập vượt lên vị trí Hồ, đối chọi với vị trí “hạt nhân” của Giang, mon men với vị trí “hạt nhân” của Đặng. Không dừng lại ở đó, “hạt nhân” đã trở thành bàn đạp để tiến lên bước cao hơn - bước ra đời “Tư tưởng Tập Cận Bình”, “chủ nghĩa Tập Cận Bình”, “Chủ tịch đảng” để tạo thế cho “3 trong 1” - Chủ tịch đảng + Chủ tịch nước + Chủ tịch Quân ủy TW = Lãnh tụ tối cao, Thống soái tối cao, sánh ngang với Mao Trạch Đông, vượt qua cả Đặng Tiểu Bình. (cho nên trên mạng xã hội có ý kiến Tập Cận Bình sẽ đổi tên thành Tập Trạch Đông !). Đây cũng là bước cuối cùng - bước xưng đế - là bước có quyền lực tối cao, tuyệt đối, suốt đời. Đó là giấc mộng, là tham vọng tột độ cuả Tập. Để tiến tới được bước “xưng đế” - bước “3 trong 1” là phải có được bước xác lập “Tư tưởng Tập Cận Bình”, nếu bước này không vượt qua được, thì không thể bước tới bước cao nhất cuối cùng.

Chính vì vậy, những tháng gần đây, bản thân Tập cũng như cả hệ thống vừa ra sức đẩy mạnh hoạt động tạo ra “Tư tưởng Tập Cận Bình” vừa tạo thế cho thần, cho chúa xuất hiện :

Ngày 30/4/2017, đăng bài của Lật Chiến Thư, chủ nhiệm Văn phòng TW đảng với tựa đề “Một loạt bài nói của Tập Cận Bình đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh”. Lật Chiến Thư cho rằng, một loạt bài nói của Tập Cận Bình đã bao quát các mặt khái niệm mới về các lĩnh vực cải cách phát triển ổn định, nội chính ngoại giao quốc phòng, trị đảng trị quốc trị quân, tư tưởng mới và chiến lược mới, đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Cái gì là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, từ cách nói của Lật Chiến Thư, nội dung không có gì là không có trong đó, một số cách nêu lên từ ĐH 18 đến nay  đều được cho vào cái túi “tư tưởng Tập Cận bình” và khái quát thành “hệ thống tư tưởng lý luận Tập Cận Bình.”.

Hoặc ngày 16/5/2017, Lưu Vân Sơn, ủy viên thường vụ Cục chính trị, Hiệu trưởng trường đảng TW, tại lễ khai giảng của trường đã phát biểu, một loạt bài nói của Tập Cận Bình đã “mở ra chân trời mới của TQ hóa chủ nghĩa Mác”, mọi thành tựu từ ĐH 18 đến nay đều qui công chỉ dẫn khoa học của loạt bài nói của Tập Cận Bình.

Từ những ý kiến của các nhà lãnh đạo cấp cao đưa ra công khai, chứng tỏ đã có sự nhất trí từ tầng cao về kế hoạch tuyên truyền Tư tưởng Tập Cận Bình, cũng chứng tỏ dư luận tầng cao Trung Cộng cho rằng thời cơ tuyên truyền Tư tưởng Tập Cận bình đã đến. Một số học giả cũng thấy cơ hội này và đã kịp thời hưởng ứng, tung hô :

Lãnh đạo các Tạp chí quan trọng, như Nghiên cứu xây dựng đảng, đã có một loạt bài phân tích ca ngời lý luận, tư tưởng của Tập. Như Hàn Khánh Tường, ủy viên Hội đồng quản trị trường đảng TW nêu lên 6 đặc trưng trong sáng tạo mới của “lý luận Tập Cận Bình” gồm : ý thức vấn đề, tư duy chiến lược, phân tích biện chứng, lập trường nhân dân, tìm chân lý trọng thực tế, ngôn ngữ đại chúng.

Tiêu Quí Thanh, Học viện chủ nghĩa Mác của Đại học Thanh Hoa nêu lên “8 cột trụ” của  “Tư tưởng trị quốc lý chính Tập Cận Bình” gồm : Mục tiêu phấn đấu : thực hiện giấc mộng Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa; Chủ đề căn bản : kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ; Chủ tuyến của lôgích : thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống trị lý và năng lực trị lý quốc gia; Quan niệm phát triển : sáng tạo mới, hài hòa, màu xanh, mở cửa, cùng hưởng; Phương lược trị lý : bố cục tổng thể “5 vị nhất thể” và bố cục chiến lược “4 cái toàn diện”; Phương án trị lý toàn cầu : xây dựng thể cộng đồng nhân loại cùng số phận; Lập trường giá trị : vai trò chủ thể nhân dân: Kiên trì tư tưởng trị quốc lý chính Tập Cận Bình : là kiên trì tư tưởng Mác-Lê-Mao và hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ.

Hồ An Cương, tháng 4/2017, một lần nói về Tư tưởng Tập Cận Bình là tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm là sáng tạo mới quan trọng của hệ thống lý luận của đảng từ ĐH 18 đến nay, là linh hồn của Tư tưởng Tập Cận Bình, cũng là linh hồn của tư tưởng trị quốc lý chính của đảng, đã đưa ra “Tư tưởng Trung Quốc” quí báu cho phát triển toàn nhân loại ! (Điều này làm người ta nhớ lại ba bốn năm trước, Hồ An Cương cổ súy cho “chế độ lãnh đạo tập thể 9 tổng thống” cầm quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo ưu việt hơn chế độ Tổng thống nước Mỹ). Đối với lãnh đạo tập thể và độc tài cá nhân đều tán dương, không biết cái ngưỡng học thuật của vị học giả này là đâu ?

Ngày 19/7/2017, tờ “Bắc kinh nhật báo” đăng bài, lần đầu đề cập “lấy tư tưởng quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm chuẩn tuân theo căn bản” là tín hiệu then chốt về Tư tưởng Tập Cận Bình gần chính thức ra lò.

Hoặc trong số mới đây của Tạp chí “Cầu thị” đăng bài của Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện “Đi sâu học tập quán triệt tư tưởng ngoại giao Tổng bí thư Tập Cận Bình không ngừng viết rộng khắp bài mới ngoại giao nước lớn đặc sắc TQ.”

Hoặc ngày 15/7/2017 trên tạp chí “nghiên cứu xây dựng đảng” của Ban Tổ chức TW đăng bài viết rằng “lý luận sáng tạo mới từ ĐH 18 đến nay cũng có thể gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, là thành quả mới nhất Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác …”

Hoặc gần đây nhất, đầu tháng 9/2017, Vương Nghị, ngoại trưởng TQ đã viết bài đăng trên tạp chí “Thời báo học tập” rằng tư tưởng của Tập “là sự kế thừa và phát triển phương châm chính sách lớn và truyền thống tốt đẹp về ngoại giao trên 60 năm xây dựng TQ mới, cũng là sáng tạo mới và vượt qua lý luận quan hệ quốc tế truyền thống phương tây hơn 300 năm qua”.

Hoặc Đài Truyền hình TW cùng Bộ Tuyên truyền TW, Tân Hoa xã cùng sản xuất bộ phim chuyên đề “ngoại giao nước lớn” chính luận 6 tập, nói là Tập Cận  Bình không chỉ đưa ra ý tưởng hùng vĩ của giấc mộng TQ, mà còn có ý nghĩa với thế giới. Thời gian qua Đài truyền hình TW TQ còn chiếu bộ phim 10 tập tuyên truyền về Tập Cận Bình.

Từ một số động tác họat động tuyên truyền về “tư tưởng, lý luận Tập Cận Bình” các nhà phân tích cho rằng kiểu cách tuyên truyền này có mấy đặc điểm : 1) Ý đồ tầng cao giới dư luận Trung cộng là làm cho tư tưởng Tập Cận Bình không chỉ vượt qua Giang, Hồ mà còn vượt qua Đặng. Cách đưa ra đối với Đặng của Trung Cộng là “lý luận Đặng Tiểu Bình kế thừa và phát triển tư tưởng Mao Trạch Đông”. Còn Lưu Vân Sơn đưa ra đối với tư tưởng Tập Cận Bình là “mở ra chân trời mới Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”. 2) Ý đồ Trung Cộng là đưa tư tưởng Tập Cận Bình bao gồm đủ thứ trong đó ghi vào Điều lệ đảng và ghi vào Hiến pháp tại Hội nghị Nhân đại toàn quốc vào năm sau, củng cố vị trí “hạt nhân” của Tập. Đây là điều mà cả Đặng, Giang, Hồ đều không có được 3) Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trở thành tư tưởng chỉ đạo của Trung Cộng.

Về thực chất của lý luận, tư tưởng Tập Cận Bình, các nhà phân tích cho rằng, đã thần thánh hóa, giáo điều hóa những lý luận đó. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng của tệ sùng bái cá nhân. Tập trên đầu được đội lên vương miễn “lãnh tụ tối cao”, “thống soái tối cao” có nghĩa là đã giảm thiểu quyền lợi phê phán, nghi ngờ của mọi người đối với Tập. Như trong quân đội Trung Quốc đang thực hiện “3 cái nhất thiết” và “3 cái phàm là” (nội dụng cụ thể đã nêu trong bài trước).

Song song với tuyên truyền tạo thế cho “Tư tưởng Tập Cận Bình” ra đời, vài tháng nay, Tập đã dồn dập đưa ra các chiêu tạo uy trước mắt, tạo thế cho bước tiếp theo của mình, mà nổi đình đám nhất là chiêu bắt Tôn Chính Tài, làm chấn động chính trường Trung Cộng, làm bất ngờ với các nhà theo dõi phân tích tình hình Trung Quốc trong và ngoài nước:

Lâu nay, những quan chức mà Tập bắt, hạ bệ với nhiều cách qui tội khác nhau, nhưng chung qui lại là hai tội “tham nhũng” và “sai lầm chính trị”. Trong đó tội “sai lầm chính trị” vừa mơ hồ vừa rộng khắp, không có ranh giới, nội hàm cụ thể. Như có ý khác với Tập, không thể hiện trung thành với Tập, không bám sát Tập, … đều là “sai lầm chính trị”. Đây được gọi là “cái lồng” để nhốt quyền lực. Thực chất “cái lồng này” là “lồng của Tập” tạo ra, không phải là “lồng pháp trị, hiến pháp”, “quyền lực để nhốt” thực chất là các quan chức có thể sẽ là, hoặc có dấu hiệu sẽ là cản trở các bước đi tới của Tập. Tôn Chính Tài bị cấp tốc hạ bệ là cũng vì như thế.

Tôn Chính Tài và Hồ Xuân Hoa vốn là do thế hệ tiền nhiệm Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và ngay cả Tập Cận Bình lúc vừa lên nắm quyền đã cùng nhau nhất trí chỉ định Tôn và Hồ sẽ là người kế nhiệm tiếp sau khi Tập hết nhiệm kỳ thứ hai như Điều lệ đảng CSTQ qui định. Nếu cứ thuận theo bài bản này thực hiện, thì Tập làm sao trở thành thần, thành chúa suốt đời được. Mà thời điểm quyết định là Hội nghị Bắc Đới Hà, Hội nghị TW7, Đại hội 19 đã tới nơi. Do vậy Tập hạ bệ Tôn, ẩn chứa mấy ý đồ của Tập:

- Bỏ chế độ chỉ định trước người kế nhiệm, để Tập rộng đường xử lý, có thể Tập sẽ làm tiếp 3 thậm chí 4 nhiệm kỳ, có thể Tập sẽ chuẩn bị người kế nhiệm theo nhu cầu của mình, và cũng có nghĩa là phế bỏ chế độ nhiệm kỳ 10 năm của lãnh đạo.

- Như vậy cũng là để cảnh cáo các thế lực cản phá chớ coi thường vai trò quyết định của cá nhân Tập đã lớn mạnh mức độ nào. Liền sau khi bắt Tôn Chính Tài, hầu như số người đứng đầu các địa phương, bộ ngành trước đây còn lừng chừng, thì nay lập tức biểu thị trung thành với Tập.

- Tạo vị trí cho Tập đưa người của mình vào, như đã đưa ngay Trần Mẫn Nhĩ đến chốt vị trí Bí thư Trùng Khánh mà Tôn vừa bị nhổ đi.

- Nếu cứ để chế độ này tồn tại, sẽ có cớ để các thế lực tập hợp lực lượng chống Tập;

- Cũng thể hiện cuộc đấu tranh quyền lực ở tầng cao giữa Tập+Vương với các bang phái khác đang nóng lên, và tình hình còn diễn biến phức tạp.

Trên đường đi tiếp của Tập, còn gặp nguyên tắc “7 lên 8 xuống” về độ tuổi, liên quan đến “quân nhà Tập” vào Cục chính trị, nhất là vào Thường vụ Cục chính trị, tức là tầng hạt nhân quyết sách tối cao. Xét về qui mô số người chỉ ở mức 2 con số và 1 con số, nhưng lại chèn nhau, loại bỏ nhau từng miếng một, hết sức quyết liệt, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Tập cho rằng “7 lên 8 xuống” chỉ là nguyên tắc ngầm thời Giang đưa ra để ép một số nguyên lão nghỉ hưu, chứ không phải qui định của Điều lệ đảng. Phá bỏ nguyên tắc ngầm này không chỉ mở đường cho Vương Kỳ Sơn đã 69 tuổi ở lại, mà còn là tiền đề cho Tập tiếp tục nhiệm kỳ 3, 4.

Còn về Thường vụ Cục chính trị, thời Giang bố trí 9 người, gọi là 9 con rồng phun nước, mỗi con một mảng. Hơn nữa 9 người mới có vị trí cho các phái. Khi Tập lên chỉ 7 người. Nay có nhiều phương án, 7, 5 người thậm chí 3 người hoặc không còn cơ cấu Thường vụ, để quyền lực hạt nhân quyết sách tối cao càng tập trung vào tay Tập. Đó cũng là đường đi nước bước để Tập xóa cơ cấu Thường vụ, hoặc chuyển hóa cơ cấu Thường vụ thành cơ cấu của chế độ Chủ tịch đảng, là đích Tập mong muốn phong hiệu Chủ tịch đảng như Mao Trạch Đông. Đây là vấn đề còn đấu tranh quyết liệt về có hay không cơ cấu Thường vụ, cơ cấu mấy người, và những con người cụ thể nào trong thời gian tới.

Nhìn tổng quát 5 năm nhiệm kỳ đầu của Tập Cận Bình là một quá trình tập trung quyền lực, tạo thanh thế, phát huy sức mạnh quyền uy. Cuối năm 2012, Tập lên nắm quyền, nhanh chóng dựa vào chống hủ bại và cải cách quân đội, để nắm đảng quyền và quân quyền. Vụ tai nạn chứng khoán và chao đảo kim dung mùa hè năm 2015, giúp Tập có cơ hội nhảy vào kinh tế, đến mùa hè năm 2016, Tập đã cướp về mình quyền kinh tế từ tay Lý Khắc Cường. Tháng 10/2016, Tập đã nắm toàn diện quyền lực đảng, chính, quân, tự phong là “hạt nhân Tập”, trở thành người lãnh đạo tối cao của toàn đảng và toàn quốc. Bước cuối cùng nhất của tập trung quyền lực là từ mùa thu năm 2016 đến mùa thu năm nay, Tập bỏ ra thời gian một năm để bố trí thân tín của mình vào Đại hội 19, nhờ vậy đã hiện thực hóa quyền lực của người lãnh đạo tối cao. Nhưng quá trình tập trung quyền lực chưa dừng lại đó, mà tiến thêm bước nữa tập trung quyền lực tại Đại hội 19, như sửa Điều lệ đảng, xác định lại chức quyền của người lãnh đạo tối cao, qua đó làm nổi bật uy tín và địa vị độc tôn của Tập. Tập sẽ định chức vị cho mình là gì ? Đại hội 19 nếu khôi phục chế độ Chủ tịch đảng, Tập sẽ là Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy TW, sẽ là Lãnh tụ tối cao của đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân. Như vậy đã xuất hiện Thần, Chúa và là bước cuối cùng – Xưng đế của Tập.

Đó là tham vọng lớn lao của Tập, tham vọng đó có thành sự thật hay không là tùy thuộc sự đấu tranh quyền lực giữa các phe phái từ nay đến Đại hội 19, thậm chí còn kéo dài sau Đại hội 19, vì tham vọng của Tập không dễ buông thả./.

 

(Nguồn tham khảo: Mạng chính thống và phi chính thống ở Trung Quốc.)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511943

Hôm nay

2269

Hôm qua

2337

Tuần này

22317

Tháng này

218816

Tháng qua

121356

Tất cả

114511943