Khách mời văn hóa

PGS.TS Phạm Quang Long: Chỉ có người hiểu văn hóa mới có thể làm văn hóa!

Lời Tòa Soạn: Một nỗi nan giải của Đất nước, và Nhà nước ta hiện nay là văn hóa chưa trở thành ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Văn hóa chưa thực sự là động lực, là mục tiêu của phát triển, là bộ điều tiết xã hội trong quá trình phát triển. Trong thực tiễn, nhận thức của  nhiều người có trọng trách, văn hóa vẫn chỉ là cái đinh, con ốc để phục vụ sự vận hành của chính trị và kinh tế. Và vì thế, trong thực hành tổ chức bộ máy và hoạt động của ngành văn hóa còn rất nhiều bất cập. VĂN HÓA NGHỆ AN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám độc Đại học Quốc gia Hà nội, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội về vấn đề này nhằm góp một tiếng nói hướng đến sự thay đổi tiến bộ của ngành văn hóa nước nhà.

Phan Văn Thắng: Thưa anh, khoảng hai chục năm trở lại đây, khi UNESCO phát động thập kỷ phát triển văn hóa thì ở nước ta văn hóa học phát triển sôi nổi hơn hẳn. Nhiều chương trình nghiên cứu được thực hiện, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, nhiều bộ sách văn hóa ra đời…Nhận thức và chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước đã có những điều chỉnh quan trọng. Thế nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn thấy có tình trạng khi so le giữa nhận thức và thực hành về văn hóa. Văn hóa là được xác định là mục tiêu, là động lực của phát triển, văn hóa là sáng tạo… nhưng trong thực tế văn hóa vẫn được coi như là công cụ phục vụ. Trong thực tiễn, ngành văn hóa vẫn được coi, được sử dụng và đối xử như là ngành phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế… Đó là quan sát của tôi. Còn anh, với kinh nghiệm mấy chục năm nghiên cứu văn học, văn hóa, giảng dạy và quản lý trường đại học, đặc biệt là quảng thời gian làm giám đốc sở Văn hóa Hà Nội, anh có tự trang bị cho mình một định nghĩa, hay nói cách khác là một cách hiểu về văn hóa là gì không?

PGS.TS Phạm Quang Long:Nhận xét của anh rất đúng không chỉ về cách hiểu văn hóa trước đây mà bây giờ, không chỉ trong xã hội nói chung mà ngay trong những người làm công tác quản lý văn hóa, kể cả quản lý vĩ mô và người hoạt động văn hóa ở cơ sở vẫn còn “rất lơ mơ” về khái niệm văn hóa. Phần lớn họ hiểu văn hóa như một lĩnh vực công việc cụ thể, làm công tác phục vụ xã hội (do bộ VH,TT&DL quản lý), một trình độ học vấn (Bộ Nội vụ vẫn yêu cầu ghi lý lịch mục trình độ học vấntrình độ văn hóa). Lúc còn đi làm ở sở VH,TT Hà Nội, tôi đã nghe từ miệng Bộ trưởng khi chỉ đạo xây dựng gia đình văn hóa quả quyết “gia đình văn hóa phải là một gia đình giàu sang”, “tất nhiên đó là giàu sang chính đáng”. Giá như ông ấy giải thích kỹ hơn thì còn có thể châm chước nhưng cứ khăng khăng như vậy thì cấp thực hiện như chúng tôi còn biết nói gì? Còn nhiều lần tôi nghe cán bộ lãnh đạo quận huyện hô hào nhiệm vụ của chúng ta là cần “nâng cao trình độ văn hóa của quần chúng” ở địa phương mình phụ trách. Nghe qua thì thấy không vướng nhiều nhưng mổ xẻ cách hiểu của các vị ấy ra thì là cả một “đại vấn đề” đấy. Họ không chú ý nghiên cứu kỹ đối tượng công việc của mình đâu. Dù câu nói cửa miệng phải “loại bỏ hủ tục, phát huy mĩ tục” nhưng thế nào là hủ tục, thế nào là mĩ tục cũng không đơn giản. Không ít người không phân biệt được sự khác nhau giữa “văn hóa truyền thống” và “truyền thống văn hóa” đâu. Khi còn đi làm ở trường đại học, tôi chưa có ý thức tìm hiểu kỹ về nội hàm khái niệm, lĩnh vực hoạt động, đặc trưng của văn hóa…  Nhưng khi thấy sách vở viết về lĩnh vực này nhiều, cũng vì tò mò mà đọc, vì nhu cầu mà đọc. Còn từ lúc làm ở sở thì phải học để hiểu về nó để còn làm việc. Tôi không quá quan tâm đến việc tìm cho mình một định nghĩa nhưng quan tâm tìm hiểu nội dung, lĩnh vực, quy luật, đặc thù… của văn hóa. Bởi nếu chọn những cách tiếp cận khác nhau thì sẽ đưa ra những định nghĩa khác nhau. Ví như ông Tổng Giám đốc UNESCO Bower nói “văn hóa là khả năng con người biết cộng tác với nhau để chung tay làm việc vì một xã hội tốt đẹp hơn” thì định nghĩa đó rõ ràng chỉ nhấn mạnh tới một khía cạnh; nó không trùng với định nghĩa của UNESCO nhưng tôi lại rất thích quan niệm đó khi cần tổ chức triển khai các hoạt động liên quan đến nhiều người. Tôi học chỉ để ứng dụng vào thực tiễn, để tránh bị sai và nói thực, thấy sững sờ vì nhiều người nói về văn hóa sai lắm. Cũng giống như trong kinh tế hay giáo dục…bây giờ ấy. Người biết ít, hiểu sai thì hay nói nhiều, hay lớn giọng. Hiểu văn hóa như một lĩnh vực là sai; hiểu văn hóa như là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng không đúng. Còn coi văn hóa chỉ như các hoạt động phục vụ thì không chỉ sai mà còn làm tầm thường hóa một hoạt động mang ý nghĩa nhân bản, bao trùm các hoạt động cuả con người. Nhờ có văn hóa, con người mới phát triển, xã hội mới trở lên văn minh. Văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của con người, ở mọi lĩnh vực và nó thể hiện giá trị mà con người phấn đấu rất nỗ lực mới đạt được, đặc thù của nó, quy luật của nó ở chỗ bao giờ cũng vươn tới những sự hoàn thiện, những sáng tạo, tới chân, thiện mĩ, tới chỗ nâng con người lên, làm cho con người tốt hơn, đẹp hơn, tự do hơn, người hơn mà tôi gọi là những nhân cách văn hóa…Từ những cá nhân ấy làm cho xã hội cũng đẹp hơn lên mà tầm văn hóa, cốt cách văn hóa, bản lĩnh văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia bộc lộ ra trong những hoạt động, ứng xử hàng ngày mà ai cũng cảm nhận được. 

Phan Văn Thắng:Nhưng trong thực tiễn bấy lâu nay, văn hóa đã được đặt đúng vị trí của mình trong xã hội không?

PGS.TS Phạm Quang Long:Về lý thuyết, nhà nước ta đặt văn hóa rất cao. Nhưng trong thực tiễn, những tư tưởng lớn ấy chưa được vận dụng vào đời sống, chưa trở thành những hoạt động cụ thể để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống để thực sự “soi đường cho quốc dân đi”. Và như vậy, suy cho tới cùng, chưa được đặt đúng vị trí của nó.

Phan Văn Thắng:Như vậy là nói một đàng làm, một nẻo?

PGS.TS Phạm Quang Long: Cũng không hẳn nói một đằng làm một nẻo nhưng nói thì hay nhưng làm thì dở. Không phải do nói dễ, làm khó đâu mà những nghiên cứu lý thuyết vẫn chưa đúng, những chỉ đạo vẫn chưa đủ và ở ta thiếu hẳn một đội ngũ thực thi ở cả cấp vĩ mô đến cấp thực hiện. Phần lớn chưa đủ tầm để đưa những chủ trương lớn của nhà nước vào đời sống từ góc độ văn hóa. Văn hóa quan trọng như vậy nhưng đội ngũ Tư lệnh ngành và Tư lệnh các địa phương lại phần lớn không phải là những người am hiểu văn hóa nên khi chỉ đạo đã hành chính hóa một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu và có nhiều đặc thù như thế này. Nói nôm na nếu nhìn văn hóa chỉ từ góc nhìn hệ tư tưởng sẽ bỏ qua nhiều nội dung, đặc trưng của nó. Còn nhiều lĩnh vực ta đã nghiên cứu kỹ lưỡng đâu như văn hóa chính trị, văn hóa chiến tranh, văn hóa kinh tế, văn hóa phát triển v.v…Chưa nắm rõ đối tượng, chưa xác định được phạm vi hoạt động, nói ngắn gọn chưa hiểu đúng về nó thì khi thực hiện dễ loạng choạng là điều dễ hiểu.

Phan Văn Thắng:Có một điều rất hay là ở thể chế ta, không lúc nào là không có bộ Văn hóa và một cái chung chung nữa là Ngành văn hóa. Ngành văn hóa là gì, liệu ông có thể đưa ra cách hiểu của các nhà tổ chức như ông biết?

PGS.TS Phạm Quang Long:Tôi chưa hiểu câu hỏi này của anh. Còn nếu nói về thực trạng văn hóa của chúng ta hiện nay thì tôi có đánh giá thế này: có những mặt đang tốt lên đan xem với những mặt đang xấu đi, đang bị băng hoại nghiêm trọng. Đây là thời kỳ chúng ta phải gồng mình lên mà chống đỡ những cái xấu đang thắng thế, các ác đang hoành hành. Như tình trạng dối trá chẳng hạn. Như bệnh tham nhũng đang làm trở thành giặc nội xâm chẳng hạn. Nhưng tôi tin, khoảng một thập niên nữa hoặc hơn chút, xã hội sẽ dần “lấy lại thăng bằng”, những cái xấu, cái ác ấy sẽ dần bị đẩy lùi vì không ai có thể sống chung mãi với cái xấu, cái ác. Bất cứ ai cũng sẽ trở thành tù binh, nạn nhân cho những cái xấu có khi do chính mình gây ra. Con người thì khao khát sống tốt hơn chứ không phải chỉ sống sướng hơn. Khi đã bị đẩy vào đường cùng, trước sự lựa chọn sinh tử, tôi tin sẽ có lựa chọn đúng. Vì đó là lựa chọn của văn hóa, là chức năng soi đường cho một dân tộc, đất nước của văn hóa.

Phan Văn Thắng:Và cách hiểu của ông về ngành văn hóa?

PGS.TS Phạm Quang Long: Ngành văn hóa là một khái niệm mang tính tương đối chỉ những người làm việc ở một lĩnh vực có thể xác định được. Như giáo dục, y tế vậy. Có phải chỉ những thày cô giáo mới làm giáo dục đâu, các thầy thuốc mới làm y tế đâu. Rất lạ là nhiều người lầm lẫn giữa khái niệm nền văn hóa với văn hóa. Thành ra văn hóa cứ lửng lơ vậy thôi. Còn hiểu nền văn hóa chỉ là những yếu tố thuộc hệ thống thiết chế vật chất cũng lại sai rồi. Nên trở lại với gợi ý của Hồ Chí Minh để hiểu về nền văn hóa cho đúng. Tôi không chẻ sợi tóc làm tư để phân tích nhưng tôi cho rằng những cán bộ làm trong ngành văn hóa đã không tham mưu đúng cho các cấp, các tổ chức để xây dựng văn hóa, phát triển xã hội và con người theo đúng chức năng được phân công. Họ cần tham mưu về chính sách, thể chế, cách thức tổ chức triển khai các mục tiêu về con người, xã hội, văn hóa cho người cầm quyền nhưng họ tự biến mình thành những kẻ phục vụ, minh họa cho những chủ trương, nhiệm vụ cụ thể của chính quyền. Đó là cái bất cập lớn nhất của đội ngũ này từ cấp vĩ mô đến cơ sở.

Phan Văn Thắng:Ông xác nhận vị trí, chức năng thực tại của sở, của ngành văn hóa như thế nào qua những trải nghiệm củabản thân?

PGS.TS Phạm Quang Long:Bao giờ một ngành cũng có những chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân các cấp giao cho. Vậy khái niệm ngành mới chỉ nói lên một lĩnh vực cụ thể trong khi nền văn hóa, văn hóa nó không giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể nào. Nhưng không thể không có những cơ quan, con người cụ thể lo việc này. Song ở ta, cả cơ quan giao việc, người được giao việc cứ mặc nhiên giới hạn công việc của mình ở những cái rất cụ thể ấy thôi. Như tôi đã nói, do quan niệm mà công việc, hoạt động, kinh phí của ngành văn hóa chỉ được cấp tương đương với một ngành dịch vụ: bao nhiêu lần biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị-xã hội, bao nhiêu cuộc triển lãm, bao nhiêu cuộc phát động, ra quân, bao nhiêu phong trào xây dựng xã hội, con người…mà phần lớn chỉ ở hình thức, ở hoạt động bề nổi. Như nói ở trên, ngành văn hóa là nói đến hoạt động đặc thù của những người làm một công việc, ở một lĩnh vực cụ thể. Còn rất nhiều dấu ấn của văn hóa trong các lĩnh vực khác thì không ai lo. Ví như văn hóa chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa và phát triển v.v…Như vậy, có hoạt động đo đếm được, có cả hoạt động tạo ra những giá trị, sáng tạo không thể đo bằng những tiêu chí thông thường, bằng những cái cụ thể. Thay đổi chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài chẳng hạn, sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong điều hành vĩ mô nhưng cái đó hiện nay người ta không coi đó là sản phẩm của văn hóa. Xây đô thị không quy hoạch, gây tắc đường, ô nhiễm môi trường, gây hại cho con người và xã hội người ta cũng lại chỉ tổng kết, đánh giá những yếu kém ấy từ những công việc cụ thể chứ không nhìn thấy từ cái gốc của vấn đề đến mục đích không đạt được đều không tách khỏi văn hóa. Ở ta, từ cấp vĩ mô đến cơ sở thường chỉ lo nhiệm vụ quản lý các hoạt động cụ thể, sắp xếp lại cho dễ quản lý trong khi hoạt động sáng tạo lại là hoạt động cá nhân, đặc thù, thường nó dị ứng với mọi ý đồ sắp xếp, đặt nó vào những cái ô cho dễ quản. Tôi cũng nói thêm là vấn đề này không chỉ có ở ta mà còn ở cả nước ngoài cũng có tình trạng ấy. Nhà nước thì phải lo quản lý về mặt nhà nước rồi. Còn hoạt động của cá nhân, nhóm người lại có những mục tiêu khác. Tốt nhất nên rành mạch: chỉ quản và cấm những gì cần chỉ ra thật cụ thể, còn lại để cho người dân tự do hoạt động. Ta lại làm khác. Cái gì cũng muốn nắm nên nhiều khi nắm cái cần buông, buông cái cần nắm. Ngược đời thế.

Phan Văn Thắng:Theo ông, cái khó nhất và cái yếu nhất của ngành văn hóa cả nước hiện nay là gì?

PGS.TS Phạm Quang Long:Cái khó nhất và cái yếu nhất của ngành văn hóa hiện nay là xác định không đúng vị trí, vai trò của văn hóa, không có cơ chế đúng, không có bộ máy đủ mạnh để hiểu và điều hành các hoạt động của ngành. Tôi chỉ thấy bộ luôn chỉ đạo các nội dung công việc cụ thể về mặt hành chính, ít chú ý đến chuyên môn, tham mưu về chính sách thì hầu như vắng bóng. Thiều người quá. Không phải ai cũng làm được văn hóa đâu. Làm thầy phải có chữ trong đầu mới dạy được trò. Có thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Chuyện đơn giản thế.

Phan Văn Thắng:Tôi vẫn thường nghe nhiều quan chức, trong và ngoài ngành văn hóa, cho rằng, ngành văn hóa là ngành phục vụ. Và trong trong tế, nhất là ở địa phương, ngành văn hóa đúng nghĩa là phục vụ, phục dịch, từ hát hò cho đến cờ quạt. Tôi không đồng tình với cách hiểu và cách quản lý này. Văn hóa là phải hướng đến sáng tạo ra các giá trị mới đẻ thúc đẩy phát triển chứ sao lại là phục vụ theo cái nghĩa đen/đủi nhất của nó. Ở thủ đô có tình trạng này không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Long:Thực ra câu hỏi này tôi đã trả lời chỗ này chỗ kia ở các câu trên. Căn bệnh này ở khắp nơi mà. Chỉ có điều mức độ đậm nhạt, nhiều ít khác nhau thôi. Ở đâu người đứng đầu có hiểu biết thì đỡ hơn. Chỗ này, có gần chục năm trong nghề, tiếp xúc với Giám đốc các địa phương khác, tôi biết.

Phan Văn Thắng:Ông nghĩ gì về điều này? Là giám đốc sở văn hóa ở thủ đô, ông đã lúc nào bất bình và tỏ thái độ về điều này với những người có trách nhiệm?

PGS.TS Phạm Quang Long:Tôi không ít lần va vấp với cả cấp trên của mình, cả lãnh đạo các cấp ở quận, huyện. Nhưng sau khi trao đổi lại thì họ đều thống nhất và tôi được ủng hộ nhiều. Không có sự ủng hộ ấy thì chắc khó làm được cái gì. Mấy chương trình văn hóa lớn kéo dài hàng chục năm Thành ủy, Ủy ban đều giao cho ngành chủ trì. Nhưng hiệu quả không cao. Một phần do chúng tôi không đủ năng lực, một phần không ai bẻ nạng chống trời được. Tôi không bao giờ chấp nhận cách hiểu văn hóa chỉ là phục vụ theo nghĩa trực tiếp, nghĩa đen cả. Tôi không ít lần nói ra ý của mình để làm rõ hơn những điều cần nói. Và tôi cũng thường được ủng hộ.

Phan Văn Thắng:Họ đã phản ứng với những bất bình của ông như thế nào?

PGS.TS Phạm Quang Long:Theo tôi thì không có gì gay cấn cả. Cái gì tôi thuyết phục được họ thì họ nghe. Còn cái gì tôi không thuyết phục được họ thì có nghĩa là tôi chưa đúng hoặc nói chưa thuyết phục. Một lần không được thì hai lần, ba lần, n lần. Ví dụ khi Phó Thủ tướng cho chỉ thị đến 2010 phải đưa tất cả các đoàn nghệ thuật công lập thành các hoạt động xã hội hóa, chỉ để lại một đoàn truyền thống (như chèo, cải lương v.v…) trong biên chế. Tôi thuyết phục lãnh đạo rằng chủ trương đó sai, sẽ giết chết nghệ thuật. Nói một lần không được, tôi nói nhiều lần và lãnh đạo đã ủng hộ tôi. Năm nay là 2017 mà các đoàn vẫn hoạt động như trước, lại được đầu tư nhiều hơn. Tất nhiên, các đoàn cũng phải năng động hơn và sát với yêu cầu đời sống hơn. Cái gì lỗi thời thì bỏ, cái gì mới, phù hợp phải tiếp nhận và phát triển. Qua sàng lọc của thời gian, thực tiễn, nó sẽ định hình và sống được.

Phan Văn Thắng:Kinh nghiệm quản lý mà ông có được sau những năm tháng làm giám đốc sở VHTT Hà Nội là gì?

PGS.TS Phạm Quang Long:Tôi thu được những kinh nghiệm cho cá nhân nhiều hơn. Tôi nghĩ giản dị là xác định được đích hướng tới, nội dung cụ thể, cách thức tổ chức triển khai mạch lạc, hình dung rõ phải qua những khâu nào, vướng chỗ nào, khi vướng thì gỡ thế nào v.v… Cái này ai cũng làm thế thôi. Và bài học đầu tiên, duy nhất, nhất quán là cái gì cũng phải theo logic công việc chứ không theo logic lợi ích, logic quan hệ thì sẽ được ủng hộ. Dù có sai cũng không ai trừng phạt mình. Cố để ít sai nhất vì điều đó liên quan đến danh dự của mình, để không gây thiệt hại cho sở và có thế người ta mới nghe mình.

Phan Văn Thắng:Vâng, thưa ông, rõ ràng là chúng ta cần phải có những thay đổi, điều chỉnh về quản lý đối với lĩnh vực văn hóa. Từ nhận thức trong lý thuyết đến thực hành ứng xử với văn hóa còn có một khỏang cách rất lớn, rất xa. Ông có thấy sự thay đổi đó là cần thiết?  Theo ông chúng ta cần phải định vị lại vị trí của ngành văn hóa trong bộ máy thể chế hiện nay như thế nào? Chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hóa cần được xác định như thế nào?

PGS.TS Phạm Quang Long:Vấn đề anh nêu ra rất lớn. Theo tôi phải từ nhận thức cho đúng bản chất của văn hóa, vị trí, vai trò, chức năng của nó. Không hiểu nó thì làm sao có thể tổ chức vận hành nó theo những quy luật chung và quy luật đặc thù được? Ví dụ chúng ta đang gắn bản chất của văn hóa với cách hiểu nặng về hệ tư tưởng. Từ cách nhìn này sẽ xác định vị trí, vai trò, chức năng của nó khác, sẽ cứ các Tư lệnh ngành phù hợp với mục đích sử dụng nó. Nói cụ thể hơn nếu coi văn hóa là thứ ăn theo thì sẽ đẩy nhanh và đầu tư lớn cho phát triển kinh tế, không chú ý đến những vấn đề của văn hóa, cứ tưởng kinh tế phát triển thì xã hội, con người sẽ được “kéo theo”. Sai nghiêm trọng. Thế nên xây khu đô thị mới không chú ý đến hạ tầng xã hội, tới môi trường sinh thái nhân văn, tới nhu cầu các hệ thống phục vụ xã hôi. Trường học, bệnh viện, nhu cầu điện nước, siêu thị, nhà trẻ… không có. Chồng các cao ốc ở nội đô thì sẽ thiếu trường, thiếu đường, thiếu điện, thiếu nước sạch, bệnh viện sẽ quá tải, giao thông sẽ ùn tắc…Kể qua vài chuyện nhãn tiền như thế để thấy văn hóa phải thấm sâu vào từng chính sách phát triển kinh tế, xã hội cụ thể mà mục tiêu cuối cùng của các chính sách ấy là vì con người, cho con người. Nghị quyết của Đảng đã nói đến điều này nhưng anh có thấy chuyển biến nhiều không? Nó nằm trên giấy nhiều hơn là được biến thành những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể. Kinh tế, xã hội phát triển nhưng xã hội,  quan hệ giữa con người với con người xuống cấp là vì thế. Cho nên từ nhận thức chưa thông thì khó chuyển lắm. Tôi nhớ, khi tôi nêu vấn đề văn hóa có thể điều tiết xã hội, có thể tạo ra những đột biến cho phát triển, có vị rất to đã nói tôi nói quá lên. Ông ấy cho rằng chỉ có khoa học công nghệ mới có thể tạo ra đột phá, bộ máy nhà nước mới có thể là cơ quan điều tiết xã hội. Tôi buộc phải chứng minh rằng từ đầu thế kỷ XX, khi chúng ta mở cửa với thế giới, xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển đột biến mà người phương Tây gọi là chúng ta đi trong vài thập niên bằng họ đi một thế kỷ. Tất nhiên đó là cách nói nhưng nó cũng phản ánh thực tế. Đạo đức và dư luận xã hội có vai trò điều tiết, cân bằng trở lại những chính sách chưa thật chuẩn mực của cơ quan công quyền. Vấn đề là có biết nghe hay không thôi. Một hiện tượng xã hội phát sinh, sẽ thấy tâm thức xã hội thế nào và cần nhìn vào đó mà điều chỉnh. Vụ BOT đã chứng minh quá rõ điều ấy. Tôi không nói được rõ ràng vì câu hỏi này lớn quá nhưng tôi tâm đắc tư tưởng của Bác Hồ: văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Nếu thấy chính sách văn hóa có nguy cơ chệch đường đến ấm no, hạnh phúc của mọi người, nếu nó làm chậm bước tiến này thì phải điều chỉnh. Văn hóa có khả năng làm cho con người sống người hơn, sống tốt hơn. Ngoài văn hóa, không gì có thể làm được điều này. Từ mỗi cá nhân đến một đất nước đều như thế. Vậy thì cứ căn cứ vào mục tiêu mà nêu ra những bước đi cụ thể. Đó là con đường ngắn nhất mà cũng đúng nhất.

Phan Văn Thắng: Vậy về tổ chức bộ máy của ngành văn hóa nên thiết kế như thế nào?

PGS.TS Phạm Quang Long:Câu này anh nên hỏi Bộ Nội vụ vì họ ăn lương để làm việc này. Nhưng tôi có một câu rất ngắn thế này: nên giao việc cho những người biết việc. Đừng giao việc của anh thợ nề cho anh thợ sắt, đừng bắt anh đánh cá đi làm việc của anh cấy lúa dù họ đều là những người lao động, thậm chí lao động chuyên cần. Phải trả việc của chuyên gia cho những chuyên gia.

Phan Văn Thắng:Nhưng với tôi, bộ Nội vụ ở cao và xa quá, vả lại hình như họ chỉ chủ yếu lo cơ cấu lãnh đạo, và nghiên cứu để làm cho bộ máy…to hơn.

Thưa ông, về nhân sự của bộ máy của ngành văn hóa nên như thế nào ạ?

PGS.TS Phạm Quang Long:Câu này tôi không biết nên trả lời thế nào. Nhưng tôi dị ứng với việc từ cấp Bộ đến cấp tỉnh những người làm công tác tổ chức và quyết định nhân sự hay cho rằng ai cũng có thể làm văn hóa. Sai nghiêm trọng. Không phải ai cũng làm được văn hóa đâu. Chỉ có người hiểu văn hóa mới có thể làm văn hóa, đó là nguyên tắc vàng cho công tác nhân sự ở lĩnh vực này.

Phan Văn Thắng:Đã nhiều lần tôi nói công khai ở nhiều diễn đàn là ngành văn hóa có khi như là trạm thu dung cán bộ từ các ngành, các địa phương khác về; Lại có khi như là trạm trung chuyển, là phòng chờ về hưu hoặc lên chức của các cán bộ thuộc các địa phương hoặc ngành nghề khác. Đại thể tai nghe mắt thấy là ai cũng có thể lãnh đạo và quản lý ngành văn hóa.

Thưa ông, Có bộ máy phù hợp, có nhân sự tốt, chúng ta cần những điều gì nữa để bộ máy này phát huy hiệu quả, thúc đẩy được sự sáng tạo, vận động văn hóa nước nhà?

PGS.TS Phạm Quang Long:Có bộ máy phù hợp, có nhân sự tốt thì cần có cơ chế. Cơ chế chính là hành lang pháp lý để hoạt động hiệu quả. Con người là nhân tố quyết định tất cả. Có người biết nghĩ ra việc và có người biết tổ chức thực hiện tốt. Dụng nhân như dụng mộc, chỉ nhầm chỗ là có thể hỏng cả một sự nghiệp.

Phan Văn Thắng: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi chân tình và thẳng thắn này. Chúng tôi nghĩ, như ông nói nói, ngành văn hóa, và không chỉ ngành văn hóa mà cả xã hội phải có một cuộc đổi mới thật sự, thật lòng, thành tâm, thành ý, sâu sắc, triệt để từ nhận thức đến thực hành mới có thể chấn hưng được sự nghiệp văn hóa nước nhà, để văn hóa thực sự là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114524664

Hôm nay

2138

Hôm qua

2304

Tuần này

21366

Tháng này

211360

Tháng qua

0

Tất cả

114524664