- điều đó có thể không bao giờ anh nói ra, nhưng sẽ dẫn đến thái độ, sự phát ngôn, và cả hành động của anh trước hàng trăm hàng ngàn vấn đề đặt ra trong cuộc sống, vâng, một cuộc sống phức tạp có vai trò của miếng cơm manh áo, những ham muốn thường tình, những tham vọng to lớn, những cảnh ngộ trớ trêu, tiếng kêu cứu của những số phận, sự răn đe của đạo lý, trò bịp bợm của lưu manh, sự hoành hành của tội ác, vẻ đẹp của công lý, sự quyến rũ của hư danh... Vâng, tất cả đều đòi hỏi ở anh một câu trả lời, mà xét đến cùng lại xuất phát từ quan niệm giá trị.
Lịch sử và lịch sử văn hóa các dân tộc cho thấy rằng thường vào những thời kỳ xã hội tương đối ổn định - dù bất cứ với thể chế nào - thì các quan niệm giá trị, kể cả các quan niệm có ý nghĩa không đồng nhất hay tương phản, cũng tồn tại tương đối ổn định trong sự chấp nhận của những bộ phận xã hội khác nhau, như họ đã chấp nhận sự tồn tại của chế độ chính trị và quan hệ kinh tế đương thời. Đặc biệt những quan niệm giá trị ưu việt được hầu như toàn bộ xã hội tán thành càng có điều kiện được bảo vệ và phát huy tác dụng như tinh thần trọng đạo học, trọng chữ tín, tinh thần gia tộc ở phương Đông hay tinh thần hiệp sĩ, ý thức danh dự và dòng dõi thời trung cổ ở phương Tây. Nhưng sự thể không còn như thế khi xã hội có biến động lớn, nền tảng bị đào bới, kỷ cương bị phá vỡ, sợi dây ràng buộc với quá khứ trở nên lỏng lẻo, thậm chí ở một vài nơi có thể bị cắt đứt. Vào những thời điểm ấy, quan niệm giá trị thế tất phải có sự thay đổi, và ở một số mặt, thay đổi đến mức đảo lộn. Những thay đổi này, tùy bản chất của sự biến động và những người có vai trò quyết định trong cuộc biến động, có thể hướng tới sự tốt lành, tới cái đẹp và cái thiện, nhưng cũng có thể hướng tới những điều xấu xa, đen tối khi những kẻ cơ hội và vụ lợi chiếm chỗ trên vũ đài công cộng, có điều kiện to tiếng mà không hề bị ngăn cản.
Có nhiều thời điểm trong lịch sử cận hiện đại của dân tộc ta có thể đem ra khảo sát về mặt biến động giá trị, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn quan tâm đến thời kỳ từ năm 1986, đặc biệt từ đầu những năm 90 về sau này, xã hội ta lại bắt đầu “một chuyển biến trong lòng quá trình chuyển biến”. Chúng ta mở ra công cuộc đổi mới với sự chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, và cùng với nó, là những thay đổi ở các cấp độ khác nhau động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống: quan hệ sản xuất, chế độ sở hữu, chế độ phân phối, chế độ kinh doanh, chính sách đối ngoại, chính sách xã hội, xây dựng và giao lưu văn hóa v.v... Trong tình hình đó, không nghi ngờ gì nữa, vấn đề quan niệm giá trị không thể nào nhất nhất như trước đây. Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta không hề tuyên bố hay thầm nghĩ rằng sẽ từ bỏ những giá trị mà chúng ta đã khẳng định trước đây nếu không nói vẫn đinh ninh rằng đó là cái vốn văn hóa vô giá. Trong khi đó, giữa những bừa bộn của một xã hội vừa chuyển mình vừa tìm đường, chúng ta đã làm được không ít điều xét về mặt quan niệm giá trị: khôi phục những giá trị truyền thống (một điều mà chúng ta đã coi nhẹ một cách ngây thơ trong thời kỳ bao cấp); đề cao giá trị của tinh thần nhân đạo, bác ái, lá lành đùm lá rách, đề cao giá trị của khoa học và học vấn... Đồng thời, không như ngày xưa, cánh cửa biên giới của chúng ta đã mở theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và chúng ta bước đầu tiếp nhận những giá trị từ các nền văn hóa nước ngoài, đặc biệt phương Tây, mà chúng ta chợt nhận ra rằng không phải chỉ có những giá trị “thực dân”, “áp bức” hay xa lạ...
Nhưng, ở địa hạt này, vấn đề lại không đơn giản như ta tưởng về sự kết hợp máy móc những yếu tố của đường lối và ý chí, của nhận thức và hy vọng. Cuộc chuyển đổi lớn này, với mục tiêu trút bỏ gánh nặng lạc hậu và nghèo khổ của quá khứ, để tìm tới giàu có và văn minh, vốn nằm trong ý đồ chủ động của chúng ta, hóa ra còn rất nhiều điều làm chúng ta ngỡ ngàng, đến với chúng ta như những bất ngờ - và không phải bất ngờ nào cũng vui vẻ cả. Có lẽ vấn đề quan niệm giá trị cũng nằm trong số đó.
Bây giờ chúng ta không dại gì mà coi thường các giá trị vật chất và quay lưng với sự giàu có, kể cả của cá nhân, hay cho đó là tiền đề của sự băng hoại đạo đức và sa đọa nhân cách. Nhưng tình hình bây giờ nhiều lúc lại chứng kiến một khuynh hướng ngược lại, ngược lại đến mức cực đoan. Đồng tiền là một giá trị ư ? Đúng. Phải làm ra đồng tiền để làm giàu cho mình và làm giàu cả cho đất nước ư ? Cũng đúng nốt. Nhưng, từ cái luận đề lành mạnh đó, con người, do sự thôi thúc của bản năng tư lợi được đánh thức và công khai thừa nhận, đã đi đến cái luận đề thứ hai đáng sợ: đồng tiền là giá trị cao hơn mọi giá trị, là thước đo tầm vóc và vị thế của con người, và như thế, ở nhiều nơi và nhiều lúc đã nảy ra cái điều mà Mác từng cảnh báo với thế kỷ 19, mà Đặng Tiểu Bình đã từng cảnh báo với xã hội Trung Quốc: đồng tiền mua được tất cả các giá trị khác, không loại trừ chức tước, danh dự, tình yêu, thể xác, sự trung thành... Xưa kia thần tượng của giới trẻ là dũng sĩ chiến đấu, là người cán bộ quên mình vì dân, bây giờ thần tượng chuyển qua những nhà kinh doanh thành công để trở thành đại gia. Điều đó không hẳn là sai, nhưng khi mà trên dải đất hàng ngàn năm đói khổ và đang rất cần những tấm gương hy sinh thực sự cho nghĩa lớn thì sự “chuyển đổi giá trị một chiều” này thật là nguy hại. Sự lầm lạc giá trị ở đây càng đáng buồn hơn khi phải chua xót thừa nhận rằng trong xã hội ta ngày nay, chưa có hiện thực của cái công thức người có tài, có cống hiến nhiều đồng nghĩa với người có thu nhập cao. Quan niệm giá trị nào vậy nếu muốn nói đến nền tảng văn hóa lành mạnh?
Chúng ta cũng phải lo lắng về chủ nghĩa hình thức đang tiêm nhiễm đến mức chi phối quan niệm giá trị. Ban đầu đó chỉ là ý muốn thể hiện những giá trị thực trong đời sống và trước mắt mọi người. Nhưng ý muốn ấy được thực thi trên mảnh đất của nền kinh tế thị trường, nơi luôn luôn có sự kích thích tiêu thụ, và trên cơ sở những bản lĩnh văn hóa không vững vàng, đã dẫn đến sự đua đòi và khoa trương về hình thức, đến nỗi hầu như hình thức trở thành tiêu chuẩn để nhìn nhận giá trị thực chất. Chưa bao giờ người ta tổ chức quy mô và linh đình đến thế những lễ mừng công, lễ đón nhận danh hiệu, lễ rước thành hoàng làng, lễ kỷ niệm thành lập, lễ nâng cấp vị thế hành chính. Tất cả đều xuất phát từ ý nghĩa giá trị thật cả đấy. Nhưng ý nghĩa đó, nhìn ở mức độ cao nhất, cũng không cần đến ngần ấy công phu bày biện, màu sắc trang trí, chiêng trống rùm beng, đài báo loan tin... Hình như người ta sợ hình thức kém đi sẽ kéo theo giá trị kém đi. Đám cưới đành rằng là một ngày đáng ghi nhớ nhất trong đời người - một giá trị. Nhưng vì giá trị đó mà tổ chức đám cưới, ở cả nông thôn lẫn thành thị, theo trào lưu thời thượng hiện nay, thật là một sự xa hoa vô lối. Lăng mộ cha ông, còn gì thiêng liêng hơn. Nhưng lòng tôn kính cha ông, cái giá trị văn hóa ngàn đời đó, đâu cần đến việc xây dựng lăng mộ “siêu sang” “siêu trọng” như ngày nay một số địa phương đang làm, trong khi nhà ở của người sống thì chật chội, dột nát!
Cuối cùng, từ hai cái lệch lạc giá trị trên đây, dẫn đến cái lệch lạc tệ hại nhất. Vì rằng đồng tiền có thể mua được tất cả, và cũng vì hình thức che lấp nội dung, nên trong rất nhiều trường hợp, quan niệm giá trị rơi vào tình trạng thật giả lẫn lộn. Tưởng như đằng sau và gắn liền với những danh hiệu, vinh dự được công nhận, chức tước, phẩm hàm, đều có uy lực của đồng tiền, của những trò mờ ám bên trong và những hình thức tô son trát phấn bên ngoài. Kết quả là ta có những cặp “phạm trù” thật - giả tồn tại như những nghịch lý giá trị: chức vụ thật nhưng năng lực giả, bằng cấp thật nhưng trình độ giả; khen thưởng thật nhưng công lao giả; và cả... đám cưới thật nhưng tình yêu giả. Hiện tượng này dẫn đến một thứ chủ nghĩa hoài nghi phổ biến không cần cơ sở triết học: đã lên đến chức ấy ắt phải “chạy”, và rồi phải kiếm chác để bù lại. Lắm tiến sĩ thế thì chỉ có tiến sĩ giấy khoác lên những bộ óc loảng. Người đẹp nào bước lên xe hoa cũng là kết quả của một phép tính đong đếm, trong đó tình yêu là thứ được tính đến sau hết!
Văn học nói chung là một giá trị sáng tạo của nhân loại và bao hàm trong nó những giá trị bộ phận. Vì vậy, ở thời đại nào cũng thế, giá trị văn học vẫn là một vấn đề không tách rời vấn đề chung của các giá trị. Có người sẽ bảo: so với lĩnh vực khác, văn học là lĩnh vực mà các giá trị không cần phải phân tích, bàn cãi nhiều, vì ở đây, hơn ở đâu hết, các sản phẩm của con người tồn tại theo phương thức “hữu xạ tự nhiên hương”, tự thân các sản phẩm có hay không có giá trị của nó, và tự thân công chúng sẽ thẩm định giá trị đó. Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời vào thời buổi loạn ly, chế độ thay thầy đổi chủ, nhưng cả nước, kẻ sang cho đến người hèn, đều coi đó là báu vật tinh thần vô giá. Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, truyện ngắn của Nam Cao, cứ nói là viết để kiếm tiền, viết dưới bóng đen của một chế độ thối nát, nhưng sao còn làm say mê cả những thế hệ độc giả chỉ hiểu được quá khứ đầy đọa của dân tộc qua những bài học sử?
Nhưng đó là nhìn trong cả một thời gian lịch sử tương đối dài. Còn ở trong một thời điểm, một giai đoạn nhất định, với những điều kiện văn hóa - xã hội đặc biệt, với những tác động từ một bối cảnh xã hội không bình thường, thì vấn đề giá trị của văn học phải được đặt ra, hay nói đúng hơn, vấn đề nhìn nhận giá trị của các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học.
Chúng tôi muốn nói đến những năm tháng chúng ta đang sống đây.
Như trên kia đã nói, hiện nay bàn đến quan niệm giá trị trong xã hội ta, đã có những cố gắng hướng theo những chuẩn mực tốt lành, phát huy những cái hay trong truyền thống văn hóa, và xây dựng những cái hay phù hợp với tình thế mới, kể cả thông qua giao lưu văn hóa và văn học trong thế giới toàn cầu hóa. Cho đến trước khi bắt đầu công cuộc đổi mới và chuyển đổi kinh tế, nói chung sự đánh giá của công chúng là khá chính xác, tuy chưa có điều kiện để trở nên đầy đủ và toàn diện - tôi muốn nói công chúng rộng rãi và vô tư mà nhiều khi ý kiến của họ không được công bố trên những phương tiện truyền thông chính thức. Văn chương truyền miệng, nghệ thuật dân gian được nhân dân nuôi dưỡng bằng những giá trị đích thực của nó. Có những bài thơ trở thành bất tử, được chép vào các cuốn sổ tay khi không có điều kiện in ấn, bất chấp những lời phê phán đao búa phi văn học. Có những vở tuồng, vở chèo được diễn đi diễn lại trên đủ loại sân khấu, chuyên nghiệp và nghiệp dư. Còn những giá trị áp đặt, những giá trị được nống lên bằng nhiều phương tiện hợp pháp thì rốt cuộc lại rơi vào khoảng trống tuếch trong ký ức của nhân dân.
Tuy vậy, với chủ trương mở cửa, với sự chuyển dịch qua nền kinh tế thị trường, cùng những biến động của đời sống thực tế và tinh thần, thì tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều.
Trên kia, ta có nói thực trạng đồng tiền chi phối quan niệm giá trị nói chung, thì vấn đề giá trị của văn học nói riêng cũng không ra ngoài ảnh hưởng đó. Nói cho rõ ra: ở đây, đáng lẽ những yếu tố của văn học đích thực góp phần đắc lực định hướng cho thị trường, thì ngược lại, những yếu tố của thị trường lại tác động thái quá đến văn học. Trong các yếu tố đó, nổi lên hàng đầu là lợi nhuận. Sự chạy theo lợi nhuận đã thúc đẩy người ta đề cao những sản phẩm văn học rút được nhiều tiền nhất từ hầu bao công chúng: những truyện tranh ly kỳ, những truyện viết giật gân, rẻ tiền, không loại trừ khiêu dâm, những truyện dịch từng ăn khách ở nước ngoài... Và để lôi kéo người mua, tất cả phải được khuyếch trương thành những giá trị tân kỳ trước một khối công chúng đang cần giải trí và không có nhiều thì giờ và trình độ để nhận xét hay lý giải. Trong khi đó, có một số nhà văn, “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, lao tâm khổ tứ, viết được những tác phẩm có chất lượng, nghiêm chỉnh, có chiều sâu tư tưởng, nhất là những tác phẩm nghiên cứu về văn hóa, văn học - nghĩa là những giá trị thực sự trong lĩnh vực này - lại liên tiếp bị các nhà xuất bản và các chủ thầu phát hành sách - chúng tôi không muốn dùng từ “đầu nậu” - từ chối một cách nhẹ nhàng và kiên quyết: “không đủ kinh phí”, “không bảo đảm thu hồi vốn” và vân vân. Thế là hàng loạt giá trị của trí tuệ và sự sáng tạo bị chìm đi trong im lặng, bị vô hiệu hóa và dĩ nhiên chẳng còn giá trị gì trước xã hội.
Cùng với khuynh hướng “duy thị trường” như trên của việc xuất bản và công bố các tác phẩm văn học, chính là tình trạng sa sút của văn hóa đọc. Vâng, ta nói đến sự sa sút của văn hóa đọc giữa lúc số lượng sách, báo văn học in ra khá nhiều, phủ kín và dậy màu trên các quầy hàng sách. Bởi vì ở đây là đọc cái gì, đọc như thế nào, và cảm nhận như thế nào các giá trị văn học. Trước hết, các sản phẩm văn hóa nghe nhìn tràn ngập ở mọi nơi mọi lúc đã tạo cho con người thói quen tiếp nhận những thông điệp tinh thần một cách thụ động, gần như với yêu cầu duy nhất là giải trí không chút mệt mỏi, và từ đấy người ta đâm ngại, đâm lười đọc những trang sách đòi hỏi một chút động não, động đến những vấn đề con người, tư tưởng có chiều sâu. Khả năng thẩm định giá trị đích thực của các tác phẩm văn học hao mòn dần đi. Thảng hoặc có tác phẩm nào đó làm động đậy một số ít người trong giới ê - lít văn học, thì cũng chỉ như hòn sỏi ném lên mặt hồ - một mặt hồ văn học quanh năm phủ một lớp bèo lì lợm chẳng ai buồn khuấy động lên. Thử hỏi, với một lớp độc giả như thế, ai dám tin vào sự công bằng dành cho số phận của các tác phẩm văn học?
Hiện nay, có hiện tượng là, một tác giả nào đó, có tiền để bao toàn bộ kinh phí, kể cả tiền giấy phép, thì nhanh chóng được nhà xuất bản cho ra đời “đứa con tinh thần”. Tôi không nói tất cả những “đứa con tinh thần” ra đời nhờ “đồng tiền đi trước” đó đều là còi cọc, bủng beo, nhưng trong khi đó, những đứa con tinh thần khác, trong đó có những đứa đẹp đẽ, tuấn tú, sẽ như thế nào nếu bố mẹ chúng không có nổi tiền bảo lãnh cho chúng được đăng ký vào danh sách chào đời?
Cùng với khuynh hướng hình thức chủ nghĩa trong đời sống xã hội như đã nói ở trên, gần đây, có một khuynh hướng trong văn học, đặc biệt trong thơ, được gọi một cách trang trọng là “đi tìm cái mới”. Và ở đây, người ta lại gặp một lần nữa sự đánh tráo giá trị. Theo chúng tôi, cái mới trong văn chương, trước tiên phải là cái mới về nội dung, những ý tưởng mới, cách nhìn nhận hiện thực mới, những phát hiện mới về con người và cuộc sống..., rồi do sự thôi thúc của việc thực hiện nội dung đó, khi những hình thức quen thuộc không còn đảm bảo hiệu quả mong muốn, người ta mới tìm đến những hình thức mới. Đằng này, ta bắt gặp những chữ dùng hóc hiểm, những cách đặt câu kỳ quái, những sắp xếp hình ảnh như trong một bức tranh của người mất trí... người ta bảo nhau “mới”, “giá trị mới”, người ta tụng ca ầm ĩ, réo rắt, nhưng rốt cuộc tác giả định nói cái gì, thì không ai cho ta biết, ta lần mò, xoay xở mãi cũng không biết được. Hóa ra chẳng có gì đằng sau cái mớ chữ hỗn độn, mù mịt đó, nói thẳng ra chẳng có giá trị gì ngoài cái giá trị ảo và người bày ra nó chỉ là một tay lừa bịp đi tìm sự nổi tiếng trong làng văn chương.
Chúng tôi không dám nhận xét đội ngũ các nhà phê bình văn học hiện nay - chuyên nghiệp hay ngẫu hứng - dầu rằng một số bài viết gọi là phê bình của họ thực sự làm ta ngạc nhiên trong việc thẩm định các giá trị văn học (phải chăng quan hệ mua bán của thị trường thiếu lành mạnh đã biến dạng thành quan hệ thiên vị, móc ngoặc, mặc cả... trong văn học ?). ở đây, chúng tôi chỉ xin phép khẳng định rằng: để góp phần đảm bảo các giá trị văn học được thừa nhận và tôn vinh trên diễn đàn công khai, đảm bảo những giá trị văn học đã thực sự xuất hiện, không bị nhấn chìm hay lãng quên - dù trên đời này, chẳng có gì là tuyệt đối - chúng ta cần những nhà phê bình hội tụ được hai phẩm chất là đạo đức phê bình và năng lực phê bình. Đạo đức ở đây là sự công tâm, là ý muốn và cả ý chí tìm kiếm những giá trị văn học đích thực vì lợi ích của văn học - nghĩa là của cuộc sống - chứ không vì một thứ lợi ích nhỏ hẹp, ích kỷ nào hết. Năng lực ở đây là tâm hồn tha thiết với văn học, trình độ hiểu biết văn học, từ đấy là khả năng cảm thụ, phát hiện những giá trị văn học, rồi thể hiện những ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ phê bình văn học để tạo nên sự đồng cảm hay chí ít, gợi lên sự chú ý của đông đảo người đọc. Trước một giá trị văn học, các nhà phê bình có thể không có cái nhìn thống nhất, và hơn thế, có thể tranh luận. Nhưng chính là qua quá trình cọ xát - tranh luận này, chúng ta mới tìm ra được những giá trị văn học chân chính trong khi những giá trị rởm, giá trị ảo sẽ bị đẩy về không gian dành cho chúng là sự lãng quên.
Dĩ nhiên, vai trò của các nhà phê bình, lớn đến mấy cũng chỉ là trên giấy mực và dư luận. Số phận của các tác phẩm văn học với giá trị của chúng cuối cùng là ở các ban biên tập xuất bản và báo chí, và đằng sau đó chính là nhà nước với hầu bao và quan niệm giá trị biến thành chính sách của mình. Đây là một phần quan trọng của đề tài này mà chúng tôi nghĩ nên dành cho một bài viết khác.