Thời gian qua có nhiều thông tin về “còn hay không còn Thường vụ Cục chính trị ?”, “có khôi phục lại chế độ Chủ tịch đảng hay không ?”, “về mặt nhà nước có thực hiện chế độ Tổng thống hay không ?”, “về Sửa đổi Điều lệ đảng, có ghi Tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ đảng không ?” v.v… Thực ra các vấn đề này không tách rời nhau, mà gắn chặt với nhau của một lôgích vấn đề để đạt mục tiêu cuối cùng của Tập.
Vậy mục tiêu cuối cùng của Tập là gì ?
- Từ những động thái lâu nay của Tập lộ dần ý đồ phá bỏ 3 an bài chính trị lớn của Đặng Tiểu Bình lúc còn sống (thực hiện chế độ chỉ định người kế nhiệm cách thế hệ; bỏ chế độ chức vụ suốt đời của cán bộ lãnh đạo; thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể), nhằm tạo điều kiện để Tập nắm quyền lâu dài.
- Từ phát biểu mới đây của Tưởng Kiến Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện : Sau Đại hội 19, Tập Cận Bình “không chỉ quản 5 năm tới, mà còn quản 20, 30 năm sau”.
Như vậy mục tiêu đích thực của Tập là sẽ nắm quyền lâu dài, trở thành “lãnh tụ” có vai trò, vị trí quyền lực vượt Đặng, kịp ngang Mao. Để thực hiện mục tiêu này, bản thân Tập cùng các quân sư đã tính toán đường đi nước bước là :
Thứ nhất, cần vẽ ra, tung ra những mục tiêu lớn lao, về chính trị (tấm gương cho thế giới về con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc), quân sự (cường quốc quân sự, cường quốc hải quân), kinh tế (từ nước lớn về kinh tế thành nước mạnh về kinh tế sẽ ngang hàng Mỹ, vượt Mỹ), xã hội (đời sống khá giả), những công trình có tầm lịch sử “thiên niên kỷ” (xây dựng khu Hùng An), có tầm thế giới “trăm năm” (một vành đai một con đường) v.v… Những mục tiêu này vẽ ra, tung ra là nhằm tạo thế “nhiệm vụ chính trị vĩ đại, nặng nề” đòi hỏi phải có người tài giỏi đứng ra lãnh đạo trong thời gian dài, chứ không thể chỉ 5, 10 năm, mà có thể thực hiện được.
Thứ hai, “Tư tưởng Tập Cận Bình” phải được ghi vào Điều lệ đảngàSửa Điều lệ đảngàkhôi phục chế độ Chủ tịch đảngàđổi chế độ Chủ tịch nước thành chế độ Tổng thống. Tức là tạo thế phải thay đổi về “qui định”, “chế độ” tổ chức.
Bước đầu tiên là phải tạo thế, tạo điều kiện để Đại hội 19 nhất trí ghi Tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ đảng. Qua được bước này, thực hiện tiếp bước khôi phục chế độ Chủ tịch đảng và như vậy Tập sẽ thực hiện hai nhiệm kỳ Chủ tịch đảng, từ tháng 10/2917 đến tháng 10/2027. Sang tháng Ba/ 2018, Đại hội Nhân Đại sẽ quyết định chuyển chế độ Chủ tịch nước sang thực hiện chế độ Tổng thống, và Tập sẽ giữ chức Tổng thống tối thiểu hai nhiệm kỳ từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2028.
Đồng thời xóa qui định “7 lên 8 xuống”, và có thể xóa qui định tuổi này, chỉ qui định tuổi nghỉ hưu cho từng cấp bậc cán bộ lãnh đạo (có thể qui định, Chủ tịch đảng, Tổng thống 75 tuổi nghỉ hưu) để đến năm 2022 (hết nhiệm kỳ đầu Chủ tịch đảng đã 69 tuổi, vẫn đủ tuổi tiếp tục nhiệm kỳ II). Không thực hiện chế độ chỉ định người kế nhiệm cách thế hệ, để đến lúc hết nhiệm kỳ, không có nhân tố mới thay thế, Tập sẽ làm tiếp.
Thứ ba, Tập đã và đang ráo riết loại bỏ các thế lực phản đối.
-Trước hết, thế lực quân đội, từ đầu nhiệm kỳ, cho đến gần đây nhất, liên tục đánh vào thế lực quân đội, như các bài trước đã phân tích.
-Thứ đến, thế lực phái Giang, Tăng bị đánh cho tan tành. Trong 5 năm qua, tính từ Đại hội 18 đến 23/9/2017 có 140 quan chức cấp Tỉnh, Bộ, Sở, Cục trở lên (trong đó có trên 10 “đại lão hổ”, có 17 ủy viên TW và 17 ủy viên TW dự khuyết) bị ngã ngựa, ngoài ra còn có trên 130 ngàn “loại ruồi” bị xử lý kỷ luật, phần lớn đều là người của phái Giang, Tăng.
- Tiếp đến, Tập phê phán mạnh cán bộ Đoàn Thanh niên “nửa trên tê liệt, tứ chi bại hoại”, cán bộ “4 hóa” (cơ quan hóa, hành chính hóa, quí tộc hóa, vui chơi hóa), còn “nói đến khoa học công nghệ nói không ra, nói đến văn nghệ nói không thông, nói đến công việc nói không rành, nói đến đời sống nói không trúng, nói tới nói lui, nói mấy câu miệng quan, mấy câu cũ rích, mấy câu trống rổng”. Đi vào cụ thể, những nhân vật thuộc Đoàn phái nhạt dần, yếu dần, như Tần Nghi Trí, Bí thư TW Đoàn không trúng Đại biểu Đại hội 19.
- Tiếp theo, lực lượng “Thái tử đảng” cũng bị ra rìa, như Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiểu kỳ, Chu Hòa Bình, cháu Chu Đức, Lưu Á Châu, con rể Lý Tiên Niệm, ngay cả Thiếu tướng Mao Tân Vụ (47 tuổi) cháu Mao Trạch Đông đều không có trong danh sách Đại biểu Đại Hội 19.
- Đối với các Cụ nguyên lão, thời gian gần đây cũng không còn là có tiếng nói quan trọng. Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội, lễ Quốc Khánh mới đây nhất, đều không thấy các Cụ tham dự. Tập đưa ra “phương châm 15 chữ” đối với các Cụ “Tôn trọng kỳ cống hiến, cảnh thích kỳ ảnh hưởng, khổng chế kỳ đãi ngộ”. Tôn trọng sự cống hiến của các Cụ là, ngày lễ tết đến thăm hỏi, khi đánh thuộc hạ của các Cụ (như khi đánh Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu,…) gặp Giang, Hồ Cẩm Đào thương lượng để tỏ “tôn trọng”, không phải để “nghe lệnh, tuân theo”; Thận trọng (cảnh thích) với sự ảnh hưởng của các Cụ là, “hoàn toàn không tiếp nhận” “tình trạng can thiệp chính trị của các nguyên lão chính trị như trước đây”; Khổng chế đãi ngộ đối với các Cụ là thực hiện theo qui định ngày 30/11/2015, như cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu, phải trả lại văn phòng làm việc, sử dụng xe công đúng tiêu chuẩn, đi ra ngoài không mang theo đoàn đội phục vụ, v.v… Đến Đại hội 19, có 46 cụ được mời dự là Đại biểu đặc biệt (Đại hội 18 có 57 Cụ) chắc tiếng nói của các nguyên lão không còn, hoặc có, thì tác động không lớn.
- Đối với các thế lực dân chúng, cựu binh phục viên đi khiếu kiện, các luật sư, các nhân vật bất đồng chính kiến, thực hiện không chế nghiêm ngặt tại nơi cư trú, tại địa phương. (Như Bao Đồng, nguyên thư ký, trợ lý cựu Tổng Bí thư Triệu Tử Dương hiện nay hàng ngày có mấy chục nhân viên an ninh ngày đêm thay nhau canh giữ trước nhà, không cho đi ra khỏi nhà.)
- Đối với tình hình Triều Tiên, biên giới, biển đảo, Tập cầu cứu Trump hỗ trợ giữ ổn định tình hình.
- Vẫn chưa an tâm, để bảo đảm an toàn cho Đại hội 19, đương cục Tập còn thành lập hai hệ thống lãnh đạo bảo vệ an toàn trực tiếp chịu trách nhiệm trước Cục Chính trị, Quốc Vụ Viện, Quân ủy TW và Tập Cận Bình: 1) Tiểu tổ lãnh đạo thực thi bảo vệ an toàn toàn quốc, Tổ trưởng : Lý Khắc Cường; Các tổ viên : Lật Chiến Thư, Vương Dũng, Quách Thanh Côn, Đinh Tiết Tường, Trần Văn Thanh, Tần Thiên. 1) Tiểu tổ lãnh đạo sẵn sàng chiến đấu toàn quân, Tổ trưởng : Hứa Kỳ Lượng; Các tổ viên : Thích Kiến Quốc, Lý Tác Thành, Thẩm Kim Long, Ngụy Phong Hòa, Hàn Vệ Quốc, Tần Sinh Tường. Không chỉ thế, mà ở Bắc Kinh còn tạm thời cấm các siêu thị không được bán dao thái rau trong thời gian Đại hội 19 !(Chỉ riêng việc này thôi, đủ thấy tình hình căng thẳng như thế nào, đường đường một đảng lớn, tổ chức một Đại hội trong thời bình, giữa Thủ đô lớn của một nước lớn, đến con dao thái rau, thịt cũng sợ. Thật không thể tưởng tượng nổi ! ! !)
Thứ tư, Tập ráo riết thu gom tập trung nguồn “quân nhà Tập”, đề bạt cấp tốc và bố trí vào các khâu các vị trí then chốt, hình thành thế áp đảo ngay từ lựa chọn đại biểu dự Đại hội, các nhân vật vào Cục chính trị, Thường vụ Cục chính trị đều phải thực sự là người của “quân nhà Tập”.
- Như đối với đại biểu Đại hội đảng, tiêu chuẩn chính trị đặt lên hàng đầu, phải qua được “cửa ải chính trị”, tức là phải thực sự nhất trí với “hạt nhân Tập”, bảo vệ quyền uy TW Tập. Nếu còn có dấu hiệu không rõ ràng, chưa nói là chống lại Tập là kiên quyết không bầu, nếu bầu rồi cũng loại ra. Số Đại biểu đã bầu là 2.300 người, đã có 27 người với lý do “có hành vi không xứng” bị xóa tư cách Đại biểu, sau đó bầu bổ sung được 14 người, nay còn 2.287 người. Cho đến nay, đã hình thành Đại biểu Đại hội coi như là “Đại biểu nhà Tập” là lực lượng có tính quyết định nhất, để ủng hộ, bảo đảm vững chắc các quyết định của Đại hội đúng theo kịch bản của Tập dàn dựng.
- Tập đã sớm chuẩn bị sẵn “người nhà mình” để vào các ghế trống vào Trung ương , vào Cục Chính trị.
Ban chấp hành TW khóa 18 cóa 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết.
Đến nay trong số ủy viên chính thức, số bị xử lý, đến tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển sang vị trí thứ yếu khác trên 100 người, chiếm 60%. Số ủy viên dự khuyết tỷ lệ thay thế còn cao hơn. Như vậy số ủy viên khóa 18 lưu lại nhiều lắm cũng chỉ + 40%, đây là không gian lớn cho Tập bố trí “quân nhà Tập” vào. Thực tế Tập đã sẵn sàng. Hiện nay người đứng đầu đảng, chính các địa phương chiếm một nửa là quan chức “3 không là” (không là ủy viên TW, không là ủy viên TW dự khuyết, không là ủy viên Ủy ban kỷ luật TW). Trong quân đội trong 33 tướng lĩnh cấp trưởng Chiến khu có đến 2/3 là loại “3 không phải là”. Những quan chức, tướng lĩnh “3 không phải là” này sẽ là lực lượng mới trong Ban Chấp hành TW đảng khóa 19 và cũng sẽ là tiêu điểm cuộc chiến giữa “quân nhà Tập” và “quân các nhà khác” tại Đại hội.
Trong 25 vị ủy viên Cục Chính trị hiện nay, nếu vẫn theo nguyên tắc “7 lên 8 xuống” có 13 người lưu nhiệm, ít nhất có 12 ủy viên sẽ phải thay, 12 ghế trống này là cơ hội tốt cho Tập đưa người của mình vào. Tập đã tính trước tình huống này, nên đã điều Trần Mẫn Nhĩ từ Triết Giang về Quí Châu rồi Trùng Khánh. Thái Kỳ là một đảng viên thường, điều về làm Bí thư Bắc Kinh. Ứng Dũng điều về làm Bí thư Thượng Hải. Hoàng Khôn Minh điều về làm Phó ban thường trực Ban Tuyên truyền TW. Trần Hy về làm Phó ban thường trực Ban Tổ chức TW. Lưu Hạc Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo kinh tế tài chính Trung Cộng. Lật Chiến Thư, Chủ nhiệm Văn phòng TW. Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng Tập Cận Bình. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy TW. Những người này đều là thân tín Tập Cận Bình, dư luận đang nổi lên là họ sẽ vào Cục Chính trị Đại hội 19. Ngoài ra còn có Trần Toàn Quốc, thân tín của Lý Khắc Cường, lâu nay đã 10 lần phát biểu bày tỏ ủng hộ Tập.
Theo một số nhà phân tích, nếu Vương Kỳ Sơn lưu nhiệm, thì chỉ còn 11 ghế, mà số người có khả năng “vào Cục” là 21 giành nhau 11 ghế. Trong đó, nếu những người trên đều “vào Cục”, thực chất số ghế còn lại chỉ 1 ghế, hoặc mở rộng qui mô Cục Chính trị lên 27 hoặc hơn nữa. Dù cách nào đi nữa, cũng đã thấy “người nhà Tập” coi như ở thế áp đảo rồi.
- Về bố trí Thường vụ Cục Chính trị sẽ là tiêu điểm cuộc chiến trực diện cuối cùng về phân chia quyền lực giữa các thế lực tầng cao Trung Cộng. Cho đến nay, có nhiều kịch bản về nhân sự Thường vụ Cục Chính trị của các nhà theo dõi nghiên cứu tình hình chính trị Trung Quốc đưa ra, trên cơ sở phân tích tình hình đấu tranh giữa các thế lực chính trị tầng cao hiện nay.
Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ với danh nghĩa Quĩ MarcoPolo đưa ra 3 kịch bản với cơ cấu Thường vụ 5 người : Kịch bản 1) “người của Tập” có khả năng 55%, gồm Uông Dương, Vương Lô Ninh, Trần Mẫn Nhĩ, Lật Chiến Thư, Hồ Xuân Hoa. Kịch bản 2) gọi là “bám sát qui phạm” (normadhering) có khả năng 35%, gồm Uông Dương, Lưu Kỳ Bảo, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư, Hàn Chính. Kịch bản 3) gọi là “đảo loạn qui phạm” (normwrecking) có khả năng 10%, gồm Vương Kỳ Sơn, Uông Dương, Trần Mẫn Nhĩ, Lật Chiến Thư, Hồ Xuân Hoa.
Trần Phá Lập, nhà bình luận chính trị ở Mỹ đưa ra 4 kịch bản, trong đó kịch bản cuối cùng là “tiếng nói một nhà” gồm Triệu Lạc Tế (hiện là Ủy viên Cục chính trị) người cùng quê Thiểm Tây và “quân nhà Tập” đã cài cắm ở địa phương, còn có “biến chủng không phải trực hệ ‘quân nhà Tập’”, gồm Lý Hồng Trung (hiện là ủy viên TW), Trần Toàn Quốc (hiện là ủy viên TW), Vương Lô Ninh (tam đại đế sư, hiện là Ủy viên Cục chính trị). Còn có Trần Mẫn Nhĩ, (tâm phúc trong tâm phúc của Tập, hiện là Ủy viên TW), Thái Kỳ(hiện giờ chưa là ủy viên TW, chưa là ủy viên TW dự khuyết), Ứng Dũng (mới là ủy viên TW dự khuyết). Theo qui định hiện hành, điều kiện để vào Thường vụ phải là Ủy viên Cục chính trị, ngoài ra phải đủ tư cách chính trị (trung thành với “Hạt nhân Tập”, bảo vệ quyền uy Tập, “4 ý thức”, v.v…), thành tích, năng lực thực tế. Với điều kiện này, thì chỉ có hai người đủ điều kiện. Nếu phá lệ, cho nhảy lên hai thậm chí ba bậc, thì số lượng người để vào Thường vụ lại rất lớn. Đi vào cụ thể, nếu Tập, Lý Khắc Cường, Vương Kỳ Sơn đều lưu nhiệm, thì chỉ còn 4 ghế. Nếu Vương Kỳ Sơn lưu nhiệm nhưng không vào Thường vụ thì còn 5 ghế (với cơ cấu thường vụ 7 người để tính). Đây là tiêu điểm của cuộc chiến quyền lực cuối cùng giữa “quân nhà Tập”, liên minh Vương Kỳ Sơn, với phái Đoàn (như Lý Khắc Cường, Hồ Xuân Hoa, Trần Toàn Quốc.) có thể có cả phái Giang (như Hàn Chính chẳng hạn.)
Tạp chí “Tranh Minh, Động Hướng” Hồng Kông số tháng 10 đưa ra hai kịch bản Thường vụ 9 người và 7 người, mỗi kịch bản lại đưa ra 2 phương án người cụ thể.
- Kịch bản 9 người : 1) Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Vương Kỳ Sơn, Vương Lô Ninh, Lật Chiến Thư, Hồ Xuân Hoa, Hàn Chính, Uông Dương, Triệu Lạc Tế. 2) Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Triệu Lạc Tế, Uông Dương, Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa, Vương Dũng, Trần Mẫn Nhĩ.
- Kịch bản 7 người : 1) Tập, Lý Khắc Cường, Vương Kỳ Sơn, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa. 2) Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa, Triệu Lạc Tế.
Từ các phương án trên, nổi lên mấy điểm : 1) Một số người của Tập, Tập rất muốn đưa vào, Tập có thể phá lệ cho nhảy lên 2, 3 bậc liệu lực đồng tình và phản đối mức nào ? 2) Vai trò Vương Kỳ Sơn trong thời gian tới là thế nào, về mặt nào, mức độ nào đối với cục diện chính trị tầng cao sau Đại hội để xét Vương có cần hay không cần ở trong Thường vụ ? 3) Hàn Chính, là nhân vật Tập không muốn, không thể chấp nhận, liệu có thể bỏ hay không, quyết định thế lực của Giang, Tăng còn mức nào, và vai trò Hàn Chính sau Đại hội sẽ như thế nào, nếu để lại trong Thường vụ. 4) Các vấn đề này giải quyết như thế nào, Tập thắng cả, hay thỏa hiệp bao nhiêu phần trăm là “liều thuốc thử” về sức mạnh, vai trò của Tập trên chính trường Trung Cộng sau Đại hội, mà trước hết là trong Đại hội 19 này.
Thứ năm, ngoài việc tiếp tục tập trung khổng chế thông tin trên báo chí, mạng xã hội như lâu nay, thì gần đây tập trung tuyên truyền ca tụng vai trò hình ảnh Tập rộng khắp trong dân chúng.
Gần đây có khẩu hiệu : “dĩ Trung Quốc nhân trạm khởi lai liễu, tụng Mao; phú khởi lai liễu, tụng Đặng; cường khởi lai liễu, tụng Tập” (với người Trung Quốc đã đứng lên đi, ca ngợi Mao; đã giàu lên đi, ca ngợi Đặng; đã mạnh lên đi, ca ngợi Tập). Cơ quan tuyên truyền Trung Nam Hải đã khéo thiết kế lấy 3 chữ Mao, Đặng, Tập dựng lên 3 tấm bia có tính tiêu chí 3 thời đại, Tập được coi là người mở ra thời đại “mạnh lên đi” nối tiếp sau 2 thời đại “đứng lên đi” của Mao và “giàu lên đi” của Đặng, tựa hồ 3 thời đại chuyên chế đầy máu me này là “vĩ quang chính” (vĩ đại, quang vinh, chính xác) rất huy hoàng.
Sau khi khẩu hiệu này trương lên, đã có không ít ý kiến phản bác lại và đổi lại là : thời đại Mao : đấu lên đi; thời đại Đặng : vét hết đi; thời đại Tập : bắt hết đi.
Gần đây, ở Quí Châu, nơi nghèo khó, trong một lớp học tiểu học bàn ghế mục nát, các cháu đang phải cao giộng hát bài hát “Trung Quốc đã xuất ra một Tập đại đại” để chào mừng ngày Quốc khánh và Đại hội 19. (Bài hát này là đổi lời bài “Đông phương Hồng” ca ngợi Mao Trạch Đông trước đây : Đông phương hồng, Mặt trời lên, Trung Hoa xuất ra một Mao Trạch Đông… )
Đài Truyền hình TW ngày 6/10/2017 phát sóng bài hát ca ngợi giá trị quan Hạt nhân XHCN với tựa đề “nhân dân Trung Quốc có tín ngưỡng”, nội dung lời :
“Giá trị quan Hạt nhân, tín ngưỡng của chúng ta,
Giá trị quan Hạt nhân, dựng lên phong cách mới,
Giá trị quan Hạt nhân, ghi trong tim chúng ta,
Giá trị quan Hạt nhân, chúng ta cất tiếng ca,
Nhân dân Trung Quốc có niềm tin,
Quốc gia nắm lấy, đầy sức mạnh,
…….. ”
Nhưng bài hát này, Đài Truyền hình TW không biết tác giả sáng tác là ai. Một cư dân mạng cho hay, bài hát này hơi giống bài ca ngợi Kim Chơng Ủn của Triều Tiên “Không có Ông ta, sẽ chết” với lời : “Chúng tôi tín nhiệm Đức cao như Trời của Ông; Chúng tôi đều đi theo Ông cả cuộc đời ! Không có Ông, chúng tôi không thể sống, Đồng chí Kim chơng Ủn ơi ! Không có Ông, chúng tôi không thể sống; Số phận chúng tôi, đồng chí Kim chơng Ủn ơi ! Không có Ông, chúng tôi không thể sống; …” Một cư dân mạng Trung Quốc ca thán, Trung Quốc có bề dày 5.000 năm văn hóa, giàu ngôn từ lời ca đẹp đẽ, mà không tự soạn được lời ca xứng đáng cho một bài hát, mà phải đi sao chép kiểu này, phải chăng đây là sự cố ý bôi xấu người lãnh đạo tối cao.
Thời gian gần đây, chính quyền ở một số địa phương phổ biến qui định là các gia đình, để tỏ lòng yêu nước, bắt đầu từ ngày 01/10, ngày kỷ niệm Quốc khánh, phải treo ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhà. Qui định này đã bắt đầu thực hiện ở một số huyện thuộc khu tự trị Tân Cương.
Chỉ còn mấy ngày nữa là bước vào Đại hội 19 của đảng CSTQ, nhưng cuộc chiến quyền lực chưa phải đã vào hồi kết, mà chỉ là vờn nhau, thăm dò nhau trước khi lên sàn đấu, mà dù lên sàn đấu có được một kết quả nào đó cũng chưa phải là cuối cùng, mà còn tiếp tục sau Đại hội. Bởi vì, tất cả đó vẫn chỉ là những bước đi trong quá trình đi tới mục tiêu cuối cùng của Tập như đã nêu ở trên. Trong quá trình đi tới mục tiêu cuối cùng này vẫn mang nhiều tính bất định, bởi lẽ : cuộc chơi này không phải chỉ diễn ra ở một tầng diện lãnh đạo cao nhất, mà là ở các tầng Nguyên lão đã nghỉ hưu, rời nhiệm, Thường vụ, Cục chính trị, Ban chấp hành, Đại hội. Trong cuộc chơi này, Tập là Hạt nhân của trò chơi, là chủ trò của trò chơi, là người chủ đạo sửa đổi, bày ra mới qui tắc trò chơi. Trong hơn hai chục năm qua của Trung Cộng đã hình thành qui phạm một số nguyên tắc trò chơi phân phối quyền lực chính trị ở tầng cao, trong đó có không ít nguyên tắc trở thành hòn đá cản chân đối với Tập. Như chế độ chỉ định người kế nhiệm cách thế hệ, chế độ hai nhiệm kỳ của người lãnh đạo, chế độ đề bạt cán bộ lên dần từng bậc, v.v… Từ khi lên nắm quyền đến nay, Tập cũng đã sửa hoặc đã lach qua không ít các nguyên tắc cũ, rõ nhất là lượng lớn quan chức, tướng lĩnh “3 không phải là”, Tập vẫn đề bạt vào các vị trí quan trọng. Tập vừa có ý chí vừa có năng lực để thực hiện các biện pháp phi thường qui, xé rào này, nhưng không phải không gặp cản trở, chống lại. Tập thực hiện các biện pháp phi thường qui này là làm đảo lộn thế cục quyền lực các phía đã an bài, đụng đến quyền lực quyền lợi của mỗi phía đã có lâu nay. Cuộc chiến quyền lực này, không phải để đi đến “cùng thắng”, mà sẽ luôn xẩy ra nhiều keo “thỏa hiệp nhượng bộ” của Tập với các bên, đến khi gặp cơ hội, điều kiện thuận lợi, Tập lại trở mặt, xóa đi chơi lại. Như vậy tình trạng bất định, bất ổn định của chính trường Trung Cộng là còn tiếp diễn, cho dù Đại Hội 19 sẽ “thành công rực rỡ”, trừ khi có sự kiện ngẫu nhiên lớn xẩy ra./.
(Tổng hợp từ các thông tin trên mạng chính thống và không chính thống ở Trung Quốc, xin cung cấp tham khảo, vì tình hình còn diễn biến).