Nhìn ra thế giới

Bầu cử ở Nhật: Đảng LDP của ông Abe thắng áp đảo

Kết quả chung cuộc được công bố hôm 23/10 sẽ cho phép Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe tiếp tục đeo đuổi mục đích đề xuất những thay đổi trong Hiến pháp hòa bình hiện nay để tăng cường sức mạnh quân đội. Ngoài ra, tiếp tục các ưu tiên trong Abenomics, phát triển nguồn nhân lực, cải cách lao động, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên sẽ là những trọng tâm khác trong chính sách tới đây của đương kim Thủ tướng Abe và đảng LDP.

Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, đảng Dân chủ Tự do của ông Abe (LDP) và đối tác liên minh đảng Komeito, giành được 312 ghế trong Hạ nghị viện có tổng cộng 465 ghế, còn được gọi là Viện Diet, đạt hơn đa số 2/3, tức 312 ghế. Các đảng đối lập chỉ giành được 143 ghế. Kết quả chung cuộc đã được công bố hôm 23/10. Kết quả này cũng sẽ cho phép ông Abe tiếp tục đeo đuổi mục đích đề xuất những thay đổi trong hiến pháp hòa bình của Nhật để tăng cường sức mạnh quân đội. Những người ủng hộ đảng bảo thủ của Thủ tướng Abe xem chiến thắng này là một cuộc biểu quyết tín nhiệm đối với các chính sách của ông nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. An ninh quốc gia đã trở thành một mối quan ngại trong công chúng khi Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa của Triều Tiên – quốc gia cộng sản láng giềng mới đây đã bắn hai tên lửa tầm trung bay ngang qua không phận Nhật Bản và đe dọa sẽ “nhấn chìm" nước Nhật xuống biển.

Abenomics được kéo dài

Theo hãng tin Reuters, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã tăng thêm 1%, lên mức cao nhất kể từ năm 1996 sau khi thủ tướng Shinzo Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn cuối tuần qua. Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần này ngày 23/10, chỉ số Nikkei đã tăng thêm 1,15% (hay 246,51 điểm), đạt 21.704,15 điểm. Các nhà đầu tư tin tưởng chiến thắng của ông Abe sẽ là điều kiện cho phép Ngân hàng Nhật Bản tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của Nhật Bản, kích thích xuất khẩu và phát triển kinh tế ngay cả khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FBI) gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 12 tới. "Kết quả này sẽ kéo dài chính sách "Abenomics", trong đó có cả chính sách kích thích nền kinh tế của Ngân hàng Nhật Bản", các chuyên gia phân tích tại Viện đầu tư Blackrock nhận định.

"Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua chứng khoán Nhật Bản trước cuộc bầu cử với kỳ vọng chính sách Abenomics sẽ vẫn tiếp tục đã thở phào", trưởng chiến lược gia Masayuki Kubota tại công ty Rakuten Securities nhận định. Cùng với việc chứng khoán tăng điểm, tỉ giá đồng USD cũng đã tăng 0,4% so với đồng yen Nhật, đạt 113,99 yen đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7 năm nay.

Trên thực tế, dưới tài chèo lái của vị "thuyền trưởng" Shinzo Abe, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi và tăng trưởng liên tục. Tiếp tục các ưu tiên trong Abenomics, sửa đổi Hiến pháp, phát triển nguồn nhân lực, cải cách lao động, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của đương kim Thủ tướng Abe và đảng LDP. Theo một cuộc khảo sát của tờ Yomiuri Shimbun từ ngày 8 – 10/9, có 50% số người được hỏi ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm, trong khi chỉ có 39% phản đối. Nhiều chuyên gia nhận định tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên đang diễn biến phức tạp là cơ hội thuận lợi để ông Abe thể hiện khả năng lãnh đạo của mình.

Sẽ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên

"Đây là một chiến thắng rất lớn được trao cho chúng tôi,” Thủ tướng Abe nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo hôm thứ Hai 23/10. “Chúng tôi khiên tốn nhận lãnh thắng lợi này”. Ông Abe bày tỏ hy vọng sẽ sử dụng chính sách "ngoại giao mạnh mẽ và kiên quyết" để giải quyết các vấn đề liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ông Abe nói: "Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với cộng đồng quốc tế để Triều Tiên thay đổi lộ trình của họ." Lập trường cứng rắn nhằm gia tăng sức ép của ông Abe đối với vấn đề khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên cũng mang lại sự đồng tình của không ít cử tri. Thủ tướng 63 tuổi của Nhật Bản cũng khẳng định, với kết quả thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này, ông sẽ có thêm động lực để hành xử cứng rắn hơn với cuộc khủng hoảng liên quan tới Triều Tiên, quốc gia từng đe dọa "đánh chìm" Nhật Bản xuống biển và cũng đã phóng hai quả tên lửa bay qua vùng quần đảo phía bắc của họ. "Như tôi đã cam kết trong cuộc bầu cử, nhiệm vụ ngay lúc này của tôi là xử lý cứng rắn với Triều Tiên. Để làm điều đó, cần có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ", ông Abe nhấn mạnh.

Thắng cử lập pháp giúp thủ tướng Nhật thúc đẩy sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa. Shinzo Abe muốn là bản Hiến Pháp chủ hòa, do Mỹ soạn thảo và áp đặt từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, thừa nhận sự tồn tại của quân đội Nhật Bản, một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới và để cho nước này lại được quyền tham chiến. Ông thủ tướng muốn sửa lại điều 9 trong bản Hiến Pháp cấm Nhật Bản tiến hành chiến tranh để giải quyết các xung đột. Shinzo Abe đã diễn giải lại Hiến Pháp để cho phép quân đội Nhật Bản được tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài, cùng với quân đội Mỹ. Shinzo Abe muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ, và cũng như Donald Trump, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, nếu cần. Trong khi đó, một nửa dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến Pháp chủ hòa, vì theo họ, Hiến pháp hiện nay giúp ngăn cản giới lãnh đạo tìm cách tiến hành chiến tranh.

Chính quyền Thủ tướng Abe ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng cho máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa và hệ thống phòng thủ tên lửa. Ông Abe cũng ủng hộ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng áp lực tối đa, sử dụng chế tài và đe dọa hành động quân sự để buộc chế độ Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân. Các nhà phê bình nói rằng nới lỏng các hạn chế đối với quân đội sẽ tách Nhật Bản ra khỏi các mâu thuẫn đang do Mỹ lãnh đạo. Đe dọa của Tổng thống Trump sẽ dùng vũ lực để tiêu diệt Triều Tiên hoàn toàn, nếu bị tấn công, càng làm tăng mối quan ngại này. Ông Abe cho biết ông dự định sẽ sớm triệu tập một phiên họp đặc biệt của Viện Diet để thành lập chính phủ mới trước tháng 11, khi Tổng thống Trump thăm Nhật Bản và trước khi ông Abe đi dự hội nghị kinh tế khu vực APEC tại Việt Nam và hội nghị thượng đỉnh về an ninh ASEAN tại Philippines.

Phe đối lập tan rã

Thắng lợi áp đảo của liên minh bảo thủ sẽ cho phép ông Abe, lên cầm quyền từ 5 năm nay, làm tiếp nhiệm kỳ thứ ba và ông sẽ trở thành vị thủ tướng tại vị lâu nhất ở xứ hoa anh đào, kể từ sau đệ nhị thế chiến. Cuộc bầu cử hôm nay cũng cho thấy sự tan rõ của phe đối lập. Cho dù bị tố cáo lạm dụng quyền giải tán Quốc Hội, thủ tướng Shinzo Abe đã đánh cược vào cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn này, bằng cách giải thích rằng Nhật Bản dường như sẽ phải đối mặt với một mối hiểm họa trên phạm vi quốc gia do bị Bắc Triều Tiên đe dọa. Trên thực tế, do bị suy yếu bởi các vụ bê bối thiên vị người thân, ông Shinzo Abe muốn đẩy phe đối lập vào tình thế bị bất ngờ, trước tiên là đối với thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike, vốn có lúc được coi là đối thủ tiềm tàng của ông. Theo các cuộc thăm dò gần đây nhất, sự yếu kém của phe đối lập sẽ cho phép đảng bảo thủ của ông Shinzo Abe và đồng minh, đảng Komei của giáo phái Phật giáo Soka Gakkai, duy trì được siêu đa số, tức là có được hai phần ba số ghế tại Quốc Hội, cho dù thủ tướng Shinzo Abe ít được người dân mến mộ vì ông bị ám ảnh bởi việc muốn sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa.

Sau khi thành lập một chính đảng mới, đảng Hy Vọng, thống đốc Tokyo Yuriko Koike thông báo không ra tranh cử lập pháp. Quyết định này chỉ góp phần vào việc làm tan rã lực lượng đối lập chính, đảng trung-tả Dân Chủ. Trước đó, cánh hữu trong đảng này đã tham gia đảng Hy Vọng, đánh cược vào uy tín, được lòng dân của bà thống đốc Tokyo. Trong lúc đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của đảng Hy Vọng bị tụt giảm mạnh. Bởi vì người dân Nhật nhận thấy là đảng Hy Vọng còn bảo thủ và mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hơn cả đảng của ông Shinzo Abe. Đảng bảo thủ của ông Abe đã liên tục, hoặc gần như vậy, cầm quyền tại Nhật Bản từ hơn nửa thế kỷ qua./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511944

Hôm nay

2270

Hôm qua

2337

Tuần này

22318

Tháng này

218817

Tháng qua

121356

Tất cả

114511944