Trong những ngày này, khi cả thế giới đang quan tâm đến Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc, Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi về chiến lược Vành đai và Con đường của Trung quốc với TS. Trịnh Văn Định đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong những ngày này, khi cả thế giới đang quan tâm đến Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc, Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi về chiến lược Vành đai và Con đường của Trung quốc với TS. Trịnh Văn Định đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội
Phan Văn Thắng: Theo ông, Vành đai và Con đường là sáng kiến mới hay là sự lặp lại lịch sử của họ?
Trịnh Văn Định: Theo tôi, Vành đai và Con đường không phải là một sáng tạo vĩ đại lớn lao, đột xuất, phản ảnh một trí tuệ đỉnh cao nào đó của Trung Quốc. Nó là Phục cổ hơn là sáng kiến.
Sở dĩ tôi nói Phục cổ hơn là sáng kiến là bởi lẽ, Vành đai và Con đường có tên đầy đủ là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (viết tắt là Vành đai) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI(Con đường). Trong đó, Vành đai là sự đầu thai của con đường tơ lụa cổ xưa và có bổ sung mở rộng và khuyến khích kếp nạp những quốc gia khác tham gia. Còn Con đường thực chất là sự tái khôi phục theo tuyến hải trình của Trịnh Hòa. Ngoài ra, Trung Quốc còn nói đến con đường tơ lụa thông tin, con đường tơ lụa học thuật…Thực chất tất cả chỉ là sự phái sinh từ gốc con đường tơ lụa cổ xưa hay “con đường tơ lụa” trên biển. Tôi xin nói thêm, theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, thì không có cái gọi là con đường tơ lụa trên biển.
Phan Văn Thắng: Vành đai và Con đường hình thành ở giai đoạn đỉnh cao hay là khúc trượt dốc của Trung Quốc?
Trịnh Văn Định: Đây là câu hỏi rất khó. Để hình dung được Vành đai và Con đường phản ánh hay là kết quả đỉnh cao phát triển của Trung Quốc hay phản ảnh Trung Quốc đi vào khúc trượt dốc chúng ta cần điểm lại căn nguyên và thời điểm hình thành nó. Vành đai và Con đường hình thành 2015, với văn kiện có tên chính thứcTầm nhìn và hành động thúc đẩy cùng xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, được ban hành bởi Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, ban hành vào ngày 28 tháng 3 năm 2015. Tính một cách tương đối, nó ra đời trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc trải qua giai đoạn phát triển đỉnh cao sau khoảng 30 năm cải cách mở cửa. Như vậy, nhìn tuyến tính theo trục thời gian, về hình thức nó là phản ảnh của 30 năm phát triển của Trung Quốc.
Tuy nhiên nhìn sâu hơn, Vành đai và Con đường được hình thành khi ở nội bộ Trung Quốc có ý kiến sau khủng khoảng tài chính năm 2008, về độ rủi ro khi “bỏ trứng vào một giỏ”, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khoảng 3000-4000 tỉ đô quá nhiều rủi ro. Từ một quan sát khác, Trung Quốc sau 30 năm phát triển dựa vào xuất khẩu ngày nay đã trở nên dư thừa và cạn kiệt động lực phát triển, thâm thủng ngân sách ở các địa phương do nợ xấu và tham nhũng theo kiểu chủ nghĩa thân tộc Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Nhân đây xin nói thêm, theo Bùi Mẫn Hân, chủ nghĩa tư bản Trung Hoa ngày nay được định nghĩa là chủ nghĩa tư bản thân tộc, mà cội nguồn của nó là chủ nghĩa Mao cộng với cải cách của Đặng Tiểu Bình. Chính vì sự dư thừa cần giải phóng cũng như cần bơm thêm động lực cho sự phát triển, gắn kết vận mệnh của Trung ương với các địa phương, Vành đai và Con đường trở thành “Phao cứu sinh” (chữ dùng của CSIS) cho sự tồn tại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và của cá nhân chủ tịch Tập Cận Bình. Từ chiều kích này mà xét, Vành đai và Con đường là sợi dây, là cái phao cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhóm thân hữu và các địa phương Trung Quốc cột vào nhau đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Không ngẫu nhiên, các tỉnh của Trung Quốc nhiệt tình trong việc đệ trình kế hoạch của tỉnh mình tham gia Vành đai và Con đường, các công ty nhà nước được hỗ trợ để đi ra ngoài, thử sức khắc nghiệt hơn, tôi rèn cho sự phát triển, mà lý do đơn giản cho sự nhiệt tình này là được hỗ trợ vốn từ các định chế tài chính lập ra phục vụ cho Vành đai và Con đường.
Như vậy, nhìn sâu hơn, nó là một giải pháp giải cứu, đảm bảo cho sự chính danh tồn tại của Đảng cộng sản Trung Quốc, nó thuộc về dạng tình thế hơn là một chiến lược chủ động.
Phan Văn Thắng: Nếu không có ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc có Vành đai và Con đường hay không?
Trịnh Văn Định: Theo tôi nếu không có ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc chưa hoặc sẽ không có Vành đai và Con đường, bởi lẽ, ông Tập Cận Bình có những cơ duyên đặc biệt, mà chỉ riêng ông có, người khác không có.
Bên trên chúng ta bàn đến lý do sâu xa cho sự hình thành siêu chiến lược Vành đai và Con đường để tạo cơ sở cho sự tồn tại tiếp tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tránh cho sự sụp đổ của Trung Quốc. Nhưng câu chuyện là, tại sao đại chiến lược đó lại định danh là Vành đai và Con đường, tại sao nó lại là sự đầu thai trở lại của con đường tơ lụa cổ xưa và phục dựng tuyến hải trình của Trịnh Hòa. Rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rất rõ sự chi phối, sự ám ảnh của lịch sử, chính sự ám ảnh này ảnh hưởng chiều sâu đối với ông Tập cho việc hình thành Vành đai và Con đường.
Chúng ta biết rằng, ông Tập quê ở Thiểm Tây, mộ phần thiêng liêng và quan trọng của cha ông Tập Trọng Huân đặt ở Thiểm Tây. Trường An (nay là Tây An) thủ phủ Thiểm Tây như chúng ta biết là quê hương, đầu mối phồn vinh của con đường tơ lụa cổ xưa, đặc biệt, nơi đây cũng là quê hương của nhân vật đặc dị trong lịch sử Trung Quốc Trương Khiên: được định danh là người mở đường, mở ra con đường tơ lụa cổ xưa, cũng quê Thiểm Tây cùng quê ông Tập. Ngày nay, tượng Trương Khiên đặt ở Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây và mộ phần của ông vẫn còn ở nơi đây.
Mặt khác, Trường An là kinh đô lừng danh của hai triều đại huy hoàng của Trung Quốc Hán – Đường, cách đó không xa, Hàm Dương cũng tại Thiểm Tây là kinh đô của đế chế Tần hùng mạnh đầu tiên của Trung Quốc… Những hoàng đế lừng danh nhất Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế,.. đều sống ở nơi đây… và vô vàn truyền thống văn hóa chính trị khác của Trung Quốc tụ lại nơi này và nhiều yếu tố khác, chắc chắc không thể không khiến ông Tập tự hào về quê hương mình. Ông đã tự cảm thán khi phát biểu về quê hương mình khi lần đầu tiên công bố ý tưởng chiến lược Vành đai kinh tế con đường tơ lụa ở Kazakhstan”: Quê hương của tôi Thiểm Tây, lại nằm ở khởi điểm của con đường tơ lụa cổ xưa. Đứng ở đây ngoái đầu nhìn lại lịch sử, tôi phảng phất nghe được thanh âm của tiếng Lạc Đà vang vọng lại giữa núi đồi, tôi nhìn thấy những làn khói mỏng vấn vương, tha thướt, của những cách chim tung bay trên sa mạc rộng lớn. Tất cả điều đó, làm tôi cảm thất vô cùng thân thiết[1].
Chính vì vậy, Tây An ngày nay được ông Tập giao cho nhiệm vụ trung tâm văn hóa, đầu mối vành đai học thuật con đường tơ lụa, Đại học Giao thông Tây An quê ông là đầu mối cho việc này.
Không chỉ có vậy, với tuyến hành trình của Trịnh Hòa ông cũng có cơ duyên đặc biệt. Ông kinh qua nhiều chức vụ cao cấp: làm Phó Bí Thư tỉnh ủy, tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang và sau đó là Bí thư Thành Ủy Thượng Hải. Phúc Kiến được biết đến là cảng biển lừng danh và thuộc vào loại lớn nhất Trung Quốc và thế giới thời Minh, nơi gắn với những con tàu được Trịnh Hòa chỉ đạo đóng ở nơi đây và nơi Trịnh Hòa xuất dương chính ở nơi đây. Và điều đó giải thích tại sao ngày nay ông Tập Cận Bình chọn Phúc Kiến là “đốt tủy sống”, là điểm lõi của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI của Trung Quốc. Và như vậy, vệt ba tỉnh giáp biển của Trung Quốc Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải ông đều sống và thâm nhập ở vùng duyên hải này.
Như vậy, quê ông Thiểm Tây nơi đầu mối con đường tơ lụa cổ xưa, lại được kinh qua vị trí đứng đầu ở các tỉnh lớn nhất của Trung Quốc ở phía Biển, sa mạc và biển ám ảnh trong ông, nếu không có một cơ duyên đặc biệt như ông thì khó có ai khác có thể “kết nối” ông với quá khứ cho hình thành đại chiến lược phục cổ Vành đai và Con đường này.
Phan Văn Thắng: Mối quan hệ của vành đai và con đường với việc chống tham nhũng và chiến lược ngoại giao của ông Tập Cận Bình?
Trịnh Văn Định: Ông Tập Cận Bình gắn liền với “giấc mộng Trung Hoa”, với cấu trúc gồm các trụ cột đối nội và đối ngoại. Đối nội: Ông Tập muốn xây dựng tư tưởng, lý tưởng cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, làm điểm tựa cho sự tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi theo ông, do 30 năm phát triển bằng mọi giá, Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là quan chức đảng viên vì tiền tài, danh vọng và tham nhũng nên đã đánh mất, quên đi lý tưởng, tư tưởng, làm mất điểm tựa cho sự tồn tại của Đảng. Chống tham nhũng là một cách thức để tìm kiếm lại lý tưởng, tư tưởng đã mất đó. Ưu tiên đầu tiên của ông là gọi hồn trở lại cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng hệ lụy của chống tham nhũng cũng để lại cho ông tình thế lưỡng nan: nếu không chống tham nhũng thì mất nước nhưng nếu chống tham những quá sâu và rộng thì dẫn đến nguy cơ mất Đảng. Về đối ngoại, ông muốn Trung Quốc hành xử theo kiểu cường quốc, khác với hành xử trước đây được di huấn của Đặng Tiểu Bình. Vành đai và Con đường vừa là phao cứu sinh cho đối nội, vừa là hình thức đối ngoại của Trung Quốc với thế giới. Hay nói cách khác, đó là cách ông Tập muốn giao tiếp với thế giới.
Phan Văn Thắng: Bằng cái nhìn lịch sử, theo ông “sắc tố Hán” đóng vai trò như thế nào trong con đường tơ lụa trên bộ (thời Hán), con đường tơ lụa thời Nguyên, và con đường tơ lụa trên Biển?
Trịnh Văn Định: Điều này đặc biệt thú vị. Xin nhắc lại rằng cả con đường tơ lụa trên bộ và con đường trên biển đều không phải thuần túy là của Trung Quốc. BBC tiếng Việt đã có bài báo rất hay rằng “con đường tơ lụa không của riêng ai”[2]. Thú vị hơn, xin đi sâu vào “sắc tố Hán’ với tư cách là chủ thể của Trung Quốc đóng góp như thế nào cho Con đường tơ lụa cổ xưa cả trên bộ lẫn trên biển, mà ngày nay lại đề ra Vành đai và Con đường như của riêng Trung Quốc.
Đặc biệt thú vị là, nhiều người nhầm tưởng rằng, con đường tơ lụa là của người Hán, do người Hán kiến tạo nên. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Sắc tố Hán có góp phần nhưng lại khá mờ nhạt trong hình thành và phát triển con đường tơ lụa trên bộ và con đường trên biển. Con đường tơ lụa thời Hán, một phần nằm trên phần đất của Trung Quốc và phần Trung Quốc chiếm được nhập vào lãnh thổ ở khu vực Tây Vực, nay chủ yếu là vùng đất Nội Mông, Cam Túc và Tân Cương. Phần đất này thời Hán là chiếm gần ½ lãnh thổ Trung Quốc (khoảng 2 triệu km vuông / tổng số 4 triệu km vuông. Tân Cương ngày nay là tỉnh rộng nhất Trung Quốc, khoảng 1,6 triệu Km vuông). Duy trì, thông thương, tạo đường cho tuyến này từ trước khi có con đường tơ lụa và kể cả sau này chủ yếu là sắc dân là người Hồ, sắc dân này khác biệt hoàn toàn người Hán, người Hán không thể đồng hóa được họ, thậm chí có những xu hướng ngược lại “Hồ hóa Hán” chủ yếu trước khi suy yếu thuộc sự thống trị của Hung Nô. Sắc dân này chính là tộc người chủ yếu trong việc duy trì và bảo vệ nó. Ngoài ra, lãnh thổ Trung Quốc chỉ chiếm một phần, phần lớn nó nằm ngoài Trung Quốc. Vì thế sự đóng góp của các sắc dân khác nổi bật hơn. Mặt khác, Trương Khiên, người được Hán vũ Đế phái đi mở đường Tây Vực, tiêu diệt Hung Nô, quê Thiểm Tây, nhưng trong sử Trung Quốc không chép căn cước tộc người của ông này, chỉ chép là người giỏi bắn cung cưỡi ngựa, thích lập công nơi biên cương. Về tính cách gần với Hung Nô hơn người Hán. Mặt khác, lịch sử Trung Quốc không xuất hiện loại người đặc dị phiêu lưu như vậy, duy trường hợp Trương Khiên. Đặc biệt, sau khoảng 30 năm ở Tây Vực, Trương Khiên từng bước bị Hồ Hóa, lấy vợ Hồ và sau thông hiểu văn hóa Hồ và nói được tiếng Hồ. Sắc thái Hán mờ nhạt dần.
Đặc biệt, con đường tơ lụa phát triển đỉnh cao thời Nguyên. Con đường tơ lụa thời này được mô tả là “Dưới đế chế Mông Cổ, phạm vi cai trị đã vươn lên một đỉnh cao mới…Mối quan tâm sâu sắc nhất đối với thương mại của Mông Cổ thể hiện ở chỗ Con đường Tơ lụa xuyên Trung Á đã nổi lên thành một “bằng chuyền” được bảo vệ tốt cho việc trao đôi hàng hóa, con người và ý tưởng. Với các trạm gác Mông Cổ, những quán trọ, hệ thống bưu chính, hệ thống hộ chiếu và thẻ tín dụng (Paiza) sơ khai, giao thương và vận chuyển đường bộ đã được cai quản tốt chưa từng thấy trên con đường này”[3]
Công lao việc khai thông và đẩy con đường tơ lụa đỉnh cao thời nhà Nguyên lại không thuộc về tộc người Hán, nó là đóng góp của người Mông cổ, thuộc về sắc tộc phía Bắc, gắn với văn hóa sa mạc không phải văn hóa bám đất như người Hán.
Còn con đường trên biển gắn với tuyến Hải trình lừng danh của Trịnh Hòa, nó cũng không phải là đóng góp của người Hán. Trịnh Hòa là gốc người Hồi, người Hồi sở trường đi biển, buôn bán.
Vì vậy, có thể nói, sự đóng góp của sắc tộc Hán với hệ thống đường trên bộ và cả trên biển là mờ nhạt so sới các tộc người khác.
Nhìn từ chiều kích tôn giáo, sự đóng góp của của tôn giáo Trung Quốc cũng mờ nhạt hơn so với tôn giáo khác. Người đầu tiên đi vòng quanh cả con đường bộ và con đường Biển là nhà sư Pháp Hiển, và sau này là Huyền Quang, thuộc về Phật giáo và sự di chuyển nổi tiếng là của các giáo sĩ Phương Tây, Hồi giáo và tôn giáo khác ngoài Trung Quốc, từ đó sự lừng danh về con đường tơ lụa trên bộ mới được phương Tây biết đến.
Như vậy, từ góc độ sắc tộc Hán cũng như tôn giáo, sự đóng góp của người Hán với tư cách chủ thể Trung Quốc cho con đường tơ lụa trên bộ và tuyến Hải trình trên biển là mờ nhạt. Nhưng phải ghi nhận là họ, người Hán Trung Quốc có đóng góp nhưng cần tách bạch ra rằng, sự đóng góp khá khiêm tốn không phải như những gì họ nói tuyên truyền và chúng ta vẫn tưởng. Và một chi tiết thú vị là, cuốn Từ điển con đường tơ lụa của Trung Quốc lại do nhà xuất bản Tân Cương ấn hành, chứ không phải tỉnh khác của Trung Quốc ấn hành. Điều này một lần nữa làm rõ hơn tính chủ thể sắc tộc của con đường tơ lụa.
Phan Văn Thắng: Theo ông, một trong những phương thức nguy hiểm nhất mà Trung Quốc áp dụng ở Vành đai và Con đường là gì và nó có mối liên hệ lịch sử như thế nào.
Trịnh Văn Định: Trương Khiên tuy đi sang Tây Vực, khai thông đế quốc Hán với thế giới nhưng nhà Hán vẫn chưa tìm ra cách tiêu diệt Hung Nô. Trong vô số những biện pháp Trung Quốc tiến hành, chưa tìm được biện pháp hiệu quả. Trước thời Hán Văn Đế, Hung Nô vẫn luôn là thế lực đe dọa thường xuyên Trung Quốc. Nhà Hán đã tổng kết: kiểm lại các sự kiện, thấy rằng, sợ mọi phương Bắc có thể dùng vũ lực mà khuất phục được nhưng biến đổi chúng lại là rất khó (Hậu Hán thư).
Tuy nhiên, bước ngoặt của việc xử lý Hung Nô đồng thời cũng trở thành phương thức kinh điển mở rộng lãnh thổ và tiêu diệt tộc người biên giới mở rộng lãnh thổ là việc lập đồn điền, đặc biệt đồn điền quân sự. Nhân vật hiến kế này là Tiều Thác (200-154 TCN), Tiều Thác dâng sớ với Hán Văn Đế: chiêu mộ tội phạm, nô ty và dân nghèo lên biên giới lập đồn khai khẩn canh tác ruộng đất, để phòng bị rợ Hồ (Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc). Văn đế nghe theo chủ trương này , mộ dân mở đồn điền để củng cố biên giới. Các đời hoàng đế tiếp theo nhà Hán liên tục áp dụng phương thức này, đặc biệt thời Hán Vũ Đế đợt di dân ồ ạt lên biên giới. Phương thức này đã giúp nhà Hán trừ được mối họa từ thời Tần và qua nhiều đời nhà Hán. Với phương thức này, gần 2 triệu km vuông, của vùng khu vực Nội Mông, Tân Cương... đã nhập vào lãnh thổ Hán.
Các triều đại tiếp theo của Trung Quốc tiếp tục duy trì, phát triển hình thức này để mở rộng biên cương lãnh thổ.
Ngày nay, vùng biến giới của Trung Quốc giáp với Ấn Độ, Lào, Myanmar, Việt Nam...những kiểu đồn điền tiếp tục là mũi tiến công của Trung Quốc vào những nước này. Chắc hẳn là, những tội phạm, tù nhân, người vô gia cư, không có việc làm, dân lao động nghèo, kể cả dân thiếu đối tác (khoảng 40 triệu Nam giới Trung Quốc)...là lực lượng tiên phong mở đường, mở đất ở biên giới
Đặc biệt ngày nay, ngư dân được xua xuống biển, chiếm biển và đảo của các nước khác, chắc hẳn tội phạm, tù nhân, người nghèo, vô gia cư và nam thiếu đối tác ...tiếp tục là lực lượng tiên phong mở đường ra biển...
Lực lượng này có thể tiêu diệt những chiến binh thiện chiến lừng danh của Hung Nô thì rất đáng lo ngại cho các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Và đáng ngại nhất là lực lượng này nếu vào sâu trong lục địa của các nước lân bang thì sẽ vô cùng đáng ngại. Đây là điều tuyệt đối cần tránh, Việt Nam cần hết sức thận trọng với lực lượng này.
Phan Văn Thắng: Một mục tiêu của Con đường và vành đai là kết nối Trung Quốc với các nước khác. Vậy tình thế Việt Nam hiện nay trong thế giới kết nối đó như thế nào?
Trịnh Văn Định: Nếu như trong truyền thống, Việt Nam cơ bản nằm ngoài những kết nối lớn trong lịch sử Trung Quốc: Kết nối giữa các đỉnh núi: kết nối vạn lý trường thành, kết nối của sông đào và sông tự nhiên (Đại Vận Hà), Việt Nam cũng nằm ngoài, Việt Nam chỉ là điểm đi qua của tuyến Hải trình của Trịnh Hòa. Riêng lần này, Việt Nam nằm cả trong hệ thống kết nối bao trùm của Trung Quốc. Trên Biển Việt Nam là tuyến điểm với các vị trí chiến lược Trung Quốc muốn thâm nhập như Cảng Hải Phòng, Vân Đồn, Đà Nẵng...trên Bộ Trung Quốc kết nối Việt Nam, bắc bộ vào với Vân Nam...Đường Sông, Việt Nam nằm ở hạ lưu sông Me kong nằm trong kết nối với Lan Thương ở Trung Quốc. Cái mà Trung Quốc luôn tuyên truyền và muốn kết nối là tạo ra các nước xung quanh và cả Việt Nam là cùng ‚chung vận mệnh với Trung Quốc.
Về việc này, chúng ta nên xác định rõ, vận mệnh của Việt Nam là do Việt Nam chịu trách nhiệm và quyết định, Việt Nam không chung vận mệnh với Trung Quốc. Điều này là nguyên tắc trong nhận thức. Nếu chúng ta tham gia Vành đai và Con đường thì cũng xác định rõ chúng ta có thể tham gia nhưng không chung vẫn mệnh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Khi Trung Quốc ve vãn Úc tham gia Vành đai và Con đường, kết nối phía Bắc của Úc với Vành đai và Con đường Trung Quốc, theo lời Giáo sư Carlyle Thayer, trong buổi hội thảo Quốc tế :“Sáng kiến Vành đai và Con đườngcủa Trung Quốc cơ hội và thách thách, do Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại Học Quốc gia Hà Nội cùng phối hợp tổ chức với Quỹ Konrad Adenaure Stiftung (Kas), ngày 6 tháng 10 năm 2017, tại Khách Sạn Hilton, Số 1 Lê Thánh Tông, Hà Nội, đã cho biết, Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Úc tuyên bố đại ý rằng: dự án cơ sở hạ tầng của Úc là của riêng Úc, là sự tách biệt, không liên quan, liên đới tới Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Ngày nay, Trung Quốc xác lập mục tiêu ra biển không chỉ vì lý do dầu khí, đường hàng hải, sản vật biển, quan trọng nhất Trung Quốc xác định : Đảng ta phải với tay ra Biển để kiếm soát cả thế giới (Mao Trạch Đông). Trong các nước Đông Nam Á, Myanmar án ngữ con đường ra Ấn Độ Dương, Việt Nam án ngữ con đường ra Thái Bình Dương, vì vậy, Việt Nam là đất nước trọng điểm của kết nối ở Vành đai và Con đường, và buộc phải đi qua và khống chế nếu muốn ra biển kiểm soát cả thế giới.
Nếu trước đây Trung Quốc có thể chấp nhận Việt Nam là phên giậu, chư hầu hình thức thì với chiến lược mới này, Việt Nam là nơi nằm trong chiến lược loại bỏ đầu tiên của Trung Quốc.
Phan Văn Thắng: Hình thức của Vành đai và Con đường là tính kết nối, vậy theo ông bản chất của nó là gì?
Trịnh Văn Định: Vành đai và Con đường,linh hồn của nó là sự kết nối, kết nối của quá khứ với hiện tại, kết nối Trung Quốc với thế giới, kết nối nội tại Trung Quốc, kết nối sa mạc với bến cảng...nhưng điều bất ngờ là bản chất của kết nối này là chia cắt. Chia cắt để trị. Siêu chiến lược này nhìn trên bản đồ là sự tiếp nối và kết nối của các điểm Trung Quốc với các tuyến điểm ngoài Trung Quốc, bằng các con đường, trạm, các bến cảng. Nhưng có một điều đặc biệt là, nó là sự kết nối của Trung Quốc với từng nước cụ thể. Chẳng hạn, Trung Quốc kết nối với Việt Nam và đầu tư ở Việt Nam, Myanmar hay Lào không biết và không được can thiệp vào. Và ngược lại, dự án của các nước khác Việt Nam cũng không được biết. Với đòn này, Trung Quốc đã phân tách Asean, phân tách các đồng minh với nhau ra. Chẳng hạn, ba nước Đông Dương bị tách ra, thậm chí sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa các nước... Về bản chất là sự chia cắt, việc này sẽ dễ cho Trung Quốc bẻ gẫy từng nước một trong đàm phán.
Sự nguy hiểm còn ở chỗ, nếu tham gia cũng bị chia cắt, tức là bị tách ra khỏi khối trong đàm phán với Trung Quốc mà đương nhiên sẽ không có Win-Win (cùng thắng) cho bất cứ nước nào, ngoài trừ Trung Quốc. Còn nếu Việt Nam không tham gia cũng bị cô lập, bởi lẽ, những công trình của Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện dày đặc ở Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan...như vậy Việt Nam bị cô lập xung quanh các nước này. Tình thế lưỡng nan của việc tham gia hay không tham gia là một câu hỏi lớn.
Phan Văn Thắng: Tính kết nối trong lịch sử Trung Quốc diễn ra như thế nào qua các đại công trình lớn và vì sao tôi có cảm giác kết nối như một ám ảnh lịch sử với Trung Quốc và cả với ông Tập Cận Bình?
Trịnh Văn Định: Thú vị là, cho đến nay, Trung Quốc là đại cường trên thế giới sau Mỹ nhưng vẫn là quốc gia mang nỗi đau về cường quốc bất toàn vẹn, lãnh thổ vẫn bị chia cắt và nguy cơ chia cắt thường trực ở những điểm nóng như Tân Cương, Tây Tạng... chi phí an ninh nội địa vượt qua chi phí cho quốc phòng. Vì vậy, kết nối, có nghĩa là thống nhất toàn Trung Quốc là một ám ảnh lịch sử và nhiệm vụ tối cao của bất kỳ hoàng đế nào, kể cả ông Tập. Vì thế Văn kiện viết một câu rất có ý đồ rằng, trong kết nối khu vực Phía Đông, lấy Phúc Kiến làm điểm lõi, tạo điều kiện cho Đài Loan tham gia vào Vành đai và Con đường. Đây chính là ám ảnh của sự bất toàn và chia cắt lãnh thổ. Vì thế kết nối để thống nhất là một nhiệm vụ của các hoàng đế Trung Hoa nhưng xuất phát từ ám ảnh lịch sử của quy luật chưa được giải quyết hợp tan trong lịch sử Trung Quốc
Phan Văn Thắng: Ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới kết nối của vành đai và con đường.
Trịnh Văn Định: Về Nguyên tắc, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên tìm cách khai thác những giá trị của Vành đai và Con đường mang lại. Tuy nhiên, khi tham gia chúng ta cần đảm bảo những điều kiện sau đây:
- Trước hết, chưa vội tham gia ngay từ đầu. Cần có đánh giá từ những công trình đã và đang triển khai từ các nước khác ở ngay cạnh mình, để rút kinh nghiệm cần thiết. Chúng ta cần có những biện pháp riêng để có được thông tin chiến lược.
- Trung Quốc muốn chia tách để khai thác, khi tham gia chúng ta nên quốc tế hóa việc tham gia, trong đó nên có cả những công ty của Nhật, Mỹ, Ấn Độ cùng tham gia cùng với các công ty Việt Nam. Nên để công ty tư nhân Việt Nam tham gia, để họ chủ động trong đàm phán và đưa ra những yêu cầu khi tham gia và nếu có khiếu kiện khi cần thiết. Công ty tư nhân tham gia họ sẽ có trách nhiệm cao nhất và hiệu quả nhất với từng đồng tiền họ bỏ ra.
- Tuyệt đối không cho Trung Quốc thuê đất, mua các vị trí trọng yếu về an ninh , quốc phòng như cảng biển, biên giới, vùng đất nhạy cảm.
- Hạn chế mức tối đa việc Trung Quốc đồn điền hóa, đặc biệt đồn điền quân sự. Tuyệt đối không cho tội phạm, phạm nhân, người vô gia cư, giang hồ ....vào nước ta làm việc ở những địa bàn có công ty của Trung Quốc hoặc thành lập nên các khu vực người Trung Quốc sống, nhất là gần vùng biên cương, hải cương, hoặc biên giới các nước khác nơi có các dự án của Trung Quốc.
- Việt Nam nên đề xuất ở Asean, cần có sự thống nhất, hỗ trợ nhau, chia sẻ thông tin trong Asean về các dự án liên quan đến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, tránh bị cô lập và chia rẽ. Việt Nam cũng lên tiếng với các nước khác tham gia Vành đai và Con đường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ thông tin. Cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn của các nước đã tham gia Vành đai và Con đường (không có Trung Quốc) nhưng nên mời Đức, Nhật, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu, Nga tham dự để chia sẻ và rút kinh nghiệm ứng xử.
- Việt Nam nên đề xuất phía Đức, Nhật, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Pháp, Liên Minh Châu Âu.. nên triển khai dự án tương tự làm đối trọng, tạo cơ hội cho các nước tham gia Vành đai và Con đường hoặc không tham gia có cơ hội tham gia dự án tương tự, tránh lệ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc.
- Tuyệt đối hạn chế việc cho Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện, thủy điện, nhiệt điện hoặc năng lượng điện hạt nhân. Nguy hại nhất không chỉ đến từ nguy cơ từ phế thải, môi trường, nguy hiểm hơn cả là cho an ninh Quốc gia nếu Trung Quốc chi phối và ảnh hưởng lớn đến lưới điện Quốc gia. Chính phủ Úc đã ý thức và tuyệt đối tránh điều này.
Phan Văn Thắng:Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này, hy vọng chúng ta sẽ cóp dịp trao đổi nhiều hơn về Vành đai và Con đường./.
2162
2291
2779
215202
0
114528506