Theo báo Financial Time (Anh), do lo chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái, buộc Trung Quốc gần đây phải tăng cường cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả là các khoản vay mới đã tăng thêm 6200 tỷ NDT (≈ 954 tỷ USD) trong 3 tháng đầu năm 2016. Con số trên góp phần khiến nợ công của Trung Quốc (nợ trong nước, nước ngoài) đạt mức 163.000 tỷ NDT vào cuối tháng 3/2016. Theo dữ liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế, nợ công của Trung Quốc là 249% GDP, trong khi đó nợ công của Mỹ là 248% GDP và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) là 270% GDP. Điều đó khiến người ta lo ngại cho sự gia tăng các khoản nợ “khủng” của Trung Quốc. Vì năm 2007 nợ công của Trung Quốc là 148% GDP [2].
Hiện nay, Trung Quốc đang là nước có khối nợ quốc gia thuộc diện lớn nhất thế giới, bao gồm cả nợ Chính phủ, nợ địa phương, nợ doanh nghiệp. Năm 2015 vào khoảng 282% GDP, yêu cầu trả nợ đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt nhất là những khoản nợ ngắn hạn [3].
Trong cơ cấu nợ của Trung Quốc, thì nợ chính phủ và nợ của các hộ gia đình tương đương nhau, ở mức trên 5000 tỷ USD, khoảng 65% GDP (do Chính phủ Trung Quốc công bố). Nỗi lo lớn nhất trong nợ công của Trung Quốc đó là nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ ở địa phương. Có thể nói nợ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện đang ở mức cao nhất thế giới, với tốc độ nợ tăng lên rất nhanh. Điều đó khiến giới phân tích kinh tế nhận định là rất nguy hiểm. Theo số liệu mới nhất, từ đầu năm 2016 tới nay, 6 doanh nghiệp Nhà nước TQ đã bị vỡ nợ. Ước tính, các vụ vỡ nợ trên tổng giá trị lên đến hơn 16,5 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng nợ. Quỹ tiền tệ quốc tế đã công báo TQ cần giải quyết ngay gánh nợ nặng nề này [4].
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do sự suy giảm sản xuất công nghiệp, dư thừa sản lượng lớn trong thời gian qua. Năm 2015, 2016, TQ hầu như không đạt được tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp thua lỗ liên tục. Điều đó đặt các doanh nghiệp áp lực trả nợ ngày càng lớn, và trong bối cảnh kinh tế suy giảm, hạ cánh mềm.
Và nỗi lo ngại lớn cho tình trạng nợ công ở Trung Quốc đó là vấn đề nợ của các địa phương ngày càng gia tăng. Do muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt mức 9-10% GDP trong suốt gần 40 năm cải cách vừa qua (1978-2017), vì vậy các địa phương ở Trung Quốc đã đua nhau vay nợ, để kích cầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng như kho tàng, bến bãi, cầu, đường, đặc biệt là xây dựng các cao ốc, bất động sản… nhưng xây dựng nhiều mà không bán được, vì vậy bong bóng bất động sản bị sụp đỏ, khiến cho tình trạng nợ xấu ở địa phương là rất lớn. Nợ địa phương ở Trung Quốc ước tính khoảng vài ngàn tỷ USD.
Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, của địa phương, hầu hết do Ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Vì vậy, có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính, nếu như các ngân hàng sụp đổ, làm cho thị trường tín dụng bị tê liệt. Còn nếu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn có khả năng ngăn chặn khủng hoảng xảy ra thì chỉ còn cách tiếp tục bơm vào hệ thống một lượng tiền mặt rất lớn. Tiền đó chủ yếu từ các nguồn tiền gửi tiết kiệm trong dân, và các khoản dự trữ ngoại tệ đất nước…Nhưng sẽ xảy ra tình trạng nợ của Trung Quốc có thể dẫn đến cái gọi là “suy thoái bảng cân đối”, một thuật ngữ được ông Richard Koo, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomuira (Nhật Bản) đã sử dụng để mô tả sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản những năm 1990 và 2000. Bởi vì, khi nợ doanh nghiệp nhà nước đạt mức quá cao, những chính sách tiền tệ truyền thống không còn hiệu quả, bởi các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc trả nợ, nên sẽ không dám vay thêm nữa, cho dù lãi suất thấp. Nếu thua lỗ không thể hiện trên bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp, nó sẽ biểu lộ thông qua tăng trưởng chậm lại và dẫn đến giảm phát. Đó là cảnh báo các hệ lụy nợ công sẽ tạo ra một viễn cảnh xấu cho Trung Quốc phải đối mặt [5].
2. Một số giải pháp nhằm tháo gỡ
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế TQ đạt 6,7% GDP so với chỉ tiêu đặt ra là 6,5 - 7,0%. Năm 2017, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%, đảm bảo nợ công đúng mức cho phép. Nhưng trên thực tế, tăng trưởng quý 1/2017 đạt 6,9%, cao hơn 0,4% so với dự kiến. Và mức nợ công vẫn rất cao, vì vậy ngày 24/5/2017, lần đầu tiên trong gần 30 năm qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ mức xếp hạng của TQ. Tuy Bộ Ngoại giao TQ đã phủ nhận đánh giá của Moody’s. Nhưng Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo cho TQ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới về vấn đề này. Trong khi tăng trưởng kinh tế của các nước phương Tây và Trung Quốc có xu hướng chậm lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay. Và ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhà nước và địa phương lại vay nợ rất nhiều tiền để xây dựng đường xá, cầu cống, nhà ở…, đầu tư vào kinh doanh và hỗ trợ thị trường tài chính. Việc tiêu dùng phung phí này đã dẫn đến hậu quả là nợ trong nước ngày càng dồn đọng lại, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Ngân hàng Quốc tế ước tính nợ doanh nghiệp nhà nước TQ đã tăng nhanh khoảng 170% GDP trong năm 2016, gấp đôi mức trung bình ở nhiều nền kinh tế khác. Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề nổi cộm này, trong những năm gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã “hiến kế” nhiều giải pháp xử lý nợ công của doanh nghiệp Nhà nước và địa phương, đặc biệt là xử lý các khoản nợ xấu, nhằm giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng [6]. Nhưng Viện Nghiên cứu Mc Kinsey vẫn cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc để chỉ số nợ nần tiếp tục tăng trưởng như thời gian vừa qua, thì tổng mức nợ quốc gia có thể đạt đến mức 400% GDP vào năm 2018 - mức nợ này chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng trước năm 2020 [7].
Nhận thức được mức độ nguy hiểm của nợ công cao, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra rất nhiều các giải pháp nhằm tháo gỡ nợ công. Đó là:
2.1. Đối với nợ địa phương
2.1.1. Tăng cường giám sát các nền tảng tài chính địa phương và thiết lập cơ chế giám sát chéo giữa các bộ phận. Nâng cao mức độ công khai thông tin về các hoạt động huy động vốn của chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác truy tố trách nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo về những hoạt động huy động vốn bất hợp pháp.
2.1.2. Đặt ra nhiều biện pháp để xử lý nợ địa phương và các khoản nợ xấu của ngân hàng, xây dựng chính sách tiền tệ thận trọng, và trung lập. Giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng. Ngân hàng nhân dân TQ (PBOC) đã đổi cách tính tỷ giá hối đoái của đồng NDT nhằm hạn chế sự biến động trên thị trường tài chính. Đồng thời PBOC ngừng bơm tiền mặt vào thị trường, do năng lực thanh khoản liên ngân hàng bằng tiền mặt vẫn đang ở tình trạng ổn định. Hiện chi phí cho vay trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp [8]
2.2. Đối với nợ của doanh nghiệp nhà nước
2.2.1. Trong “Luật ngân sách nhà nước TQ”, nợ công không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ không cứu trợ các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ, hoặc bị phá sản. Nhưng về mặt xã hội, nó đang tạo ra một hệ lụy xấu. Người dân và nhà đầu tư Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi ấn tượng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không cứu trợ, bỏ mặc những tập đoàn nhà nước làm ăn yếu kém không trả được những khoản nợ của mình. Và hệ thống ngân hàng Nhà nước (nơi cho vay) sẽ là đối tượng tiềm ẩn các nguy cơ, trở thành các “quả bom nổ chậm”. Nó dẫn đến một kịch bản xấu nhất là người dân sẽ mất toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng, ngân hàng sụp đổ bất cứ lúc nào và chính phủ sẽ không can thiệp. Dẫn đến, một làn sóng rút tiền gửi đang diễn ra ngày càng tăng với quy mô lớn ở Trung Quốc. Điều đó buộc Chính phủ Trung Quốc phải tuyên bố áp dụng hệ thống bảo hiểm cho toàn bộ số tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Đây là giải pháp tình thế, nhằm trấn an người dân và tránh để sụp đổ hệ thống tài chính - ngân hàng, kinh tế đất nước. Tuy vậy, quan điểm của chính phủ Trung Quốc là không phải tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nào cũng sẽ nhận được hỗ trợ. Từ đó, chính phủ Trung Quốc sẽ ngày càng rút dần vai trò của mình ra khỏi lĩnh vực kinh doanh của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Đó là một bước đi đúng để nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính. Nhưng điều đó sẽ khiến cho người dân cảm thấy bất an khi không còn sự đảm bảo từ phía nhà nước. Và không ai có thể đảm bảo là người dân Trung Quốc sẽ không có phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế, và xã hội Trung Quốc. Đây là nghịch lý lớn trong việc xử lý nợ công ở doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện nay [9].
2.2.2. Trung Quốc tiến hành đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực hiện mua bán, sáp nhập, thực hiện phá sản các doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ.
2.2.3. Kêu gọi các hình thức liên doanh trong nước, nước ngoài, cùng hùn vốn đầu tư theo luật pháp quy định, thôn tính các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.
2.2.4. TQ sử dụng các công ty nhà nước về mua bán nợ, đặc biệt là nợ xấu nhằm xử lý các “cục máu đông” là các doanh nghiệp nhà nước nợ lớn, không khả năng trả nợ…
2.2.5. Trung Quốc tiến hành phát hành các trái phiếu chính phủ, vừa giúp các DNNN ngăn chặn làn sóng vay ngân hàng nhà nước, vừa giúp DNNN có điều kiện tăng nguồn vốn đầu tư trong sản xuất, lấy ngắn nuôi dài, có điều kiện tăng sản xuất kinh doanh, có thời gian để trả nợ cũ…
3. Đánh giá xu hướng nợ công Trung Quốc trong thời gian tới
Hiện nay, Trung Quốc đề ra đường lối phát triển kinh tế chậm lại “trạng thái bình thường mới” với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,5%, duy trì lạm phát ở mức 3%, tỷ lệ thất nghiệp 4,5%, tạo thêm 11 triệu việc làm mới ở thành phố. Xuất nhập khẩu ổn định, cán cân thanh toán quốc tế giữ mức cân đối, đảm bảo mức nợ công giữ ở mức bình thường [10]. Thực tế, trong quý 1/2017, tăng trưởng GDP của TQ đã đạt 6,9%, điều đó nói lên nền kinh tế Trung Quốc đã tiếp tục có đà tăng trưởng mới.
Xem xét mức độ nguy hiểm của nợ công Trung Quốc, các nhà phân tích đều cho rằng: với mức dự trữ ngoại tệ hơn 3000 tỷ USD, với mức tăng trưởng kinh tế vẫn vào loại cao nhất thế giới, đặc biệt hiện nay Trung Quốc lại là chủ nợ lớn nhất của Mỹ (theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đã nắm giữ 1.150 tỷ USD trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu do Mỹ phát hành trong tháng 6/2017), điều đó muốn nói lên rằng, Trung Quốc cũng như Nhật Bản, Mỹ là những nước có tỷ lệ nợ công lớn nhất thế giới khoảng 270-300% GDP, nhưng do tiềm năng kinh tế đất nước vẫn vững vàng, vì vậy sự nguy hiểm của nợ công là rất ít.
Nhưng để đảm bảo mức độ tăng trưởng đề ra là 6,5% GDP, thì Trung Quốc vẫn sẽ phải đẩy mạnh các hoạt động đầu tư cần lượng vốn rất lớn để tiến hành sản xuất, giao thương. Vì vậy trong tương lai, xu hướng tăng nợ công ở Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Bởi nền kinh tế Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng quy mô ở tốc độ cao, cho dù có giảm tốc so với thời kỳ tăng trưởng nóng trước kia (≈ 10% GDP). Nếu chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ các vấn đề nợ công, thì chắc chắn nợ công sẽ không nguy hiểm, không đe dọa đối với sự ổn định tài chính, kinh tế của Trung Quốc và thế giới.
Điều lo ngại nhất, đó là nợ công để phục vụ cho tiêu dùng phung phí như Hy Lạp và một số nước Nam Âu, Mỹ La tinh đã làm. Còn ở Trung Quốc, tín hiệu đáng mừng, đó là Trung Quốc đang đạt được những bước tiến trong việc thúc đẩy năng suất lao động, tăng cường đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, dịch vụ tại những khu vực kinh tế trọng điểm. Những bước tiến này vẫn đang được chính phủ Trung Quốc hối thúc, bất chấp những bất ổn tài chính gần đây, đã khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, trong cấu trúc nợ công và cấu trúc dòng vốn cho vay trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện nay cho phép Trung Quốc có nhiều cơ chế, công cụ để chống lại rủi ro, khi Tổng nợ công gia tăng.
Một điểm nữa cần lưu ý rằng, nhờ có tỷ lệ tiết kiệm cao trong dân, mà tính đến cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã đạt mức cho vay lên đến 74% tổng lượng tiền gửi trong hệ thống, và khoản dự trữ bắt buộc tại hệ thống Ngân hàng Trung Quốc đạt mức 17,5% tổng lượng tiền gửi. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn sẽ giúp ngân hàng xác định chính xác tỷ lệ vốn cho vay ra an toàn tương ứng với lượng tiền gửi này. Như vậy con số 74% ở trên đã được các ngân hàng tính toán kỹ lưỡng và xác định là an toàn khi cho vay ra. Sau gần 4 thập kỷ tăng trưởng kinh tế nóng, đã thúc đẩy mức thu nhập đầu người tăng nhanh chóng, giúp Trung Quốc đã tích lũy được một lượng tài sản lớn trong dân và trong hầu hết các ngành kinh tế đất nước. Theo ước tính, tổng mức nợ của dân Trung Quốc so với tổng mức tiết kiệm chỉ chiếm khoảng 47,6%, tức là tài sản trong dân vẫn còn rất nhiều, qua đó có thể tránh được những cú sốc mất mát tài sản nhất định [11].
Cái đáng lo ngại hiện nay về vấn đề nợ công ở Trung Quốc đó là thiếu minh bạch trong kiểm soát các khoản nợ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Đồng thời việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, nếu chính phủ không chịu trách nhiệm trong việc phá sản do nợ công gây ra ở hệ thống ngân hàng, điều đó sẽ gây phản ứng xấu về mặt xã hội. Khi đó người dân hoặc sẽ như “sóng dâng trào” rút tiền tiết kiệm gây phản ứng tiêu cực về kinh tế - xã hội, hoặc người dân sẽ có hành vi chống đối chính phủ. Điều đó sẽ có hệ lụy xấu về mặt xã hội. Đồng thời việc xử lý các khoản nợ xấu ở địa phương, của các doanh nghiệp nhà nước đã nợ lớn, không có khả năng chi trả, dẫn đến phá sản, nếu giải quyết không thỏa đáng sẽ dễ dẫn đến tác động tiêu cực cho các cổ đông, các nhà đầu tư trong, ngoài nước, gây hậu quả xấu về mặt chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
4. Một vài gợi mở cho Việt Nam
Qua vấn đề nợ công ở Trung Quốc hiện nay, có thể rút ra những bài học gợi mở cho Việt Nam chúng ta:
Thứ nhất, cần thống nhất với cách tính tỷ lệ nợ công của thế giới. Nợ doanh nghiệp nhà nước, nợ địa phương, nợ quỹ an sinh xã hội đều được tính là nợ quốc gia.
Thứ hai, phải đảm bảo tỷ lệ nợ nước ngoài ở mức thấp, giữ tỷ lệ nợ công luôn ở mức an toàn. Tăng tỷ lệ nợ công trong nước, nhưng phải đảm bảo an toàn cho các khoản tiền gửi của người dân. Kiên quyết chống lại việc nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, cho ngân hàng như trường hợp nhà nước mua lại nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng làm ăn thua lỗ với giá 0 đồng.
Thứ ba, kiên quyết tránh đầu tư tràn lan ngoài ngành, ngoài lĩnh vực chuyên môn được giao, ví dụ như ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, các ngành kinh tế lại tổ chức xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng…..
Thứ tư, công khai hóa, minh bạch hóa và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vay nợ trong kinh doanh, sản xuất. Khi nợ xấu xẩy ra, phải kiên quyết xử lý theo pháp luật hiện hành. Chống lợi ích nhóm trong các hoạt động cho vay và xử lý nợ công….
[1] Trần Nguyễn “Nợ công thế giới” http: //review.siu.edu.vn/print/zone/nơ -cong…
[2] Hoàng Phương “Trung Quốc nợ ngập đầu” http://nld.com.vn/prin.aspx ?news ID
[3] “TQ đang khốn đốn với nợ công”. http: //www.bvsc.com.vn/news Tools/print. aspx?
[4] “Nợ công ở TQ phình to, kịch bản giấy khủng hoảng kinh tế Mỹ”. http://vtv.vn/van-de-hom-nay/nơ-cong - ở - Trung - Quốc…”
[5] Hoàng Phương “TQ nợ ngập đầu”. http: //nld.com.vn/Print.aspx ? News ID…
[6] Hà Linh “Khoản nợ khổng lồ của TQ đang nguy hiểm mức nào ?”. http://thethaovanhoa.vn 06” 06/06/2017.
[7]“TQ đối mặt với khủng hoảng nợ công”. http://antt.vn/trung-quoc-doi-mat… 9h32’24/8/2017
[9] Nguyễn Phương “TQ với vấn đề nợ công”, http://kinhtedothi.vn/trung-quoc-vơi-van-de-no-cong - 291554-html.326-25/8/2017
[10] “Kinh tế TQ nhìn từ basoc áo công tác chính phủ năm 2017”. http://www.baomoi.com/kinh-te…13.50 ngày 16/03/2017
[11] “Soi khối nợ nghìn tỷ USD của TQ”. http://cafef.vn/soi-khoi-no-nghin-ty-USD… 10.31’ 11/07/2016