Nhìn ra thế giới

Những khó khăn của tổng thống Trump trong chuyến thăm châu Á

Chuyến đi châu Á dài ngày nhất (từ 3—14/11/2017) của một Tổng thống Mỹ kể từ thời Tổng thống George Bush (bố) hồi năm 1991 sẽ đưa Donald Trump tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và sau cùng là Philippines. Trong vòng 12 ngày, tổng thống Mỹ lần lượt ghé thăm Hawai – tiền đồn quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc – hai quốc gia đồng minh Đông Bắc Á; thăm chính thức Trung Quốc gặp Tập Cận Bình, trước khi đến Việt Nam dự thượng đỉnh APEC và Philippines mừng sự kiện 50 năm thành lập khối ASEAN và 40 năm hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên đường công du 5 nước châu Á từ ngày 3 đến ngày 14/11/2017 với một chính sách về ngoại giao không thể đoán trước và vào giữa lúc chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đang gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nếu như với các quốc gia trong vùng Đông Á, chuyến công du này như là một lời bảo đảm sự dấn thân nghiêm túc của Washington trong khu vực, thì theo nhận định của giới phân tích, ít nhất có 5 thách thức lớn đang chờ đợi nguyên thủ Mỹ.

Phương hướng lâu dài cho Trung—Mỹ

Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế, ông Donald Trump làm thế nào để có thể ngăn chận đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi mà ông đã cho rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một trong những biện pháp chủ đạo trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của người tiền nhiệm Barack Obama?Chuyến thăm tới Trung Quốc vào thứ tư, ngày 8/11 diễn ra chỉ khoảng hai tuần sau đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình và bước vào nhiệm kỳ thứ hai trong vai trò người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc. Trước đó Tổng thống Trump đã từng lên tiếng ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là người mạnh mẽ và ông cũng cho rằng ông Tập là một người tốt. Đối với Bắc Kinh, Hoa Kỳ rút khỏi TPP là một món "lộc trời cho". Có một điều chắc chắn, tại Trung Quốc, tổng thống Mỹ sẽ được đón tiếp long trọng và nồng hậu, nhưng ông sẽ không nhận được một sự nhượng bộ nào từ Tập Cận Bình. Giờ đây, mọi chú ý sẽ được tập trung vào bài diễn văn của tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh APEC Việt Nam, trình bày tầm nhìn của ông về "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng".

Đề cập đến chuyến thăm này, ngày 30/10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải bày tỏ hy vọng, Trung Quốc và Mỹ sẽ tìm được con đường “hợp tác cùng thắng”, “cùng bàn, cùng xây, cùng hưởng”, xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Nền tảng của hợp tác cùng thắng là tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau. Ông Thôi Thiên Khải chỉ ra, trong chuyến thăm lần này của ông Donald Trump, hai bên sẽ chỉ ra phương hướng lâu dài cho phát triển quan hệ Trung - Mỹ. Theo Đại sứ Thôi Thiên Khải, hợp tác kinh tế thương mại là nội dung quan trọng của chuyến thăm, điều này đã được hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ đạt được “thành quả tích cực” trong chuyến thăm. Theo Thôi Thiên Khải, phương hướng chính là tập trung cho thực hiện thương mại song phương công bằng hơn và cùng có lợi. Nhưng, vấn đề thâm hụt thương mại là một vấn đề mang tính kết cấu, khó có thể giải quyết được ngay. Chỉ cần hai bên nỗ lực cho mục tiêu cùng thắng và có cách làm mang tính xây dựng thì sẽ không ngừng đạt được tiến triển. Ông Thôi Thiên Khải còn cho hay các vấn đề nóng như vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên hay các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, hạt nhân Iran cũng là những vấn đề quan trọng sẽ được hai bên thảo luận. Trong đó, Trung Quốc sẽ kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc”; kiên trì thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chủ trương giải quyết vấn đề bằng đối thoại, đàm phán hòa bình; hoan nghênh Mỹ tham gia hợp tác “Vành đai, con đường”; yêu cầu Mỹ và các nước khác không can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc…

Gặp các lãnh đạo Việt nam

Sau Trung Quốc, Tổng thống Trump sẽ đến Việt Nam tham dự APEC ở Đà Nẵng, nơi ông sẽ có bài phát biểu về khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do. Đây là bài phát biểu được cộng đồng kinh doanh chờ đón vì châu Á đang muốn biết Mỹ sẽ đưa ra hướng tiếp cận nào trong cam kết về kinh tế với khu vực sau khi rút khỏi TPP hồi đầu năm nay. Tổng thống Mỹ sẽ đến Đà Nẵng ngày 10/11 để dự Cấp cao APEC và đến Hà Nội vào ngày 11/11 để gặp các lãnh đạo cấp cao bao gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo chuyên gia Amy Searight, chuyến thăm đến Việt Nam lần này của Tổng thống Trump chỉ vài tháng sau cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Nhà Trắng cũng cho thấy việc Mỹ coi trọng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Obama. Theo tôi họ sẽ thảo luận các vấn đề về kinh tế… Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề chiến lược khác là biển Đông cũng sẽ được bàn thảo. Việt Nam đã là tiếng nói đi đầu trong ASEAN trong vấn đề biển Đông và cứng rắn với Trung Quốc ở ASEAN, và vì vậy họ có nhiều khả năng sẽ thảo luận về vấn đề này. Trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước từ trước đến nay, vấn đề biển Đông vẫn luôn được nêu ra và cả hai bên luôn khẳng định việc duy trì an toàn tự do hàng hải, hàng không tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các bên tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, tuân thủ luật quốc tế.

Khó khăn thứ hai là hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Liệu rằng tổng thống Donald Trump có trấn an được hai đồng minh Đông Bắc Á Nhật Bản và Hàn Quốc trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không?Chưa có lúc nào lòng tin vào nguyên thủ Mỹ sụt giảm đến mức độ thấp như hiện nay. Người dân hai nước cảm thấy bất an về tính khí thất thường và những phát ngôn theo cảm hứng từ nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh lớn của họ. Ông Scott Snyder, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Quan Hệ Đối Ngoại, có trụ sở tại New York cho rằng: "Người dân Hàn Quốc muốn được trấn an là Hoa Kỳ sẽ không lôi kéo họ vào một cuộc chiến quá sớm và vô ích". Theo các chuyên gia, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang thu thập thông tin để chuẩn bị tung ra những đòn trừng phạt mới nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.

Các quan chức cao cấp của Mỹ cho biết, ông Trump sẽ cố thuyết phục ông Tập Cận Bình cần phải cứng rắn hơn với Triều Tiên, trong đó có việc hạn chế xuất khẩu dầu mỏ, nhập khẩu than cũng như thực hiện các giao dịch tài chính với Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về việc ông Tập Cận Bình sẽ “lắng nghe” Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi chính ông Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc đã rất nỗ lực trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng viện dẫn việc nước này bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt gần đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên như một bằng chứng cho thấy, Trung Quốc cũng đã rất cứng rắn trong việc buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đầy tham vọng. Nhưng theo các quan chức Mỹ, những nỗ lực ấy của phía Trung Quốc vẫn là chưa đủ, và Mỹ và các đồng minh vẫn đang thu thập thêm thông tin chi tiết về các giao dịch tài chính giữa các ngân hàng Trung Quốc với Triều Tiên nhằm xác định rõ các đối tượng cần chịu lệnh trừng phạt sắp tới. Dù vậy, giới chức Mỹ cũng cho rằng, các biện pháp này sẽ chỉ nhằm vào một số ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc để buộc họ dừng làm ăn với Triều Tiên và ít có khả năng “đụng đến” Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để tránh mọi việc “đi quá giới hạn”. Điều này xuất phát từ việc, Mỹ cũng e ngại về khả năng Trung Quốc sẽ “tung đòn đáp trả” khiến các ngân hàng và thể chế tài chính Mỹ thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, cuộc chiến tài chính Mỹ-Trung cũng được cho là sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

Sẽ có những tín hiệu lẫn lộn về Biển Đông

Thứ ba là vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm tới châu Á của Tổng thống Donald Trump, nhưng mức độ thảo luận với từng nước có thể là khác nhau, vì thái độ của từng nước với vấn đề này và cũng một phần bởi chiến lược chưa rõ ràng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề này.Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC nhận định. Rất khó để biết về lập trường của Tổng thống Trump đối với vấn đề biển Đông và ông sẽ nêu vấn đề ra ở mức độ nào. Đã có nhiều những tín hiệu lẫn lộn đưa ra từ chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến vấn đề biển Đông. Một mặt thì đã có những thảo luận cứng rắn đối với Trung Quốc ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền nhất là từ Ngoại trưởng Tillerson, và phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ở Shangrila về thái độ của Trung Quốc ở biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên ở biển Đông. Tuy nhiên mặt khác, đã 10 tháng trôi qua mà chính quyền mới vẫn chưa có (hoặc không có) một chiến lược rõ ràng về vấn đề biển Đông, và làm thế nào để gây sức ép với Trung Quốc trước thái độ quyết đoán của nước này ở biển Đông và giúp đỡ các đối tác và đồng minh của mình trong khu vực.

Theo bà Searight, vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo Việt Nam vào ngày 11/11 tới ở Hà Nội. Tuy nhiên rất có thể với Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không muốn nêu vấn đề này ra, trong khi với Trung Quốc việc Tổng thống Trump đưa vấn đề này ra như thế nào và có đưa ra hay không hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông. Việt Nam và Philippines cũng là những nước đòi chủ quyền tại đây, nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Duterte đã muốn giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Trong khi đó Trung Quốc từ trước đến nay vẫn khẳng định không muốn các quốc gia bên ngoài can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ. Lập trường của Hoa Kỳ từ trước đến nay là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình tại khu vực này qua việc thực hiện chương trình tự do hàng hải Fonops được bắt đầu từ năm 2015 dưới thời của Tổng thống Obama và vẫn tiếp tục dưới thời của Tổng thống Trump.

 

 

Dự cấp cao Mỹ--ASEAN nhưng bỏ qua Thượng đỉnh Đông Á

Vấn đề thứ tư, Tổng thống Trump thăm Philipin và dự Cấp cao Mỹ-ASEAN, nhưng lại bỏ Cấp cao Đông Á. Thôngđiệp ở đây là gì?Trái với chương trình từng được dự kiến, Nhà Trắng hôm 24/10/2017 cho biết là từ Philippines, ông Trump sẽ trở lại Hoa Kỳ một ngày sớm hơn dự kiến, tức là vào đúng ngày 14/11. Vấn đề là hôm 14/11 sẽ diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) – mà Mỹ là thành viên - cũng ở Philippines, việc tổng thống Mỹ bỏ về sớm có nghĩa là ông sẽ không dự hội nghị này. Nhà Trắng không cho biết lý do ông Trump tẩy chay Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, chỉ xác nhận rằng một phái đoàn khác của Mỹ sẽ tham dự EAS, định chế bao gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ. Tuy nhiên, theo hãng tin Mỹ AP, nhật báo Mỹ The Washington Post là phương tiện truyền thông đầu tiên tiết lộ tin tức về việc tổng thống Mỹ quyết định không dự Thượng Đỉnh Đông Á, một hội nghị tập trung vào các vấn đề chiến lược nhiều hơn là kinh tế, trái với Thượng Đỉnh APEC, diễn ra ở Việt Nam trước đó.

Trả lời tờ Washington Post, một phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ xác nhận rằng ông Trump sẽ đến Manila vào hai ngày 12-13/11 và sẽ gặp tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhưng ông không đi đến thành phố Angeles cách Manila 80 km vào ngày 14/11 để dự hội nghị Đông Á. Theo phát ngôn viên này, lý do duy nhất khiến ông Trump rút ngắn chuyến đi là do lịch trình làm việc, vì vậy : « Không nên suy diễn gì về việc tổng thống vắng mặt (ở Thượng Đỉnh EAS vào ngày 14 ». Đối với tờ The Washington Post, việc ông Trump bỏ Thượng Đỉnh EAS là là một tín hiệu xấu gửi đến khu vực Châu Á, và có thể tác hại đến thông điệp tiếp tục dấn thân mà chuyến công du của ông muốn đưa ra, đồng thời khiến khu vực hoài nghi thêm về vai trò lãnh đạo của Mỹ. Cựu đại sứ Mỹ tại Miến Điện Derek Mitchell chẳng hạn đã cho rằng sự vắng mặt của ông Trump chỉ gây nghi ngờ về sự xác tín của nước Mỹ.

Khó khăn thứ năm là chuyến cộng du châu Á của ông Trump diễn ra đúng vào thời điểm cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có những tiến triển bất ngờ.Ba cựu Cố vấn của TT đã bị khởi tố. Trong tình trạng rối như tơ vò, ông có tập trung được toàn tâm toàn ý cho chuyến đi hay không? Cuối cùng, tổng thống Mỹ có thể dành toàn tâm toàn ý cho chuyến công du châu Á này hay không ? Ba cựu cố vấn của tổng thống Mỹ bị khởi tố với các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian, không khai báo tài khoản ở nước ngoài và nói dối các nhà điều tra FBI hòng che giấu các mối liên hệ với các nhà trung gian Nga. Nói tóm lại, chưa có một chuyến công du châu Á nào của một nguyên thủ Mỹ lại gây hồi hộp như lúc này. Châu Á chờ đón Trump trong trạng thái lo lắng, ngờ vực và khó chịu. Ngược lại, Donald Trump đến với châu Á mà "lòng dạ bất an". 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511901

Hôm nay

2227

Hôm qua

2337

Tuần này

22275

Tháng này

218774

Tháng qua

121356

Tất cả

114511901