Diễn đàn

Bàn về xây dựng tiêu chí Con người văn hóa Nghệ An

Ngày 14/12/2016, BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An hóa XVIII ban hành  Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Ngày 28/7/2017, UBND tỉnh ra Kế hoạch hành động số 467/KH – UBND về thực hiện Nghị quyết nói trên. Trong kế hoạch, Sở Văn hóa và thể thao được phân công tham mưu xây dựng Bộ tiêu chí công nhận danh hiệu “Con người văn hóa Nghệ An” và tổ chức liên hoan điển hình tiên tiến “Con người văn hóa Nghệ An tiêu biểu, xuất sắc” 3 năm  một lần. Vậy  thế nào là “Con người văn hóa Nghệ An”?Đâu là cơ sở để có thể xây dựng Bộ tiêu chí này?

Theo Nghị quyết số 05,xây dựng con người văn hóa Nghệ An phát triển toàn diện có  6 nội dung lớn, như: Xây dựng con người có thế giới quan khoa học, phát triển về đức, trí, thể, mỹ; Chăm lo xây dựng con người văn hóa Nghệ An với những đức tính: yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước; cần cù, sáng tạo, ham học hỏi; có ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống mộc mạc, giản dị, trung thực, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung; tuân thủ pháp luật, tôn trọng kỉ cương, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, dân tộc; Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người xứ Nghệ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,..v..v. Tuy nhiên, thiết nghĩ, trước khi xây dựng những tiêu chí, có lẽ cần trả lời cho được: thế nào là con người văn hóa, con người văn hóa Nghệ An? Đâu là hệ giá trị chuẩn của con người xứ Nghệ?

Từ các vấn đề lý thuyết

Những câu hỏi ấy một lần nữa dẫn dắt chúng ta đến với các vấn đề lớn mà từ trước tới nay đã trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, triết học.Đó là câu chuyện về bản chất con người; văn hóa và mối liên hệ, tương tác giữa con người và văn hóa.

Từ xa xưa, người ta đã đi tìm câu trả lời cho bản chất của con người. Theo quan điểm của Phật giáo, con người được cấu thành bởi Danh (tinh thần) và sắc (vật chất). Sắc do “tứ đại” tạo nên là: địa (đất), thủy (nước), hỏa (lửa) , phong (gió). Danh do 4 yếu tố tạo nên là: thụ (cảm thụ), tưởng (suy tưởng), hành (hành động), thức (nhận thức). Khổng Tử thì cho rằng con người  là kết quả của sự hội hợp âm dương, trời đất. Mỗi con người sinh ra đã được trời phú cho bản tính tự nhiên nhưng do ảnh hưởng của thói quen sau này mà dần khác nhau. Trong các phạm trù đạo đức của con người, Khổng Tử đề cao chữ “nhân”. Ông xem đó là phạm trù trung tâm, cơ bản nhất tạo nên bản tính của con người. Một số tư tưởng khác như Mạnh Tử, Tuân Tử cũng cho rằng quá trình sống tác động, cải biến bản tính ban đầu của con người vốn được hình thành từ khi sinh ra.  Trong triết học phương Tây cổ đại, trung đại cũng có nhiều quan niệm khác nhau về con người như: con người là tiểu vũ trụ; con người là sản phẩm của thượng đế,…Triết học thời kỳ Phục Hưng cũng đã cho rằng các giá tri Chân, Thiện, Mỹ của con người thực ra là một thể thống nhất, khó tách rời.  Nhà triết học cổ điển Đức Ludwig Andreas Feuerbach cho rằng con người là một thực thể thống nhất  hiện hữu trong thời gian, không gian; nó không thể tách rời tự nhiên. Con người hoàn thiện có sức mạnh của tư duy (lý trí), sức mạnh của ý chí và sức mạnh của tình cảm (tình yêu).

Triết học Marx – Lenin chỉ ra con người là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật và xã hội. Con người sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định nên vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử. Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Do vậy, quá trình phát triển của con người bị chi phối bởi 3 quy luật: quy luật sinh học, quy luật hình thành tâm lý, ý thức và quy luật xã hội.

Chúng ta cũng có thể thấy những luận điểm tương tự trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người cũng cho rằng con người là một chỉnh thể thống nhất giữa mặt sinh họcvà mặt xã hội. Con người sáng tạo ra và hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần của xã hôi và là chủ thể của các mối quan hệ xã hội. Tính xã hội của con người được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau.

Như vậy, có thể thấy dù có những điểm khác biệt trong quan niệm nhưng tựu trung lại đều xác định bản chất con người không phải là bất biến.Nó chịu sự tác động, chi phối của môi trường..v..v. Một trong những mặt quan trọng khi nghiên cứu con người là vấn đề nhân cách. Nhân cách là một tổ hợp các thuộc tính tâm lý tương đối ổn định.Nó không chỉ được quy định bởi các yếu tố về mặt bẩm sinh, sinh học mà còn bởi sự giáo dục, sự tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.Từ việc xác định bản chất con người và những yếu tố tác động đến nhân cách con người này, chúng ta sẽ xác định được cách thức để hướng con người đến những giá trị tích cực, nói cách khác là xây dựng con người văn hóa như đề cập ở trên.

Về văn hóa, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều quan niệm, định nghĩa khác nhau. Tất nhiên, bài viết này sẽ không sa đà vào cuộc tranh luận đó. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một số điểm cơ bản để đi tới tìm sự liên quan, tác động giữa văn hóa và con người. Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì do con người sáng tạo ra; hiểu theo nghĩa hẹp là tổng thể những giá trị tạo nên nét đặc trưng/đặc thùcủa từng vùng, miền, giai đoạn. Dù có những khác biệt về định nghĩa hay phạm vi giới hạn thì chúng ta đều thống nhất rằng con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa và đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa. Đó là mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. GS Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra: “Đối với từng cá nhân, vai trò của văn hoá lại càng rõ. Văn hoá là cái môi trường có sẵn mà đứa trẻ sau khi lọt lòng mẹ được “nhúng” vào.Nếu sau khi ra đời, đứa trẻ bị ném vào rừng, bị bứt khỏi cái nôi văn hoá, nó sẽ lớn lên như một con thú.Chỉ có sống trong môi trường văn hóa, nó mới trở thành Người. Tuỳ thuộc vào chỗ được “nhúng” vào môi trường văn hóa nào, ở đứa bé sẽ hình thành nhân cách văn hoá ấy.”

Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra các mối liên hệ giữa văn hóa và nhân cách.Tuy nhiên còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.Theo các nhà nghiên cứu, hiện có 5 quan điểm phổ biến.Quan điểm thứ nhất được sử dụng bởi các tên tuổi như Ruth Benedict, Margret Mead và Geoffrey Gore.Quan điểm này cho rằng văn hóa và nhân cách có mối liên hệ chặt chẽ đến mức khó có thể tách biệt; khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người.Quan điểm thứ hai cho rằng không cần phải thảo luận về tâm lý của cá nhân riêng lẻ. Họ cho rằng con người hình thành và phát triển những phản hồi phù hợp với môi trường để tồn tại. Quan điểm thứ ba cho rằng các khía cạnh tâm lý cá nhân được xem như lànguyên nhân của hành vi xã hội. Quan điểm thứ tư là hòa giải nhân cách được phát triển bởi Abram Kardiner và Ralph Linton.Họ cho rằng môi trường tác động lên những thiết chế cơ bản ban đầu của xã hội. Điều này tác động lên cấu trúc nhân cách cơ bản.Các cấu trúc nhân cách cơ bản này sẽ tác động trở lại, hình thành nên những thiết chế thứ cấp như là tôn giáo, tín ngưỡng.Quan điểm thứ năm là hai hệ thống, được phát triển bởi Inkeles, Levinson và Melford Spiro. Nó cho rằng văn hoá và tính cách tương tác và cân bằng nhau. Văn hoá và tính cách được xem như các khía cạnh của một lĩnh vực tổng thể chứ không phải là các hệ thống riêng biệt.Nói cách khác, văn hoá và tính cách phụ thuộc lẫn nhau.Văn hoá ảnh hưởng đến các mô hình xã hội hoá, từ đó hình thành một số biến thể của nhân cách.

Như vậy dù ở góc độ nào chúng ta cũng thừa nhận văn hóa và con người có mối tác động qua lại, mối liên hệ với nhau. Mỗi con người sẽ tạo ra những giá trị riêng về vật chất và tinh thần, tác động đến xã hội và cũng đồng thời chịu tác động ngược trở lại. Ở góc độ nào đó, như vậy mỗi con người đều có những giá trị văn hóa riêng vì họ tham gia vào quá trình lao động và sáng tạo. Vì thế xây dựng con người văn hóa là khái niệm khó để định nghĩa, nắm bắt. Con người văn hóa ở đây có thể được hiểu theo nghĩa hẹp, theo chiều sâu của khái niệm văn hóa. Đó là những con người mang trong mình những giá trị đạo đức tốt đẹp, cách cư xử phù hợp với văn hóa; có ý thức, nhận thức; luôn khao khát hướng tới chân, thiện, mỹ. Khi chưa có được sự thống nhất về cái gọi là thế nào là con người văn hóa thì việc xây dựng tiêu chí cũng hết sức khó khăn.

Đến việc xây dựng con người văn hóa Nghệ An

Qua các luận điểm ở trên chúng ta có thể thấy vì con người chịu sự tác động của hoàn cảnh, xã hội nên muốn hướng con người đến những giá trị tốt đẹp thì phải làm sao tạo ra một môi trường lành mạnh, có văn hóa, giàu nhân văn. Bản thân mỗi cá nhân đã là một biểu hiện của văn hóa nơi cộng đồng, dân tộc họ sinh sống.Cũng chính mối tương tác qua lại này tạo nên sự đa dạng trong thống nhất.Nghĩa là mỗi con người dù có những đặc trưng tính cách, tâm lý riêng song ở một góc độ nào đó họ vẫn bộc lộ những đặc trưng văn hóa nơi mình sinh sống.

Cụ thể, người Việt Nam dù mỗi vùng miền có đặc trưng văn hóa, cá tính khác nhau song tựu trung vẫn mang trong mình những nét tính cách như: đoàn kết, yêu thương lẫn nhau; yêu nước; cần cù lao động; ham học hỏi,…Các đặc trưng tính cách dần biến đổi theo thời gian, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện lịch sử. Người Nghệ An nói riêng, xứ Nghệ nói chung cũng sẽ mang trong mình những nét tính cách, văn hóa Việt đồng thời có những đặc trưng văn hóa riêng. Nhiều nhà nghiên cứu đã từng xác định và chỉ ra các đặc trưng tính cách của người Nghệ và sự biến đổi của nó theo thời gian. Ví như, theoGS. Vũ Ngọc Khánh, mỗi người Nghệ thường mang trong mình 4 đặc điểm: Có lý tưởng trong tâm hồn, Trung kiên trong bản chất, Khắc khổ trong sinh hoạt và cứng cỏi trong giao lưu. Ngoài ra có thể thấy, người Nghệ hiếu học, chịu khó, trung thực, có ý chí đấu tranh và có tính cố kết cộng đồng cao.Trong phạm vi bài viết, chúng tôi không thể đề cập hết những nội dung về tính cách người Nghệ nhưng xin nhấn mạnh, đây chính là một cơ sở quan trọng cần xem xét nếu chúng ta muốn xây dựng tiêu chí con người văn hóa Nghệ An.

Tuy nhiên, khi xét kĩ lại, chúng ta sẽ thấy những đặc trưng tính cách trên rõ ràngkhông chỉ người Nghệ mà nhiều người ở vùng, miền khác cũng có. Vậy khác biệt của người Nghệ là gì?Phải chăng đó là mức độ biểu hiện đậm đặc hơn? Dù thế nào đi chăng nữa, nếu “nhặt nhạnh” nét đẹp tính cách người Nghệ, cuối cùng chúng ta sẽ trở lại với những nét đẹp căn bản trong bản chất con người Việt Nam và cũng là những chuẩn mực đạo đức được tôn vinh của xã hội. Vậy việc đưa ra các tiêu chí con người Văn hóa Nghệ An lúc này có cần thiết nữa hay không khi mà rút cục vẫn là hướng đến các giá trị, chuẩn mực đạo đức chung như từ trước tới nay?

Từ những lý thuyết trên ta có thể thấy, dù bản sắc và những giá trị tốt đẹp trên được xem như một hằng số song theo quá trình phát triển và những biến đổi của lịch sử, cần có sự tiếp biến, vận động phù hợp. Trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay, nhiều chuẩn mực, giá trị mới đang được định hình. Chúng ta cần thời gian để sàng lọc. Bởi thế, việc đưa ra một khung chuẩn hay bộ tiêu chí cho con người văn hóa hiện nay là khó.Không xem xét kỹ thì có thể sẽ trở nên xơ cứng, không phù hợp, khó được chấp nhận trong cộng đồng.

Lý thuyết của Freud về cái gọi là sự áp đặt của các giá trị văn hóa; sự mẫu thuẫn về tự do cá nhân và những đòi hỏi của văn hóa cũng cần được lưu tâm khi chúng ta xem xét xây dựng những tiêu chí, danh hiệu này. Ông cho rằng có sự xung đột khó dung hòa giữa tự do cá nhân và những đòi hỏi của văn hóa. Thậm chí ông nói: “Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu khước từ văn hóa và phục hồi những điều kiện sinh hoạt nguyên thuỷ.”Từ những quan điểm của ông hay của triết học cổ đại khi cho rằng mỗi con người là một tiểu vũ trụ, ta có thể thấy cá nhân là một thực thể sinh động và có cái tôi rõ nét. Qúa trình sống của mỗi người là quá trình tìm kiếm bản ngã, là đi tìm câu trả lời về bản chất của mình. Chính vì thế mà họ sáng tạo, đóng góp những giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng và tạo nên sự đa dạng. Sự đa dạng đó tạo nên nét đẹp cho văn hóa. Do đó, rất khó để hướng đến một bộ tiêu chí chung trong xây dựng con người văn hóa. Nói cách khác nhân rộng giá trị chung tốt đẹp không có nghĩa là triệt tiêu tính đa dạng hay cái riêng của mỗi cá nhân. Nghĩa là chúng ta hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ chứ không có nghĩa là áp đặt những khuôn mẫu hay triệt tiêu cá tính bởi điều đó có nghĩa là đi ngược lại với quy luật phát triển của đời sống con người, xã hội; là không tôn trọng tính tự nhiên, đa dạng của xã hội loài người. 

Cuối cùng, hãy thử đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc làm này.Liệu có cần thiết không về xây dựng, công nhận danh hiệu con người văn hóa Nghệ An? Liệu tính cách và những giá trị của con người có thể dễ dàng nhận biết, để cân, đo, đong, đếm theo những nội dung chúng ta vạch ra? Trong khi danh hiệu gia đình văn hóa bao lâu nay vốn tồn tại một cách rất hình thức; tỉ lệ gia đình văn hóa ngày một tăng, đồng thời tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm trong tỉnh cũng gia tăng thì việc xây dựng thêm một tiêu chí, một danh hiệu khác có ý nghĩa hay không?Những việc làm này là thừa khi mà hiện nay chúng ta đã có những cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; khi chúng ta đã có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng đến những giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội; khi từ lâu chúng ta đã có một hệ thống chuẩn mực đạo đức và pháp luật để điều chỉnh hành vi.

Hướng con người đến những giá trị đạo đức tốt đẹp là điều hết sức cần thiết đối với bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên việc lập các tiêu chí để công nhậnhẳn không phải là cách hiệu quả, không phải là hướng đi thích hợp để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong môi trường Nghệ An hiện nay. Điều quan trọng, thiết yếu nhất lúc này, thiết nghĩ, là làm trong sạch và lành mạnh lại môi trường sống, làm việc trên địa bàn; là tạo dựng niềm tin cho nhân dân; là giải quyết việc làm cho người trẻ; là tổ chức được những không gian sinh hoạt văn hóa cho bà con,…Những điều tôi nói ở đây không phải là phủ nhận vai trò của các chương trình tuyên truyền, của các hoạt động văn hóa mà thực chất là mong muốn đóng góp xây dựng để việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động được hiệu quả hơn, để phát huy vai trò thực sự của văn hóa nói chung, ngành văn hóa nói riêng trong đời sống xã hội. Và có lẽ, muốn làm được điều đó, không gì khác, là bỏ đi những câu chuyện vô nghĩa, những việc làm mang tính hình thức, không cần thiết mà việc xây dựng những tiêu chí, danh hiệu để bình bầu chính là một trong số đó. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512356

Hôm nay

2293

Hôm qua

2389

Tuần này

2293

Tháng này

219229

Tháng qua

121356

Tất cả

114512356